- Đang online: 2
- Hôm qua: 1150
- Tuần nay: 19239
- Tổng truy cập: 3,370,564
Thành nhà Mạc trên đảo Cát Bà, di tích lịch sử bị lãng quên 771
- 252 lượt xem
Thành nhà Mạc trên đảo Cát Bà, di tích lịch sử bị lãng quên
Tác giả:Trần Phương
Nguồn : Báo an ninh Hải Phòng
Do vừa phải đối phó với nội chiến trong nước, vừa phải chuẩn bị đương đầu với nạn ngoại xâm phương Bắc nên vương triều Mạc tiến hành xây thành, đắp lũy ở khắp nơi. Xưa nay để cập đến thành lũy nhà Mạc, người ta thường nhắc nhiều tới các tòa cổ thành ở biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn mà ít quan tâm đến hệ thống thành lũy phòng thủ dày đặc ở vùng biển Đông Bắc tổ quốc. Trong hệ thống thành lũy nhà Mạc ở miền Đông Bắc, tòa cổ thành ở đảo Cát Bà thu hút được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước hơn cả.
Di tích thành nhà Mạc ở Xuân Đám – Cát Bà
Tòa cổ thành trên đảo Cát Bà nằm ở phía đông bắc xã Xuân Đám, liền kề sát mép biển( vịnh Cát Đồn). Nhân dân địa phương quen gọi tòa thành này là thành nhà Mạc ( gọi tắt là Thành Đồn). Tòa thành được chia làm 2 khu: đồn Thượng và đồn Hạ.
Đồn Hạ có cấu trúc đồ hình gần như vuông, mỗi cạnh dài xấp xỉ 90 m, bốn mặt tường thành được dựng theo hướng đông bắc – tây nam. Mặt thành hướng đông bắc tiếp giáp với biển, cách mép nước vịnh Cát Đồn khoảng 20 – 30 m. Ba mặt còn lại được che chắn bởi những ngọn núi cao, thấp khác nhau ( 118 m, 36 m, 30 m…so với mặt nước biển), khá hiểm trở. Phế tích có khả năng giúp nghiên cứu về quy mô, kỹ thuật xây dựng, bố cục mặt bằng…của tòa cổ thành chỉ là bức tường thành kiên cố mặt tiền ( mặt đông bắc) mà thôi. Những phần tường thành khác đều đã bị thời gian khí hậu khắc nghiệt và con người tàn phá, hiện thành chỉ còn nền móng và một vài đoạn tường thấp, cây cối mọc um tùm che khuất.
Bề mặt tường thành dày 2,2 m, cao 2,8m. Bốn góc thành xây lượn hình quai chảo. Phía trước và sau của tường thành được kè bằng đá vôi và đá núi màu đá sẫm – loại đá có rất sẵn trên đảo Cát Bà, ở giữa được nèn chặt. Mặt tường thành lát đá phẳng phiu, thuận lợi cho việc cơ động.Các phiến đá dùng ken, xếp tường thành có kích thước to nhỏ khác nhau, nhưng nhờ kỹ thuật khéo léo, không có sự tham gia bất kỳ chất kết dính nào mà tòa cổ thành vẫn hiển hiện một cách chắc chắn, kiên cố, trường tồn cùng tuế nguyệt. Sau hàng trăm năm tồn tại, phế tích tường thành vẫn giữ được dáng đứng thẳng tắp, mặt tường phẳng lỳ. Tòa cổ thành trổ hai cửa, một ở hướng đông bắc, cửa kia ở hướng tây nam, một cửa rộng 2,5m. Nối hai cửa này là một con đường nội bộ nhỏ, đắp bằng đất, trên mặt có dải đá ( phế tích nay vẫn còn).
Đồn Thượng có cấu trúc tương tự đồn Hạ nhưng với quy mô nhỏ bé hơn nhiều. Đồn Thượng được xây dựng trên sườn đồi, còn đồn Hạ xây dựng trên thung lũng hẹp. Đồn Thượng khác đồn Hạ ở chỗ là chỉ có hai góc thành hướng đông và hướng bắc được uốn hình quai chảo, hai góc thành kia được xây “ vuông thành sắc cạnh”. Đồn Thượng nằm ở phía sau đồn Hạ, cách đồn Hạ khoảng 120m, mỗi mặt tường thành dài khoảng 20 m.
Cách khu thành đồn nhà Mạc khoảng 1.500m về phía tây nam là một thũng lũng khá bằng phẳng, rộng khoảng 6ha, hiện là cánh đồng cấy lúa, trồng màu của xã Xuân Đám. Cánh đồng này có tên là làng U – tên cổ của Xuân Đám. Tại khu vực này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ gốm sứ lộ thiên, phần nhiều là gốm Chu Đậu, Hợp Lễ ( Hải Dương) và lác đác xuất hiện các mảnh gốm sứ Hizen ( Nhật Bản), Giang Tây ( Trung Quốc)… Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản thống nhất cao với nhận định rằng: di chỉ làng cũ là trung tâm chế biến thủy sản ( sản xuất nước mắm), buôn bán đồ gốm sứ thương mại cao cấp, lâm thổ sản…Đây thực sự là một trong những tiểu cảng thuộc cụm thương cảng Vân Đồn của quốc gia Đại Việt tồn tại suốt từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV – XVI, sau đó bị lụi tàn. Phải chăng, triều Mạc cho dựng tòa thành này nhằm mục đích kiểm soát việc trao đổi ngoại thương với bên ngoài? Theo chúng tôi, nhận xét này hoàn toàn có căn cứ, bởi kỹ thuật xây dựng, cách thức bố phòng thành nhà Mạc ở Cát Bà khác hẳn với thành nhà Hồ ở (Thanh Hóa), thành nhà Mạc ( Tuyên Quang), thành Hoàng Đế ( Bình Định)… Tính chất phòng thủ không rõ nét!
Về lai lịch tòa cổ thành trên đảo Cát Bà còn những ý kiến khác nhau, có người nghi ngờ mới được xây dựng từ thời Nguyễn ( nhưng không dẫn tài liệu chứng minh). Theo thư tịch cổ và gia phả họ Mạc ở Câu Tử ( Hợp Thành – Thủy Nguyên), họ Hoàng gốc Mạc ở Hiệp An ( Kinh Môn – Hải Dương) thì sau khi thấy em kế mình là Khiêm Vương Mạc Kính Điển có tài lỗi lạc, Ninh Vương Mạc Phúc Tư rất lấy làm mừng. Tháng 5 năm Bính Ngọ ( 1546) vua Anh ( Mạc Phúc Hải) qua đời, tôn thất và triều thần và triều thần suy tôn thái tử Mạc Phúc Nguyên lên ngôi báu. Lúc ấy, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi cùng Hoằng Vương Chính Trung, Định Vương Mạc Phúc Sơn gây chính biến và rút về chiếm cứ vùng Yên Quảng ( Quảng Ninh ngày nay). Nhà Minh định lợi dụng việc này, Ninh Vương bèn xin nhường chức Phụ Chính đại thần cho Khiêm Vương Mạc Kính Điển và xin đi trấn thủ Hải Đông.
Ninh Vương Mạc Phúc Tư ( thuy hiệu là Phúc Triệu ) là con thứ hai của Hoàng đế Mạc Thái Tông Đăng Doanh và Hoàng hậu Đậu Thị Giang, sinh năm Giáp Thân ( 1524) tại Tam Giang, nơi thân phụ trị nhậm. Phúc Tư bẩm tính thông minh, hiếu học, tư chất khoan hòa, cung kính nổi tiếng tài năng đức độ, được sỹ thứ mến mộ ngày 25 , tháng Giêng năm Canh Tý ( 1540), vua cha Đăng Dung băng hà, hoàng huynh là Thái tử Mạc Phúc Hải lên làm vua, nối ngôi đại thống ( tức vua Hiến Tông nhà Mạc). Vua Mạc Hiến Tông đã phong tước Ninh Vương cho Hoàng Đế Mạc Phúc Tư, sau đó trao cho Ninh Vương chức Thái tể – quan đầu triều.
Lại nói, sau khi ra trấn thủ xứ Hải Đông, Ninh Vương Phúc Tư ra sức vỗ về dân chúng, tướng sỹ…Vương đốc đắp đê, đào sông khơi ngòi; khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích đánh cá, làm nghề muối; cho mở chợ Chanh ở Yên Quảng, chợ Thưa, chợ Đá Bia và phố Khách, Long Mã… ở huyện Thủy Đường… để dân chúng an cư lạc nghiệp. Vương cũng cho xây nhiều thành quách, đồn trại, nơi luyện quân thủy, quân bộ; mở các cảng thị để buôn bán với nước ngoài như : thành Dền – thành Thạch Bích ( còn gọi là thành Dền Đấu Đong) ở núi Thiểm Khê( xã Liên Khê – Thủy Nguyên); thành nhà Mạc ở đảo Cát Bà; đồn Xích Thổ ở huyện Hoành Bồ; đồn Thư Cung ở Cẩm Phả; thành Vân Đồn ở bờ sông Chanh; cảng Minh Thị ở huyện Tiên Lãng; cảng Quỳnh Hoàng ở huyện An Lão…Do vậy mà xứ Hải Đông dưới quyền cai quản của Ninh Vương Phúc Tư không những là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh đô Thăng Long của Vương triều Mạc mà còn là tuyến phòng thủ dày đặc đối phó với giặc ngoại xâm phương Bắc .Suốt mấy chục năm, tập đoàn Lê Trịnh nhiều lần đem quân cướp phá Thăng Long cùng một số vùng khác, riêng xứ Đông do Ninh Vương cai quản, họ không xâm nhập được. Đặc biệt, ở những năm này, nhà Minh những không dám đưa quân quấy phá, nhũng nhiễu vùng biên cương, mà còn đẩy mạnh phát triển giao thương với Đại Việt ở vùng ven biển Đông Bắc.
Ngày nay, những đê nhà Mạc, bãi nhà Mạc, rừng nhà Mạc, sông nhà Mạc, thành nhà Mạc, chợ nhà Mạc…Do Ninh Vương Phúc Tư xây dựng vẫn còn lưu vết rải rác trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.