- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15139
- Tổng truy cập: 3,368,812
QUAN TRẠNG MẠC ĐĨNH CHI – BA CÂU HỎI LỚN
- 266 lượt xem
I. Ngoài văn chương , Ngài còn tài năng gì khác không?
Tượng Mạc Đĩnh Chi ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
Từ trước đến nay, khi bàn về quan Trạng Mạc Đĩnh Chi hầu như chúng ta chỉ ca ngợi tài văn chương của Ngài: Ngọc tĩnh liên phú, câu đối quá quan, văn điếu công chúa,…Vì vậy nhiều người có ấn tượng Ngài chỉ có tài văn chương. Đồng ý rằng văn chương có vai trò, chức năng trong cuộc sống, người xưa nói “văn chỉ tải đạo”, văn chương chuyên chở và truyền đạt lý tưởng cuộc sống, triết lý về nhân sinh, về thế giới,…. Nhưng phải chăng quan trạng Mạc chỉ có văn chương. Trong hai lần đi sứ, thời gian khá dài, chắc hẳn Ngài đã xử lý nhiều vấn đề cho quốc kế dân sinh, không thấy được phản ánh lại, mà cũng chỉ thơ phú.
Tượng Quan Trạng Mạc Đĩnh Chi ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
(Photo Phạm Huy Khang)
Trong cuộc đời, Ngài đã làm quan trải qua ba triều vua Trần: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, (1293-1341) tổng cộng 48 năm; đã từng giữ các chức: nhập nội hành khiển, thượng thư tả bộc xạ, kiêm trung thư coi việc quân dân, tước Đại liêu ban. Ngài đã làm đến Đại liêu ban tả bộc xạ là tương đương tể tướng. Về phương diện này, Ngài ắt phải là con người hành động, 48 năm đóng góp cho đất nước chắc hẳn vô số sự nghiệp, đời sau bỏ qua, không nhắc đến là thiếu công bằng.
Chẳng hạn như ở chúa Dâu , Thuận Thành, Bắc Ninh, nhân dân còn truyền tựng công ơn Ngài đã chỉ huy tu bổ chùa cũ thành chùa mới trăm gian; mà di tích là bức tượng tri ân Ngài rất đẹp.
Tóm lại, cần phải nhận thức lại quan Trạng toàn diện hơn, vừa văn chương siêu việt, vừa có tài kinh bang tế thế.
II. Quan hệ thân tộc giữa Ngài và Thái tổ Mạc Đăng Dung là như thế nào?
Nhiều tài liệu lịch sử xưa và nay, đều khẳng định Ngài là tổ 7 đời của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Nhưng trong hội thảo ở Hải Phòng năm 1994, GS Trần Quốc Vượng phản đối nhận định trên:
“Tôi hoàn toàn phủ nhận sử cũ ghi và các nhà viết sử hôm nay chép lại và tin theo rằng: tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung là trạng nguyên (hay lưỡng quốc trạng nguyên!) Mạc Đĩnh Chi đời Trần; thậm chí có gia phả (Mạc) còn chép viễn tổ của Mạc Đăng Dung là Mạc Hiển Tích, đại thần triều Lý.
Đó là tâm thức “Thấy người sang bắt quàng làm họ”[1]
Ông đưa ra ý kiến, Mạc Đăng Dung và họ Mạc vốn là người Đãn:
“Theo điều tra thực địa của người Trung Quốc đương thời và sau này qua cuốn Gia phả thực nói trên, Lý Văn Phức trong sách Việt kiệu thư (viết năm 1540 khi Mạc Đăng Dung còn sống) và sau đó Minh sử, đều nói họ Mạc thuộc dân tộc Đãn (Đãn man). Hậu duệ của họ là người Thán Síu ngày nay trong vùng Hạ Long. Nhiều thư tịch Trung Quốc và Việt Nam đời Tống-Nguyên-Minh- thanh và đời Trần-Lê (Đại Việt-Ví dụ Lĩnh nam chích quái) đã ghi chép về dân tộc Đãn. Đó là một tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai- Đa Đảo, có quan hệ thân tộc với người Tày (Tày cạn, Tày nước, Đãn-Đày-Tày) và người Lê ở Hải Nam (Đáy-Đày-ao-Ka đai của K.P.Bênedict), không gian sinh tồn của họ là từ vùng nam Phúc Kiến, dọc bờ biển Quảng Đông, vùng Bái Tử Long-Hạ Long và chạy dài xuống ven biển miền Trung Việt Nam. Họ chuyên nghề đánh cá ở ven biển và vùng cửa sông cận biển, một số trong họ với thời gian đã lên bờ làm ruộng song vẫn giữ nghề đánh cá cổ truyền
Họ Trần cũng thuộc dòng họ này mà họ Mạc Cửu sau cũng thuộc dòng họ này”[2]
Qua ý kiến của GS Trần có mấy điều cần lưu ý:
Thái tổ Mạc Đăng Dung và họ Mạc vốn gốc người Đãn. Điều này dễ thống nhất. Cũng có thể từ xa xưa, họ Mạc và Thái tổ Mạc Đăng Dung là người Đãn; cũng giống như người Kinh-Việt xa xưa cùng với người Mường là một.
Nhưng nếu họ Mạc gốc Đãn thì tại sao Thái tổ Mạc Đăng Dung không là hậu duệ của quan Trạng Mạc Đĩnh Chi?
Rất tiếc, GS Trần không mở ra một lối cho sự tiếp nối tư duy của ông. Hay là do “Tóm tắt” nên ông để đứt đoạn. Và càng đáng tiếc nữa, ông không còn tại thế để chúng ta thỉnh vấn.
Thời gian qua tôi cứ loay hoay hoài để tìm tư liệu về vấn đề trên. Sau đây là vài điều tôi góp nhặt được:
– Ý kiến PGS.TS. Ngưu Quân Khải :“Ông Trương Tú Dân, chuyên gia số một về quan hệ Việt- Trung, tin theo thuyết, Mạc Đăng Dung quê tổ ở Đông Hoán, căn cứ của ghi chép của triều Minh và triều Thanh thì, không nghi ngờ gì nữa, Mạc Đăng Dung là dân Đãn, ở Đông Hoán…
Theo thế phả của Mạc Đăng Dung ở Việt Nam thì Mạc Đăng Dung là hậu duệ của Mạc Hiển Tích và Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên như vậy là có gián cách, không rõ nên tin thuyết nào.
Bố hoặc ông Mạc Đăng Dung là Mạc Bình, lưu lạc đến Nghi Dương, làm chức xã trưởng, sinh ra Dung và Mạc Quyết. Gia đình làm nghề chài lưới.”[3]
Việt kiệu thư của Lý Văn Phức có ghi: “Mạc Đăng Dung đời trước không biết người gì, có thuyết nói vốn là dân Đãn. Bố của Mạc Đăng Dung, tên là Mạc Bình, lưu lạc đến Nghi Dương, làm chức xã trưởng, sinh ra Mạc Đăng Dung và Mạc Quyết, làm nghề chài lưới”[4]
Nghiêm Tông Giản trong Thù vực chu tư lục, viết tương tự như trên: Mạc Đăng Dung, không biết đời trước là người gì, có người nói rằng người Đãn, ở Đông Hoán, Quảng Châu. Bố Đăng Dung tên là Bình, lưu lạc đến Nghi Dương, An Nam, làm xã trưởng, chỉ nghe thế thôi. Bình sinh hai người con, Dung và quyết, họ làm nghề chài lưới.[5]
Thượng tọa Mạc Khoa Năng Trình : “Đi dự Mạc tộc thế giới, thực tế nghiên cứu văn bia, gia phả, phần mộ họ Mạc họ Mạc tại Đông Hoán, Phong Khai, làng Tiểu Lợi, Thôn Tây, Quảng Đông; ghi nhận rằng: tổ thứ 10 là Mạc Phụ sang An Nam quốc, nay là Việt Nam, tổ em ruột là Mạc Khánh Long ở lại làng Tiểu Lợi, thuộc Đông Hoán, Phong Khai, tỉnh Quảng Đông ngày nay”[6]
Các tài liệu bổ sung trên đây (Ngưu Quân Khải, Lý Văn Phức, Nghiêm Tông Giản, Mạc Khoa Năng Trình), giúp chúng ta được biết rõ hơn:
– Họ Mạc, cội nguồn gần là ở Đông Hoán, Quảng Đông; cội nguồn xa xưa là người Đãn.
Tuy nhiên, một số vị không rõ quá trình thân sinh Mạc Đăng Dung, đây gọi là Mạc Bình , cùng hai anh con ông đến Nghi Dương. Vì vậy họ gọi là “lưu lạc” hoặc là tiểu sử “gián cách”
Gia phả Mạc Phạm tộc (Ninh Bình) và tộc phả họ Mạc Nghệ Tĩnh cho ta hiểu rõ nguyên nhân sự lưu lạc, gián cách đó là gia đình Mạc Đăng Dung bị đại họa, chú bị tử hình. Hai gia phả có ghi sự kiện trên:
Trong số con của cụ Mạc Đăng Thiệu có hai người: Mạc Đăng Thuật (Mạc Hịch), đậu tiến sĩ niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông, vợ là Lý Thị Linh, sinh ra Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Hùng, (là con thứ hai cụ Thiệu, em cụ Thuật, chú Mạc Đăng Dung) thông minh lỗi lạc, võ nghệ siêu quần, đậu trạng nguyên võ. Ông có tài đá cầu, cưỡi ngựa, bắn cung, được vua thân tín, thường được gọi vào cung chơi cầu.
Mùa xuân năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Quang Thuận, vua ngự thuyền trên sông Thiên Đức, (tức là con sông ở Bắc Giang qua hai huyện Đông Ngàn và Quế Dương), để xem các quan đá cầu, diễn võ. Ông Hùng biểu diễn tuyệt diệu, vua mải mê xem, không may trái cầu rơi vào thuyền ngự, phạm vào vua. Ông Hùng bị nhà vua kết án tử hình.
Sau khi em là Mạc Đăng Hùng bị vua kết án tử hình, họ hàng thất tán, cụ Thuật bỏ trốn, đổi tên và làm gã chèo đò, chuyên làm điều nhân nghĩa, tiền đò chỉ lấy sáu đồng, nên dân địa phương gọi là bến đò Sáu đồng.
Tóm lại, đến đây có thể tạm khép lại vấn đề:
– Quan Trạng Mạc Đĩnh Chi là tổ 7 đời của thái tổ Mạc Đăng Dung,
-Vậy họ Mạc không “thấy người sang bắt quàng làm họ”
III. Di duệ của Ngài ở Cao Ly có không, hiện như thế nào?
1. Hiện nay chúng ta đã thu thập được một số tài liệu nói quan Trạng có di duệ ở Cao Ly qua đó biết được các thông tin cụ thể sau đây:
– Quan Trạng Mạc đi sứ Trung Quốc, cùng thời với sứ/ trạng Cao Ly. Trạng Cao Ly mời Trạng Mạc sang Cao Ly chơi. Lần này quan Trạng ở lại 4 tháng. Trạng Cao Ly làm mối cho quan Trạng một người cháu gái làm thiếp. Quan Trạng đưa bà thiếp sang Tàu, năm năm bà trở lại Cao Ly dắt theo hai người con, một trai một gái.
– Lần thứ hai, 10 năm sau, quan Trạng sang Cao Ly gặp vợ con, lưu lại 6 tháng, sinh thêm một ông con trai.
– Một hôm, ông con trai út ốm thập tử nhất sinh, bà mẹ biện lễ cúng khấn quan Trạng. Đột nhiên ông con khỏi bệnh, tiếng linh ứng huyên truyền khắp nơi. Từ đó, “Khắp cả châu huyện, suốt cả nước, không mấy nhà là không lập bàn thờ Mạc Đĩnh Chi”[7]
2. Những di duệ của Quan Trạng sang Việt Nam tìm thân tộc:
– Một ông trí thức người Cao Ly, hậu duệ của quan Trạng, đóng vai bán sâm, tình cờ gặp gặp cụ Lê Khắc Hòe ngày rằm tháng 8 năm 1925, trên ô tô hàng đi Khoái Châu . Hai người dùng bút đàm trao đổi với nhau khá chi tiết về quan Trạng Mạc và di duệ của Ngài ở Cao Ly, nội dung đăng trên Tạp chí An Nam do thi sỹ Tản đà làm chủ bút.
– “Bạn tôi là ông Vũ Đình Triều, nguyên trước đây làm chuyên viên ở nha Văn hóa Sài Gòn cũ, kể rằng : Khoảng năm 1965-1966, tôi đang làm việc taị Nha Văn hóa thì có công văn của ông bộ trưởng Bộ văn hóa giáo dục hồi bấy giờ ra lệnh cho tôi phải tiếp đón một nguời Đại Hàn trông có vẻ trí thức và thành thực , đến văn phòng chúng tôi nhờ tìm hộ những gia đình họ Mạc ở Việt Nam vốn là hậu duệ của cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi. Bởi vậy bạn tôi biết người Đại Hàn đó là một người con cháu xa đời của cụ Mạc đĩnh Chi ở Cao Ly” [8]
3.Về hậu duệ của quan Trạng:
– “Ông con trai cả sau xuất thân làm quan võ, sinh được 12 người con, 8 trai, 4 gái. Sau còn hai ba đời đỗ đạt làm quan, không được hiển hách lắm. Ông con trai út khi được 19 tuổi thì đỗ cử nhân, không chịu ra làm quan, làm thuốc và dạy học .Ông này sinh được 4 con trai đều học hành khá giả. Trong đó người thứ 3 sịnh được một người con văn võ song toàn, đã từng phen chống đuổi quân Tàu. Ông đánh đông dẹp bắc công nghiệp hiển hách một đời….
Mới ngày nào chỉ có một vết chân cụ Trạng bước tới mà dần dà nảy nở, nay hóa ra có hàng trăm, hàng ngàn con cháu, làm quan hệ cả vận mệnh nước Cao Ly…”[9]
Tóm lại, quan Trạng Mạc đã để lại di duệ ở Cao Ly, ngày nay đã trở thành một lực lượng đông đảo, nhiều người có công lớn với đất nước. Họ tha thiết mong mỏi được liên hệ với họ hàng đồng tộc ở Việt Nam.
Chúng ta có trách nhiệm lớn là kết nối với bà con họ Mạc ở Cao Ly. GS Mạc Đường có cho tôi biết, “ông đã sang Hàn, họ Mạc bên đó gọi là Pắc In, trung tâm cư trú là vùng Hoa Sơn ở Bắc Hàn”
Tác giả Lee Keun-yeup, trong bài “Mac Dinh Chi married the niece of a delegate from the Korean kingdom of Goryeo” có cho biết cụ Trạng yêu cầu bà vợ giữ nguyên tên họ Mạc đối với các con. Điều này giúp chúng ta thuận lợi khi tìm hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc.
Tôi tha thiết đề nghị, HĐMT đặt quyết tâm, song song với việc xây dựng điện Sùng Đức tìm mọi cách liên lạc với bà con anh em ở Hàn Quốc ít nhất mời sang dự khánh thành. Cụ thể hơn, đề nghị chủ tịch HĐMT Việt Nam và chủ tịch HĐMT Hải Dương đứng lên chịu trách nhiêm việc này trước toàn thể bà con.
Cũng cần nói rằng, hoàn cảnh chúng ta tương tự với họ Lý của cụ Lý Long Tường mà họ Lý đã kết nối được cách đây mấy chục năm. Trong lúc đó họ Mạc của quan Trạng Mạc Đĩnh Chi thì chưa. Tại sao? Đề nghị sang ngay Bắc Ninh tìm hiểu thêm.
*
Quan Trạng Mạc Đĩnh Chi là một vỹ nhân, những vấn đề mà cuộc đời của Ngài đặt ra chắc hẳn không chỉ có ba, tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi mới biết có vậy, và sự lý giải cũng chưa chắc đã đủ sâu sắc.
Rất mong bà con cô bác và các vị cho ý kiến.
Xin trân trọng cám ơn.
P.Đ.N.
[1] Hội đồng lịch sử TP Hải Phòng-Trần Quốc Vượng: Mấy vấn đề nhà Mạc (tóm tắt), trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, H, 1996, tr. 22- 23.
[2] Hội đồng lịch sử TP Hải Phòng-Trần Quốc Vượng: Mấy vấn đề nhà Mạc (tóm tắt), trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, H, 1996, tr.23-24.
[3] Ngưu Quân Khải: (Chu Xuân Giao cung cấp)
[4] Lý Văn Phức: (Chu Xuân Giao cung cấp)
[5] Nghiêm Tông Giản: (Chu Xuân Giao cung cấp)
[6] Khoa Năng Trình cung cấp, chưa công bố.
[7] Vũ Hiệp: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ 14 đến nay? Đã dẫn, An Nam Tạp chí số 4, tháng 8-1926, tr14-17. In lại ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1996, tr. 76-81.
[8] Vũ Hiệp: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ 14 đến nay?, An Nam Tạp chí số 4, tháng 8-1926, tr14-17. In lại ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1996, tr. 76-81.
[9] Vũ Hiệp: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ 14 đến nay?, An Nam Tạp chí số 4, tháng 8-1926, tr14-17. In lại ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2-1996, tr. 76-81.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.