- Đang online: 2
- Hôm qua: 671
- Tuần nay: 16161
- Tổng truy cập: 3,369,270
ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý VIỆC VIẾT VỀ NHÀ MẠC TRONG ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH
- 210 lượt xem
ĐÔI ĐIỀU GÓP Ý
VIỆC VIẾT VỀ NHÀ MẠC TRONG ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH
Thái Kế Toại
Cuối năm 2010 tỉnh Thái Bình đã biên soạn xong, đã xuất bản bộ Địa chí Thái Bình và Từ điển Thái Bình. Đây là bộ sách đồ sộ dầy tới 2800 trang khổ 19. 27 được biên soạn công phu, tư liệu phong phú, rất cần thiết cho giới nghiên cứu và những người cần tìm hiểu lịch sử xây dựng phát triển của vùng đất Thái Bình.
Là một người con của quê hương tôi đánh giá cao các thành tựu của bộ sách, cố gắng của chính quyền, các ban ngành chức năng của tỉnh và của Ban biên soạn. Tuy nhiên với tư cách một người đã nghiên cứu và thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử về Nhà Mạc, dòng họ Mạc dài 5 tập ( 150 phút ) tôi thấy việc thể hiện giai đoạn lịch sử của nhà Mạc cũng như những đóng góp của triều đại này cho đất nước và Thái Bình còn mờ nhạt, sơ sài và chưa cập nhật những thông tin khoa học lịch sử mới, quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước về Vương triều Mạc từ gần hai mươi năm nay.
Tôi góp mấy ý kiến, nhất là đối với các ông Nguyễn Quang Ân, Phạm Minh Đức chủ biên Địa chí Thái Bình, ông Nguyễn Danh Phiệt và Phạm Văn Kính, hai người trực tiếp viết chương III. Thái Bình với các nhà nước thời trung đại thuộc phần thứ hai tiêu đề Lịch sử trong cuốn Địa chí Thái Bình.
Trước đó năm 2003 ông Phạm Minh Đức và Bùi Duy Lan đã xuất bản cuốn Đất và người Thái bình. Đây là một cuốn sách biên khảo công phu nhất về Thái Bình tính đến thời điểm lúc ấy. Tuy vậy hai tác giả vẫn mắc phải các quan niệm xưa cũ không khách quan về nhà Mạc. Ở phần một của cuốn sách này Từ truyền thuyết đến lịch sử, trong chương VI Thái Bình dưới Vương triều Lê trong mục VI với tiêu đề Chiến tranh Trịnh Mạc hai ông chỉ viết 6 trang về nhà Mạc với mục 1. Vài nét về triều Mạc ( trang 402 đến 408 ). Tuy vậy, bù lại ở cuốn sách này còn có rất nhiều chi tiết lịch sử, sự kiện phản ánh các thành tựu cải cách xây dựng kinh tế văn hóa và diễn biến lịch sử của nhà Mạc.
Trong Địa chí Thái Bình tại chương III như đã nhắc ở trên hai ông Nguyễn Danh Phiệt và Phạm Văn Kính chia ra 6 đề mục như sau :
I. Thái Bình với các nhà nước thời Ngô- Đinh – Tiền Lê
II. Thái Bình viới Nhà nước thời Lý
III. Thái Bình với Nhà nước thời Trần
IV. Thái Bình với Nhà nước thời Hậu Lê
V. Thái Bình với triều đại Tây sơn
VI. Thái Bình với vương triều Nguyễn
Trong mục IV chỉ có hai phần như sau:
1. Thời Lê sơ ( 1428- 1527)
2. Thời Lê Trịnh ( 1533- 1788)
Ở cuối phần 1 các tác giả chỉ viết về nhà Mạc được 7 dòng như sau:
Mâu thuẫn xã hội đó không thể không giải quyết bằng cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung vào năm Đinh Hợi(1527), lập nên vương triều Mạc (1527- 1592).
Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, nhưng sử dụng lại đội ngũ trí thức, quan lại nhà Lê. Sử chép vào tháng 2 năm 1528 tức chỉ 8 tháng sau khi lên ngai đã “thăng trật phong tước theo thứ bậc khác nhau” cho 56 quan lại cựu thần nhà Lê. Đồng thời nhà Mạc vẫn tuân theo lệ cũ đều đặn 3 năm mở một kỳ thi. Tính ra trong 22 khoa thi, nhà Mạc đã tuyển được 485 Tiến sĩ và 13 Trạng nguyên.
Ở phần 2 không nói gì đến nhà Mạc. Hai ông Nguyễn Danh Phiệt , Phạm Văn Kính còn sơ lược hơn cả ông Phạm Minh Đức và Bùi Duy Lan, còn để trống lịch sử từ 1527 đến 1533 và giai đoạn 1527 đến 1592 là giai đoạn nhà Mạc là chính triều, Lê trung hưng là phụ triều mà không viết về nhà Mạc một dòng nào.
Việc đánh giá vai trò, đóng góp của nhà Mạc cho đất nước đã được khẳng định chính thức tôi không cần phải nói lại nữa. Nguồn tư liệu sử mới tương đối phong phú đến mức một người nghiên cứu lịch sử không thể không biết.
Công cuộc chiêu tuyết, đổi mới quan điểm đánh giá về nhà Mạc của Đảng, Nhà nước và giới sử học đã chính thức được khởi động từ Lễ kỷ niệm 500 năm năm sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tháng 11- 1991. Tiếp theo là các sự kiện Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc tháng 7- 1994, Bộ VHTT công nhận Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai Hải Phòng là Di tich lịch sử quốc gia tháng 2- 2004, Lễ khởi công xây dựng tháng 9- 2008 và Khánh thành giai đoạn một tháng 10- 2010 Khu tưởng niệm Vương triều Mạc một trong những công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu về nhà Mạc với quan điểm đổi mới, tư liệu mới đã được xuất bản như;
– Nguyễn Bỉnh Khiêm Danh nhân văn hóa, Bộ VHTT&TT 1991
– Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật 1993
– Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Viện Sử học- Hội Khoa học lịch sử Việt Nam- Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng 1996
– Vương triều Mạc, nhà xuất bản Khoa học xã hội 1996
– Văn bia thời Mạc, Nhà xuất bản KHXH 1996, NXB Hải Phòng tái bản có bổ sung 2010.
– Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1997.
– Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nhà xuất bản KHXH 2001
– Nguyễn Bỉnh Khiêm Tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục 2001
– Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam- Hội Sử học Hải Phòng 2000
– Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá về Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Trẻ 2005.
– Mạc Đăng Dung, tiểu thuyết lịch sử, Nhà xuất bản Hải Phòng 2005.
– Hợp biên thế phả họ Mạc, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 2001, tái bản bổ sung 2007
– Cổ Trai Xuất đế, tiểu thuyết lịch sử, Nhà xuất bản QĐND 2008.
– Hợp tuyển Văn học trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục 2006
– Bùi Duy Tân tuyển tập, Nhà xuất bản Giáo dục 2007
Đặc biệt từ năm 2005 Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam mới gồm 15 tập. Tập III Thế kỷ XV- XVI xuất bản 2007 đã viết về triều Hồ, triều Lê, triều Mạc với tinh thần khách quan bình đẳng, tôn trọng sự thật lịch sử, sửa lại những đánh giá chưa đúng của cuốn Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1971.
Riêng ông Nguyễn Danh Phiệt đã tham gia Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc tháng 7- 1994, có bài trong cuốn Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử.
Sơ bộ qua các tư liệu nằm trong các công trình trên có thể đã thấy tư liệu nhà Mạc đối với Thái Bình nổi rõ ở các điểm như sau:
– Khi nhà Mạc quản lý đất nước trong 65 năm thì Thái Bình có một vị trí quan trọng là hầu hết lãnh thổ thuộc vào kinh đô Dương Kinh, được hưởng sự ưu ái cũng như đầu tư của chính quyền nhà Mạc.
– Thái Bình có nhiều phát triển về kinh tế văn hóa như các trấn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ nhà Mạc như có nhiều người đỗ đạt cao, có nhiều đình, chùa, hội quán , có nhiều công trình hạ tầng cơ sở như chợ, đường sá, bến thuyền, đê điều…được xây dựng. Hiện dấu ấn văn hóa nhà Mạc để lại ở Thái Bình không phải là quá ít ỏi.
– Thái Bình là nơi có nhiều danh nhân, trí thức cộng tác tích cực nhưng cũng có nhiều người bất hợp tác hoặc ủng hộ nhà Lê trung hưng chống lại nhà Mạc.
– Tại Thái Bình có sự kiện năm 1547 Hoằng vương Mạc Chính Trung do mâu thuẫn về việc truyền ngôi cho Mạc Phúc Nguyên, được Phạm Tử Nghi phò rập đã chạy về Hoa Dương huyện Ngự Thiên xưng vương tập hợp lực lượng chống lại triều đình. Năm 1593 đã xảy ra những cuộc giao chiến ác liệt giữa những người trung thành của nhà Mạc với Nguyễn Hoàng tại Kiến Xương. Chiến trận thời Mạc còn để lại một số di tích ở Thái Bình.
– Sau khi nhà Mạc thất thủ, một số hậu duệ họ Mạc ở Thái Bình còn tiếp tục khởi nghĩa chống lại nhà Lê Trịnh, nhà Nguyễn như Hoàng Công Chất, Đốc Đen…
Chi tiết cụ thể của các sự kiện này có nằm ở nhiều chỗ trong các phần khác của Đất và người Thái Bình, Địa chí Thái Bình và Từ điển Thái Bình. Rất tiếc là những người chủ biên, Hội đồng biên tập đã không có cái nhìn tổng thể về giai đoạn lich sử nhà Mạc đối với Thái Bình để chỉnh sửa thiếu sót của người biên soạn.
Hai ông Nguyễn Danh Phiệt và Phạm Văn Kính không đánh giá đúng vai trò của nhà Mạc đối với tiến trình lịch sử dân tộc cũng như tỉnh Thái Bình. Nói như thế thực ra vẫn còn tôn trọng hai ông, đúng hơn hai ông đã tỏ rõ thái độ thiếu thiện chí với nhà Mạc qua các cách trình bày như trên.
Vậy có phải các ông chỉ có các cuốn sử cũ vốn chứa sẵn các quan điểm thiên kiến bất công đối với nhà Mạc?
Rất mong các ông biên soạn, biên tập có trách nhiệm lưu ý và bổ sung phần viết về vương triều Mạc cho cuốn Địa chí Thái Bình tránh được thiếu sót đáng tiếc.
Tháng 4- 2011
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.