- Đang online: 2
- Hôm qua: 1111
- Tuần nay: 19028
- Tổng truy cập: 3,370,525
NGƯỜI PHỤ NỮ VƯỢT BIỂN ĐÔNG ĐƯA GỐM VIỆT NAM THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI 774
- 231 lượt xem
Điện thờ Bà Bùi Thị Hý
trong Công ty Gốm Chu Đậu
NGƯỜI PHỤ NỮ
VƯỢT BIỂN ĐÔNG
ĐƯA GỐM VIỆT NAM
THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Nói về chuyện đi biển của bà Bùi Thị Hý, người ta khó có thể tin được rằng từ thế kỷ XV đã có một người phụ nữ Việt Nam đã đem thương thuyền vượt sóng gió biển Đông để đưa hàng hoá (chủ yếu là đồ gốm) của quê hương mình sản xuất đi bán khắp thế giới. Bởi lẽ, nhân loại ngày nay mới chỉ biết đến Christophe Colomb (1450-1506), người đầu tiên bắt đầu cuộc hành trình từ cảng Palot Tây Ban Nha căng buồm vòng quanh thế giới để đi tìm vùng đất mới. Trước đó, nhà thám hiểm Trịnh Hoà (1371-1435) của Trung Quốc với 7 cuộc hải hành xuyên Ấn Độ Dương để đưa gốm sứ Trung Hoa đổ bộ ào ạt lên xứ Bắc Phi. Khi Christopphe Colomb bắt đầu cuộc hành trình thì bà Bùi Thị Hý đã cho tàu cập bến nhiều thương cảng quốc tế, quyết định trở về quê nhà (Quang Ánh – Gia Lộc – Hải Dương) xây chùa Viêm Quang ẩn tuổi già (73 tuổi).
CHỨNG CỨ KHẢO CỔ HỌC LỊCH SỬ
Mới đây, giới khảo cổ học lịch sử vô tình tìm được tấm la bàn bằng đá cẩm thạch ngay trên mảnh đất mà gia đình cụ thân sinh ra nghệ nhân – doanh nhân Bùi Thị Hý đã sinh sống buổi sinh thời và gần với nơi đặt sinh phần bà Bùi Thị Hý. La bàn có kích thước: 17 x 17 x 7 cm, có khắc ghi dòng chữ: “Châm bàn Chu Hải Khứ, Bùi Thị Hý” – Nghĩa là bàn kim chỉ đường đi thuyền biển của Bùi Thị Hý. Rất có thể tấm la bàn này là do người đời sau mô phỏng lại từ la bàn gốc của nghệ nhân Bùi Thị Hý mà thôi nên dường như không giá trị sử dụng. Tuy nhiên, căn cứ vào hình vẽ trên la bàn, các nhà hải dương học khẳng định về nguyên lý chỉ đường đi biển thì hoàn toàn tương tự như những chiếc la bàn đi biển thời Christophe Colomb ở châu Âu. Cũng trong khu vực này, người ta còn tìm thấy viên gạch khắc chìm chân dung một phụ nữ quý tộc có nét tương đồng với tượng nữ quý tộc bằng gốm trên những con tàu gỗ bị đắm vào giữa thế kỷ XV ở biển Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam)… Năm 1980, ông Makôtô Anabuki, nguyên là Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, khi về Bộ Ngoại giao Nhật Bản công tác, trong một lần công cán tại Thổ Nhĩ Kỳ, thấy một bình gốm hoa lam trưng bày trong bảo tàng quốc gia Takapisaray ở Istambun, cao 54 cm ở vai có đề 13 chữ Hán “Thái Hoà bát niên, Nam Sách, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” – Nghĩa là “Năm Thái Hoà thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, người thợ gốm Bùi Thị Hý vẽ” (chiếc bình gốm hoa lam này được mua bảo hiểm với số tiền lên tới 1 triệu USD). Nhà ngoại giao Nhật Bản ngờ ngợ rằng đây là đồ gốm của Việt Nam chứ không phải như người phương Tây lầm hiểu là của Trung Quốc. Lập tức ông Makôtô Anabuki viết thư cho ông Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, đề nghị được liên hệ với các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu mỹ thuật địa phương nhờ xác minh Nam Sách châu ở thế kỷ XV là vùng đất nào ở tỉnh Hải Dương bây giờ? Bà Bùi Thị Hý là người học đồ gốm ở đâu và di tích lò đó hiện nay ở chỗ nào?…
Trong bài “Một câu hỏi về gốm cổ Việt Nam, sau 26 năm đã được trả lời”, học giả Tăng Bá Hoành cho biết: bà Bùi Thị Hý, sinh năm Canh Thân (1420) ở làng Quang Tiền (xã Đồng Quang), huyện Gia Lộc, là cháu nội khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng (một trong 18 người tham dự hội thề Lũng Nhai năm 1416). Bà Bùi Thị Hý là trưởng nữ của tướng quân Bùi Đình Nghĩa, người đã anh dũng hy sinh trong trận vây đánh thành Đông Quan. Là một phụ nữ tài năng, văn hay, chữ tốt và có biệt tài về hoạ, Bùi Thị Hý từng giả trai thi đỗ tam trường, khi đình bị phát giác, đuổi khỏi trường thi. Căn cứ năm sinh của bà, người đời sau cảm đoán rằng rất có thể Bùi Thị Hý tham dự kỳ thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442), kỳ thi mà Nguyễn Trãi làm Đề Hiệu. Do là cái không may và nghiệt ngã chốn trường thi phong kiến lại trở thành cái may cho nghề gốm sứ Việt Nam theo như nhận xét của học giả Tăng Bá Hoành. Bà Bùi Thị Hý lấy ông Đặng Sĩ, một đại gia chuyên làm đồ gốm làng Chu Nhẫm (sau đổi thành Chu Đậu), huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương… Cùng với thời gian hàng chục nghìn mét vuông đất ở Chu Đậu – Nam Sách được các nhà khảo cổ học Việt Nam, Úc, Nhật Bản… xới tung để tìm tung tích các lò gốm cổ có địa danh trên vai chiếc bình hoa lam đắt giá nhất thế giới thì ở vùng biển miền Trung của Việt Nam là các công ty trục vớt trong nước và nước ngoài cùng với các học giả, chuyên gia khảo cổ hàng đầu Việt Nam và Thế giới tham gia khai quật, trục vớt con tàu đắm ở biển Cù Lao Chàm. Cuộc khai quật tốn kém và kéo dài gần 16 tháng này, có sự hỗ trợ tích cực của chuyên gia Trung tâm khảo cổ học dưới nước Oford – Vương quốc Anh và Công ty Saga – Malayxia đã thu về hơn 40 vạn cổ vật quý giá, phần nhiều có nguồn gốc từ lò gốm Chu Đậu. Theo các nhà khoa học, đây là con tàu gỗ bị đắm vào giữa thế kỷ XV. Nhưng điều kỳ lạ là bị ngâm dưới biển sâu 70 mét mà những thứ mang theo vẫn còn khá nguyên vẹn. Đó là nhãn lồng Hưng Yên, không phải là long nhãn (khô không hạt) mà là nhãn tươi của thủy thủ đoàn mang theo chưa kịp ăn hết thì gặp nạn.
NÉT ĐẸP CHÂU THỔ SÔNG HỒNG
Chu Đậu ngày nay là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Thời Hậu Lê là một xã nhỏ (Chu Nhẫm) thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, nằm ở tả ngạn sông Thái Bình giáp làng Đặng Xá (nay là Mỹ Xá) ở phía tây sông Kè Đá, một sông nhỏ chảy qua phía bắc Chu Đậu, qua Mỹ Xá ra sông Thái Bình tạo đường giao thông thuận lợi (sông Kè Đá nay đã bị bồi đắp do đê sông Thái Bình chặn lại). Tàu thuyền từ Chu Đậu rất dễ dàng đi lấy hàng của lò gốm làng Ngói, lò gốm Cậy ở Bình Giang – Hải Dương, rồi đưa hành tới Phố Hiến, Thăng Long, Domea – Tiên Lãng (Hải Phòng)…bằng sông hệ thống sông Thái Bình. Chu Đậu là một trung tâm sản xuất gốm sứ phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI, với số lượng lớn, chất lượng cao, loại hình phong phú. Chu Đậu kế thừa và phát triển nghề gốm sứ thời Lý – Trần, là trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp phục vụ cho cung đình và xuất khẩu. Gốm sứ Chu Đậu phong phú về loại hình, đa dạng về chủng loại với 3 dòng chính là gốm men ngọc, gốm men nâu và gốm trắng vẽ lam. Gốm trắng vẽ lam có số lượng nhiều nhất. Điểm mạnh của sản phẩm gốm Chu Đậu là trên hoa văn trang trí thể hiện đậm đà tâm hồn, phong cách dân tộc Đại Việt, phản ánh cuộc sống và thiên nhiên một cách sinh động, nhất là những nét văn hoá châu thổ sông Hồng. Ấn tượng nhất là các hoạ tiết trang trí hình người đội nón, tà áo phụ nữ, mục đồng chăn trâu, cành đào đầy hoa nụ với những chú chim nhỏ ngơ ngác trước cảnh xuân sang; từng đàn chim ngói, chim cu sải cánh bay trên ruộng đồng bao la; chim bồ nông, vịt trời bơi lội trên mặt nước; những con cò lặng lẽ kiếm ăn; vài chú chích choè nhảy nhót trong vườn tìm sâu bọ; những đàn cá bơi lội tung tăng dưới làn nước trong; những mái nhà tranh giản dị ven sông…
Gốm hoa lam ở Chu Đậu khá phong phú về loại hình, bao gồm: bát đĩa, âu, ấm, chén, liễn có nắp, bình, chậu, bình tỳ bà, tước, hộp có nắp, lọ nhỏ…với hoa văn trang trí khá đa dạng: sen dây, cúc, mai, hoa đồng tiền, chim cá, phong cảnh…Men gốm trang trí bằng nhiều màu khác nhau, phổ biến là men màu trắng trong, men lam, xanh ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nâu. Đặc biệt có loại sản phẩm trang trí 5 màu men: nền trắng trong, xanh lam (dưới men), xanh lục, vàng, đỏ (trên men). Tuy đồ gốm có 5 màu vẫn gọi là tam thái (chí có ba màu nhẹ lửa vẽ sau cùng là vàng, xanh lục và đỏ), là mặt hàng gốm sứ cao cấp của Việt Nam thế kỷ XV-XVI. Xương gốm trắng đục, có loại màu xám nhạt, nhiều loại sản phẩm đạt chất lượng của sứ. Đặc biệt, những loại côn trùng cùng hoa lá sinh động đã được các nghệ nhân thể hiện trên gốm bằng nét bút thần kỳ, phóng khoáng. Nhiều sản phẩm xuất khẩu được trang trí như những bức tranh, dù trải qua 4-5 thế kỷ mà vẫn còn mới và đẹp. Gốm Chu Đậu bắt đầu biết đến từ thế kỷ XV, nhưng phải đến cuối thế kỷ ấy và sang thế kỷ XVI, nó mới phát triển hoàn thiện để rồi suy tàn vào nửa cuối thế kỷ XVII. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 40 viện bảo tàng danh tiếng ở khắp các châu lục đang lưu giữ và trưng bày gốm Chu Đậu, còn sự góp mặt của gốm sứ Chu Đậu trong các sưu tập cá nhân thì không thể kiểm đếm được. Gốm Chu Đậu nổi tiếng đến mức đầu năm 2006 một công ty của Bưu điện Hoa Kỳ cho ra đời một mẫu tem in hình một chiếc đĩa gốm cổ Chu Đậu có chữ Kim Ngọc. Chắc hẳn ít người biết rằng có chiếc bình tỳ bà tam thái (cao 27cm) vốn sinh ra từ đất, được nhào nặn qua khối óc, bàn tay và nung qua lửa đỏ ở làng gốm Chu Đậu được bán với giá 52.000 USD (qua sàn đấu giá ở Vương quốc Anh)…
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.