- Đang online: 3
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19639
- Tổng truy cập: 3,370,747
NGUYỄN THỊ DU VỊ NỮ TRẠNG NGUYÊN ĐỘC NHẤT CỦA TA SINH NĂM NÀO ? 809
- 144 lượt xem
Chương VI – Tinh Phi, Chiêu Nghi, Lễ Sư, Diệu Huyền NGUYỄN THỊ DU VỊ NỮ TRẠNG NGUYÊN ĐỘC NHẤT CỦA TA SINH NĂM NÀO ? Đề thờ TS Nguyễn Thị Duệ tại Cao Bằng |
Vị nữ Trạng nguyên có một không hai của nước ta vốn tên là Nguyễn thị Du, song Vũ Phương Đề, người đầu tiên viết về bà, từ thế kỷ thứ XVIII, chỉ cho biết bà họ Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí và Trần Lê Sáng chép bà tên Nguyễn thị Duệ (1); Bùi Hạnh Cẩn đưa ra tên Nguyễn thị Niên (2); Đông Châu ngoài tên Nguyễn thị Du còn ghi thêm tên Nguyễn Ngọc Toàn (3).
I. THÂN THẾ : “Nhất kính chiếu tam vương” |
Bà sinh quán ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bùi Hạnh Cẩn chép bà người “xứ Đông”).
Năm 10 tuổi (Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật ghi là “năm 20 tuổi”) bà theo cha tị nạn lên Cao Bằng, lúc ấy tuy họ Trịnh đã đánh bại họ Mạc, chiếm lại kinh đô, nhưng lòng dân theo họ Mạc còn đông.
Bà là người tuyệt sắc, lại rất thông minh, 10 tuổi đã biết làm văn bài. Ông thân bà tiếc tài con gái, cho cải nam trang đi học. Năm 17 tuổi, chúa Mạc mở khoa thi, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa (4), còn chính thầy học của bà chỉ đỗ thứ hai. Có lẽ vì thiếu tài liệu, không thấy Phan Huy Chú ghi chép những khoa thi cuối của nhà Mạc ở Cao Bằng, nên không rõ đích xác bà đỗ năm nào.
Khi dự yến đãi các tân khoa, chúa Mạc thấy nhan sắc và phong cách của bà sinh lòng ngờ vực, gạn hỏi và khám phá ra bà là gái giả trai, bèn nạp cung phong làm Tinh Phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao. Thời xưa phụ nữ không được phép đi thi, thậm chí dự một buổi bình văn ở nhà Giám (Quốc Tử Giám) cũng không được (Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tuỳ Bút), bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng chúa Mạc không những không trừng phạt mà còn nạp cung, phong tước phi, tỏ ra rất quý trọng tài sắc bà.
Nhà Mạc mất, bà vào rừng ẩn náu, bị quân Trịnh bắt được. Bà chống gươm xuống đất nói :”Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử”. Quân Trịnh bèn giải bà về nộp chúa Nghị Vương, chúa rất sủng ái.
Về già bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền.
Nghị Vương mất, con là Dương Vương lên nối ngôi, triệu bà ra giữ chức Lễ Sư dậy cung nhân, nên người ta cũng gọi bà là Lễ Phi (Lễ là danh hiệu, tước vị là Chiêu Nghi, cao nhất trong 9 bậc cung tần, dưới loại phi) (5).
Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch, cả hai chúa Trịnh đều khen ngợi, trọng vọng. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Khoa Tân Mùi (1631) em họ ngoại bà là Nguyễn Minh Triết, sau đổi tên là Nguyễn Thọ Xuân, ứng chế xong bảo với bạn hữu :”Bài của tôi viết, cả triều chưa dễ mấy ai hiểu, có chăng chỉ bà chị tôi là bà Lễ Phi hiểu được mà thôi”. Quả nhiên, bài đưa ra nhiều điển lạ, quan trường không hiểu hết, chúa hỏi thì bà lý giải cặn kẽ, chúa cho Xuân đỗ đầu. (Năm 1647, Xuân làm đến chức Tả Thị lang bộ Hộ, sau thăng đến chức Thượng thư, Thiếu bảo Cẩn quận công, thọ hơn 90 tuổi).
Tương truyền nhà bà có ngôi tiên phần ở núi Trì Ngư, thuộc kiểu đất “Nhất kính chiếu tam vương” (một gương soi ba vương), bà thờ ba đời chúa chính ứng với điều này.
Năm 70 tuổi bà xin về làng, dựng am “Đàm Hoa” để ở, lại được cấp các thuế trong làng làm ngụ lộc.
Bà mất năm 80 tuổi, táng ở núi Trì Ngôi (Ngư ?) làng Kiệt Đặc. Ngọn tháp xây trên mộ gọi là “Tinh Phi cổ tháp”, được liệt vào hạng “Chí Linh Bát Cổ”, có khắc mười chữ trên bia :”Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”.
Trong bia “Chí Linh Bát Cổ” cũng ghi lại bài thơ đề trên “Tinh Phi cổ tháp” :
Ngọc thủ chiết cao chi,
Kính nhan lưu cố thấp;
Tùng cổ thử giang sơn,
Chí kim kỷ minh giáp;
Hoa thảo tự khai tạ,
Ngư tiều tương vấn đáp;
Sơn sắc chính thanh hương,
Thu thanh hà tiêu táp.
Đại ý :”Một cái tay ngọc ngà vin bẻ cành đan quế thứ nhất khi xưa kia, nay thì trên cái kiểu đất “hình mặt gương” này còn lưu lại với đời một toà tháp cổ. Giang sơn này từ bấy lâu nay trải bao năm tháng mà đổi với cái cảnh cổ tháp này, chỉ có hoa kia tự khai khai tạ tạ cùng ông ngư phủ, chú tiều phu khi qua tới mà cùng nhau trò chuyện mà thôi. Đang khi ta viếng cảnh nhớ người, núi non xanh ngắt một mầu, bỗng đâu xào xạt tiếng gió thu, giục lòng khách thương kim tự tích”.
Bài thơ này do Nguyễn Trọng Thuật sao chép lại (Nam Phong số 161, 1931) khi ấy cổ tháp không còn dấu vết, duy chỉ có một ngôi chùa nhỏ (am ?) làng Kiệt Đặc còn thờ tượng bà. Trên bàn có bức hoành đề hai chữ “Hoa Am” và một đôi câu đối :
Giáp khoa tiên chiếm Cao Bình bảng,
Đại bút do truyền bát cổ bi.
Lại có một cái bia do chúa Trịnh (Dương Vương ?) tặng phong là “Chính vương phủ thị nội cung tần đức lão Lễ Sư”. Chúa cấp ruộng hương hỏa để thờ bà.
Sự tích bà còn ghi trong Chí Linh phong thổ ký. Làng Kiệt Đặc thờ bà làm thần.
II – SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG |
Bà giỏi cả Hán văn lẫn quốc âm, sáng tác nhiều, tiếc rằng ngay từ thế kỷ XVIII đã bị thất lạc gần hết (theo Vũ Phương Đề). Văn thơ bà có tiếng là hay, song những câu còn được lưu truyền lại không mấy xuất sắc, nhưng cũng xin chép ra để khỏi thất lạc :
Bà có soạn một tập Gia Ký (6) bằng quốc âm, văn vần, ghi chép việc riêng của mình. Đây là cảm nghĩ ở dọc đường khi lánh nạn lên Cao Bằng :
Đành thay là kẻ có mình,
Che trên đã có trời xanh phù trì.
Bà lại tự ví mình với Bạc thị, vợ Hán Cao tổ, có tiếng là người hiền đức:
Hiềm vì một chút đảo điên,
Song le Bạc thị vốn duyên Hán hoàng. (7)
Bà xưng là người hiền cũng không ngoa : trong làng có người làm hại anh bà, nhưng khi vinh hiển, bà không thèm cậy quyền thế để trả thù, ai cũng khen phục bà là người độ lượng. Người ấy sau hết lòng phụng sự bà.
Tự xét về văn tài mình bà viết :
Nữ nhi dù đặng có thi (8),
Ắt là tay thiếp kém gì Trạng nguyên ?
Nếu quả bà thi đỗ năm 17 tuổi, thì hai câu này chắc viết khi còn trẻ lắm, vì một khi chính mình đã đỗ Trạng rồi thì không còn lý do gì để so sánh “kém gì Trạng nguyên” nữa ?
Trong làng có cậu ấm chọc ghẹo, bà ghét :
Sá gì vàng đá hỗn hào,
Thoảng đem cánh phượng bay cao Thạch thành (9)
Bà còn lập cho học trò Chí Linh một Văn Hội, ngày rầm, mồng một, họp tại nhà thờ họ bà ở làng Kiệt Đặc, đợi đầu bài của bà ở kinh cho chạy ngựa trạm đem về. Riêng sự kiện này cũng chứng tỏ chúa Trịnh quý trọng bà lắm mới cho dùng ngựa trạm là của công để phục vụ riêng cho học trò của bà ở huyện Chí Linh. Bài làm xong đóng hòm gửi về kinh, bà chấm rồi gửi trả. Bà lại xuất tiền cho người trưởng họ chu biện cơm nước cho sĩ tử hôm làm bài. Văn học Chí Linh thịnh là nhờ công không nhỏ của bà.
III. HAI BÀI TÍNH ĐỐ : Bà sinh năm nào và lấy chúa Mạc nào ? |
Sử sách của ta ít quan tâm tới tiểu sử các tác gia, riêng đối với phụ nữ càng tỏ ra mơ hồ đến nỗi một vị nữ Trạng nguyên có một không hai của ta mà sinh năm nào, mất năm nào, lấy chúa Mạc nào cũng không ai hay, đành phải phỏng đoán. Những sự kiện khiến ta có thể dựa vào để ước tính là :
Năm 10/20 tuổi bà lên Cao Bằng lánh nạn rồi cải trang đi học. Năm 17 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, lấy chúa Mạc, sau lại thờ hai chúa Trịnh Nghị Vương (1623-57) và Trịnh Dương Vương (1657-82). Năm Tân Mùi (1631) bà chấm thi cho Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu. 70 tuổi về làng dựng am “Đàm Hoa”. Mất năm 80 tuổi.
Tất cả những chi tiết này chỉ có chuyện Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu năm 1631 còn được xác nhận trong Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí.
Để tiện việc phỏng tính, chúng ta cần ôn lại sơ qua quãng lịch sử cuối thời nhà Mạc :
1592
– Mạc Mậu Hợp thua quân Trịnh, chạy trốn ở huyện Kim Thành (Hải Dương), rồi bị bắt và bị chém ở Thăng Long.
-Lúc ấy lòng dân vùng Đông Bắc (Hải Dương, Kinh Bắc v.v…) còn quy phụ nhà Mạc. Dư đảng nhà Mạc nổi lên khắp nơi, từ sông Nhị hà trở lên miền Bắc khói lửa liên miên, giặc cướp không yên, dân mất mùa, đói kém.
-Mạc Kính Chỉ chiếm Đông Triều, Thanh Lâm, xưng hiệu Bảo Định rồi Khánh Hựu ở Chí Linh. 1593 Mạc Kính Chỉ bị chém ở bến Thảo Tân (Bến Cỏ, Thăng Long).
-Mạc Kính Dụng, con Kính Chỉ, giữ Thái Nguyên, xưng Uy Vương, 1598 bị thắt cổ ở chợ cửa Đông (Thăng Long).
-Mạc Kính Chương chiếm Thiên Thi. 1596 bị giết…
1593
-Mạc Kính Cung xưng đế hiệu Càn Thống, giữ châu Yên Bác ở Lạng Sơn.
-Nhà Lê khôi phục Thăng Long, vua Lê Thế Tông về kinh sư.
1598
-Tháng 12, Mạc Kính Cung thua chạy sang Tầu từ 1594, được nhà Minh giúp ép Trịnh Tùng cho Kính Cung trấn ở Cao Bằng.
1600
-Bọn Phan Ngạn, Bùi văn Khuê làm phản theo về nhà Mạc, vua phải lánh đi Thanh Hoa.
-Mạc Kính Cung được Bùi thị, mẹ Mạc Mậu Hợp, đón về chiếm Đông Kinh (Thăng Long) dân theo vài vạn. Tháng 12, thua quân Trịnh Tùng, chạy sang Kim Thành.
1601
-Mạc Kính Cung lại thua, bỏ Kim Thành, trốn lên Lạng Sơn.
-Vùng Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc bình định.
1609
-Mạc Kính Cung chiếm Lạng Sơn rồi quấy rối Thái Nguyên, sau thua quân Trịnh phải chạy vào hang động ẩn náu.
1613
-Trịnh Tráng dẹp xong Yên Quảng, đi kinh lý vùng này.
1616 -Mạc Kính Cung nhường ngôi cho Mạc Kính Khoan (Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại) (Theo Lê Quý Đôn thì mãi đến 1621/23 Mạc Kính Khoan mới tiếm ngôi).
1618 -Mạc Kính Khoan chiếm Thái Nguyên, Cao Bằng, thua quân Trịnh Tráng, chạy trốn. 1621-23 -Mạc Kính Khoan xưng Khánh Vương, hiệu Long Thái, cùng Kính Cung chiếm giữ Cao Bằng, nhưng biệt lập (theo Lê Quý Đôn).
1623
-Trịnh Tráng lên ngôi, phải dẹp dư đảng của em là Trịnh Xuân, về đóng ở Thanh Hoa.
-Mạc Kính Khoan thừa cơ kéo quân đến Gia Lâm, dòm dỏ kinh sư, người theo hàng vạn, bị Trịnh Tráng đánh tan phải chạy về Cao Bằng
1625
-Mạc Kính Cung bị diệt. Mạc Kính Khoan xin làm phiên trấn, triều đình thuận nhưng bắt bỏ đế hiệu.
1638
– Mạc Kính Khoan mất, con là Kính Vũ lên ngôi, lại xưng đế hiệu Thuận Đức.
1657
-Trịnh Tráng mất, được truy phong Nghị Vương. Con là Trịnh Tạc (Dương Vương) lên nối ngôi.
1667
-Mạc Kính Vũ thua quân Trịnh Tạc, chạy trốn sang Tiểu Trấn Yên của nhà Thanh.
1669
-Nhà Thanh bắt Trịnh Tạc trả lại 4 châu ở Cao Bằng cho Mạc Kính Vũ.
1677
– Mạc Kính Vũ theo Ngô Tam Quế chống lại nhà Thanh. Quế mất, triều đình gửi thư cho nhà Thanh kể tội Kính Vũ. Khi Kính Vũ thua quân Đinh văn Tả chạy sang Long Châu, nhà Thanh bắt giao trả họ Trịnh. Nhà Mạc đến đây mới dứt.
A/ Câu hỏi thứ nhất : Bà sinh năm nào ?
a) Sớm nhất vào năm 1589
Mãi đến tháng 12 năm 1598, Mạc Kính Cung mới dựa thế nhà Minh, được về trấn đóng ở Cao Bằng. Gia đình bà chỉ có thể di cư lên Cao Bằng sớm nhất vào năm sau (1599), khi ấy bà mới 10 tuổi :
1599 – 10 = 1589
b) Muộn nhất vào năm 1591
– Bà chỉ phò hai chúa Trịnh thì muộn nhất phải mất cùng năm với Trịnh Tạc (1657-82), nếu mất sau 1682 thì thành “nhất kính chiếu tứ vương” chứ không phải “tam vương” nữa. Nếu bà mất vào năm 1682, thọ 80 tuổi, thì bà sinh muộn nhất vào năm :
1682 – 80 = 1602
10 tuổi theo cha lên Cao Bằng tức là vào năm :
1602 + 10 = 1612
Khi ấy Hải Dương, quê bà, đã bình định từ 1601, thì gia đình bà còn chạy lên Cao Bằng làm gì ? Tất nhiên không phải bà sinh năm 1602.
– Gia đình bà chạy lên Cao Bằng muộn nhất phải vào đầu năm 1601, ngay trước khi Hải Dương bình yên, như vậy bà sinh muộn nhất vào năm :
1601 – 10 = 1591
c) Bà sinh năm 1590
Nguyễn Trọng Thuật viết :”Năm 20 tuổi, nhà Lê khôi phục Thăng Long, bà theo cha lên Cao Bằng …”. Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, nhà Lê “khôi phục” Thăng Long ba lần :
1. Năm 1593, sau khi Mạc Mậu Hợp chết, lúc ấy Mạc Kính Cung chưa trấn đóng Cao Bằng, tất nhiên gia đình bà không chạy lên Cao Bằng, lên với ai ?
2. Năm 1623, Nghị Vương Trịnh Tráng mới lên ngôi, đang lo diệt dư đảng Trịnh Xuân, kinh thành rối loạn, phải bỏ về Thanh Hoa. Mạc Kính Khoan nhân cơ hội tiến quân đến Gia Lâm, dòm dỏ kinh sư, nhưng một tháng sau bại trận, bỏ chạy về Cao Bằng, quân Trịnh chiếm lại Thăng Long. Nếu khi ấy bà 20 tuổi, thì bà sinh năm :
1623 – 20 = 1603
Thọ 80 tuổi, tức là bà mất năm 1683, sau Dương Vương một năm, trường hợp này lại rơi vào cảnh “nhất kính chiếu tứ vương”, không ổn.
3. Năm 1600, bọn Phan Ngạn, Bùi văn Khuê làm phản, theo nhà Mạc, vua Lê phải lánh về Thanh Hoa, Mạc Kính Cung toan chiếm giữ Thăng Long, nhưng thua quân Trịnh, phải chạy đến Kim Thành, rồi lên Lạng Sơn. Nếu năm ấy bà 20 tuổi thì bà sinh :
1600 – 20 = 1580
Cho là bà lấy Nghị Vương ngay khi mới lên làm chúa (1623) thì lúc ấy bà đã :
1623 – 1580 = 43 tuổi
e già quá, chắc chúa Trịnh không nạp cung.
Có lẽ Nguyễn Trọng Thuật sơ ý viết nhầm 10 tuổi thành 20 tuổi, vì các sách khác đều ghi bà lên Cao Bằng năm 10 tuổi. Nếu bà lên Cao Bằng năm 10 tuổi thì bà sinh năm :
1600 – 10 = 1590
Kiểm chứng lại :
Nếu qủa bà sinh năm 1590 thì trước hết không phản với thuyết trình bầy trên đây cho bà sinh sớm nhất năm 1589, muộn nhất năm 1591. Những chi tiết khác cũng đều phù hợp :
1600 , Bà 10 tuổi, lên Cao Bằng. Khi ấy nhà Lê vừa khôi phục Thăng Long, Hải Dương chưa bình định, mà Mạc Kính Cung thì đã trấn đóng Cao Bằng được hơn một năm, đủ thì giờ ổn định tình thế, lại có nhà Minh ủng hộ đằng sau, lòng dân còn quy phục nhà Mạc, gia đình bà chạy lên Cao Bằng là phải.
1607 , Bà 17 tuổi, đã lên Cao Bằng và cải trang đi học được 7 năm, đủ sức đi thi. Mạc Kính Cung chiếm giữ Cao Bằng đưọc 9 năm, đủ thì giờ tổ chức khoa cử.
1609 , Mạc Kính Cung thua quân Trịnh phải chạy vào hang động ẩn náu, tất bà cũng chạy theo, cho nên quân Trịnh mới bắt được bà ở trong rừng, nhưng không rõ vào năm nào. Trịnh Tráng mãi đến năm 1623 mới chính thức làm chúa, và đến khi chết (1657) mới được truy phong làm Nghị Vương. Câu “quân đem bà về nộp chúa Trịnh Nghị Vương…”rất tối nghĩa. Nếu quả bà bị bắt khi Trịnh Tráng mới lên làm chúa (1623) thì lúc ấy bà vừa 33 tuổi, kể ra cũng còn trẻ, có thể được nạp cung. Chỉ sợ bà bị bắt từ trước, quân đem về nộp không phải cho chúa Trịnh Tùng, mà là nộp cho Trịnh Tráng, lúc ấy là Thanh quận công, tuy chưa làm chúa nhưng từ 1612 đã thống lãnh quân đội đi dẹp họ Mạc mấy lần, Tráng là người sau này sẽ làm chúa và được phong tước Nghị Vương.
1631 , Bà 41 tuổi, đủ già dặn để khảo duyệt lại các bài văn thi Đại khoa, Nguyễn Thọ Xuân nhờ bà được đỗ đầu.
1670 , Bà mất năm 80 tuổi, trước Dương Vương Trịnh Tạc 12 năm, hợp câu “nhất kính chiếu tam vương”.
B. – Câu hỏi thứ hai : Bà lấy chúa Mạc nào ?
Bà chỉ có thể lấy một trong ba chúa Mạc đã chiếm giữ Cao Bằng là :
– Mạc Kính Cung, con Kính Điển, Điển là cháu gọi Mạc Đăng Dung bằng ông,
– Mạc Kính Khoan, cháu gọi Kính Cung bằng chú,và là cha của Kính Vũ,
– Mạc Kính Vũ, cũng gọi là Kính Hoàn, là con của Kính Khoan.
a) Bà không thể lấy Mạc Kính Vũ (1638-77)
Mãi đến 1638 Kính Vũ mới lên ngôi mà 1631 bà đã theo về chúa Trịnh và chấm thi ở Thăng Long, tất nhiên không phải Vũ cho bà đỗ Trạng, và bà tất không lấy Vũ.
b) Bà cũng không thể lấy Mạc Kính Khoan
(1616/21/23-38)
– Cho là bà lấy Kính Khoan từ khi Khoan mới lên Cao Bằng (1616) và tổ chức thi cử ngay, thì năm ấy bà đã :
1616 – 1590 = 26 tuổi
26 tuổi mới thi đỗ thì không lấy gì làm sớm đối với một người nổi tiếng là thông minh xuất chúng; 26 tuổi mới xuất giá thì lại càng không sớm đối với một phụ nữ thời xưa, thứ nhất lại là một người rất đẹp, càng vô lý.
– Nếu 17 tuổi bà thi đỗ và lấy chúa Mạc, tất phải vào năm :
1590 + 17 = 1607
Khi ấy Mạc Kính Khoan chưa lên Cao Bằng và có thể cũng chưa chính thức lên ngôi. Theo Lê Quý Đôn, sau khi Mạc Mậu Hợp chết, Kính Khoan còn lẩn quất trên 20 năm ở vùng Đại Từ, Vũ Nhai, rồi mới lên Cao Bằng. Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại chép :”năm 1616 Kính Cung nhường ngôi cho con là Kính Khoan” tính ra cũng trên 20 năm sau khi Mạc Mậu Hợp bị chém ở Thăng Long. Nếu 1616 Khoan mới lên Cao Bằng thì tất nhiên Khoan không phải là người cho bà đỗ Trạng, và bà cũng không lấy Khoan.
c) Bà chỉ có thể lấy Mạc Kính Cung nếu bà thi đỗ và lấy chúa Mạc ở Cao Bằng năm 1607, khi ấy Kính Khoan chưa lên Cao Bằng, và Kính Vũ chưa lên ngôi.
Câu “nhà Mạc mất, bà theo về chúa Trịnh Nghị Vương” không đúng, phải sửa lại là :” Mạc Kính Cung bại trận, bà trốn theo vào rừng, bị quân Trịnh bắt, nộp cho Trịnh Tráng (sau này làm chúa và khi chết được phong tước Nghị Vương). Nhà Mạc chỉ “mất” với Mạc Kính Vũ.
Sau đây là bảng tóm tắt những năm đáng ghi nhớ trong đời bà (nếu có lầm, chắc cũng chỉ xê dịch khoảng 10 năm) :
1590 , Sinh ở làng Kiệt Đặc.
1600 , 10 tuổi, lên Cao Bằng tị nạn.
(1607) , 17 tuổi thi đỗ, lấy Mạc Kính Cung (có thể thi đỗ lấy Mạc Kính Cung muộn hơn mấy năm).
(1623) , 33 tuổi, lấy Trịnh Tráng (có thể lấy từ trước).
(1631) , 41 tuổi, chấm thi ở Thăng Long, cho Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu.
1660 ,70 tuổi về làng, dựng am “Đàm Hoa” để ở.
1670 , Mất năm 80, táng ở núi Trì Ngư, làng Kiệt Đặc.
Châtenay-Malabry tháng 5, 1990
(Văn học, số 53-54, tháng 7 & 8, 1990)
Chú thích :
1. Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Hoan, tr. 30.
2. Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, tr. 159.
Sử Ký Toàn Thư IV, 189 chép Nguyễn thị Niên là vợ Bùi văn Khuê, vì có chị lấy Mạc Mậu Hợp, thường ra vào trong cung. Hợp thấy đẹp, mưu giết Khuê để toan chiếm.
3. Đông Châu, Nam Phong số 24. Có thể tên này do chúa Trịnh đặt cho, vì các cung tần của vua Lê, chúa Trịnh, tên đệm chữ “Ngọc”.
4. Các sách đều chép bà đỗ thủ khoa, một vài chỗ nói bà đỗ Trạng nguyên, không rõ đó là sự thực hay thấy nói đỗ thủ khoa vội cho ngay là phải đỗ Trạng ? Nhà Nguyễn có lệ không lấy ai đỗ Trạng nguyên, song nhà Mạc hầu như khoa nào cũng lấy người đỗ Trạng, nên tôi cũng để bà đỗ Trạng cho thích hợp với truyền thống nhà Mạc.
5. Đại Nam Nhất Thống Chí chép :”Vua Lê triệu vào dậy cung nữ, phong cho tước hiệu là Nghi Ái quan”.
6. Theo Vũ Phương Đề thì đến thế kỷ 18, văn thơ bà đã thất lạc gần hết. Nguyễn Trọng Thuật viết trong Nam Phong số 161 : “Sách này (Gia ký) còn truyền đến gần đây mới mất” không rõ tác giả có bằng chứng hay chỉ chép theo họ Vũ mà quên rằng với họ Vũ thì “gần đây” có nghĩa là thế kỷ thứ XVIII, còn vói họ Nguyễn thì “gần đây” có nghĩa là đầu thế kỷ thứ XX ?
7. Có bản chép :
Kém vì một chút đảo điên,
Song le Bạc thị vốn duyên Hán thần.
8. Có bản chép :
Nữ nhi dù đặng có rầy
9. Có bản chép :
Giận loài vàng đá hỗn hào
Nguyễn Trọng Thuật kể là “một ông quan trong làng đến hỏi, bà giận, viết câu này”. Thiết tưởng nếu ông quan dến hỏi là có đủ nghi lễ, nếu bà không thuận thì thôi, cớ sao lại ghép cho người ta tội “hỗn hào” ? Thuyết “cậu ấm chọc ghẹo” hợp lý hơn.
Sách tham khảo :
– Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại, Hà Nội : Khoa Học Xã Hội, 1987.
– Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, Hà Nội : Văn Hoá, 1985.
– Đại Nam Nhất Thống Chí, III, tr. 437, Hà Nội : Khoa Học Xã Hội, 1971.
– Đồ Nam (Nguyễn Trọng Thuật), “Bà Sao Sa, Nữ Trạng nguyên”, Nam Phong số 161, 9-1931, tr. 342-4.
– Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), “Bà Lễ Phi Nguyễn Thị”, Nam Phong số 24, 6-1919, tr. 501-2.
– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, XV & XVI, Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
– Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Hà Nội : Khoa Học Xã Hội, 1978.
– Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, IV, Hà Nội : Khoa Học Xã Hội, 1968.
– Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1963.
– Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, Hà Nội : Sử Học, 1961.
– Quỳnh Cơ, Mai Quốc Liên, Văn Phác, Chuyện Hay Sử Cũ, Hà Nội : Thanh Niên, tr. 24-6, 1989.
– Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Hoan, Hà Nội : 1985.
– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Saigon : Tân Việt, 1953.
– Vũ Phương Đề, Công Dư Tiệp Ký, Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Dịch giả : Nguyễn Đình Diệm.
Tập III, tr. 118-22 “Lễ phi sinh thông tuệ…”
Tập III, tr. 34-41 “Nguyễn Công Thọ Xuân”
*
* *
Bài này viết năm 1990, đến 1993 tôi được đọc “Bà Tiến sĩ thời Mạc” (Những bà giáo thời xưa, Hà Nội: Phụ nữ, 1988) của Đỗ thị Hảo cho biết bà Nguyễn thị Duệ đỗ Tiến sĩ ở Cao Bằng thời Mạc Kính Cung, khoa Bính Thìn (1616). Chính ra Chí Linh Phong Vật Chí chép bà Duệ đỗ năm Mậu Thìn, tức là 1628 hay 1688, song theo Đỗ thị Hảo thì có lẽ Mậu Thìn không đúng vì từ 1628 đến 1644 quân Trịnh không đánh nhau với quân Mạc trận nào, mà năm 1631 thì bà Duệ đã ở Thăng Long cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ, có lẽ vì thế, dựa vào chữ “Thìn” Đỗ thị Hảo đã đổi Mậu Thìn sang Bính Thìn ?
Có điều không ổn là từ 1609, Mạc Kính Cung đã thua quân Trịnh phải chạy vào hang động ẩn náu. Việc bà chạy trốn theo vào rừng rồi bị quân Trịnh bắt nộp Trịnh Tráng chứng tỏ khi ấy bà đã thành hôn với Kính Cung, tức là bà đã đỗ Trạng từ trước.
Nếu Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại chép đúng thì 1616 Mạc Kính Cung nhường ngôi cho Kính Khoan, thế thì còn tổ chức thi cử kén người làm gì ?
Chữ “Thìn” chưa chắc là đúng, nay ta thử căn cứ vào chữ “Mậu”và đổi Mậu Thìn sang Mậu Thân (1608) thì thấy nó không xa với thời điểm tôi tính là mấy (1607). Tuy nhiên, vì dựa vào Chuyện Hay Sử Cũ, nói bà đỗ năm 17 tuổi (xét ra có lý bởi bà rất thông minh), nhưng lại là đỗ ở… Thăng Long và vào cuối thời nhà Mạc (1527-1592) cho nên tôi đã dè dặt đặt (1607) trong ngoặc đơn, có nghĩa là có thể muộn hơn mấy năm.
Ngoài ra bà Đỗ thị Hảo còn cho biết thầy học của bà Du họ Cao và câu “nhất kính chiếu tam vương”còn có thể hiểu là bà Du sống dưới triều ba vì vua Lê, tức là :
Lê Thần tông :1619-42 rồi 1649-62
Lê Chân tông :1643-48
Lê Huyền tông : 1663-71
Hoặc trải qua ba đời chúa Trịnh :
Trịnh Tráng : 1623-57
Trịnh Tạc : 1657-82
Trịnh Căn : 1682-1709
Hoặc ba vương triều, tức là triều nhà Lê, triều nhà Mạc và cả triều các chúa Trịnh nữa.
Trước hết, “chiếu tam vương” mà hiểu là “tam vương triều” thì có lẽ hơi gượng ép.
Còn nói bà “sống”, với nghĩa “phục vụ” dưới triều ba vua Lê Thần tông, Chân tông, Huyền tông thì có thể được vì cộng cả ba đời vua là :
1671 – 1619 = 52 năm.
Ta đã biết bà thọ 80 tuổi, vậy thì 28 năm còn lại gồm 18 năm đầu đời khi bà còn đi học và 10 năm cuối đời khi bà đi tu, không phục vụ ai cả.
Về các chúa Trịnh nếu kể bà sống dưới Trịnh Căn e không ổn vì Trịnh Căn lên ngôi năm 1682, cho là bà chỉ phục vụ Căn có một năm rồi đi tu thì bà mất năm :
1682 + 10 = 1692
Và sinh năm :
1692 – 80 = 1612
Vậy thì làm thế nào đỗ năm 1608 (theo tôi tính) hay 1616 (theo bà Hảo tính) được ? Bà phải sống dưới thời Trịnh Tùng (1571-1623) và Trịnh Tráng, Trịnh Tạc mới hợp lý.
Suy nghĩ kỹ, tôi vẫn thấy “tam vương” trỏ vào Mạc Kính Cung, Trịnh Tráng và Trịnh Tạc đúng hơn cả.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.