- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15393
- Tổng truy cập: 3,368,901
TÌM HIỂU MỐI QUAN HỆ GIỮA HỌ MAI VÀ HỌ HOÀNG TRẦN GỐC MẠC Ở ĐẶNG SƠN
- 2296 lượt xem
TÌM HIỂU MỐI QUAN HỆ GIỮA HỌ MAI VÀ
HỌ HOÀNG TRẦN GỐC MẠC Ở ĐẶNG SƠN
(Trích Giới thiệu Tộc phả họ Mai Đặng Sơn)
Mai Văn Hoa
Nguồn gốc họ Mai xã Đặng Sơn ở đâu, di cư tới Đặng Lâm từ thời nào thì các gia phả của các chi đều không rõ, trong cuốn tộc phả năm 2008 vẫn còn là luận giải mà chưa có kết luận chính thức.
Bắt đầu từ năm 2010, tôi tham gia Ban Biên soạn sách HỌ MAI VIỆT NAM. Tôi đã đi nhiều nơi để tìm hiểu về các họ Mai Việt Nam, nhân đó cũng tìm tòi nguồn gốc họ Mai của ta; đến hầu khắp các vùng được xác đinh là trung tâm của họ Mai Việt Nam như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa; ra vùng Quế Võ Bắc Ninh, Hải Dương…. Tôi rất tự hào là họ Mai ta ở Đặng Sơn có bộ tộc phả có bề dày lịch sử hơn 450 năm (từ giữa TK 16), trải qua 18 đời; điều đó rất ít họ Mai vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có được. Một số họ Mai gia phả ghi được cũng lâu hơn của ta, nhưng tư liệu bị đứt quãng từ 3 đến 10 đời, mà hầu hết khoảng bị đứt lại trùng vào đời thủy tổ của họ Mai ta. Điều đó nói lên rằng: Việc tìm kiếm về cội nguồn dòng tộc cũng khó khăn lắm.
Tôi lại về Đặng Lâm tìm lại thì biết rằng: khoảng năm 1535, Phó vương Mạc Đăng Lượng cùng em trai là Mạc Tuấn Ngạn phụng mệnh vua Thái tông Mạc Đăng Doanh vào trấn thủ đất Nghệ An đóng bản doanh ở vùng Đô Đặng (nay gồm các xã Nam, Bắc, Đặng của huyện Đô Lương); Mạc Đăng Lượng cũng có công lập ấp ở tổng Đặng Sơn, lúc ban đầu là 137 hộ. Sau khi nhà Mạc suy vi thì Mạc Đăng Lượng đổi họ tên là Hoàng Đăng Quang, còn anh em họ Mạc vùng Đặng Sơn lúc bấy giờ cũng đổi thành họ Hoàng để lánh nạn. Vợ của Mạc Đăng Lượng là bà Mai Thị Huệ. Phải chăng cụ tổ họ Mai có liên quan huyết thống với bà Mai Thị Huệ và đến Đặng Lâm vào thời kỳ này ? Đối chiếu lại với gia phả ông Mai Văn Thiện (chi Đinh) lập thì Thế tổ Mai Trinh là đời thứ 3. Như vậy, về mặt thời gian và không gian thì rất phù hợp.
Nếu đúng Thủy tổ họ Mai ta có quan hệ huyết thống với bà Mai Thị Huệ và cùng với Mạc Đăng Lượng vào khai dân lập ấp vùng Đô Đặng thì Thủy tổ họ Mai đến từ vùng đất căn bản của nhà Mạc, đó là vùng Hải Dương, Bắc Ninh. Mạc Đăng Lượng sinh ra ở Long Động (nay là xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương – Cầu Bính). Ngược sông Kinh Thầy không bao xa, có một họ Mai lớn và nổi tiếng; đó là họ Mai xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Tuy là 2 tỉnh khác nhau, nhưng hai vùng đất này liền kề nhau. Xin lược trích một số thông tin họ Mai Đào Viên để tham khảo:
Họ Mai thôn Trung, xã Đào Viên, huyện Quế Dương, nay thuộc xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nguồn gốc không rõ từ đâu tới. Theo gia phả, đến đời thứ 2 thì bắt đầu phát tích là dòng họ khoa bảng tại xứ Kinh Bắc và cũng chỉ biết được chi thứ 8 còn các chi khác không rõ.
– Thủy tổ hiệu Ông Bảo tiên sinh.
– Sơ tổ Mai tướng công, tự Trọng Bang tiên sinh (1482-1522), thi đỗ khoa Tân Mùi (1511) triều Lê trúng Đệ nhị giáp chánh tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu lý (năm 1522 bị tử trận).
– Sơ tổ Mai Khuyến tiên sinh, thi khoa Ất Mùi (1535) trúng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, phụng mệnh đi sứ, làm quan đến chức Lễ bộ tả thị lang, phong tặng tước tử, phong Quận công (Theo sách “các nhà khoa bảng Việt Nam” của Ngô Đức Thọ: Mai Khuyến em Mai Bang, cha của Mai Công, cố nội Mai Trọng Hòa).
– Sơ tổ Mai Công tiên sinh (1530-1593), thi đỗ khoa Quý Sửu (1553), triều Mạc ban cho Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, phụng mệnh đi sứ, làm quan tới chức Hình bộ thượng thư, tước An Thường hầu, Giỗ ngày 20 tháng Giêng (Đại Việt thông sử khẳng định: Tướng công là một nho quan cẩn trọng, khoan hậu, khẳng khái, chính nhân quân tử, là thượng thư duy nhất giữ được khí tiết trung quân với Mạc chủ, không khuất phục Trịnh Tùng).
– Cháu của Tiến sỹ Mai Khuyến là Mai quý công, tự là Trọng Lãng tiên sinh, làm tri huyện huyện Lương Tài (không rõ ông Lãng do ai sinh). Trọng Lãng sinh Trọng Trật và Huy Hoàng; Hoàng sinh Trọng Kính; Kính sinh Trọng Tỏa; Tỏa sinh một trai nhưng không rõ tên, người con trai này vô tự.
– Sơ tổ Mai Đài Công, tự Mẫn Tiết, hiệu là Đạo Nguyên tiên sinh chi thứ 8 (không rõ vì sao lại ghi chi thứ 8) trúng Hương thí triều Mạc, ứng triều lịệt đại phu nho sinh trúng thức, sau tặng phong chức Thái bảo quảng kiếm.
– Tiên tổ nho sinh Mai Trọng Hoa, hiệu Trung Tín tiên sinh, sinh được 1 trai là Trọng Dong, giao cho người em là Trọng Hòa nuôi dưỡng, theo nhà Mạc đi lên phía Bắc không thấy trở về.
– Sơ tổ Mai quý công tự Trọng Hòa (1610-1673), hiệu là Thận, húy là Lý Chính tiên sinh. Sau khi nhà Mạc suy vong, nhà Lê giữ ngôi và ra chiếu chỉ triệu tập những người tài ứng thí; khi đó ông 50 tuổi cũng xin ra ứng thí và đã trúng đến Hoàng giáp khoa Kỷ Hợi (1659). Triều vua Vĩnh Thọ ban cho Đệ nhị giáp chánh Tiến sỹ xuất thân, ông làm Hình pháp Xứ Sơn Tây, sau đó làm quan đến chức Hiến sát sứ; sinh được 5 trai (tư liệu về 5 người con trai không thấy ghi tiếp).
Gia phả viết vào năm 1941, các cụ căn cứ tư liệu văn bia của 4 tiến sĩ, lập từ thủy tổ đến cụ Mai Trọng Dong (sinh khoảng 1610 – 1615) là đời thứ 6, chi trưởng đến đời thứ 8 thì vô tự. Người kế Đại tôn là Cao tổ Mai Trọng Dung (sinh khoảng 1800). Như vậy ta có thể dễ dàng nhận ra: từ cụ Mai Trọng Dong đến cụ Mai Trọng Dung còn trống về tư liệu tương đương với 6 đời.
Từ thủy tổ đến nay phát triển được 20 đời
Như vậy, họ Mai xã Đào Viên là một họ công thần của nhà Mạc, tiêu biểu là cụ Mai Công và cụ Mai Trọng Hoa.
Bà vợ Thế tổ Mai tướng công húy Trinh là họ Hoàng hay họ Hà:
Theo gia phả chi Đinh thì bà là người họ Hà; theo gia phả chi Giáp bà là người họ Hoàng cho nên cuốn Tộc phả năm 2008 vẫn còn là lời luận giải. Tôi đã tìm hiểu họ Hà và họ Hoàng thì biết được:
Họ Hà: có một họ Hà lớn và gia phả cũng có từ lâu, đó là họ Hà ở Thiên Lộc (huyện Can Lộc bây giờ), họ Hà này cũng có lịch sử thật hào hùng, nhiều người khoa bảng và làm quan lớn như Hà Tông Trình, Hà Tông Mục …Về sau một nhánh di cư lên huyện Hương Sơn; một nhánh ra huyện Nghi Xuân; một nhánh ra huyện Yên Định Thanh Hóa, nhánh này về sau có Hà Tông Huân. Tuy nhiên việc ghi chép về các bà thì chưa chi tiết lắm, không thể tìm được. Tôi về gần hơn thì ở xã Lưu Sơn cũng có một họ Hà, họ Hà này cũng đổi họ từ nhà Mạc nhưng họ vào Lưu Sơn muộn hơn họ Mai ta (khoảng 150 năm).
Họ Hoàng: cụ thể là họ Hoàng Trần ở Đặng Lâm cùng thôn với họ Mai ta; họ Hoàng này có một số mối lương duyên với họ Mai ta rất sâu đậm, có tính “môn đăng, hộ đối”, là con dòng giõi quan lại và khoa cử. Đầu tiên là đôi: Mạc Đăng Lượng, Phó vương – Mai Thị Huệ chắc cũng con nhà khoa bảng; về sau có đôi: Mai Trọng Nguyên, Sinh đồ – Hoàng Thị Sính, con gái ngài Hầu vệ úy Hoàng Đăng Ích …. Vậy Thế tổ Mai Tướng công húy Trinh ?? rất có thể bà Thế tổ họ Mai ta là người họ Hoàng như gia phả chi trưởng ghi.
Tháng 2/2012
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.