- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17924
- Tổng truy cập: 3,369,721
MẠC THIÊN TỨ Kỳ 2: Thiên tình sử mang tên Chiêu Anh Các 566
- 294 lượt xem
MẠC THIÊN TỨ
Kỳ 2: Thiên tình sử mang tên Chiêu Anh Các
Thiên tình sử ngài tổng trấn khai mở đất Hà Tiên và sư nữ trụ trì Phù Dung Tự (Sưu tầm: Hoàng Trần Hòa – (LĐĐS) Số 40 TÔ CHÂU – 7:17 AM, 18/10/2015)
Kế thừa sự nghiệp của cha là Mạc Cửu, người con Mạc Thiên Tích (Tứ) vừa trấn áp giặc giã bên ngoài, vừa dẹp loạn bọn cướp biển trên vùng biển Tây, vừa xây dựng Hà Tiên ngày càng phồn vinh. Bao công việc lo toan như thế, nhưng Mạc Thiên Tích vẫn quan tâm đến thi phú, văn chương, mà đỉnh cao là việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Để rồi từ Tao đàn Chiêu Anh Các, vị quan Tổng trấn này đã để lại mối tình tuyệt đẹp gắn liền với ngôi chùa Phù Dung Tự.
Tao đàn Chiêu Anh Các
Tao đàn Chiêu Anh Các được Trần Trí Khải – một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc) – sáng lập, do Mạc Thiên Tứ (1718-1780) làm Tao đàn nguyên soái, ra đời vào năm 1736 ở Hà Tiên. Ban đầu, đây là nơi thờ Khổng Tử, chiêu tập các bậc hiền tài và giúp đỡ cho những thiếu niên ưu tú theo đuổi nghiệp văn, nghiệp võ. Sách “Đại Nam liệt truyện Tiền biên” đã ghi nhận: Mạc Cửu về Trấn Hà Tiên dựng thành quách, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài. Kế thừa giềng mối của cha, Mạc Thiên Tứ cũng dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh và làm nơi đón tiếp hiền tài đến Hà Tiên lập nghiệp.
Sách “Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả” do Vũ Thế Dinh biên soạn năm 1818, chép: Ông Mạc Thiên Tứ phú tính trung lương, nhân từ nghĩa dũng, toàn vẹn tài đức, lại tinh thông sách vở và văn thơ của Bách gia chư tử… Ông có dựng Chiêu Anh Các để thờ Tiên Thánh, và dùng lễ vật hậu hĩ để đón mời người tài giỏi. Từ bên nhà Thanh và cả các bậc tuấn tú các nước khác nghe tiếng ông đều tụ hội đến ngày một đông.
Trong số danh sĩ “nghe tiếng mà đến” có Trần Hoài Thủy từ Việt Đông (Trung Quốc) vượt biển đến đây. Chủ và khách tỏ ra tâm đầu ý hợp. Chủ nhà Mạc Thiên Tích đem “Hà Tiên thập cảnh” trình cho tri kỷ, thầy Trần Hoài Thủy dựng cơ Tao đàn, mở hội phong nhã. Đó là năm Bính Thìn (1736). Thi sĩ Đông Hồ – người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với Hà Tiên – cho biết: Đời Hồng Đức có lập tao đàn là một tổ chức văn học rất hoàn bị. Cách tổ chức Chiêu Anh Các cũng gần y như vậy. Nhân vật tao đàn Hồng Đức có Nhị thập bát tú, Chiêu Anh Các có số người nhiều hơn. Có sách chép 32, nhưng có sách chép 36. Số 36 vị này gọi là tam thập lục kiệt, tức 36 vị kiệt sĩ.
Trong số đông đảo đó, có người ở tại Hà Tiên, có người từ Thuận Quảng (tức Thuận Hóa và Quảng Nam), Gia Định, có những người ở tận Trung Hoa, phần nhiều là người 2 tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến; vì hâm mộ thanh danh Chiêu Anh Các, cảm mến phong lưu tài vận đất Hà Tiên mà tìm đến. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết rằng: Chiêu Anh Các có 32 vị, ngoài Mạc Thiên Tứ chủ xướng nên Hà Tiên thập vịnh, còn có 25 nhà thơ người Hoa, 6 vị người Việt.
Giá trị nhất của Chiêu Anh Các còn để lại đến ngày nay phải kể đến “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” gồm 10 bài đoạn thơ chữ Nôm vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Tập thơ dài 422 câu liên ngâm vừa lục bát gián thất vừa Đường luật bát cú, liên hành. Kế đến là “Thụ Đức Hiên tứ cảnh” có 88 bài thơ của 32 tác giả, họa 4 bài thơ hồi văn vịnh phong cảnh bốn mùa của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Sách đã được khắc in, trong khoảng thời gian với Hà Tiên thập vịnh. Đây là tập thi họa rất quý, chẳng những về phương diện sử liệu, văn học, còn quý về mỹ thuật, về bút tích của các danh bút trong nhóm Chiêu Anh Các. Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức, trong bài Tân tự được viết năm Minh Mạng thứ hai (1821) in trong tập Minh bột di ngư, thì Chiêu Anh Các còn có các bộ sách: Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ và Thi thảo cách ngôn vị tập.
Dù vẫn còn có người tỏ ý nghi ngờ, có hay không ngôi nhà riêng dành cho Chiêu Anh Các, nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt (người Hà Tiên), nhờ 9 bài thơ trong tập Thụ Đức Hiên tứ cảnh còn sót lại; nhờ những phế tích vẫn còn ở chùa Phù Dung, ông Đạt đã khẳng định vị trí Thụ Đức Hiên tại Đền Khổng Tử xưa, trải qua bao biến cố, nay chính là nơi tọa lạc của chùa Phù Dung.
Một hiện tượng văn chương thú vị
Thi sĩ Đông Hồ đã từng thảng thốt: “Lạ lùng thay, cách nay hơn hai thế kỷ, ở góc Hà Tiên diệu viễn, đã có một tướng quân thi sĩ con cháu Minh Hương, làm được những câu thơ tiếng Việt lọc lõi, trau chuốt đến vậy”. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì viết: “Thơ văn Chiêu Anh Các hầu hết là thơ đề vịnh thiên nhiên. Tính chất ước lệ, phong cách khoa trương, sự thị vị hóa cảnh vật và thông qua cảnh vật mà phơi bày tâm trạng thỏa mãn với hiện thực, của những người may mắn cai quản một vùng đất nước… Tuy vẫn còn những sáng tác mang tính chất sách vở, khuôn sáo, nhưng chúng vẫn thể hiện được những tình cảm lạc quan yêu đời của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống, niềm tự hào về đời sống hòa bình, no đủ và tinh thần trách cùng ý chí muốn gìn giữ nơi biên cương sao cho yên ổn, giàu mạnh. Sắc thái tích cực đó đã làm cho nhiều bài thơ mang được vẻ đẹp chân thực, giản dị, đạt đến cái nhã đạm của văn chương cổ điển”.
Mạc Thiên Tích vừa vịnh bằng thơ chữ Hán vừa viết “Hà Tiên Quốc âm thập cảnh vịnh” bằng chữ quốc ngữ, theo thể song thất lục bát. Chứng tỏ thi sĩ này rất thạo tiếng Việt của mẹ mình. Tập thơ Hà Tiên thập vịnh gửi đi khắp nơi và được 66 thi sĩ khắp nước và cả Trung Quốc họa vần gửi về Hà Tiên được in khắc. Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích chủ xướng đã xuất bản tới 7 tập sách chữ Hán và một tập thơ chữ Nôm 10 bài họa 10 cảnh Hà Tiên xen những khúc ngâm song thất lục bát dài 422 câu rất điêu luyện.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: Trong xứ (Hà Tiên) có miếu thờ Khổng Tử mà từ vương (tức Mạc Thiên Tứ) đến dân ai cũng thờ. Có một nhà nghĩa học dạy các thanh niên ưu tú, nghèo không thể tự túc theo học được. Những người Trung Hoa sang đây mà có khả năng văn học thì mới được mời đến đó dạy học… Trong khi đó, đừng nói chi Gia Định, ngay cả ở Thuận Hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học (Việt). Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước khác, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nửa thế kỉ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ! Tiếc thay, nền văn học Hà Tiên bừng lên rực rỡ được có ba mươi mốt năm; đến năm 1771, Hà Tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Thiên Tích phải chạy về Gia Định. Chiêu Anh Các tan rã, sách vở bị tiêu hủy; năm 1778 Thiên Tích phải trốn tránh Tây Sơn, qua Xiêm, và hai năm sau, 1780, ông tuẫn tiết ở kinh đô Xiêm; từ đó Hà Tiên cũng cùng họ Mạc mà suy tàn.
Mối tình mang tên Chiêu Anh Các
Tao đàn Chiêu Anh Các càng thêm giá trị lịch sử, văn chương khi nó gắn liền với chuyện tình của Tổng trấn Mạc Thiên Tích với sư nữ trụ trị chùa Phù Dung Tự, ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Tiên ngày nay. Theo những gì mà sử sách còn để lại cho hậu thế, thì thời ấy ở Hà Tiên có một người con gái xinh đẹp, lại giỏi văn chương, tên là Phù Cừ, tên thật là Nguyễn Thị Xuân. Cô là thứ nữ của một di thần nhà Lê tên Nguyễn Đình. Ông nghe danh ở nơi cuối trời, có Tổng trấn – văn nhân Mạc Thiên Tứ rất mến mộ người tài, Nguyễn Đình đã cùng hai con vượt thiên lý vào cư ngụ tại Hà Tiên. Con trai tên Nguyễn Đính giỏi kiếm thuật, ra giúp họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên; còn em gái giỏi thơ văn, gá nghĩa cùng Mạc Thiên Tứ sau cuộc gặp gỡ tại tao đàn Chiêu Anh Các, trở thành Ái cơ (thứ phi) của quan Tổng trấn. Để rồi ngôi chùa Phù Dung gắn liền với chuyện tình của Mạc Thiên Tích và cô gái Phù Cừ.
Tuy các nguồn thông tin có ít nhiều khác biệt, nhưng cốt truyện vẫn khá giống nhau. Đó là, trong một đêm Tao Đàn khai hội, có một người con gái vì mê văn chương tên là Phù Cừ đã cải dạng nam trang trong lớp áo thư sinh đến dự Tao Đàn. Không chỉ đến dự và thưởng thức tài thơ văn của hội Tao đàn Chiêu Anh Các, người con gái giả trai còn tham gia thi vịnh làm sửng sốt mọi người. Trước hàng ngũ thi hào tiền bối, Phù Cừ đã xuất sắc hoàn thành bài thơ Nôm theo đúng chủ đề của Mạc Tổng Trấn đồng thời cũng là Nguyên Soái Tao Đàn đề ra: Nguyên Dạ Qua Đăng, Chiêu Anh Thắng Hội.
Bài thơ như sau: “Đêm xuân hội mở tuần trăng mới/Áo gấm thanh vân phô điện tích/Đây Chiêu Anh Các ngời châu ngọc/Non nước thần tiên mừng có Chủ/Đốt qua đèn đưa sáng ánh trăng/Lòng son đơn quế dãi cung hằng/Kìa quản Hàn Cung rạng tuyết băng/Có nhàn mừng cỏ mặt qua đăng”.
Tiếp theo, theo yêu cầu của Mạc Tổng trấn, Phù Cừ lại cất cao giọng ngâm 10 bài Hà Tiên Thập Vịnh bằng thể thơ Hán Nôm do chính Mạc Hầu vừa mới sáng tác khiến cho toàn thể hội Tao Đàn ngạc nhiên thán phục. Người thư sinh có dáng dấp thật nhu hoà, phương phi mỹ tú, lại còn có giọng ngâm lảnh lót như phượng hót oanh ca khiến vị Tổng binh Tao Đàn càng thêm sửng sốt, ngất ngây. Linh tính mách bảo hay có sợi dây vô hình nào đó liên kết hai tâm hồn, hai con người, Mạc Tổng trấn rời khỏi hội Tao đàn mà cứ thấy lòng ngây ngất, không nguôi nỗi nhớ nhung “chàng” thư sinh trẻ tuổi, tài cao ấy. Cũng từ đêm ấy, Mạc Hầu đã âm thầm dò xét và quả đúng như lời dự đoán của Mạc Hầu, giai nhân đã lộ bày chân tướng trong màu áo thư sinh.
Chùa Phù Dung ở Khu di tích núi Bình San, Hà Tiên
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.