- Đang online: 3
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20754
- Tổng truy cập: 3,371,178
TRUYỀN THUYẾT VỀ MẠC ĐĂNG DUNG
- 3116 lượt xem
Phạm Thị Phương Anh
TRUYỀN THUYẾT VỀ MẠC ĐĂNG DUNG
Luận văn Thạc sĩ Văn học
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1.1. Lý do văn hóa xã hội.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương quan trọng của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn đổi mới và hội nhập như hiện nay. Nghị quyết hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VII đã khẳng định: “Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” [75;1]. Văn kiện hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Cần phải hết sức coi trọng, bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” [75; 1]. Như vậy, Đảng và nhà nước ta luôn khuyến khích việc tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa truyền thống để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc – một trong những yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh nội lực để Việt Nam hòa nhập cùng thế giới. Hơn nữa: “Chính trong văn nghệ dân gian ta tìm thấy những điều cơ bản nhất của bản sắc văn hóa dân tộc” [10; 33]. Vậy nên, nghiên cứu văn học dân gian chính là một hoạt động thiết thực để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo chủ trương của Đảng và nhà nước.
1.2. Lý do khoa học.
Văn học dân gian, đặc biệt là truyền thuyết dân gian là nguồn tư liệu quý giá bổ sung cho sử học. Người đời sau muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc không chỉ căn cứ vào những bộ sử đồ sộ được các sử gia ghi chép công phu mà còn phải tìm đến những câu truyện truyền thuyết được nhân dân lưu truyền. Bởi lẽ, truyền thuyết là lịch sử truyền miệng của nhân dân, nó phản ánh chân thực những tình cảm, suy nghĩ, cách đánh giá của nhân dân các thời đại với lịch sử. Hơn thế, khi sáng tạo và lưu truyền các truyền thuyết ấy, họ không hề bị chi phối bởi quyền lực của kẻ thống trị, không bị lệ thuộc vào một hệ tư tưởng gò bó nào. Vì những lí do ấy, đôi khi văn học dân gian lại cung cấp cho ta những tư liệu với quan điểm hoàn toàn khác biệt, thậm chí trái ngược với quan điểm của các sử gia trong sách vở. Trường hợp của Mạc Đăng Dung – vị vua khởi đầu triều Mạc với những cách nhìn trái ngược từ phía nhân dân và các sử gia là một hiện tượng tiêu biểu.
Mạc Đăng Dung là vị vua khởi dựng một vương triều phong kiến tồn tại 65 năm trong lịch sử Việt Nam (ngoài ra, Mạc triều còn cát cứ trên Cao Bằng gần 90 năm). Tuy nhiên, quan điểm đánh giá về nhân vật này của nhân dân và của các sử gia đương thời hoàn toàn trái ngược. Dưới con mắt của các sử gia phong kiến, Mạc Đăng Dung là kẻ nghịch thần cướp ngôi, bán nước, còn Mạc triều là ngụy triều. Trong khi đó, với nhân dân, nhất là nhân dân vùng Kiến Thụy, Hải Phòng – nơi phát tích của nhà Mạc thì Mạc Đăng Dung là niềm tự hào của quê hương, là phúc thần đem đến cho nhân dân cuộc sống bình an, no đủ. Đặc biệt, những truyền thuyết về nhân vật này hiện nay vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trong vùng. Đây là hiện tượng văn hóa rất đáng lưu ý nhưng trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, chúng tôi đi vào tìm hiểu những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung hiện đang lưu hành ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng với mong muốn phần nào làm sáng tỏ vị trí của Mạc Đăng Dung trong tâm thức cộng đồng. Qua đó chúng tôi hi vọng đóng góp một phần công sức mong muốn các nhà khoa học hãy chú ý hơn nữa tới quan điểm của nhân dân khi đánh giá một nhân vật lịch sử phức tạp.
1.3. Lý do cá nhân.
Là một người con của thành phố Hải Phòng, người viết mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc bảo lưu và phát triển di sản văn hóa dân gian của quê hương mình. Tìm hiểu những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trên quê hương Kiến Thụy, Hải Phòng là một hoạt động thiết thực giúp tôi có thêm những hiểu biết về văn hóa dân gian địa phương. Đối với một giáo viên Ngữ văn, đây là nền tảng vô cùng thuận lợi để tôi giúp học sinh hiểu biết thêm về lịch sử và văn hóa địa phương.
2. Lịch sử vấn đề.
Mạc Đăng Dung là cháu mười hai đời của trạng nguyên Mạc Hiển Tích và là cháu bảy đời của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Hai vị trạng nguyên họ Mạc đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà khiến sử sách ngợi ca, nhân dân muôn đời truyền tụng. Đến lượt mình, Mạc Đăng Dung cũng để lại những dấu ấn nhất định trong lịch sử Việt Nam với việc khởi lập một vương triều kéo dài 65 năm. Mặc dù vậy, so với hai bậc tiền nhân, số phận lịch sử của Mạc Đăng Dung đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Bởi lẽ, số phận lịch sử của Mạc Đăng Dung gắn liền với số phận của vương triều Mạc – một vương triều mà cho đến nay tính chính thống của nó vẫn còn đang được đánh giá. Do đó, quá trình nghiên cứu về Mạc Đăng Dung nói chung và truyền thuyết về Mạc Đăng Dung nói riêng là một quá trình phức tạp và luôn luôn được tiến hành song song với việc đánh giá lại vai trò của nhà Mạc trong lịch sử. Nhìn chung, quá trình nghiên cứu về Mạc Đăng Dung có thể chia thành hai giai đoạn:
2.1. Giai đoạn trước năm 1985.
Mạc Đăng Dung là vị vua khởi dựng vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Cho nên sử sách là nguồn tư liệu đầu tiên ghi chép về thân thế, sự nghiệp của nhân vật này. Bộ sử đầu tiên ghi chép về nhân vật Mạc Đăng Dung là Đại Việt sử kí toàn thư do nhiều sử gia biên soạn trong một thời gian dài, được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697 dưới thời Lê Hy Tông. Trong bộ sử này, các tác giả vẫn sử dụng những tư liệu trong truyền thuyết dân gian để khắc họa các nhân vật lịch sử mặc dù đã rất hạn chế những yếu tố có thể coi là hoang đường (theo quan điểm của người biên soạn). Đối với nhiều nhân vật lịch sử anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Công Uẩn, Lê Lợi… các sử gia đã dành nhiều trang để thuật lại những truyền thuyết dân gian về xuất thân, hành trạng, cuộc đời của họ với mục đích ngợi ca, thần thánh hóa nhân vật. Song đối với Mạc Đăng Dung, các sử gia chủ yếu ghi chép những điểm chính về thân thế, sự nghiệp của nhân vật mà ít chú ý đến những truyền thuyết hoặc tư liệu dân gian về nhân vật này. Trong Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép về Mạc Đăng Dung khá sơ lược, toàn bộ cuộc đời của người khởi dựng Mạc triều chỉ được tóm tắt trong mấy dòng: “Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, lúc bé làm nghề đánh cá, đến khi lớn có sức khỏe, thi đỗ lực sĩ xuất thân, khoảng năm Hồng Thuận, thăng làm Vũ Xuyên Bá; trải làm quan ba triều, khoảng năm Thống Nguyên làm đến Thái sư Nhân Quốc Công, sau phong An Hưng Vương. Ngầm kết bè đảng, trong ngoài hiệp mưu, lòng người quy phụ, rồi làm việc cướp ngôi, giết vua, làm giả tờ chiếu nhường ngôi mà lên làm vua” [43; 535]. Nguyên nhân chủ yếu của sự sơ lược nói trên là do các sử gia coi Mạc Đăng Dung là nghịch thần cướp ngôi và nhà Mạc là ngụy triều. Do đó, thân thế, sự nghiệp của Mạc Đăng Dung cũng như lịch sử của Mạc triều chỉ được điểm qua ở phần “Phụ”. Trong đó, những hành động của Mạc Đăng Dung được ghi lại như những dẫn chứng để các sử gia lên án, phê phán.
Đến bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn được biên soạn vào năm 1759 thời vua Lê Hiển Tông, thân thế, sự nghiệp của Mạc Đăng Dung đã được khảo cứu chi tiết hơn. Trên cơ sở tham khảo tư liệu từ bộ Đại Việt sử kí toàn thư, Lê Quý Đôn đã chỉnh lí lại một số thông tin và bổ sung thêm nhiều tư liệu phong phú về Mạc Đăng Dung. Mặc dù coi Đăng Dung là kẻ thoán nghịch, Lê Quý Đôn vẫn dành một phần riêng biệt để ghi chép chi tiết về toàn bộ cuộc đời của nhân vật lịch sử này. Ông cũng tìm hiểu rõ cả nguồn gốc, dòng họ, quê quán, quãng thời niên thiếu của Mạc Đăng Dung – điều mà trước đó chưa có sử gia nảo thực hiện. Ngoài ra, bên cạnh những sự kiện chính trong cuộc đời Mạc Đăng Dung có ảnh hưởng tới lịch sử, sử thần Lê Quý Đôn cũng chép thêm nhiều thông tin ngoài lề để làm rõ thêm về nhân vật này như: “Lúc này, chỉ có một mình Thiết Sơn bá Trần Chân nắm quyền bính trong Kinh sư, Đăng Dung sợ Chân bèn cưới con gái Chân cho con trai mình là Đăng Doanh để làm vây cánh” [20; 161]; “Khi Đăng Dung đi đường bộ thì dùng lọng phượng bông vàng; khi đi đường thủy thì dùng thuyền rồng dây lụa. Tự do ra vào cung cấm, không hề nể sợ” [20; 165]. Những ghi chép trên của Lê Quý Đôn không đơn thuần là ‘sử” mà đã trở thành “truyện” về Mạc Đăng Dung. Trong đó, nhân vật Mạc Đăng Dung hiện lên với đầy đủ tính cách, phẩm chất, hành động cụ thể. Biên soạn bộ sử này trong khoảng thời gian cách triều Mạc khá xa, trong hoàn cảnh tư liệu về nhà Mạc đã bị thất thoát nhiều, Lê Quý Đôn hẳn đã tham khảo nguồn tư liệu dân gian để ghi lại lịch sử một cách chi tiết và khách quan nhất. Do đó, chúng tôi sử dụng những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử như nguồn tư liệu để tham khảo thêm.
Song song với các bộ chính sử được ghi chép, biên soạn công phu và do các học giả đảm nhiệm, cần phải kể đến những bộ sử của nhân dân mà tiêu biểu là bộ Việt sử diễn âm – bộ sử thuật lại lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Mạc. Trong đó, khi kể lại quá trình lên ngôi của Mạc Đăng Dung, các tác giả dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, hư cấu để bày tỏ quan điểm trái ngược với quan điểm của các sử gia:
Thời vận đã tận nhà Lê
Có mây năm sắc chầu về Đồ Sơn
Thuận điềm xuất chấn thừa quyền
Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu
Đất thiêng cấu khí đã lâu
Rồng vàng hùm chiếu bấy lâu lạ dường
Trình sinh có chúa anh hùng
Lấy nhân đổi ngược đẹp lòng vạn dân
Chữ rằng thiên ứng thuận nhân
Lê hoàng thiền vị xa gần đều yên
Dựng nghiệp thánh đế thần truyền
Mùa hè tháng sáu lên đền đăng quang [8; 227].
Bộ chính sử tiếp theo có ghi chép về Mạc Đăng Dung là Khâm định Việt sử thông giám cương mục (sau đây xin gọi tắt là Cương Mục) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Tiếp nối quan điểm coi nhà Lê là chính thống, một mặt, các sử gia triều Nguyễn sử dụng nguồn tư liệu chủ yếu từ hai bộ sử Đại Việt sử kí toàn thư và Đại Việt thông sử để ghi chép về Mạc Đăng Dung; mặt khác, họ đưa thêm một số chi tiết để thể hiện thái độ lên án nhân vật này một cách quyết liệt như việc Mạc Đăng Dung bị các đại thần triều Lê ném đá, chửi mắng lúc thiết triều, việc các quan nhà Lê tự vẫn để không phải làm quan cho nhà Mạc… So với hai bộ sử trước, Cương mục chưa có thêm tư liệu mới về cuộc đời và sự nghiệp của người khởi lập vương triều Mạc.
Nhìn chung, dưới thời phong kiến, do quan điểm các nhà Nho đều coi Mạc Đăng Dung là nghịch thần cướp ngôi, bán nước nên cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật này chỉ được khai thác ở mức độ hạn chế. Những tư liệu về Mạc Đăng Dung được lưu truyền trong dân gian hầu như không được nhắc tới trong sử và lại càng có ít người để tâm ghi chép những tư liệu này. Khảo sát các tác phẩm thành văn ghi lại các truyền thuyết trong thời kỳ phong kiến, chúng tôi thấy nhân vật Mạc Đăng Dung chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong truyền thuyết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách là một nhân vật phụ. Trong truyền thuyết này, quý tướng của Mạc Đăng Dung đã được nhắc đến: “Bà ấy (bà Nhữ Thị Thục – thân mẫu của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy ông Văn Định có tướng sinh quý tử mới lấy. Về sau lại gặp một chàng trai trẻ đi qua bến Hàn, ngạc nhiên nói rằng: “Tiếc thay! Khi trước không gặp người này!”. Hỏi ra thì chàng ấy là Mạc Đăng Dung (về sau làm vua nhà Mạc). Bà ấy phàn nàn không biết ngần nào” [9; 146]. Truyền thuyết này được in trong cuốn Nam Hải dị nhân – cuốn sách ghi lại những truyền thuyết về các bậc anh hùng, danh nhân của nước Việt do Phan Kế Bính biên soạn năm 1912. Ngoài truyền thuyết trên, dưới thời phong kiến không còn truyền thuyết nào khác có nhắc đến nhân vật Mạc Đăng Dung.
Sang thế kỷ XX, nhiều nhà sử học vẫn tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Tuy nhiên, họ phần lớn dựa vào tư liệu của những người đi trước mà không có thêm sự khảo cứu nào nên kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, những nghiên cứu ấy chủ yếu ở lĩnh vực lịch sử nên chúng tôi không tham khảo thêm được gì từ nguồn tư liệu này. Đến những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, truyền thuyết về Mạc Đăng Dung vẫn chưa có người đặt vấn đề nghiên cứu trong khi việc sưu tầm, nghiên cứu các truyền thuyết về những nhân vật lịch sử nổi bật đã được tiến hành quy mô với sự hưởng ứng của đông đảo người dân cũng như của các nhà khoa học trên phạm vi cả nước.
Nhìn chung, việc nghiên cứu về Mạc Đăng Dung từ thời Lê – Trịnh đến trước năm 1985 chủ yếu được tiến hành bởi các sử gia. Với quan điểm chung là phê phán, coi Mạc Đăng Dung là kẻ cướp ngôi, bán nước, họ chỉ liệt kê sơ lược về thân thế và sự nghiệp của nhân vật này. Quan điểm phê phán Mạc Đăng Dung đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của phần đông dân chúng cũng như tư tưởng của các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau nên những truyền thuyết và những tư liệu về nhân vật này được lưu truyền trong dân gian chưa có ai nghiên cứu.
2.2. Giai đoạn từ 1985 đến nay.
Năm 1985 đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu về Mạc Đăng Dung. Nhân Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức tại Hải Phòng, các học giả đã đề ra ý kiến phải xem xét lại về triều đại mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống – triều đại nhà Mạc. Từ đó, quá trình nghiên cứu những tư liệu dân gian về Mạc Đăng Dung mới thực sự bắt đầu. Tiếp đến, tác giả Trần Khuê trong Hội thảo kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng bênh vực Mạc Đăng Dung và minh oan cho nhà Mạc với bản tham luận Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhà Mạc. Đây là bài viết có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu về nhân vật Mạc Đăng Dung trên địa bàn cả nước.
Năm 1994, hội thảo Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử được tổ chức tại Kiến Thụy, Hải Phòng đã đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình nghiên cứu về Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc. Căn cứ vào những dẫn chứng cụ thể, khoa học, nhiều học giả đã đưa ra những lập luận chặt chẽ để khẳng định về tính tích cực của Mạc Đăng Dung và Mạc triều trong lịch sử dân tộc. Kết quả của cuộc hội thảo đã được tập hợp trong cuốn Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử (Nxb Hải Phòng, 1996). Tuy nhiên, vì đây là hội thảo thiên về sử học và khảo cổ học nên có rất ít bài viết đề cập đến những truyền thuyết xoay quanh nhân vật Mạc Đăng Dung. Trong số các bản tham luận đọc tại hội thảo, chỉ có bản tham luận của GS.TSKH Phan Đăng Nhật với tựa đề Một hiện tượng lịch sử, hai quan điểm đánh giá: nhà Mạc ngụy triều và phúc thần là có đề cập đến việc tìm hiểu các truyền thuyết dân gian về Mạc Đăng Dung. Tác giả đã nêu ra một hiện tượng tương đối phức tạp: Trong lịch sử, nhà Mạc bị coi là ngụy triều, Mạc Đăng Dung bị coi là kẻ nghịch thần bán nước; nhưng đối với nhân dân Kiến Thụy, Hải Phòng và nhiều nơi khác trong cả nước, Mạc Đăng Dung và những người khác trong tôn thất họ Mạc lại được coi là phúc thần và được thờ làm Thành hoàng. Từ đó, tác giả đặt ra một vấn đề bức thiết: cần phải nghiên cứu hiện tượng văn hóa trên một cách cụ thể để có lời giải đáp chính xác hơn về vai trò của Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Đây là những gợi ý quan trọng để chúng tôi thực hiện đề tài này.
Nối tiếp quan điểm của hội thảo khoa học nói trên, năm 1996, Viện Sử học xuất bản cuốn Vương triều Mạc tập hợp nhiều bài nghiên cứu khẳng định những đóng góp tích cực của nhà Mạc trên các lĩnh vực chính trị – xã hội, kinh tế, văn hóa – giáo dục. Công trình này đã mở ra hướng nghiên cứu mới với quan điểm tích cực hơn về Mạc triều nói chung và người khởi đầu vương triều Mạc nói riêng.
Năm 1997, trong cuốn sách Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), bên cạnh việc tìm hiểu các di tích lịch sử thời Mạc tại vùng Dương Kinh, TS Nguyễn Văn Sơn đã dành nhiều trang viết khẳng định tài năng của Mạc Đăng Dung trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế… Đặc biệt, trong cuốn sách này, tác giả đã sơ lược đề cập đến một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung mà ông thu được trong quá trình điền dã: “Tương truyền, tại bến đò của làng này có quán hàng nước của thân mẫu Mạc Đăng Dung (vị vua mở đầu triều Mạc). Bà sống hiền lành, cơ chỉ và không ham của cải, nên một thầy địa lý giỏi đã trả ơn bằng cách đặt mộ cha Mạc Đăng Dung ở Gò Gạo, là đất đế nghiệp…” [59; 146]. Những dòng tóm tắt trên của tác giả Nguyễn Văn Sơn đã cho chúng tôi cơ sở bước đầu để khẳng định thực sự có những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung đang tồn tại trên vùng đất Kiến Thụy, Hải Phòng – noi xưa kia là Dương Kinh của nhà Mạc.
Năm 1998, trong cuốn chuyên khảo về gia phả có tên Dõi tìm tông tích người xưa do nhà xuất bản Trẻ ấn hành, tác giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã ghi lại truyền thuyết Vợ chồng lão lái đò sinh quý tử nói về sự ra đời của Mạc Đăng Dung. Truyền thuyết này được đưa ra làm ví dụ trong phần khảo cứu cụ thể về các dòng họ lớn trong lịch sử Việt Nam. Đối với chúng tôi, việc tìm được một truyền thuyết về Mạc Đăng Dung được ghi lại thành văn có ý nghĩa rất lớn. Nó chứng minh rằng thực sự đang có những truyền thuyết về nhân vật này tồn tại trong dân gian. Hơn nữa, những truyền thuyết ấy đã ít nhiều được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Đây là nguồn động lực thúc đẩy chúng tôi tiến hành đề tài này.
Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2006 có nhiều công trình nghiên cứu về nhà Mạc trên những lĩnh vực khác nhau như sử học, mỹ thuật, khảo cổ học, khoa học quân sự…, song truyền thuyết về Mạc Đăng Dung vẫn chưa được các học giả quan tâm nghiên cứu. Khảo sát những công trình nghiên cứu về nhà Mạc trong khoảng thời gian này, chúng tôi đặc biệt chú ý tới cuốn sách Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia [61] của TS Đinh Khắc Thuân. Ở cuốn sách này, căn cứ vào nguồn thư tịch cổ trong và ngoài nước, các văn bia thời Mạc hiện còn giữ được, tác giả đã dành một phần riêng để xác minh lại những sự kiện lịch sử trong cuộc đời Mạc Đăng Dung như việc Mạc Đăng Dung tự trói tay, quỳ gối xin đầu hàng ở biên giới; việc Mạc Đăng Dung cắt đất nước ta cho nhà Minh… Từ đó, TS Đinh Khắc Thuân đã minh oan cho Mạc Đăng Dung một cách khách quan và khoa học. Công trình trên đã góp phần thay đổi nhận thức của các nhà khoa học đối với Mạc triều nói chung và Mạc Đăng Dung nói riêng theo hướng tích cực. Đối với chúng tôi, công trình này là nguồn tư liệu quan trọng để đánh giá về nhân vật lịch sử Mạc Đăng Dung. Đây là cơ sở để chúng tôi có cái nhìn toàn diện về nhân vật Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết.
Năm 2007 Ban liên lạc họ Mạc xuất bản cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc tập hợp và biên soạn lại một cách công phu những cuốn gia phả của tất cả các chi họ Mạc trong cả nước. Trong phần viết riêng về nhân vật Mạc Đăng Dung, các soạn giả đã sưu tầm được hai truyền thuyết về vị vua này, một trong số đó chính là truyền thuyết Vợ chồng lão lái đò sinh quý tử. Trong cuốn gia phả này, các tác giả đã nêu rõ quan điểm coi những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung đều là hư truyền, hơn nữa, do đặc trưng của gia phả là ghi chép những sự kiện lớn của dòng họ nên họ không chú tâm đến việc ghi lại những truyền thuyết này. Những truyền thuyết trong cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc là nguồn tư liệu quý giá đối với chúng tôi. Chúng đã hé mở phần nào kho tàng truyền thuyết phong phú về nhân vật Mạc Đăng Dung đang tồn tại trong nhân dân.
Cũng trong năm 2007, tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung của tác giả Lưu Văn Khuê – hội viên Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng được xuất bản. Trên cơ sở những yếu tố hư cấu, tưởng tượng và những tư liệu dân gian mà tác giả sưu tầm được trong quá trình điền dã, Lưu Văn Khuê đã xây dựng hình tượng nhân vật Mạc Đăng Dung cụ thể và chi tiết từ thuở thiếu thời cho đến lúc dựng nên đế nghiệp. Đây là nguồn tư liệu để chúng tôi tham khảo thêm trong quá trình nghiên cứu những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
Gần đây nhất, tháng 6 năm 2008, đề tài khoa học Những di sản văn hóa nhà Mạc tại Dương Kinh (Kiến Thụy – Hải Phòng) và khai thác, phát huy các giá trị di sản này trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Trung tâm Nghiên cứu Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống – Hội khoa học lịch sử Việt Nam do TS Nguyễn Minh Đức làm chủ nhiệm đã chính thức được bắt đầu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề tài là nghiên cứu, đánh giá những di sản văn hóa phi vật thể của nhà Mạc tại Dương Kinh, trong đó bao gồm những truyền thuyết về Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Như vậy, cùng với những di sản văn hóa phi vật thể khác của triều Mạc, những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của nó dưới nhãn quan của các nhà khoa học. Điều này đã động viên chúng tôi tiếp tục thực hiện đề tài Khảo sát truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
Tóm lại, xem xét quá trình nghiên cứu về nhân vật lịch sử Mạc Đăng Dung và những truyền thuyết về nhân vật Mạc Đăng Dung, chúng tôi nhận thấy: Từ xưa tới nay, do quan niệm chung của dư luận là phê phán Mạc Đăng Dung nên các sử gia, các nhà khoa học ít chú tâm nghiên cứu về nhân vật lịch sử này. Do đó, các truyền thuyết về nhân vật Mạc Đăng Dung càng ít được đề cập đến. Cho đến thời điểm hiện tại, các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung được ghi chép lại chiếm số lượng rất khiêm tốn. Theo thống kê của chúng tôi, từ khi có quá trình nghiên cứu về nhân vật Mạc Đăng Dung đến nay,chỉ có hai truyền thuyết được ghi lại thành văn bản. Những truyền thuyết này là do con cháu họ Mạc ghi lại trong gia phả. Ngoài ra, chưa có một học giả nào tiến hành sưu tầm, thống kê những truyền thuyết về nhân vật Mạc Đăng Dung và cũng chưa có công trình nào nghiên cứu những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung dưới góc độ của khoa Nghiên cứu văn học dân gian. Đây là điều tương đối khó khăn đối với chúng tôi vì hầu như không có sự dẫn đường trên lĩnh vực khoa học từ những người đi trước. Mặt khác đây cũng là một thách thức thú vị thúc đẩy chúng tôi chọn đề tài: Khảo sát truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các truyền thuyết xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp và thân thế của Mạc Đăng Dung. Nguồn tư liệu của đề tài chủ yếu là những truyền thuyết do chúng tôi thu thập được trong quá trình điền dã. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng tư liệu từ hai cuốn sách Dõi tìm tông tích người xưa của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1998) và Hợp biên thế phả họ Mạc do các tác giả thuộc họ Mạc biên soạn (Nxb Văn hóa dân tộc, H, 2007).
Phạm vi nghiên cứu: Trên cơ sở khảo sát các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng, luận văn chỉ ra những giá trị nội dung và nghệ thuật của chuỗi truyền thuyết này. Đồng thời, luận văn đi vào nghiên cứu, khảo sát về sự lưu truyền, sức sống của truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng – nơi xưa kia vốn là Dương Kinh của Nhà Mạc.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu.
Giới thiệu khái quát về Kiến Thụy – vùng đất văn hóa – nơi phát tích của nhà Mạc và cũng là nơi sản sinh, bảo lưu các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung.
Qua quá trình điền dã, thu thập các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung đang lưu truyền trong nhân dân. Chỉ ra các đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của chuỗi truyền thuyết này
Thông qua các phiếu thăm dò, khảo sát, nghiên cứu về quá trình lưu truyền, sức sống của truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trong đời sống văn hóa xã hội đương đại; đề xuất ý kiến nhằm bảo lưu và phát triển chuỗi truyền thuyết này.
5. Đóng góp của luận văn.
Khảo sát, ghi lại thành văn bản một cách tương đối đầy đủ, hệ thống chuỗi truyền thuyết phong phú về Mạc Đăng Dung đang lưu truyền trong nhân dân vùng Kiến Thụy, Hải Phòng nhưng lâu nay chưa được nhiều người quan tâm, khảo sát.
Nhận xét đánh giá về những giá trị nội dung và nghệ thuật của chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung dưới góc độ của khoa nghiên cứu văn học dân gian.
Chỉ ra sức sống của chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trong đời sống hiện tại. Đề xuất ý kiến nhằm bảo lưu và phát huy vốn văn hóa cổ truyền ở Hải Phòng.
6. Phương pháp nghiên cứu.
6.1. Phương pháp thống kê: Khảo sát, tập hợp và thống kê các tư liệu liên quan đến truyền thuyết về Mạc Đăng Dung.
6.2. Phương pháp điền dã: Chúng tôi tiến hành điền dã trên địa bàn huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, tham quan các di tích lịch sử và di chỉ khảo cổ học có liên quan đến nhân vật Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc. Chúng tôi cũng gặp gỡ và trao đổi với những cán bộ văn hóa, cán bộ quản lí di tích lịch sử, những người dân địa phương đã nhiều năm tìm hiểu, thu thập tư liệu về nhà Mạc. Đặc biệt, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với ông Mạc Như Thiết – cháu mười bảy đời của Mạc Đăng Dung – người hiện đang giữ Từ đường họ Mạc tại Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng.
6.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Chúng tôi sử dụng phương pháp này trước hết là để tiếp cận đối tượng khoa học một cách cụ thể, chi tiết, sau nữa là để đảm bảo vấn đề được đánh giá một cách toàn vẹn, khái quát.
6.4. Phương pháp liên ngành: Do văn học dân gian nói chung và truyền thuyết nói riêng có đặc trưng là tính nguyên hợp, tính chất sinh hoạt thực hành… nên khi tiến hành đề tài này chúng tôi đã vận dụng những tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác như: lịch sử, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, khảo cổ học… để có thể lí giải một số vấn đề liên quan đến đề tài.
6.5. Phương pháp điều tra xã hội học: Khi nghiên cứu sức sống của chuỗi truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trong xã hội đương đại, chúng tôi tiến hành phát phiếu điều tra, phỏng vấn, lấy ý kiến của nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để có được kết quả xác thực nhất.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm 3 chương với nội dung chính như sau:
Chương một: Kiến Thụy – nơi khởi phát và bảo lưu các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung
1. Kiến Thụy – một vùng văn hoá lịch sử.
2. Kiến Thụy – Dương Kinh của nhà Mạc.
Chương hai: Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung – di sản văn hóa dân gian quý giá của vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
1. Khảo sát các truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
2. Mạc Đăng Dung – một nhân vật lịch sử, hai quan điểm đánh giá.
3. Hình tượng Mạc Đăng Dung trong truyền thuyết.
4. Các môtip nổi bật.
Chương ba: Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung trong đời sống văn hóa xã hội đương đại tại vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
1. Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung và tín ngưỡng tại vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
2. Khảo sát về tình hình lưu truyền, phổ biến của truyền thuyết Mạc Đăng Dung ở Kiến Thụy, Hải Phòng.
3. Một số đề xuất, kiến nghị.
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG MỘT: KIẾN THỤY – NƠI KHỞI PHÁT VÀ BẢO LƯU CÁC TRUYỀN THUYẾT VỀ MẠC ĐĂNG DUNG.
1. Kiến Thụy – một vùng văn hoá lịch sử.
1.1. Đặc điểm địa lý.
Huyện Kiến Thụy hiện nay phía bắc và phía đông giáp quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn, phía tây giáp huyện An Lão và quận Kiến An, phía nam giáp huyện Tiên Lãng. Ở vị trí tiếp giáp nội thành và kẹp giữa hai con sông lớn Văn Úc, Lạch Tray, huyện Kiến Thuỵ trở thành vành đai án ngữ phía nam của thành phố Hải Phòng.
Với diện tích tự nhiên khoảng 170 km2, địa hình Kiến Thụy được tạo lập do quá trình bồi lắng phù sa của hệ thống sông Thái Bình ngày một vươn ra biển với những ô trũng, cồn cát. Giữa vùng địa hình đồng bằng ven biển ít bằng phẳng, chỉ cao hơn mặt biển từ 0,3 đến 1,5m, nhô lên ngọn núi Đối, núi Chè ở trung tâm huyện soi bóng bên bờ sông Đa Độ. Cảnh quan địa lý gồm đủ biển rộng, sông dài, núi đồi tạo nên nét đặc biệt và thế mạnh riêng của vùng.
Địa bàn huyện Kiến Thụy có hai con sông lớn chảy qua là sông Văn Úc và sông Lạch Tray. Do lượng phù sa không nhiều nên hai con sông này chủ yếu chỉ có tác dụng cung cấp nước tưới cho người dân địa phương. Hệ thống sông nội bộ của Kiến Thụy khá phong phú với nhiều sông nhỏ và sâu như Cái Riêng, Cái He, Sàng, Cốc, Cổ Trai, Đa Độ… đổ ra cửa Họng, cửa Bàng, cửa Úc. Trong đó, Đa Độ là con sông lớn nhất, có vai trò quan trọng trong việc tiêu úng, cứu hạn và là đường thủy thuận tiện để người dân Kiến Thụy xưa di chuyển trong vùng. Hệ thống sông chằng chịt cùng với nhiều cửa biển kín gió vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy hải sản vừa là đường giao thông thủy quan trọng của vùng. Theo TS khảo cổ học Nguyễn Văn Sơn trong cuốn Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng) [59], trước đây giao thông đường thủy của Kiến Thụy rất thuận lợi, người dân di chuyển trong vùng bằng cả đường thủy và đường bộ. Từ Kiến Thụy có thể đi thẳng tới kinh đô Thăng Long bằng đường thủy qua các cửa sông Đại Bàng, Đa Ngư, Cổ Trai. Đặc biệt, dưới thời Mạc, các cửa sông của vùng còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động buôn bán tấp nập của người dân đến từ khắp nơi trên cả nước.
Huyện cũng có một số đầm rộng như đầm Lá (Kỳ Sơn), đầm Cửa Phủ thuộc địa phận các xã Thụy Hương, Thuận Thiên, đầm Chợ Xã (Đại Hợp), đầm Cửa Đồn (Đoàn Xá)… Thực chất, đây là những đoạn sông chết có chức năng chủ yếu là tưới tiêu cho ruộng đồng.
Là vùng đất sát biển, hệ thống sông ngòi nội bộ lại không có nhiều phù sa, đất đai của huyện Kiến Thụy luôn bị đe dọa bởi nạn nhiễm phèn và ngập mặn. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, người dân nơi đây thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão dữ dội từ biển Đông. Vì thế, việc thau chua, rửa mặn và đắp đê chống lũ là những công việc thường xuyên của người dân Kiến Thụy qua nhiều thế hệ.
Khí hậu của huyện cũng thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, song do ở sát biển, mật độ sông ngòi dày đặc, lại có một vài ngọn đồi nên khí hậu khu vực cuối huyện và đầu huyện có sự khác biệt nhất định. Nó tạo nên những tiểu vùng khí hậu khác nhau ngay trên địa bàn một huyện. Những khu vực được núi Đối, núi Chè bao bọc có khí hậu ấm áp, thuận lợi hơn các khu vực khác trong việc canh tác. Vào dịp cuối mùa đông, đầu mùa xuân, trên địa bàn huyện Kiến Thụy thường xuất hiện sương muối gây hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của Kiến Thụy chỉ thuận lợi cho các hoạt động sản xuất thủ công và đánh bắt thủy hải sản mà không mấy thuận lợi cho nông nhiệp. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách, phẩm chất của người dân nơi đây. Trong lao động, sản xuất và cải tạo tự nhiên, người dân Kiến Thụy rất cần cù, nhẫn nại. Nhưng, khi phải chống chọi lại với mặt trái của tự nhiên, họ cũng vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt. Cuộc sống vất vả mà sôi động ở vùng đất ven biển Đông này đã góp phần vun đắp nên đời sống tinh thần phong phú, tình đoàn kết trong lao động, thái độ lạc quan, tin tưởng vào bản thân của nhiều thế hệ người dân trên địa bàn huyện Kiến Thụy. .
1.2. Sơ lược lịch sử.
Kiến Thụy là vùng đất được hình thành sớm. Qua nhiều thế kỷ, người dân Kiến Thụy đã bền bỉ khai hoang, lấn biển, cải tạo đồng đất để mở mang cộng đồng và xây dựng quê hương. Bao mồ hôi và máu của nhiều thế hệ đã đổ xuống để có vùng đất Kiến Thụy trù phú như ngày nay.
Kiến Thụy xưa là vùng đất của bộ Thang Tuyền – một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, đời Trần thuộc bộ Hải Đông, thời thuộc Minh là đất của phủ Tân An. Đến đời Lê Quang Thuận mới đặt vào phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Năm 1469, Lê Thánh Tông cắt một phần đất của huyện An Lão để lập huyện Nghi Dương (gồm toàn huyện Kiến Thụy, quận Đồ Sơn và phường Đông Hải quận Hải An ngày nay).
Thời kỳ 1527 – 1592, huyện Nghi Dương vốn là nơi phát tích của nhà Mạc, được chọn làm trung tâm của Dương Kinh – kinh đô thứ hai của vương triều Mạc. Năm 1837 vua Minh Mạng đặt phủ Kiến Thụy trong đó gồm các huyện Nghi Dương, An Dương, An Lão và Kim Thành. Trong phủ Kiến Thụy, Nghi Dương là một huyện lớn: đông – tây rộng 15 dặm, nam – bắc cách nhau 26 dặm. Phía đông đến biển giáp địa giới huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên một dặm, phía tây đến địa giới huyện An Lão 14 dặm. Đến đầu thế kỷ XIX, huyện Nghi Dương (Kiến Thụy) có 12 tổng, 36 xã, thôn.
Thời Thực dân Pháp đô hộ nước ta, phủ Kiến Thụy bị bãi bỏ và lấy tên đó đặt cho huyện Nghi Dương (phủ lỵ đặt tại Trà Phương).
Khai hoang, lấn biển, chống chọi với bão biển, sóng lớn được coi là công việc hàng đầu và diễn ra xuyên suốt trong lịch sử hình thành của huyện Kiến Thụy. Vào đời các vua Hùng, vùng Tiểu Trà (Anh Dũng), Cốc Liễn (Minh Tân) và những khu đất cao ở trung tâm huyện, ở làng Bàng Động, Bàng La đã có dân cư ở. Các triều đại phong kiến sau đó đều có những chính sách di dân, khuyến khích nhân dân các nơi đến vùng này khai hoang, sinh sống. Một vùng rừng ngập mặn, đầm lầy từ bờ sông Lạch Tray được khai phá, dân cư đông đúc và làng mạc được mở rộng dần.
Theo tài liệu cũ, ngay từ cuối đời Hùng Vương, tướng Phạm Hải được phái về vùng này giúp dân chống lụt. Đến đời Trần, công chúa Thiên Thụy Quỳnh Chân đã cho khai hoang lập ấp Máy, ấp Mõ ở ven sông Văn Úc. Vào thế kỷ XIX, các quan lại nhà Nguyễn như Nguyễn Công Trứ cho khai khẩn ở Minh Liên hơn một ngàn mẫu, Ngô Văn Khánh khai khẩn hơn 100 mẫu ở Đông Tác, Đoạn Xá… Đầu thế kỉ XX, dân địa phương tiếp tục lấn biển, lập các ấp Tư Sinh, Tư Thủy, Kính Trực. Để ngăn mặn, nhân dân Kiến Thụy đã đào kênh, đắp đê cổ Chân Kim năm 1526 kéo dài từ chùa Đại Minh (Đoàn Xá) đến Quý Kim được sử sách lưu truyền.
Cư dân Kiến Thụy bao đời chủ yếu làm nghê nông, đánh bắt thủy sản, làm muối, nghề thủ công. Đồng đất phèn, độ chua mặn lớn nên nghề nông khá vất vả, năng suất thấp, bấp bênh. Ngư nghiệp cũng kém phát triển. Xưa kia, trong huyện có một số làng làm nghề phụ như làm đồi mồi, đan lưới, đan lát, mộc… nhưng không có làng nghề. Tuy có một số chợ như chợ Xá, chợ Mõ, chợ Hương, chợ Phú… nhưng thương nghiệp Kiến Thụy vẫn không mấy phát triển. Dưới thời thực dân phong kiến, Kiến Thụy là nơi có nhiều đồn điền lớn của địa chủ, tư sản người Pháp, người Hoa, người Việt. Do vậy Kiến Thụy là huyện có đông tá điền nhất trên địa bàn Hải Phòng – Hải An. Đời sống của nông dân và tá điền hết sức khổ cực. Họ quanh năm quần quật cày thuê cuốc mướn cấy rẽ mà vẫn đói nghèo.
Bên cạnh truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, nhân dân Kiến Thụy còn có truyền thống bất khuất, kiên cường. Tinh thần ấy đã được thể hiện rõ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trong những thế kỉ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nhiều tráng đinh đã theo nữ tướng Lê Chân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quan quân nhà Đông Hán (40 – 43). Năm 776, Trương Nữu người làng Do Lễ ( Kiến Quốc) đã tập hợp nhiều thanh niên bí mật kéo lên miền Đường Lâm tham gia cuộc nổi dậy của Phùng Hưng chống quân đô hộ nhà Đường.
Chiến thắng Bạch Đằng (938) do Ngô Quyền lãnh đạo đã chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỉ nguyên độc lập của nước Đại Việt. Song, giặc ngoại xâm vẫn luôn luôn là mối đe dọa đối với nước ta. Vùng biển Đông Bắc trong đó có Nhĩ Sơn (Đồ Sơn) và cửa biển Đại Bàng trở thành những vị trí phòng thủ đặc biệt quan trọng. Vào thế kỷ XIII, vùng này đã có những căn cứ hải quân khá mạnh của nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285), nhân dân vùng ven sông Bàng và vùng Nhĩ Sơn (Đồ Sơn) đã giúp vua Trần thực hiện cuộc rút quân chiến lược vượt biển để tạo thế phản công. Vũ Hải, người làng Do Lễ (Kiến Quốc) tham gia đánh giặc được phong chức Tả tham nghị. Khi quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta lần thứ 3 (1287 – 1288), Hữu tướng quân Vũ Hải đã chỉ huy một đoàn chiến thuyền tham gia trận huyết chiến với Ô Mã Nhi ở cửa Đại Bàng ngày 10-2-1288. Ngư dân từ vùng Nhĩ Sơn đến cửa Văn Úc đều tham gia góp sức. Hơn 300 chiến thuyền địch bị bắt, bị đắm, lính địch chết rất nhiều. Tướng Vũ Hải anh dũng ngã xuống trên vùng biển quê hương.
Dưới ách đô hộ của nhà Minh, năm 1409, Nguyễn Sư Cối tự xưng vương, cùng Đỗ Nguyên Thố chiêu tập binh mã chiếm cứ vùng Nghi Dương, phất cờ khởi nghĩa.
Nghi Dương – Kiến Thuỵ còn nổi tiếng về truyền thống đấu tranh chống áp bức, cường quyền. Khi triều đình vua Lê thối nát, dân tình nghèo đói, phân ly, năm 1527, Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai đoạt ngôi lập ra triều Mạc. Nhà Mạc cho xây Dương Kinh ở Nghi Dương với nhiều lăng tẩm, cung điện nguy nga tráng lệ, nhiều đình chùa, đạo quán khang trang, đẹp đẽ. Ngoài ra nhà Mạc cũng rất chú ý đến phát triển kinh tế, giáo dục: cho xây dựng nhiều văn chỉ, từ chỉ để dạy học; mở mang nhiều chợ, nhiều cảng để phát triển kinh tế. Theo TS Đinh Khắc Thuân [61], dưới triều đại nhà Mạc, Dương Kinh có vai trò khá quan trọng, có thể sánh ngang với kinh đô Thăng Long về vai trò lịch sử. Đáng tiếc là khi họ Trịnh giúp nhà Lê giành lại ngôi báu, Dương Kinh đã gần như bị phá huỷ hoàn toàn. Tuy vậy, những di chỉ khảo cổ học tìm được trong những giai đoạn gần đây đã cho thấy thời kỳ huy hoàng của Kiến Thuỵ xưa.
Năm 1744, Kiến Thuỵ trở thành căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He). Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của nghĩa quân. Trên địa bàn Kiến Thuỵ ngày nay còn nhiều địa danh lưu lại dấu ấn của cuộc khởi nghĩa trên như sông He, miếu Cả …
Đầu thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành lãnh đạo (1821 – 1827) cũng làm chấn động một vùng rộng lớn. Huyện Nghi Dương được chọn làm căn cứ của nghĩa quân. Nhiều chiến thắng lớn diễn ra trên vùng đất này, tiêu biểu là trận thuỷ chiến ở ngã ba Cát Bạc (Cổ Trai – Đa Ngư). Ngày nay người dân Cổ Trai vẫn lưu giữ nhiều truyền thuyết về nhân vật lịch sử này.
Khi Thực dân Pháp xâm lược, Nghi Dương là địa bàn hoạt động của nhiều văn nhân yêu nước. Đặc biệt là phong trào Mạc Thiên Binh do Mạc Đình Phúc lãnh đạo (1897). Ông vốn quê gốc ở Cổ Trai nên các phó lãnh binh đều là người Nghi Dương.
Năm 1925, ở làng Kim Sơn, cụ đồ Khanh đứng ra hô hào dân chúng kiến nghị thực hiện cải cách hương thôn. Mục tiêu chủ yếu là đòi được mở mang trường học, trạm xá, nâng cao dân trí… Nhân dân trong vùng hưởng ứng rất đông. Năm 1926, nhân dân ở nhiều thôn, ấp đấu tranh chống Pháp cướp đoạt ruộng đất, lập đồn điền, chống đo đạc lập bản đồ địa bạ để tận thu thuế, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của dân làng Tú Đôi.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Kiến Thuỵ đã một lòng đi theo tiếng gọi của Đảng, kiên cường chống Nhật trong cuộc Cách mạng tháng Tám, bền bỉ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Nhiều người con ưu tú của Kiến Thụy đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trải qua nhiều thế kỷ, truyền thống lao động cần cù sáng tạo và lòng quả cảm trong chiến đấu đã giúp cho người dân Kiến Thuỵ vượt lên những khó khăn, trở ngại. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn đang được người dân Kiến Thuỵ kế thừa và phát huy trong thời kỳ đổi mới hôm nay.
Lịch sử của Kiến Thụy là lịch sử của những cuộc đấu tranh không ngừng: đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để có cuộc sống ấm no, để xây dựng quê hương trù phú; đấu tranh với giặc ngoại xâm để bảo vệ sự bình yên của làng xóm, quê hương. Những cuộc đấu tranh liên tục ấy đã hun đúc nên trong mỗi người dân nơi đây bản tính kiên cường, bất khuất, tinh thần thượng võ và đặc biệt là thái độ trọng nể sức mạnh vật chất của con người. Cuộc sống đầy gian khó và biến động của người dân Kiến Thụy xưa khiến họ không ngừng mơ ước về một cuộc sống ấm no trên một vùng quê trù phú. Bởi thế, người dân nơi đây sẽ khắc ghi công ơn của những người góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, đem lại cho họ cuộc sống ấm no, đủ đầy.
1.3. Văn hoá dân gian.
1.3.1. Văn học dân gian.
Kiến Thuỵ có một kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều thể loại khác nhau: truyện cười, truyền thuyết, ca dao. tục ngữ, truyện Trạng … Tất cả những tác phẩm ấy đã phản ánh đầy đủ đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Thể loại phong phú và có số lượng tác phẩm nhiều nhất ở Kiến Thụy là truyền thuyết. Hầu như mỗi làng, mỗi xóm đều lưu truyền những truyền thuyết khác nhau. Bộ phận nổi bật nhất của truyền thuyết dân gian Kiến Thuỵ là truyền thuyết về các nhân vật lịch sử và truyền thuyết về địa danh.
Nơi đây còn lưu truyền nhiều truyền thuyết độc đáo về các nhân vật lịch sử như Chu Xích Công, Trần Quốc Thi. Chu Xích Công tương truyền vốn là người Trung Quốc đến trang Đại Trà dạy học, bốc thuốc. Các kỳ lão thường thấy ngài báo mộng rằng trời sai xuống làm phúc thần, vì vậy không dám cho con theo học và làm giấy tâu với vua Lê. Vua vời đến thấy diện mạo phi thường, trên trán có chữ Vương, bèn thưởng yến và phong làm Trạng nguyên, giữ chức Thượng thư bộ Lại. Sau, Chu Xích Công cùng nhiều trai tráng ở trang Đại Trà giúp vua đánh dẹp quân Chiêm Thành. Thần tích lưu lại ngày nay còn nói đến việc khi Chu Xích Công mất, triều đình cử người về viếng và truyền cho dân trong làng lập miếu thờ. Vua cấp 800 quan tiền, miễn thuế khóa lao dịch cho dân làng ba năm, ban sắc phong cho Chu Xích Công. Phò mã Đô úy Trần Quốc Thi – vốn là người theo Hưng Đạo Vương đánh giặc, sau này cũng được phong vương. Ông chiêu mộ dân mở mang thái ấp Đại Trà, Lạng Côn, Đức Phong, Phong Cầu.
Kiến Thụy còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về những người anh hùng nhân dân chống phong kiến như quận He, Phan Bá Vành… Truyền thuyết đã thể hiện lòng ngưỡng mộ, mến yêu sâu sắc của nhân dân đối với người anh hùng áo vải khi kể về sức khoẻ phi thường, tài trí hơn người của những nhân vật này. Tương truyền, trong một lần bị quân lính triều đình bao vây bốn phía, không có lối thoát, quận He đã vận sức đào một đường ngầm thẳng tới sông Đa Độ rồi bơi thoát, đoạn đường ngầm ấy trở thành sông He sau này.
Ngoài ra còn có hàng loạt truyền thuyết sinh động khác như truyền thuyết về việc huấn luyện quân của bà Lê Chân, truyền thuyết về sức khỏe của tướng Phạm Tử Nghi, truyền thuyết về ý chí và tài năng của Trạng nguyên Ngô Thế Cẩn ở Xuân La, Đại Hà.
Bên cạnh truyền thuyết, cần phải kể đến một bộ phận phong phú không kém, đó là truyện cười, đặc biệt là dạng truyện cười kết chuỗi theo kiểu truyện Trạng ở làng Trà Phương, xã Thuỵ Hương. Nơi đây hiện vẫn còn lưu truyền những truyện cười hóm hỉnh về nhân vật Cai Kệ. Theo người làng kể lại, đó là một ông lão không nhà cửa, trú tạm ở một túp lều rách nơi xó chợ, hàng ngày kiếm sống bằng việc quét chợ và giúp người khác dọn hàng. Ông thường ra mặt mỉa mai, chơi khăm bọn cường hào, ác bá khiến người dân trong làng được nhiều phen hả dạ. Người Trà Phương ngày nay vẫn còn truyền nhau những câu chuyện thú vị kể lại chuyện Cai Kệ chơi khăm Cai Kỳ làm hắn bị quan phủ trách mắng; chuyện Cai Kệ viết câu đối giễu sư Khánh khi vị này tuy là người cửa Phật nhưng lòng vẫn chấp nhặt những chuyện tủn mủn nơi cõi tục. Ngay cả sự biến mất của Cai Kệ cũng là một câu chuyện thú vị: Cai Kệ bán được túp lều rách nát cho hai mụ hàng cá, hàng thịt nanh nọc lấy một món tiền lớn, ông mời dân làng ăn một bữa cỗ no say rồi đi đâu không rõ.
Ở vị trí trung tâm và chiếm số lượng lớn nhất trong các tác phẩm văn học dân gian ở vùng Kiến Thuỵ là truyền thuyết về Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung và các thân vương, tướng lĩnh, hoàng hậu, công chúa, phu nhân của nhà Mạc. Kiến Thụy xưa là nơi phát tích của nhà Mạc, cũng là nơi nhà Mạc cho xây dựng Dương Kinh – kinh đô cảng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đồng bằng sông Hồng vào thế kỉ XVI. Cho dù sau này những công trình kiến trúc của nhà Mạc bị hai họ Lê – Trịnh tàn phá gần hết nhưng ảnh hưởng của họ đối với nhân dân vẫn rất sâu đậm. Hiện nay đông đảo nhân dân Kiến Thuỵ vẫn ghi nhớ những truyền thuyết về thuở thiếu thời gian khó cũng như sức khoẻ phi thường, đức độ hơn người của Mạc Thái Tổ. Nhân dân cũng khắc ghi câu chuyện của Phật Lão Vũ Thị Ngọc Toản tương truyền là vợ của vua Mạc Đăng Dung. Ngoài ra, ở Kiến Thuỵ còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về những thân vương họ Mạc như Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng (tại chùa Nhân Trai còn tượng thờ), Ninh Vương Mạc Phúc Tư hay truyền thuyết về các công thần khai quốc của nhà Mạc như Nguyễn Như Quế, Phạm Gia Mô… Những truyền thuyết ấy qua bao thử thách của thời gian vẫn còn lại đến ngày nay và trở thành một di sản văn hoá phi vật thể vô cùng giá trị của Kiến Thuỵ.
Kiến Thụy còn là vùng đất sản sinh ra những câu ca dao vừa mộc mạc vừa chứa chan tình cảm. Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi nhưng với bản tính cần cù chịu khó, nhân dân Kiến Thuỵ đã xây dựng được một cuộc sống ấm no đủ đầy:
Đồn rằng Xuân Đán lắm khoai
Tú Đôi lắm thóc, Cổ Trai nhiều tiền.
Người dân phải xây dựng cuộc sống từ những đầm lầy, bãi đước, bãi vẹt, nhưng mồ hôi của họ thấm xuống đất đã biến vùng đất chua mặn ấy thành những làng nghề trù phú. Họ nói về những làng nghề của mình với biết bao tự hào:
Lạng Côn bánh đúc bánh đa
Đức Phong muối lậu, Đại Trà củi trang.
Hăng say sản xuất, lao động, người dân Kiến Thuỵ xưa vẫn không quên những giây phút nghỉ ngơi thư giãn thả hồn với thiên nhiên. Và chính trong những khoảnh khắc ấy họ nhận ra vẻ đẹp tự nhiên của quê mình
Núi nào cao nhất chàng ơi
Sông nào sâu nhất chàng thời giảng cho
Trà Sơn cao nhất nàng ơi
Đa Độ sâu nhất nàng thời biết chăng.
Kiến Thuỵ còn là nơi lưu giữ những bài vè kể chuyện cụ Đồn Hoè họ Vũ ở Cổ Trai khi có giặc Phách Long tràn về cướp phá quê hương đã chỉ huy dân binh phóng dĩa giết chết tướng giặc. Giặc hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, chết mất ba mươi tên:
Cụ Đồn cầm dĩa đinh ba
Phóng ra một nhát chết ba mươi thằng.
Nguồn tư liệu văn học dân gian ở Kiến Thuỵ còn lại đến ngày nay khá phong phú và đa dạng với nhiều thể loại khác nhau. Nó thể hiện sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng và đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Trong kho tàng văn học dân gian phong phú ấy, truyền thuyết về Mạc Đăng Dung nói riêng và truyền thuyết về những nhân vật của vương triều Mạc nói chung thực sự là những tư liệu vô cùng quý giá, là di sản văn hoá phi vật thể riêng biệt của người dân Kiến Thuỵ. Di sản ấy cần được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
1.3.2. Các lễ hội dân gian tiêu biểu.
1.3.2.1. Hội Minh Thề Hoà Liễu.
Hội Minh Thề được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại làng Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Theo những người cao tuổi ở làng Hoà Liễu, hội còn được gọi là Miệng Thề, xuất hiện từ thế kỷ 16. Tương truyền lễ hội do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản vợ của vua Mạc Đăng Dung lập ra. Nhân một lần về thăm quê, thấy làng Lan Niểu (tên cũ của làng Hòa Liễu) đồng đất chua mặn, nhân dân nghèo khổ, đình chùa tiêu điều, bà liền vận động hoàng thân quốc thích trong triều quyên tiền tu tạo ngôi chùa có tên “Thiên Phúc Tự” của làng. Bà còn bỏ tiền mua thêm ruộng cúng tiến nhà chùa và cấp cho các gia đình nghèo khổ, binh lính. Sau đó, bà cùng nhân dân lập ra hội Minh Thề với những nghi lễ trang nghiêm và bài Hịch văn quy định rõ những điều được làm và không được làm cho tất cả các thành viên trong làng từ chức dịch dến dân thôn.
Từ mờ sáng ngày lễ hội, đình làng rộn rã tiếng trống phách của đội tế thực hiện các nghi lễ tế thành hoàng làng. Sau lễ tế thần, các bô lão, quan khách và toàn thể dân làng tập trung quanh sân đình theo thứ bậc để làm lễ Minh Thề. Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng bước vào đài thề làm lễ khấn trời đất và bách thần. Sau đó, trưởng hội tư văn đọc lời thề đã được truyền qua nhiều thế hệ: “…Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân: trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công xây dựng vào việc công xin thần linh ủng hộ. Ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh trừng phạt. Làm người bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt…”. Trong không khí tĩnh lặng, tất cả người dân trong làng đều hoà chung quyết tâm thực hiện lời thề bằng tiếng hô vang: “Y như miệng thề”. Sau tiếng hô vang, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống đài thề biểu thị quyết tâm. Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề được tiến hành rất cẩn trọng theo quy định truyền từ ngàn đời xưa.
Sau lễ Minh Thề thành kính, người dân Hoà Liễu vui hội vật, hội chèo thuyền truyền thống. Sới vật trước sân đình, chùa rộn rã tiếng trống giục giã người người tới dự hội. Các trai làng vào sới vật trong tiếng hò reo vang dội của người xem. Càng vào sâu, các đô vật càng say… Hoà cùng tiếng trống hội vật là tiếng trống chèo giục giã nơi sân đình, những vở chèo truyền thống được biểu diễn bởi chính những người dân làng Hoà Liễu. Hội Minh Thề là tập tục đẹp kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách, là niềm tự hào của người dân làng Hòa Liễu.
1.3.2.2. Hội vật cầu Kim Sơn.
Ba năm không hội vật cầu
Làng Kim con gái mang bầu ra đi.
Hội vật cầu được tổ chức ba năm một lần vào ngày mồng sáu tháng Giêng tại làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Nhiều người cho rằng, vật cầu là môn thể thao do những người làng Kim Sơn đi theo tướng Phạm Ngũ Lão dạy cho dân, sau dân làng nhớ ơn họ mà tổ chức hội vật cầu. Đây là lễ hội vừa thể hiện tinh thần thượng võ vừa thể hiện tín ngưỡng đặc trưng của những cư dân nông nghiệp.
Tuy hội được tổ chức vào mồng sáu tháng Giêng nhưng ngay từ 30 Tết cả làng Kim Sơn đã náo nức quét dọn đình làng, trang trí cổng chào và đào các lỗ cầu để chuẩn bị cho ngày hội. Ba giáp trong làng cũng chọn ra mỗi giáp một tổng cờ và sáu giai cầu để thi đấu trong ngày chính hội.
Quả cầu được làm từ củ chuối hột vườn nhà, đường kính khoảng 30 – 40 cm, nặng khoảng 10kg – 15kg, còn tươi, được gọt tròn, nhẵn và trơn. Trong ngày ba mươi Tết, những người được làng cắt cử sẽ trang trí cầu thật rực rỡ với giấy hồng điều bọc bên ngoài, trên lớp giấy hồng điều gắn hình tứ linh (long – ly – quy – phượng) bằng giấy trang kim. Cầu được đặt trên mâm bồng trong kiệu, phía trước kiệu bày hương án thờ thần ở đình làng.
Sáng mồng sáu tháng Giêng, khi dân làng đã tề tựu đông đủ, vào đúng giờ Thìn, lễ rước cầu từ đình ra sân được cử hành. Khi đoàn vào đến giữa sân thì hạ kiệu. Các vị cao lão bưng quả cầu gieo xuống lỗ cầu cái. Các giai cầu hò reo, giang tay chạy vòng quanh lỗ cầu, tổng cờ chạy phất cờ ở ngoài. Sau tiếng trống hiệu, các giáp về vị trí, Tổng cờ đến bàn chủ khảo nghe lệnh rồi về chuần bị ra quân.
Phút giao cầu bắt đầu từ hiệu trống nổi lên và thúc liên tục. Các giai cầu cùng vẫy tay reo, chạy đến miệng lỗ cầu và chạy vòng quanh. Mỗi giáp được cử một giai cầu xuống hố để tung quả cầu lên. Các giai cầu này phải tranh nhau để tung được cầu về phía đội mình. Khi cầu được tung lên khỏi lỗ cái, các giai cầu trên sân lại tranh nhau để đưa cầu về lỗ của đội mình, các Tổng cờ vừa chạy theo giai cầu phất cờ thúc giục vừa ra đấu pháp tranh cầu. Những người đến xem hò reo không ngớt. Quả cầu vừa trơn vừa nặng lại thêm đội khác cản trở nên rất khó để đưa về lỗ quân của đội mình. Hết một keo đội nào đưa được cầu vào lỗ của đội mình nhiều lần nhất là đội thắng cuộc. Kết thúc keo thứ ba, chủ khảo đánh trống ra lệnh tắm cầu. Quả cầu được gieo xuống ao đình gần đó, 15 giai cầu cùng dân làng lao xuống nước, tranh lấy một miếng quả cầu mang về lấy khước của thần. Người dân tin rằng, nếu lấy một miếng của quả cầu này đem nấu cho lợn ăn thì lợn rất chóng lớn mà không bị dịch bệnh.
Trưa mồng sáu, cả làng làm cỗ linh đình dâng cúng thành hoàng và thết khách phương xa về xem hội. Vì thế, dân làng Kim Sơn có câu: Mồng 3 ăn cốn (hết cỗ Tết), mồng 4 nằm trơ, mồng 5 ngồi chờ, mồng 6 được ăn (ăn cỗ hội).
1.3.2.3. Hội rước “Ông Bồ” Kỳ Sơn.
Hội rước Ông Bồ được tổ chức vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch tại làng Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện kiến Thụy, Hải Phòng. Ông Bồ là tiếng dân địa phương gọi con lợn to nhất làng được dùng làm lễ phẩm tế thành hoàng. Tương truyền đây là phong tục nối tiếp truyền thống khao quân của tướng Phạm Tử Nghi mỗi khi thắng giặc. Trước đây làng quy định gia đình nào sinh con trai thì phải gánh tế đám (trách nhiệm nuôi lợn để dâng thành hoàng). Người làng cho rằng, nhà nào có Ông Bồ được rước thì sẽ may mắn cả năm nên ai cũng gắng sức chăm sóc để có lợn to khỏe.
Đến mồng chín tháng Giêng, chủ lợn mở cửa chuồng để bà con đến xem Ông Bồ. Cũng trong sang ngày mồng 9, nhân dân trong làng tổ chức hội thi “chạy đá” tương truyền là cách luyện quân của tướng Phạm Tử Nghi khi xưa. Sáu tráng đinh tuổi từ 18 đến 20 được chia làm hai đội phân biệt bằng màu khố và khăn quấn đầu. Đến giờ lành, hòn đá thần có chiều dài khoảng 25cm, chiều rộng 18cm được rước từ trong đình làng ra rồi thả xuống ao. Mỗi tráng đinh được uống một chén rượu gừng rồi đồng loạt nhảy xuống ao mò đá. Đội nào ôm được đá chạy về đình trước là thắng cuộc.
Đúng O giờ ngày mồng mười tháng Giêng, con dao bầu và hòn dá mài được rước từ đình làng về để mổ lợn. Người khai dao ăn mặc đẹp, chúc rượu anh em đứng quanh, đọc bài khấn rồi ngả thịt con lợn. Lợn sau khi đã làm sạch sẽ được đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, mắt gắn bi ve, miệng ngậm dọc khoai, lưng dán hoa giấy đỏ.
Sáng ngày mồng mười tháng Giêng, đám rước chính thức được cử hành. Đi đầu là mâm bánh dày to giã từ 25kg gạo nếp, tiếp theo là mâm ngũ quả và cuối cùng là Ông Bồ được đặt trên kiệu cùng con dao và hòn đá mài. Đám rước sau khi đi vòng quanh làng sẽ quay trở về đình, tại đây diễn ra các nghi thức tế trời đất, cầu xin mùa màng bội thu. Sau khi tế lễ, dân làng được “thụ lộc” hoa quả; bánh dày, thịt lợn được chia đều cho người dân trong làng.
Hội rước Ông Bồ thể hiện ước nguyện về một cuộc sống thanh bình, mùa màng tốt tươi, cây trồng vật nuôi sinh sôi này nở của người dân làng Kỳ Sơn.
1.3.2.4. Hội chèo bơi, đi kheo Quần Mục.
Hội chèo bơi, đi kheo được tổ chức vào ngày nước dừng (nước không lên, không xuống) của tháng Giêng hàng năm tại thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ. Vào ngày này, người dân tụ tập ở đình làng để tổ chức rước xách, cầu nguyện rồi mở hội chèo bơi, đi kheo với mục đích khai xuân, chuẩn bị cho một năm đi biển mới.
Chiều hôm trước ngày hội, các xóm đã tổ chức phong thẻ để chọn người tham gia. Thủ tục này được làm nghiêm túc, công minh do các cụ cao tuổi lựa chọn. Mỗi xóm cử ra một thuyền trưởng cầm lái và mười hai chàng trai khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, kỹ thuật chèo thuyền.
Sáng ngày hội, sau phần tế lễ tại đình làng, mọi người cùng đi đến địa điểm thi đấu bên bờ biển. Tại đây, dân làng tế thần biển, cầu xin mưa thuận gió hoà và một mùa đi biển thuận lợi. Lễ tế đã xong, ba hồi trống vang lên giòn giã báo hiệu cuộc đua chuẩn bị bắt đầu. Gần bốn mươi trai làng của ba thuyền đua với trang phục quần dài, áo nâu, đầu quấn khăn nhiễu điều, thắt lưng bao tượng xanh, khẩn trương xuống thuyền chờ lệnh xuất phát. Theo quy định, từ chỗ thuyền xuất phát tới đích cự li khoảng 1km, đích có cắm cọc tre (người địa phương gọi là vè) để giới hạn. Mỗi thuyền phải đi ba vòng và về ba vòng. Thuyền nào đi đủ sáu vòng và nhổ vè trước là thắng cuộc. Đội thắng cuộc không những được phần thưởng mà còn được ưu tiên là những người xuất thuyền đầu tiên trong vụ cá mới.
Sau khi tổ chức chèo bơi với mục đích khai việc đầu năm, người dân được tiếp tục thưởng thức tích trò đi kheo do chính những người trong làng biểu diễn. Đi kheo là một trò rất khó, đòi hỏi người diễn trò phải giữ thăng bằng tốt và có sự bình tĩnh cần thiết, vì vậy phần lớn người diễn trò phải tập luyện quanh năm.
Hội chèo bơi, đi kheo của người dân Quần Mục đã góp thêm nét văn hóa biển làm nên bức tranh văn hóa đa dạng của người dân Kiến Thụy, Hải Phòng.
Các lễ hội dân gian truyền thống đã phản ánh bức tranh văn hóa đa dạng của người dân Kiến Thụy xưa. Ngoài những yếu tố của văn hóa nông nghiệp, trong các lễ hội này còn có sự xuất hiện của những yếu tố thuộc văn hóa biển. Đó là một trong những nguyên nhân góp phần hình thành nên lối sống cởi mở, khoáng đạt của người dân nơi đây. Những lễ hội này vừa thể hiện truyền thống nhớ ơn, tôn vinh những cá nhân có công với cộng đồng vừa thể hiện tinh thần thượng võ, sự tôn vinh sức mạnh thể lực của người dân Kiến Thụy.
2. Kiến Thụy – Dương Kinh của nhà Mạc.
2.1. Cổ Trai – nơi phát tích của nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, quê gốc vốn ở làng Lũng Động, vùng Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Đến đời ông nội của Mạc Đăng Dung là Mạc Hịch (hay Mạc Đĩnh Quý) mới rời tới làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng). So với các nơi khác trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ, Cổ Trai được khai phá tương đối muộn. Ban đầu Cổ Trai chỉ là những bãi lầy, dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, đây lại là vùng đất có địa thế khá thuận lợi. Làng dựa lưng vào hai dãy núi: núi Chè, núi Đối và trước mặt làng có một nhánh của con sông Đa Độ chảy qua. Dòng sông Đa Độ không chỉ bồi đắp phù sa cho đồng ruộng nơi đây thêm màu mỡ mà còn góp phần tiêu úng cho cả một vùng Kiến Thuỵ rộng lớn. Cửa nhánh sông Đa Độ nối liền với cửa sông Văn Úc vừa sâu vừa kín gió, tôm cá quanh năm về đây kiếm mồi, sinh đẻ tạo thành một ngư trường rộng lớn với nhiều loại thủy sản quý. Theo sông Văn Úc, từ Cổ Trai cũng có thể đi thuyền thẳng ra biển Đông qua cửa Đa Ngư hoặc thẳng đường tới kinh đô Thăng Long. Được thiên nhiên ưu đãi, người dân Cổ Trai có điều kiện vừa trồng cấy lúa trên dải đồng bằng phù sa màu mỡ vừa phát triển thêm nghề đánh cá. Bởi vậy đất lành chim đậu, tuy có lịch sử khai phá muộn hơn so với các khu vực khác trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ nhưng Cổ Trai đã sớm trở thành một vùng quê trù phú:
Đồn rằng Tổng Cổ giàu ghê,
Làng Cổ lắm nghề cấy lúa đóng xăm.
Nhân Trai buôn bán ì ầm,
Kim Sơn lập ấp lại chăm ghè hà.
Người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về cảnh thuyền bè ra vào buôn bán tấp nập của bến đò Cổ Trai xưa. Thấy được cảnh trù phú của Cổ Trai, cụ Mạc Bình – ông Tổ ba đời của Mạc Đăng Dung đã di cư đến nơi này.
Cho đến thời của Mạc Đăng Dung, so với nhiều nơi khác trên địa bàn phủ Nghi Dương xưa, Cổ Trai không phải là đất khoa bảng. Trước Mạc Đăng Dung, ở Cổ Trai chưa từng có người nào đỗ đạt trong các kỳ thi do triều đình tổ chức. Vậy nên, việc Mạc Đăng Dung đỗ Đô lực sĩ thực sự là một sự kiện trọng đại đối với Cổ Trai nói riêng và phủ Nghi Dương nói chung. Sự kiện ấy đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử làng Cổ Trai.
Ngay từ khi Mạc Đăng Dung còn làm quan cho nhà Lê, đất Cổ Trai đã là một căn cứ địa căn bản và vững chắc của họ Mạc. Dù bận rộn với công việc triều đình, ông vẫn thường xuyên trở về quê hương Cổ Trai. Việc này vừa củng cố mối qua hệ gắn bó của Mạc Đăng Dung với quê hương vừa có tác dụng gia tăng đáng kể ảnh hưởng của ông tại nơi đây. Năm 1525, lúc mà quyền hành lên tới tột bậc, với tước Bình chương quân quốc tụng sự Thái phó Nhân quốc công, nắm trong tay toàn bộ binh lực, vua Lê lúc ấy chỉ hoàn toàn là hư vị, Mạc Đăng Dung đột ngột lui về ở Cổ Trai nhưng thực tế vẫn chi phối triều chính. Năm 1527, vua Lê phải sai người đến tận Cổ Trai ban mệnh vua phong vương cho Đăng Dung. Nhưng lúc này Đăng Dung chỉ nhận mệnh vua mà không trởi lại kinh thành: “Tháng 5 ngày mồng năm (năm 1527), Đăng Dung từ Cổ Trai tới kinh bái yết hoàng thượng, rồi từ cửa Đông Hoa ra cửa Đại Hưng trở về Cổ Trai.” [20; 192].
Hai năm ở Cổ Trai (1525 – 1527) chính là thời gian Mạc Đăng Dung củng cố, xây dựng nơi đây thành hậu phương vững chắc của mình.
Sự ra đời của Mạc triều năm 1527 đã mở ra thời kỳ huy hoàng của vùng đất Cổ Trai. Từ một làng nhỏ của phủ Nghi Dương, Cổ Trai đã trở thành mảnh đất đế vương với nhiều lăng tẩm, cung điện nguy nga như: điện Hưng Quốc, điện Phúc Huy, điện Tường Quang, phủ Tín, phủ Từ… Đặc biệt, việc Mạc Đăng Dung tự xưng là Thái thượng hoàng và rời về Cổ Trai đã biến nơi đây trở thành một trung tâm chính trị quan trọng của Việt Nam dưới triều Mạc. Tại Cổ Trai, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung vẫn trực tiếp giải quyết việc triều chính, luận bàn việc nước với nhà vua và các quan khi họ về triều yết hàng tháng. Sự thay đổi vị thế của Cổ Trai dưới thời Mạc không những làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân nơi đây mà còn để lại dấu ấn đậm nét trong tâm thức của họ. Do đó, Cổ Trai là vùng đất nhà Mạc có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc nhất.
Đối với những người họ Mạc, Cổ Trai là đất căn bản, là nơi khởi đầu trang sử vẻ vang của dòng họ. Vì thế, cho dù sau này bị nhà Lê – Trịnh đàn áp, con cháu họ Mạc phải ly tán nhiều nơi, vẫn còn một chi họ Mạc quay trở lại Cổ Trai xây lại từ đường, thờ phụng tổ tiên. Từ sau khi nhà Mạc sụp đổ đến nay, dù lịch sử có nhiều biến động, chi họ Mạc ở Cổ Trai vẫn kiên trì giữ họ của mình. Ngày nay, từ đường dòng họ Mạc tại Cổ Trai vẫn là nơi con cháu họ Mạc ở khắp nơi trên cả nước trở về để tưởng nhớ tổ tiên.
2.2. Xác định địa giới Dương Kinh xưa.
Cho đến nay, sử sách đều thống nhất rằng vào thời nhà Mạc, song song với Thăng Long còn có Dương Kinh – kinh đô thứ hai được nhà Mạc coi là “đất căn bản”. Tuy nhiên, vấn đề địa giới của Dương Kinh xưa hiện nay vẫn còn là điều tranh cãi của nhiều sử gia. Nguyên nhân chủ yếu là do các nguồn tài liệu ghi chép điều này rất sơ sài và không rõ ràng.
Cuốn sử xưa nhất chép về nhà Mạc là Đại việt sử kí toàn thư không hề nhắc đến Dương Kinh do quan điểm của người chép sử coi nhà Mạc là ngụy triều. Đến thế kỉ XVIII, mới thấy Lê Quý Đôn nhắc đến Dương Kinh trong cuốn Đại Việt Thông sử : “Tháng này (tháng 6 năm 1527) Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính điện, tế trời ở đàn Nam Giao, dựng tôn miếu, lấy Hải Dương làm Dương Kinh, lập cung điện ở Cổ Trai” [20; 188]. Nhiều người đã căn cứ vào tái liệu trên dẫn đến nhầm lẫn, cho rằng Dương Kinh của nhà Mạc nằm trên đất Hải Dương ngày nay. Thực tế, Hải Dương dưới thời Mạc là một vùng rộng lớn bao gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng và một số huyện của tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Quảng Ninh ngày nay.
Cuốn Cương Mục biên soạn dưới triều Nguyễn có thu hẹp hơn địa bàn của Dương Kinh: “Đời nhà Mạc lấy huyện Nghi Dương làm Dương Kinh, tách phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, các phủ Khoái Châu, Tần Hưng, Kiến Xương, Thái Bình trấn Sơn Nam cho lệ vào.” [57; 156]. Huyện Nghi Dương chắc chắn đã xuất hiện từ thời Lê Sơ. Bằng cớ là trên bản đồ xứ Hải Dương thời Hồng Đức đã đánh dấu và ghi tên huyện này.
Qua các ghi chép trên và ghi chép trong cuốn Đại Việt sử kí toàn thư: “Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương” [43; 534] có thể thấy: Dương Kinh được nhà Mạc xây dựng ở huyện Nghi Dương với trung tâm là Cổ Trai.
Đến năm Minh Mệnh thứ 14 (1835), Cương Mục cho biết nhà Nguyễn tách bốn huyện Nghi Dương, An Dương, Kim Thành, An Lão đặt thêm phủ Kiến Thụy. Tiếp đến năm Thành Thái thứ mười (1898), nhà Nguyễn lại tách An Dương, An Lão của phủ Kiến Thụy, huyện Thủy Nguyên của phủ Kinh Môn và huyện Tiên lãng của phủ Nam Sách làm tỉnh kiến An với bốn huyện của phủ Kiến Thụy trong đó có huyện nghi Dương.
Năm 1963, tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất thành thành phố Hải Phòng trong đó có huyện Kiến Thụy ngày nay bao hàm về cơ bản huyện Nghi Dương xưa. Đến đây ta có thể thấy Dương Kinh xưa thuộc huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng ngày nay. Làng Cổ Trai, nơi phát tích của nhà Mạc khi xưa nay vẫn giữ nguyên tên, thuộc xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy.
2.3. Kiến Thụy – Dương Kinh – Kinh đô thứ hai của nhà Mạc.
Ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã “lấy Hải Dương làm Dương Kinh, lập cung điện ở Cổ Trai” [20; 190] đánh dấu thời kỳ huyện Nghi Dương xưa tức Kiến Thuỵ ngày nay chính thức trở thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc.
Trước hết, Dương Kinh là nơi nhà Mạc cho xây dựng rất nhiều tôn miếu, lăng mộ để tưởng nhớ tổ tiên. Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã xây lăng mộ nguy nga cho cha mẹ mình gọi là An Lăng. Các đời vua sau của nhà Mạc cũng tiếp tục cho xây dựng nhiều lăng mộ tại Dương Kinh – đặc biệt là ở Cổ Trai. Vào dịp tuần tiết, các vua đều thân hành về tế lễ rất trọng thể. Chỉ riêng điều này đã khiến cho ảnh hưởng của nhà Mạc tại Dương Kinh càng thêm sâu sắc. Về mặt này, Dương Kinh của nhà Mạc có vai trò như Lam Kinh của nhà Lê.
Không chỉ có vậy, nhà Mạc còn biến Dương Kinh thành trung tâm chính trị quan trọng của cả nước. Khi còn tại ngôi, Mạc Đăng Dung đã cho xây dựng ở Dương Kinh nhiều cung điện như điện Hưng Quốc, điện Phúc Huy, điện Tường Quang. Đến thời Mạc Đăng Doanh, nhiều công trình quan trọng khác tiếp tục được xây dựng như phủ Tín, phủ Từ… Các cung điện nguy nga tại Dương Kinh không chỉ là nơi Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung nghỉ ngơi mà còn là một trung tâm hành chính với nhiều khu vực riêng biệt có chức năng khác nhau như: điện Hưng Quốc – nơi Thái thượng hoàng gặp gỡ quần thần, xử lí việc triều chính; phủ Tín, phủ Từ – nơi dành riêng cho các quan nghỉ ngơi và bàn việc nước khi về Dương Kinh triều yết Thái thượng hoàng. Sách Đại Việt thông sử có ghi: “Đăng Dung về Cổ Trai ở là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viện cho Đăng Doanh nhưng vẫn định đoạt các việc quốc gia trọng đại” [20; 210]. Dương Kinh là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại dưới thời Mạc như việc Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, việc triều yết Thái thượng hoàng vào ngày mùng 8 và 22 hàng tháng, việc Mạc Đăng Dung trực tiếp ra chiếu chỉ quyết định nhiều việc trọng đại của đất nước. Chỉ tính riêng những sự kiện ấy cũng đủ chứng minh tầm quan trọng của Dương Kinh có thể sánh ngang với Thăng Long dưới thời Mạc.
Song song với việc xây dựng một trung tâm chính trị có vai trò ngang hàng với Thăng Long, nhà Mạc còn tạo điều kiện để Dương Kinh trở thành một trung tâm văn hóa lớn của vùng châu thổ sông Hồng. Tại Dương Kinh, nhà Mạc cho xây dựng nhiều trường học song song với Quốc tử giám ở Thăng Long. Ở Kiến Thụy ngày nay vẫn còn nhiều dấu vết của các văn chỉ, từ chỉ mà nhà Mạc đã xây dựng như văn chỉ ở Hòa Liễu xã Thuận Thiên, từ chỉ ở Xuân La xã Thụy Hương. Đây vừa là nơi thờ Khổng Tử vừa là nơi dạy học cho con em quý tộc nhà Mạc. Xung quang các văn chỉ, từ chỉ ấy là nhiều địa danh trùng tên như Tràng Trong (trường trong), Tràng Ngoài (trường ngoài) tương truyền là nơi nhà Mạc tổ chức các kì thi kén người tài… Rất nhiều văn bia thời Mạc ở Dương Kinh hiện còn giữ được có ghi người soạn là Hiệu sinh Dương Kinh như: Hiệu sinh Dương Kinh Nguyễn Xương Thiệu soạn bia Vĩnh Khánh tự bi ở xã Bàng Động huyện Kiến Thụy (năm1583); Hiệu sinh Dương Kinh soạn bia Trúc Am tự bi ở xã Du Lễ huyện Kiến Thụy. Những dòng chữ trên bia đá đã cho thấy Hiệu sinh Dương Kinh là cách gọi những học trò từ khắp nơi đến Dương Kinh để học tập và việc viết những bài văn khắc trên bia cũng là một cách để họ thể hiện tài năng của mình. Điều đó chứng tỏ dưới thời Mạc, giáo dục ở Dương Kinh rất phát triển.
Cùng với giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng cũng phát triển mạnh mẽ. Nhà Mạc đã xa rời học thuyết Tống nho của nhà Lê và quay trở về với Phật giáo. Các thân vương quý tộc nhà Mạc và nhân dân thời Mạc đua nhau quyên góp xây dựng chùa. Dưới thời Mạc, Nho giáo không còn giữ vị trí độc tôn. Nó chỉ còn vai trò ngang bằng với Phật giáo và Đạo giáo, thậm chí đôi khi còn bị Phật giáo lấn át. Ngay tại Dương Kinh, nơi ở của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung, rất nhiều ngôi chùa tiêu điều dưới thời Lê đã được mở mang tu bổ, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng hoặc trùng tu dưới thời Mạc với giá trị lịch sử, thẩm mĩ rất cao như chùa Trà Phương, chùa Hoà Liễu, chùa Nhân Trai …
Bên cạnh đó, tại Dương Kinh cũng có rất nhiều đạo quán được xây dựng, tuy bị tàn phá nhiều sau khi nhà Mạc suy vong nhưng những tên địa danh vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay như Quán Đá (Xuân La), Quán Lạng (Đông Phương).
Khác với các triều đại trước vốn có truyền thống trọng nông ức thương, nhà Mạc với tư duy khoáng đạt của người miền biển đã đem lại những thay đổi lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Thay đổi đó diễn ra trước nhất ở Dương Kinh – nơi nhà Mạc có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Dưới triều Mạc, Dương Kinh là một trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Những vết tích khảo cổ học còn lại cho đến ngày nay của các di chỉ bến bãi, chợ búa ở An Quý và Minh Thị đã chứng tỏ điều đó. Chợ Minh Thị (nay thuộc huyện Tiên Lãng, giáp Kiến Thụy) chính là phần đất lệ vào Dương Kinh khi xưa. Vào thế kỉ XVI, đây là khu vực buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền với đường sông thuận lợi, vừa thông ra biển vừa thông với sông Văn Úc để đi vào nội địa. An Quý (nay thuộc huyện Vĩnh bảo) cũng là một bến bãi khá sầm uất dưới thời Mạc với đường sông thông thoáng và hàng loạt những chợ nhỏ xung quanh. Câu truyền ngôn Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Hạ Hôm (tên cũ của An Quý) đã cho thấy cảnh sầm uất nơi đây. Những di tích khảo cổ học khai quật được tại hai khu chợ này phần lớn là đồ gốm sứ thế kỉ XVI, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là bát đĩa. Các sản phẩm này đều có màu men đa dạng, hoa văn giản dị mà tinh xảo. Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm đều có in tên họ của người đặt hàng, người sản xuất và nơi sản xuất. Đó chính là mầm mống của nền kinh tế hàng hóa đang dần hình thành. Nó cho thấy tư duy cởi mở và nhạy bén của nhà Mạc về vấn đề kinh tế – đây là điểm tích cực của nhà Mạc so với các triều đại trước.
Như vậy, hàng loạt các chính sách mới mà nhà Mạc áp dụng đã biến Dương Kinh thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn giữa thế kỉ XVI. Quan trọng hơn, những việc làm ấy đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng của nhà Mạc trên toàn vùng Dương Kinh rộng lớn, giúp họ thu phục nhân tâm để xây dựng một hậu cứ vững chắc cho vương triều còn non trẻ. Điều này lí giải vì sao dưới triều Mạc, kinh thành Thăng Long luôn bị đe dọa bởi cảnh binh lửa nhưng Dương Kinh vẫn yên ổn mọi bề. Ngay cả khi nhà Mạc đã bại trận ở Thăng Long vẫn có tới sáu mươi nghìn dân vùng Dương Kinh đi theo Mạc Kính Chỉ chống nhà Lê – Trịnh. Thậm chí, khi họ Trịnh ra lệnh tàn phá tất cả những gì liên quan tới họ Mạc, nhiều người dân Dương Kinh vẫn liều mình cất giấu, bảo vệ những di sản ấy. Nhờ thế, trên địa bàn Kiến Thụy ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết huy hoàng của Dương Kinh một thuở.
2.4. Kiến Thụy và những truyền thuyết độc đáo về Mạc Đăng Dung và vương triều nhà Mạc.
Như trên đã nói, Dương Kinh xưa – tức Kiến Thụy ngày nay là đất căn bản của nhà Mạc. Tất cả các vị vua triều Mạc tuy ở Thăng Long nhưng đều gắng công xây dựng nơi phát tích của dòng họ mình ngày một vững chắc, trù phú. Dấu ấn mà nhà Mạc để lại trong tâm thức người dân sâu đậm tới mức ngay cả khi họ Trịnh san phẳng tất cả những gì thuộc về nhà Mạc trên đất Dương Kinh, họ vẫn tìm cách bảo vệ các công trình ấy. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngày nay trên đất Kiến Thụy vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cho thấy thời kỳ huy hoàng của Dương Kinh xưa. Cùng với những di tích lịch sử ấy là những truyền thuyết được nhân dân gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ bất chấp sự cấm đoán của triều đình và sự ghẻ lạnh của các sử gia phong kiến sau này. Ngay cả khi con cháu họ Mạc phải thay tên đổi họ li tán khắp nơi do sự truy sát tàn bạo của chính quyền Lê – Trịnh, nhân dân Kiến Thụy vẫn lưu truyền nhiều truyền thuyết về đức độ, tài năng của nhiều ông hoàng bà chúa, thân vương tướng lĩnh, quan lại nhà Mạc. Tiêu biểu là truyện về Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản – một vị phật sống– cả đời chuyên tâm lo việc công đức, tôn tạo chùa chiền, dốc lòng thờ phật và đến khi hóa, bà cũng nhẹ nhàng theo một cơn gió bay về trời. Hay truyện về Ứng vương Mạc Đôn Nhượng được thần báo mộng cho địa điểm xây chùa; truyện Nguyễn Như Quế sức khỏe hơn người lại có biệt tài xem tướng nên tình nguyện theo Mạc Đăng Dung – người có chân mệnh thiên tử…
Trong số đó, chiếm vị trí quan trọng nhất là những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung – vị vua khởi lập vương triều Mạc. So với các truyền thuyết về những nhân vật trong vương triều Mạc, truyền thuyết về Mạc Thái Tổ – Mạc Đăng Dung chiếm số lượng nhiều hơn cả. Có thể nói, số lượng truyền thuyết về Mạc Đăng Dung còn tồn tại cho đến ngày nay không kém gì chuỗi truyền thuyết về những vị vua khai sáng các vương triều khác trong lịch sử Việt Nam như Lí Công Uẩn, Lê Lợi… Tất cả các truyền thuyết đều khắc họa hình ảnh một Mạc Thái Tổ nhân từ, khoan dung, tài năng và sức khỏe hơn người. Đó là một vị vua xuất thân nghèo khó, lam lũ như bao người dân chân lấm tay bùn khác nhưng nhờ tài năng hơn người và tấm lòng nhân đức, ông đã bước lên ngôi vị chí tôn.
Những truyền thuyết ấy chính là những tấm bia miệng quý giá để ghi công, ca ngợi những con người đã làm rạng danh đất Nghi Dương một thuở, những con người đã đem lại một cuộc sống ấm no thái bình mà người dân xưa hằng ao ước.
Hiện tại, những truyền thuyết về Mạc Đăng Dung vẫn tồn tại sâu rộng trong nhân dân vùng Kiến Thụy như một minh chứng cho mối thiện cảm vững bền mà nhân dân Dương Kinh xưa dành cho vị vua khởi đầu vương triều Mạc. Nghiên cứu, tiếp cận chuỗi truyền thuyết ấy sẽ đem lại cho chúng ta những cách nhìn mới đầy đủ, toàn diện hơn đối với một nhân vậy lịch sử mà đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi: Mạc Thái Tổ – Mạc Đăng Dung.
* Tiểu kết.
Kiến Thụy là một vùng đất có lịch sử khai phá lâu dài hơn so với các địa phương khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên ở đây không mấy thuận lợi cho nông nghiệp. Vì thế, người dân Kiến Thụy đã sớm được rèn luyện bản tính cần cù, nhẫn nại để cải tạo thiên nhiên. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân Kiến Thụy vẫn có đời sống tinh thần khá phong phú với những tín ngưỡng đậm tính nhân văn, nhiều lễ hội dân gian độc đáo và bộ phận văn học dân gian mang bản sắc riêng biệt của địa phương.
Là nơi phát tích của nhà Mạc, từ vùng đất Nghi Dương nghèo khó dưới thời Lê, Kiến Thụy đã trở thành Dương Kinh – kinh đô thứ hai của nhà Mạc, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đồng bằng sông Hồng
Dưới thời Mạc, Kiến Thụy – Dương Kinh đã trở thành “đất căn bản” cho vương triều non trẻ – nơi nhân tâm hướng về nhà Mạc với một niềm trung thành tuyệt đối. Đối với người dân Dương Kinh xưa, Mạc Đăng Dung là phúc thần, là minh quân và vương triều nhà Mạc là một vương triều có công mang lại cho họ cuộc sống ấm no mà họ hằng mơ ước. Điều đó lí giải tại sao bất chấp sự trả thù tàn bạo và cấm đoán ngặt nghèo của nhà Lê – Trịnh, bất chấp thái độ ghẻ lạnh của các sử gia hậu thế, truyền thuyết về vương triều nhà Mạc vẫn tồn tại sâu đậm trong tâm trí người dân Kiến Thụy cho đến ngày hôm nay. Truyền thuyết về Mạc Đăng Dung là một phần quan trọng làm nên nét đặc sắc của văn học dân gian Kiến Thụy và là một hiện tượng văn học thú vị cần được nghiên cứu sâu sắc hơn dưới góc độ khoa học.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.