- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19723
- Tổng truy cập: 3,370,788
TÔN DUỆ DÒNG HỌ NGUYỄN KÍNH VỀ DÂNG HƯƠNG TẠI TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC Ở CỔ TRAI 812
- 195 lượt xem
TÔN DUỆ DÒNG HỌ NGUYỄN KÍNH VỀ DÂNG HƯƠNG TẠI TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC Ở CỔ TRAI
Sáng mùng 6/10/2013, tôi đang cùng các thành viên HĐMT Hải Phòng họp phiên mở rộng, rút kinh nghiệm về việc phục vụ giỗ Tổ Qúy Tỵ – 2013 tại Từ đường họ, thấy có một xe khách mới, đẹp và lớn nữa, từ từ lăn bánh vào sân Từ đường; theo linh cảm tác nghiệp, tôi cầm máy ảnh ra đón khách cùng với cụ trưởng họ Mạc Như Thiết và cụ Mạc Như Mao, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Mạc Cổ Trai. Theo cụ Mao và cụ Thiết trao đổi, thì đoàn từ Hà Nội về, nhưng không thuộc chi nào của họ Mạc, gốc Mạc cả.
Vậy sao ? Đoàn toàn các cụ ngoại 70 cho tới 90 tuổi, các mái đầu bạc phơ thành kính dâng hương, khấn vái Tiên Tổ tộc Mạc !!! Tới khi xin được gặp cụ trưởng Đoàn Nguyễn Tuấn Long, tôi mới được biết đây là các cụ là tôn duệ dòng họ Nguyễn, thuộc phái hệ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn (Nguyễn Ngọc Liễn), đại thần triều Mạc khi xưa.
Cảm kính trước những tấm lòng ân nghĩa của các duệ tôn Nguyễn tộc, tôi xin phép trích lục lời tâm huyết của một duệ tôn dòng tộc cụ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính, trước là để tạ ơn cụ Nguyễn Kính và dòng họ; sau là mong chúng ta, con cháu dâu rể tộc Mạc, thấu hiểu thêm và nêu gương trách nhiệm của mình, gia đình mình, chi họ mình với Tổ Tiên, bài viết có đoạn:
CÔNG ĐỨC VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA CỤ TÂY KỲ VƯƠNG NGUYỄN KÍNH (MẠC NGỌC KÍNH)
VÀ 2 CON TRAI LÀ NGUYỄN CUNG (MẠC NGỌC CUNG)
VÀ NGUYỄN NGỌC LIỄN (MẠC NGỌC LIẾN)
CÒN SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN
Các bậc tiền nhân đã dạy:
“Cây có gốc, nước có nguồn”. Người ta ai cũng có Tổ tiên. Trước khi nói về cụ Đà Quốc công, chúng tôi xin cùng quý vị nhớ lại thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Kính. Cụ Kính là cụ khởi tổ của tôn tộc họ Nguyễn Kính .Cụ NGUYỄN KÍNH sinh năm Mậu Thìn (1508) quê ở làng Cổ Nậu (nay là xã Dị Nậu) huyện Thạch thất – tỉnh Hà tây (cũ) .
Thân sinh của cụ Kính là một nhà nho, am tường địa lý. Cuối thế kỷ 15, cụ đã đi nhiều nơi để tìm đất, khi đi qua vùng Thạch thất, Cụ đã dừng chân và cư trú ở làng Cổ Nậu, xin khai phá một khu gò cây cối rậm rạp, vợ chồng làm ăn sinh sống tại đó (Khu gò này chính là làng Dị Nậu ngày nay) Các cụ sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Kính. Từ khi con còn nhỏ, cụ ông thường nói với vợ:
” Người con này có diện mạo khác người, sẽ không phải là người thường. Phải nuôi con ăn học và lớn lên con làm gì tuỳ ý không nên cản trở”
Tuy không phải là nhà giầu có, song cụ Kính vẫn được ăn học, cụ đã thi đậu tú tài. Ngài Kính lớn lên diện mạo hùng vĩ, khí độ việt nhân. Nhưng thời kỳ này đất nước rối loạn, nhà Lê suy đồi đến cực độ. Trong triều đình các tập đoàn phong kiến chống đối nhau quyết liệt. Ngoài xã hội, phong trào nông dân nổi lên khắp nơi. Trước tình hình đó cụ Kính không theo con đường khoa cử nữa, cụ đã đi chu du nhiều nơi và liên kết với nhiều hào kiệt, tổ chức lực lượng, rèn luyện sĩ tốt, trấn giữ một vùng, lực lượng ngày một lớn, tiếng tăm vang dội. Triều đình đã nhiều lần thuyết phục, mãi về sau Cụ mới chịu ra làm quan với nhà Lê, là một võ tướng thuộc phái Trần Chân .
Vua Lê Chiêu Tông nhu nhược, bất minh, nghe lời xiểm nịnh hãm hại tôi trung, đã giết Trần Chân, người đã có công đánh đuổi Nguyễn Hoàng Dụ để bảo vệ mình, cụ Kính cùng các tướng lĩnh của phái Trần Chân đã kịch liệt chống lại nhà vua. Đất nước trải qua binh lửa liên miên, cuộc nội chiến kéo dài, mỗi vị thủ lĩnh chiếm cứ một phương. Mặc dù rất yêu nước, thương dân nhưng cụ Kính tuy là một thủ lĩnh kỳ tài, văn võ song toàn, đất rộng dân đông. Cụ đã cai quản cả một vùng đất rộng lớn thuộc phía tây Thăng Long nhưng vẫn chưa tìm được một hướng đi đúng đắn. Sau nhiều lần tiếp xúc và theo dõi cách điều binh khiển tướng, cụ Kính đã nhận ra Mạc Đăng Dung một thủ lĩnh ở phía Đông đã từng nhiều năm làm quan đại thần nhà Lê, một người có sức khỏe phi thường đã đỗ đầu kỳ thi trạng nguyên võ lại là người dòng dõi có học (cháu bảy đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – Triều Trần) là người tuấn kiệt có tài an dân, trị quốc. Sau 5 năm suy nghĩ lấy việc nước là trên hết và qua theo dõi một cách rất thận trọng, cụ đã theo về nhà Mạc để góp phần ổn định đất nước. Vua Mạc phong chức Thị vệ sự Tây thành hầu.
Cụ Kính là một tướng lĩnh được nhà vua yêu mến và rất tin cậy. Cụ đã làm quan với nhà Mạc cho đến khi chí sỹ, là một tướng lĩnh trung thành, mưu lược,dũng cảm, một cận thần có nhiều công lao, một nhân vật nổi tiếng hồi đương thời được các triều vua Mạc và tôn thất nhà Mạc rất mực tin yêu, kính trọng, đã ban cho toàn Gia theo về Mạc thị được vua gả con gái là Thái trưởng Công chúa Phúc thành Mạc Thị Ngọc Lâm cho con trai thứ hai, lúc đó là Đô uý Ngạn quận công, Trưởng phù Tây vệ Nguyễn Ngọc Liễn. Cụ Kính đã nhiều lần được nhà vua tấn phong chức tước cao quý và giao trọng trách lớn trong triều đình.
– Năm 30 tuổi, tấn phong Tây Quận Công chỉ thành Tây vệ.
– Năm 40 tuổi, phong Phó tướng triều Vương Kính Điển.
– Năm 42 tuổi, phong Thái uý Tây quốc công.
– Năm 53 tuổi, phong khai phủ sự, Chưởng quốc chính đặc tiến công thần, Phụ quốc Thượng tướng quân.
– Năm 60 tuổi, phong đặc sai tiết chế Tây nam thuỷ bộ chi doanh, Thái uý thượng trụ quốc .
– Năm 61 tuổi (1569) khi chí sỹ, được tấn phong Trung thành Tây kỳ vương tự là Nhân Chiêu, hiệu là Mạc thành Công, Thuỵ là Nghĩa Huân Thánh Vương.
Cụ bà được phong là Vương phi (1) được mở phủ Tây Kỳ vương tại La kiều huyện Thạch thất (nay là Cầu Liêu). Mộ chí cụ Nguyễn Kính táng tại dãy Câu Nậu Sơn (dãy núi Tây phương). Nay đã tìm ra khu mộ của cụ tại Thung Vầu, núi Miễu, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất (Cụ đã được nhân dân thờ tại đình làng Phú Đa, trên đỉnh núi Miễu cũng có đền thờ Cụ). Do có nhiều công lao với quê hương, đất nước, lại có tấm lòng thương yêu nhân dân, đặc biệt là những vùng đất thuộc xứ Đoài quê hương của cụ. Cụ Nguyễn Kính đã được nhân dân các nơi như làng Phú Đa, làng Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất, thôn Cổ Liễn xã Cổ Đông thuộc thị xã Sơn Tây, làng La Gián xã Cổ Đông và rất nhiều nơi đã tôn thờ cụ làm thành hoàng của làng, nhiều nơi ngoài đình làng còn lập miếu thờ cụ quanh năm nhang khói không dứt, trong đó có ngôi miếu thờ bên bờ sông Tích Giang, ở một địa thế rất đẹp thuộc, đất làng Phú Lễ (được khôi phục lại và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội 2010). Hàng năm đến ngày mồng 6 tháng 4 âm lịch, đều tổ chức tế lễ trọng thể theo hình thức hội làng. Riêng hội làng Phú Đa, Phú Lễ tổ chức từ 11 đến 13 tháng Giêng, với rất nhiều hình thức phong phú như thi gói bánh chưng thờ, thi gà thờ, thi đấu vật, têm trầu cánh phượng …
Cụ Nguyễn Kính có hai con trai: Nguyễn Cung và Nguyễn Ngọc Liễn
Cụ NGUYỄN CUNG
Cụ Nguyễn Cung, tự là Thân Đức, Thuỵ là Cẩn Tiết, con trai cả của cụ Nguyễn Kính, sinh năm Đinh Hợi (1527)
Cụ làm quan với nhà Mạc. Năm Nhâm tý (1552), niên hiệu Cảnh Lịch nhà Mạc, giữ chức Thị vệ sự triều đình. Năm Tân Dậu (1561) niên hiệu Bảo Quang thứ tám nhà Mạc, được phong Quận công giữ chức Dân binh đẳng sự, quản huyện An Sơn (huyện Quốc oai – tỉnh Hà tây ngày nay). Năm Tân mùi (1571) giữ chức Tham đốc, năm Mậu dần (1578) cụ 50 tuổi giữ chức Bệ đề đốc.
Ngày 15 tháng 01 Bính tuất (1588) . Cụ sinh con trai đặt tên là Nguyễn Hưng (Công). Cụ mất ngày 20 tháng 8 (Bính tuất ), thọ 60 tuổi .
Cụ NGUYỄN NGỌC LIỄN
Cụ Nguyễn Ngọc Liễn còn gọi là Ngọc Huy, hiệu là Đức Quảng, thường gọi là cụ Đà. Cụ Liễn sinh năm Mậu tý (1528) con trai thứ hai của cụ Nguyễn Kính là phò mã và làm quan đại thần với nhà Mạc.
Khoảng hơn 20 tuổi, cụ Liễn đã giữ chức Đô uý ngạn Quận công Chưởng phù tây vệ. Cụ lấy con gái trưởng của vua Mạc Đăng Doanh là Phúc Thành công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm, nên gọi là phò mã Ngạn quận công. Được mang họ vua (quốc tính), nên gọi là Mạc Ngọc Liễn.
Là một danh tướng và lại là người thân thiết của nhà Mạc, cụ đã hết lòng chiến đấu cho nhà Mạc, được các triều Mạc rất quý trọng và tin cậy, đã từng được phong chức tước cao cả và gánh những trọng trách lớn nhất với các triều Mạc.
Năm Giáp thân (1584) niên hiệu Diên Thành thứ bảy nhà Mạc, được phong tước Đà quốc công. Năm Bính tuất (1586). Niên hiệu thứ nhất Đoan thái nhà Mạc, phong Cẩn lễ công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, tả đô đốc, Chưởng phụ sự kiêm Tôn nhân phủ hữu tôn chính, phò mã Đô uý thái bảo Đà quốc công Thượng trụ quốc. Sau lại được phong Khai phủ phụ quốc công thần, tu nghị triều chính kiêm tôn nhân phủ, tôn nhân lệnh Thái phó Đà Quốc công.
Là người thân tín, có nhiều công lao đối với nhà Mạc. Năm (1592), khi nhà Mạc thất thế, cùng với các tướng lĩnh và con cháu nhà Mạc, cụ Liễn đã rút lên mạn Bắc, ở châu Vạn Yên (Lạng sơn) và Châu Yên (Bắc Giang). Năm Quý tỵ (1593) Mạc Kính Cung (con trai Mạc Kính Điển ) lên làm vua, cụ Liễn làm phụ quốc chính, đặt niên hiệu Kiền Thống năm thứ nhất. Năm Giáp Ngọ (1594) cụ Liễn rời về châu Vạn Ninh (tỉnh Quảng yên nay là tỉnh Quảng ninh) rồi bị ốm và tạ thế vào ngày 02 tháng 7 tại đây (năm Giáp ngọ) thọ 67 tuổi.
Trước khi qua đời cụ Nguyễn Ngọc Liễn đã có thư để lại khuyên Mạc Kính Cung: “Khi số nhà Mạc đã hết, nhà Lê lại dậy, đó là số định tại trời. Dân ta vô tội há lại chịu mãi cảnh binh đao. Ta nên lánh mình ngoài cõi, dấu tiết đợi thời, chờ vận trời giúp mình mới được, nay không nên lấy sức đấu sức chống chọi với họ, nếu hai hổ cùng tranh tất phải một con bị thương, thật là vô ích. Khi quân Lê đến ta chỉ nên tránh, chớ nên đánh nhau, lại nên nhớ kỹ chớ có rước người Minh vào trong nước, làm cho dân ta phải nô lệ lầm than khổ cực, thì đó là một tội không gì lớn bằng”.
Bức thư này được ghi trong gia phả và các sử sách Việt nam qua các triều đại cho đến ngày nay (sách Đại Việt sử ký toàn thư). Những lời tâm huyết đó đã nói rõ sự hiểu biết về thời thế, lòng yêu nước thương dân, ý thức tự tôn dân tộc rất cao của cụ Liễn. Các nhà sử học đã nhận định “Mạc Ngọc Liễn xứng đáng là con của danh tướng Nguyễn Kính. Hai đời cha con ông phò tá cả 5 đời vua Mạc, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một triều đại. Sau Mạc Kính Điển, có lẽ Mạc Ngọc Liễn là chỗ dựa lớn nhất của nhà Mạc. Mạc Ngọc Liễn một đời tận trung với nhà Mạc, dù vật đổi sao dời vẫn không thay đổi lòng trung. Các sử gia ngày nay vẫn đánh giá rất cao lời di chúc có một không hai trong lịch sử. Về mặt chiến thuật, đó là phải tránh thế mạnh khi kẻ địch đang mạnh. Sự tài tình và am hiểu binh pháp của cụ lúc đó rất hợp lý đối với phe yếu như tương quan lực lượng giữa Lê và Mạc thời kỳ sau. Vua tôi nhà Mạc nhờ theo kế sách của cụ Liễn đã giữ được đất Cao bằng trong mấy đời với gần 100 năm nữa sau khi cụ mất. Nhìn lại quá trình lịch sử cho thấy hậu quả của sự đô hộ của nước ngoài thật vô cùng thảm khốc, cụ Liễn hơn ai hết rất thấm thía bài học và nỗi đau của dân tộc về chiến tranh. Trước đó dù chỉ 20 năm đô hộ của nhà Minh (1407-1427) đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho đất nước. Suốt gần 200 binh hỏa liên miên, các nhân vật cao cấp của các chính quyền cai trị chỉ say sưa với chiến trận và bảo vệ quyền lợi của riêng mình, nhưng trong đó đã lóe sáng lời dặn của Mạc Ngọc Liễn. Kể từ khi Nguyễn Trãi mất, trong một khoảng thời gian dài của lịch sử, đến khi nhà Mạc mất, mới lại có một vị quan đại thần biết lo đến nỗi thống khổ của nhân dân Đại Việt về nạn binh đao và họa ngoại xâm, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của mình. Nhà Mạc, sau Thái Tổ và Thái Tông không có thêm vua giỏi, nhưng có bầy tôi như Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn cứu vãn hình ảnh của nhà Mạc. Trong lịch sử, rất nhiều vua và đại diện một số triều đại khi bị mất ngôi thì lại ra nước ngoài cầu cứu mượn viện binh về đánh người trong nước, gây nên bao cảnh huynh đệ tương tàn, đầu rơi, máu chảy. Riêng nhà Mạc khi bị mất ngôi, đã biết nghe theo lời dặn của cụ Liễn, biết cách rút lui khỏi chính trường và theo đó không để lại sự oán thoán, chê trách của hậu thế. Nhân đây tôi cũng muốn trích một đoạn trong bài viết của tác giả Trần Gia Phụng, trong bài Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử: có bình về lời chúc thư của cụ Liễn:
“Đây không phải là lời nói suông trong cảnh trà dư, tửu hậu, nhưng đây là lời tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những lời dặn dò như Mạc Ngọc Liễn – Nhân bản, đầy tính tự tôn dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc”.
Sử sách của Ngô Sỹ Liên và Lê Quý Đôn, mặc dù trong quan điểm nhìn nhận về nhà Mạc còn có nhiều điểm hạn chế do tư tưởng trung quân gò bó gọi nhà Mạc là ngụy triều hoặc cướp ngôi nhà Lê … nhưng đều phải ghi nhận và khen ngợi một lời di chúc vô cùng đôn hậu và chứa chan tình yêu nước thương dân của một đại thần nhà Mạc là Phò mã Đô uý Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn.
Công đức của các cụ tổ dòng họ Nguyễn Kính:
Tuy làm quan đại thần, dưới một người, trên muôn vạn người, ngày đêm lo việc nước, việc quân và biết bao nhiêu nỗi lo khác cho quê hương, đất nước. Cha con cụ Kính đã hết lòng quan tâm xây dựng và để lại cho hậu thế nhiều công trình, đặc biệt trong vai trò trọng thần số 1 của triều Mạc, cụ Liễn đã để lại những công trình tiêu biểu như:
1. Chùa Bảo Quang, xã Dị Nậu, quê hương của cụ với số tiền, vàng, ruộng còn ghi rõ tại văn bia nhà chùa bao gồm: 3 thửa đất các xứ An Trạch, Đồng Mai, Đồng Hòa, 01 thửa ao ở An Trạch xứ. Vàng, bạc là 10 cân để làm nơi thờ tự, cúng tế của dân làng. Bia công đức lập năm 1637.
2. Năm 1544 – Giáp Thìn, cụ Liễn đã cùng vợ là Phúc thành công chúa Thái trưởng Mạc thị Ngọc Lâm đã đại tu và xây dựng lại chùa Linh tiên quán (làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) ngoài số của cải để xây dựng còn có 10 mẫu ruộng cúng làm vật tam bảo quán Linh Tiên để lo đèn nhang lưu truyền mãi mãi. Đây là một di tích gắn liền với tể tướng Lữ Gia nhà Triệu nước Nam Việt, trước đó Linh tiên Quán đã nhiều lần được tu sửa nhưng tới lần vợ chồng cụ tu sửa mới để lại cho hậu thế một công trình văn hóa với quy mô bề thế bằng gỗ như ngày nay.
3. Gia đình cụ Liễn còn tu bổ đền Lũng Dâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Sỹ Nhiếp là ông tổ Hán học ở Việt Nam. Đền Lũng được xây dựng với quy mô to lớn từ khi cụ Liễn thực hiện, với 5 tòa nhà liền nhau, hai bên tả hữu có lầu, phía trước là hồ có cầu đá bắc qua, bên ngoài dựng môn lâu, ngoài nữa sát sông Dâu là Vọng Giang Lầu.
4. Khi nhà Mạc thất thế, cụ Liễn cùng vợ là bà Vương phi Thái trưởng công chúa Phúc Thành Mạc Thị Ngọc Lâm đã về ở tại chùa Phố Minh (thị xã Nam Định) hai cụ đã cúng tiến rất nhiều của cải để xây dựng lại ngôi chùa. Trong đó sử sách còn ghi rõ là 36 cây gỗ nhóm tứ thiết (gỗ lim), toàn bộ số xà gồ trên mái vẫn ghi rõ tên tuổi của các cụ. Hiện nay các dòng chữ Hán vẫn còn đọc được.
Ngoài các điểm di tích chính đã nêu trên, các cụ còn có rất nhiều công lao xây dựng tôn tạo các công trình thờ tự như: Am Động Tiên ở Sài Sơn, Chùa Hưng Khánh ở Tây Tựu – Từ Liêm. Chùa Thiên Niên Cổ tự ở Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, đình Trích Sài thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình, quán Hội Tiên ở Phượng Trì… và còn rất nhiều điểm di tích còn lại mà chúng tôi chưa thể thống kê hết được. Bên cạnh việc xây dựng, tu bổ các đình, chùa, quán… các cụ còn đầu tư nhiều tiền của xây dựng cầu, cống, đường xá đi lại cho dân. Trong các cầu lớn còn lại mà nhân dân vẫn gọi là cầu Cự Thạch ở huyện Thạch Thất. Hiện nay tại các xã Chàng Sơn, Thạch Xá, Dị Nậu … nhân dân vẫn thường thấy các tấm đá xanh rất lớn dùng đề làm cầu đi lại, nhân dân vẫn tôn kính gọi là đá Cụ Đà. Ngoài ra phải kể đến khi cụ Liễn đưa Vua Mạc về Cao Bằng, cụ đã hết lòng quan tâm giúp dân chăm lo xây dựng cuộc sống. Nhớ ơn cụ một làng ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã mang tên Đà Quận, tức là đặt theo chức Đà Quận công. Dân làng đã lập một ngôi chùa để tưởng nhớ cụ. Hội chùa diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng hàng năm.
Lịch sử kể từ khi cha con cụ khởi tổ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính xuất thân từ ngôi làng Cổ Nậu đến nay đã đi qua hơn 5 thế kỷ, biết bao thăng trầm mà dân tộc và các thế hệ đã đi qua được chứng kiến. Chúng ta những thế hệ con cháu, được thừa hưởng những công lao và thành quả của các cụ để lại và cả những lời căn dặn của cụ Liễn khi qua đời làm bài học về tính nhân văn cao cả để càng thêm tự hào về người con của quê hương, xây dựng mối đoàn kết, tình thân ái, cố gắng làm được nhiều điều tốt, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp để mãi mãi xứng đáng với quê hương xứ Đoài nổi tiếng địa linh, nhân kiệt. Chúng tôi cũng thiết tha mong muốn, trải qua thời gian lịch sử sẽ phải được xem xét một cách nghiêm túc, định rõ công lao to lớn của các cụ đã để lại cho quê hương và hậu thế, để khỏi buồn lòng các thế hệ cháu con và quê hương, qua hơn 500 năm vẫn chưa làm trọn được cái việc “ Danh phải chính, ngôn phải thuận” để góp một phần làm đẹp lòng người xưa đã cả đời hy sinh vì dân vì nước như cha, con cụ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính. Cuộc đời và sự nghiệp của cha con cụ còn sống mãi với lịch sử và thời gian cho hậu thế noi theo.
Ảnh: Đoàn dâng hương trước Anh linh Thần tượng Mạc Thái Tổ tại Từ đường họ Mạc, Cổ Trai.
Tin và ảnh: Hoàng Sơn Hiền
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.