- Đang online: 1
- Hôm qua: 471
- Tuần nay: 20029
- Tổng truy cập: 3,372,870
Phạm Hồng Thái (1895 534
- 640 lượt xem
|
Phạm Hồng Thái (1895-1924) người con yêu dấu của đất Hồng Lam
GS Chương Thâu
|
“Sống chết được như anh Nhà thơ Tố Hữu đã dành trọn một bài thơ tứ tuyệt cô đọng với tấm lòng rất trân trọng và với tình cảm hết sức xúc động để ca ngợi cuộc đời vô cùng đẹp đẽ của Phạm Hồng Thái, người anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam cách đây vừa đúng 70 năm. Tại làng Xuân Nha, nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vào ngày 20 tháng 4 năm Ất Mùi (14-5-1895) một cậu bé đã ra đời, mà ngay lúc đó được ông thân sinh là cụ Huấn đạo Phạm Thành Mỹ đặt tên là Thành Tích. Ông cụ muốn cho con mình luôn luôn nhớ nối chí cha ông, giữ vững truyền thống tốt đẹp của gia đình. Năm 1895 cũng chính là năm mà phong trào Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng vừa thất bại. Lúc này thực dân Pháp đã “bình định” xong nước ta, nhưng ngọn lửa yêu nước căm thù giặc vẫn tiếp tục âm ỉ cháy trong lòng nhân dân, cũng như trong gia đình họ Phạm, là một gia đình đã mấy đời kế tiếp nhau tham gia phong trào Văn Thân – Cần Vương chống Pháp. Cũng như số đông bà con nông dân trong làng, cuộc sống gia đình Phạm Hồng Thái không mấy dư dả, phải ăn tiêu tùng tiệm mới có thể đỡ túng đói. Ông thân sinh phải lên dạy học tận Thất Khê – Cao Bằng. Ở nhà, thiếu ruộng cày cấy, bà mẹ của cậu phải làm thêm nhiều nghề hàng xay hàng xáo mới đủ bát ăn. Nạn cường hào áp chế ngày một nặng nề. Bố đi dạy học xa, ở quê nhà còn ba gian nhà cũng bị bọn chúng phá dỡ nốt vì chúng lấy cớ là gia đình “mấy đời theo Văn Thân làm phản”. Từ tấm bé Phạm Hồng Thái đã chứng kiến sự khổ nhục nước mất nhà tan như vậy và không khỏi suy nghĩ. Cậu trở nên lầm lỳ, ít nói nhưng lại hay làm, chăm học. Cậu giúp mẹ và chị làm đủ mọi việc, từ cày bừa cuốc xới ruộng đồng đến việc xay lúa, giã gạo, đan phên, che nan buộc lạt, những tấm lá cót (địa phương gọi là đan dè) gánh đi chợ xa kiếm tiền đong gạo. Ngoài ra cậu đã tận dụng số thì giờ còn lại trong ngày để học tập. Nhiều buổi trưa hè nóng bức, cậu vẫn cứ miệt mài tô chữ tập viết chữ Nho trên chiếc phản ngựa nhà ông chú. Có hôm tối trời, chân vẫn dậm đều trên chiếc cối giã gạo mà miệng vẫn lẩm bẩm ôn tập văn bài. Đến khoảng 14, 15 tuổi “cậu nho Tích” tìm đường ra Thất Khê ở với bố để học thêm. Được một thời gian đã khá thông hiểu chữ Hán, cậu xin được đi học thêm chữ Pháp. Việc học tập của Phạm Hồng Thái, như người đương thời nhận xét là: “Học với một tinh thần rất nhẫn nại, cốt để đạt tới điều hi vọng rất cao xa. Lòng thiết tha muốn được hiểu biết y như con diều đói trong thấy chim non. Nhưng vào trường Pháp – Việt học được mấy năm, thì Phạm tỏ ra rất thất vọng, vì thấy người Pháp chuyên lấy giáo dục nô lệ để nhồi sọ người Việt. Giáo dục chẳng qua là một cái mô hình nô lệ tinh xảo mà thôi. Những người nào trình độ kém cỏi mới được chọn làm giáo viên, những văn chương nghĩa lý nông cạn nhất thì được biên chép vào sách giáo khoa. Người Việt một khi đã tiêm nhiễm phải thì chẳng bao lâu, đến cả những thiếu niên tuấn tú cũng hoá thành trâu ngựa ngu đần”. Do nhận thấy chính sách giáo dục bất lương ấy của thực dân Pháp, cho nên Phạm Hồng Thái đã nói: “Ta không muốn sống còn thì thôi, chứ muốn sống còn thì phải cải tạo cơ quan giáo dục đó. Muốn cải tạo cơ quan giáo dục đó thì trước hết phải lật đổ Chính phủ Pháp. Than ôi ! Chính phủ Pháp thật là một nhà chế tạo dân tộc ta thành ra trâu ngựa !” (Phan Bội Châu. Toàn tập. T.3. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990.Tr.578). Phạm bèn thôi học trở về quê nhà, tiếp tục làm lụng giúp đỡ gia đình và cũng bắt đầu quá trình thực hiện chí hướng lớn của mình. Khoảng từ năm 1919-1921, Phạm đi theo người em rể là công nhân nhà máy Điện Bến Thuỷ để học nghề và lấy tên là Thành Khôi để có thể che mắt bọn tay sai chính quyền thực dân ở địa phương, vì chúng vẫn cứ tưởng là “cậu nho Tích” đi học chữ Tây ở đâu xa. Sẵn có tư tưởng yêu nước, đến đây – trong môi trường thợ thuyền – Phạm lại được số công nhân đàn anh giác ngộ cho về quyền lợi giai cấp, bảo ban cho về tay nghề ngày một thành thạo. Phạm còn đọc thêm báo chí, nghe ngóng thêm nhiều tin tức trong và ngoài nước, từ tin tức về những hoạt động bạo động cuối cùng của “Việt Nam quang phục hội” của cụ Phan Bội Châu, phong trào công nhân Trung Quốc trong và sau cuộc vận động “Ngũ tứ” (1919), về thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga… đến tin tức những cuộc bãi công của công nhân các nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn. Những tin tức ấy đã tác động rất mạnh mẽ đến tư tưởng của Phạm Hồng Thái. Ở Vinh – Bến Thuỷ, nơi thành phố quê hương của Phạm cũng đang bị bọn chủ xưởng, bọn cai thầu áp bức bóc lột tàn tệ. Cùng với một số anh em khác, Phạm Hồng Thái đã tổ chức công nhân nhất loạt bãi công phản đối. Kết quả là anh bị chúng sa thải, đuổi về nguyên quán. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh lại tìm đường lên mỏ kẽm Chợ Chu – Bắc Cạn làm thợ nguội ở đấy. Tại công trường khai tác kẽm này, chàng công nhân họ Phạm lại vận động công nhân chống lại ách áp bức bóc lột của bọn chủ và anh lại bị đuổi việc ! Đầu năm 1922, Phạm Hồng Thái “lưu lạc” đến Hải Phòng và xin được vào làm công nhân của nhà máy Xi măng Hải Phòng. Năm 1923, nổ ra cuộc bãi công lớn của toàn thể công nhân nhà máy. Chính quyền thực dân và chủ xưởng ra sức đàn áp công nhân. Sự việc kéo dài, thấy có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình chung, nên toàn quyền Đông Dương là Méc – lanh phải đích thân đến thành phố cảng để trực tiếp dàn xếp, do đó Phạm biết rõ mặt tên trùm thực dân này. Cuối năm 1923, Phạm Hồng Thái được một tổ chức yêu nước hoạt động ở nước ngoài biết đến. Tổ chức yêu nước này chính là “Tâm tâm xã” hay là “Tân Việt thanh niên đoàn” là do một nhóm bảy người trí thức Việt Nam xuất dương sang Trung Quốc lập ra giữa năm 1923. Đấy là nhóm đầu tiên, do đó mà tương lai có nhóm cộng sản Đông Dương sẽ xuất hiện ra” (Các tổ chứ tiền thân của Đảng. Văn kiện. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tung ương xuất bản. hà nội 1977, tr.317). Sau khi bắt được “liên lạc”, Phạm thu xếp về quê lần cuối để từ biệt người vợ trẻ và đứa con trai duy nhất (Phạm Minh Nguyệt) vừa mới sinh được 3 tháng. Gác lại mọi tình cảm lưu luyến gia đình, quê hương…, Phạm Hồng Thái ra đi, dẫn thân vào con đường cứu nước, trong một đêm tối trời đầu mùa xuân năm 1924. Cái tên Hồng Thái cũng được bắt đầu từ đây. Phạm ngẫm lại ý nghĩa cao đẹp của nó, như người xưa đã nói: “Cái chết hoặc là nặng như núi Thái, hoặc nhẹ hơn lông Hồng”. Phạm dung hoà giữa hai ý nghĩa đó mà quyết chọn một con đường để thành thân. Anh nghĩ, đã có cái chí quyết hi sinh, thì không phải lăn xả vào chỗ chết uổng, mà khi cần thiết thì chết, chết có ích cho nước cho dân. Cái chết đó Phạm Hồng Thái không hề chối từ như sự thực sau đó đã minh chứng cho ý chí của anh. Chuyến xuất dương theo đường dây liên lạc của Tâm tâm xã lần đó, cùng với Phạm Hồng Thái còn có hai người bạn thân đồng thời là hai người đồng chí nữa là Lê Hồng Phong và Lê Thiết Hùng. Họ được Vương Thúc Oánh, một chiến sỹ cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc về nước dẫn đường cho các đồng chí mới đi theo ngả Lào, Xiêm để sang Quảng Châu (Trung Quốc). Ở đây, một số thanh niên xuất dương trước, có tư tưởng mới như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn – từng hướng theo cách mạng tháng Mười Nga, chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng Trung Quốc, nay lại có thêm nhiều bạn cùng chí hướng ở trong nước đến, họ họp bàn với nhau trong tổ chức Tâm tâm xã. Tâm tâm xã chủ trương gây một tiếng nổ để thức tỉnh quốc dân đồng bào trong nước và làm chấn động dư luận năm châu, khiến mọi người chú ý đến Việt Nam. Đó tức là việc ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc – lanh. Tháng 6-1924 Méc – lanh sang Nhật Bản, Hương Cảng, Vân Nam, trên đường về sẽ ghé lại Quảng Châu thăm tô giới Sa Điện của Pháp. Được biết rõ chuyến đi công cán của Méc-lanh lần này là để mật ước với bè lũ đế quốc quân phiệt ở châu Á nhằm liên kết với nhau chống lại cách mạng Việt Nam, “Tâm tâm xã” quyết định phải trừ khử tên thực dân đầu sỏ này. Phạm Hồng Thái xung phong nhận thi hành bản án. Cuộc hành trình của Méc-lanh chuẩn bị khá chu đáo. Màng lưới mật phục của Pháp bố phòng rất cẩn mật. việc bám sát hẳn gặp khó khăn trở ngại không ít, đã mấy lần suýt bị lộ, cuối cùng Phạm Hồng Thái đã kiên quyết tạo được cơ hội để thực hiện nhiệm vụ. Ngày 19/6/1924 biết chắc méc-lanh sẽ dự tiệc sẽ dự tiệc khoản đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Vích-to-ri-a, Phạm Hồng Thái bèn cải trang làm một “ký giả” tới dự tiệc và lọt qua được vọng gác của đám quân cảnh. Bữa tiệc bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối. Chủ khách vừa nâng cốc chúc tụng nhau, thì một quả tạc đạn từ của sổ ném trúng bàn tiệc, lập tức một tiếng nổ xé trời làm vỡ tan bát đĩa, cốc chén, làm chết và bị thương ngót chục “vị quan khách”. Méc – lanh thoát chết nhưng bị thương nhẹ ! Tiếng hô hoán, cấp cứu hoảng loạn cả khu nhà. Vòng vây cảnh sát và mật thám bủa đặc tô giới để lùng bắt “thủ phạm”. Phạm Hồng Thái vừa chạy được một quãng về phía cửa Đông tô giới Pháp thì bị nghẽn lối, thế cùng phải nhảy xuống sông Châu Giang và bị nước cuốn trôi. Phạm Hồng Thái đã anh dũng hi sinh ! Sáng hôm sau báo chí Trung Quốc và báo chí các đế quốc Anh, Mỹ ở Trung Quốc đều đăng tin về tiếng bom “kinh thiên động địa này”. Liên tiếp đến suốt tuần, báo chí vẫn không ngớt bình luận về vụ nổ bom của một thanh niên cách mạng Việt Nam: Liệt sỹ Phạm Hồng Thái. Đặc biệt, nhân dân Trung Quốc đã tỏ rõ sự đồng tình với hành động trên. Thi hài Phạm Hồng Thái đến tháng Chạp năm ấy đã được chính phủ Tôn Trung Sơn cải táng tại một ngọn núi trước Hoàng Hoa Cương là nơi phần mộ của 72 liệt sỹ cách mạng Trung Quốc, mặc cho nhà đương cục Pháp ở Đông Dương nhiều lần can thiệp, phê phán, chỉ trích thái độ của Chính phủ Dân quốc Trung Hoa ở Quảng Châu. Nhà cách mạng Trung Quốc là Lôi Tại Hán – bạn của cụ Phan Bội Châu, khi nói về hành động “nghĩa liệt” của Phạm Hồng Thái đã viết: “Đêm 19-6-1924, liệt sỹ Phạm Hồng Thái vì căm giận bọn Pháp tàn bạo, quyết “sát nhân thành thân” đã ném tạc đạn ám sát toàn quyền Đông Dương là Méc-lanh tại khách sạn Vích-to-ria ở Sa Diện Quảng Châu (Trung Quốc). Một tiếng nổ vang dậy đã giết chết mấy người Pháp. Liệt sỹ nghĩ rằng nếu Méc-lanh chết, thì chí khí thành và mục đích cũng đạt. Liệt sỹ lại nghĩ rằng rồi đây trong tình hình đen tối đó, xẩy ra việc ám sát lôi thôi cho nên Phạm Hồng Thái đã ung dung nhảy xuống đầm Bạch Nga để được trọn vẹn chí khí của mình. Than ôi ! Oanh liệt thay ! Liệt sỹ nay chắc đã ngậm cười nơi chín suối. Nghe tin là Méc-lanh thì may phúc mà không chết, chỉ trúng mấy tên tùng thuộc thôi, như thế thì sao khỏi ân hận được. Song hãy lấy cái nỗi khổ tâm đó của liệt sỹ mà soi xét cẩn thận để quyết tâm thực hành phản kháng và để tỏ rõ ý chí làm cách mạng của mình. Hơn nữa, so với các bậc nghĩa hiệp với những người chủ trương triệt để cách mạng xưa nay, thì việc làm và chí khí của liệt sỹ có kém thua bao nhiêu đâu” ( Phan Bội Châu. Toàn tập. Tập 3. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999. Tr, 578) Một nhà cách mạng khác tên là Hoàng Tích Nhất có bài viết, đánh giá cao khí phách anh hùng của người thanh niên cách mạng Việt Nam, trong đó có câu: “…Liệt sỹ Phạm Hồng Thái bình sinh khiêm tốn trầm tĩnh, mà đến khi xẩy ra việc nhảy xuống nước, mọi người mới ngợi khen là việc làm cao cả. So với những kẻ ngày nay, chỉ luôn miệng nói yêu nước mà lơ là việc làm, thì liệt sỹ họ Phạm thật đáng là ông thầy hướng đạo của chúng ta”. Còn ông Cao Củng Bạch, một ký giả Trung Quốc thì lại viết: “…Phạm Hồng Thái là một chí sĩ Việt Nam đã hi sinh vì nước…” Tôi nghĩ rằng chí khí kiên cường và tinh thần hy sinh anh dũng của Phạm dầu không dùng văn tự mà ghi lại, thì cái chết của liệt sỹ cung đủ để lưu truyền ở đời rồi” Ông Đàm Diên Khải, Bộ trưởng Bộ giáo dục của chính phủ Tôn Trung Sơn, nhân sự kiện “quả bom Sa Diện” đã có một bài thơ đề vịnh Phạm Hồng Thái, trong đó có bốn câu, tạm dịch như sau: “… Việt sử ngàn năm còn nước tiếng, Cụ Phan Bội Châu lúc đó ở Chiết Giang, công tác biên tập tờ Binh sự tạp chí tuy không dự biết gì về hành động oanh liệt này, nhưng sự nghiệp anh hùng ấy đã làm cho Cụ rất khâm phục. Cụ đã mau chóng tập hợp tài liệu và viết ngay cuốn sách Phạm Hồng Thái truyện để “tuyên truyền rộng rãi”, “tranh thủ sự đồng tình của toàn thế giới”, “là, rạng rỡ thêm lịch sử 4000 năm của đất nước”. Cụ cũng làm Bài văn truy điệu nhằm nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh của Phạm Hồng Thái, đồng thời cho công bố Bản tuyên ngôn của Quốc dân Đảng Việt Nam, kịch liệt lên án đế quốc Pháp. Trong “Lời nói đầu” của cuốn truyện Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu tôn vinh Phạm là bậc liệt thánh. Cụ viết: “… Phạm thánh liệt Hồng Thái chính là người đầu tiên làm cái việc hy sinh to lớn. Nước ta từ khi mất toàn nước đến nay tính đã hơn 50 năm. Trong khoảng thời gian này các bậc thánh nhân nghĩa sĩ, bị chém đầu cắt ruột liên tiếp theo nhau, sự hy sinh đau khổ không thể nói là không to được. Đó là những việc đã từng thấy trong lịch sử chúng ta. Và người như vậy ở trong Đảng ta cũng có nhiều, nhưng xét ra xưa nay chưa có ai vượt qua Phạm Hồng Thái. Phạm là người tay không vào hang cọp mà không sợ hãi gì, đánh một cái quét được oai của bọn cường quyền mà không hề nghĩ đến thân mình sau này…” (Phan Bội Châu, Tập 3. Sđ d, tr. 569-570) Trong Văn tế liệt sĩ Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu lại một lần nữa đề cao gương sáng của người anh hùng kiệt hiện nay: “…Tráng kiện thay việc làm của Phạm quân, ném một quả tạc đạn làm chấn động cả hoàn cầu! Hùng tráng thay cái chí của Phạm quân, ngàn thu còn chói lọi trong sử sách! Anh đã làm việc ấy trước chúng ta, mong người sau sẽ kế tiếp. Một người xướng lên mà muôn người hoạ lại, tiếng hô ứng vang dậy rầm rầm. Cờ cộng hoà rực rỡ, chuông tự do vang ngân, anh dẫu chết mà vẫn còn mãi mãi, dưới suối vàng mắt vẫn quắc nhìn, trên trời xanh hồn vẫn sáng ngời, vằng vặc suốt hai miền Nam Bắc. Hỡi ôi ! Phạm quân, anh đã làm gương mẫu cho chúng tôi. Lòng son của anh sáng tựa mặt, chính khi của anh tràn ngập trời biển. Bọn chúng tôi tuy kém cỏi cũng nguyện làm những bạn đồng thuyền ra tay chèo chống. Cha mẹ già và con thơ của anh, chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ như Chư Cữu và Trình Anh ngày xưa. Hỡi ôi ! Phía Bắc non Hồng, mây bay lớp lớp, phía nam sông Lam biển cả mênh mông! Cảm thương bậc thánh liệt đã qua đời, trông thấy gió bay mà rơi lệ. Chúng tôi nhỏ giọt nước mắt hồng làm rượu, rót dòng máu nóng làm canh, mong hồn thiêng về hưởng, soi tỏ lòng thành !” (Phan Bội Châu. Toàn tập Tập 3, tr. 606) Kiều bào ta ở nước Xiêm, được tin Phạm Hồng Thái hy sinh cũng tổ chức lễ truy điệu trọng thể. Nhà yêu nước Đặng Tử Kính lúc bấy giờ đã sáng tác bài thơ dài nhan đề Kính dâng hương hồn liệt sĩ Phạm Hồng Thái, trong đó có đoạn: “…Tây kia mới hết khoe khoang, Và mặc dù bọn thống trị ra sức bưng bít ảnh hưởng của vụ mưu sát Toàn quyền Méc-lanh, anh em tù trong khám lớn Sài Gòn trước sự kiện lịch sử đó, vẫn như được tiếp thêm sức sống. Trần Huy Liệu đã có những câu thơ ca ngợi liệt sĩ: … Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ, Ảnh hưởng của tiếng bom Phạm Hồng Thái ngày càng vang dội, làm cho bè lũ thực dân Pháp vô cùng lo sợ. Méc-lanh, viên Toàn quyền bị chết hụt hết sức cay cú, đã gửi Báo cáo tường trình nội vụ về Bộ trưởng Thuộc địa, ngày 18-7-1924, ở đoạn cuối đã đề ra kế sách đối phó như sau, có ý nghĩa như là một sự kêu cứu: “ Chính phủ Đông Dương chỉ còn có cách là trông cậy vào chính sức của mình trong việc hoàn thành một nhiệm vụ hết sức khó khăn, do sự cần thiết triệt để về chính trị đề ra như một nhiệm vụ về tinh thần hết sức khẩn trương. Những biện pháp tôi đã thi hành hoặc sắp thi hành về việc đó đệ trình ngài Bộ trưởng duyệt là những biện pháp sau đây:
Thưa ngài Bộ trưởng, Thay mặt toàn thể xứ Đông Dương và nhân danh cá nhân, trước khi chấm dứt bản báo cáo, tôi xin một lần nữa, cảm ơn ngài về mối thịnh tình nồng nhiệt mà ngài đã chiếu cố đến người lãnh đạo thuộc địa trong cuộc thử thách đặc biệt đau đớn này. Tôi xin cam đoan với ngài rằng, Phủ toàn quyền Đông Dương sẽ không bỏ bất cứ việc gì có thể làm được hay thử làm để trả thù nhanh chống chừng nào hay chừng đó những nạn nhân đáng thương hại trong vụ mưu sát ngày 19 tháng Sáu, nghĩa là để đảm bảo sự trừng trị các tội đại ác ấy không gì chuộc nổi. Ký tên: Méc – lanh”(Tài liệu lưu trữ tại bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh) Viên Thống đốc Nam kỳ là U-tơ- rây cũng phải la lối lên rằng: “Quả bom ở Quảng Châu ném vào quan Toàn quyền Méc-lanh đã gây nên một ảnh hưởng lớn trong các giới người bản xứ… Tôi thêm rằng: Tai hoạ cộng sản sẽ xâm nhập Đông Dương qua con đường Trung quốc”… Tiếng bom Phạm Hồng Thái thực sự đã thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào vào lúc những nhân tố tích cực trong nước đã phát triển và cũng đã thừa tiếp được ảnh hưởng tốt cả cách mạng nước ngoài dội vào, do đó đã có tác động thúc đẩy cuộc vận động cách mạng mau phát triển thêm lên. Giữa tháng 12/1924, từ Liên Xô đồng chí Nguyễn ái Quốc về đến Quảng Châu, còn cảm thấy tiếng vang của quả bom Phạm Hồng Thái đang tiếp tục phát huy tác dụng. Người đánh giá cao ý nghĩa của vụ này: “ Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu”. “ Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”. Sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, những người ưu tú của “Tâm tâm xã” – tổ chức yêu nước mà trong đó Phạm Hồng Thái đã từng sinh hoạt đều gia nhập Hội này và Tâm tâm xã tự giải thể. Bảy mươi năm qua, kể từ ngày Phạm Hồng Thái hy sinh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua biết bao ghềnh thác hiểm nguy và giành được biết bao thắng lợi vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo giáo dục và rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và của Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta, nhất là lớp lớp thế hệ trẻ chúng ta đã góp phần xứng đáng vào sự thắng lợi huy hoàng của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do hạnh phúc cho tổ quốc Việt Nam yêu quý. Hôm nay, tại quê hương của liệt sỹ Phạm Hồng Thái, người con yêu dấu của đất Hồng Lam, chúng ta long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 70 năm ngày liệt sỹ quyên sinh vì nước, lòng chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Trước hương hồn của vị “liệt thánh”, chúng ta nguyện hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn này, góp phần tích cực vào công cuộc “ĐỔI MỚI” của đất nước, của quê hương đặng mau chóng đạt tới một đời sống dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh. (Phan Đăng Thuận ST) |
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.