- Đang online: 2
- Hôm qua: 942
- Tuần nay: 38267
- Tổng truy cập: 3,471,520
Tìm mối quan hệ giữa Mạc Đĩnh Chi với Bùi Mộc Đạc qua một câu thơ cổ 551
- 533 lượt xem
BBT mactoc.com: Ông Phí Văn Chiến là Trưởng ban liên lạc họ Phí toàn quốc. Ông không chỉ đi sâu nghiên cứu về lịch sử họ Phí, mà còn bỏ nhiều công phu tìm hiểu về mối quan hệ giữa Phí Mộc Lạc (tức Bùi Mộc Đạc) với Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Bài viết của ông đầy tâm huyết và cẩn trọng, nhưng do còn ít tư liệu nên bạn đọc có thể đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng đó cũng là những điều chúng ta đang mong muốn làm sáng tỏ thêm. Với tinh thần như vậy, xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phí Văn Chiến cùng bạn đọc.
Tìm mối quan hệ giữa Mạc Đĩnh Chi
với Bùi Mộc Đạc qua một câu thơ cổ
Phí Văn Chiến
Trong tập sách “Di sản Hán – Nôm” (Côn Sơn – Kiếp bạc – Phượng Sơn), phần ba“ Chí Linh bát cổ” có bài thơ:
Trạng Nguyên cổ đường
Phiên âm Hán Việt
Trạng Nguyên tây tịch ký hà niên,
Kỷ độ hoang khư kỷ độ thiền.
Nam Ngạn quất lâm địa bất cải,
Đông A mộc đạc nhân tương truyền.
Thi thư trùng hoán tư văn thống,
Tinh nhật trường vi hậu học thiên.
Ngũ bách niên lai khôi đỉnh tích,
Vô cùng đạo thể lão sơn xuyên.
Dịch nghĩa:
Nhà dạy học cổ của Trạng nguyên
Nơi Trạng nguyên ngồi chiếu phía tây đã bao năm rồi,
Đây mấy độ là gò hoang mấy độ lạnh lẽo.
Rừng quýt ở Nam Ngạn vùng đất đó không thay đổi,
Cái mõ của nhà Trần vẫn được người đời tương tuyền.
Thi thư lại làm rạng rỡ truyền thống văn học,
Như mặt Trời như sao sáng trên bầu trời của sĩ tử đời sau.
Năm trăm năm trở lại vẫn là dấu tích số một,
Bản thể vô cùng của đạo Nho sống mãi với non sông.
Dịch thơ:
Nhà cổ trạng nguyên năm xưa,
Ngổn ngang gò đống bây giờ là đâu?
Nam Ngạn rừng quýt mướt màu,
Đông A mộc đạc đời sau tương truyền.
Thi thư rạng rỡ văn hiền,
Thái Sơn – Bắc Đẩu cao huyền trời nam.
Trăm năm dấu tích rõ ràng,
Ngàn năm Nho đạo ngày càng phát huy.
Hoàng Giáp dịch.
“ Trạng nguyên cổ đường” là một trong tám di tích cổ ở huyện Chí Linh, Hải Dương mà các nhà nghiên cứu đã trích trong cuốn sách “ Tiên hiền sự tích”, được chép tay dày khoảng 250 trang, Sở Văn hóa tỉnh Hải Dương và Ban quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc sưu tầm và cho xuất bản trong cuốn “ Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn” năm 2006. TS Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tặng tôi khi tôi gặp ông xin tìm tài liệu về “ Năm ông tướng họ Phí” dưới trướng Nguyễn Bặc, do ông viết, hiện các pho tượng này đang được thờ ở đình làng Chi Ngãi huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
Đọc xong bài thơ, mấy năm nay tôi cứ trăn trở mãi với một câu thơ mà ông Hoàng Giáp đã phiên âm từ tiếng Hán ra tiếng Việt “ Đông A mộc đạc nhân tương truyền”, rồi ông dịch nghĩa là “Cái mõ của nhà Trần vẫn được người đời sau tương truyền”, mà ông chú thích là “Cái mõ của nhà Trần: chỉ người có danh tiếng thời nhà Trần”. Nhà Trần có nhiều người có danh tiếng, vậy, người có danh tiếng của nhà Trần mà ông Hoàng Giáp chú thích ở đây là ai?
Tôi trăn trở với câu hỏi này, vì tôi nghĩ hình như ông Hoàng Giáp chỉ dịch sát nghĩa mà có lẽ chưa biết được câu chuyện giữa Phí Mộc Lạc hay Bùi Mộc Đạc với Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mà một số sách cổ (1) có viết lại, vì thế trong bản dịch của ông, chữ “mộc đạc” được viết thường chứ không viết hoa. Rồi có lúc tôi lại vẩn vơ nghĩ, người dịch thơ đâu có cần biết đến hết mọi điển tích, như vậy mình trách ông Hoàng Giáp là vô lý. Song thâm tâm cứ tiếc mãi, giá như ông viết hai chữ “mộc đạc” là chữ hoa, chắc mọi người, nhất là những người biết về mối quan hệ giữa Bùi Mộc Đạc và Mạc Đĩnh Chi sẽ đỡ áy náy hơn nhiều.
Là người có chút ít thời gian sưu tầm, nghiên cứu về mối quan hệ giữa Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi, tôi mạnh dạn trình bầy những suy nghĩ của mình về câu thơ mà ông Hoàng Giáp đã dịch, để các nhà nghiên cứu về họ Mạc như TS Hoàng Lê, GS Phan Đăng Nhật, PGS – TS Đinh Khắc Thuân, Thạc sĩ Phan Đăng Thuận … và đặc biệt là ông Hoàng Giáp cho ý kiến. Nếu tôi có ngộ nhận lịch sử, “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, hoặc “vơ vào”, cũng rất mong các nhà nghiên cứu chỉ bảo và lượng thứ cho kẻ ngoại đạo trong nghề nghiên cứu lịch sử – văn hóa này!
Trước hết về Bùi Mộc Đạc, theo cuốn Đại Việt sử ký toàn thư do nhà xuất bản Văn hóa thông tin in, nộp lưu chiểu quý III – 2004, trang 563 có viết về cụ Bùi Mộc Đạc như sau:
“ Giáp Thìn năm thứ 12 ( 1304) (Nguyên Đại Đức năm thứ 8)…Tháng 2, lấy Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chánh trưởng, phụng thị thánh từ cung. Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo (Người Hoàng Giang), nguyên là họ Phí, tên là Mộc Lạc, có tài năng, Thượng Hoàng cho là họ Phí xưa không nghe có, mới đổi làm họ Bùi, tên là Mộc Lạc không tốt, đổi làm Mộc Đạc, khiến cho chầu hầu ngày đêm đến đây bổ cho chức này…”!
Như vậy Bùi Mộc Đạc chính là Phí Mộc Lạc, tên tự là Minh Đạo như gia phả và chính sử đã viết (2), ông được Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho đổi từ họ Phí sang họ Bùi vào năm 1304. Theo các nhà Hán học, Mộc Lạc là cây đổ, còn Mộc Đạc là cái mõ gỗ, ở đây nhà vua ví tiếng tăm của người tài giỏi như Minh Đạo, vang như cái mõ gỗ vậy!
Còn về mối quan hệ giữa Phí Mộc Lạc hay Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi, trong cuốn “Danh nhân Thái Bình” xuất bản năm 1988, có bài “Bùi Mộc Đạc” do ông Vũ Đức Thơm, nhà khảo cổ học, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn học dân gian, hiện là Giám đốc Bảo tàng Thái Bình, có viết “Khi Mộc Lạc chết, Mạc Đĩnh Chi vô cùng thương sót, có soạn bài văn bia đặt ở ngôi miếu thờ phần mộ và tạc tượng người và thú bằng đá dựng ở đó”.
Cũng viết về mối quan hệ giữa Bùi Mộc Đạc và Mạc Đĩnh Chi, cuốn “ Tài liệu địa chí Thái Bình” tập 4 của Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, xuất bản tháng 2 – 2009 có đoạn viết:
“ Bùi Mộc Lạc người thôn Trừng Mại, làng Tri Lai, gia đình rất nghèo. Thuở nhỏ mang rau đi chợ bán thay mẹ. Tuy thế, rất thông minh. Một vị vua nhà Trần, nhân một chuyến đi trong nước bằng đường thủy, đã sáng tác một bài thơ, nhưng đến lúc đi ngủ, vẫn chưa làm được hai câu cuối. Ngày hôm sau, đến thăm đền Dũng Nghĩa, ngài rất lấy làm ngạc nhiên thấy trên tường có bài thơ với 6 câu của nhà vua, có thêm 2 câu cuối mà nhà vua không làm được đêm hôm trước. Vua bèn cho gọi nhà thơ kỳ tài đến, không ngoài ai cả, đó là Bùi Mộc Lạc. Vua hỏi nhiều câu, tất cả ông đều trả lời rất giỏi. Rồi Bùi Mộc Lạc dâng vua một mảnh giấy có viết mấy chữ, vua chẳng hiểu gì hết và nhà thơ đọc lên hai câu:
Quan đức đại minh thiên thượng hạ
Nhân tâm viên phục địa đông tây.
Vua bèn phong cho học vị Tiến sĩ Bất Trắc, từ đó mới có tên Bất Trắc đại phu. Vua đưa ông về kinh và làm chủ khảo kỳ thi tiến sĩ, kỳ thi này có Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Sau lúc về trí sĩ, ông mất tại quê nhà. Mộ ông hiện nay ở làng Trừng Mại, có tấm bia do Mạc Đĩnh Chi tặng và nhiều ngựa đá hộ vệ”.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Lan, nguyên cán bộ sở Văn hóa Thái Bình, thì tài liệu này dựa trên cuốn “ Địa chí Thái Bình” do quan Bố Chính tỉnh Thái Bình là Dương Thiệu Tường viết bằng chữ Pháp. Cuốn sách hoàn thành vào ngày 10 – 1 – 1933, theo thông tư của quan Thông sứ Bắc Kỳ Pagès, gửi cho công sứ các tỉnh yêu cầu là (các tỉnh) phải có văn bản cho mỗi một tỉnh để tỉnh đó biên soạn địa chí của tỉnh mình:
“ Tài liệu này là những điều chỉ dẫn có quan hệ cho tỉnh đó. Sau này chỉ cần đọc bản chú thích này là đã có được những ý niệm chính xác về sự phát triển kinh tế của địa phương và phong tục tập quán của nhân dân…Với những điều chỉ dẫn ấy về mặt khảo cổ học của tỉnh, về cuộc đời của các danh nhân thời trước … không những chỉ có ích cho người cai quản trong tỉnh mà còn thuận lợi cho sau này muốn tìm hiểu về khảo cổ học, nhân chủng học…” ( 3).
Thi hành thông tư này, quan Bố Chính tỉnh Thái Bình Dương Thiệu Tường (1931 – 1933) là nhà Nho nổi tiếng, lại thạo chữ Pháp đã đến lăng của cụ Bùi Mộc Đạc để khảo sát, vì khu lăng cụ Bùi Mộc Đạc cách Dinh công sứ, tòa tỉnh trưởng nơi quan Bố Chính Dương Thiệu Tường làm việc chỉ có 3,5 km.
Với tài liệu Địa chí Thái Bình do ông Dương Thiệu Tường làm, ông Bùi Duy Lan đã viết “ Mạc Đĩnh Chi viết bia (để tỏ lòng tri ân) Bùi Mộc Đạc (Phí Mộc Lạc), vì Bùi Mộc Đạc là chủ khảo khoa thi Hưng Long năm thứ 12, vì quan Chủ khảo đã chọn Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên”.
Cũng viết về mối quan hệ giữa Mạc Đĩnh Chi với Bùi Mộc Đạc, cuốn “ Thơ văn thời Lý – Trần tập 2” có viết:
“ Tác phẩm (của Mạc Đĩnh Chi) hiện còn một bài phú, 4 bài thơ. Các sách Kiến văn tiểu lục, Công dư tiệp ký còn chép ông có một bài biểu tạ (trong Quốc triều chương biểu tập) một bài văn bia dựng ở mộ Bùi Mộc Đạc, nhan đề “Bùi Công Mộc Đạc thần đạo by ký”, nhưng 2 tác phẩm này đến nay chưa tìm thấy”
Đầu xuân năm 2013, tôi được đọc bài “Mạc Đĩnh Chi, vài truyền thuyết” của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh, một nhà nghiên cứu người Việt tại Pháp, có viết về Mạc Đĩnh Chi, với những chi tiết liên quan đến Phí Mộc Lạc hay Bùi Mộc Đạc như sau:
“Ông đã trước tác rất nhiều, nhưng còn truyền lại chỉ có những tập Tán văn, Tế văn, câu đối và bốn bài thơ trong Khởi thì tập, Tạ văn một đạo trong Quốc Triều biểu chương cùng bài bia Bùi Công Mộc Đạc thần đạo mà thôi” ( 4).
Có một chuyện lẽ ra chúng tôi không nên nói ra, vì nó liên quan đến ngoại cảm, điều mà các nhà khoa học chưa chứng minh được lời các nhà ngoại cảm đúng hay sai, nhưng với chúng tôi, câu chuyện về nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Bích Ngọc nói ra liên quan đến mối quan hệ giữa Phí Mộc Lạc hay Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi, mà tôi và Đại tá Phí Văn Đấu và khoảng 20 người cùng chứng kiến và cùng được nghe tại chùa Trừng Mại, nên tôi xin được nói để mọi người cùng suy ngẫm:
Ngày 30 – 1 – 2013, theo đề nghị của chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Hùng trụ trì chùa Trừng Mại, đã mời một nhà ngoại cảm không nổi tiếng, là Nguyễn Thị Bích Ngọc, kỹ sư xây dựng, đang công tác tại Hà Nội, vốn là đệ tử của chùa Trừng Mại xã Tân Bình TP Thái Bình về giúp chúng tôi gặp cụ Phí Mộc Lạc để hỏi cụ về ngày giỗ của cụ.
Sau khi cụ Phí Mộc Lạc về nói cho chúng tôi biết nhiều vấn đề, thì nhà ngoại cảm bỗng nhiên nói, có một người đàn ông dáng thấp, nhỏ, đen, đến để lạy thầy Phí Mộc Lạc. Nhà ngoại cảm hỏi tôi đây là ai? Tôi trả lời: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi!
Nhà ngoại cảm truyền lời của Mạc Đĩnh Chi nói với cụ Phí Mộc Lạc cho chúng tôi biết:
“ Thưa thầy con là Mạc Đĩnh Chi, hôm nay con về lạy Thầy, và thưa với Thầy, khi Thầy mất, con có làm bài “Văn tế Ân sư” và dặn tất cả con cháu, có mấy đời làm vua nhà Mạc là, đến ngày giỗ con, trước khi đọc văn tế con, phải đọc bài “ Văn tế ân sư” để tế Thầy trước nhằm ghi nhớ công lao của thầy. Con cũng có làm bài văn bia: “Bùi Công Mộc Đạc thần đạo” và một bài văn bia nữa để ở mộ Thầy, ghi nhớ công lao của thầy”…
Đến đây, nhà ngoại cảm nói lời của cụ Phí Mộc Lạc:
“ Có một bài thơ nữa của Mạc Đĩnh Chi mà ông (chỉ Phí Văn Chiến) còn dấu dòng họ chưa cho biết!”
Tôi trả lời, bài thơ ấy mấy năm nay con chưa giải mã được, nên con không dám nói! và tôi nói cho mọi người biết, đó chính là bài thơ “ Trạng nguyên cổ đường” viết về nhà dạy học cổ của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Điều mà tôi không giải mã được trong bài thơ đó, chính là câu “ Đông A mộc đạc nhân tương truyền”, của dịch giả Hoàng Giáp. Trong cả ba bản mà ông Hoàng Giáp đã dịch, người ta thấy ông đều viết “ mộc lạc” là chữ thường. Nếu là chữ thường, và lướt qua, không để ý đến chú thích, người đọc sẽ hiểu, tác giả nói đến nhà Trần tiếng vang như mõ.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì, như mọi người vẫn hiểu rằng, nói đến Đông A là nói đến nhà Trần, mà nói đến nhà Trần là nói đến vua quan nhà Trần ba lần lãnh đạo toàn dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên – Mông. Chiến công đó, ngay lúc bấy giờ đã khiến quân Nguyên Mông và cả phương bắc khiếp sợ, lẽ nào chiến công đó trong bài thơ này chỉ vang như tiếng mõ gỗ hay sao? Ngay như Lê Tắc, người bỏ nhà Trần chạy sang Trung Quốc, khi viết về chiến thắng này trong cuốn “An Nam chí lược” cũng phải ca ngợi hết lời, vậy mà ở đây dịch giả chỉ coi chiến thắng của nhà Trần vang như tiếng mõ gỗ, e chưa thuận lòng người lắm. Và hơn nữa, chính dịch giả đã chú thích là “ người có danh tiếng đời nhà Trần”, thì đó là phải con người cụ thể.
Theo thiển ý của tôi, chữ Mộc Đạc ở đây phải được viết hoa, vì nó là danh từ riêng, nó là tên do Thượng hoàng Trần Nhân Tông đổi từ Mộc Lạc (cây đổ), sang Mộc Đạc (mõ gỗ) và đổi từ họ Phí sang họ Bùi cho Phí Mộc Lạc từ năm 1304, như ĐVSKTT đã viết. Và bản chú thích “ Cái mõ của nhà Trần chỉ người có danh tiếng đời nhà Trần” mà dịch giả viết, chính là nói đến tiếng tăm của Bùi Mộc Đạc mà lịch sử còn lưu truyền mãi. Trang 600 cuốn ĐVSKTT ghi:
“ Tháng 3, Trung thư thị lang Tri thẩm hình viện sự là Bùi Mộc Đạc chết. Trước đây khi Anh Tôn sắp băng bảo vua (Minh Tông) rằng: Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính cẩn thận, văn chất đều khả quan, nên đối đãi cho khéo, chớ để người ta ngăn trở”. Vua sai vẽ tượng của Mộc Đạc cất trong kho sách, có ý muốn dùng làm chức to, chưa kịp thăng thì chết (62 tuổi).
Lời dặn đó của vua Trần Anh Tông với Trần Minh Tông chắc chắn Mạc Đĩnh Chi phải biết, vì lúc đó (1320 – 1326 ) Bùi Mộc Đạc là Trung thư Thị lang Tri Thẩm hình viện sự, còn Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đang là Nội lệnh thư gia, làm sao Mạc Đĩnh Chi không biết được? Hơn thế Bùi Mộc Đạc lại là người đã chấm bài để Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, suốt đời Mạc Đĩnh Chi phải coi Bùi Mộc Đạc là Ân sư, nên chắc chắn Mạc Đĩnh Chi phải biết sự nổi tiếng của Bùi Mộc Đạc trong triều đình, từ đó lấy tấm gương Trung quân ái quốc của thầy để răn mình và dạy trò.
Qua ĐVSKTT, và qua các tài liệu mà tôi đã viện dẫn ở trên, tôi thấy có quá nhiều tài liệu đều viết về mối quan hệ giữa Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi. Biểu hiện rõ nét nhất mà không ai có thể phủ nhận được là tấm bia “Bùi công Mộc Đạc thần đạo bi ký” do chính Mạc Đĩnh Chi viết, được tất cả các loại tài liệu từ xưa đến nay đều trích dẫn khi viết về văn thơ của Mạc Đĩnh Chi. Do đó, mối quan hệ này phải là mối quan hệ đặc biệt nghĩa nặng ân sâu. Người xưa có nói “Khôn văn tế, dại văn bia”, Mạc Đĩnh Chi đã vượt lên cả hai thứ người đời dặn, viết cả hai loại văn tự đó để kính dâng Bùi Mộc Đạc, đó chẳng phải là mối quan hệ đặc biệt giữa hai người hay sao?
Qua nghiên cứu, chúng tôi biết tác giả bài thơ này, hiện đang được các nhà nghiên cứu coi là khuyết danh, nhưng lại có tư liệu cho rằng đó là bài thơ của Thanh Hiên, tức đại thi hào Nguyễn Du, người viết nên tác phẩm Truyện Kiều bất hủ. Nếu đúng là Nguyễn Du viết, thì qua sách cổ, Nguyễn Du biết được sự tích về mối quan hệ giữa Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi, nên trong bài thơ ca ngợi nhà dậy học của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du mới viết câu “ Đông A Mộc Đạc nhân tương truyền”, để ca ngợi tấm gương của Bùi Mộc Đạc mà Mạc Đĩnh Chi luôn noi theo và dạy học trò noi theo mà thôi .
Và như trên tôi đã nói, dịch giả Hoàng Giáp chưa biết được câu chuyện về mối quan hệ đặc biệt giữa Bùi Mộc Đạc với Mạc Đĩnh Chi cũng là lẽ thường, bởi vì ông cũng không cần phải đi sâu tìm hiểu về mối quan hệ đó giữa hai tiền nhân để làm sáng tỏ bài dịch của mình. Tuy nhiên nếu tác giả biết được, thì bản dịch sẽ hay và sinh động hơn biết bao nhiêu? Và tôi nghĩ trách ông Hoàng Giáp làm sao được, khi những suy nghĩ, và trích dẫn của tôi biết đâu cũng chỉ là sự ngộ nhận lịch sử?
Mong dịch giả và các nhà nghiên cứu họ Mạc thứ lỗi cho suy luận và sự ngộ nhận nếu có của kẻ ngoại đạo này trong công việc nghiên cứu về tiền nhân!
Hà Nội 16 tháng giêng Quý Tỵ.
Chú thích:
- Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề và Công Dư Tiệp ký tục biên của Trần Quý Nha soạn.
- Gia phả họ Bùi gốc Phí “Bùi thị gia phả”, do Bùi Văn Giám viết thời Hồng Đức. Nhà sử học người Pháp là Le BRETON đã dùng để viết cuốn AN TĨNH CỔ LỤC xuất bản bằng tiếng Pháp, năm 1936.
- Hai nhà sử học Việt Nam là GS Phan Huy Lê và GS Phan Đại Doãn cũng dùng tài liệu này để viết cuốn KHỞI NGHĨA LAM SƠN. Nhà xuất bản Lao động cũng dùng tài liệu trong cuốn phả này để viết ĐỊA CHÍ HUYỆN ĐỨC THỌ.
- Trích trong cuốn ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH do quan Bố chính Dương Thiệu Tước viết bằng tiếng Pháp, năm 1933. Tài liệu lưu trữ tại thư viện Trung ương.
- “MẠC ĐĨNH CHI, VÀI TRUYỀN THUYẾT” của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh, trích trong Chim Việt cành nam.
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC