- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15451
- Tổng truy cập: 3,368,914
Thân Thế Sự Nghiệp Trạng Nguyên Giáp Hải
- 760 lượt xem
Thân Thế Sự Nghiệp
Trạng Nguyên Giáp Hải
NGUYỄN XUÂN CẦN
Trạng nguyên Giáp Hải còn gọi là Trạng Kế, người làng Dĩnh Kế, xã Dĩnh Kế, nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, một danh nhân khoa hảng tiêu biểu của cả nước được nhiều người biết đến. Tuy nhiên về ông nhiều tài liệu giới thiệu từ trước đến nay có điều chưa thống nhất. Ở bài viết này chúng tôi xin được giới thiệu về ông trên cơ sở tài liệu mới phát hiện được ở địa phương vừa qua và lịch sử đã ghi chép.
1. Về nguồn gốc và quê hương ông.
Các tài liệu được biên soạn giới thiệu trước đây như: Lịch triều hiến chương loại chí, của Phan Huy Chú (NXB sử học – HN 1960); Bắc Ninh địa dư chí, của Đỗ Trọng Vĩ (NXBVHTT – HN 1997); Bắc Giang địa dư chí, của Trịnh Như Tấu (HN – 1937; Trạng nghè cống, của Nguyễn Tường Phượng (Sở VHTT HB -1984); Các trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, qua các triều đại phong kiến Việt Nam, của Trần Hồng Đức (NXBVHTT – HN 1999); Trạng nguyên Giáp Hải, của Lâm Giang (Sở VHTT BG 1997)… và nhiều bài viết của các tác giả khác đều cho rằng ông gốc làng Công Luận – Bát Tràng nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội. Ông làm con nuôi một phú thương làng Dĩnh Kế sau đi học đỗ trạng nguyên năm 1538 dưới triều Mạc và dân gian quen gọi là Trạng Kế. Ngoài những ghi chép trên, truyền thuyết dân gian ở vùng Kế từ xưa cũng cho đó là sự thật.
Chỉ đến khi dân làng Cốc Lâm, xã Dĩnh Trì (trước đây cùng tổng Dĩnh Kế), huyện Lạng Giang, trong khi tiến hành làm đường giao thông nông thôn vô tình ngày 6/8/1998 đã phát hiện ra tấm bia sách (hay còn gọi là sách đá) do chính Giáp Hải soạn khắc vào năm 1549 mới được biết rõ về nguồn gốc quê hương của dòng họ Giáp ở Dĩnh Kế. Từ đó mới có cơ sở đính chính cho những điều trước đây dã viết còn tồn nghi.
Theo nội dung bia sách phát hiện ở Cốc Lâm, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang cho biết:
“Cụ tổ họ Giáp xưa tên huý là Hà, tên tự là Đạm Phủ, họ Giáp làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Sơn. Cụ tằng tổ tên húy là Thuận Trung. Cuối đời Hồ có loạn giặc Minh, gia đình ở phía nam thành Xương Giang, không theo giặc Minh nên đã tránh sang cư trú ở Như Thiết thượng huyện Yên Dũng rồi làm trưởng hương mục ở đó. Khi mất chôn cất ở làng ấy. Cụ tổ tên huý là Bảo Phúc lại trở về quê cũ Dĩnh Kế lập nghiệp. Cụ bà là người họ Ngô.
Người cha (Giáp Hải – NXC) được tặng hàm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, thái bảo, tên huý là Đức Hưng. Người vợ ông là bà họ Hoàng được tặng liệt phu nhân…Năm cụ 68 tuổi, lấy hiệu là Khánh Sơn tiên sinh. Ban đầu cụ lấy bà họ Nguyễn, sinh một con trai là Giáp Hãng hiện đang nhậm chức: cẩn sự lang ở đồn điền Phấn Trì. Sau đó lại lấy con gái nhà họ Đỗ hiệu là Từ Hạnh, sinh hai người con trai: một là Trưng, đi thi khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính (1538) đỗ đệ nhất tiến sĩ, nay nhậm chức: Hàm đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Đông các đại học sĩ, tước Tô Khê Bá, trụ quốc. Người con út tên là Thanh nay thụ hàm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu chức Sùng Cẩn. Cụ có một người con gái út. Ông Thanh làm ở Quốc tử giám chức phận: Quốc tử xá sinh, theo việc hiền triết”(1)
Qua nội dung bia sách trên cho biết họ Giáp làng Dĩnh Kế đã có mặt ở đây từ khá sớm, trước đời Hồ. Đến cuối đời nhà Hồ có loạn giặc Minh, gia đình không theo giặc nên mới chuyển sang ở Như Thiết thượng. Hết loạn nhà Minh gia đình trở về quê cũ Dĩnh Kế làm ăn. Cha Giáp Hải có ba bà vợ. Giáp Hải là con đầu bà ba họ Đỗ sinh ra ở Dĩnh Kế. Như vậy Giáp Hải không phải là con nuôi mà là con đẻ đích thực của dòng họ Giáp cụ Khánh Sơn tiên sinh ở làng Dĩnh Kế. Bức màn sương mù che phủ lên lai lịch trạng nguyên Giáp Hải qua bao nhiêu năm đã được hé mở khi tấm bia hộp “sách đá” được phát hiện ở làng Cốc Lâm, xã Dĩnh Trì năm 1998. Ngoài ra nội dung tấm bia còn cho biết nhiều thông tin về dòng họ Giáp ở Dĩnh Kế và con, cháu liên quan ở trong vùng.
2. Thân thế và sự nghiệp:
Theo gia phả và sách đá phát hiện ở Cốc Lâm – Dĩnh Trì – Lạng Giang cho biết Giáp Hải còn có tên là Giáp Trừng, là con đầu bà ba cụ Khánh Sơn họ Đỗ. Giáp Hải sinh năm 1517(2) được cha là cụ Khánh Sơn cho đi học hành chu tất. Ông thông minh từ nhỏ, học một biết hai, ứng đối như thần. Tuy vậy không ỷ nại vào sự thông tuệ của mình, Giáp Hải rất chăm chỉ dùi mài kinh sử. Tương truyền Giáp Hải ngày ngày thường tới chân núi Kế ngồi dưới lùm cây, đặt chân lên một phiến đá đọc sách. Hòn đá chỗ Giáp Hải ngồi học còn in dấu hình bàn chân. Nhiều ngày mải mê học, khát nước thì múc nước giếng bên cạnh để uống quên cả ăn. Buổi tối ông thường rang một túi hạt hồ tiêu khi nào buồn ngủ thì lấy ra nhấm nháp cho miệng cay cay mà tỉnh ngủ. Tính tình mát dịu, nói năng nhẹ nhàng khúc triết, giỏi văn từ, học chừng “hết chữ” các ông đồ trong vùng, ông được cha cho lên kinh đô học. Đến khoa thi Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9, Thái Tông Mạc Đăng Doanh, Giáp Hải thi đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức Trạng nguyên, năm ấy ông 22 tuổi. Ông do văn chương thi đỗ làm quan nên bấy giờ ai cũng nể phục.
Năm 1540, tức là sau khi đỗ trạng được 2 năm, Thái Tông Mạc Đăng Doanh đột ngột qua đời, con là Mạc Phúc Hải lên thay. Vì phải kiêng huý tên vua nên Giáp Hải mới đổi là Giáp Trừng, còn dân gian vẫn quen gọi là Trạng Kế.
Trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, nhà Mạc bị nhà Minh o ép lấy cớ Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, nên nạn ngoại xâm rình rập trước ngõ. Để bảo vệ vương triều còn non trẻ, bảo vệ lê dân thoát cảnh chiến trận và hoạ xâm lăng, nhà Mạc buộc phải có những nhượng bộ nhất định về biên giới. Do có tài văn chương lại giỏi đối đáp nên sau khi đỗ trạng, Giáp Hải được vua cử đi lãnh trách nhiệm ngoại giao tiếp các sứ giả nhà Minh và đã khéo léo dàn xếp ổn thoả vấn đề biên giới nên kẻ địch phải nể phục. Truyền thuyết về bài thơ “Vịnh bèo” nổi tiếng của ông xuất hiện trong bối cảnh này đã phần nào minh chứng cho thực lực tài ngoại giao của ông.
Ngoài tài ngoại giao, Giáp Hải còn được triều đình cử làm Đề Điệu cho nhiều kỳ thi hương và giám sát việc thi cử hết sức nghiêm ngặt.
Năm 1558 đời Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo thứ 5, Giáp Hải được cử làm Đề Điệu cho kỳ thi hương ở trấn Sơn Nam. Trong kỳ thi này có thí sinh khởi xướng chống trường thi Giáp Hải đã kiên quyết xử lý để làm gương cho các kỳ thi khác.
Theo Đại Việt Thông sử trong Lê Quí Đôn toàn tập – tập 3 – (NXB KHXH HN. 1978) cho biết:
Tháng 12/1561, Mạc Phúc Nguyên sai Thái bảo Nguyễn Phú Xuân và Lại bộ tả thị lang Giáp Trừng dẫn quân lên xứ Lạng Sơn đánh quân Hoàng Đình Á. (Sđd- trang 311).
Tháng 3/1562, Phúc Nguyên cho Giáp Trừng giữ chức Thượng thư Bộ Lại, phong tước Tô Khê hầu. (Sđd – tr 311).
Tháng 2 năm 1566, Mạc Mậu Hợp sai Giáp Hải cùng Đông Các hiệu thư Phạm Duy Khuyết đến biên giới Lạng Sơn đón sứ thần Lê Quang Bí, sau 18 năm (1548-1566) đi sứ nhà Minh trở về kinh đô. (Sđd- tr 314).
Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên Nam Quan thuộc Lạng Sơn cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới. Với những lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, thường chỉ gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên. Ông là người giỏi bang giao từ mệnh đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, ba lần nắm ấn quan to. Ngoài việc bang giao, mỗi lần tiếp sứ hay mỗi lần đi sứ ông thường có thói quen làm thơ ghi lại, sau tập hợp thành: Ứng đáp bang giao tập, trong đó có những câu thơ cảm tác như:
Hoàng thu thuỷ ác đương triều sủng
Phi mã khinh cân thượng quốc tân
Nghĩa là:
Cờ vàng kiệu tía được triều cưng
Ngựa béo áo cầu khách thượng quốc.
Tháng 11 năm 1577, Thượng thư Bộ Hộ, kiêm Đô ngự sử là Giáp Trừng vin cớ thấy sao chổi xuất hiện đã dâng sớ khuyên vua Mạc Mậu Hợp 6 điều: Lễ vật dùng tế lễ phải thành kính cẩn thận. Nếu vua có lòng nhân, thì bề dưới không kẻ nào không nhân. Nước nào cả vua tôi trên dưới đều chạy theo mối lợi thì nước ấy sẽ nguy vong. Quốc gia lụn bại do quan tham. Nước nương tựa vào dân. Quân muốn thắng trận thì các tướng phải hoà hợp với nhau.
Mạc Mậu Hợp nhận nhưng không làm theo ý tờ sớ này.
Để xoa dịu, ngày 21/2/1578, Mạc Mậu Hợp “phong thêm hàm Thiếu bảo cho Thượng thư bộ Lại, Luân quận công Giáp Trừng. Giáp Trừng cố từ không nhận nhưng Mậu Hợp không cho từ”. (Sđd- tr 326).
Niên hiệu Quang Hưng thứ 2 (1579) tháng 3, Mạc Mậu Hợp thăng Giáp Trừng lên chức Binh Bộ Thượng Thư, Chưởng lục bộ sự. (Sđd – tr326). Nghĩa là nắm quyền điều hành công việc của tất cả 6 bộ trong triều là: Lễ, Lại, Công, Hình, Hộ, Binh (ngoại giao, nội vụ, tư pháp, công thương, nông lâm, an ninh quốc phòng).
Ngày 23/9/1581, Giáp Trừng vào triều yết kiến xin về quê (Sđd-tr 329). Nhưng sau đó Mạc Mậu Hợp “lại ban chỉ dụ gọi Thiếu bảo Luân quận công Giáp Trừng lại ra nhận chức và tham bàn chính sự trong triều giúp quyết đoán cơ mưu quân sự, cần phải nghĩ yêu nước quên nhà” (Sđd-331). Trong dịp này, nhân có mưa bão lớn, thiếu bảo Giáp Trừng dâng sớ lên Mậu Hợp, hiến kế giữ nước trong đó có những lời tâm huyết như:
“Hiện nay những lính mới tuyển vào các doanh phần nhiều khí giới chưa tinh nhuệ, kỹ thuật chiến đấu chưa tinh, thuyền bè chưa chỉnh đốn, lại gặp thiên tai cảnh cáo chính là lúc đáng sợ nhất. Cho nên những chính sách trị an và tu chỉnh, không thể không rất cẩn thận. Nên nghiêm minh pháp luật, thu vén kỷ cương, giữ vững nơi bờ cõi, tu sửa các thành quách, luyện tập binh mã, chỉnh bị khí giới, đóng thuyền dựng trại, định phiên thường trực, đúng kỳ phải tới, ban hiệu lệnh, hằng ngày tập luyện, cốt cho thật giỏi, chờ thời cơ sẽ phát động. Lại cần bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi dân mà không bắt dân khốn, giúp đỡ dân mà không bắt dân mệt, không nên dùng hết sức dân nên giảm bớt sự phục dịch của nhân dân. Đó là kế sách trị bình vậy”. (Sđd-tr 333). Mậu Hợp xem xong tờ sớ này liền ban lời uý dụ Giáp Trừng và triệu tới kinh sư để làm việc tại triều đường.
Tháng 2/1582, Mậu Hợp thăng Giáp Trừng lên tước Sách quốc công. Giáp Trừng dâng sớ hết sức từ rằng:
“Hạ thần là một kẻ thư sinh, không phải là dòng dõi công thần, thế mà lạm dự tước Quận công, cũng đã là quá mức, trong lòng lúc nào cũng tự lấy làm bẽn lẽn, huống chi là tước Quốc công to lớn, hạ thần đâu có thể kham nổi”.
Mậu Hợp cố khuyên dụ nhưng Giáp Trừng không chịu nghe lời thỉnh cầu, từ chối. (Sđd-tr340).
Ngày 26/5/1582, khi nhà Minh đưa tờ công văn tới, nói về ranh giới nước ta và Trung Hoa tại địa phận xứ Lạng Sơn. Mậu Hợp sai sứ tới nhà Giáp Trừng, triệu Giáp Trừng đi phúc định lại ranh giới.
Tháng 8/1582, Giáp Trừng lại dâng sớ bày tỏ việc gia đình, xin vẫn giữ chức hàm như cũ, nhưng được ở nhà, khi nào có nghị luận về chính trị trọng đại, sẽ phụng chỉ dụ tới triều đình. Ngoài ra xin được tự do lúc tới lúc lui. Mậu Hợp không nghe, vời tới kinh sư làm việc tại dinh thự. (Sđd-342).
Ngày 28/6/1585, Mạc Mậu Hợp thăng Giáp Trừng lên chức Thái bảo.
Ngày 2/8/1586, Thái bảo Giáp Trừng dâng sớ xin nghỉ hưu. Nội dung sớ tâu rằng: “Cổ nhân lấy câu: tri túc bất nhục (biết đủ sẽ không nhục) làm răn. Tiên hiền thường tự xử theo câu: niên tri tiện qui (đến tuổi già thì về hưu). Nay hạ thần đã 70 tuổi, đáng nên về hưu, một niềm mong muốn, không nói gì khác. Kính mong bệ hạ xét lòng chí thành của hạ thần, cho hạ thần trí sĩ, để toàn tiết muộn và giữ hơi tàn của hạ thần. Đó là hạ thần rất mong vậy. Hiện nay các quan trong triều đình, thảy đều là các bậc hiền tài, việc nước thi thố, đã có kế hoạch. Nhưng hạ thần lo ngại về điều: đang lúc thịnh trị cũng nên nghĩ tới sự nguy vong. Đó là lòng chí thành của bầy tôi già này cần bày tỏ. Kính mong bệ hạ, tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người tốt, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không mưu lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự rong chơi, khiến cho chính trị giáo hoá trở nên tốt. Nhân dân nhà nước đều yên vui, để tiến tới một nền thịnh trị.
Hạ thần lại nghĩ: việc dụng binh là một việc rất cần thiết hiện nay. Kính mong bệ hạ, giữ thói kiệm ước, giảm sự tiêu bừa, tích của để dùng vào việc binh. Uỷ cho phụ chính Ứng vương phải nghiêm hiệu lệnh, đặt tướng tá trong các doanh, phải chọn bậc anh dũng, quân sĩ phải tuyển hạng tinh nhuệ, sắm thuyền bè, duyệt thuỷ quân, luyện voi ngựa, chuẩn bị khí giới, súng ống và cung nỏ để làm kế sách đánh địch.
Về phương tây nam, những chỗ xung yếu giáp giới bên địch thì nên đắp luỹ cao, đào hào sâu, đặt bẫy nỏ, nghiêm phòng bị và đặt thêm đồn trại, chia quân giữ nơi hiểm yếu.
Thành Đại La, từ cửa Nam đến cửa Bắc, nên tu sửa những bức tường thấp ở trên mặt thành cho thật cao, để bảo hiểm trong thành.
Một khi chiến cụ đã đầy đủ, phòng vệ trong ngoài đã chu đáo thì giữ sẽ vững, đánh sẽ thắng. Giặc ngoài đã dẹp, trong nước tự yên. Hạ thần tuy hưu dưỡng tại nơi điền viên, cũng được dự hưởng phúc thái bình”. (Sđd-tr 346-347).
Mạc Mậu Hợp sau khi nghe sớ đáp rằng:
“Ông là bầy tôi kỳ cựu, đã từng khó nhọc, theo lẽ, đáng nên về hưu. Nhưng hiện nay đang cần hiền tài giúp nước. Ông là bậc lão thành am luyện, đối với nghĩa, chưa nên đi vội. Vậy phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại dinh, giữ công luận, giúp đỡ chính trị, chấn chỉnh lại phong khí của nhà nước. Đến lúc ấy sẽ về hưu cũng chưa muộn”. (Sđd-tr347).
Ông thường ước ao được về nghỉ, bỗng một đêm mơ thấy được chọn về hưu, ông bèn làm bài biểu tạ ơn vua bằng một đôi câu đối:
Ư kính ư trung duy cầu thiền đạo sở chi chi địa
Nhi tác nhi túc nguyên an đế lực hà hữu chi thiên
Nghĩa là:
Vốn kính vốn trung dạy xin thánh đạo cho về nghỉ
Làm việc nghỉ việc mong cho nhà vua luôn được dồi dào sức sống.
Ngày 9 tháng 9, Giáp Trừng lại dâng biểu xin về hưu trí. Mậu Hợp vẫn cố lưu không cho về.
Tháng 11 năm 1586, Giáp Trừng lại dâng sớ xin trí sĩ, lời lẽ rất là khẩn thiết. Mậu Hợp bất đắc dĩ nghe theo. Năm ấy ông đã 70 tuổi. Mạc Mậu Hợp ban cho ông lá cờ thêu và đôi câu đối ca ngợi:
Trạng đầu tể tướng đẩu nam tuấn
Quốc lão đế sư thiên hạ tôn
Nghĩa là:
Đỗ trạng nguyên làm tể tướng, danh cao như ngôi sao đẩu của trời Nam
Đã Quốc lão, lại đế sư, được cả nước tôn trọng.
Lại có câu:
Từ bút văn tôn danh lưỡng quốc
Hoa triền thọ diệu huyễn tam tôn
Nghĩa là:
Văn chương tài giỏi tiếng vang hai nước
Tuổi như sao thọ sáng chiếu trong hàng tam công. (3)
Trạng nguyên Giáp Hải, khi làm quan chính trực, thanh liêm, được nhà vua sủng ái tin dùng, các bạn đồng triều kính phục. Thời gian làm quan của ông trước sau 5 lần giữ chức Thượng thư, ba lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quốc công. Lúc lên đường về hưu, 10/12/1586, ông làm bài thơ từ biệt các quan và bài lưu tạ các bạn đồng triều, xin trích một bài trên như sau:
Ngũ đế vu tư giản thánh minh
Đồ nhiên ngoạn yết lịch sương tinh
Phù xanh cảm vị kinh thiên lực
Tinh bạch duy chiêu quán nhật thành
Nhất vãng đồng cư Ân tướng sớ
Tứ lưu bất tận Tống tham minh
Kiều Bành tuế nguyệt hoa luân đán
Tượng thái bình thân diệc thái bình.
Nghĩa là:
Giúp rập thánh minh đã trải 5 đời rồi (4).
Qua bao năm tháng, luống những dốc hết ham muốn
Việc phò giúp dân dám nói đến sức chống trời
Lòng thành tinh bạch suốt năm tháng chỉ những sáng soi
Một lần đến là càng làm tướng viết sớ cho nhà Ân
Bốn phen lưu lại, viết không hết bài minh cho nhà Tống
Tháng năm vần chuyển, tuổi tác chẳng mấy chốc đã là ông Bành
Nước thái bình thì thân cũng được thái bình.
Theo sách Đại Việt thông sử trong Lê Quí Đôn toàn tập – tập 3 – (NXB KHXH – HN 1978) ở phần chú thích trang 347 cho biết: Toàn thư chép ngày 10 tháng 12 năm 1586, Giáp Trừng về hưu. “Khi Giáp Trừng đã về quê nhà làng Kế Hương, Mậu Hợp tưởng nhớ, lại triệu vào kinh sư, nhưng Giáp Trừng tạm đến liền xin về ngay, rồi qua đời”.
Ông về nghỉ hưu không được bao lâu thì mất, tháng 12/1586, tại quê hương làng Dĩnh Kế, thọ 70 tuổi. Mộ ông được đặt tại núi Kế, dân quen gọi là núi ông Trạng. Các dấu vết về giếng ông Trạng, chân ông Trạng, miếu ông Trạng vẫn còn mãi đến sau này.
Cảm phục trước tấm gương đức độ, lòng yêu nước thương dân của ông một người bạn đồng triều là Đỗ Uông (1523-?) tước Thông quận công, hiệu Độn Phu, người xã Đoàn Lâm huyện Gia Phúc, đỗ Bảng nhãn năm Quang Bảo 2 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, đã làm bài văn tế khi ông mất như sau:
“Kính thay! Tôn ông!
Đức hạnh ôn hoà, đạo học uyên bác. Cung bậc nguyên âm chuông vàng, vật báu thuần kim chất phác.
Bậc đại bút đã từng soạn biên sách ở văn chương, lòng ngay thẳng hiện nơi học thức khi làm việc.
Khi đăng đài sánh nghiêm như tuyết mùa đông, gió mùa xuân. Lúc ngồi ở lăng miếu, sừng sững tựa Thái sơn kiều nhạc.
Trạng Kế đứng đầu tể tướng, vinh dự thay Nam Bang, Giáp Tuyên phủ lời gọi ấy vang dậy vùng Mạc bắc.
Trong trướng trù liệu, mà xã tắc bình yên, sau màn thuý mà vẫn đường lư phân biệt .
Nhỏ, nuôi không đủ, phải chịu thiệt trông đợi cậy nhờ, lớn tin tưởng đường đi sáng suốt thẳng ngay, sắt đá.
Phò giúp việc triều chính ở Trung đô, dẫu tới chỗ sửa khăn nơi Đông lạc.
Tuy đã hưu nhàn, ở ruộng ở nhà, nhưng lúc rỗi vẫn lo đời lo nước.
Ngời ngời trung nghĩa, chẳng một chút sơ tâm, rờ rỡ hình dung gắng vun trồng cho hậu thế.
Thông mọc may sao, sen hồ thêm nhánh: kế đó con ông dự bảng hanh thông, ơn được chọn giao cho trọng trách.
Dâng sớ tiến hiền tài, cảm ơn tri ngộ mà lao tâm, nhớ lại các bài thơ, toàn là những phẩm đề tuyệt tác.
Là cây đào trước cửa Nùng hạ trường xuân, là vị thuốc tốt trong ô thuốc thày thuốc.
Văn ấy, đức ấy, giúp sinh linh trường thọ, tình này nghĩa này sao có thể vắng không?
Ôi! non xanh mấy ngàn nhận, chim phượng sao nỡ bỏ về gác vàng bốn mươi năm, ngọn gió trong vẫn như trước.
Trinh trọng sớ dâng, kính ban tam tước.” (5).
Bài văn tế tuy ngắn ngủi nhưng tóm tắt đủ cuộc đời, đức hạnh, tài năng và sự đóng góp của Giáp Hải cho vương triều nhà Mạc.
Đỗ trạng nguyên, làm tể tướng, là thày dạy vua, cuộc đời Giáp Hải luôn sáng trong như ngọc. Ông là một vị quan giỏi, chăm lo việc nước, giàu lòng nhân ái, trung thực, liêm chính, căm ghét xu nịnh, tranh lợi xách nhiễu. Ông muốn giúp vua cải cách xã hội, nên đã nhiều lần dám đứng ra khuyên can nhà vua làm việc nghĩa. Có lần ông dâng sớ nói: “…Kinh thi có câu: “Trời sáng suốt là bởi dân ta sáng suốt. Trời tỏ ra đáng sợ là bởi dân ta đáng sợ. Lòng dân ở chỗ nào còn thì ý trời ở chỗ ấy còn”… Lại xin bệ hạ tôn trọng gốc nước, cố kết lòng dân, hậu đãi mà đừng làm khốn dân. Giúp đỡ mà đừng làm hại dân, dè dặt chứ đừng dùng hết sức của dân, nhẹ bớt cho dân những việc phục dịch, chính là chính sách của vương đạo đó”(6). Mỗi điều ông nói đều vì nước vì dân. Ông còn khuyên vua: “Giữ đạo trung, mưu việc lớn, lấy việc kinh trời làm chỗ dựa, lấy khiêm cung làm đầu, chăm đường chính học, thân bậc chính nhân, thực ý ngay lòng, ngăn điều trái, bớt điều dục. Để cho chính hoá rộng khắp, dân yên nước thịnh, tiến tới trị bình”(7).
Qua những lời khuyên can ấy thấy rõ ông rất thấu hiểu việc lấy dân làm gốc, là việc sống còn của một quốc gia của một vương triều. Những lời khuyên can ấy sau hơn sáu thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong việc biên cương ông chỉ có một bài thơ “Vịnh bèo” mà đẩy lùi được ý đồ xâm lược nước ta của quân Minh. Các tác phẩm thơ văn của ông để lại cho đời cũng ít ai theo kịp.
Là một trọng thần của vương triều Mạc, Giáp Hải làm quan đến Thượng thư (Bộ trưởng) ở cả 6 bộ: Lễ, Lại, Công, Hình, Hộ, Binh, kiêm trưởng lục bộ sự, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Đô ngự sử, được thăng chức Thái Bảo, hàm Thiếu bảo, được ban tặng tước Tô Khê hầu, tước Luân quận công, tước Sách quốc công ở dưới triều 5 triều đời vua Mạc, 48 năm liền (1538-1586). Trạng nguyên Giáp Hải đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp công danh bằng chính tài năng đích thực của mình. Ông suốt đời phục vụ quốc kế dân sinh, với cả tấm lòng yêu nước thương dân rất mực. Những thành quả nhà Mạc đã dành được có sự đóng góp tích cực hết lòng của trạng nguyên Giáp Hải vào công cuộc thương thuyết bang giao giữ gìn độc lập, chấn chỉnh bộ máy, cải cách hành chính, thi tuyển và tiến cử nhân tài, pháp chế nghiêm minh, kỷ cương giữ vững, xã hội ổn định, kinh tế phát triển, nước thịnh dân yên.
Một con người sáng danh trong lịch sử như vậy nhưng rất tiếc do điều kiện lịch sử và chiến tranh, lăng mộ, đền thờ ông đã bị Pháp phá huỷ từ năm 1949-1950, đến nay vẫn chưa có một nơi để con cháu dòng tộc họ Giáp và quê hương hương khói tôn thờ. Thiết nghĩ một con người suốt cả cuộc đời cúc cung tận tuỵ phò vua giúp nước như vậy, rất cần được quảng bá giới thiệu cho các thế hệ con cháu noi theo. Các cấp các ngành của tỉnh, thành phố cũng cần quan tâm tạo điều kiện để dòng họ, quê hương sớm thực hiện được ước nguyện lâu nay là: xây dựng được một nơi tôn thờ ông – xếp hạng ông là danh nhân văn hoá – để phát huy truyền thống của người xưa, trong điều kiện đất nước đổi mới và hội nhập hiện nay./.
__________________________________________
Chú Thích:
(1). Trích theo Di sản văn hoá Bắc Giang – Về văn hoá phi vật thể- tập 2. Bảo tàng Bắc Giang xuất bản. 2006. Trang 82-83.
(2). Về năm sinh, năm mất của Giáp Hải: các tài liệu đều ghi khác nhau, phần lớn là theo “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do ngô Đức Thọ chủ biên, ghi năm sinh năm mất là 1507-1586. Ở bài viết này tôi văn cứ vào ghi chép của Lê Quí Đôn trong Đại Việt thông sử, trong bài sớ của Giáp Hải dâng vua Mạc Mậu Hợp ngày 2/8/1586 xin nghỉ hưu nói rõ: “nay hạ thần đã 70 tuổi đáng nên về hưu” nên xác định Giáp Hải sinh năm 1517, điều này cũng đúng theo gia phả họ Giáp đã ghi, và năm mất của ông là 1586.
(3). Dẫn theo Phan Huy chú- Lịch triều hiến chương loại chí- tập 1. NXB Sử học- HN 1960, trang 211.
(4). Theo Lâm Giang- Trạng nguyên Giáp Hải – Sở VHTT Bắc Giang 1997- tr 65. ý nói Giáp Hải đã phò giúp 5 đời vua nhà Mạc: Thái tổ Mạc Đăng Dung, Thái tông Mạc Đăng Doanh, Hiến tông Mạc Phúc Hải, Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên, và Mục tông Mạc Mậu Hợp.
(5). Theo Lâm Giang- Trạng nguyên Giáp Hải – tr 68-69.
(6), (7). Theo Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí- tr 210.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.