- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21400
- Tổng truy cập: 3,371,356
NHÀ MẠC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
- 461 lượt xem
Kịch bản phim tài liệu
Biên kịch : Thái Kế Toại.
Trên đường 183 từ thành phố Hải Dương đi Quảng Ninh,sau khi qua vùng đồng bằng trù phú Nam Sách đến đầu cầu Bình,bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước một phong cảnh thiên nhiên tráng lệ.Trước mặt là sông Kinh Thày thao thiết chảy.Bên kia là miền núi Chí Linh trập trùng với đỉnh Côn Sơn danh bất hư truyền.Nam Sách là miền đất đã từng có làng gốm Chu Đậu nổi tiếng trên bản đồ gốm thế giới thế kỷ 16,nơi sinh ra nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa.Và trước đây gần chục thế kỷ là danh nhân Mạc Đĩnh Chi viễn tổ của Vương triều Mạc ở Việt Nam.
Họ Mạc ở Việt Nam có nguồn gốc từ họ Mạc ở Trung Quốc.
Bài tựa Thế phả họ Mạc ở thôn Tiểu Lợi,Đông Hoãn,Quảng Đông cho biết:Họ Mạc vốn là họ Cơ,cuối đời Chu bị li tán,đời Tần có người đến ở Cự Lộc làm quan đến Chấp kích ăn thực ấp ở đất Mạc nên lấy tên đất làm tên họ Mạc.Đến đời 22 Mạc Đại Luân dời sang Việt Nam chọn Lũng Động,huyện Chí Linh,Hải Dương nay là thôn Long Động.xã Nam Tân, Nam Sách,tỉnh Hải Dương làm nơi cư trú.
Ở Trung Quốc,đến đời Đường,họ Mạc đã phát khoa có trạng nguyên Mạc Tuyên Khanh.Đời Tống có tiến sĩ Mạc Vĩnh Xương.
Ở Việt Nam đến đời Lý họ Mạc Lũng Động đã có Mạc Hiển Tích đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ khoa Bính Dần 1086.Mạc Hiển Tích được bổ làm Hàn lâm Viện học sĩ,làm đến Thượng thư Bộ Lại, đi sứ Chiêm Thành năm 1094.Em ruột ông là Mạc Kiến Quan cùng đõ tiến sĩ làm Thượng thư dưới triều Lí Nhân Tông.
Mạc Đĩnh Chi là cháu đời thứ ba của Mạc Hiển Tích,nổi tiếng thông minh từ nhỏ ,đỗ Trạng nguyên năm 1293 đời nhà Trần,đi sứ sang Trung Quốc được vua Nguyên phong là Lưỡng Quốc Trạng nguyên.Mạc Đĩnh Chi để lại một số tác phẩm thơ văn trong đó có bài Ngọc tỉnh liên phú bất hủ.Trong dân gian và văn học còn truyền lại nhiều giai thoại về Mạc Đĩnh Chi một vị quan thanh liêm,cương trực và nghèo.
Tại Long Động đền thờ và lăng mộ Mạc Đĩnh Chi là di tích văn hóa lịch sử quốc gia.
Sau Mạc Đĩnh Chi con cháu phiêu bạt đi nhiều nơi.Có một người xuống tận vùng ven biển Nghi Dương làm nghề đánh cá.
Nhà Mạc được phát tích từ chi nhánh họ Mạc ở làng Cổ Trai,xã Ngũ Đoan,huyện Nghi Dương xứ Hải Dương nay là huyện Kiến Thụy,thành phố Hải Phòng.
* *
Cổ Trai là vùng đất màu mỡ nằm ven sông Đa Độ mở ra ba đường thủy nối liền với biển bằng các cửa Văn Úc ,Đại Bàng, Cửa Do đồng thời có thể thông thủy đến Phố Hiến,Thăng Long.Rộng hơn đất Nghi Dương còn chạy tới sông Lạch Tray có cảnh quan đủ cả biển rộng,sông sâu uốn khúc,núi đồi đột khởi,rồng chầu hổ phục,xứng đáng là đất địa linh nhân kiệt,đã trở thành trung tâm chính trị,kinh tế miền duyên hải phía đông nước ta thời bấy giờ.
Mạc Đăng Dung, cháu bẩy đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi,sinh năm 1483,là con trưởng của một gia đình chài lưới ở Cổ Trai.Từ bé Đăng Dung đã có sức khỏe,trí lực nhưng vì nhà nghèo nên thường phải đi thi đấu vật để kiếm tiền sinh sống.
Khi vua Lê Uy Mục tuyển dũng sĩ Mạc Đăng Dung dự thi môn đánh vật, trúng Đô lực sĩ xuất thân,được sung vào đội túc vệ giữ việc cầm dù cho xe vua.Tại triều đình con đường tiến thân của Mạc Đăng Dung nhanh chóng và thuận lợi.Khoảng niên hiệu Đoan Khánh(1505-1509) ông được thăng chức Đô chỉ huy sứ,Vệ thiện vũ.Năm 1511 vua Lê Tương Dực tấn phong cho ông chức Vũ xuyên bá,lại cho kết duyên cùng công chúa Ngọc Minh.Đến đời Lê Chiêu Tông, năm 1516 Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Sơn Nam,gia phong chức Phó tướng Tả đô đốc.Năm 1518 ông được thăng Vũ xuyên hầu trấn thủ Hải Dương.
* *
Sang thế kỉ 16 Vương triều Lê sơ sau một thời kì thịnh trị đã bắt đầu suy yếu bước vào thời kì khủng hoảng.
Nạn cướp đoạt ruộng đấtt công của bọn quan lại ,địa chủ làm cho sản xuất nông nghiệp đình trệ.Thuế khóa nặng nề,thiên tai hạn hán,lụt lội làm đời sống nông dân khổ cực.Nạn đói xảy ra,dân chết đói ở nhiều nơi.
Sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà,chính sự triều đình trở nên thối nát.Các vua tiếp theo đều ăn chơi sa đọa,ham mê tửu sắc,xây nhiều cung điện nguy nga tráng lệ làm hao tổn sức dân.Đại Việt Sử kí toàn thư chép về vua Lê Uy Mục như sau:
Vua thích uống rượu,hay giết người,hiếu sắc làm oai,giết người tôn thất,giết ngầm tổ mẫu,họ ngoại chuyên quyền,trăm họ oán giận.
Năm 1509 Lê Oanh từ Thanh Hóa ra giết Lê Uy Mục lên ngôi lấy tên là Tương Dực.
Lê Tương Dực lại ăn chơi xa xỉ tột bậc,làm nhiều việc thất đức,trừ diệt những người can gián,đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Năm 1516 Lê Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết.Lê Y anh Tương Dực mới 14tuổi được đưa lên làm vua tức Lê Chiêu Tông nhưng chỉ ở ngôi hư vị,thực quyền rơi vào tay các cựu thần võ tướng.Mâu thuẫn phe phái trong triều đình trở thành mâu thuẫn giữa hai phe họ Trịnh và họ Nguyễn.Nạn hỗn chiến giữa các phe phái càng làm cho đời sống nhân dân đói khổ.Các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra.
Tháng 2-1511 Thân Duy Nhạc và Ngô Văn Tổng khởi binh ở Kinh Bắc.
Tháng 11 Trần Tuân cầm đầu một cuộc khởi nghĩa lớn ở Sơn Tây,Hưng Hóa.
Giữa năm 1512,Lê Hy,Trịnh Hưng,Lê Minh Triệt dấy binh ở Nghệ An.
Mùa xuân 1515 Phùng Chương chiếm cứ vùng núi Tam Đảo.
Đỉnh cao của phong trào nông dân khởi nghĩa thời kì này là cuộc khởi nghĩa Trần Cảo ở miền Đông Bắc kéo dài từ 1516 đến 1521.Trần Cảo làm chủ một vùng rộng lớn gồm các miền Kiến An,Hải Dương,Kinh Bắc,Lạng Nguyên…tiêu hao nhiều quân tướng triều đình,một lần làm chủ,ba lần vây hãm kinh thành làm vua quan khiếp sợ.
Phong trào nông dân khởi nghĩa ,cùng với nạn phế vua,loạn chiến giữa các phe phái càng làm cho triều đình Lê sơ rối loạn bị đẩy đến bờ vực của sự tiêu vong.Sự khủng hoảng chính trị,xã hội trầm trọng trở thành điều kiện khách quan thuận lợi để Mạc Đăng Dung từng bước gây dựng quyền lực tiến tới lật đổ nhà Lê.
* *
Trong bối cảnh chính sự rối ren của triều đình,các vua Lê phải nhờ cậy thế lực của Mạc Đăng Dung để dẹp yên các cuộc tranh chấp nội bộ,đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Năm 1521 Đăng Dung được phong tước Nhân quốc công tiết chế các doanh thủy lục trong 13 đạo và chức Thái phó.Nhưng lo sợ uy quyền của Mạc Đăng Dung vua Lê Chiêu Tông chạy ra khỏi kinh thành,triệu Trịnh Tuy từ Thanh Hóa đem quân đánh diệt Mạc Đăng Dung.Nhân cơ hội này Đăng Dung liền lập Hoàng đệ Xuân lên ngôi gọi là vua Cung đế,phế bỏ vắng mặt Lê Chiêu Tông.
Năm 1525 Mạc Đăng Dung đánh Thanh Hóa,bắt được Lê Chiêu Tông đưa về kinh sư rồi giết đi.
Tháng 4-1527 Vua Lê Cung Hoàng tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương.
Hai tháng sau(6-1527) Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi.Chiếu nhường ngôi của vua tuyên rằng:
Vua Thái tổ ta,thừa thời cách mệnh bèn có bốn phương.Các thánh truyền ngôi đã nhiều lịch số.Đó là lòng người hợp với số trời xui nên vậy.
Từ cuối Hồng Thuận gặp lúc quốc gia nhiều nạn,Trần Cảo bắt đầu gây loạn.Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi,lòng người lìa tan,trời cũng không giúp. Lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta vậy.
Ta bạc đức nối ngôi,không thể gánh nổi.Mệnh trời và người hướng về người có đức.Vậy nay Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người tư chất thông minh đủ tài văn võ,bên ngoài đánh dẹp bốn phương đều phục,bên trong trị nước trăm họ yên vui,công đức rất lớn lao,trời người đều quy phục.
Nay theo lẽ phải,nên nhường ngôi cho.
Nên cố sửa đức,giữ lâu mệnh trường để yên dân.
Mong kính theo đó.
Sau khi truyền chiếu Mạc Đăng Dung xưng Hoàng đế,đại xá thiên hạ,đổi niên hiệu là Minh Đức,giáng phong vua làm Cung vương,tế trời đất ở đàn Nam Giao,dựng tôn miếu,lấy Hải Dương làm Dương Kinh,lập cung điện ở Cổ Trai,truy tôn các vị tổ từ Mạc Hiển Tích,truy tôn thân phụ và thân mẫu.Cơ đồ nhà Lê đã chuyển sang tay nhà Mạc sau một trăm năm trị vì.
* *
Sự thay thế của nhà Mạc đối với nhà Lê là một tất yếu lịch sử.Nhưng các sử gia nhà Lê trung hưng sau đó vì thái độ hằn học đã gọi nhà Mạc là ngụy triều và phủ nhận những đóng góp của nhà Mạc cho đất nước.Tiếp theo một số nhà sử học triều Nguyễn và sau này cũng mắc phải định kiến đó.Tuy nhiên cũng vẫn có một vài sử gia đứng ra chiêu tuyết bênh vực nhà Mạc . Từ sau đổi mới, với thế giới quan sử học mác –xít các nhà sử học nước ta đã thay đổi cách nhìn, bắt đầu đánh giá Vương triều Mạc với thái độ khách quan và khoa học.
Giáo sư Phan Huy Lê Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát biểu tổng kết trong Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc ở Hải Phòng tháng 7-1994 như sau:
Nên xóa bỏ định kiến và thành kiến về nhà Mạc.
Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác.Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan.
Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê.Việc nhà Lê sụp đổ,thay nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ,được nhiều người ủng hộ.Không nên coi sự việc này là cướp ngôi.
Tại Lễ tưởng niệm 458 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung tại Từ đườnghọ Mạc ở Cổ Trai ngày 22-8-1999,Giáo sư Văn Tạo nguyên Viện trưởng Viện Sử học phát biểu:
Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng,triều đình nhà Lê đổ nát,kinh tế suy sụp,dân tình khổ cực,Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia cát cứ,lên ngôi tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời,góp phần ổn định đời sống xã hội,xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế ,văn hóa,xã hội trong hơn nửa thế kỉ.Thành tựu của nhà Mạc không ai có thể phủ nhận được.
Trong tư liệu của chúng tôi cố Giáo sư Trần Quốc Vượng phát biểu:
Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi,một vua Lê có học vấn và có tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà từ những vua Lợn,vua Quỷ…Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo.
Toàn thư tập 4(KHXH.1968.trang 118) có chép:
Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung,đều đón vào kinh sư.
Một trí thức lớn ,có thể là lớn nhất của nước ta ở thế kỉ 16 ,Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ bỏ thái độ ở ẩn khi còn nhà Lê để ra thi đõ trạng nguyên phò giúp nhà Mạc.Ông viết:
Dân giai thức mục quan tân chính
Thùy vị quân vương trí thái bình
(Dân đều lau nước mắt ,ngước theo chính sự mới
Ai vì quân vương giữ lại thái bình)
Mặt trời ,mặt trăng lại mở ra vũ trụ mới
Thu phục hết bờ cõi của non sông xưa
Thánh chúa lấy nhân nghĩa thắng tàn bạo
Ban bố lòng khoan nhân để cho
Dân được sống trong gió xuân khí hòa
* *
Nhà Mạc tiếp quản đất nước trong điều kiện vô cùng khó khăn.Chiến tranh,loạn lạc kéo dài mấy chục năm làm kinh tế đình trệ,trật tự xã hội đảo lộn,quan lại cũ,dân tình lo sợ hoang mang.Số quan lại thức thời đã ra làm việc cho nhà Mạc nhưng số cận thần trung thành với nhà Lê vẫn không chịu hàng phục,tụ tập về Thanh Hóa quanh Nguyễn Kim chờ thời khôi phục nhà Lê.Phía Bắc nhà Minh sau khi bị Lê Lợi đánh đuổi vẫn không từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta đang tính bài gây sức ép với Mạc Đăng Dung.
Trước hết nhà Mạc đã thi hành một chính sách chính trị mềm dẻo khoan hòa để giữ yên lòng bộ máy quan lại và dân chúng.Mô hình thiết chế chính trị và tổ chức bộ máy chính quyền được xây dựng khá hoàn chỉnh từ thời Lê Thánh Tông vẫn được giữ nguyên.Nhà Mạc chỉ đặt thêm cấp Tổng là đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã.Để thu phục nhân tâm bộ máy quan lại cũ Mạc Đăng Dung cho phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần,sai tu sửa lầu điện ở Lam Kinh,xuân thu nhị kì hàng năm tổ chức tế lễ nơi lăng Mỹ Xá.Hơn 50 trong số quan lại cũ của triều Lê được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau.
Để đối phó với các thế lực phục hồi nhà Lê và ngoại xâm, nhà Mạc rất quan tâm đến xây dựng và củng cố quân đội.Cùng với việc duy trì Ngũ phủ quân thời Lê,tháng 10-1528 Mạc Đăng Dung cho đặt thêm bốn vệ Hưng Quốc,Chiêu Vũ,Cẩm Y và Kim Ngô,lấy trấn binh xứ Hải Dương thuộc vào vệ Hưng Quốc,trấn binh xứ Sơn Nam thuộc vào vệ Chiêu Vũ,trấn binh Sơn Tây thuộc vào vệ Cẩm Y,trấn binh xứ Kinh Bắc thuộc vào vệ Kim Ngô.Nhà Mạc còn chia bổ các Ty,mỗi Ty đặt một hệ thống chỉ huy và quân số túc trực.Để động viên các tướng hiệu, tăng cường lực lượng quốc phòng nhà Mạc còn cấp ruộng cho sĩ quan quân đội.Trong quá trình kiện toàn nhà nước,nhà Mạc đã xây dựng được một lực lượng quân đội tương đối mạnh,chống đỡ tương đối có hiệu quả trong giai đoạn đầu những cuộc tấn công của nhà Lê Trung Hưng.
Tuy có chú trọng về quân sự nhưng không vì thế mà nhà Mạc không chú trọng đến các hoạt động phát triển kinh tế văn hóa.Chỉ có điều những cố gắng của nhà Mạc diễn ra trong bối cảnh đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng mới,cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều do con cháu nhà Lê với sự giúp sức của họ Trịnh và họ Nguyễn.
Tiến sĩ Trần Thị Vinh nhà sử học nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỉ 16 đánh giá:
Nhà Mạc tồn tại với tư cách là một vương triều trong 65 năm(1527-1592).Vương triều Mạc chính thức tồn tại với một chính thể quân chủ tập trung.Tất nhiên không thể so sánh được với chế độ quân chủ tập trung thời Lê sơ nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử thế kỉ 16,thế kỉ nội chiến Nam –Bắc triều và so với chính quyền Nam triều thì chính quyền quân chủ tập trung nhà Mạc mang tính chất tich cực nhất định đối với xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
* *
Về mặt kinh tế ,văn hóa nhà Mạc chưa có điều kiện để đưa ra một cách có hệ thống những chính sách cải cách có bề nổi rầm rộ nhưng những điều chỉnh và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đã tạo cho đời sống xã hội tiến bộ, để lại nhiều di sản quý báu cho lịch sử.
Với bản tính phóng khoáng của người vùng biển xứ Đông và ảnh hưởng bởi các quan hệ giao thương với nước ngoài,các vua Mạc chủ trương một xã hội cởi mở,phát huy mọi nguồn lực cho phát triển xã hội.Trước hết là sự chấn hưng Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương của nhà Lê sơ.Nho giáo không còn địa vị độc tôn vì nhà Mạc không hạn chế các tư tưởng phi Nho.Nhờ đó mà Phật giáo,Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác vốn bị hạn chế thời Lê sơ nay có dịp phục hồi và phát triển.
Nhà Mạc cũng chú ý đến việc xây dựng pháp luật.Sau khi tình hình trong nước tạm ổn định,tháng 10-1528 MạcĐăng Dung đã cho bàn định phép điền ,phép lộc và cho soạn thảo bộ luật Hồng Đức Minh Trị.
Chính sách ruộng đất nhà Mạc được ghi nhận có sự chuyển biến mạnh mẽ.Chế độ tư hữu ruộng đất có sự phát triển tự do.Chủ sở hữu tư nhân ruộng đất mở rộng đến nhiều đối tượng từ tầng lớp tôn thất,quan lại đến người nông dân.Một trong những biện pháp quan trọng và khá hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhà Mạc đã tổ chức cho nhân dân đắp đê chống bão lụt,đào kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu hoặc quai đê lấn biển khai phá các bãi bồi.Ở Hải Phòng hay Quảng Ninh còn có những đoạn đê như đê Chân Kim, đê Kinh Điền, đê Hà Nam vẫn được nhân dân gọi truyền là đê nhà Mạc.
Ngày nay tại các huyện Dương Kinh,Kiến Thụy,Vĩnh Bảo-Hải phòng vẫn còn dấu vết những kênh mương được đào từ thời Mạc.Nhà Mạc còn khuyến khích dân khai phá hàng ngàn mẫu đất dọc các bờ sông Kinh Thầy,sông Hàn ,sông Đá Bạc.Những cố gắng trị thủy khẩn hoang đó đã góp phần làm cho đời sống nhân dân ổn định,mùa màng bội thu.
Trong những năm đầu thời Mạc Đăng Dung,Mạc Đăng Doanh trị vì đã tạo nên một thời kì hoàng kim của Vương triều Mạc mà các sử gia Lê-Trịnh cũng như chính Lê Quý Đôn phải công nhận:mấy năm liền được mùa,nhân dân bốn trấn đều được yên ổn
Hoặc:trúng mùa luôn,thóc gạo rẻ hơn,thuế nhẹ dịch ít,ai nấy no đủ thư thái,lại thêm tư pháp nghiêm minh,quan lại thanh cần.trộm cướp mất tăm,đêm không nghe tiếng chó cắn,đi đường không ai thèm nhặt của rơi…(Sách viết tay Lê triều hưng quốc công nghiệp)
Về công thương nghiệp,dưới triều Mạc tư tưởng trọng nông ức thương,bế quan tỏa cảng,phân biệt tứ dân không còn nặng nề như thời Lê sơ.Đã có sự nới lỏng để kimh tế công thương nghiệp có những chuyển biến mới.
Ngay sau khi vương triều được thành lập ,nhà Mạc đã tổ chức đúc tiền để đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa đòng thời khẳng định vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế.Thời Mạc đã tổ chức nhiều đợt đúc tiền và sản xuất nhiều loại tiền mang các niên hiệu vua khác nhau như Minh Đức thông bảo,Minh Đức nguyên bảo,Đại Chính thông bảo,Quảng Hòa thông bảo,Vĩnh Định thông bảo,Vĩnh Định chí bảo… Sự xuất hiện của đồng tiền thời Mạc đã phần nào phản ánh sự phát triển của nền thương nghiệp đương thời.
Nghề chạm khắc đá đã có ở nước ta từ sớm nhưng đến thời Mạc mới được phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng trong dân gian nhất là ở các địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng với nhiều làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng như làng Hồng Lục,Đông Hồng ở Gia Lộc,xã Tứ Kì huyện Tứ Kì,xã Kính Chủ,xã Lãng Đông huyện Chí linh,Xã Gia Đức huyện Thủy Nguyên,xã An Hoạch huyện Đông Sơn…
Nghề sản xuất đồ gốm trở thành một trong những nghề tiêu biểu và thịnh đạt dưới thời Mạc với những làng nghề nổi tiếng như Bát Tràng,Chu Đậu,Hợp Lễ…Sản phẩm gốm thời Mạc rất đa dạng và phong phú,đạt đến trình độ nghệ thuật cao được lưu hành rộng rãi trong và ngoài nước.Nhiều sản phẩm gốm Bát Tràng,Chu Đậu có minh văn xuất hiện tên người đặt hàng,người sản xuất.Như trên một chân đèn ghi rõ:Hồng Phúc tự,Thượng Hồng phủ,Đường An huyện,Phú Thuận xã,người đặt hàng là sãi vãi Nguyễn Thị Liên,Vũ Thị Dương…sản phẩm được tạo vào ngày 21tháng 9 năm Diên Thành thứ ba(1580)do Đặng Huyền Thông tạo.
Nhà Mạc còn tạo chính sách cởi mở thông thoáng cho công thương nghiệp,cho kinh tế hàng hóa phát triển,cho hoạt động giao lưu buôn bán trong nước và với nước ngoài được mở rộng.Ngoài hai trung tâm buôn bán lớn là Thăng Long và Phố Hiến đã hình thành mạng lưới cảng thị ven biển và mạng lưới chợ dày đặc.Đó là các cảng thị ở vùng Dương Kinh,Tiên Lãng…Đó là các chợ Cầu Nguyễn(Thái Bình),chợ Tứ Kì,chợ Hậu Bổng(Hải Dương),chợ Nghĩa Trụ(Hưng Yên),chợ Cẩm Khê(Hải Phòng),chợ Khả Lang(Ninh Bình),chợ Cẩm Viên(Vĩnh Phúc),chợ La phù,Đặng Xá,Phúc Lâm,Đào Xá(Hà Tây),chợ Thế Lại(Huế)…
Để giúp cho sự phát triển của thương nghiệp nhà Mạc đã rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống giao thông thủy bộ.Chỉ riêng trong số bi kí thời Mạc được biết đến hiện nay dã có 16 văn bia nói về việc tu bổ cầu,trong đó có các cầu như Khê Cốc(Hải Dương),Đường Bột(Thanh Hóa)…Ở một số địa phương vùng Đông Bắc còn lưu lại dấu vết những đoạn đường thời Mạc như trên đường số 18 quảng Ninh,đường Thảo Tân xuyên qua rừng Bãi Thảo chạy dài ven sông Lục Nam nối các tỉnh phía Bắc nhân dân địa phương vẫn gọi là đường nhà Mạc,đầu Voi,quán Sé hay ở Đông Triều,Thủy Nguyên vẫn còn dấu vết các bến đóng thuyền nhà Mạc.Nét mới trong cac hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khuyến thương của nhà Mạc rất được hàng ngũ tôn thất,các nhà giàu và đông đảo nhân dân ủng hộ đóng góp.
Trên cơ sở hàng hóa phát triển,đặc biệt là các loại sản phẩm gốm chất lượng cao,nền thương nghiệp nước ta đã có điều kiện tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hải của khu vực Đông Nam Á,Đông Á,Nam Á…Nhiều sản phẩm gốm cao cấp Việt Nam đã được đưa đến Nhật Bản,Trung Quốc và xa hơn là Châu Âu.
* *
Đối với nền văn học nước nhà,nền văn học thời Mạc có nhiều dấu ấn đáng kể.Nhà Mạc đã cho sưu tầm ghi chép lại các trước tác từ các triều trước đã bị thất truyền,hủy hoại trong chiến tranh,loạn lạc đồng thời còn khuyến khích sang tác văn thơ chữ Nôm tạo ra khởi sắc cho một thời kì văn học Nôm rực rỡ.Ngọn gió tư tưởng phóng khoáng của Vương triều Mạc đã làm xuất hiện nhiều tác giả tiêu biểu và nhiều tác phẩm văn học đặc sắc.
Về thơ ca thế kỉ 16,dòng thơ đề vịnh đã phát triển theo những chủ đề mới thay cho chủ đề ca tụng triều đình.Đại diện cho khuynh huóng này là Nguyễn Hàng với các bài phú nôm Đại Đồng phong cảnh phú,Tịnh cư minh thể phú;Hoàng Sĩ Khải với Tứ thời khúc vịnh;Nguyễn Giản Thanh với Phụng Thành xuân sắc phú…
Khá phong phú về nội dung bày tỏ ngôn chí,thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước là dòng thơ đi sứ,thơ vịnh sử với các tác giả Lê Quang Bí,Hà Nhậm Đại…Trạng nguyên Giáp Hải có bài thơ nổi tiếng Vịnh bèo một áng thơ tuyệt cú mang khí phách ý thức tự cường dân tộc chống ý đô xâm lược của phong kiến Trung Hoa.
Thể loại truyện kí có thêm bước tiến mới với Ô châu cận lục của Dương Văn An và Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.Đặc biệt Truyền kì mạn lục có ảnh hương rất lớn trong đời sống văn học nước nhà đương thời cũng như các thế kỉ tiếp theo.
Gương mặt tiêu biểu nhất của văn học thời Mạc là Nguyễn Bỉnh Khiêm.Ông là một trí thức lớn,một cây đại thụ văn hóa, văn học với di sản hàng ngàn bài thơ ,phần lớn là thơ Nôm và bộ sấm kí dự báo được các đời truyền tụng.Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của văn học Việt Nam,biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ của tiếng Việt trong giai đoạn này.
* *
Để phục vụ cho một bộ máy nhà nước vững mạnh nhà Mạc rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ trí thức,quan lại.Trong bài văn bia tiến sĩ khoa Kỉ Sửu năm 1529 triều Mạc Đăng Dung có ghi về mục đích giáo dục khoa cử như sau:
Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài ,sửa trường học để mở rộng nền giáo dục,ban học quy đẻ cổ vũ lòng hăng hái.Nhân văn được trau dồi,thi cử được đổi mới.Phàm những điều lệ về thi cử,ban ấn vinh theo cấp bậc so với thời xưa đều rõ ràng đầy đủ hơn nhiều…
Vua Mạc Đăng Doanh đã cho tu sửa lại Văn Miếu Quốc tử giám và thân đến nhà Thái học làm lễ Thích điện tế tiên thánh ,tiên sư.Nhà Mạc chú trọng tổ chức các kì thi Hương,thi Hội,Thi Đình.Trong 65 năm ở Thăng Long nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi,lấy đỗ 485 tiến sĩ trong đó có 13 Trạng nguyên.Trong 85 năm ở Cao Bằng mặc dù rất khó khăn nhà Mạc vẫn còn tổ chức được một số khoa thi nữa,đã lấy được tiến sĩ nữ đầu tiên của nước ta là bà Nguyễn Thị Ngọc Toàn.
Trong số trí thức do khoa cử nhà Mạc đào tạo có nhiều người có tài năng và danh vọng lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm,Giap Hải,Hoàng Sĩ Khải,Hà Nhậm Đại,Nguyễn Dữ…Ngoài ra nhà Mạc còn tạo ra một tầng lớp nho sĩ đông đảo ở các làng xã sinh hoạt trong các Hội tư văn ở các địa phương.
* *
Trong kho tàng di sản của đất nước nhà Mạc còn để lại một nền mĩ thuật phong phú và đặc sắc có đầy đủ các loại hình như Kiến trúc,Điêu khắc, Gốm sứ…Chiến tranh,thời gian và sự trả thù của triều đình Lê-Trịnh đã tàn phá hầu hết những di tich kiến trúc nhà Mạc,đặc biệt là các kiến trúc cung đình ở Thăng Long,Dương Kinh,làng gốm Chu Đậu…Nhưng những gì còn lại cũng đã cho hậu thế biết được những giá trị độc đáo của mĩ thuật thời Mạc.
Nhà Mạc đã xây dựng hàng trăm chùa,quán đạo,cầu bến,đền,đình,miếu…đã trùng tu lại nhiều ngôi chùa nổi tiếng xây dựng từ thời Lí-Trần không được tu sửa trong thời Lê sơ như chùa Dâu,chùa Phổ Minh,Chùa Bối Khê,Chùa Bà Đá,chùa Thày,chùa Trăm Gian…Nét mới trong chùa Mạc là sự thờ các vị tổ của Tam giáo:Thích Ca,Khổng Tử,Lão Đam…Xuất hiện nhiều loại tượng mới như tượng Ngọc Hoàng,Nam Tào,Bắc Đẩu,Kim Đồng,Ngọc Nữ…Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay xuất hiện lác đác từ thời Trần đã trở thành phổ biến trong các chùa thời Mạc với kích thước lớn đẹp,trang trí cầu kì.
Một trong những loại hình kiến trúc mang dấu ấn bản sắc dân tộc là ngôi đình làng.Ngôi đình có thể xuất hiện sớm hơn,nhưng đến thời Mạc nó chính thưc trở thành một địa điểm sinh hoạt cộng đồng làng xã.Ngoài ý nghĩa tâm linh nó còn mang ý nghĩa hành chính và những giá trị điêu khắc rất giá trị.Đó là những ngôi đình như:Tây Đằng ,Thụy Phiêu,Thổ Hà,Lỗ Hạnh,Đắc Sở,Yên Sở,Thanh Lũng…
Các văn tự trên giấy của nhà Mạc hầu như đã bị tiêu hủy hoàn toàn.Nhưng bù lại hàng trăm bia kí thời Mạc vẫn còn tồn tại.Đó là những tài liệu,sử liệu vô cùng quý giá cho chúng ta biết được một phần những hoạt động và đời sống lúc đó.
Ở thời Mạc kĩ nghệ gốm hoa lam được các nghệ nhân phát triển lên một bước mới,có những tác phẩm được coi như là kiệt tác của đồ gốm thế kỉ 16.
Giáo sư Trần Lâm Biền người đã nhiều năm nghiên cứu mĩ thuật nhà Mạc đánh giá:
Nghệ thuật thời Mạc mang âm hưởng và kĩ pháp của các thời đại trước đó nhưng đã có sự chuyển động đột biến trong phong cách,đã vươn tới việc tả thực gần gũi nhân tính.Đặc điểm này không chỉ thể hiện ở đề tài miêu tả đời sống nhân dân mà còn annhr hưởng đến các đề tài tôn giáo.Lần đầu tiên hình ảnh con người của thế kỉ 16 với các hoạt động phong phú của họ được thể hiện trong điêu khắc đình chùa.Tượng các vua,hoàng hậu cũng giản dị,chất phác.Con rồng vốn trang nghiêm quyền quý,linh thiêng cũng trở nên hiền lành.Các hình chim,thú hươu, voi,hổ,khỉ…được thể hiện sinh động gắn bó với đời sống con người.
Có thể nói các thành tựu mĩ thuật thời Mạc đã tạo điều kiện cho sự phát triển của mĩ thuật dân gian ở các thế kỉ tiếp theo.
* *
Những thành tựu nhà Mạc để lại rất có ý nghĩa trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước.Càng thấy đáng trân trọng những nỗ lực của nhà Mạc trong điều kiện thời gian hòa bình của nhà Mạc rất ngắn ngủi.Hầu hết những giá trị đó lại được xây dựng trong một thời kì loạn lạc,chiến ttranh liên miên.
Sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi,thời kì yên tĩnh của nhà Mạc kéo dài không được bao lâu.
Ngay tháng 2-1528 Bích Khê Hầu Lê Công Uyên cháu nội thái phó Lê Văn Linh,công thần khai quốc triều Lê đã nổi binh đánh vào cửa Chu Tước,bị thất bại.
Đầu 1530 ở Thanh Hóa Lê Ý,con trai trưởng công chúa Thái An nhà Lê nổi dậy,bị đánh bại vào cuối 1531.
Đầu năm 1533 sự nghiệp trung hưng nhà Lê bắt đầu trên đất Sầm Nưa-Lào ,Nguyễn Kim cùng các bề tôi cựu triều Lê tôn phò Lê Ninh con trưởng của Lê Chiêu Tông lên làm vua với tên là Lê Trang Tông.
Cuối 1539 nguyễn Kim cử con rể là Trịnh Kiểm đem quân đánh phá Thanh Hóa,chiếm được huyện Lôi Dương.
Cuối 1540 Nguyễn Kim đem quân chiếm Nghệ An.
Tháng 5-1545 nguyễn Kim bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn ra phía Bắc Thanh Hóa.
Năn 1546 Trịnh Kiểm thay Nguyễn Kim lập hành cung vua Lê ở Vạn Lại(nay thuộc xã Xuân Châu,Thọ Xuân ,Yhanh Hóa) tổ chức bộ máy như một triều đình,cai quản toàn bộ miền Thanh Nghệ.Từ đây sử cũ gọi giai đoạn này là cuộc giao tranh Nam-Bắc triều.
Nhà Mạc sau một thời gian tập trung xây dựng và củng cố chính quyền đã nhanh chóng tạo lập được trật tự xã hội nhưng tiếc rằng sự ổn định không kéo dài được lâu.Một phần do áp lực của triều Lê Trung hưng,phần nữa do sự tranh giành phe phái trong nội bộ làm triều đình nhà Mạc suy yếu,nhất là từ khi Mạc Phúc Nguyên nắm quyền.
Khi Mạc phúc Hải chết(1546) con trưởng là Mạc Phúc Nguyên kế vị.Do Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi việc triều chính do chú là Mạc Kính Điển điều hành.Một nhóm triều thần đứng đầu là Phạm Tử Nghi đòi lập Mạc Chính Trung là con thứ Mạc Đăng Dung lên nối ngôi.Việc không thành, Phạm Tử nghi bàn mưu với các bộ tướng nổi binh chiếm giữ kinh thành rồi đem Mạc Chính Trung chạy về Hoa Dương(nay là Thái Bình) xưng tôn hiệu,lập triều đình.Cuộc chiến giữa hai phe nổ ra khắp miền Đông Bắc.Mãi đến 1551 Phạm Tử Nghi mới bị bắt,bị giết ở Yên Quảng.
Tiếp theo nhà Mạc lại bị ngả nghiêng về vụ biến loạn của gia đình Thái tể Lê Bá Ly.Do mâu thuẫn đến mức xảy ra giao chiến với cha con Phạm Giao,Phạm Quỳnh,Lê Bá Ly cùng các con là Lê Khắc Thận,Lê Khắc Đôn,Nguyễn Thiến ,Nguyễn Quyện,Nguyễn Khải Khang,Đặng Huấn,Nguyễn Hữu Liêu đem các thuộc tướng và 1 vạn 4000 quân các đạo Tây Nam vào Thanh Hóa hàng Nam triều.
Tháng 5-1551 nhân thực lực nhà Mạc suy yếu Trịnh Kiểm cùng Lê Bá Ly,Nguyễn Khải Khang,Vũ Văn Mật chia làm nhiều mũi đánh Đông Kinh.Mạc Phúc Nguyên phải bỏ kinh thành chạy về Kim Thành.Quân Nam triều chiếm được Đông Kinh nhưng thấy khó lòng giữ nổi nên lại lui quân về Thanh Hóa.
Đầu 1554 Trịnh Kiểm lập hành doanh ở Biện Thượng rồi đem quân tiến đánh lấy được hai xứ Thuận Hóa,Quảng Nam.
Từ 5-1555 nhà Mạc sau khi khôi phục lại thế lực, tiếp tục đem quân đánh phá Thanh Hóa.Nam triều cũng nhiều lần đem quân đánh phá lãnh thổ Bắc triều.Cuộc chiến giằng co ác liệt.Bắc triều suy yếu dần trong khi Nam triều ngày càng mạnh lên.
Đầu 1592 Nam triều mở cuộc tấn công lớn ra Bắc.Kết quả nhà Mạc đại bại.Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long.Đến tháng 11-1592 quân đội nhà Mạc hoàn toàn tan rã.Đầu 1993 Vua Mạc mậu Hợp bị bắt trong một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhỡn,Bắc Giang,bị đưa về Thăng Long xử tử.
Sau khi Mạc Mậu Hợp chết,lực lượng nhà Mạc còn lại ở miền Đông do Mạc Kính Chỉ con trưởng Mạc Kính Điển xưng vương ở huyện Chí Linh chiếm lại được hai xứ Haỉ Dương và Kinh Bắc.Tuy vậy trước sức tấn công của quân Nam triều quân Mạc Kính Chỉ nhanh chóng bị đánh tan.Mạc Kính Chỉ bị bắt ở xã Tân Manh huyện Hoành Bồ xứ Yên Quảng.Đến đây thế lực cuối cùng đáng kể nhất của nhà Mạc đã bị đánh tan.Về cơ bản cuộc chiến Nam-Bắc triều đã kết thúc.
* *
Từ tháng 3-1593,sau khi Mạc Kính Chỉ thất bại,khắp nơi con cháu và các lực lượng ủng hộ nhà Mạc vẫn tiếp tục nổi dậy chiếm cứ nhiều nơi,chống lại họ Trịnh quyết liệt.Ở châu Văn Lan ,Mạc Ngọc Liễn lại lập Mạc Kính Cung nối nghiệp họ Mạc đặt niên hiệu là Càn Thống năm thứ nhất.Trong sách Đại Việt thông sử Lê quý Đôn phải thừa nhận rằng nhân dân vẫn còn luyến tiếc nhà Mạc,nghe tin Mạc Kính Cung lên ngôi đã theo về hưởng ứng rất đông:Từ sông Nhị Hà trở về Bắc can qua nối tiếp dấy lên,khói lửa không dứt…
Từ 1523 đến1623 các lực lượng nhà Mạc được sự ủng hộ của nhân dân đã xây dựng được căn cứ khắp một vùng rộng lớn ở phía Bắc ,lấy Cao Bằng làm trung tâm để duy trì và phát triển lực lượng.
Tại Cao Bằng nhà Mạc đã xây dựng vùng đất biên cương hiểm trở phía Bắc thành một căn cứ vững chắc chống chọi được với nhiều cuộc tấn công của triều đình Lê-Trịnh.Nhà Mạc đã đưa nhiều quan lại và dân chúng miền xuôi lên Cao Bằng,đã mở mang đường sá,xây dựng nhiều trang trại,đồn điền,chợ búa,thành lũy,cung điện và chùa chiền…Có thể nói Cao Bằng trong thời kì này như một nhà nước thu nhỏ,có giáo dục thi cử,có pháp luật kỉ cương,có sách lược đối nội đối ngoại hợp thời,mở mang được dân trí,bách nghệ phát triển,có quân tướng đảm lược.Trong gần một trăm năm,nhà Mạc đã có công tạo ra một xã hội văn minh ở Cao Bằng.
Các triều vua nhà Mạc tồn tại ở Cao Bằng đến năm 1677.
* *
Sau khi nhà Mạc mất đi ,chúa Trịnh đã ra lệnh san phẳng các hoàng cung của nhà Mạc ở Thăng Long,san phẳng, Dương Kinh,làng gốm Chu Đậu…cùng các di tích kiến trúc của nhà Mạc,tiêu hủy các văn bản thư tịch nhà Mạc.Các sử gia nhà Lê-Trịnh đã xuyên tạc,bôi nhọ lịch sử về nhà Mạc gọi nhà Mạc là ngụy triều,cướp ngôi nhà Lê,coi sự kiện Mạc Đăng Dung trá hàng nhà Minh là đầu hàng nhục nhã dâng đất cho giặc…
Về sự kiện Mạc Đăng Dung trá hàng nhà Minh năm 1541 một số nhà nghiên cứu lịch sử cận đại và hiện nay đã xem xét và đánh giá khách quan coi việc này là một sách lược ngoại giao của Mạc Đăng Dung,chịu nhục cho cá nhân mình để tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn của nhà Minh.
Trong tư liệu của tác giả có đoạn phỏng vấn cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về việc này.
Ông nói:
Các động Tư Lẫm,Cổ Sâm, Liễu Cát,La Phù là bốn động thuộc trấn Như Tích là đất của Trung Hoa ít nhất từ đời Tống.Đây là một vùng núi cao hiểm trở.Năm 1427 các động này làm phản xin phụ thuộc vào Giao Chỉ bấy giờ chưa hoàn toàn độc lập.Nhà Minh đã nhiều lầnđòi nhà Lê sơ trả lại 4 động này nhưng chưa được.Trong tình thế cấp bách bị nhà Minh đe dọa xâm chiếm nước ta một lần nữa MạcĐăng Dung phải trả lại 4 động để làm dịu bớt căng thẳng quan hệ với nhà Minh.Ngay trong Đại Việt Sử kí toàn thư Lê Quý Đôn cũng gọi việc này là trả lại đất 4 động đã xâm chiếm.
* *
Khi Mạc Đăng Dung lên cầm quyền,vốn là một con người nhân ái ông đã không dùng các biện pháp trả thù trừ diệt hàng loạt cận thần,con cháu nhà Lê,họ Trịnh,họ Nguyễn như một số triều đại trước ông đã làm.Tuy vậy,khi Nam triều đánh thắng Nhà Mạc,các chúa Trịnh kiên quyết dùng uy lực trấn áp nhà Mạc,tìm mọi các xóa hết ý chí khôi phục vương triều của các bề tôi và con cháu họ Mạc.Nhiều cuộc truy quét, hành hình cá nhân và tập thể con cháu họ Mạc đã diễn ra ,tạo ra bầu không khí nặng nề ghê sợ khiế nhiều thân vương tông tôc họ Mạc phải tự sát vì sợ hãi,vì tuyệt vọng hoặc vì giữ khí tiết danh dự của dòng họ.
Trong hoàn cảnh cùng quẫn con cháu họ Mạc phải chia lìa,ly tán khắp nơi trong Nam ngoài Bắc,thay tên đổi họ,trà trộn vào các vùng dân cư hoặc dạt vào rừng rú khẩn hoang lập ấp gây dựng lại cuộc đời,tiếp tục gìn giữ nguồn gốc,tinh hoa truyền thống của dòng họ.
Tộc phả họ Phạm ở Xuân Trường và Giao Thủy(Nam Định) cho biết ông tổ là Mạc Đăng Thận từ Cổ Trai di cư đến Cồn Lau,Cồn Kiên thuộc phủ Thiên Trường nay là Xuân Trường mang theo kỉ vật là thanh long đao của Mạc Thái tổ hiện còn giữ được cho dòng họ.
Tại nhà thờ họ Lều ở Nhị Khê,Thường Tín(nay thuộc Hà Nội) còn có câu đối như là một lời tiên tri:
Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng
Bốn trăm năm trước,chung cuộc lại như ban đầu
Mười ba đời sau,khác nhau mà vẫn hợp nhất.
Họ Nguyễn Phương ở Thanh Tường ,Thanh Chương,Nhệ An cũng còn một câu đối như là dạng mật mã nói về gốc tích:
Long Động căn nguyên lưu vạn thế
Thanh Tường hậu duệ đức thiên thu
Bia mộ cụ Mạc Đăng Bình ở xã Diễn Minh,Diễn Châu có câu:
Bản sinh Thái tộc chỉ
Nguyên xuất Mạc sơn lai
Gốc sinh ra họ Thái
Khởi nguồn từ núi Mạc
Gia phả họ Bùi Trần ở xã Quất Động,Thường Tin còn ghi:Vì cấm lệnh nghiêm ngặt,Mạc Phúc Đăng phải giấu họ cha mà đổi theo họ mẹ,theo về quê mẹ ở xã Quất Động.Từ bấy giờ là họ Bùi ,theo việc nhà nông làm ăn cần kiệm.
Gia phả họThạch ở Ninh Hiệp,Gia Lâm,Hà Nội ghi:Tiên tổ họ nhà trước ở xã Cổ Trai huyện Nghi Dương là họ Mạc,sau dời sang Văn Lung,An Lão(Hải Phòng)cùng họ tôn thất ở thành Thăng Long,về sau sa sút.Nhà LêTrung hưng,họ Trịnh khởi nghĩa phải chạy tán loạn nhiều nơi.Tiên tổ họ nhà có bốn anh em.Chi trưởng bị binh qua đuổi gấp chưa kịp sang sông cứ đi ven bờ sông rồi không biết ở đâu.Cụ tổ họ nhà cùng hai anh qua sông Nhị Hà về xã Phù Ninh,Đông ngàn ,Bắc Ninh đổi họ đổi tên.Hai anh thì đổi họ Đào,con cháu đời sau có ông Đào Quốc Hiển đỗ tiến sĩ,gia phả có dấu ấn vẫn còn.Cụ tổ họ nhà đổi là họ Thạch làm ông tự ở chùa Cả,các tăng ni đều gọi cụ là Thịnh Đức thiền sư.
Phương thức đổi họ của con cháu họ Mạc rất đa dạng và thông minh,các chi họ vẫn tìm cáh lưu lại tông tích để con cháu sau này tìm ra tiên tổ.Hoặc là giữ lại bộ thảo đầu của chữ Mạc,hoặc lấy chữ Đăng làm tên lót,hoặc lấy tên họ mẹ,hoặc lấy tên đất,hoặc ghi chép bằng văn tự,hoặc tuyền miệng…Theo tập hợp của Ban liên lạc họ Mạc đến nay đã tìm được gần 400 chi họ Mạc và gốc Mạc trong cả nước.Riêng tỉnh Nghệ An đã có gần 200 chi họ.Còn tên họ,theo thống kê các chi họ gốc Mạc đã đổi thành 50 tên họ khác nhau:họ Bế,họ Bùi,Cao,Chu,Diệp,Dương Mạc,Đào,Đặng, Hà,Hoa,Lê,Đăng,Lều,Ma,Nguyễn,Phạm,Phan,Phùng,Phương,Tạ,Thái,Thạch,Tô,Trần,Văn,Vũ Vương…
Một điều đáng nói là trong hơn bốn thế kỉ dầu lâm vào cảnh bị khủng bố,tàn sát,phải sống ẩn náu lẩn khuất,bị lăng nhục,bị phân biệt đối xử,con cháu họ Mạc vẫn nhắc nhở nhau phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc,của dòng họ,đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Thân vương Mạc Cảnh Huống và Hy Tông Hiếu Văn Hoàng hậu vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên có công phò rập khai nghiệp nhà Nguyễn.
Nhiều người là các anh hùng liệt sĩ,các tướng lĩnh đấu tranh chống ngoại xâm như:Tổng đốc Hoàng Diệu,Hoàng Công Chất,Phạm Hồng Thái,Lê Hồng Sơn,Đốc Tít,Lều Thọ Nam,Phan Đăng Lưu,Mạc Thị Bưởi,Phạm Kiệt,Mai Trung Lâm,Hòang Kiện…
Nhiều người là trí thức,văn nghệ sĩ có tên tuổi như:Mạc Đường,Chu Thiên,Hòang Tụy,Hòang Phê,Phạm Thiều,Vũ Đình Cự,Phan Đăng Nhật,Hồng Đăng…
Con cháu họ Mạc và gốc Mạc trong cả nước từ hàng trăm năm nay đã âm thầm vấn tổ tìm tông chắp mối liên lạc,đợi đến thời cơ đã hòa về một mối.Hàng năm,vào ngày giỗ tổ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Long Động,Hải Dương,ngày giỗ Thái tổ Mạc Đăng Dung ở Cổ Trai,Hải Phòng con cháu họ Mạc khắp cả nước đều tìm về bái kính tổ tiên.
Bắt đầu từ những năm 80,đặc biệt là năm 1985 trong cuộc hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều nhà khoa học đã lên tiếng đánh giá khách quan về vương triều Mạc.Và năm 1994 Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc đã được tổ chức ở Hải Phòng nơi phát tích nhà Mạc,đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi nhận thức về nhà Mạc trong ngành nghiên cứu lịch sử nước nhà.Đến tháng 9-2002 Bộ Văn hóa –Thông tin đã xếp hạng di tích Từ đường họ Mạc ở xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là Di tích Văn hóa-Lịch sử cấp quốc gia.
* *
Những ngày này tại UBND thành phố Hải Phòng và UBND huyện Kiến Thụy đang diễn ra không khí làm việc khẩn trương của bộ phận thiết kế xây dựng Dự án Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc.
Ông Ngô Đăng Lợi Chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử thành phố Hải Phòng người đã tâm huyết nhiều năm với sự nghiệp nghiên cứu về nhà Mạc cho biết:
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành phố HẢI Phòng được nghiên cứu lập quy hoạch,dự án xây dựng,phụcchế,bảo tồn di tích cố đô Dương Kinh.Chính phủ cũng giao cho Bộ Văn hóa Thông tin(nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) hướng dẫn,giúp đỡ thành phố Hải Phòng thực hiện.Ngày 7-4-2008 UBND thành phố Hải Phòng đã giao cho UBND huyện Kiến Thụy làm chủ đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan công trình lõi của quần thể di tích Dương Kinh.
Công trình sẽ được xây dựng tại cánh đồng Cổ Trai,giáp chùa Cổ Trai trên diện tích 5 ha(50.0000m2) chính tại địa điểm Điện Tường Quang trước đây,dự kiến khởi công vào đầu năm Kỷ Sửu(2009) và cơ bản hoàn thành vào dịp kỷ niệm 470 năm ngày giỗ Mạc Thái Tổ tháng 9-2011.Công trình sẽ được đầu tư bằng một phần ngân sách nhà nước và có sự đóng góp công đức của các tập thể,cá nhân,các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm,của con cháu họ Mạc,gốc Mạc trong cả nước.
Rồi đây trên đất Dương Kinh xưa,bên cạnh thành phố Hải Phòng đô thị ven biển hiện đại, trọng điểm của vùng kinh tế Đông Bắc sẽ hồi sinh một quần thể di tích phảng phất bóng hình của Kinh đô Dương Kinh-Cảng biển đô thị đầu tiên của nước ta.
Điều đó chắc sẽ làm cho các tiên vương nhà Mạc,các bậc trung thần liệt nghĩa với sự nghiệp nhà Mạc,những người đã có công chấm dứt cuộc khủng hoảng cuối triều Lê sơ đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cải cách ,những thành tựu đã được lịch sử ghi nhận cùng đông đảo con cháu họ Mạc gốc Mạc trong cả nước yên lòng, thanh thản và vui vẻ.
Làng Mọc tháng 10
Đà Lạt tháng 11-2008
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.