- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 14703
- Tổng truy cập: 3,368,713
TƯ LIỆU CẬP NHẬT VÀ QUAN ĐIỂM ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC
- 1418 lượt xem
-GS.TSKH Phan Đăng Nhật
– Với sự giúp đỡ của Phan Đăng Thuận
“Long Động văn chương quang nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà”
Bài viết của chúng tôi có 5 phần chính:
-Lịch sử đã lựa chọn Thái tổ Mạc Đăng Dung đứng lên giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thời Lê mạt
-Thái tổ Mạc Đăng Dung đã tránh cho đất nước khỏi hoạ xâm lăng, đẩy lùi cuộc chiến tranh của nhà Minh năm 1540.
-Vai trò của nhà Mạc đối với đất nước
-Nguyên nhân thành công và thất bại của nhà Mạc
-Họ Mạc theo dòng sử Việt
I.Lịch sử đã lựa chọn thái tổ Mạc đăng Dung đứng lên giải quyết cuộckhủng hoảng chính trị thời Lê mạt.[i]
Tình trạng khủng hoảng chưa từng có
Từ thời Lê Uy Mục trở đi, triều đình phong kiến nhà Lê khủng hoảng cung đình trầm trọng, cơ sở sâu xa của khủng hoảng này là phong kiến nhà Lê nặng tư tưởng bảo thủ lạc hậu về chính trị, tư tưởng kinh tế, văn hoá đối lập với xu hướng mới của lịch sử. Và biểu hiện rõ rệt nặng nề của nó là các vua từ Lê Uy Mục trở đi sống quá xa hoa truỵ lạc, không để tâm đến việc nước. Ví dụ như Lê Uy Mục vừa lên ngôi đã giết ngay những người trước không suy tôn mình làm vua, kể cả tổ mẫu Tháí hoàng Thái hậu Trường Lạc, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lê Hiến Tông. Bản chất Uy Mục hung ác lại phản trắc, say đắm tửu sắc. Đêm nào cũng cùng cung nhân hoan lạc rồi đến khi say thì giết đi. Phó sứ nhà Minh là Hứa Thiên Tích thấy tướng vua có đề câu thơ:
An Nam tứ bách vận vưu trường,
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?
Nghĩa là Vận nước An Nam còn dài bốn trăm năm, ý trời sao lại sinh vua quỷ sứ”[ii]
Lê Tương Dực, nổi lên giết Uy Mục và hoàng hâu, tự lập làm vua, tàn ác xấu xa, chơi bời xa xỉ không kém vua trước. Ông cho đóng thuyền bắt cung nữ cởi truồng bơi thuyền ở Hồ Tây cùng vua vui chơi, lấy làm vui thích lắm. Vua còn tư thông với cung nữ tiền triều. Sử Tàu gọi ông là vua lợn.
Trong một thời gian ngắn mà 5 vua bị giết (Uy Mục, Tương Dực, Quang Trị, Chiêu Tông, Cung Hoàng) ; hai lần thế lực chống đối lập ra vua mới.
Trong tình hình đó lịch sử rất cần một người có tài đức và ân uy đứng ra sắp xếp lại đất nước. Mạc Đăng Dung đã được thử thách và được lựa chọn.
Thái độ chờ đợi của Mạc Đăng Dung
Mạc Đăng Dung dẫu có công lớn bảo vệ nhà vua, dẹp loạn trong ngoài triều đình rất được trọng dụng, mà vẫn một mực phục dịch triều Lê, mong dựng lại triều chính, nhưng vẫn không được. Không những thế, vua (Lê Chiêu Tông) còn cùng một số quần thần bỏ lên Sơn Tây mưu chống lại. Cho đến cuối cùng, sau 16 năm chờ đợi (1511-1527), Ngài mới nhận chiếu nhường ngôi của vua Lê Cung Hoàng.
Lên ngôi mới được ba năm Thái Tổ nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh.
Vài nét về nhân thân của thái tổ Mạc Đăng Dung
Gia phả Mạc Phạm tộc (Ninh Bình) và tộc phả họ Mạc Nghệ tĩnh có ghi:
Cụ Mạc Đăng Thuật (Mạc Hịch), là con cả cụ Mạc Đăng Thiệu, đậu tiến sỹ niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông, vợ là Lý Thị Linh, sinh ra Mạc Đăng Dung
Mạc Đăng Hùng là con thứ hai cụ Mạc Đăng Thiệu, thông minh lỗi lạc, võ nghệ siêu quần, đậu Trạng Nguyên võ. Ông có tài đá cầu, cưỡi ngựa, bắn cung, được vua thân tín, thường được gọi vào cung chơi cầu.
Mùa xuân năm Kỷ tỵ, niên hiệu Quang Thuận, vua ngự thuyền trên sông Thiên Đức, (tức là con sông ở Bắc Giang qua hai huyện Đông Ngàn và Quế Dương), để xem các quan đá cầu, diễn võ. Ông Hùng biểu diễn tuyệt diệu, vua mải mê xem, không may trái cầu rơi vào thuyền ngự, phạm vào vua. Ông Hùng bị nhà vua kết án tử hình.
Sau khi em là Mạc Đăng Hùng bị vua kết án tử hình, họ hàng thất tán, cụ Thuật bỏ trốn, đổi tên và làm gã chèo đò, chuyên làm điều nhân nghĩa, tiền đò chỉ lấy sáu đồng, nên dân địa phương gọi là bến đò Sáu đồng.
Như vậy thân thế của vua Mạc Đăng Dung bắt nguồn từ hai dòng. Cội nguồn sâu xa là một gia đình khoa bảng, “phiệt duyệt gia thanh”. Cội nguồn thứ hai là con nhà lao động chèo đò. Hai cội nguồn đó tạo nên một Mạc Đăng Dung vừa có tri thức, trí tuệ minh mẫn, sán lán; vừa bình dị, thân dân.
Mạc Đăng Dung có tiếp nối nghề cha làm nghề sông nước. Mặc dầu đã làm vua, ông vẫn không coi thường nghề nghiệp cội nguồn của mình không quên thủa hàn vi, mà vẫn tự giác ham mê nghề cũ, một nghề lao động bình thường.
Đại Việt sử ký Toàn thư ghi: “Mùa đông, tháng 12 (Kỷ Sửu-1529), khi ấy Mạc Đăng Dung cướp ngôi đã được 3 năm, tự thấy mình tuổi già, bèn truyền ngôi cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh, tự xưng là Thái thượng hoàng, ra ở điện Tường Quang, coi nghề đánh cá là thú ngao du tự lạc”[iii]
Trước đó, Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử có ghi, Mạc Đăng Dung ba lần về Cổ Trai, có lần về đột ngột, có lần vua phải sai người về Cổ Trai ban mệnh phong vương của vua, có lần Mạc Đăng Dung đến bái yết vua, vào cửa trước rồi ra cửa sau, để về Cổ Trai. Những lần như vậy Mạc Đăng Dung có thể có lý do nào đấy, nhưng chắc cũng liên quan đến “thú ngao du tự lạc” với nghề sông nước.
Trong xã hội cũ, theo nếp chung, người thường cũng coi khinh lao động, huống chi là bậc vương giả. Mạc Đăng Dung là một trường hợp hiếm có trong lịch sử. Đây là bản chất sâu sắc và chân thật của Ngài. Với bản chất đó, nếu Mạc Đăng Dung có những chính sách thân dân, vì dân cũng là dễ hiểu.
Vua Mạc Đăng Doanh tiếp nối được đức độ của vua cha. Phan Huy Chú đánh giá ông là người khoan hậu, pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo: “Mạc Đăng Doanh là con Đăng Dung, tính tình khoan hậu. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình.”[iv]
II.Thái tổ Mạc Đăng Dung đã cứu đất nước khỏi hoạ xâm lăng, đẩy lùi cuộc chiến tranh của nhà Minh năm1540.
1.Mưu đồ của phong kiến nhà Lê.
Phong kiến nhà Lê đã nhiều lần liên tục cho người đi cầu cứu Minh đem quân sang đánh ta. Với danh nghĩa là đánh Mạc, nhà Minh sẽ thừa cơ tàn sát tiêu diệt luôn cả nước Việt. Đây là một mục đích truyền đời của phong kiến Trung Quốc. Nhà Lê thừa biết điều này, nhưng vì quyền lợi ích kỷ của vương quyền, vẫn cứ ra sức van nài nhà Minh. “Nhà Mạc muốn tránh nguy hiểm trong cuộc đụng độ với nhà Minh. Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh ngày càng thúc bách, một phần bởi những mưu đồ thù địch của một số bề tôi trung thành với nhà Lê”[v]
Rất nhiều lần phái đoàn vua Lê hoặc bề tôi cũ của nhà Lê đi sang Trung Quốc để tố cáo nhà Mac, kích động chiến tranh của nhà Minh. Riêng năm 1537 liên tiếp có 3 lần (kể cả trường hợp Vũ Văn Uyên):
– “Năm 1529, Trịnh Ngung, bề tôi cũ của nhà Lê đã sang Trung quốc để tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”[vi]
-“Ngay sau khi trung hưng triều Lê, năm 1533, Trịnh Duy Liêu liền được cử đi Trung Quốc để tiếp tục tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung” [vii]
-“Ngày 3 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 16 (13-3-1537 ), cháu dòng đích của vua An Nam tên là Lê Ninh (Trang Tông) sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô ….xin hưng binh hỏi tội để cứu nguy nạn nước”[viii]
-“Tháng 6 năm 1537, phái bộ của Trịnh Duy Liêu do triều đình Lê phái sang Yên Kinh”.[ix]
-“Ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 (9-10-1537). Trước đó người Giao Chỉ Vũ Văn Uyên mang đồng đảng đến hàng… Văn Uyên có 10.000 quân, đợi thiên binh xuống phía Nam, sai cháu là Vũ Tử Lăng đóng tại cửa ải Thạch Lang để nhập theo”[x]
Tóm lại, âm mưu của phong kiến nhà Lê “cõng rắn”, “rước voi” rất dai dẳng, quyết liệt. Hơn nữa, không những chỉ van xin, mà còn ra sức tạo điều kiện vật chất, cụ thể để quân Minh nhanh chóng và thuận lợi kéo sang đánh ta.
2. Vận mệnh của đất nước nghìn cân treo sợi tóc
-Ý chí quyết xâm lược của nhà Minh:
Vua Minh Thế Tông cử Thượng thư Mao Bá Ôn đi chinh thảo. Trước khi Mao Bá Ôn đi đánh cướp nước ta, vua Minh tặng một bài thơ, đầy khí chất hách dịch. Ông coi Mao Bá Ôn là kỳ lân, dân ta là kiến cỏ, đồng thời khẳng định nhất định thắng, hẹn trở về vua đích thân cởi áo bào cho Mao.
Trời thẳm kỳ lân sinh giống sẵn
Hang sâu kiến cỏ trốn đàng nào?
Thái bình khi chiếu đòi về nước
Trẫm cởi giùm ông chiếc chiến bào
Huy động quân đội và dân binh:
“Tháng 7 năm Gia Tĩnh 19, Hàm Ninh hầu Cừu Loan và thượng thư bộ binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng và Vân Nam để kiểm tra việc chuẩn bị hậu cần, cùng đội ngũ quân lính dự định cho cuộc chinh phạt phương Nam. Cừu Loan đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến như sau: “Chia chính binh ra làm ba đội tiễu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long châu và Tư Minh… Kể cả chính binh và kỳ binh là 22 vạn người” (Cương mục,, tập2, tr.114).
3.Các ý kiến khác nhau phía nhà Minh về việc đánh “An Nam”[xi]
Theo sách Minh Thực Lục từ tháng 11 năm 1536 có 10 sự kiện của nhà Minh liên quan đến vấn đề “chinh phạt An Nam”: sự kiện ngày 16-11-1936, sự kiện ngày 7-12-1536, ngày 12-1-1537, ngày 13-3-1537, ngày 20-3-1937, ngày 21-5-1937, ngày 16-6-1937, ngày 4-7-1937, ngày 8-9-1-1539, ngày 20-10 -1540. Chúng tôi đã thống kê và tóm tắt các sự kiện trên, qua đó rút ra các nhận xét sau:
1.Việc “chinh phạt An Nam” là quyết tâm sắt đá của triều đình Minh, mà Minh Thế Tông là đại diện. Do đó khi một số người đưa ra lẽ phải trái bàn bạc, có người ngăn cản, nhưng nếu trái ý, đều bị vua Minh gạt đi và xử phạt.
2.Quyết tâm xâm lược được tăng cường thêm sau khi quần thần nhà Lê liên tục xin cầu viện.
3.Trong khi cân nhắc, bọn Minh sợ nhất là lực lượng quân sự trong nước, do Mạc Đăng Dung đứng đầu. Họ đã đã nghe danh tài năng quân sự của vua Mạc và đội ngũ tướng lĩnh của ông. Giặc ở Châu Khâm và Châu Liêm đã nếm mùi ngọn giáo của Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi. Các trường hợp Phan Trân, Từ Cửu Cao, Hoàng Oản và đặc biệt Cừu Loan, tìm mọi cách trốn tránh là tiêu biểu cho tinh thần lo sợ của tướng lĩnh Minh. Chắc số lượng những người như thế này trong thực tế không ít. Biết rõ điều đó, nên Mạc Đăng Dung luôn luôn quan tâm tăng cường lực lượng chiến đấu đối phó với giặc, và cũng tìm cách lộ ra điều này để cho địch biết .
4.Qua diễn biến phức tạp của tình hình trên đây, chúng ta thấy rõ: Một mặt, quyết tâm tâm xâm lược của triều Minh rất cao; mặt khác họ cũng lo sợ sức chiến đấu của chúng ta dưới sự chỉ huy của Mạc Đăng Dung. Vậy, khẳng định “nhà Minh rõ ràng không dám xâm phạm đến nước ta”[xii] là vô căn cứ.
4. Chiến lược của Mạc Đăng Dung:
Mạc Đăng Dung thực hiện một chiến lược vừa đánh vừa hoà
-Chuẩn bị đánh: “Lê triều thông sử cũng cho biết Mạc Đăng Doanh đã tu sửa trại, sách, luyện tập thuỷ quân; trưng cầu hết thảy những cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước”.[xiii] Phục chức cho Thái bảo tĩnh quốc công Vũ Hộ, cử làm tả đô đốc Đông quân Chưởng phụ sự.
“Thù vực chu tư lục còn cho biết triều đình nhà Minh còn tranh cãi về việc đánh hay không đánh khá gay go. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh đã thấy quân dân Việt chuẩn bị chống lại quyết liệt, lấy thuốc độc, bã đậu (?)[xiv] bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao ngôn sẽ theo đường biển tập kích Quảng Đông. Như vậy chứng tỏ khi ấy nhà Mạc chuẩn bị sẵn sàng hai kế sách chiến và hoà” [xv]
-Lập nhiều đồn luỹ ở biên giới mà trong “Vãng giao chỉ đồ”, in ở An Nam đồ chí, nhà Minh gọi là “tặc doanh”.
– Cho người làm nhiệm vụ tình báo “dò la bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh, như trường hợp tri châu Nguyễn Cảnh, năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất Minh để thu thập tin tức bị thổ quan của Vân Nam giữ lại”[xvi]
5.Cách lựa chọn tài tình của Mạc Đăng Dung
Một số người buộc Mạc Đăng Dung về “tội” đầu hàng và dâng đất. Hãy căn cừ vào tư liệu lịch sử chính xác để xem xét hai sự kiện này
Thực chất việc thần phục, dâng đất
Ngô Đăng Lợi viết: “Qua ghi chép của Nghiêm Tông Giản, thì Mạc Đăng Dung cùng đoàn tuỳ tùng không được mặc phẩm phục, cổ đeo dây lụa tượng trưng cho sự đầu hàng đến lậy và cúi đầu (ngũ bái, tam khấu đầu) trước long đình che lọng vàng, tượng trưng cho hoàng đế nhà Minh, chứ không phải quỳ lạy viên tướng nhà Minh”[xvii] Cũng không phải cởi trần tự trói.
-Dâng đất khống:
* “Bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại từ trước, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị-xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh.”[xviii] Còn Lê-Trịnh mãi đến 1597 mới được nhà Minh xét công nhận (xem thêm ở phần sau)
*Trong biểu tâu nhà Minh, Mạc Đăng Dung cũng viết đúng như vậy, và nêu cụ thể lời của tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên, chắc chắn đó là sự thật: “ Mới đây thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông, Lâm Hy Nguyên, xưng rằng, các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy, thần xin vâng lời”[xix]
Nếu đối chiếu các điều kiện thần phục, trong tình hình đối nội đối ngoại quá gay gắt và phức tạp như đã trình bày trên, thì việc thần phục của vua Mạc chỉ mất một số hư danh mà được nhiều thắng lợi thực tế, trong đó quan trọng là tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc, bao gồm lực lượng của quân Minh bên ngoài ép vào và quân Lê- Trịnh từ trong đánh ra.
Nguyên nhân thắng lợi của chiến lược nhà Mạc
Nhờ đâu mà đập tan được âm mưu nhà Lê cầu xin Minh, đấy lùi được quyết tâm xâm lược sắt đá của nhà Minh?
-Trước hết là ý chí của nhà Mạc, bằng mọi giá không cho giặc đặt chân vào đất nước ta, như Mạc Ngọc Liễn là Đô uý thái phó Đà Quốc công, đồng thời là phò mã, khi lâm chung có di chúc lại: “….Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”[xx] Mạc Ngọc Liễn không phát ngôn ý kiến cá nhân mà tuyên bố tư tưởng lớn của nhà Mạc. Đinh Khắc Thuân nhận định đúng như vậy: “Lời trăng trối này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh với ngoại bang.”[xxi]
Thứ hai, là chủ trương vô cùng sáng suốt của Thái tổ Mạc Đăng Dung, chiến hoà kết hợp, hoà nhưng sẵn sàng chiến đấu. “Đầu hàng giả, chiến đấu thật”. Trong hoà không hại gì cho đất nước, chỉ dâng đất khống.
Thứ ba, Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa Trạng nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo về đất nước qua viêc hoạ thơ. Có người nói bải thơ đã đuổi được giăc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuôc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh này.
Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho Thiên triều hống hách giữ được thể diện. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi đươc 22 vạn quân Minh, mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.
Có thể nói, Thái tổ Mạc Đăng dung và nhà Mạc đã đấu tranh vô cùng thông minh, năng động, hiếm thấy trong lịch sử nước nhà.
III. Đóng góp của nhà Mạc đối với văn hoá, kinh tế, xã hội.
Trong suốt thời gian tồn tại ở Thăng Long (1527-1593) và ở Cao Bằng (1593-1683) nhà Mạc có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhà Mạc có nhiều chính sách để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế-xã hội đầu thế kỷ XVI.
1. Nhà Mạc chăm lo bồi dưỡng đào tạo nhân tài.
Trong suốt thời gian tồn tại ở Thăng Long (1527-1593), nhà Mạc luôn luôn chăm lo bồi dưỡng nhân tài. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm nhấn mạnh “Từ khi giành vương quyền (1527) đến khi phải rút khỏi Thăng Long (1592) triều Mạc không lúc nào sao nhãng việc giáo dục khoa cử. Cho đến năm 1592 quân Mạc thua to, bỏ kinh đô, nhưng hè năm đó Mạc Mậu Hợp vẫn tổ chức được kỳ thi tiến sĩ cuối cùng tại hành doanh Bồ Đề”(13). Ở Thăng Long, chưa kể ở Cao Bằng, nhà Mạc tổ chức được 22 khoa thi lấy đỗ 499 tiến sĩ và 13 trạng nguyên. Trong số những nhà khoa bảng do nhà Mạc tuyển chọn chúng ta có thể kể đến: Trạng nguyên Nguyễn Thiến, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Dương Văn An… Đặc biệt khoa thi Hội năm Ất Sửu (1565) đời Mạc Mậu Hợp, một tiến sĩ được vương triều Mạc chọn tuyển bằng một bài phú Nôm ở kỳ thi đệ tứ một sự kiện hiếm có trong lịch sử thi cử của nước ta, đó là tiến sĩ Nguyễn Văn Huy(14). Nhận xét về tác dụng của giáo dục khoa cử thời Mạc, nhà bác học Phan Huy Chú nói: “Nhà Mạc bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống đối với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”(15).
2. Nhà Mạc cố gắng xây dựng một nền kinh tế phát triển nhiều mặt.
Nhà Mạc thiết lập trong hoàn cảnh kinh tế xã hội khủng hoảng trầm trọng. Bởi vậy nhiệm vụ trọng tâm của nhà Mạc là phải nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế để ổn định đời sống của nhân dân.
Nông nghiệp
Nhà Mạc tiến hành khuyến khích phát triển nông nghiệp n ở mỗi địa phương là quan Khuyến nông sứ và Hà đê sứ. Cùng với sự góp sức của nhân dân, dưới sự chỉ đạo của nhà nước, nhiều đê điều đã được đắp và tu sửa trong thời kỳ này, cho đến nay “đê nhà Mạc” (đê Chân Kim – Kiến Thụy, Hải Phòng), đê Kinh Điền – An Lão, Hải Phòng, đê Hà Nam – Yên Hưng, Quảng Ninh) vẫn tồn tại trong tâm thức dân gian và còn để lại vết dấu. Đặc biệt, nhiều vùng còn đào các con kênh để thông nước tưới tiêu đồng ruộng tiêu biểu như kênh Núi Voi (An Lão), kênh Cái Giếng (Vĩnh Bảo)… Nhờ đó mà hoạt động sản xuất nông nghiệp khá phát triển. Không những vậy nhà Mạc còn tiến hành cho khai khẩn đất hoang để tăng thêm diện tích sản xuất. Trong tâm thức của nhân dân còn ghi nhớ: “sông đào nhà Mạc 99 khúc cho dân no ấm”.
Thủ công nghiệp.
Thủ công nghiệp thời Mạc rất phát triển. Từ thành thị đến nông thôn, hoạt động sản xuất thủ công nghiệp khá tấp nập, hình thành các làng nghề, các phường thợ có chuyên môn, hoạt động hiệu quả. Thợ thủ công đã mang tính chuyên nghiệp, thoát khỏi sự bó buộc của đồng ruộng, mức độ trao đổi sản phẩm trong nước và với nước ngoài cũng sôi động hơn, mang tính hàng hóa chứ không mang tính tự nhiên như trước… Những sản phẩm thủ công nghiệp không chỉ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của nhân dân mà còn phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, trong đó có nhiều tác phẩm đạt đến trình độ cao về nghệ thuật. Nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như: Chu Đậu, Bát Tràng… chuyên sản xuất gốm. Làng chạm khắc đá Kính Chủ…
Nội ngoại thương.
Nếu như thời Lê sơ “trọng nông ức thương” thì thời Mạc thương nghiệp rất phát triển. Nhiều chợ đã được nhà nước mở để thuận tiện cho nhân dân trong hoạt động buôn bán như chợ Cầu Nguyễn ở Thái Bình, chợ An Quý (Hải Phòng), chợ Tứ Kỳ (Hải Dương), chợ Phù Lưu (Gia Lâm-Hà Nội)…Trong dân gian còn lưu truyền câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Hạ Hôm (An Quý)”…
Hàng hoá thủ công nghiệp thời Mạc theo các thuyền buôn nước ngoài đi ra 28 nước trên thế giới. Đặc biệt gốm Chu Đậu nổi tiếng trong và ngoài nước. Chiếc tàu đắm ở Cù Lao Chàm khi trục vớt thấy có 24000 hiện vật thì phần lớn là gốm Chu Đậu. Hiện nay ở Bảo tàng Istamboul (Thổ Nhĩ Kỳ) còn lưu giữ hiện vật gốm Chu Đậu của nước ta.
Mặc dù trên quan điểm đối nghịch nhưng sử gia Lê-Trịnh vẫn phải thừa nhận về cảnh thái bình thời Mạc “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”.
3. Nhà Mạc xây dựng một xã hội với tư tưởng cởi mở, tự do về tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá của nhân dân được tôn trọng.
Người đời thường nói “Mạc thị sùng Nho” nhưng vương triều Mạc không độc tôn Nho giáo. Dưới thời Mạc văn hoá dân gian được phục hồi và phát triển. Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh: “Chỉ tới khi nhà Mạc lật đổ được nhà Lê sơ, lúc đó đã mục ruỗng cùng cực (có thể nói là một cuộc cách mạng), với những chính sách tự do hơn rất nhiều, đã như tạo nên một sự bùng nổ tạo đà cho “văn hoá dân gian” phát triển”. Giáo sư Trần cũng khẳng định thêm: “Mỹ thuật Mạc như khởi đầu cho một trang sử mới để tạo nên sự “náo nức” tới đỉnh cao ở cuối thế kỷ XVII với “nghệ thuật đình làng”.
Các tôn giáo như Phật, Lão được khôi phục và phát triển. Dưới thời Mạc một số chùa đã được trùng tu hoặc xây mới như: chùa Phổ Minh (Nam Định) có mộ và tượng của công chúa Mạc Ngọc Lâm, chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)… Theo thống kê của Nguyễn Du Chi trong Mỹ thuật thời Mạc qua khảo sát điền dã và qua tư liệu bia ký thì hiện nay còn dấu tích của 142 chùa, 2 cầu, 12 đình làng, 7 quán đạo, 8 miếu, 3 chợ, 2 bến đò…
Đình là nơi họp mặt quan viên, hào mục, dân làng và thờ cúng thần linh thế mà ở đình Tây Đằng hình ảnh thần thánh bị che mờ bởi các sinh hoạt đời thường của thường dân: cảnh nam nữ tình tự, cảnh đi thuyền, làm xiếc, săn bắn khỉ, gánh con,… Xin giới thiệu cụ thể sau đây cảnh gánh con, xiếc chồng người voi lồng và hai cô gái cưỡi phượng, cưỡi rồng:
Hai cô gái cưỡi phượng, cưỡi rồng ở đình Tây Đằng
-Gánh con tượng trưng cho nỗi khổ của người dân nghèo trong cảnh tao loạn. Một người phụ nữ nhỏ bé so với khối lượng của hai đứa bé trong hai bên thúng, bước đi trên đường gian lao gập ghềnh như bước trên sóng
–Xiếc chồng người tượng trưng cho tài năng của con người.
Phù điêu tạp kỹ chồng người ở đình Tây Đằng
Trong lúc trò xiếc (tạp kỹ) này, thời Mạc, được chạm khắc ở đình làng, để mọi người được quan chiêm, thì thời Lê sơ bị cấm đoán: Tháng tư năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Thuận (1465)vua Lê Thánh Tông lệnh cho bộ Lễ đôn đốc sửa đổi phong tục dân gian, tiết Trung nguyên không được lập đàn chay, không được hát xương chơi đùa và bày trò tạp kỹ.[1]
-Phù điêu voi lồng.
Voi ở các đình đền thường chỉ quỳ xuống để chầu hoặc đứng chầu. Voi ở đây bay lên, bốn chân duỗi ra, đầu quay ngoắt lại nhìn. Không còn tác phong nặng nề của con vật chỉ biết phủ phục, quy thuận. Theo GS Trần Lâm Biền đây là biểu trưng của mưa.[2] Theo chúng tôi đây là biểu tượng sụ vùng lên của nông dân, một tầng lớp vốn rất hiền lành nhưng có một sức manh ghê gờm, mỗi khi sức mạnh này lồng lên thì có thể lật nhào được tất cả.
Tóm lại VHDG thời Mạc được phát triển về số lượng và bừng lên về nghệ thuật. Trong lúc đó, thời Lê sơ nền văn hoá này thường bị cấm đoán.
“Đến thời Lê, các tập tục dân gian phải chịu sự phán xét khắc nghiệt của vua quan dưới cái nhìn Nho giáo. Mở đầu là năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hoà (1448), khi vua Lê Nhân Tông vào Thanh Hoá, các quan xa giá thấy dân chúng hát điệu “rí ren”, con trai con gái vừa hát vừa quàng chân tay nhau đã ra lệnh cấm. Từ đó, các triều vua đã từng bước can thiệp vào phong tục tập quán làng xã”[xxii]
Về ca nhạc, tháng 5, năm 1437, do kiến giải về âm nhạc của Nguyễn Trãi mâu thuẫn với kiến giải của Lương Đăng, nên Nguyễn Trãi “xin trả lại công việc”. “Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo.Vua yết thái miếu, bãi bỏ trò hát chèo, không tấu dâm nhạc nữa”[xxiii] (chú thích trong sách Đại việt sử ký toàn thư: dâm nhạc đối lập với nhã nhạc, ở đây chỉ các làn điệu dân gian
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét: “Tôi (Trần Quốc Vượng-Tg) cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển, Việt Nam đã có một cuộc cải cách giống như thời Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm. Dương Kinh là sự thể hiện tư tưởng hướng ngoại của nhà Mạc”.
4. Nhà Mạc ở Cao Bằng-sự kế tục tư tưởng và chính sách vốn có, ở hoàn cảnh mới.
Sau khi thất bại ở Thăng Long (1592), vương triều Mạc rút lên Cao Bằng. . đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế xã hội nơi đây.
Nhà Mạc đặt vương phủ ở Cao Bình- Nà Lữ. Mạc Kính Cung đã chấn chỉnh ky cương mọi mặt, cắt đặt mọi việc như lúc còn ở kinh đô Thăng Long chăm lo thu phục lòng dân mở trường Quốc học, mở khoa thi, thu dụng nhân tài, khuyến khích phát triển nghề nông, các nghề thủ công, mở mang đường sá, đặt nhiều chợ búa cho thương mại phát triển, sửa sang lại các thành và cho đắp nhiều thành nhỏ ở các nơi hiểm yếu, chiêu binh luyện mã, đặt ra các cơ ngũ chỉnh tề. Đối với nhân dân lại giảm nhẹ sưu thuế, bớt các hình phạt hà khắc, xử tội nặng các quan chức tham ô, nhũng nhiễu, ức hiếp dân. Tổ chức hội hè vua quan bách tính cùng vui. Sự nghiệp đó duy trì đế nghiệp lâu dài bền vững ở Cao Bằng. Khi có thời cơ sẽ lấy lại Thăng Long thu phục cả nước như thưở mới khai sáng nhà Mạc.
Tại Cao Bằng nhà Mạc vẫn tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài. Nhiều khoa thi đã được tổ chức và kén chọn được nhiều người hiền trong số đó phải kể đến tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong chế độ giáo dục khoa cử ở nước ta, Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Văn…
Không những vậy lên Cao Bằng họ Mạc còn mang theo cả trình độ cũng như cách thức sản xuất của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ lên nơi đây. GS Nguyễn Minh Tường đã nhận xét rất đúng rằng: “Nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới vị trí hiểm trở của vùng cát cứ Cao Bằng và sự che chở của nhà Minh, nhà Thanh đối với họ Mạc. Nói như vậy là hoàn toàn đúng song có lẽ chưa thật đầy đủ. Vì lẽ, nếu như con cháu họ Mạc không nhận được sự ủng hộ của nhân dân ở hầu khắp miền Bắc thì dù địa bàn hoạt động thuận lợi mấy đi nữa hay kể cả được phong kiến Trung Quốc gây áp lực với triều đình Lê-Trịnh, họ cũng không thể trụ lại ở Cao Bằng lâu như vậy”(16).
5. Tổng số các vị vua triều Mạc và các năm trị vì
– Vua Mạc Đăng Dung (1527-1529)
– Vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540)
– Vua Mạc Phúc Hải (1541-1546)
– Vua Mạc Phúc Nguyên (1547-1564)
– Vua Mạc Mậu Hợp (1565-1592)
– Vua Mạc Toàn (1592)
– Vua Mạc Kính Chỉ (1592-1593)
– Vua Mạc Kính Cung (1593-1625)
– Vua Mạc Kính Khoan (1623-1628)
– Vua Mạc Kính Vũ (1628-1677)
– Vua Mạc Kính Chửu/Mạc Kính Chủ/Mạc Nguyên Thanh/Mạc Kính Hỉ (1677-1681)
– Vua Mạc Kính Nghi/Mạc Kính Quang/Mạc Kính Tiêu (1681-1683)
Như vậy, tổng cộng vương triều Mạc có 12 đời vua với thời gian là 158 năm. Số lượng 12 đời vua đã được tài liệu trong và ngoài nước khẳng định. Riêng danh hiệu các vua thứ 11 và 12 chưa được xác định (như trên đã ghi). Giới sử học đang tiếp tục nghiên cứu.
IV. Nguyên nhân thành công và thất bại của nhà Mạc.
Nói về nguyên nhân thành công cũng như thất bại của vương triều Mạc, các nhà nghiên cứu có những lý giải khác nhau. Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:
1.Nguyên nhân thành công.
Nhà Mạc đã có nhiều chính sách nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội. Vào đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nạn bao chiếm ruộng đất đã tước đoạt một cách công khai số ruộng đất vốn ít ỏi của nông dân, số ruộng tư hữu ngày càng nhiều và tình trạng bóc lột nông dân đến cùng cực càng trở nên phổ biến, làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có của địa chủ, quan lại với nông dân. Nông nghiệp ngày một sa sút, mất mùa, đói kém, hỗn chiến giữa các phe phái khiến xã hội ngày càng khủng hoảng hơn. Trong lời hịch của mình, bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã phải thốt lên: “dùng ngón ngầm để vét vơ tiền của, càng mặc sức tham lam. Bốn biển đã khôn cùng, muôn dân đều sầu oán”(17). Các trung thần nhà Lê tìm cách hiến kế để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Lương Đắc Bằng dâng kế sách trị bình cũng không thể thay đổi được thực trạng đó. Mạc Thái Tổ sáng lập ra triều Mạc trong bối cảnh xã hội đầy biến động đó, và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa xã hội. Đặt những thành tựu ấy trong khung cảnh chính trị những năm nửa đầu thế kỷ XVI mới thấy hết giá trị và vai trò to lớn của các vị vua Mạc.
Về kinh tế: Nông nghiệp ổn định và phát triển với chính sách “binh điền”. Với một lực lượng quân đội đông đảo (khoảng 12 vạn quân), nhà Mạc đã tạo dựng số ruộng lính khiến họ có thể yên tâm chiến đấu, vừa đáp ứng được phần nào nhu cầu ruộng đất cho nông dân làng xã. Thủ công nghiệp cũng được nhà Mạc tạo điều kiện phát triển một cách mạnh mẽ. Thương nghiệp phát triển, giao lưu buôn bán với nước ngoài trên quy mô rộng lớn.
Về văn hoá giáo dục: Nhà Mạc chú trọng giáo dục khoa cử để đào tạo nhân tài cho đất nước. Dưới thời Mạc có nhiều trí thức nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Nguyễn Thiến, Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Dương Văn An… Tuy coi trọng giáo dục khoa cử nhưng nhà Mạc không độc tôn Nho giáo mà cởi mở tự do trong hoạt động tôn giáo.
Sự cởi mở, tự do trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, việc dung hòa các tôn giáo khiến Nho giáo không còn là hệ tư tưởng độc tôn như thời Lê sơ, đã tạo điều kiện cho nhà Mạc có một nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Đại Việt thế kỷ XVI có thể coi như sự gạn lọc những tinh hoa để thu nhận về mình một nền văn hóa đặc sắc, có nhiều nét mới mẻ, phong phú. Đây chính là thành tựu lớn mà nhà Mạc đạt được, nhân dân có được một cuộc sống phóng khoáng cởi mở, không bị gò ép trong những lễ giáo phong kiến hà khắc, họ được tự do sáng tạo với những ý tưởng của mình. Vì vậy, những công trình kiến trúc, điêu khắc của nhà Mạc mang tính dân gian đậm nét, cởi mở và phong phú; không phải triều đại phong kiến nào cũng có thể làm được như vậy.
Nguyên nhân sự thành công của nhà Mạc còn phải kể đến tài năng và phẩm chất của các vị vua đầu triều như Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Phụ chính Mạc Kính Điển, Phò mã Mạc Ngọc Liễn. Nhận xét về tài năng của Mạc Thái Tông, Phan Huy Chú viết: “Đăng Doanh, tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ trong nước gọi thời ấy là trị bình”(18).
2. Nguyên nhân thất bại.
-Trước hết là mất đoàn kết trong triều đình nhà Mạc. Năm 1546, vua Mạc Phúc Hải băng hà, hoàng thái tử Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi. Bởi vậy trong nội bộ triều đình Mạc xuất hiện hai phái. Phái thứ nhất muốn đưa hoàng thái tử Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi. Phái này do một số hoàng thân nhà Mạc như Mạc Kính Điển, Mạc Đôn Nhương…đứng đầu. Phái thứ hai muốn đưa Mạc Chính Trung là con thứ của Mạc Thái Tổ, một người đã trưởng thành, lập nhiều chiến công trong trân mạc. Phái này do Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi đứng đầu. Cả hai phái này đánh giết lẫn nhau. Cuối cùng phái Phạm Tử Nghi-Mạc Chính Trung thua. Việc này đã làm cho lực lượng quân sự nhà Mạc bị tổn thất. Tại sao Mạc Kính Điển lại kiên quyết muốn đưa hoàng thái tử Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi? Điều này có thể lý giải như sau: rút kinh nghiêm từ việc tranh giành ngôi vua của nhà Lê sơ nên họ Mạc muốn xác lập ngôi vua cho dòng trưởng, để tránh tình trạng tranh giành nhau ngôi vua giữa dòng trưởng và dòng thứ.
-Tiếp đến là sự mất đoàn kết giữa quan văn và quan võ trong triều đình nhà Mạc. Quan văn được tuyển lựa qua giáo dục khoa cử đã dèm pha công kích hệ thống võ quan từng theo Mạc Thái Tổ lập nên cơ nghiệp nhà Mạc, nhất là khi Mạc Thái Tổ băng hà. Tiêu biểu là vụ hiềm khích giữa Lê Bá Ly và cha con Phạm Quỳnh dẫn đến việc Lê Bá Ly đem theo quân về hàng Lê-Trịnh.
-Cũng giống như bao triều đại phong kiến khác trong lịch sử, các vị vua nối ngôi không giữ được những phẩm chất tốt đẹp của các bậc tiên đế , cũng khiến cho cơ nghiệp tổ tông không giữ được.
-Điều quan trọng nhất là trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI có 2 xu hướng:
. Xu hướng tư hữu hoá ruộng đất, hình thành giai cấp tư sản, mở rộng tự do dân chủ.
. Xu hướng quan liêu bảo thủ Tống nho, trọng nông ức thương, bế quan toả cảng, độc quyền Nho giáo.
Cả hai xu hướng này đấu tranh loại trừ lẫn nhau. Sự thất bại của nhà Mạc là sự thất bại của xu hướng thứ nhất. Trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, nhà Mạc chưa đủ điều kiện để chiến thắng xu hướng thứ hai . Xu hướng này còn tồn tại dai dẳng qua nhà Nguyễn và đến Cách mạng tháng Tám 1945 mới được giải quyết về cơ bản.
V. Họ Mạc theo dòng sử Việt.
1 .Dưới xã hội phong kiến Việt Nam.
Hiện nay ở nhà thờ họ Vũ Tiến (gốc Mạc) còn lưu giữ đôi câu đối:
“Phiệt duyệt gia thanh Trần triều Mạc trạng nguyên chi hậu
Nguyên lưu thế phả Đông Hải, Thanh Hà huyện dĩ lai”.
Đúng như vậy, dòng họ Mạc là một dòng họ “trâm anh thế phiệt” luôn luôn có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Thời Lý có Mạc Hiển Tích, Mạc Hiển Quang, hai anh em cùng đỗ tiến sĩ làm quan đồng triều. Đến thời Trần có Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông không chỉ là một nhà chính trị với tài “kinh bang tế thế”, một nhà văn hoá, một nhà ngoại giao tài ba. Tên tuổi ông không chỉ vang khắp đất nước Đại Việt mà còn vang tới Trung Quốc, Cao Ly… Ông làm Tể tướng dưới 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông. Tuy là vị quan đầu triều nhưng ông sống rất thanh liêm. Ông có một di ngôn nhắn lại hậu thế: “phẩm hàm của cải không do bàn tay mình làm ra thì không được tơ hào đến”.
Đến thời Lê sơ là một bước ngoặt đối với dòng họ Mạc. Sau ba phần tư quãng đời phò giúp nhà Lê với một niềm hi vọng cứu giúp triều Lê sơ khỏi sụp đổ nhưng không được, Mạc Đăng Dung đành phải bước lên ngai vàng trong tiếng tung hô của muôn dân.
Thời Nguyễn họ Mạc để lại dấu ấn trong lịch sử với Mạc Cảnh Huống khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Ông là một trong 3 vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Ngoài ra, họ Mạc còn có bà Mạc Thị Giai (cháu gọi Mạc Cảnh Huống là chú) là hoàng hậu nhà Nguyễn, vợ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Lan.
2 .Trong phong trào giải phóng dân tộc.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cũng như bao người dân đất Việt, con cháu hậu duệ nhà Mạc sục sôi lòng căm thù giặc, đứng lên theo tiếng gọi non sông chống thực dân Pháp xâm lược. Biết bao người con ưu tú của họ Mạc đã ngã xuống để cho dân tộc trường tồn. Chúng ta đã biết đến Tổng đốc Hoàng Diệu, Mạc Đĩnh Phúc, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu, Lều Thọ Nam, anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi…..
3. Trong công cuộc xây dựng đất nước.
Không chỉ có những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, con cháu họ Mạc cũng đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Đó là anh hùng lao động Hoàng Hanh, anh hùng Lều Vũ Điều, trung tướng Phạm Kiệt, anh hùng Thái Doãn Đệ… Đó là các nhà khoa học như giáo sư Vũ Đình Cự, giáo sư Hoàng Tuỵ, giáo sư Hoàng Phê, giáo sư tiến sĩ khoa học Thái Duy Tuyên, giáo sư tiến sĩ Mạc Đường, giáo sư nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Lượng….
Ngày nay vì hoàn cảnh lịch sử, hậu duệ nhà Mạc mỗi người mang những họ khác nhau nhưng họ luôn ý thức được truyền thống tốt đẹp của dòng họ , đang đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ./.
CHÚ THÍCH
(1): Phan Huy Lê: Tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, do Hội khoa học lịch sử Việt Nam- Viện Sử học- Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản, Hà Nội 1996, trang 513)
(2): Phan Huy Lê: Tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sách đã dẫn, trang 513)
(3): Đinh Khắc Thuân (2001): Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 87-88
(4): Văn Tạo: Nhà Mạc và vấn đề nguỵ triều trong lịch sử (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sách đã dẫn, trang 50)
(5): Trần thị Vinh (1995): Thể chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI và những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung tiến tới thành lập vương triều Mạc (trong cuốn Vương triều Mạc của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1996, trang 26-27)
(6): Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1999, tr 295.
(7): Xem thêm các bài viết sau:
-Trần Khuê: Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhà Mạc (trong (Viện Khoa học xã hội- Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm: Nguyễn Bình Khiêm trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc, Nxb Đà Nẵng 2000 từ trang 15 đến trang 51)
-Huệ Thiên: Mạc Đăng Dung có “dâng đất” cho nhà Minh không? (trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, phụ san của Tạp chí Văn, HộiNhà văn thành phố Hồ Chí Minh-Số 70, ra ngày 15/10/1991)
-Nguyễn Minh Tường: Quan hệ bang giao giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỷ XVI (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 06/1991)
-Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao thời Mạc (Trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam tháng 9/2010)….
(9): Huệ Thiên: Mạc Đăng Dung có “dâng đất” cho nhà Minh không? (trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, phụ san của Tạp chí Văn, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh-Số 70, ra ngày 15/10/1991)
(10): Trần Quốc Vượng (1991): Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thế kỉ XVI (trong cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (kỷ yếu Hội nghị nhân 400 năm mất), do Hội đồng lịch sử Hải Phòng- Viện Văn học Việt Nam xuất bản, Hải Phòng- 2005), trang 36-37)
(11): Đinh Khắc Thuân (2001): Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 87-88
(12): Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao thời Mạc (Trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam tháng 9/2010, tr217-218)
(13): Nguyễn Hữu Tâm: Tình hình giáo dục thi cử thời Mạc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 06/1991.
(14): Trần Lê Sáng: Phùng Khắc Khoan- cuộc đời và thơ văn, Nxb Hà Nội, 1985, tr30.
(15): Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập III, “Khoa mục chi”, Nbx Sử học- 1960, tr18.
(16): Nguyễn Minh Tường: Nhà Mạc sau năm 1592 (trong sách: Vương triều Mạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996, tr 304).
(17): Đại Việt sử ký toàn thư, tập3, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội-2003, tr75.
(18) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí – Tập I, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr 180.
[1] Khâm định Việt sử thông giám cương mục. NXB Giáo dục, H, 1998, tr.1012
[2] Các ảnh trong bài này lấy từ sách Nguyễn Tiến Cảnh chủ biên: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H, 1993.
[i] GS Văn Tạo: Nhà Mạc và Thái tổ Mạc Đăng Dung trong lịch sử dân tộc, trong sách Kỷ yếu khoa học, Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, H, 2010. tr.9-15.
[ii] Dại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học xã hội, 1998, tr42.
[iii] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học xã hội,H, 1998, tr.113.
[iv] Phan H uy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, NXB Giáo dục, H, 2006, tr.257-258.
[v] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… NXB khoa học xã hội H, 2001,tr. 73
[vi] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… NXB khoa học xã hội H, 2001,tr. 73
[vii] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… NXB khoa học xã hội H, 2001,tr. 74
[viii] Minh thực luc, v.80,t.4156-4157; Thế Tông q.197; t.1b-2a (tất cả tư liệu Minh Thưc Lục trong bài này đều tiếp dẫn theo Việt sử , Hồ Bạch Thảo, Thư ấn quán, 2009.)
[ix] Đinh Khăc Thuân : Lịch sử triều Mạc…Sách đã dẫn tr.76
[x] Minh Thực Lục, v.80, t.4262; Thế Tông q.204, trang1b (Tiếp dẫn)
[xi] Ý kiến của phần này lấy trong tư liệu của Hồ Bạch Thảo, Việt sử : tư liệu cùng lời bàn, Quyển hạ, Thư ấn quán, 2009. (Tư liệu do Chu Xuân Giao cung cấp, cám ơn)
[xii] Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam tập 1,NXB Khoa học xã hội, 1971, tr, 288-291.
[xiii]Đại Việt thông sử, bản dịch, 1968, t.4, tr. 139-141.
[xiv] Bã đậu thì có độc đâu, chắc chúng ta làm việc này để doạ địch.
[xv] Ngô Đăng Lợi:Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh…Trong sách Nhà Mạc và dong họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản, H,1996, tr. 134.
[xvi] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua….Sdd, tr.78-79.
[xvii] Ngô Đăng Lợi: Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh…Sách đã dẫn, tr135.
[xviii] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua…, Sdd, tr.88.
[xix] Minh Thực Lục, v.82, t. 4966-4973; Thế Tông , q.248, t.1b-5a (chuyển dẫn)
[xx] Đại việt sử ký toàn thư, tr.189.
[xxi] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc,…Sdd, tr. 81.
[xxii] Lê Thị Hiền chủ biên: Giáo trình chính sách văn hoá, NXB Đại học Quốc gia, H. 2009, tr.100.
[xxiii] -Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội,H, 1998, tr.339.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.