- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17815
- Tổng truy cập: 3,369,674
NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THIÊNG “TỔ SƯ MẠC TỊNH TRÍ THỊ PHẬT QUY TÂY”, XIN LẠM BÀN ĐÔI ĐIỀU VỀ TƯ TƯỞNG CỦA NHÀ MẠC ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO 585
- 192 lượt xem
NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THIÊNG
“TỔ SƯ MẠC TỊNH TRÍ THỊ PHẬT QUY TÂY”, XIN LẠM BÀN
ĐÔI ĐIỀU VỀ TƯ TƯỞNG CỦA NHÀ MẠC ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
GS TSKH Mạc Phan Đăng Nhật
Hình ảnh buổi lễ
GS Phan Đăng Nhật thuyết trình tại buổi lễ
1.Tư tưởng thân dân, gần dân, tôn trọng các tôn giáo tín ngưỡng của mọi tầng lớp, tôn trọng con người, của nhà Mạc.
Vào đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nông nghiệp ngày một sa sút, mất mùa, đói kém, hỗn chiến giữa các phe phái khiến xã hội ngày càng khủng hoảng hơn. Trong lời hịch của mình, bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã phải thốt lên: “dùng ngón ngầm để vét vơ tiền của, càng mặc sức tham lam. Bốn biển đã khôn cùng, muôn dân đều sầu oán”(27). Các trung thần nhà Lê tìm cách hiến kế để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Lương Đắc Bằng dâng kế sách trị bình cũng không thể thay đổi được thực trạng đó. Mạc Thái Tổ sáng lập ra triều Mạc trong bối cảnh xã hội đầy biến động đó, và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa xã hội. Đặt những thành tựu ấy trong khung cảnh chính trị những năm nửa đầu thế kỷ XVI mới thấy hết giá trị và vai trò to lớn của các vị vua Mạc.
Nhà Mạc đã có nhiều chính sách nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội.
Về kinh tế: Nông nghiệp ổn định và phát triển với chính sách “binh điền”. Với một lực lượng quân đội đông đảo (khoảng 12 vạn quân), nhà Mạc đã tạo dựng số ruộng lính khiến họ có thể yên tâm chiến đấu, vừa đáp ứng được phần nào nhu cầu ruộng đất cho nông dân làng xã. Thủ công nghiệp cũng được nhà Mạc tạo điều kiện phát triển một cách mạnh mẽ. Thương nghiệp phát triển, giao lưu buôn bán với nước ngoài trên quy mô rộng lớn.
Về văn hoá giáo dục: Nhà Mạc chú trọng giáo dục khoa cử để đào tạo nhân tài cho đất nước. Dưới thời Mạc có nhiều trí thức nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Nguyễn Thiến, Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Dương Văn An…
Tuy coi trọng giáo dục khoa cử nhưng nhà Mạc không độc tôn Nho giáo mà cởi mở tự do trong hoạt động tôn giáo.
Sự cởi mở, tự do thông thoáng trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, việc dung hòa các tôn giáo khiến Nho giáo không còn là hệ tư tưởng độc tôn như thời Lê sơ, đã tạo điều kiện cho nhà Mạc có một nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Đại Việt thế kỷ XVI có thể coi như sự gạn lọc những tinh hoa để thu nhận về mình một nền văn hóa đặc sắc, có nhiều nét mới mẻ, phong phú. Đây chính là thành tựu lớn mà nhà Mạc đạt được, nhân dân có được một cuộc sống phóng khoáng cởi mở, không bị gò ép trong những lễ giáo phong kiến hà khắc, họ được tự do sáng tạo với những ý tưởng của mình. Vì vậy, những công trình kiến trúc, điêu khắc của nhà Mạc mang tính dân gian đậm nét, cởi mở và phong phú; không phải triều đại phong kiến nào cũng có thể làm được như vậy.
Nguyên nhân sự thành công của nhà Mạc còn phải kể đến tài năng và phẩm chất của các vị vua và đại thần như Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Phụ chính Mạc Kính Điển, Phò mã Mạc Ngọc Liễn.
Nhận xét về tài năng của Mạc Thái Tông, Phan Huy Chú viết: “Đăng Doanh, tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ trong nước gọi thời ấy là trị bình”(28).
Về phụ chính Mạc Kính Điển, Lê Quý Đôn ca ngợi là bậc tướng tài đức, văn võ kiêm toàn“ Tính nhân hậu, linh mẫn dũng cảm có thừa,…tước vị gồm cả tướng văn, tướng võ, giữ quyền bính trong 20 năm, sớm có uy vọng, tiếp đãi quan liêu có lễ độ, đối với quân sỹ thì có ân nghĩa, từng trải gian hiểm, cần lao trung thành”[1]
2. Nhà Mạc xây dựng một đời sống tinh thần với tư tưởng cởi mở, thông thoáng về tôn giáo tín ngưỡng, tôn trọng văn hoá của nhân dân [2] ,đặc biệt sùng kính Phật giáo
Xây chùa đúc tượng.
1. Dưới thời Mạc Phật giáo được khôi phục và phát triển, một số chùa đã được trùng tu hoặc xây mới như: chùa Phổ Minh (Nam Định) có mộ và tượng của công chúa Mạc Ngọc Lâm, chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)… Theo thống kê của Nguyễn Du Chi trong sách Mỹ thuật thời Mạc, qua khảo sát điền dã và qua tư liệu bia ký thì hiện nay còn dấu tích của 142 chùa, 2 cầu, 12 đình làng, 7 quán đạo, 8 miếu, 3 chợ, 2 bến đò…
Đình là nơi họp mặt quan viên, hào mục, dân làng và thờ cúng thần linh, thế mà ở đình Tây Đằng tràn ngập hình ảnh các sinh hoạt đời thường của thường dân: cảnh nam nữ tình tự, cảnh đi thuyền, làm xiếc, săn bắn khỉ, gánh con,…
2. Vận động một số nhà hữu sản, nhất là hoàng thân quốc thích có hằng tâm đem ruộng sẵn có hoặc mua ruộng cúng vào chùa. Theo thống kê của Vũ Duy Mền thì tổng cộng trong 18 trường hợp có 254 mẫu 8 sào ruộng cúng vào chùa[3]. Thống kê này chưa đầy đủ , tuy nhiên cũng có thể làm căn cứ để chúng ta nhận xét như sau:
– “Việc cúng tiền ruộng vào chùa thịnh hành từ thời Lý- Trần, sang thời Mạc được mở rộng hơn”[4].
– Số người thuộc hoàng thân nhà Mạc có vai trò quan trọng trong việc này. Có thể kể các vị sau đây (10/18 trường hợp):
* Thái hòang Thái hậu họ Vũ;
* Thái hoàng thái hậu (không ghi họ, 4 trường hợp, cộng 31 mẫu) Nếu coi đây cũng là Thái hoàng thái hậu họ Vũ thì tổng cộng là 36 mẫu;
* Con gái thứ 2 Thái uý Tây quốc công Mạc Ngọc Ý;
* Thọ Phương Thái trưởng công chúa;
* Chính phi công chúa, (7 mẫu );
* Phan Trị, tước An Thọ Bá, ( 8 mẫu) ;
*Lê Văn Uyên, tước Trường Thọ Bá.
“Việc công đức cho chùa không chỉ có các vị quý tộc và quan lại trong triều như vừa nêu trên , mà còn có cả đương kim hoàng thượng. Đó là vua Mạc Phúc Nguyên năm 1557 đã ban “cấm tiền” cho chùa Linh Cảm (Từ sơn, Bắc ninh) và vua Mạc Mậu Hợp, năm 1582 , cũng cúng 20 lượng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Phòng). Như vậy có nghĩa là triều đình Mạc không những không hạn chế Phật giáo như thời Lê sơ mà còn khuyến khích xây dựng , tu bổ chùa Phật”[5]
Trường hợp đặc biệt Thái hoàng thái hậu Vũ thị Ngọc Toản
Tương truyền Bà là chính hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung , đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) ; đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, goi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
– Khoản thứ nhất. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng
–Khoản thứ hai. Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào , cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.
– Khoản thứ ba. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ hội Thiện/nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, cô nhân , quả phụ, bảo dưỡng lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quỹ làng còn 3 tấn thóc, ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.[6]
Cùng với việc cấp ruộng cho dân làng, Thái Hoàng Thái Hậu là người công đức để xây dựng chùa với 6000 lá vàng, cùng không biết bao nhiệu tiền bạc cho trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận như:
Chùa Linh Cảm (Tiên Sơn, Bắc Ninh) 1557,
chùa Bà Đanh (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1563,
chùa Thiên Hựu (Nam Sách, Hải Dương) 1571,
chùa Minh Phúc (Tiên Lãng, Hải Phòng) 1572,
chùa Sùng Ân (Phù Cừ, Hưng Yên) 1574,
chùa Phổ Chiếu (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1579,
chùa Thánh Thọ (Bình giang, Hải Dương) 1579,
chùa Minh Quang (Gia Lộc, Hải Dương) 1579,
chùa Hoa Tân (An Lão, Hải Phòng) 1582,
chùa Linh Sơn ( An Lão, Hải Phòng) 1583,
chùa Báo Ân (Phù Cừ, Hưng Yên)1584 ,
chùa Sùng Quang (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)1578,
chùa Trúc Am (Kiến thuỵ, Hải Phòng) 1589,
chùa Hà Lâu (Tiên Lãng, Hải Phòng )1589….[7]
và chùa làng Hoà Liễu , có tên Thiên Phúc Tự xây dựng năm 1562.
Bà cũng là người “bày cho” dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng.
Đúng như PGS Đinh Khắc Thuân đã nhận định: “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được dân gian tôn xưng là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian ”[8] … “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ xem như một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ”[9]
3. Lập các hội Thiện để tổ chức phong trào làm việc thiện “Các bia dựng trong các chùa , miếu cho biết hội Thiện khá phát triển . Từ các vương hầu tôn thất , quan lại tại vị hoặc hưu quan đến thường dân các làng xã đều đua nhau làm việc thiện…
Tóm lại, chính sách lớn của nhà Mạc gồm:
– Vận động các tư gia lấy tiền riêng mua ruộng cung tiến vào chùa , sau đó chùa cấp cho dân đinh cày cấy, thu hoa lợi, không phải nộp thuế,
– Một số ruộng cho cày cấy thu hoa lợi và lập hội Thiện để cứu đói cho những người quan quả cô đơn,
– Xây dựng rất nhiều chùa để hoằng dương Phật pháp, giáo dục lòng nhân từ bác ái, ngay thẳng thật thà , từ bi hỷ xả.
Có người nói, có phong trào làm điều Thiện, xây dựng chùa là do “chiến tranh tàn khốc kéo dài, thiên tai thường xẩy ra, khiến cho dân cùng khốn, mất niềm tin, đến cửa Phật từ bi mong che chở hoặc cầu xin điều thiện”. Có thể chưa hẳn như vậy.
Thực tế ở thời Mạc là những người có quyền hành , uy vọng đương thời thực sự có thiện tâm, có người suốt đời dốc lòng làm điều thiện. Hành vi cao đẹp của họ ( không phải chỉ một vài người), đã có sức giáo dục mạnh mẽ, lôi cuốn xã hội. Nhờ đó mà cùng với các chính sách khác, đã tạo nên an ninh xã hội cao : “người đi đường không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng, …trâu bò thả chăn không phải đem về,…có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình”
Xây dựng một nền phật giáo của cộng đồng làng: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”
Ở thời Lý, Trần có không ít ngôi chùa là sở hữu riêng của một số quý tộc:
– Chùa Diên Phúc (Mỹ Hào, Hưng Yên) dựng năm 1157. niên hiệu Đại Định 11 thời Lý Anh Tông, do Việt Quốc công Đỗ anh Vũ (1114-1159) dựng để mẹ thờ Phật,
– Văn bia chùa Phúc Lâm (Hà Tây ) khắc năm 1578, cho biết “vào thời Trần, thái sư cấp 25 người thay nhau lo liệu đèn nhang” .
– Văn bia chùa Linh Vệ (Ninh Bình) khắc năm 1582, cho biết rằng chùa này vốn do công chúa Trần Tôn Linh thời Trần xuất gia tu hành ở đây , sau thành nơi thờ cúng Phật và công chúa.
– Văn bia chùa Thánh Ân (Bắc Ninh) dựng năm 1587, ghi rằng: “Trần Nhân Tông Điều ngự Giác hoàng triều trước cấp cho chùa ruộng tam bảo 70 mẫu ruộng và 7 gia nô là Phạm Túc, Phạm Dự, Phạm Đội, Phạm Cai, Phạm Sa, Phạm Hào và Phạm Hi để cày cấy phụng thờ”
Rõ ràng là dưới thời Lý , Trần, các ngôi chùa trên do vua hoặc quý tộc xây và cho nô tỳ của họ đến định cư cày cấy ruộng Tam bảo để trông nom đèn nhang. Trường hợp văn bi chùa Sùng Khánh ở Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân (Hà Nam) khắc năm 1583, thì cho biết; chùa này có từ trước, vốn do các chủ hộ trong thôn trông nom đèn nhang, nhưng vì con cháu các chủ hộ thưa ít , khó bề chu tât sự thờ phụng, cung Phật hư hỏng, không thể lưu giữ được về sau chẳng bằng giao cho tôn lưu giữ muôn đời”.
Như vậy, những ngôi chùa sở hữu có tính chất tư nhân thuộc về các quý tộc này ở thời Lý, thời Trần dần dần trở thành sở hữu công cộng và đến thời Mạc thì đã hoàn toàn là sở hữu chung của cộng đồng làng xã. Nó gắn với làng và không ngừng mở rộng đồng thời với sự phát triển của làng xã, với các họat động nơi làng xã. Có nghĩa là sự quản lý chùa Phật đã chuyển dần từ Nhà nước sang cho dân làng. Chính vì vậy mà Phật giáo ngày càng được dân gian hóa từ thế kỷ 15-16.[10]
Phần lớn chùa được xây dựng. tu bổ thời kỳ Mạc có sự tham gia công đức của các thành viên trong hoàng tộc và quan lại trong triều. tuy vậy vẫn là chùa làng, do dân làng trông nom hương khói và lo liệu tu bổ xây dựng. Ngay trong cả những ngôi chùa được xây dựng với sự tham gia công đức của các thành viên trong hoàng tộc và quan lại trong triều như đã kể trên, thì vẫn có số đông dân làng và thiện sãi ở địa phương chăm sóc. Chẳng hạn như trong số những người công đức xây dựng chùa Bối Khê (Hà Tây) năm 1529. có trên hai trăm vị thiện sãi và hơn 100 dân làng. Nhân dịp sửa chữa chùa Dương Nham (Chí Linh, Hải Dương), năm 1552, có 10 thiện sãi, 12 thiện vãi và 105 dân làng già trẻ trên dưới tham gia hưng công. Đây hoàn toàn là những ngôi chùa thuộc sở hữu của làng xã
Có thể câu tục ngữ : “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” được hoàn chỉnh ở thời kỳ này.
Hiệu quả của các tư tưởng trên đối với xã hội đương thời
Thời Lý, thời Trần Phật giáo đã trở thành quốc giáo, đặc biệt thời Trần, thiền tông Trúc Lâm đứng đầu là bậc thánh tăng, thượng hoàng và Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân tông đã phát triển rực rõ . Lịch sử đã tô đậm những trang vàng son thời này. Đây là sự thực hiển nhiên.
Về sau, hời Mạc đã phục hưng Phật giáo Lý- Trần, hơn nữa, đã tạo được một bước chuyển biến quan trọng là đưa Phật giáo với quy trình khép kín như tu hành tụng niệm, xây dựng chùa chiền, tô tượng đúc chuông, đóng góp quản lý kinh tế, đất ruộng của chùa, chăm sóc chùa chiền và tăng ni, v.v….về với cộng đồng làng xã, với toàn dân; cụ thể là từ hoàng thượng tại vị, cho đến hoàng hậu công chúa , hoàng thân quốc thích , quần thần, sãi vãi, dân làng,…đều đóng góp và thâm nhập vào Phật giáo với trình độ hiểu biết và mức độ công sức rất khác nhau. Nhưng rõ ràng là Phật giáo và chùa chiền là của dan làng, của toàn dân.
Chính nhờ đó mà những nét đạo lý cơ bản nhất , bình dân nhất của đạo Phật là ngay thẳng, thật thà làm điều thiện, tránh điều ác, không tham lam, nhũng nhiễu ,… được thấm sâu vào cộng đồng và kết quả đương nhiên là: “không có trộm cướp”, “của rơi ngoài đường không ai nhặt”, “cổng ngoài không phải đóng”. “trâu bò thả rông ngoài đồng không phải chăn dắt, đến mùa bắt về cày”, “có khi sinh đẻ cũng không biết là gia súc của nhà mình”..
3.Thiền tổ Mạc Tịnh Trí là một hậu duệ biểu hiện sự kết tinh và thăng hoa của tư tưởng nhà Mạc đối với Phật giáo [11]
Đức tổ sinh ra trong một gia đình nho học, tổ tiên xưa là bậc đế vương. Ngài là hậu duệ 9 đời của Tuyên Tông Duệ hoàng đế Mạc Phúc Nguyên; là chắt 5 đời của Cao Cao tổ Hoa Năng Kính hiệu Định Đạo Huyền Thiên, là pháp sư thánh quán, được vua ban phong trưởng lão; là cháu của thiền sư Hoa Năng Đôn, hiệu Pháp Khâm.
Tuổi ấu thơ, đức tổ học hành thông minh uyên bác, xuất chúng , được coi là nho sinh tiêu biểu, Năm 16 tuổi, vào chùa Khánh Quang Tự, được nghe hòa thượng thuyết giảng, Ngài thấy cảm xúc mạnh, trong lòng bỗng thấy tâm giới chật chội, cửu lưu phiền phức, Ngài đã bỏ nho học chí tâm dấn thân vào cửa Phật. Đức tổ cần mẫn siêng năng, trai giới khiết tịnh, thanh quy phụng hành , chẳng bao lâu trở thành bậc tỳ kheo uyên thâm.
Đức tổ vân du khắp nơi, hóa duyên, thuyết pháp, khuyến khích chúng sinh hành trì thiện quả, Ngài cho cất tháp xây chùa, tạc tượng đúc chuông, hoằng dương Phật pháp , thí lợi quần sinh, gần xa phổ độ.
Ngài đã truyền thụ 10 pháp tử, 17 pháp tôn, đều tu hành chính quả , đắc đạo.
Năm Ất Mùi (1835). Ngài 48 tuổi, hoàng đế Minh Mệnh hạ chiếu triệu hồi các sư tăng trong nước lai kinh ứng thi. Ngài vâng mệnh, kết quả đỗ đệ nhị giáp, khâm mông, đứng đầu sư tăng toàn quốc, được lưu danh kim bảng, được phong Đại học sỹ. Vua bổ nhiệm làm quan, Ngài từ nan, vua lại ban võng lọng, kim khố, Ngài cũng từ nan.
Sau 50 năm học đạo, đức mãn, quả tựu, Đức tổ thị Phật quy Tây vào năm Giáp Tuất (1873), ngày 20 tháng 10 giờ Dậu, hưởng linh 84 tuổi, hóa thân Bồ tát.
Kính thưa chư vị, ngày nay, kế thừa ân thâm đức trọng của chư vị tiên đế, tăng ni và của Đức tổ Tịnh Trí, chúng ta vinh dự lớn có duệ tôn của Ngài là Mạc Khoa Năng Trình, pháp danh Tự Quang, xứng đáng tiếp bước kế thừa, đúng như lời tự bạch:
Duệ tôn Tự quang tiếp kế thừa
Đèn thiền mạng mạch giữ sớm trưa
Củng cố hoàng thiên Khánh Quang Tự
Y giáo Phụng hành sáng nghiệp xưa
Hôm nay, đúng vào ngày giờ linh thiêng Đức tổ hóa thân, nhờ có chư vị ở hội Phật tử Thiền Hoàng Thiên, đứng đầu là sư thầy Tự Quang, chúng ta được tụng niệm, dâng nén hương lên chư Phật và chư tổ. Thật là muôn vàn tự hào và hoan hỷ được là Phật tử và duệ tôn của các Ngài.
Tiểu duệ tôn Mạc Phan Đăng Nhật vạn bái.
[1] Lê Quý Đôn: Nghịch thần truyện, chuyển dẫn theo Đinh Công Vỹ, sách “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, H. 1996, tr.363.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, NXB Sử học, H, 1961, tr.180.
[3] Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội, H, 1996, tr. 138-142.
[4] Vũ Duy Mền: sách vừa dẫn, tr.136.
[5] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học xã hội, H, 2001, tr.232
[6] Cụ Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản, tr.34-35.
[7] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001, tr.232.
[8] “Kim Thái hoàng thái hậu dĩ thiên mẫu vi phật trung trần”. Văn bia chùa Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương ) năm 1579. Bia 151. Chú thích theo Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr, 233.
[9] Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr.233.
[10] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc,,,sách đã dẫn, tr.237.
[11] Phần này viết theo tài liệu “Lịch sử tổ sư Tịnh Trí thị Phật quy Tây” của sư thầy Tự quang Mạc Khoa Năng Trình
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.