- Đang online: 2
- Hôm qua: 674
- Tuần nay: 16203
- Tổng truy cập: 3,369,273
Một số dấu tích thời nhà Mạc ở vùng Bằng ca, huyện Hạ Lang
- 184 lượt xem
Một số dấu tích thời nhà Mạc
ở vùng Bằng ca, huyện Hạ Lang
(Tiếp theo)
Mạc Ích Đế
Vùng Bằng Ca bao gồm 5 xã cũ: Minh Long, Lý Quốc, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan. Nay thêm xã Đồng Loan mới thành lập được tách ra từ xã Thắng Lợi là 6 xã.
Bằng Ca hay còn gọi: BANCRA (tiếng Pháp) là tên riêng đặt thay cho địa danh xóm Bản Khà – nơi họp chợ trung tâm cụm xã của 5 xã trên, đồng thời trụ sở UBND xã Lý Quốc cũng đặt tại xóm này.
I. Các xóm (làng, bản) có người họ Mạc cư trú:
1. Xóm Luôc Dên:
Xóm Luôc Dên (hay Lũng Dên) cùng với các xóm Luôc Khếnh, xóm Bản Suối và xóm Luôc Khiếu là những xóm giáp nhau về địa lý và đều thuộc xã Khánh Xuân, tổng Phong Đằng, Phủ Trùng Khánh ngày xưa, nay là xã Minh Long, huyện Hạ Lang.
Luôc Dên cũng gọi là một xóm, nhưng chỉ có 4 – 5 gia đình họ Mạc đến cư trú, nhà dựng trên sườn núi đất. Luôc Dên là nơi hẻo lãnh nhất vùng, xa nơi dân cư tập trung, xa chợ búa, địa hình chia cắt mạnh, nhấp nhô những ngọn núi đất pha rừng tạp, cây cối um tùm, quanh chân núi có khe nước nhỏ kiến tạo được một ít ruộng trồng lúa nước, ngoài ra chủ yếu trồng màu, nước ăn phải gánh từ khe lên. Do cuộc sống nơi đó khó khăn như vậy nên khi hết loạn lạc, cuộc sống trở lại yên bình, họ đã di dời chuyển về làng Bản Sao, xã Tảo Nghi, tổng Phong Đằng, phủ Trùng Khánh ngày xưa, nay là xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang (cách xa nhau khoảng 15 cây số).
Từ khi mấy hộ nhà Mạc chuyển đi, mảnh đất này cũng không có ai vào đấy ở nữa và trở thành khu rừng hoang vắng nên không còn gọi là xóm Luôc Dên nữa. Về thời gian mấy anh em nhà họ Mạc cư trú ở đó bao lâu? thời điểm (tháng, năm) họ đến và di chuyển đi nơi khác từ khi nào? cũng không ai nhớ được chính xác. Nhưng nơi đó hiện nay vẫn còn lại khu nghĩa địa tổ tiên gồm 7 ngôi mộ (có 1 mộ ghép). Các ngôi mộ chôn cất không thành hàng, chỉ dựa vào địa hình mỏm đồi mà chôn cất, không đánh dấu hoặc truyền miệng lại cho hậu duệ tên tuổi, thời gian sinh mất, thứ bậc từng người trong mộ. Bản thân tôi đã đi tảo mộ 2 – 3 lần, nhưng vì còn bé nên chưa biết để ý gì nhiều và cũng chỉ được nghe người già trong họ nói là: Khu mộ Luộc Dên là nơi đất linh thiêng, không nên chuyển về hoặc chuyển đi nơi khác, hàng năm cần cố gắng đi đó tảo mộ. Do đó, hàng năm đến ngày lễ tảo mộ (mồng 3 tháng 3 âm lịch), dù địa lý xa xôi, đường xá khó khăn nhưng các con cháu hậu duệ vẫn thường đi đến nơi thăm viếng, hương hoa, cúng giỗ theo tục lệ người Việt ta.
Mãi đến năm 2009, tôi được nghe ông Khỏe xóm Bản Sao, lấy vợ là người xóm Luôc Khếnh có nói chuyện về lời kể của ông Mỵ (có người gọi ông Mỷ theo cách phát âm tiếng bản địa vùng này) xóm Luôc Khếnh. Do ông Mỵ quen biết mấy anh em họ Mạc ở xóm Luôc Dên trước đây, nay đang ở cùng làng với ông Khỏe, nên ông hỏi thăm và kể lại chuyện ngày xưa về việc ông thường hay đến khu vực xóm Lũng Dên chăn bò, hái củi và đặc biệt là hay đến chơi thân với người bạn là Mạc Văn Từ (người chú họ của tôi sinh năm 1915 tại Luôc Dên và là hộ họ Mạc xóm Luôc Dên chuyển về làng Bản Sao sau cùng nhất vào những năm đầu thập kỷ 1940), ông Mỵ thấy khu mộ đó có dựng một con voi bằng đá, nhưng nay không thấy đâu nữa, ông nghi là do người bên Trung Quốc sang đào trộm có thể vào thời năm 1979. Hiện nay, chỗ chôn dựng con voi đó chỉ là một cái hố (hủm) đã bị thời tiết nắng mưa bào mòn, cỏ mọc vùi lấp nhưng để ý kỹ vẫn còn xác định được. Ông kể với ông Khỏe vào năm 1997, lúc đó ông Mỵ 82 tuổi.
Tôi chưa có dịp đến gặp được ông Mỵ để trực tiếp hỏi chuyện hoặc nhờ ông Khỏe hỏi lại ông Mỵ về việc này xem con voi đá đó lớn, bé ngần nào? hình thù ra sao? vị trí ở chỗ nào ? khi ông thấy thì nó dựng nổi hay chôn chìm dưới đất ? thì ông đã mất vào năm 2011.
2. Xóm Bản Sao:
Các gia đình họ Mạc Luôc Dên đã chuyển hết về làng Bản Sao. Hộ chuyển về sau cùng nhất cũng vào quãng năm 1942 – 1943 gì đó là hộ ông Mạc Văn Từ (bạn ông Mỵ, xóm Luôc Khếnh như đã nói ở trên). Các hộ chuyển về làng Bản Sao chắc là về quê vợ cư trú, làm ăn, sinh sống (vì thấy từ các cụ bà đều là người xóm Bản Sao chính gốc). Bản Sao có 2 điểm sau:
1. 2. Khu mộ Pú Liền:
Không rõ các gia đình họ Mạc nhập làng Bản Sao lúc nào, nhưng thấy có khu mộ (có thể gọi là mộ cổ) ở đồi Pú Liền gồm 7 ngôi mộ (có 1 mộ ghép) tương tự như khu mộ Luôc Dên. Quan hệ giữa hai khu mộ Luôc Dên và khu Pú Liền ở làng Bản Sao như thế nào ? Có phải khu mộ Pú Liền ở Bản Sao là đời hậu duệ hay là ngang hệ cùng khu mộ Luôc Dên? Những người trong họ mà tôi được hỏi thì cũng chỉ nói là: Những mộ ấy từ Luôc Dên về! Vậy, những người nằm trong mộ là người ở Luôc Dên về mới chết hay là những hoặc một phần ngôi mộ đó bốc ở Luộc Dên về chôn cất ? Cái đồi ấy chỉ có khu mộ của họ Mạc mà lại gọi là đồi Pú Liền (tức đồi ông Liền) thì đấy có phải 7 cái mộ đó sẽ có một cái có tên là “ông Liền” không ? cũng không ai biết gì cả.
Hiện nay, mấy anh em nhà họ Mạc chúng tôi, người già nhất còn sống là chú Mạc Văn Xuân sinh tại Bản Sao năm 1933 (Quý dậu) thì cũng chỉ nắm rõ mồ mả từ đời cụ đến nay, nhưng đều an táng ở các đồi khác. Tất cả những điều đó làm cho tôi dày công tìm hiểu nhưng đã bất lực.
Tuy mấy gia đình nhà họ Mạc đã hòa nhập vào các gia đình khác họ trong làng đã lâu, nhưng về một số phong tục còn gìn giữ nét riêng như:
– Tết rằm tháng bảy: Cả 3 ngày tết (13 – 14 – 15) mặc dù cả làng họ ăn ngày chính là ngày 14 (gọi là “Bươn chất slíp slí”) thì riêng 3 nhà họ Mạc lại ăn ngày chính vào ngày 15 (gọi là “Rằm tháng bẩy”).
– Về lễ tảo mộ hàng năm, họ Mạc cũng có ngày riêng của dòng họ. Nhưng do cả vùng các huyện miền đông của tỉnh Cao Bằng nói chung, trong làng Bản Sao nói riêng chỉ thực hiện vào một ngày mồng 3 tháng 3 hàng năm. Trong làng chỉ có 3 nhà họ Mạc, khác đi tảo mộ một ngày riêng thì thấy quá lạc lõng và bất tiện nên đã thực hiện lễ tảo mộ cùng ngày theo phong tục của các dân tộc khác trong làng, trong vùng.
2. 2. Hang “Ngườm Ngần”:
Núi Đỏng Ná tại phía trước làng Bản Sao, ở bên phía sát đường tỉnh 207 (Quảng Uyên – Hạ Lang – Bằng Ca – Lý Vạn) đoạn Bằng Ca – Lý Vạn có vách đá khá rộng, cao, thẳng đứng, mặt khá bằng phẳng, lưng trừng vách đá có một cái hang nhỏ, dân làng gọi là “Ngườm Ngần” về sau còn có thêm một tên gọi nữa là “Ngườm Bác Long”.
Tôi thấy người già và nhiều người lớn trong làng hay nói về cái hang “Ngườm Ngần”. Cái hang “Ngườm Ngần “ này từ xưa đến nay chỉ có một mình ông Hoàng Quang Long lúc còn trẻ đã trèo lên thấy hang (thực tế là thấy miệng hang thôi). Sau khi trèo lên thấy hang, ông đã kể cho dân làng biết: Hang được xây bịt kín bằng loại vật liệu rất đặc biệt như: đất sét, vôi, đường mật, giấy bản … rất chắc chắn, không thể nào phá được. Một số dân làng kháo nhau, nhận định, dự đoán là nhà Mạc đã cất giấu tiền bạc, vật quý ở đó. Cho nên cái hang đó có tên gọi là Ngườm Ngần. Và từ sau khi ông Long phát hiện ra hang này, dân làng còn đặt thêm một tên nữa gọi là “Ngườm Bác Long”.
“Bác Long” là con cả trong gia đình, dưới còn 3 em trai, lớn lên không hiểu sao ông đi lấy vợ và sống tận tỉnh Tuyên Quang. Có thể ông đi vào quãng thời gian những năm cuối 1940. Về sau, vào khoảng cuối thập kỷ 1960 gì đó người em là Hoàng Quang Quấy cùng vợ, con và cháu cũng đi Tuyên Quang cư trú, sinh sống theo ông Long.
Cái hang đó về sau vào khoảng cuối những năm 1950, còn có ông Triệu Nguyên Trường thường đi bắt chim, mò bắt tắc kè cũng định trèo lên xem nhưng hang ở vị trí tương đối cao, cần phải có đến 2 cây tre gai nối dài làm thang mới có thể tới được, nên cũng thôi. Ông Trường đi bộ đội chống Mỹ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nay đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mấy anh em nhà họ Mạc chúng tôi thường nhận định là ở trong đó chắc chẳng có gì lớn, nếu có thì chỉ có thể có ít bạc trắng là cùng; thời nhà Mạc lúc đó chạy còn chưa xong làm gì đã có nhiều vàng, châu báu cất giấu ở đó! Còn riêng tôi thì nghĩ khác: Cái hang mà được bịt miệng công phu, kiên cố như thế thì chắc chắn sẽ có một thứ gì đó, điều mà tôi băn khoăn và mong muốn nhất là có thể là một cái gia phả dòng tộc Mạc nhà mình. Nhưng làm sao khai phá được để biết trong cái hang bí ẩn đó có cái gì ?
Họ Mạc xóm Bản sao sau năm 1979, một số hộ đã dời đi nơi khác cư trú, nay chính thức chỉ còn hai hộ, kể cả dân làng cũng không có điều kiện để tâm những việc đó nữa.
3. Xóm Luôc Khiếu:
Xóm Luôc Khiếu giáp các xóm Luôc Dên, xóm Bản Suối, xóm Luôc Khếnh đã nêu ở trên, về phía Đông giáp xóm Nà Vị (xóm mà có nhiều dấu tích nhà Mạc sẽ nêu ở phần sau này).
Xóm Luôc Khiếu có khoảng 4 – 5 hộ họ Mạc sống chung cùng các hộ khác. Chúng tôi có biết nhau, nhưng cũng chưa gặp gỡ tìm hiểu về cội nguồn, gốc gác về mối quan hệ dòng họ của hai bên. Tôi đã thông báo sinh hoạt, kết nối dòng họ của Ban liên lạc tỉnh cho họ nhưng họ chưa tham gia.
Trong những năm đầu thập kỷ 2000, có khoảng 2 hộ đã đi vào Nam sinh sống, lập nghiệp.
4. Xóm Bản Bắng:
Xóm Bản Bắng, xã Tháng Lợi, huyện Hạ Lang (cũng là xóm thuộc tổng Phong Đằng ngày trước) có khoảng 2 – 3 hộ họ Mạc (chắc cũng do một hộ tách ra). Họ đã sinh hoạt với Ban liên lạc, nhưng khi tìm hiểu thì họ cũng không biết rõ họ từ đâu và lúc nào đến đây cư trú.
Như vậy, tại huyện Hạ Lang, xác định được 3 nơi thuộc vùng Bằng Ca: 1. Xóm Bản Sao, xã Lý Quốc; 2. Xóm Luôc Khiếu, xã Minh Long; 3. Xóm Bản Bắng, xã Thắng Lợi là có người họ Mạc cư trú như đã nêu và Luôc Dên không còn gọi là xóm nữa. Nếu có ai còn phát hiện thêm ở đâu trong địa bàn huyện thì báo tin cho Ban liên lạc để bổ sung.
II. Dãy núi Phia Rạc:
Dãy núi Phia Rạc nằm sát đường tỉnh 206 (Quảng Uyên – Trùng Khánh – Bằng ca) đoạn giữa làng Nà Quản (trụ sở UBND xã Minh Long) và Chợ Bằng Ca (trụ sở UBND xã Lý Quốc). Bằng Ca là điểm cuối đường tỉnh 206 và điểm giao cắt với đường tỉnh 207 (Quảng Uyên – Hạ Lang – Bằng Ca – Lý Vãn).
Theo những lời thời xưa truyền lại là Nhà Mạc xây chốt và đóng quân ở trên núi đó. Họ (nhà Mạc) làm đường lên xuống và đi lại chủ yếu bằng ngựa, tuyến đường hiện nay vẫn còn nguyên hình dáng, đường khá rộng (khoảng 2,5 m) hình chữ “Z”. Quân Trịnh nghĩ là ở trên đó điều kiện sinh sống khó khăn, thiếu nước sinh hoạt nên sẽ bị đánh bại một cách dễ dàng, nhưng lại quan sát thấy nhiều lần quân nhà Mạc đem đàn ngựa ra ngoài bãi, phía mọi người nhìn thấy và tắm cho ngựa như bình thường, quân Trịnh ngỡ là trên đó không những có đầy đủ nước ăn mà còn có cả nước tắm cho ngựa nữa nên quân Trịnh chưa dám đánh ngay. Từ đó quân Nhà Mạc có thời gian chuẩn bị lực lượng đối phó và kịp rút lui an toàn. Về sau, quân nhà Trịnh và dân quanh đấy mới biết là quân Nhà Mạc chỉ làm nghi binh bằng cách lấy gạo trắng ra tung lên trên ngựa, ở dưới nhìn lên thì giống như tưới nước mà thôi. Sau khi Nhà Mạc rút lui, ngọn núi đó thường hay bị sét đánh, trời sẽ âm u, mây đen ùn ùn kéo tới, sấm sét đùng đùng cả vùng ấy nếu có ai vào quấy phá hoặc cắp trộm vật ở đó. Đây có thể nói là “truyền thuyết” về chốt Nhà Mạc ở Núi Phia Rạc.
Cụ thể về sự tích núi Phia Rạc ra sao? Tôi đã nghe nhiều người nói về các dấu tích, các di vật của nhà Mạc ở vùng Bằng Ca, huyện Hạ Lang này. Có nhiều tốp người từ miền xuôi lên, thậm trí từ bên Trung Quốc sang, có tốp họ tự đến, nhiều tốp do người bản địa dẫn đến để thăm dò, khám phá, tìm tòi, khai quật về kho báu, vật báu của Nhà Mạc từ quãng thời gian đầu năm 1960 đến nay. Các tốp người đó hiện nay phần nhiều đã qua đời, một số ít có thể còn sống nhưng tôi không có điều kiện gặp gỡ để trao đổi thông tin hoặc có một số người vì lo mất phần quyền lợi nên muốn giấu thông tin, không muốn nói hết những gì mà họ biết cho chúng tôi.
Một sự may mắn còn tìm ra một ông là ông Nông Thế Công, trú tại Tổ 13, phố Nước Giáp, phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng. Ông sinh ra và lớn lên tại xóm Nà Vị, xã Minh Long, huyện Hạ Lang (nơi tập trung nhất các dấu tích nhà Mạc của vùng đất huyện Hạ Lang).
Ông kể rằng: Ông muốn làm giàu một cách bất ngờ mà không phải đầu tư nhiều công của, hơn nữa ông cảm thấy bản thân mình có ý đủ ý thức hiểu biết để mạo hiểm thực hiện công cuộc thăm dò, khảo sát, khai quật (khi có thể) một số điểm nghi là có vật báu của nhà Mạc cất giấu tại dãy núi Phia Rạc. Ông đã trực tiếp thực hiện các công cuộc đó và thấy như sau:
1. Khu mộ tại đỉnh đèo Phia Rạc:
Trên đỉnh đèo qua khe hai ngọn núi chính, bên cạnh lối đi ngay đó có 3 ngôi mộ cổ, quanh khu mộ ngang qua sườn núi về phía chợ Bằng Ca, xã Lý Quốc có vài 3 cây thông cổ trồng từ thời nhà Mạc ở đó. Những cây thông nay đã bị chặt phá hết vào khoảng những năm gần đây.
2. Ngườm (hang) Kéo Lùa:
Hang đó thường hay bị sét đánh. Từ cửa hang đến những nơi bề mặt vách đá thẳng đứng xuống hang đều bị sét đánh nham nhở, đen xịt. Ông Công xuống hang bằng tời kéo, hai người ở trên cửa hang điều khiển tời, trục quay của tời làm bằng gỗ tự chế, hang sâu khoảng 25 m, đáy tương đối bằng, những mỏm đá mồ côi trên thềm đáy hang và những hốc đá nhỏ trên vách nhẵn nhụi, ông cho rằng có thể đó là nơi đi lại, nghỉ ngơi của loài vượn hoặc loài khỉ. Ngoài ra chưa phát hiện gì.
3. Ngườm Tấư Kéo (dịch ra tiềng Kinh cho là “Hang Dưới Đèo”):
Sau khi vào cửa hang, có bậc đi xuống các thềm, mới tới thềm thứ nhất, một mô đất có dấu hiệu khả nghi, ông Công tiến hành khai quật, mới đào xuống khoảng 30 cm thì đấy là một mồ chôn tập thể, ước chừng đống xương, đầu lâu đó phải đến 2 xe ô tô mớí chở hết.
Ngoài ra, dưới giữa trần đá bằng phẳng phía trên và vách thẳng đứng của hang chính lại có thêm một hang phụ như gác xép của căn nhà tầng. Nhưng vì vách cao, thẳng đứng, thấy có con rắn hang leo bám dưới trần sàn đi thẳng vào trong hang trên. Ông không chuẩn bị đủ phương tiện để trèo lên đó để khảo sát, thăm dò xem hang phụ này sâu và rộng ra sao ? Có gì ở trong đó không ?
4. Chậu nước tự nhiên trên đỉnh núi: Trên đỉnh núi cao là một khối đá đeo (đá treo), mặt trên tương đối bằng, ở khoảng giữa lõm đều xuống thành một cái chậu tròn (như cái chậu nhôm to hiện nay ta thường dùng hoặc có thể ví như một cái chảo gang to sào nấu thức ăn hàng ngày của ta). Nước trong chậu trong và không bao giờ cạn dù trời nắng to lâu ngày; Dù trời mưa to mấy ngày liền, nước cũng không bao giờ ngập đến miệng chậu. Hàng ngày, có các loài chim, một số loài bò sát có thể có cả thú thường đến tắm và uống nước. Chính ông Công đã bạo dạn tát cạn hết nước trong chậu, nhưng sau đó một lúc, không biết từ đâu ngấm ra, nước trong chậu lại đầy như cũ.
5. Chuyện về “tấm bia đá” của nhà Mạc:
Trước khi tôi may mắn được gặp ông Thẩm văn Vượng, ở xóm chợ Bằng Ca, tôi đã nghe người ta nói về tấm bia đá của nhà Mạc của mình. Vào đầu những năm 2000, khi được gặp ông Vượng (tôi gọi bằng anh), ông biết tôi là họ Mạc nên ông hay nói về nhà Mạc ở khu vực với tôi. Nhân đó tôi hỏi ông về tấm bia đá thì ông nói là có thấy ở một địa điểm trên núi Phia Rạc. Tấm bia khắc toàn chữ nho, chữ hán. không biết nội dung nói gì.
Từ cạnh nhà ông về phía đường tỉnh 206, đứng bên thành giếng nước (cả xóm chợ Bằng Ca chỉ có một cái giếng nước này để ăn) nhìn thấy rõ toàn bộ một phía của núi Phia Rạc. Đặc biệt là thấy rõ tuyến đường ngựa lên xuống núi.
Vào đầu năm 2006, sau khi ông Vượng nhất trí đưa chúng tôi lên núi để khảo sát, chụp ảnh lấy hiện vật và địa điểm có tấm bia. Sáng 01/4/2006, ông Vượng dẫn Mạc Sỹ Hạ và Mạc Ích Xuyền (là 2 êm họ của tôi) cùng lên, tôi ở lại xóm Bằng Ca để chuẩn bị tiếp đón đoàn khi quay tở về. Nhưng công việc không thành vì đến lưng chừng núi (chưa đến vị trí ngang đèo) thì ông Vượng do tuổi cao, không còn đủ sức leo tiếp. Còn 2 em: Hạ và Xuyền cố leo lên đỉnh núi Phia Rạc (ở đưới tôi nhìn rất rõ) nhưng cũng chỉ ngắm cảnh xuông và quay về chẳng mang lại kết quả gì.
Hiện nay ông Vượng đã mất. Có một số người thì đồn rằng: sau năm 1979, có một số đối tượng do nhận thức chưa đầy đủ nên đã đập vỡ hết tấm bia đó đi rồi.
II. Núi Phia Cao:
Ngọn núi này nằm ở địa phận xóm Nà Vị, xã Minh Long – quê ông Nông Thế Công sinh ra và lớn lên.
1. Sự tích việc xây lấp, bịt kín miệng hang tại núi Phia Cao:
Dưới chân núi là đồng ruộng của làng Nà Vị (dân vùng này thường gọi là “cánh đồng” vì tuy có vài chục đám ruộng nhưng tương đối bằng phẳng và đó cũng là vùng ruộng rộng nhất so với các làng khác trong khu vực). Trong “cánh đồng” đó có một đám ruộng trước đây nhà Mạc đào lấy đất, chuyển đất lên hang nhào với cát, vôi, sỏi sông, mật mía, giấy bản và một số chất liệu khác để xây lấp, bịt kín miệng hang ở sườn ngọn núi Phia Cao. Đám ruộng đó bây giờ trông như một cái ao đang được vùi lấp tôn cao dần bằng những đám xung quanh.
Người xưa truyền lại về việc xây lấp miệng hang là quân nhà Mạc thường tiến hành vào ban đêm, mệnh lệnh khi xây lấp hang xong, hẹn đến lúc gà gáy là phải cùng nhau rút lui ngay ra khỏi vùng. Khi việc xây lấp hang đã hoàn thành rồi nhưng chờ đợi đã lâu mà gà chưa gáy, quân nhà Mạc đã dùng thủ thuật là dùng cái dùi gỗ đập vào cái nong (ta thường sẩy gạo) ba nhát “bộp”, “bộp”, “bộp” giống tiếng vỗ cánh của gà làm cho gà gần đó giật mình thức giấc liền vỗ cánh theo và cất tiếng gáy, thế rồi tất cả gà của làng Bản Thầng (cả hai xóm Nà Vị và xóm Nà Quản) đều gáy vang dồn. Sau đó quân nhà Mạc đã lặng lẽ và nhanh chóng rút toàn bộ khỏi vùng này, không ai biết họ đi về đâu.
Có thể bắt đầu từ đó hang được dân trong vùng gọi tên hang đó là “Ngườm Ngần” (dịch ra tiếng Kinh là “Hang Bạc”) sẽ nói dưới đây:
2. Hang “Ngườm Ngần”:
Gọi là hang nhưng thực tế hiện nay có ai biết là cái hang nó ra sao? chỉ nghe người xưa truyền lại là trong phía bức tường thành trước là một cái hang, quanh miệng hang là vách đá thẳng đứng. Miệng hang nay là bức tường thành vĩnh cửu do nhà Mạc xây lấp bằng những vật liệu đặc biệt như đã nói ở trên. Không biết là nhà Mạc đã cất giấu những vật gì ở trong đó, nhưng cứ nghe lời truyền lại về hang “Ngườm Ngần” ở núi Phia Cao là nơi linh thiêng, người nào vào đấy quấy phá, lấy trộm đồ vật sẽ bị “trời đánh” hoặc bị rủi ro cho cả gia đìnhvề tương lai sau này. Cho nên từ những năm thập kỷ 1960 trở về trước, không ai dám bước chân vào đó (dù vào đấy chơi không). Nhưng đến thập kỷ 1960 trở về đây đã có nhiều tốp người, có tốp từ miền xuôi lên (chủ yếu do ông Nông Đức Nghiệp (đã mất), người xóm Nà Quản tổ chức dẫn đường); có tốp từ bên Trung Quốc sang (chủ yếu do ông Mông Minh Khổng (đã mất), người phố Bằng Ca tổ chức, dẫn đường) đến thăm dò, khảo sát, khai quật để tìm vận may làm giàu cho đời. Nhưng chưa nghe thấy có tốp nào thành công. Cũng có thể được gì đó hoặc không ? họ đều bí mật không tiết lộ.
Song song với việc thực hiện công cuộc thăm dò, khảo sát các điểm trên núi Phia Rạc, ông Công thực hiện cuộc khai phá hang “Ngườm Ngần” ở Phia Cao này. Theo lời kể của ông Công: Về bức tường kiên cố đó rất chắc chắn, nếu dùng cuốc chim đào thì chỉ sứt nhẹ thành vệt rất mỏng, dùng choòng tay khoan một đêm chỉ vào sâu gần 20 cm, dùng mìn nổ phá lỗ khoan đó thì cũng chỉ sâu và có độ rộng được bằng cái bát canh mà thôi. Thế là công cuộc khai quật nữa không thành công.
Hiện nay bức thành đó đã bị đục khoét, đào phá thành một hố khá sâu, miệng hố rộng bằng miệng bồ đựng thóc, nhưng chưa xuyên thủng bức tường thành để nhìn thấy hang như thế nào và cũng không xác định là cửa chính của hang nằm ở đâu, vị trí nào ?.
3. Về chiếc “ấn tín” Nhà Mạc:
Đám nương của gia đình ông Nông Khánh Thành ở chân núi, phía dưới hang “ Ngườm Ngần”. Ông Nông Khánh Thành đã từng giữ các chức Chủ tịch xã Minh Long, huyện ủy viên, rồi giữ chức Phó Chủ tịch UBHC huyện Hạ Lang về hưu (đã mất). Khoảng những năm đầu 1960 (không nhớ chính xác ngày, tháng năm), trong khi đi làm, gia đình ông Thành có nhặt được 2 cái “ấn tín” của nhà Mạc và 2 thanh bạc trắng. Thanh bạc trắng to và hình thù trông như cái răng bừa bằng gỗ.
Hai cái “ấn tín” nhà Mạc, ông đã giao cho ngành Văn hóa tỉnh Cao bằng. Việc giao hai “ấn tín” này có một số người trong xóm đó biết, trong đó có ông Nông Việt Trung, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng về hưu tại Khau Thúa, xã Ngọc Xuân, thị xã Cao Bằng (nay đã mất). Hiện nay chúng tôi chưa có dịp hỏi ngành Văn hóa Cao Bằng còn lưu giữ hai “ấn tín” của nhà Mạc đó hay không ? Còn hai thanh bạc trắng chắc họ đã bán.
IV. Gạch thời Nhà Mạc:
Một địa điểm tại Pấu (người dân làng Bản Thầng thường gọi, còn dân các làng khác xung quanh gọi địa điểm đó là: Pấu Thầng) ngay đầu xóm Nà Quản, nằm sát đường tỉnh 206, đoạn Nà Quản – chợ Bằng Ca, có vô số những viên gạch đất nung, màu hồng tươi. Ông Nông Văn Lang (nay đã mất), xóm Nà Quản (bố của ông Nông Trọng Hồ, nguyên giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Bằng đã về hưu, nay đang trú tại Tân An, Phường Tân Giang, thị xã Cao Bằng) đã nhặt về xây đủ cái nhà sàn (nhà theo kiểu nông thôn vùng đó). Hiện nay ngôi nhà đó vần còn đang sử dụng tại xóm Nà Quản, nhà sát ngay đường tỉnh 206 đi qua.
Đến nay, chưa ai khảo sát xem loại gạch đó Nhà Mạc sản xuất tại đó hay chuyên trở nơi khác về. Nếu sản xuất tại đó thì vị trí, địa điểm đặt lò nung và nguyên liệu để làm gạch đó ở đâu, số lượng lò là bao nhiêu ? Nếu chuyên chở từ nơi khác đến thì dùng phương tiện nào chuyên chở đến vùng hẻo lãnh, xa xôi như vậy ?
Hiện nay, tại địa điểm Pấu Thầng vẫn còn rải rác các viên vỡ được dân xếp quanh bờ vườn, bờ nương; có những viên còn ở đất. Nghe anh em nói là lúc viên gạch còn ở trong lòng đất thì nó mềm mềm, sau khi đem lên khỏi mặt đất một lúc thì nó cứng khô như gạch bình thường.
Trung tâm Nhà Mạc hồi đó có thể đóng quân ở vùng chung quanh làng Bản Thầng (xóm Nà Vị và xóm Nà Quản) hiện nay, nhưng vị trí đại bản doanh đặt ở đâu? Có phải đại bản doanh xây bằng gạch đó bị phá hoại mà còn sót lại không ? Chốt nhà Mạc được xây dựng ở trên đỉnh dãy núi Phia Rạc nhưng vị trí cụ thể đặt ở đâu, xây bằng vật liệu gì, hay chỉ là chốt giả ? Tất cả những vấn đề tôi đặt dấu hỏi ở trên vẫn chỉ là những bí ẩn !
V. Các điểm khác:
- 1. Ngườm Sáy Cáy (dịch theo tiếng Kinh là “hang trứng gà”)
Hang này cũng nằm sát đường tỉnh 206, đoạn Nà Quản, xã Minh Long – phố Bằng Ca, xã Lý Quốc. Có người đã nhặt được 7 cái vòng tai bằng bạc trắng ở khe đá trong hang, họ đồn rằng: Đấy là của nhà Mạc cất giấu ở đó trước khi rút lui khỏi nơi này.
Vừa qua, do thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 206, vì hang quá sát đường nên đã bị phá để mở rộng đường và hang chỉ còn là phế tích.
2. Núi “Phia Nọi”:
Phia Nọi là ngọn núi độc lập sau xóm Nà Vị, từ xưa truyền lại là nơi có hủi, không nên bước chân vào đó. Có một buổi chiều gần tối, ông Công và người bạn cùng làng trên đường đi làm về qua gần đó, tự nhiên ông nhìn thấy khói mù bay xoáy lên đến ngang tầm ngọn cây, sau đó biến thành ánh lửa tàn như ánh lửa than củi rơi xuống đất rồi tắt. Sau khi kể chuyện này, ông có bạn người Hà Nội mách là ở chỗ đó sẽ có vàng bạc hoặc đồ cổ bằng kim loại chôn hoặc cất giấu. Ông Công lại thực hiện chuyến khảo sát vào đấy nhưng không thấy gì. Kể cả hủi mà người ta đồn đại cũng không có xảy ra việc gì cả.
3. Núi “Phia Í”:
Núi này là một ngọn của dãy Phia Rạc hướng về phía đằng trước giữa xóm Nà Vị và xóm Nà Quản cũng có hiện tượng tương tự như núi Phia Nọi, nhưng về hiện tượng thì mẹ của ông Công nhìn thấy những hai lần và mách bảo con. Nhưng nay cũng chưa tìm thấy vật lạ gì thêm.
4. Động “Ngườm Khu”:
Động này cũng nằm trong địa phận xóm Nà Vị, động ở vị trí khá thấp, không gian động khá rộng, động chứa được dân của mấy làng lân cận trong chiến tranh biên giới năm 1979. Cũng là nơi trú quân Nhà Mạc trong thời kỳ hoạt động ở khu vực đó.
Tất cả những điểm dấu tích lịch sử – văn hóa còn đầy bí ẩn của nhà Mạc mà tôi kể (còn sơ khai và có thể chưa hết) ở trên đều ở gần nhau trong một vùng, nó tạo nên một quần thể về di tích lịch sử – văn hóa nhà Mạc (một Vương triều trong lịch sử Việt Nam đã được Nhà nước công nhận) ở các xã vùng Bằng Ca, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cần nên khảo cứu, xem xét, kết luận … của ngành Văn hóa – Du lịch, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, các nhà Khoa học … Và đặc biệt, cần có sự bảo vệ của chính quyền các cấp.
Ngày 12 tháng 7 năm 2012
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.