- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 16442
- Tổng truy cập: 3,369,135
NHÀ MẠC THAY THẾ TRIỀU LÊ SƠ – MỘT THAY ĐỔI PHÙ HỢP VỚI QUY LUẬT LỊCH SỬ – CN.Trần Phương (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng)
- 1317 lượt xem
NHÀ MẠC THAY THẾ TRIỀU LÊ SƠ – MỘT THAY ĐỔI PHÙ HỢP VỚI QUY LUẬT LỊCH SỬ
CN.Trần Phương
(Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng)
Hơn 400 năm qua, sau khi vương triều Mạc sụp đổ, đã có không ít sử sách và truyền ngôn khác nhau về vai trò, vị trí của vương triều này trong lịch sử, nhất là đối với sự nghiệp của các vua Mạc. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, giới học thuật nước nhà đã dựa vào những vấn đề thuộc quy luật lịch sử, gắn liền với vận mệnh dân tộc, lợi ích của nhân dân để đánh giá công lao, khiếm khuyết của nhà Mạc và các vua Mạc. Nhờ có sự đánh giá khách quan, công tâm, nhiều công tích cũng như hạn chế của nhà Mạc đối với sự nghiệp xây dựng đất nước đã được làm sáng tỏ. Vì thế, Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đồng ý đưa công trình đầu tư xây dựng Di tích Khu Tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Cổ Trai – Kiến Thuỵ – Hải Phòng vào danh mục các công trình quốc gia chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
I. HỢP QUY LUẬT HƯNG VONG CỦA LỊCH SỬ:
Như chúng ta đã biết, kể từ năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền – vị Tổ trung hưng nền độc lập dân tộc, đánh đuổi giặc Nam Hán ra khỏi bờ cõi, xóa tan “đêm trường Bắc thuộc” kéo dài hàng nghìn năm, dựng nền độc lập tự chủ cho dân tộc ta, thiết lập vương triều phong kiến, cho đến giữa thế kỷ XIX, triều Nguyễn để đất nước lâm vào cảnh đô hộ của thực dân Pháp, nước ta đã có nhiều triều đại: triều Ngô 47 năm, triều Đinh 12 năm, triều Tiền Lê 30 năm, triều Lý 215 năm, triều Trần 175 năm, triều Hồ 7 năm, triều Hậu Lê (còn gọi là Lê Sơ) 100 năm, triều Mạc 65 năm (không kể 85 năm cát cứ ở Cao Bằng), triều Lê – Trịnh 242 năm, triều Tây Sơn 24 năm, triều Nguyễn 82 năm (cho đến năm 1884 thì mất nước). Và lịch sử đã chứng minh rõ ràng rằng: một triều đại phong kiến tồn tại lâu dài hoặc nhanh chóng sụp đổ, lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố và nguyên nhân xã hội như lòng dân, các chế độ, chính sách của vương triều, vai trò của vua chúa, triều đình và quan lại…
Trước hết, xét về bối cảnh ra đời của nhà Mạc: sau 21 năm Đại Việt bị khốn khổ dưới chế độ cai trị hà khắc của giặc Minh tàn ác, mãi đến năm 1428, khi hoàn thành sự nghiệp “Bình Ngô” đại định thiên hạ, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua nước Đại Việt, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Triều Hậu Lê (Lê Sơ) với các vị vua Thái Tổ, Thánh Tông để lại nhiều ơn sâu, nghĩa nặng với bách tính, dân tộc. Cảnh thịnh trị của triều Hậu Lê kéo dài được 76 năm (kể cả 7 năm trị vì của vua Lê Hiến Tông con kế nghiệp của vua Lê Thánh Tông). Năm 1504, vua Lê Hiến Tông băng hà. Đất nước Đại Việt dần đi vào con đường rối loạn, suy đồi. Theo di trúc của vua, con thứ ba là Hoàng tử Thuần lên nối ngôi, chưa được 6 tháng thì băng hà vì bạo bệnh, miếu hiệu là Túc Tông. Không có con nối nghiệp, nên trước khi chết, vua Túc Tông đã di chúc cho triều đình phải lập anh trai thứ hai là Hoàng tử Tuấn lên ngôi vua. Việc thay đổi người nối ngôi vua này đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt trong cung cấm và ở triều đình, hình thành phe phái đối lập dẫn đến những xung đột đẩm máu về sau. Hoàng tử Tuấn lên ngôi vua tức Lê Uy Mục, tư cách đã hèn kém, lại lợi dụng uy quyền chúa tể của đất nước để trả thù nhỏ nhen những người trước kia mà không tôn phò mình lên ngai vàng khi vua cha Hiến Tông băng hà. Sử triều Hậu Lê đã ghi về vua Uy Mục: “…vua thích uống rượu, hay giết người, hám gái đẹp, giết ngầm bà nội (tức Thái Hoàng Thái Hậu Trường Lạc, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lê Hiến Tông), giết hại nhiều tông thất, đại thần; tin dùng họ ngoại (họ mẹ đẻ, họ vợ) để chúng chuyên quyền hà hiếp lương dân, làm trăm họ khốn khổ, oán giận. Người đời thường gọi là quỷ vương. Điềm loạn của vương triều hiện ra từ đấy” (Đại Việt sử ký tục biên – bản kỷ nhà Lê). Chán cảnh này, một số đại thần và tướng lĩnh bí mật về Tây Đô ở Thanh Hoá (tức Thành nhà Hồ) tụ hợp mưu phế bỏ Lê Uy Mục. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, chức Nội các Hàn Lâm được giao viết hịch kêu gọi quan lại, tướng sĩ nổi lên đánh Lê Uy Mục; phò tá Minh chủ Giản Tu Công. Bài hịch vạch tội Lê Tuấn (tức Lê Uy Mục) có những câu thống thiết: “…Bạo chúa Lê Tuấn hèn kém, làm nhơ bẩn sự nghiệp của Tiên đế. Tội ác muôn vẻ. Dân đã cùng mà vơ vét không thôi. Tiêu tiền như bùn. Bạo ngược như Tần Chính. Coi bề tôi như trâu ngựa. Coi dân như cỏ rác. Nhân dân nhức óc, cả nước đau lòng…”
Lê Uy Mục bị lật đổ, triều đình đưa Giản Tu Công lên ngôi vua tức Lê Tương Dực. Mấy năm đầu Tương Dực có lo đến việc triều chính, làm được một số việc có ích, rồi lại sa ngã vào chơi bời trác táng, làm những việc ô nhục, đến nỗi dân chúng gọi là vua lợn. Đặc biệt là chỉ trong 21 năm cuối triều đại Lê Sơ (1506-1527) thay đổi 5 đời vua, trong đó 4 ông vua bị bề tôi giết, một ông bị giết do tranh chấp ngôi vua. Cuộc nội chiến giữa các tướng lĩnh quân phiệt, phe phái diễn ra liên miên, trải rộng từ Đông Kinh đến Tây Đô, lan khắp vùng châu thổ sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lam, lầm cho nhân dân khắp nước điêu đứng, khổ cực. Chính do các cuộc rối loạn liên tiếp trong nội bộ vương triều đã mở đường cho Mạc Đăng Dung, một người có tài thao lược thâu tóm quyền binh, giữ chức Thái sư đứng đầu triều đình. Lúc này, vua Lê Chiêu Tông bỏ chạy về Tây Đô (Thanh Hoá) theo phe tướng Trịnh Tuy, Mạc Đăng Dung cùng vây cánh lập Hoàng thân Lê Xuân (em Lê Chiêu Tông), 15 tuổi lên ngôi vua, rồi tự tiến phong làm An Hưng Vương. Giữa lúc nhân dân mơ ước cảnh đất nước thái bình, ổn định được yên ổn làm ăn sinh sống, tháng 6 năm 1527, Cung Hoàng Xuân xuống chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Chiếu nhường ngôi có câu: “…Thiên hạ đại loạn. Thiên hạ không còn là của nhà ta nữa. Ta không có đức, không gánh nổi việc nước. Theo mệnh trời, lòng người theo về người có đức. Xét An Hưng Vương đủ tài đức, theo lẽ nhường ngôi…”
Nhiều sử sách thời phong kiến đã từng ghi chép Mạc Đăng Dung là kẻ thoán nghịch, cướp ngôi vua của nhà Lê và gọi triều Mạc là nguỵ, không phải triều đại chính thống. Nhưng thực tế, nhà Mạc nắm quyền lãnh đạo đất nước Đại Việt hơn 65 năm (1527 -1592) với 5 đời vua có niên hiệu Minh Đức (Mạc Đăng Dung, 1527 – 1529), Đại Chính (Mạc Đăng Doanh, 1530 – 1540), Quảng Hoà (Mạc Phúc Hải, 1541- 1546), Vĩnh Định, Cảnh Lịch, Quang Bảo (Mạc Phúc Nguyên, 1547 – 1561), Thuần Phúc, Sùng Khang, Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị, Hồng Ninh (Mạc Mậu Hợp, 1562 – 1592). Chưa kể họ Mạc có 85 năm chiếm cứ đất Cao Bằng và vẫn xưng vương. Trong 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có những cống hiến nhất định cho lịch sử dân tộc, làm được nhiều việc hợp lòng dân như dẹp tất cả các cuộc nổi loạn cát cứ ở các địa phương, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển công nghệp, thương mại, các ngành nghề thủ công; mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá với nhiều nước châu Á, châu Âu, chăm lo thi cử để tuyển nhân tài. Xã hội Đại Việt thời Mạc đi dần vào thế ổn định…
II. THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐÃ ĐƯỢC THÂN OAN NHƯ THẾ NÀO ?
Có lẽ, Trần Trọng Kim – tác giả sách Việt Nam sử lược là người bình phẩm Mạc Đăng Dung một cách khắt khe, gay gắt nhất: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước nhà mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần trói mình lại để cầu lấy cái phú quý cho thân mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm, một người như thế thì ai mà kính phục ?…một cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được”.
Năm 1951, trên tuần báo Đời Mới, học giả Lê Văn Hoè có viết một bài khảo luận khá đầy đủ để thân oan cho Mạc Đăng Dung và ông cho rằng sự thật khác hẳn. Giới sử học sau này đều nhận xét Lê Văn Hoè là người công tâm, sáng suốt khi đánh giá về Mạc Đăng Dung. Sau khi đưa ra và phân tích hàng loạt các sự kiện để chứng minh cho nhận định “Mạc Đăng Dung là anh hùng lập thân trong thời loạn”, Lê Văn Hoè viết: “Thời bấy giờ là thời thiên hạ đại loạn. Vua chẳng ra vua, tôi không ra tôi. Vua ngờ vực tất cả mọi người chỉ định giết. Tôi thì giết vua, triều thần chẳng ai coi vua ra gì. Sinh vào thời đại loạn như vậy, chỉ có hai con đường: một là lui về nơi sơn lâm để tránh tai vạ; hai là xông ra dẹp loạn an dân, giúp vua giúp nước. Mạc Đăng Dung đã đi vào con đường thứ hai. Đăng Dung phò vua, nhưng vua định giết Đăng Dung. Cuối cùng Đăng Dung mới cướp ngôi vua, vì thấy vua bất lực. Kể ra thì Mạc Đăng Dung cũng không tránh khỏi cái tội giết vua và cướp ngôi. Nhưng trước kia thời Đinh, Lý, Trần…không phải là không có người giết vua cướp ngôi. Và ngay thời Mạc Đăng Dung bấy giờ, cũng có bao nhiêu kẻ hoặc đã giết vua, hoặc lăm le cướp lấy ngôi báu. Đứng vào địa vị của Mạc Đăng Dung bấy giờ, muốn tiến thân không ai làm khác được. Giả sử Mạc Đăng Dung lui về ẩn dật, bỏ mặc việc đời, thì nhà Lê cũng không giữ nổi cơ nghiệp, ngai vàng hoặc đã về họ Trịnh, họ Trần (Trần Cảo), hay họ Nguyễn, họ Hoàng; Mạc Đăng Dung chỉ là một người anh hùng lập thân ở thời loạn mà thôi. Trách Đăng Dung sao không cúc cung tận tuỵ thờ vua Lê thì chẳng khác gì trách Võ, Thang sao không tận trung thờ các vua Kiệt, Trụ!”
Đại Việt sử ký toàn thư chép “Năm Canh Tý (1540), mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung… “bò rạp ở Mạc phủ nước Minh, rập đầu quy hàng, dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân, quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng cho xin nội thuộc, lệ vào Khâm Châu”. Trần Trọng Kim dựa vào việc này mà bảo Mạc Đăng Dung phản quốc, vì “cắt đất dâng người”. Về vấn đề này, Lê Văn Hoè cho rằng: Xét kỹ tình thế trong nước hồi bấy giờ, trải mấy đời vua Uy Mục, Tương Dực, hoang dâm, xa xỉ, lại thêm triều thần mưu phản, giặc giã đánh phá khắp nơi, nay dù họ Mạc đã dẹp yên bờ cõi, dựng lên nghiệp lớn, nhưng vết thương loạn lạc chưa hàn gắn xong, lòng người còn hoang mang, thì ta thấy họ Mạc không thể hành động khác được. Làm khác tức là không chịu hàng. Nghĩa là đánh. Đánh thì tất thua. Thua không vì quân Minh mà thua vì người trong nước. Vì chính người trong nước là cựu thần nhà Lê sang Vân Nam cầu xin quân Minh kéo sang đánh họ Mạc, để báo thù cho nhà Lê. Mà thua nước ta nhất định sẽ lại mất về giặc Minh như đời họ Hồ. Đất cát của tổ tiên quý thật, tấc đất là tấc vàng. Nhưng nếu hy sinh đất cát mất mấy động ở nơi biên cảnh, mà giữ được giang sơn, duy trì được độc lập tưởng cũng không nên tiếc làm gì, nhất là lại đang vào tình thế cheo leo như nhà Mạc buổi ấy.
Việc “xin hàng” này, Minh sử quyển 32 có chép, nhưng không hề chép việc cắt đất mà chỉ chép vào năm Gia Tĩnh 20 (1541): Mao Bá Ôn về triều tâu Mạc Đăng Dung đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần. Thần Siêu trong “Phương Đình dư địa chí” mục Quảng Yên viết: “Mạc Đăng Dung nộp hai châu Như Tích, Chiêm Lãng cho nhà Minh thuộc vào Khâm Châu…Đời sau lấy việc cắt đất bắt tội nhà Mạc. Nay xét (dẫn đủ các sách nói: Như Tích, Chiêm Lãng, Tư Lâm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Thời La…bẩy động đầu hàng nhà Tống đều đặt động trưởng, niên hiệu Hồng Vũ (1368-1400) nhà Minh đặt chức tuần ti ở Như Tích để thống hạt cả; năm thứ 2 Tuyên Đức (1427) các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm cắt cho phụ vào Giao Chỉ; năm thứ 19 Gia Tĩnh (1540) Mạc Đăng Dung trả lại đất 4 động ấy cho nhà Minh, năm thứ 21 Gia Tĩnh (1451) tri châu Lâm Hy Nguyên (của Minh) hoạch định lương giới, chỉ còn có Chiêm Lãng, Thời La mà thôi!)”. Nhà Mạc trả lại nhà Minh là trả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót. Thần Siêu đã soi tỏ vấn đề địa lý lịch sử để soi tỏ sự vô tội của nhà Mạc. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng sử nhà Minh chép hệt như Thần Siêu: quan cát địa sứ của Minh đi hoạch định cương giới (1541) thì chỉ có đất hai châu mà đã là của Minh rồi, còn lại đều là tên đất khống! Đấy chẳng qua là đường lối “thần phục giả vờ” (Vassalité Fictive) của mọi triều đại Việt Nam.
Tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc tại Kiến Thuỵ – Hải Phòng ngày 18-7-1994, Viện sĩ, Giáo sư sử học, NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam kết luận và kiến nghị: Nên xoá bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế. Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, thay nhà Mạc là hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế ./.
Ảnh: CN. Trần Phương
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.