- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17826
- Tổng truy cập: 3,369,679
PHẬT GIÁO THỜI MẠC KHOẢNG TRỐNG TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM 604
- 1024 lượt xem
PHẬT GIÁO THỜI MẠC
KHOẢNG TRỐNG TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Thái Kế Toại
Trong vài chục năm trở lại đây, với sự đổi mới trong lãnh đạo, quản lý xã hội ở nước ta, nhiều lĩnh vực trong nghiên cứu nhà Mạc đã được chú ý, xem xét hoàn thiện hoặc đánh giá lại đúng với vai trò đóng góp của nó đối với lịch sử dân tộc. Trong đó có các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn học, giáo dục, nghệ thuật, kinh tế…nhưng lĩnh vực tôn giáo, cụ thể nhất là Phật giáo thì còn rất ít được nghiên cứu. Trong nhiều tác phẩm lịch sử Phật giáo đó là những khoảng trống lạnh lẽo.
Trước hết phải kể đến bộ sách 3 tập VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN của Nguyễn Lang xuất bản ở Sài Gòn từ 1973, đã được Nhà xuất bản Văn học xuất bản và tái bản nhiều lần, lần mới nhất 2008 dày 1162 trang.
Bộ sách được giới nghiên cứu văn hóa, văn học, nghiên cứu lịch sử Phật giáo đánh giá cao bởi những tư liệu nghiêm túc và tầm bao quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại. Tuy vậy trong bộ sách này ông Nguyễn Lang đã để trống một thời kỳ dài từ 1460 đến 1633. Sau câu Bốn năm sau, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cấm xây dựng thêm chùa mới ông chỉ đề cập đến truyền tích Từ Đạo Hạnh và hai tác phẩm văn học kể hạnh là Quan âm Thị kính và Quan âm Nam hải rồi bắt vào ngay việc thiền sư Chuyết Chuyết đến Việt Nam gặp chúa Trịnh Tráng. Ông Nguyễn Lang đã không có một dòng nào nói về sinh hoạt của đạo Phật ở nước ta suốt hơn 170 năm và nhất là trong giai doạn đó lại có 65 năm của Vương triều Mạc.
Mục Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong từ điển mở WIKIPEDIA viết về thời Hậu Lê đến năm 1858 như sau:
Đạo Phật như đã biết đạt đến cực thịnh vào thời nhà Trần rồi bắt đầu suy thoái vào thời nhà Hậu Lê, mà hai nguyên nhân chính phải kể ra là: nguyên nhân nội tại trong chính đạo Phật, và nguyên nhân ngoại tại từ sự phát triển của Khổng giáo (hay Nho giáo).
Thứ nhất là nguyên nhân nội tại. Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý và trăm họ đều hướng vào. Chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh quy càng khó bảo đảm được. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng tăng. Đây là biểu hiện của sự suy thoái.
Thứ hai, nguyên nhân ngoại tại. Như đã biết, thời Lý Trần nhiều thiền sư tham dự chính sự và có tiếng nói quan trọng với vua quan. Vào cuối thế kỉ 14, Hồ Quý Ly vốn xuất thân Nho học trong quá trình tiếm quyền nhà Trần đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng của đạo Phật. Thêm nữa, nhiều nhà Nho vốn trọng từ chương, tự cho mình là độc tôn trí thức nên không ưa đạo Phật vốn trọng tinh thần bao dung. Chẳng hạn các đại thần Lê Quát, Trương Hán Siêu đã công khai chỉ trích đạo Phật.
Ngoài ra, việc nhà Minh xâm lược Đại Việt đầu thế kỉ 15 cùng chính sách tận diệt nền văn hóa độc lập của đất nước đã hủy diệt không chỉ truyền thống của đạo Phật tại Việt Nam mà là cả truyền thống dân tộc.
Từ khi nhà Hậu Lê thành lập, và nhất là từ khi vua Lê Thánh Tông suy Khổng giáo làm quốc học thì đạo Phật chính thức suy thoái trong một thời gian kéo dài đến mấy trăm năm.
Cuốn Phật giáo Việt Nam sử lược của tác giả Thích Mật Thể do Nhà xuất bản Tôn giáo có chương 8 Phật giáo ở thời đại Nam Bắc phân tranh không nói gì đến Phật giáo dưới thời nhà Mạc.
Mục Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Quảng Hoa trên trang web Quảng Đức.com cuối chương VI Phật Giáo Dưới Ðời Nhà Hồ (1400-1407) Và Dưới Ðời Hậu Lê (1428-1527) có kết rằng trong thời Hậu Lê có thể nói ”thời đại Phật Giáo suy đồi’’. Còn trong chương VII Phật Giáo Trong Thời Nam Bắc Phân Tranh (1528-1802) không nói gì đến Phật giáo trong thời nhà Mạc, chỉ có hai mục nói về Phật Giáo trong thời các chúa Trịnh và Phật Giáo trong thời các chúa Nguyễn.
Mục Lịch sử phật giáo Việt Nam của tác giả Thích Tâm Hải trên trang web Thư viện Hoa sen có nhắc đến sự kiện Mạc Đăng Dung lập nên nhà Mạc năm 1527 nhưng chỉ nói tiếp đến đạo Phật thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Ở nhiều tác phẩm lịch sử Phật giáo khác cũng có tình trạng tương tự.
Có lý do để thông cảm với các tác giả là thư tịch và tài liệu của nhà Mạc hầu hết đã bị mất mát, các sử gia cúa các triều đại sau nhà Mạc đã không viết hoặc viết rất sơ sài các thành tựu của nhà Mạc.
Nhưng không phải không có gì để mà không biết đến sự phục hưng tôn giáo trong đó có Phật giáo dưới thời nhà Mạc. Đó là nhiều ngôi chùa xây dựng thời Lý Trần được nhà Mạc tôn tạo. Hàng chục ngôi chùa được xây dựng mới. Nhiều văn bia xây dựng chùa và các họa tiêt, các bộ tượng Phật tiêu biểu cho nghệ thuật Mạc vẫn còn tồn tại.
Vài chục năm nay nhiều thành tựu mới nghiên cứu về nhà Mạc trong đó có lĩnh vực Phật giáo đã được công bố trong nhiều cuộc hội thảo quốc gia, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể dẫn ra một vài trường hợp như:
Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân chỉ trên cơ sở tư liệu văn bia thời Mạc đã viết và bảo vệ thành công Luận văn tiến sĩ tại trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam 1527 – 1592 (1). Cũng chỉ bằng tư liệu văn bia, tức là loại tư liệu xác thực nhất ông đã viết về tôn giáo 57 trang, phần Phật giáo 33 trang. Trong phần viết này mới chỉ trên số lượng xây dựng tu bổ chùa Phật, số lượng tượng Phật được chế tác Đinh Khắc Thuân đã chứng minh rằng đạo Phật thời Mạc đã được hưng thịnh trở lại cùng các tôn giáo khác.
Tiến sĩ Lê Thị Chiêng trong chuyên luận ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO THỜI KỲ NHÀ MẠC tại Hội thảo khoa học Vương Triều Mạc trong lịch sử Việt Nam đã viết:
Nhà Mạc không ban hành chính sách cụ thể về tôn giáo tín ngưỡng. Muốn tìm hiểu vấn đề này cần dựa trên những việc làm thực tế của vua quan, các thành viên hoàng tộc.Ngay sau khi nắm quyền, Mạc Đăng Dung đã cho sửa sang lăng miếu của vua Lê ở Nam Kinh và định kỳ cúng tế. Có người cho việc làm này chỉ là sự khôn khéo của kẻ tiếm quyền, nhằm che mắt thế gian, mong yên lòng người, tránh sự phản kháng của quần thần nhà Lê. Nhưng đánh giá như vậy có thật khách quan không? Nếu Mạc Đăng Dung không phải người nhân đức trung nghĩa như nói trong chiếu nhường ngôi thì có làm như vậy không? Lịch sử Việt Nam đâu phải không có chuyện, để tự tôn vinh, các triều đại sau đã triệt phá dấu tích của các vương triều trước! nên xem việc duy trì lễ cúng tế tông miếu nhà Lê của Mạc Đăng Dung không phải chỉ để tri ân một riều đại, từ đó ngài có ngôi cao.Lớn hơn thế, việc ngài làm là để ghi tạc công trạng của triều đại nhà Lê với lịch sử dân tộc, lưu truyền đến đời sau. Biết đâu đấy, việc làm này cũng là để bảo tồn hào khi hùng thiêng – sức mạnh trường tồn của đất nước.
Tiếp đó vua Mạc Đăng Dung lệnh cho trưởng thái giám hiệu Thụy Trúc thiền sư xây dựng chùa bà Đinh (chùa Thiên Phúc – Kiến Thụy – Hải Phòng) . Có thể coi việc làm này là sự mở đầu cho công cuộc sửa sang, xây dựng lại những ngôi chùa đã bị phá bỏ trong thời kỳ thuộc Minh và lãng quên bởi nhà Lê sơ, dọn đường cho sự phát triển của đạo Phật. Tư liệu văn bia thời Mạc là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ trở lại của đạo phật. Trong số 146 bia thời Mạc còn lại tới nay có tới 109 bia chùa với nội dung về ruộng đất chùa, việc xây dựng và người hưng công.
Đi tiên phong cho việc xây dựng chùa tháp, tạc tượng, đúc chuông là các thành viên của hoàng tộc nhà Mạc, tiếp đó là những người hiển danh có điều kiện kinh tế, cuối cùng là nhân dân địa phương.Theo tư liệu văn bia, có hàng trăm thành viên trong hoàng tộc và các đại thần của triều đình tham gia tu bổ và xây chùa phật.
Trong số những thành viên của hoàng tộc cung tiến tiền của xây dựng chùa trước hết phải kể đến các vị đương kim hoàng thượng như : Mạc Phúc Nguyên, đã ban “Cấm tiền” cho chùa Linh Cảm (Từ Sơn – Bắc Ninh, 1557), Mạc Mậu Hợp cúng 20 lạng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Phòng, năm 1582). Đặc biệt, Thài Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người được xem là người cung tiến nhiều nhất hoàng tộc. Bà đã cúng 30 mẫu ruộng và 6000 lá vàng cùng bạc tiền cho trên chục ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và vùng phụ cận. Do công đức xây chùa bà được dân gian tôn phong “là mẫu nghi thiên hạ, là Phật sống trên trần gian” . Chính vì lẽ đó bà Thái Hoàng Thái Hậu được dân làng nhiều nơi tạc tượng thờ còn để lại đến ngày nay ở một số chuà ở thành phố Hải Phòng.
Vị Thái hoàng Thái Hậu này còn tham gia xây chùa Thiên Phúc (như đã nói ở trên) cùng các thành viên hoàng tộc khác như: Hoàng Thái Hậu họ Phan, Khiêm Thái Vương họ Mạc, Tĩnh Quốc Thái phu nhân họ Nguyễn, Tu Hòa Thái Trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia thái trưởng công chúa họ Mạc, Phúc Thành thái Trưởng công chúa họ Mạc, Khiêm Thái Vương phi họ Mạc,…..Tổng cộng 33 người. Đặ biệt bà Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành Thái trưởng công chúa tham gia xây dựng hàng chục ngôi chùa, quán, trong đó có Ninh Tiên. Tình cảm và niềm tin tôn giáo khiến họ trở thành tín đồ có pháp danh: Đức Quảng (Mạc Ngọc Liễn) và Từ Đức (phúc Thành) như nhà tu hành thực thụ. Các thành viên trong hoàng tộc đã công đức xây khoảng 80/168 ngôi chùa được xây dựng thời kỳ này.
Sự hưng khởi của đạo Phật vào thời nhà Mạc còn thể hiện ở chính sách ruộng đất. Nhà nước cho phép cá nhân cúng ruộng vào chùa dưới dạng làm công đức và đặt hậu. Chính vì vậy, dưới thời Mạc hầu như chùa nào cũng có ruộng, trong đó nhiều chùa có số ruộng lớn hàng chục mẫu như: chùa Pháp Vũ (Thường Tín – Hà Nội) 70 mẫu, chùa Hoa Tân (Hải Phòng) 50 mẫu, chùa Nghiêm Quang ( Hải Phòng) 31 mẫu, chùa Thiên Phúc (Hải Phòng) 25 mẫu 1 sào 2 thước.
Ở những nơi xa kinh kỳ như Ninh Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, việc xây dựng chùa đều do các quan địa phương khởi xướng với sự tham gia đóng góp của nhân dân trong làng xã (2).
Trong cuốn Mỹ thuật thời Mạc (3) các nhà nghiên cứu từ góc độ mỹ thuật thời Mạc trên các đình chùa, tượng Phật, tượng thờ, gốm sứ đã kết luận thời nhà Mạc trị vì là thời đại chấn hưng của Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương dương Nho ức Phật của nhà Lê sơ. Sự hưng thịnh này đã tạo ra sức sống mãnh liệt cho một nền mỹ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, dân gian.
Như vậy có thể thấy được sự trống vắng về giai đoạn Phật giáo dưới thời nhà Mạc trong các tác phẩm lịch sử về Phật giáo Việt Nam có phần trách nhiệm của các nhà nghiên cứu Phật học đã chưa tiếp cận được phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp điền dã cũng như thông tin về các thành tựu nghiên cứu mới về nhà Mạc hiện nay.
Mong rằng các nhà nghiên cứu lịch sử đạo Phật Việt Nam, các tăng ni, tu sĩ Phật giáo là hậu duệ họ Mạc sẽ nhanh chóng khắc phục được thiếu sót này.
Tháng 11 -2012
Chú thich :
1- Tác phẩm được in ở Việt Nam với tên Lịch sử Triều Mạc qua thư tịch và văn bia. NXB KHXH Hà Nội 2001
2- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Hà Nội 9 -2010. Có thể đọc trên Trang web Mactrieu.vn
3 – Do Viện Mỹ thuật Hà Nội 1993
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.