- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20107
- Tổng truy cập: 3,370,940
Nghề thủ công và buôn bán thời Mạc 823
- 198 lượt xem
Nghề thủ công và buôn bán thời Mạc
Gốm thời Mạc
Trong thời kỳ này nói riêng, cả thời kỳ phong kiến ở nước ta nói chung, công nghiệp hầu như chưa phát triển, trừ một số nghề khai thác mỏ, chế tác công cụ đơn sơ, còn phần lớn là nghề thủ công và buôn bán. Sự phát triển nghề thủ công và buôn bán là nét điển hình trong những hoạt động kinh tế đa dạng dưới thời Mạc.
Nghề thủ công
Nghề thủ công có truyền thống rất lâu đời ở Việt Nam, xuất hiện cùng với việc mở rộng các hình thức hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo, như chạm khắc,trang trí trên đồ thờ, vật thiêng, trong các công trình kiến trúc, kể cả tạc tượng, khắc bia, đặc biệt là nghề gốm phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng, buôn bán và cho sinh hoạt hàng ngày. Các nghề thủ công được tổ chức theo làng nghề và trong các cơ quan chuyên nghiệp nhà nước.
Tổ chức phường thợ
Làng nghề thủ công Việt Nam đã khá phát triển từ thế kỷ XV, khi mà làng xã ngày càng mở rộng, dân cư đông đúc. Trong thời kỳ nhà Mạc, thợ thủ công ngày càng nhiều.Một số là nông dân tham gia làm nghề thủ công trong lúc nông nhàn, số khác là thợ chuyên nghiệp được tổ chức theo nghề nghiệp. Trong số họ, nhiều người trở thành thợ chuyên nghiệp hoạt động tự do, hoặc được tuyển dụng vào phục vụ cho cung đình và các cấp chính quyền. Về thợ khắc đá thời kì này, bao gồm thợ chuyên nghiệp của nhà nước, thợ chuyên nghiệp trong các phường thợ dân gian và thợ nghiệp dư ở địa phương. Trong đó thợ nhà nước và thợ chuyên nghiệp đảm nhận các công trình của nhà nước như khắc bia Tiến sĩ ở Quốc tử giám.
Thợ nhà nước và các phường thợ chuyên nghiệp phục vụ trong cung đình đều do các giám cai quản. Thời Minh có 12 giám, 4 ty, 8 cục và 24 nha môn phục vụ các mặt sinh hoạt của cung đình, từ việc may đo quần áo, làm đồ dùng hàng ngày, đến các đồ trang sức cho vua và hoàng cung. Thời Lê ở Việt Nam cũng có Bách công cụ trong cung đình, chuyên sản xuất và cung ứng các vật dụng cho vua và hoàng cung; ngoài ra là các sở, cục lo khai thác khoáng sản, xây cất các công trình công cộng…Những người thợ ở đây được gọi là “công tượng”, mà dưới thời Lê họ là những lao động như khổ sai.
Tương tự như là Lê, nhà Mạc cũng có các giám, sở, cục và nha môn giành cho thợ thủ công, như Thượng bảo giám, Lục Thanh giám, Khí giới doanh tạo sở, Tú lâm cục, Bách đâu cục,…Những người thợ này lo sản xuất các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho vua và hoàng cung, thậm chí chuyên về việc chế tác từ đá, ngọc được gọi là Ngọc thạch cục. Trần Kim Bảng, thợ khắc bia chùa Cự Linh (Gia Lộc, Hải Dương) năm 1543, giữu chức Cục phó của Ngự dụng giám san thư cục; Vũ Đạo, chức Cục phó cục san thư ở Thượng bảo giám (Thượng bảo giám San thư cục Cục phó) khắc bia chùa Tư Phúc (Thái Bình) năm 1545; Hoàng Văn Thúy, chức Phó thường ban ở Lục thanh giám Bách đâu tác cục, khắc bia chùa Động Ngọ (Hải Dương) năm 1536; Đỗ Văn Đình làm trong Ngọc thạch cục thuộc khí giới doanh tạo sở; Vũ Nhân Chiêu làm ở Tú lâm cục. Trong một số ty của các vệ cấm thành, cũng có thợ chuyên nghiệp, như trường hợp Nguyễn Ích Diệu làm trong ty Hà Thanh (Chiêu Vũ vệ Hà Thanh ty Lực sỹ Nguyễn Ích Diệu) đã san khắc 4 bia đá. Thực tế các sở, cục chuyên nghề thủ công phục vụ trong hoàng cung đều do các giám quản lí.
Thợ chuyên nghiệp nhà nước cũng được phong chức, tước như những quan chứ khác. Vũ Nhân Chiêu vốn là một Nho sinh, phong làm Cục phó ở Tú Lâm cục, Đoàn Nhân Hạng được phong chức Cẩn sự tá lang, Tạ Văn Kế giữ chức Sở thừa, được huân phong là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu và tước công. Bên cạnh đó còn có chức danh mang tính chuyên biệt của ngành nghề. Chẳng hạn như người đứng đầu ở các sở gọi là “Sở thừa”, “Tượng chánh”, “Thường ban”, rồi “Tượng phó”, “Cục phó” và “Tượng nhân”. Rõ ràng là dưới thời Mạc, người thợ thực sự được coi trọng, hoàn toàn không phải là những “công tượng” bị o ép như ở thời Lê. Hơn thế nữa họ còn được khoản đãi, được ban phong hàm tước khá cao như trường hợp Tạ Văn Kế vừa nêu, tuy chỉ là người đứng đầu một sở, nhưng được ban tới Tước công, tương đương với vị quan tam phẩm.
Trong dân gian, thợ chuyên nghiệp được tổ chức theo từng hiệp thợ của từng gia đình, từng làng nghề. Theo tư liệu văn bia, riêng nghề khắc đá và thợ gốm ở thời nhà Mạc có một số hiệp thợ là cả gia đình bao gồm vợ chồng, con trai, con gái và cả con dâu, cùng một số phường thợ tổ chức theo làng. Đó là gia đình thợ đá họ Nguyễn ở An Hoạch (Đông Sơn,. Thanh Hóa), thợ gốm họ Đặng ở Hùng Thắng (Nam Sách, Hải Dương), và thợ gốm họ Đỗ ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội); đó là làng An Hoạch (Đông Sơn, Thanh Hóa), làng Kính Chủ (Chí Linh, Hải Dương) chuyên nghề san khắc bia đá, làng Bát Tràng (Gia Lâm) và làng Hùng Thắng (Hải Dương) chuyên nghề làm gốm sứ, làng La Khê, La Cả (Hà Nội ) chuyên tơ lụa… Khá nhiều bia đá khắc ở vùng nhà Mạc cai quản do thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa) khắc. Nhiều người đã biết Thanh Hóa là nơi phát tích và rất trung thành với nhà Lê mà hầu như người dân xứ này đều không chấp nhận nhà Mạc. Vậy thì việc thợ đá An Hoạch bỏ ra vùng nhà Mạc để hành nghề chứng tỏ nghệ nhân rất được coi trọng và mọi chính kiến chính trị đã bị đặt ra ngoài lề đối với thợ nghề truyền thống. Mặt khác chứng tỏ dưới thời Mạc thợ thuyền tự do đi lại và tự do hành nghề mà Thăng Long là nơi tụ tập nhân tài các phường thợ dân gian, khiến cho nơi đây dần hình thành các phường, các phố nghề, làm phong phú hơn nét đặc sắc của 36 phố phường cổ truyền. Trong khi ở đô thị, phường thợ ngày càng mở rộng và dần trở thành đơn vị hành chính cơ sở, thì ở nông thôn, thợ chuyên nghiệp cũng thoát dần sự bó buộc của đồng ruộng, hình thành các làng nghề. Thư tịch cổ cho biết hai làng nghề khắc đá nổi tiếng là làng Kính Chỉ (Chí Linh, Hải Dương) và An Hoạch (Đông Sơn, Thanh Hóa), ngoài ra là các làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng dệt lụa La Khê (Hà Nội).
Làng khắc đá Kính Chủ gắn với núi đá Dương Nham, còn làng khắc đá An Hoạch thì có núi đá An Hoạch, hay núi Nhồi. Nguyễn Trãi năm 1437, từng tâu trình với vua Lê cho sai thợ Kính Chủ khai thác đá ở đó để tạc một chiếc khánh đá. Trong thời kì nhà Mạc, thợ đá Kính Chủ đảm nhận nhiều công trình kiến trúc, xây dựng như san khắc bia đá, tạc tượng thờ, trang trí điêu khắc nơi lăng mộ, cung thất… ở cả vùng châu thổ Sông Hồng, nhất là khu vực Dương Kinh. Thợ đá và đá núi An Hoạch cũng rất nổi tiếng trong việc khai thác đá ở đây để làm đồ trang sức. Thế kỉ XVI, đất Thanh Hóa thuộc sự cai quản của nhà Lê Trung hưng. Thợ đá An Hoạch khó có điều kiện phát huy ngành nghề của mình ở đây, khi luôn xảy ra tranh chấp, kinh tế và chính trị không ổn định. Do đó, thợ đá An Hoạch phải bỏ ra vùng nhà Mạc cai quản để hành nghề. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của họ chủ yếu từ đất Ninh Bình đến Hà Tây cũ (phía Tây Nam Thăng Long – Hà Nội). Trên tất cả các bia đá thế kỉ XVI, đều khắc rõ họ tên quê quán phường thợ đá và đương nhiên khắc cả họ tên, chức tước người tham gia công đức được ghi trong bia.
Thực tế cho thấy, thợ đá An Hoạch không san khắc những bia đá, mà trong đó ghi tên người công đức là quan lại, người thân thuộc với hoàng tộc nhà Mạc; trái lại, họ chỉ khắc bia cho dân làng tham gia xây dựng. Ngoài hai làng khắc đá này ra, còn có một số làng nghề khắc đá khác, tham gia tạo bia, tạc tượng thời Mạc, như thợ làng Gia Phúc (Thủy Đường, Hải Phòng), từng có thợ đá nổi tiếng Nguyễn Ích Diệu đã nêu ở trên, làng Hồng Lục, Liễu Tràng (Hải Dương).
Thời Mạc còn có nhiều làng nghề nổi tiếng khác, nhất là làng gốm như Hùng Thắng ( Thanh Lâm, Hải Dương) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Làng gốm Hùng Thắng tuy nay không còn, nhưng dấu tích khảo cổ học thì khá phong phú, với nhiều khu phế thải sản xuất gốm rộng lớn. Đây là trung tâm sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII. Bên cạnh đó, làng gốm Bát Tràng vẫn tồn tại và ngày càng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất gốm truyền thống.
Như vậy, dưới thời Mạc xuất hiện ngày càng nhiều thợ thủ công và làng nghề thủ công, hoạt động hết sức sôi nổi ở vùng châu thổ sông Hồng, trung tâm kinh tế và văn hóa của vương triều này. Sản phẩm của họ nhằm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là cho sinh hoạt tín ngưỡng. Trong đó, có nhiều sản phẩm có giá trị như những tác phẩm nghệ thuật.
Tác giả: Đinh Khắc Thuân
Nguồn: Góp phần nghiên cứu Lịch sử Vương triều Mạc
(Lấy từ mactrieu.vn)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.