- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17371
- Tổng truy cập: 3,369,470
Đồn thú ở Tân Cương thời Thanh và người Việt Nam 661
- 541 lượt xem
Đồn thú ở Tân Cương thời Thanh và người Việt Nam
Tác giả: Dương Liễm杨镰
(Viện Khoa học xã hội Trung Quốc)
Dịch, chú giải và tóm tắt: Chu Xuân Giao
(Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
“Có thể nghĩ rằng, người trong làng An Nam [đoàn người của Hoàng Công Toản] đã không tiếc máu xương hi sinh để bảo vệ nhà cửa đất đai cùng gia quyến. Họ không trở lại làng An Nam nữa, chúng ta cũng mất manh mối liên quan đến nơi họ đã lưu lạc, nhưng rõ ràng, họ đã hòa làm một với đất đai Tây Vực – nơi mà họ đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu. Họ bị đẩy đến chỗ phải rời bỏ quê hương và tổ quốc; ở quê hướng thứ hai, họ đã cấy cày qua mấy đời người, sinh sôi con cháu hậu duệ, đến lúc họ có thể hưởng những điều sau: cư dân trong vùng thừa nhận như người bản địa, quyền lợi về lao động, sinh hoạt và làm giàu. Họ cũng đã giao những thứ cần giao: đất đai mà họ khai khẩn từ rất lâu lại một lần nữa bị bỏ hoang, công trình thủy lợi mà họ đã đào cũng đã không còn, nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị hủy hoại tất cả do chiến tranh khốc liệt “đốt sạch phá sạch”. Ngày hôm nay, một lần nữa nhắc đến họ, chính là đã đến được thời điểm chấm một nét bút về họ trong khung lịch sử” (Dương Liễm, 1993)
Tóm tắt
Nội dung chính của bài viết này là, qua khảo sát sử liệu kết hợp với điều tra thực địa, phác họa một cách đại cương về quá trình lưu lạc đến Tân Cương vào thời nhà Thanh của hai đoàn người Việt Nam với hai người đại diện: sớm hơn là Hoàng Công Toản (con trai của Hoàng Công Chất), sau đó là Hoàng Ích Hiểu (đại thần dưới triều Lê Chiêu Thống). Trọng tâm của bài nghiêng về phía đoàn người của Hoàng Công Toản. Sử liệu nhà Thanh xác nhận cha con Hoàng Công Toản – Hoàng Công Chất là hậu duệ của vương triều Mạc ở Cao Bằng, mà cụ thể là của Mạc Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ trong sử liệu Việt Nam).
Bản đồ: Tỉnh Tân Cương (Xinjiang) và thủ phủ Urumqi
trên bản đồ Trung Quốc (giáp Mông Cổ, Nga, Kazakstan)
Nguyên bản tiếng Trung của bài này đã in trong tạp chí Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu中国边疆史地研究 (China’s Borderland History and Geography Studies) số 3 năm 1993, trang 20-29, với tiêu đề “Thanh đại Tân Cương đồn thú dữ Việt Nam nhân清代新疆屯戍与越南人”. Trong khi phiên dịch, có một số thông tin mới được người dịch cập nhật. Chẳng hạn về tấm bia mộ Hoàng Công Toản hay về tên địa danh “An Nam bá” xuất hiện ở một số vùng, như huyện Rouqiang (tỉnh Tân Cương), được bổ sung bằng chú thích ở cuối văn bản dựa theo bài viết mang tiêu đề “Urumqui tứ quí乌鲁木齐四季” của cùng tác giả Dương Liễm in trong sách Phát hiện Tân Cương发现新疆/Faxian Xinjiang (Dương Liễm viết, Nxb Văn nghệ Bắc Nhạc, Bắc Kinh : 2009) trang 103-125.
Lai lịch của đoàn người do Hoàng Công Toản đến Tân Cương có thể được tóm tắt như sau:
(1). Đầu thời nhà Thanh, chính sự An Nam rối loạn, chính quyền thay đi đổi lại nhiều lần. Đến thời Khang Hi nhà Thanh [1654-1772, tại vị 1661-1722], hậu duệ của An Nam vương thời Minh là Mạc Nguyên Thanh chỉ còn giữ một vùng đất Cao Bằng, còn nhà Lê thì đã được triều đình nhà Thanh sách phong làm An Nam quốc vương. Sau khi Mạc Nguyên Thanh mất, Mạc bị Lê tiến đánh. Khi Cao Bằng bị Lê đánh chiếm, hậu duệ của Mạc Nguyên Thanh chạy tới trại Mãnh Thiên của Nam Chưởng, đổi thành họ Hoàng.
(2). Đầu thời Càn Long, hậu duệ của nhà Mạc là Hoàng Công Chất 黄公质cát cứ ở vùng Sơn Nam chống lại nhà Lê, duy trì được hơn 10 năm từ năm 1751 đến năm 1769. Năm 1769, Hoàng Công Chất chết, con của ông là Hoàng Công Toản thống lĩnh dư đảng. Quân Lê tiến đánh trại Mãnh Thiên, Hoàng Công Toản chạy vào đất Trung Quốc. Vua Càn Long nghĩ đến mối quan hệ lịch sử với họ Mạc mà bố trí cho họ lưu lại ở vùng biên gần.
(3). Sau khi Hoàng Công Toản được bố trí lưu lại ở đất Trung Quốc giáp ranh với đường biên giới Việt – Trung, quốc vương An Nam luôn cảm thấy là chưa trừ cỏ được tận gốc, nên đã nhiều lần “xin cho phép dẫn độ họ trở lại An Nam để xử ”, nhưng bị triều Thanh “gửi hịch trách”. Vào tháng 7 năm Càn Long 36 (1771), phía An Nam vẫn tiếp tục đòi dẫn độ Hoàng Công Toản, và còn hi vọng là mượn lúc đến tiến cống sẽ bàn đến việc dẫn độ Hoàng Công Toản. Đến tháng 11 năm đó, nhóm Hoàng Công Toản đã ở Urumqi.
(4). Về các nguyên nhân đưa nhóm Hoàng Công Toản tới tận Urumqi thì, một là, để được rời xa khỏi khu vực biên giới, làm yên một sự rắc rối về ngoại giao; hai là, lúc bấy giờ việc khai khẩn ở Urumqi đã bắt đầu có những gặt hái triển vọng, cần bổ sung thêm người tiếp tục khai thác đất hoang để củng cố thành quả.
Qua tổng hợp sử liệu và ghi chép liên quan của văn nhân đương thời, tác giả cho biết: đoàn người của Hoàng Công Toản gồm 22 hộ. Họ đến Tân Cương năm 1771, đã góp phần vào công cuộc khai khẩn đất hoang ở đây, lập nên làng An Nam. Đến năm 1777 (Càn Long 42), Hoàng Công Toản qua đời, một người con của ông được nhà Thanh chọn cử thay chức đầu lĩnh. Từ đó về sau, không tìm thấy ghi chép liên quan đến đoàn người của Hoàng Công Toản tại Tân Cương trong sử liệu nhà Thanh.
Mộ phần của Hoàng Công Toản tương truyền còn giữ được đến khoảng cuối thập niên 1950 (sau đó thì đã bị máy ủi san bằng trong thời kì “đại nhảy vọt”).
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, sau mấy chục năm đi tìm kiếm theo nhiều hướng khác nhau, tác giả bài viết vẫn chưa gặp được hậu duệ của Hoàng Công Toản tại Tân Cương. Tựa như họ đã hòa vào với người Hán và người Hồi ở Tân Cương./.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.