- Đang online: 1
- Hôm qua: 736
- Tuần nay: 16919
- Tổng truy cập: 3,369,335
NGHỆ AN – TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH VỀ SỨC SỐNG CỦA HỌ MẠC VIÊT NAM
- 334 lượt xem
NGHỆ AN – TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH
VỀ SỨC SỐNG CỦA HỌ MẠC VIÊT NAM
Mạc Văn Trang
Tôi may mắn được GS TSKH Phan Đăng Nhật, chủ nhiệm đề tài khoa học: “Nghiên cứu về họ Mạc ở Nghệ An và sự đóng góp của con cháu gốc Mạc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương” mời đọc, góp ý báo cáo tổng kết đề tài (BCTK).
Đề tài khoa học cấp tỉnh (Nghệ An) với kinh phí eo hẹp, thời hạn hai năm, nhân lực lực ít ỏi, đi lại vất vả giữa Hà Nội và Nghệ An …, nhưng kết quả thật đáng khâm phục. Bản báo cáo Tổng kết đề tài với 211 trang A4, chưa kể phần Phụ lục nhiều tư liệu và hình ảnh phong phú. Nội dung bao quát của báo cáo được thể hiện ở Chương1: Nghệ An – nơi an cư và phát triển của họ Mạc; Chương 2: Truyền thống của họ Mạc ở Nghệ An; Chương 3: Họ Mạc ở Nghệ An trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương; Chương 4: Những giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dòng họ Mạc ở Nghệ An; Chương 5: Kết luận và kiến nghị. Báo cáo này được biên tập, sửa lỗi kỹ thuật, có thể xuất bản thành một chuyên khảo có giá trị. Đối với họ Mạc Việt Nam, có thể coi đây là một nghiên cứu trường hợp (case stady) rất điển hình.
Tôi không chuyên về Lịch sử, không dám nhận xét sâu về góc độ chuyên môn, chỉ muốn nêu lên những cảm nhận về giá trị của kết quả nghiên cứu làm sáng rõ thêm sức sống của họ Mạc ở Việt Nam.
1. Từ Long Động – Cổ Trai đến Thăng Long
Ở Việt Nam có hai dòng họ Mạc. Phía Nam bắt đầu có Mạc Cửu (鄚玖,[1] hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖)[2]: 1655 – 1735); là một thương gia người Hoa, vì chống đối nhà Thanh nên chạy đến khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ 18 ở Việt Nam và thần phục chúa Nguyễn. Ông có công lớn nên được chúa Nguyễn trọng dụng, được nhân dân địa phương lập đền thờ phụng…[1] Nhưng dòng họ này đến nay hầu như không còn gia phả, không rõ các thế hệ nối tiếp ra sao[2].
Dòng họ Mạc ở miền Bắc Việt Nam phát tích từ thôn Long Động, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nổi lên từ thời nhà Lý, có Mạc Hiển Tích (chữ Hán: 莫顯績). Ông là người đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính Dần, 1086) thời vua Lý Nhân Tông.. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Hàn lâm học sĩ rồi thăng lên đến Thượng thư. Mạc Hiển Tích còn có người em là Mạc Kiến Quan, cũng đỗ Tiến sĩ làm quan đồng triều. Như vậy nếu tính từ Mạc Hiển Tích, họ Mạc Việt Nam phát tích từ Long Động có nguồn gốc khoa bảng, tới nay đã gần một nghìn năm.
Cháu 5 đời của Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi (chữ Hán: 莫挺之; 1280-1346), tên tự là Tiết Phu (節夫), đỗ trạng nguyên khoa thi Giáp Thìn (1304), đời vua Trần Anh Tông.Ông làm quan tới chức Thương thư dưới 3 triều vua: Anh Tông (1293-1314), Minh Tông (1314-1329), Hiến Tông (1329-1341). Hai lần ông được cử đi sứ sang Tầu, do tài ứng đối siêu việt, ông được vua Nguyên phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trung Hoa và Đại Việt). Ông là một nhân cách lớn của hiền tài Đại Việt, được truyền đời ngợi ca.
Cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đăng Dung (莫登庸), sinh giờ ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (1483). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, đỗ lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục. Năm 1511, đời vua Lê Tương Dực thăng ông làm Đô chỉ huy sứ tước Vũ Xuyên bá. Năm 1524, Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương[3]. Ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất vua Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng cho Mạc Đăng Dung có đoạn viết: “Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc Quốc gia nhiều nạn, Trịnh trung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho…”
Cố GS Trần Quốc Vượng:
“…Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. Triều đình Lê-Trịnh đối địch với triều Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI, và còn tiếp tục đối địch với triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng ba đời nữa cho đến hết nửa đầu thế kỷ XVII; do vậy sử thần nhà Lê-Trịnh bôi xấu triều Mạc là chuyện tất nhiên. “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình…
Mạc Đăng Dung lấy ngôi vua nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà là từ những vua Lợn, vua Quỷ…Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo…Toàn thư (tập IV, KHXH, 1968, tr 118) chép: “Bấy giờ thần dân trong nước theo Mạc Đăng Dung đều đón vào kinh sư”. Bài chiếu nhường ngôi, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo viết, việc ấy là “theo lẽ phải”! Lễ phải chính trị, nhân văn…”[4]
Mạc Đăng Dung chỉ làm vua ba năm (1527 đến hết năm 1529) với niên hiệu Minh Đức rồi nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng và chú tâm xây dựng thành phố Dương Kinh vươn ra biển.
Như thế là Long Động khai khoa bảng, Cổ Trai khai đế nghiệp. Nên có đôi câu đối:
Long Động văn chương quang nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà
2. Vương triều Mạc ở Thăng Long
Nhà Mạc lên ngôi, trị vì ở Thăng Long truyền được 6 đời, 65 năm (1527 đến 1592). Giai đoạn lịch sử này của Việt Nam thường gọi là thời kỳ Lê-Mạc phân tranh hay thời kỳ Nam-Bắc triều của Đại Việt.
Các vua nhà Mạc ở Thăng Long
Miếu hiệu | Niên hiệu | Tên | Sinh- Mất | Trị vì |
Thái Tổ | Minh Đức | Mạc Đăng Dung | 1483?-1541 | 1527–1529 |
Thái Tông | Đại Chính | Mạc Đăng Doanh | ?-1540 | 1530–1540 |
Hiến Tông | Quảng Hòa | Mạc Phúc Hải | ?-1546 | 1541–1546 |
Tuyên Tông | Vĩnh Định(1547) Cảnh Lịch(1548-1553) Quang Bảo(1554-1561) |
Mạc Phúc Nguyên | ?-1561 | 1547–1561 |
Thuần Phúc(1562-1566) Sùng Khang(1566-1578) Diên Thành(1578-1585) Đoan Thái(1586-1587) Hưng Trị(1588-1590) Hồng Ninh(1591-1592) |
Mạc Mậu Hợp | ?-1592 | 1562–1592 | |
Vũ An | Mạc Toàn | ?-1592 | 1592–1592 |
Với quan niệm của các sử gia phong kiến, nhà Mạc bị coi là “cướp ngôi”, là “ngụy triều”, chỉ được “phụ chép” trong chính sử và bị tuyên truyền miệt thị, tạo nên định kiến xã hội nặng nề suốt mấy trăm năm. Ngày nay nhiều vấn đề đã được giới nghiên cứu làm sáng tỏ.
– Chuyện “cướp ngôi”, “thoán nghịch”, “ngụy triều” đã được giải quyết dứt điểm. Các nhà nghiên cứu đều đánh giá, nhà Lê đã suy vong, Mạc Đăng Dung lên Ngôi là tất yếu lịch sử, là một tiến bộ. Nhà sử học Lê Văn Hòe: “… Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung – vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao”[5]. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (NXB GD, 2010), phần về nhà Mạc đã được biên soạn ở chương IV, NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI MẠC với 78 trang và 3 trang ở mục “Khởi nghĩa nông dân” nói về Hoàng Công Chất.
– Chuyện dâng đất cho nhà Minh cũng đã được xác định rõ là “trả khống” mấy động của Trung Quốc đã thuộc về họ từ thời Lê sơ.[6]
– Chuyện đầu hàng trước 22 vạn quân Minh do tướng Mao Bá Ôn và Cừu Loan chỉ huy, áp sát biên giới (1540) ngày càng được thấu cảm và đánh giá khách quan. Với bản tính nhà võ, chắc Mạc Đăng Dung khao khát muốn vung đại Long đao lên làm một trân quyết chiến rồi chết cũng thỏa lòng. Nhưng trước tình cảnh thù trong (Lê – Trịnh mời người Minh vào và làm nội ứng) với giặc ngoài (22 vạn quân Minh lăm lăm “hỏi tội”), thì Mạc Đăng Dung đành chịu nhục để cứu cứu nhân dân, đất nước khỏi một cuộc chiến tranh tàn khốc. Nhưng một bi kịch quá lớn, quá đau đớn, khiến ông đã qua đời sau đó một năm (1541).
Mạc Đăng Dung đã nói thẳng với vua Minh: …“Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, (tội theo sớ tâu trình cầu viện của nhà Lê- MVT) còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng!”4…Chẳng lẽ người đời sau không thấu hiểu: Mạc Đăng Dung đã đặt đất nước và nhân dân lên trên sinh mạng bản thân mình! GS Trần Quốc Vượng (1998) đã phải nhấn mạnh: “Ông già này (Mạc Đăng Dung) gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!. Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “ thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “ Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?”[7]
Phải chăng vì những chuyện oan khuất đó mà có lần GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam nói: “Đọc sử, có lúc tôi thương nhà Mạc đến phát khóc lên!”. Và ông là một trong những nhà nghiên cứu tận tâm để “lấy lại công minh lịch sử, công bằng xã hội cho nhà Mạc” (Lời GS Văn Tạo).
GS Phan Đăng Nhật bằng những nghiên cứu, phân tích cụ thể, đã kết luận: “Thái tổ Mạc Đăng Dung đã tránh cho đất nước khỏi họa xâm lăng, đẩy lùi cuộc chiến tranh của nhà Minh năm 1540”[8]
Về xây dựng, phát triển đất nước, GS TRần Quốc Vương cho rằng:“…Nếu Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc tồn tại lâu hơn nữa thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô-cảng thị (port-capital) công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nảy sinh được những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, kinh doanh mới, quản lý mới…
Tiếc thay nhà Mạc đã thổi “tiếng kèn ngập ngừng” trong hành động hướng biển và hướng ngoại và các phần tử thủ cựu nhất của hàng ngũ quan liêu-địa chủ-sĩ phu Nho giáo đã tập hợp nhau ở xứ Thanh-nơi dân sinh dân trí còn kém phát triển hơn cư dân châu thổ Bắc Bộ-để quay ngược bánh xe lịch sử, dưới hình thức “trung hưng nhà Lê” cùng cái nhìn hướng nội và trọng nông trọng sĩ, tôn sùng Nho giáo. Chúng ta chứng kiến một thời kỳ quân chủ suy tàn rồi mất nước cho thực dân…”[9]
Trong Lời giới thiệu cuốn sách: “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức” của PGS.TS. Trần Thị Vinh (2013), GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, viết: …“nói chung các cuộc hội thảo và các công trình nghiên cứu đều ghi nhận nhiều mặt tích cực và nhiều cống hiến của nhà Mạc, nhất là chính sách phát triển kinh tế và văn hóa, những thành tựu trong giáo dục, thi cử, nghệ thuật. Những con số 22 khoa thi hội, 484 Tiến sĩ, trong đó có những danh nhân kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải; những kiến trúc như đình Tây Đằng; những sản phẩm gốm sứ ghi tên người đặt hàng và người sản xuất độc đáo của Bát Tràng, Chu Đậu,… khắc đậm dấu ấn nhà Mạc. Vương triều Mạc tuy tồn tại trong tình hình gần như chiến tranh liên tục với các thế lực phục hưng triều Lê, nhưng đã từng tạo ra những thời gian khá ổn định, thanh bình cho đất nước với cảnh tượng mà bộ quốc sử không công nhận triều Mạc cũng ghi chép: “ban đêm không có trộm cướp…, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đã đến lúc sử học phải nghiên cứu sâu sắc hơn, trung thực hơn để trả lại cho nhà Mạc vị thế và cống hiến đích thực của vương triều này trong lịch sử dân tộc, nhìn nhận một cách toàn diện kể cả mặt tích cực và mặt hạn chế..”. GS Lê khẳng định: “Từ những hội thảo và những kết quả nghiên cứu khoa học mới, nhận thức về vương triều Mạc và thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử dân tộc ĐÃ HOÀN TOÀN THAY ĐỔI”! Đó là những khẳng định có tính lịch sử!
3. Từ Thăng Long đến Cao Bằng
Năm Nhâm Thìn (1592), Bình An vương Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, truy diệt người họ Mạc rất tàn khốc: “giết hết bọn ngụy đảng, đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là tỏ sự truy phạt vậy” (Lê triều thông sử). Dịp này, Hồng Ninh hoàng đế Mạc Mậu Hợp bị xử cực hình, hơn 60 tôn thất nhà Mạc bị giết hại với nhiều trung thần, nghĩa sĩ. Ngày 23 tháng1 năm Quý Tỵ (1593), 2000 người bị hành hình…[10] .
Khi Thăng Long thất thủ, một bộ phận triều đình Mạc rút về Cao Bằng (khu vực Đền Quan quận Sóc Sơn, Hà Nội còn nhiều dấu tích). Các lực lượng khác vẫn chiến đấu ngoan cường. Vua Mạc Toàn thất bại bị giết ở bến Thảo Tân, Kinh Môn, Hải Dương. “Chính Đại Việt sử ký toàn thư đã phải thú nhận, chỉ sau một tháng khi Thăng Long thất thủ, lực lượng quân Mạc đã tập hợp đông 6 – 7 vạn do Mạc Kính Chỉ lãnh đạo. Lực lượng này đã chiếm đóng ở huyện Thanh Lâm, Nam Sách”[11]
Nhà Mạc lên Cao Bằng, đem theo toàn bộ vốn văn hóa, văn minh của vương triều Mạc lên để xây dựng, phát triển Cao Bằng, đem đến cho cả vùng Cao – Bắc – Lạng, Hà – Tuyên – Thái một sức sống mới. Hệ thống các thành lũy được xây dựng, phát triển giao thông, công, nông, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục. Ở Cao Bằng hơn 80 năm, 6 đời vua, nhà Mạc đã tổ chức 12 khoa thi, tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước, trong đó có nữ TS đầu tiên của Việt Nam: Nguyễn Thị Duệ. Hơn 85 năm ở Cao Bằng, quan hệ với nhà Minh và Thanh vẫn được duy trì, giữ yên bờ cõi. Thác Bản Giốc, Ải Nam quan … còn nguyên. để lại cho hậu thế!
Hơn 85 năm ấy, nhà Lê – Trịnh nhiều lần sang cầu viện nhà Minh, Thanh vào đánh Mạc, nhưng nhà Mạc tuyệt đối không để cho quân xâm lược qua biên giới, và giữ mối bang giao bình thường. Chắc hẳn đó là chiến lược nhất quán của nhà Mạc từ thời Thái tổ Mạc Đăng Dung và truyền lại qua các thế hệ, như lời di chúc của đại thần Mạc Ngọc Liễn: “Nay, khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là bởi số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ! Bọn ta nên lánh ra nước ngoài, chứa uy và nuôi sức, chịu khuất để chờ thời, đợi khi nào mệnh trời tái hiện mới có thể hành động nổi. Lấy sức chọi sức là điều hoàn toàn không nên. Hai con hổ tranh nhau tất phải có một con bị thương, chẳng nên việc gì cả. Nay, nếu thấy quân họ tới thì nên tránh, chớ nên đánh nhau, cẩn thận giữ mình là hơn cả. Cuối cùng, chớ nên mời người Minh vào trong nước ta, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được”[12]
Sau thất thủ Thăng Long 1592, con cháu nhà Mạc đã có cuộc tản cư lớn. Sau thất thủ Cao Bằng 1677, con cháu nhà Mạc lại tiếp tục cuộc di tản lần hai. Mặc dù bị truy diệt tàn khốc và ly tán muôn phương, nhưng vẫn truyền đời những mật hiệu để nhận ra nhau và nung nấu niềm tin:
Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng
4. Hậu Cao Bằng và họ Mạc ở Nghệ An
“Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng: “Dưới thời nội chiến Nam- Bắc triều, Nghệ An thuộc địa bàn quản lý của Nam triều”[13]. Nhưng trước đó, “Từ 1527 đến 1545 Nghệ An thuộc quyền quản lý của nhà Mạc nên các sĩ tử xứ Nghệ tham gia ứng thí có 02 người đỗ đại khoa là: 1. Nguyễn Văn Thực: người làng Chiêu Vật, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1532); 2. Nguyễn Minh Châu: Người xã Kỳ Lan, huyên Chân Phúc (nay là xã Nghi Trung, huyện Nghị Lộc), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1541)”[14] Trong khi Nam triều mãi đến năm 1554 mới mở khoa thi tại Van Lại (Thanh Hóa), lấy đỗ 13 người, có 3 người Nghệ An.
Con cháu họ Mạc vào Nghệ An chủ yếu ba thời kỳ:
– “Năm 1531, Mạc Đăng Lượng vâng lệnh vua Thái tông Mạc Đăng Doanh vào trấn thủ Hoan Châu (Nghệ An), đóng bản doanh ở vùng Đông Đặng huyện Nam Đường, tướng tá thuộc hạ trên một vạn người”[15];
– Sau biến loạn năm 1592
– Sau khi thất thủ Cao Bằng (1677)
Thông tin từ cụ Hoàng Cao Quý cho biết:Ban liên lạc Họ Mạc Hà Nội đã lập được danh sách họ Mạc cải thành 54 họ là: Bế, Bùi, Cao, Cát, Chương, Chử, Chu, Cù, Diệp, Dương, Đinh, Đoàn, Đào, Đỗ, Đồng, Đặng, Hà, Hứa, Hồ Đăng, Hoa (Khoa), Hán, Hoàng, Huỳnh, Khổng, Khương, Lê Đăng, Lều, Liễu, Lưu, Mạc, Ma, Mai, Màn, Mậu, Mông, Nông, Nguyễn, Phạm, Phan, Phùng, Phương, Quách, Tạ, Tô, Thái, Thẩm, Thạch, Trần Đăng, Trịnh, Trừ, Trương, Văn, Vũ, Vương… sinh cơ lập ấp ở 26 tỉnh, thành phố. Trong đó các chi họ Nghệ An mang 13 họ và 04 chi còn giữ nguyên họ Mạc.
Nghệ An có 05 phái hệ:
– Mạc Đăng Lượng tức Hoàng Đăng Quang (vào Nghệ An từ 1531)
– Mạc Đăng Bình (Con vua Mạc Phúc Nguyên)
– Mạc Phúc Thanh (con vua Mạc Mậu Hợp)
– Hậu duệ Mạc Kính Vũ
– Mạc Đăng khuê. (Bốn phái hệ sau vào Nghệ An ra sao vẫn chưa thật rõ)
Phái hệ Mạc Đăng Lượng có 8 chi họ (5 chi họ Hoàng + 3 chi họ Lê Đăng)
Phái hệ Mạc Phúc Thanh có 14 chi họ (04 chi họ Nguyễn + 03 chi họ Hoàng + 03 chi họ Phan + 03 chi họ Phạm + 01 chi họ Thái duy);
Phái hệ Mạc Đăng Bình có 36 chi họ đều mang họ Thái với đệm khác nhau;
Phái hệ Mạc Kính Vũ có 06 chi họ đều chuyển thành Phạm Văn;
Các phái hệ khác gồm 119 chi họ, phần lớn trùng với các họ nói trên, nhưng cũng có một số họ mới như: Bùi, Hà, Trần, Tô. Lê, Cao. Đặc biệt vẫn còn 4 chi họ giữ nguyên họ Mạc, nhưng thường ở nơi hẻo lánh: Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn. Có chi đã thành người Thái…
Như vậy ở Nghệ An có 183 chi họ Mạc và gốc Mạc sinh sống, ẩn danh dưới 13 họ khác nhau và 04 chi họ Mạc còn giữ nguyên. (Xem Phụ lục BCTK). Có thể thấy:
– Không địa phương nào con cháu họ Mạc lại ẩn cư đông như ở Nghệ An;
– Không nơi nào con cháu họ Mạc còn gìn giữ được nhiều gia phả rõ ràng các phái hệ, chi họ như ở Nghệ An;
– Không ở địa phương nào các phái hệ, các chi họ được chắp nối, duy trì quan hệ dòng họ chặt chẽ như ở Nghệ An;
– Nghệ An cũng là nơi còn gìn giữ, tu bổ được nhiều lăng mộ, đền miếu của tổ tiên các chi, phái họ Mạc;
– Con cháu họ Mạc Nghệ An cũng là nơi còn duy trì việc cúng lễ tổ tiên theo nghi thức truyền thống đậm nét hơn cả.
– Thời phong kiến, họ Mạc Nghệ An có nhiều người đỗ đạt
– Thời cách mạng giành độc lập, họ Mạc Nghệ An có nhiều tấm gương lớn: Phạm Hồng Thái (1858-1924), Lê Hồng Sơn(1899- 1933), Hoàng Trọng Trí (1887-1938), Phan Đăng Lưu (1902-1941), Hoàng Trần Thâm…
– Thời chống kháng chiến Pháp, chống Mỹ, họ Mạc Nghệ An đóng góp nhiều sức người sức của, nhiều anh hùng, liệt sĩ (cần thống kê)
– Phát triển truyền thống khoa bảng, Mạc tộc Nghệ An nhiều GS, TS, Thạc sĩ, cử nhân; nhiều nhà khoa học, văn hóa – nghệ thuật (riêng chi họ Hoàng ở Đông Sơn, Đô Lương đã có 20 GS, PGS, TS)…
– Doanh nhân họ Mạc Nghệ An cũng khá: Thái Hương, Thái Doãn Đệ, Mạc Đình Điểm, Tô Duy Hinh…
– Quan chức cỡ trung, cao là người họ Mạc Nghệ An chắc cũng không ít?
Sức sống của họ Mạc Nghệ An điển hình cho sức sống của dòng họ Mạc Việt Nam. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới này, ít thấy dòng họ nào sau khi bị truy diệt tàn khốc, ly tán khắp nơi, thay tên, đổi họ suốt hơn 400 năm rồi lại tìm về họ gốc, chắp nối từ các “Ban liên lạc” ở các địa phương, rồi quy về một mối, như họ Mạc Việt Nam (Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam, tháng 11/2011 bầu ra Hội đồng Mạc tộc VN). Nay cộng đồng Mạc tộc VN đã thống nhất trong tổ chức từ trung ương đến các tỉnh, thành, đến các chi họ, có trang Web và Bản tin Mạc tộc (ra hàng quý) đều đặn. “Tuổi trẻ Gia tộc họ Mạc” đã hình thành trên mạng xã hội và có nhiều hoạt động hấp dẫn giới trẻ. (Ngày 8/7/2014 đại diện tuổi trẻ họ Mạc đã trực tiếp đến tòa soạn Dân trí để trao 30 triệu đồng ủng hộ chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” do báo Dân trí phát động)…
Sức sống mãnh liệt của một dòng họ như vậy cũng phản ánh sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam ta.
Ngày 19/7/2014
1] Theo Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, tờ 1a (Văn hóa Nguyệt san số 61, Sài Gòn, tr. 554-555
[2] Theo tìm hiểu của tác giả, có ông Mạc Đại Hùng ở An Giang (2011) cho biết là hậu duệ của Mạc Cửu, nhưng khi hỏi có giữ được gia phả và còn đông anh em không? Ông Hùng bảo, không có gia phả, chỉ nghe cha nói vậy, và cũng không biết còn ai cùng dòng họ này nữa!
[3] Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử
[4] Trích bài “Mấy vấn đề về nhà Mạc” Trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”
[5] Trích Hồ Quý Ly-Mạc Đăng Dung, Quốc học thư xã, Hà Nội-1959, tr 25
[6] Đinh Khắc Thuân (2001)Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học Xã hội, HN.
[7] Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, Hội Khoa học Lịc sử Việt Nam, 1994.
[8] Phan Đăng Nhật (2011), Nhà Mạc và họ Mạc ý chí và mục tiêu chiến lược, NXB Dân Trí, HN
[9] Trích bài “Hải Phòng nhìn từ thủ đô Hà Nội” trong cuốn “Việt Nam cái nhìn địa-văn hoá”, Nxb Văn hoá dân tộc-Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội-1998, tr 212
[10] BCTK đề tài, tr 86
[11] BCTK đề tài, tr. 2
[12] [12]Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 48-b)
[13] BCTK, tr.29
[14] BCTK, Tr. 39
[15] BCTK, tr.41
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.