- Đang online: 2
- Hôm qua: 1041
- Tuần nay: 18660
- Tổng truy cập: 3,370,455
LỜI GIỚI THIỆU CỦA GIÁO SƯ SỬ HỌC PHAN HUY LÊ VỀ CUỐN SÁCH “NHÀ MẠC 708
- 312 lượt xem
LỜI GIỚI THIỆU CỦA GIÁO SƯ SỬ HỌC PHAN HUY LÊ
VỀ CUỐN SÁCH “NHÀ MẠC-BA THỜI KỲ LỊCH SỬ” CỦA GS PHAN ĐĂNG NHẬT.[1]
Lịch sử Việt Nam thời kỳ chế độ quân chủ, có ba vương triều bị các sử thần của các bộ chính sử xếp vào loại “nhuận triều”, “ngụy triều” là triều Hồ (1400-1407), triều Mạc (1527-1592) và triều Tây Sơn (1778-1802 kể từ khi Nguyễn Nhạc xưng đế cho đến khi Quang Toản thất bại). Vương triều Hồ gắn liền với công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và cuộc kháng chiến chống Minh đã được giới sử học thảo luận để đi đến một nhận thức công bằng, khách quan. Vương triều Tây Sơn gắn liền với phong trào Tây Sơn và vũ công diệt Xiêm, phá Thanh cũng được giới sử học quan tâm nghiên cứu, thảo luận đi đến những đánh giá cao về vai trò và cống hiến lịch sử của Tây Sơn. Riêng vương triều Mạc chịu sự nhìn nhận bất công kéo dài nhất. Trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, triều Mạc không được chép thành Kỷ nhà Mạc như các vương triều khác mà chỉ được “chép phụ” vào các đời vua Lê tương ứng. Trong “Phàm lệ” của bộ Quốc sử đã xác định rõ “Còn họ Mạc tiếm ngôi thì chia làm hai dòng mà chua ở dưới thứ tự năm, thế là để tôn vinh chính thống mà nén tiếm nghịch” (Đại Việt sử ký toàn thư, Q.Thủ-5a). Không những sự tồn tại của vương triều Mạc bị phủ định mà thái độ ghi chép của chính sử cũng bị chi phối bởi quan điểm “chính thống” của Nho giáo nên mang tính thiên lệch làm méo mó cả nguồn sử liệu. Cho đến giữ thế kỷ XX, nhà sử học Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược (1949), ra sức biện hộ cho nhà Tây Sơn để chứng minh rằng đó là một “nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy”. Nhưng đối với triều Mạc, tác giả vẫn bị sự chi phối của quan điểm chính thống, chép triều Mạc trong chương Nam triều-Bắc triều với những lời lên án nặng nề: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc” (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, 1949, tr. 274). Ở những mức độ khác nhau, quan điểm đó vẫn để lại những dấu ấn nặng nề trong các bộ lịch sử Việt Nam cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, tuy đây đó đã có những ý kiến nêu lên một số mặt tích cực của triều Mạc.
Năm 1985, trong hội thảo kỷ niệm 400 năm mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) ở Hải Phòng, một số nhà sử học nêu vấn đề cần nhận thức, đánh giá lại thời đại nhà Mạc và vương triều Mạc thì mới hiểu được con người và sự nghiệp của nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1991, tinh thần đó cũng được nêu lên. Đấy là màn dạo đầu mở ra một phương hướng mới trong nghiên cứu và nhận thức về vương triều Mạc. Tiếp theo sau đó, qua những hội thảo chuyên đề về nhà Mạc đã được tổ chức ở Hải Phòng năm 1994, ở Hà Nội năm 2010, ở Cao Bằng năm 2011, ở Vĩnh Phúc năm 2012, một nhận thức mới về vương triều Mạc đã được xác lập.
Đúng là triều Mạc thành lập trên cơ sở Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê. Nhưng triều Lê đầu thế kỷ XVI không còn là triều Lê của vua Lê Thái Tổ (1428-1433), vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mà là một vương triều đã suy thoái, đã bộc lộ tất cả sự đồi bại trước nhân dân và sự bất lực trước yêu cầu phát triển của lịch sử. Phế bỏ một vương triều như vậy để thành lập một vương triều mới tiến bộ hơn phải được coi là một bước tiến của lịch sử. Triều Đinh thay triều Ngô, triều Tiền Lê thay triều Đinh, triều Lý thay triều Tiền Lê, triều Trần thay triều Lý, triều Hồ thay triều Trần, đều diễn ra theo qui luật thay đổi vương triều như vậy. Thoát ra khỏi quan điểm chính thống của Nho giáo, lấy yêu cầu phát triển của lịch sử và lợi ích quốc gia làm tiêu chí cao nhất để đánh giá các vương triều thì không có lý do gì để vội vàng phủ nhận các vương triều mới vì lý do “cướp ngôi”, “thoán đoạt”…Tất cả các nhà khoa học tham dự các hội thảo về triều Mạc đều nhất trí cần đối xử với vương triều này một cách công bằng như các vương triều khác.
Vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận là sau khi thành lập, vương triều Mạc đã đề ra và thực thi các chủ trương, chính sách gì, tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước như thế nào. Trên tinh thần đó, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, khai thác các nguồn sử liệu, đặc biệt là các văn bia, các gia phả, các di tích lịch sử-văn hóa, các tư liệu khảo sát thực địa…, để làm sáng tỏ dần những cống hiến của triều Mạc, phân tích và đánh giá cao tư tưởng phóng khoáng của các vua Mạc, những kết quả phát triển kinh tế công thương nghiệp, những tiến bộ của đời sống xã hội, những thành tựu giáo dục, thi cử và văn hóa. Đồng thời những mặt hạn chế và lý do dẫn đến thất bại cuối cùng của triều Mạc cũng được thảo luận. Từ đó, thái độ và nhận thức đối với triều Mạc đã hoàn toàn thay đổi.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu mới, GS TSKH Phan Đăng Nhật đã biên soạn sách “Nhà Mạc-Ba thời kỳ lịch sử” như một “Hợp biên” về lịch sử vương triều Mạc và hậu duệ.
Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ Thăng Long (1527-1592) khi vương triều Mạc đóng đô ở Thăng Long và là vương triều đại diện cho chủ quyền quốc gia.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ Cao Bằng kể từ năm 1592 sau khi thất thủ kinh thành, lực lượng nhà Mạc rút lên chiếm giữ vùng núi rừng Cao Bằng. Thời kỳ này theo chính sử kết thức năm 1677 (Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên Q.34-4a) khi quân Lê-Trịnh chiếm lại Cao Bằng, vua Mạc trốn sang Long Châu, còn theo tư liệu của Hội đồng Mạc tộc thu thập thì sau đó, vua Mạc còn tồn tại đến năm 1683. Trong thời kỳ này các vua Mạc vẫn xưng hoàng đế, đặt niên hiệu, nhưng phạm vi cai quản chỉ thu lại trong vùng Cao Bằng. Hội thảo “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng” năm 2011 đã cung cấp nhiều tư liệu làm sáng tỏ những đóng góp của các vua Mạc trong công cuộc khai phá phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, tăng cường quan hệ giao lưu giữa các dân tộc của vùng núi rừng biên cương Cao Bằng.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ “hậu Cao Bằng” tính từ năm 1683 đến năm 1769 khi khởi nghĩa Hoàng Công Chất vốn là họ Mạc, thất bại. Ngay từ sau khi mất Thăng Long, con cháu nhà Mạc một số chạy lên Cao Bằng, một số phải trốn tránh nhiều nơi. Sau thất bại ở Cao Bằng, con cháu nhà Mạc lại phải tìm cách ẩn náu, trong đó có một số lui về vùng đất Vĩnh Phúc ngày nay. Hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc” năm 2012 thu thập thêm nhiều tư liệu về những hậu duệ và dấu tích của nhà Mạc trên vùng đất này. Hậu duệ nhà Mạc phải mai danh ẩn tích, đổi sang các họ khác nhưng vẫn nuôi chí chống chính quyền Lê-Trịnh mà tiêu biểu là khởi nghĩa do một người họ Mạc đổi sang họ Hoàng là Hoàng Công Chất cầm đầu (1739-1769).
Ngoài ba phần chính tương ứng với ba thời kỳ trên, cuốn sách còn thêm phần thứ tư là một tổng kết của tác giả “Nhà Mạc với ba thời kỳ và mười hai đời vua” và phần thứ năm là “Hậu duệ các vua nhà Mạc trong thời kỳ cận-hiện đại” nêu lên một số hậu duệ của nhà Mạc mà phần lớn đã đổi sang các họ khác trong thời gian từ giữa thế kỷ XIX đến nay.
Toàn bộ cuốn sách thể hiện mong muốn của tác giả là làm một “Hợp biên” theo chủ đề “Nhà Mạc-ba thời kỳ lịch sử” .Tác giả cũng xác định “đây chỉ là tài liệu tham khảo, có từng mảng đậm nhạt không đều” nhằm đáp ứng nguyện vọng của hậu duệ trong họ và cung cấp tư liệu cho các nhà khoa học. Tôi nghĩ rằng, trong mục tiêu đó, cuốn sách đã được chuẩn bị chu đáo, đã thành công và là một bước đi có ý nghĩa góp phần thúc đẩy công việc tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về vương triều Mạc để tiến tới một tổng kết nhằm tạo lập một nhận thức khách quan và toàn diện về vương triều này trong lịch sử dân tộc.
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2014
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê
[1] Sách Nhà Mạc- ba thời kỳ lịch sử được viết để chào mừng Đại hội II của HĐMT VN, NXB Dân trí, 2014.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.