- Đang online: 1
- Hôm qua: 994
- Tuần nay: 17938
- Tổng truy cập: 3,454,519
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà Văn Hóa Lớn Thế Kỷ XVI
- 307 lượt xem
![]()
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Nhà Văn Hóa Lớn Thế Kỷ XVITĂNG BÁ HOÀNH
Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên có tên là Nguyễn Văn Đạt , sinh năm Tân Hợi, Niên hiệu Hồng Đức 22 (1491), tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lai, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo,thành phố Hải Phòng,thân phụ là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là cù xuyên, người được đào tạo căn bản ở Quốc tử giám, có tri thức nho học uyên thâm, nhưng tiếc rằng chưa được ghi tên trên bảng vàng ở Văn Miếu. Mẹ là Nhữ Thị Thục,một người phụ nữ tài năng, tinh thông lý số, bản lĩnh phi thường, con gái của Nhữ Như Lan, quê làng Tử Hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, nay là xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Bà kén chồng dến tuổi 30 mới làm lễ hợp cẩn với Nguyễn Văn Định. Nội ngoại đôi bên thuộc hai phủ nhưng bên này bên ấy nhìn rõ cây đa đầu làng,chỉ qua con sông linh nối đôi bờ. Đời sau có một người con trai họ Nhữ di cư về thôn Đông, xã Lỗi Dương, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng,nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang,con cháu nối đời đỗ đại khoa.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được giáo dục từ nhỏ trong một gia đình nội ngoại đều có học vấn uyên thâm. Đến khi trưởng thành lại được thụ giáo bảng nhãn, thượng thư Lương Đắc Bằng , một tri thức có uy tín đương thời, đặc biệt xuất sắc về Lý học. Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên vào buổi mạt kỳ thời Lê sơ. Nếu như thời Lê thánh Tông là thời kỳ hoàng kim của thời đại phong kiến Việt Nam thì những thập niên đầu thế kỷ XVI, chế độ chính trị của nhà Lê đã vào buổi suy tàn, thời mà vua không ra vua, mà tôi chẳng ra tôi.Trong vòng 20 năm với ba đời vua không còn tư cách giữ ngôi cao, bị nhân dân lên án vì đói khổ và những chính sách phiền hà, hoang phí. Năm Đinh Sửu(1517), người chết đói, xác chồng lên nhau, những vùng trải qua binh lửa như trấn Hải Dương lại càng đói to, kết cục vua bị các đại thần đánh cho thê thảm. Trong bối cảnh ấy Mặc Đăng Dung tiếp ngôi xưng vương, tạo nên một triều đại mới là tất yếu.Thời gian đó Nguyễn Văn Đạt đã trưởng thành,nhà vua vẫn đều đặn mở các khoa thi,tuyển chọn nhân tài,nhưng ông không tham dự kể cả hai kỳ thi đầu triều mạc.Phải chăng ông đã linh cảm thấy không thể làm quan với triều đình nhiễu nhương như thế, quan lại chia bè kéo cánh,căm thù vua như giặc .ông bình tĩnh chờ thời,đến khi triều Mạc thiết lập được 5 năm,thời mà người buôn bán, kẻ đi đường đều đi tay không,ban đêm không còn trộm cướp,trâu bò thả trăn không phải đem về,chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi chúng sinh đẻ cũng không biết được là gia súc của nhà mình.Trong khoảng vài năm người đi đường không nhặt của rơi,cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.Trong khoảng thời gian ấy ông cảm thấy có thể mang tài năng giúp nước.Năm giáp thìn(1534), ông đổi tên là Bỉnh Khiêm, tham dự kỳ thi hương tại trường thi mao điền, đỗ giải Nguyên.Năm sau cũng tại đây thi hội lại đỗ đầu, rồi thi đình ông đỗ Trạng Nguyên,thật xuất sắc giành học hàm tam nguyên,xứng danh là sĩ tử xứ Đông.Trong lịch sử Nho học nước nhà rất hiếm những người đạt học vị như thế.Chúng ta biết rằng trong bốn kỳ thi Đại khoa đầu triều, nhà Mạc thi hội ở trường thi Mao Điền, còn thi đình thì vẫn ở Kinh Đô.Sau khi đăng khoa ở học vị cao nhất đương thời,ông được triều đình bổ nhiệm chức tá thị lang Lại bộ, kiêm Đông các đại học sĩ.Qua bảy năm tham giam gia với quan trật hàng Tam Phẩm,ở một bộ quan trọng nhất của triều đình nhà Mạc,ông hăm hở mang hết khả năng của mình để phục vụ đất nước trong một triều đình mới phóng khoáng,cởi mở, đầy sức sống.Nhưng triều mạc sau vài năm hưng thịnh đã sớm biểu hiện khủng hoảng về đường lối chính trị trước sức ép của nhà Minh ở phía Bắc, nhà Lê trung hưng ở phía Nam, không thể rảnh tâm xây dựng đất nước, bóng ma của nội chiến đã lởn vởn phía chân trời. Mạc Đăng Dung sau 3 năm cầm quyền, lui về phía sau làm Thái thượng hoàng, theo kế sách nhà Trần, cho con là Mạc Đăng Doanh chấp chính. Nhưng Đăng Doanh đang sung sức với nhiều ý tưởng canh tân thì qua đời ngày 25 tháng Giêng năm Đại Chính 11 (1540). Mạc Phúc Hải là con trưởng kế vị, năm đó mới chớm tuổi thành niên. Nguyễn Bỉnh Khiêm rất hy vọng vào người học trò của mình, ông nhiệt thành phò tá, nhưng Phúc Hải tỏ ra thiếu bản lĩnh của vai trò vương chủ. Người có thể nhờ cậy là ông nội Mạc Đăng Dung, nhưng cuối đời Mạc Đăng Dung có những việc làm mất uy tín trước quốc dân, nhất là tầng lớp sĩ phu. Hơn một năm sau khi cháu lên ngôi, ông nội cũng quy tiên, Dù trẻ tuổi, nhưng Phúc Hải mệnh yểu, trị vì được 6 năm, đúng ra mới là thời gian tập sự đã vội vàng về với tổ tiên. Con trưởng mới 6 tuổi, lên thay, trở thành con rối của các vị đại thần. Từ năm Quý Tỵ (1533), nhà Lê trung hưng xây dựng thành tại đất Thanh Hóa và ngày càng lớn mạnh, hình thành một nước hai vua. Trong hoàn cảnh ấy, hai bên đều tranh thủ trí giả và cũng không ít quan lại đảo ngũ cả từ hai phía, hoặc trừ khử lẫn nhau.
Nhà Mạc tuy không quản trị được toàn bộ đất nước và không ít khó khăn về chính trị, xã hội, nhưng vẫn tạo điều kiện cho nền kinh tế, văn hóa, giáo dục phát triển. Nghề thủ công có nhiều thành tựu, một số nghề đạt đến đỉnh cao, điển hình là gốm Chu Đậu, ra đời từ thời Lê sơ, phát triển mạnh ở triều Mạc và giao thương với nhiều nước ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông. Giáo dục được quan tâm. Triều Mạc chỉ tồn tại ở Thăng Long 65 năm, nhưng đã tổ chức được 22 khoa thi, nghĩa là dù hoàn cảnh chính trị có biến động đến đâu, việc thi cử cứ đều đặn 3 năm một khóa, lấy đỗ cả thẩy 485 tiến sĩ, trong đó sĩ tử Hải Dương chiếm một phần tư. Như vậy, không kém thời Lê sơ, thời thịnh trị nhất của nhà nước phong kiến và hơn cả triều Nguyễn sau này. Khi thất thủ ở Thăng Long, lên Cao Bằng còn tổ chức tiếp 12 khoa thi nữa. Văn hóa, giáo dục phát triển có sự đóng góp đáng kể của tầng lớp trí thức đương thời, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Như Chu Văn An xưa, để củng cố triều chính, Nguyễn Bỉnh Khiêm dũng cảm dâng sớ chém 18 tên nịnh thần có hại cho dân, cho nước, nhưng nhà vua không chấp nhận. Ông từ quan về với quê hương, dựng am Bạch Vân để giao lưu với các trí giả, làm nhà dạy học; lập quán Trung Tân bên bờ tuyết giang, làm nơi giao lưu với khách bốn phương. Để thể hiện tâm sự khi từ quan ông viết:
Có ai biết được lòng tri kỷ,
Vời vợi non cao nguyệt một vầng.Ông về chí sĩ không phải vì ông trốn tránh trách nhiệm với thời cuộc, mà để tìm một con đường cống hiến hợp với thời thế,khi mà ý tưởng chân chính không được thực hiện ở triều đình, đất nước rơi vào tình trạng cát cứ,thân hữu của ông lại ở hai bên chiến tuyến.
Nguyễn Bỉnh Khiêm giống Chu Văn An trên nhiều phương diện.Khi tại triều thì làm việc tận tâm tận lực quyết trừ hiểm họa ,mà trước hết là bọn tham quan,lại nhũng,lười biếng,thiếu trách nhiệm,tâu bày những điều tâm đắc,khi thoái triều vẫn đầy trách nhiệm,tham góp ý kiến, mong “cải hư nát ra quang hoa” như Nguyễn Trãi xưa đã từng làm,nhưng ông không tái nhiệm như Nguyễn Trãi để chuốc cái danh hư vạ thực. Chính vì thế mà khi không còn tại triều, vua Mạc Phúc Hải vẫn vinh phong cho ông là Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ví ông như Trình Di và Trình Hạo hai trí giả nổi danh của Trung Quốc, rồi lại gia tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Trình Quốc công, do đó mà thười sau gọi ông là Trạng Trình.
Khi chưa làm quan, ông mở trường dạy học, khi làm quan, ông giảng dạy Thái tử,hàng tháng đến trường thi Mao Điền giảng kinh sách cho học sinh. Khi thoái triều, ông về quê, dựng trường dạy học, mở mang dân trí, làm thơ văn truyền đạt, văn hóa và lý tưởng của mình. Ông làm thơ như người ta viết ký sự, mọi sự việc trong cuộc sống hàng ngày ông đều suy ngẫm, rồi thể hiện thành thơ đầy triết lý sâu xa, cho vua chúa đến thứ dân.Thơ đối với ông như một phương tiện chuyển tải tư tưởng, phổ biến triết lý cuộc sống,đúng với tinh thần Văn dĩ tải đạo.Để nói với vua chúa,ông viết :
Cổ lai, quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.(Xưa nay, nước lấy dân làm gốc,
Được nước nên biết mà phải được lòng dân)Đối với dân gian, ông cảnh tỉnh, tại bia Quán Trung Tân ông viết: “thấy người sắp chết đói bên đường không dám bỏ ra một đồng tiền để giúp.Thấy người rét co ngủ ngoài trời không đắp cho manh rạ”. Vậy thì tính thiện bỏ đi đâu? Sống trong một thế kỷ đầy biến động, ông luôn làm chủ thời cuộc, ung dung tư tại biết trước những gì sẽ xảy ra, vì thế mà ở tuổi 90, ông vẫn laàm thơ với những ý tưởng đầy lạc quan: 90 thì kể xuân đà muộn,xuân ấy qua ngày xuân khác còn.
Ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu, niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1585), ông tạ thế tại quê nhà, thọ 95 tuổi, đây là tuổi thọ hiếm có đương thời.
Bấy giờ vua Mạc Mậu Hợp cử phụ chính ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về lễ tang để tỏ sự trọng thị.Ông ra đi để lại muôn vàn tình thương cảm của học trò,bằng hữu và nhân dân. Có thể thấy được tình cảm ấy qua trích đoạn văn tế mà học trò Đinh Thời Trung đọc trước linh cữu ông:
…Thương tiên sinh nước sông đều biến sắc, nước hòa tuyết lệ lênh lang,
Nhớ tiên sinh, sâu kiến cũng đau lòng, tơ kết sầu bi ủ rủ!
Ôi thôi!
Đền trên non lạnh lẽo khói mây,
Nhà đầu xóm u ê hoa cỏ.
Chợ đến phiên vẫn họp, khách lại qua huyên náo, mà tiên sinh âm dương vắng bóng,
Chùa kia nền cũ vẫn nguyên, tòa tượng phật nghiêm trang, tưởng tiên sinh dung nghi còn đó.
Bia tiên sinh dựng, nhớ tiên sinh muốn tìm dấu cũ, thì nét chữ mịt mờ,rêu lan mặt đá, ngấm tàn phai.
Cây đa tiên sinh trồng, nhớ tiên sinh muốn ngắm cảnh xưa, thì cành lá lơ thơ, tuyết rủ đầu cây, hình cổ thụ.
Hàn giang là chỗ tiên sinh ở, tưởng tiên sinh bên sông ấy, chỉ thấy nước xuống nước lên,
Bạch Vân là tên tiên sinh đặt, tưởng như tiên sinh trên mây kia, chỉ thấy mây tan, mây tụ…(Chu Thiên dịch)
Từ ngày Trạng Trình về trốn vĩnh hằng, nay đã trọn 424 năm, biết bao học giả đã luận bàn về con người và sự nghiệp của ông. Không phải ngẫu nhiên mà trí giả đương thời tôn vinh ông là tuyết giang phu tử, cũng như sứ thần Chu Xán của nhà Thanh cũng phải thừa nhận “ An Nam Lý học hữu trình toàn”. Ông để lại cho hậu thế một di sản to lớn về nhân cách, tư tưởng, về cách ứng xử thời và thế, được thể hiện trong hàng nghìn bài thơ chữ Hán và quốc âm với ngôn từ dân dã, tập hợp thành hai tập: Bạch Vân an thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi tập.
Qua đó, ông góp phần quan trọng vào việc phát triển nền văn học nước nhà, đặc biệt là thơ quốc ngữ. Những tiên tri của ông lúc sinh thời thông qua một số thơ văn, người đời sau coi như sấm ký để suy ngẫm về tương lai. Đây cũng là biệt tài lý học của ông, tuy nhiên cần xác định đâu là của Trạng, đâu là của dân gian. Những người có tài năng xuất chúng như ông thường có những huyền thoại ly kỳ. Sống ngót một thế kỷ, 45 tuổi mới đỗ đại khoa, chỉ có bẩy năm làm quan với triều Mạc, hơn 40 năm còn lại sống ở quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn làm nên sự nghiệp lớn, để lại bài học quý báu cho tầng lớp trí thức mọi thời đại, đúng như Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân đời sau đã nói “ đời dùng thì làm, đời bỏ thì ẩn,đối với tiên sinh dù chẳng đắc dụng chẳng hề chi. Ta rất hâm mộ tiên sinh về chỗ đó…nay đọc những văn chương còn lại khác chi tiếng ném ngọc giao vàng,rực rỡ như mây muôn sắc, sáng sủa như vầng thái dương…Bởi tiên sinh chẳng những tinh thông Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thật thì trăm đời sau cũng chưa dễ ai hơn được vậy” .Ông xứng danh là nhà văn hóa lớn ở thế kỷ XVI.
Để nghi nhận công lao và phát huy thành tựu văn hóa của ông,hiện nay, nhà nước và chính quyền địa phương đã cho tu sửa những di tích có liên quan: Am Bạch Vân đã được tôn tạo,Quán Trung Tân cũng được phục hồi, tượng thờ ông được đặt tại Văn miếu Mao Điền,bia tiến sĩ đề danh cũng sẽ được khác dựng tại đây, trong đó có tên ông. Nhiều đường phố trường học đặt tên ông để nghi nhớ và noi theo. Tuy nhiên, tưởng nhớ đến danh nhân, tầng lớp trí giả nước nhà,hẳn còn phải suy ngẫm nhiều về cách ứng xử với thời và thế của ông.
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 13.02.2012.
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC