- Đang online: 1
- Hôm qua: 474
- Tuần nay: 13642
- Tổng truy cập: 3,377,080
LỊCH SỬ – VĂN HOÁ PHÁI HỆ MẠC ĐĂNG LƯỢNG Ở NGHỆ AN (tiếp theo)
- 709 lượt xem
CHƯƠNG 2
ĐÓNG GÓP CỦA PHÁI HỆ MẠC ĐĂNG LƯỢNG Ở NGHỆ AN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
2.1. Đóng góp của phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
2.1.1. Phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng
Người xưa thường nói: Nghệ An có núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu cảnh tươi sáng nên nơi đây đã lôi cuốn được nhiều người từ phía Bắc vào làm ăn sinh sống. Nhưng cụ tổ Mạc Đăng Lượng vào Nghệ An không phải vì lí do như vậy, ông vào Nghệ An năm 1531 để trấn thủ Hoan Châu (Nghệ An). Ở đây, ông đã chiêu dân lập ấp phát triển kinh tế với 137 hộ ở tổng Đặng Sơn. Ông cùng cộng đồng cư dân người Nghệ vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng xóm làng đông đúc, trù phú. Sau khi gặp nạn, dòng họ suy vi, ông được xóm làng che chở, đùm bọc, ông thay tên đổi họ để dạy học, bốc thuốc cho dân chúng.
Phát huy truyền thống yêu nước của phái hệ Mạc Đăng Lượng, Hoàng Trần Siêu (1871-1949 là một người giỏi nho học và chữ quốc ngữ. Ông thi đậu cử nhân, được bổ nhiệm ra làm quan cho Pháp nhưng ông từ chối. Do đó nhân dân đương thời có câu:
“Hoàng Trần vang tiếng anh hùng
Ngoan cường chống lệnh triều đình bỏ quan”.
Hoàng Trần Siêu không làm quan mà đi dạy học được thưởng Hàn lâm cung phụng vì ông là người có uy quyền trong vùng, tri phủ cũng phải kính nể, nhân dân thường gọi quan Hàn hay là cụ Hàn Trần Đặng Sơn. Ông là người kinh bang tế thế, chăm lo việc dạy học cho dân chúng trong vùng, mở trường dạy học đầu tiên, vận động nhân dân đi học, ai học giỏi được thưởng quần áo (hai phòng học đó bây giời được sửa lại làm phòng truyền thống và Mặt trận xã Đặng Sơn).
Năm 1890, sau khi đỗ đầu giải nguyên trường Nghệ, Phan Bội Châu đã lên vùng Đặng Sơn để cùng Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài…. đàm đạo tại nhà thờ họ Hoàng Trần vận động thanh niên xuất dương ra nước ngoài hoạt động.
Năm 1916, sau khi ông Hồ Bá Kiện hy sinh anh dũng tại nhà tù Lao Bảo, ông Ngô Quảng đã đưa Hồ Tùng Mậu lên giữ ở nhà thờ họ Hoàng Trần để làm nghề dạy học, nhờ bạn của bố mình như Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài cùng bà con ở Đặng Sơn hết lòng giúp đỡ, yêu thương đùm bọc.
Năm 1919 ông Ngô Quảng đã đưa Hồ Tùng Mậu và người con trai của mình là Nguyễn Chính Học cùng đi xuất dương với Lê Hồng Sơn. Sau khi Hồ Tùng Mậu đi xuất dương, Hoàng Trần Siêu muốn duy trì lớp học tại nhà thờ họ Hoàng Trần để nhóm lên ngọn lửa yêu nước từ những tấm lòng khao khát làm cách mạng của đoàn con trẻ trong vùng. Để thực hiện ý tưởng đó, ông đã mời thầy Võ Xuân Sướng, quê ở Diễn Châu là đồ đệ trung thành của Phan Bội Châu về nhà thờ họ Hoàng Trần dạy học [17; 58].
Hoàng Trần Siêu căm thù Pháp, mong ước nước nhà được độc lập tự do để mở mang kinh tế. Ông tự mang các giống cây trồng ở ngoài Bắc về như: lạc, lúa đặc biệt là trồng dâu, nuôi tằm để cải tạo cho nhân dân làm ăn sinh sống. Ông vận động nhân dân trồng cây cối quanh đường làng, lập kho thóc cứu giúp dân khi gặp nạn đói, mất mùa xẩy ra. Đặc biệt ông có chủ trương chia đều ruộng công theo đinh cho dân. Ông còn có tư tưởng chống mê tín dị đoan. Khi phong trào cộng sản hoạt động mạnh, triều đình nhà Nguyễn cùng thực dân Pháp tay sai điều ông làm tri phủ để trấn áp con cháu mình nhưng ông từ chối và chống lại quyết liệt. Sau đó ông bị bắt giam tra tấn tại nhà lao Vinh. Khi già yếu ông không còn hoạt động được nên luôn luôn động viên con cháu mình tích cực hoạt động cách mạng. Ông tự mình hiến ruộng, tiền bạc khi phong trào Xô Viết 1930 nổ ra.
Con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng ở hậu phương số đông hoạt động trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Một số công tác ở các ngành công, nông, lâm trường giao thông, xí nghiệp công nghiệp…. trong toàn tỉnh cũng như trong cả nước. Hoàng Trần Trực tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Khi cách mạng tháng Tám thành công thì ông được bầu làm Phó chủ tịch huyện Đô Lương. Đến năm 1950, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau một thời gian công tác thì ông ra làm chánh văn phòng Bộ Hải sản.
Điều đặc biệt đến năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch thi đua hăng hái sản xuất và tiết kiệm, tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc ngoại xâm, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, bản thân và gia đình Hoàng Hanh đã tự nguyện hăng hái thi đua sản xuất. Vụ chiêm năm 1947 gia đình ông sản xuất được 1240kg lúa, 1.570 kg lạc, 104 kg vừng. Đến năm 1950, ông được ban Nông hội tỉnh cử đi đại hội thi đua toàn quốc và ông được đại hội suy tôn là anh hùng lao động nông nghiệp toàn quốc. Năm 1952, Hoàng Hanh được Trung ương Đảng cử tham gia công tác: uỷ viên đoàn Khoa học kỹ thuật Trung ương, uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, uỷ viên hội Hữu nghị Việt – Xô và Việt – Trung. Ông là đại biểu Quốc hội khoá IV và V [9; 128].
Cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kì kéo dài 21 năm đã kết thúc bằng thắng lợi to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi này đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam – thời đại độc lập, thống nhất và cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau một thời gian hàn gắn vết thương chiến tranh, đất nước ta đi lên xây dựng một cuộc sống mới, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đóng góp vào thành công của mục tiêu mà Đảng và nhà nước đặt ra, con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng từ sau ngày hoà bình thống nhất đất nước đến nay, theo đà phát triển của đất nước, họ lại có thêm những bước tiến mới về con đường học vấn và phát triển kinh tế. Với những gì đạt được qua một quá trình dày công học tập và phấn đấu là một thành tích đáng kể góp phần vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước của phái hệ này. Những người đã từng tham gia trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nay đất nước đã hoà bình họ lại đem những ngày còn lại của cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc: chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế.
Noi theo tấm gương chiêu dân lập ấp xây dựng xóm làng phát triển kinh tế của ông tổ Mạc Đăng Lương, con cháu của ông dù bất cứ ở thời kỳ nào, làm việc gì cũng phấn đấu xây dựng quê hương mình.
2.1.2. Bảo tồn phát triển các giá trị văn hoá.
Kế thừa truyền thống nhân văn và kiên cường bất khuất của tổ tiên, Lê Sĩ Tào (1744-1813) đi lính hơn 40 năm, có công lớn đối với quê hương nên sau này được các đời vua nhà Nguyễn đều có sắc phong. Trong đó có đạo sắc đời Thành Thái như sau: Sắc Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Đồng Luân xã, Di Luân thôn. Phụng sự bản cảnh thành hoàng phấn lực tướng quân, lĩnh tư tráng sĩ, linh ứng chi thần, niệm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu gia phong. Kim lịch thừa khâm mệnh diễn niệm, thần lâm trước phong vi dực thảo trung hưng linh phù chi thần chuẩn nhưng cựu phụng sự kì tướng hữu bản ngã lê dân khâm tai.
Thành thái thập thất niên ngũ
Nguyệt nhị thập nhật.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một chân trời mới cho cách mạng nước nhà, chấm dứt một thời gian dài chìm trong bóng đêm nô lệ. Giờ đây, nhân dân Việt Nam có thể làm chủ vận mệnh của dân tộc mình. Vậy nhưng “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn“. Hàng loạt khó khăn do nạn đói, nạn mù chữ và đặc biệt là sự bao vây của các thế lực thù địch trong năm đầu sau cách mạng tháng Tám đã đặt ra trước mắt chính quyền non trẻ những nhiệm vụ nặng nề và cấp bách.
Sau cách mạng tháng Tám, phong trào chống nạn mù chữ được đặt lên hàng đầu. ở Nghệ An, từ phong trào truyền bá chữ quốc ngữ trước cách mạng tháng Tám, phong trào bình dân học vụ đã phát triển mạnh. Các lớp thanh toán nạn mù chữ học vào buổi trưa và ban đêm rất đều đặn, sôi nổi. Đình các xóm, nhà thờ một số họ trở thành trường học. Chẳng những nam, nữ thanh niên mà các ông bà già cũng đến học. Làm được những điều đó có sự đóng góp rất lớn của con cháu Mạc Đăng Lượng mang danh nghĩa họ Hoàng, họ Lê. Ở Xuân Hoà, Nam Đàn, có nhiều con cháu tham gia dạy bình dân học vụ như: Lê Văn Doãn, Lê Văn Hướng, Lê Văn Lý,….
Phát huy truyền thống “Thanh Đức” của tổ tiên để lại, trong thời kì đổi mới, dưới những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, đại bộ phận con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An vẫn giữ được phẩm chất trung thành, tận tuỵ, liêm khiết.
Hoàng Trần Ky, ngay từ lúc còn là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc và phát huy truyền thống cách mạng của dòng họ đã lên đường gia nhập quân đội vào tháng 5 năm 1972. Hoàng Trần Ky gia nhập quân đội từ tháng 5 năm 1972 đến tháng 9 năm 1976, trong 4 năm đó, ông luôn hoàn thành với các nhiệm vụ được tổ chức giao phó. Dù bất cứ cương vị nào và khó khăn đến đâu ông cũng thể hiện tinh thần cố gắng, phấn đấu vươn lên, nêu cao tính kĩ luật, năng động, sáng tạo. Vì vậy, đứng trong hàng ngũ quân đội, mặc dù là một sinh viên nhưng Hoàng Trần Ky là trinh sát cao xạ pháo phòng không 57 ly, trinh sát tên lửa đất đối không. Sau đó ông làm bí thư chi đoàn, liên đoàn C1, D116, E276, F361. Cùng với sự kiên trì phấn đấu của bản thân, ông được học lớp sĩ quan điều khiển tên lửa, trường sĩ quan Phòng không. Tham gia xong khoá học đó, ông được làm giảng viên sư đoàn 361.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nước nhà được thống nhất, Hoàng Trần Ky được ra quân (từ tháng 9 năm 1976 đến tháng 8 năm 1977) trở về khoa Hoá, trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tiếp năm thứ tư. Hoàng Trần Kỳ sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội trở về công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh.
Trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 1991, Hoàng Trần Ky được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Dân số – Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Nghệ An, trong bối cảnh tỉ lệ sinh ở tỉnh Nghệ An lúc đó đang rất cao (32%), trong đó xấp xỉ 50% là sinh con thứ ba trở lên. Ông đã có nhiều trăn trở, chịu khó suy nghĩ, đi sâu tìm hiểu thực tế, đề xướng và từ các cộng sự đi từ chỉ đạo điểm 23 xã, 5 huyện (năm 1992), từng bước mở rộng ra 100% số xã vào cuối năm 1995, huy động các loại hình văn hoá, văn nghệ, thông tin cổ động, kết hợp với ngành y tế trong công tác dịch vụ kế hoạch hoá gia đình và các tổ chức quần chúng xây dựng các mô hình điển hình. Với phong cách chỉ đạo sâu sát, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp và thu hút được sự hưởng ứng và đồng thuận của các lực lượng xã hội, kết quả đạt được rất đáng mừng. Sau một quá trình chỉ đạo quyết liệt, đến cuối năm 1997, tỷ lệ sinh ở Nghệ An giảm xuống còn 23,5% và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm xuống còn 30,5%. Thành tích đó đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Tháng 10 năm 1998, Hoàng Trần Ky được tổ chức điều động về Trường chính trị tỉnh Nghệ An và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Về công tác tại trường với một thời gian không dài, chỉ 14 tháng (tháng 10 năm 1998 đến tháng 12 năm 1999) nhưng Hoàng Trần Ky đã tận dụng thời gian, đi sâu tìm hiểu kĩ tình hình nhà trường, tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, đi sâu vào công tác tư tưởng chính trị, đoàn kết nội bộ, đề cao tính chiến đấu của tổ chức Đảng và từng đảng viên trong Đảng bộ, phát động dân chủ, ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên giáo viên, thiết lập đề án “Xây dựng trường Chính trị Nghệ An vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới“, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và học viện Hành chính quốc gia. Trên cơ sở đó, trình Thường vụ tỉnh uỷ thông qua và phê duyệt để làm cơ sở xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất và đưa các hoạt động của nhà trường đi vào nề nếp, hiệu quả. Do đó sau một thời gian ngắn, tình hình nhà trường đã được cải thiện đáng kể và uy tín của Trường Chính trị ngày càng tốt lên.
Đến tháng 12 năm 1999, Hoàng Trần Ky được Hội đồng nhân dân tỉnh (khoá XIV) bầu vào Uỷ ban nhân dân tỉnh, làm Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An phụ trách lĩnh vực văn xã. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XV, Hoàng Trần Ky được bầu vào Ban Chấp hành, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ tỉnh uỷ. Với các cương vị và nhiệm vụ được giao, ông đã có nhiều nỗ lực, vừa tự giác rèn luyện bản thân, gương mẫu trong sinh hoạt, chịu khó học tập nghiên cứu, thận trọng nghiêm túc trong giải quyết công việc. Vì vậy Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, ông lại trúng cử đại biểu và được tái cử làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh khoá XV. Hiện nay ông được bầu làm Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Hoàng Trần Cương, lúc đang học năm thứ tư của Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội, theo tiếng gọi thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 4 tháng 8 năm 1970 ông tình nguyện tham gia quân đội. Tháng 10 năm 1975 Hoàng Trần Cương có quyết định ra quân chuyển về học tiếp năm cuối trường Đại học Tài chính kế toán Hà nội. Tốt nghiệp, Hoàng Trần Cương được điều về Bộ Tài chính và từ năm 1976 đến năm 1980 công tác tại Bộ Tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia công tác cải tạo tư bản tư doanh. Từ năm 1981 đến năm 1992 công tác tại Toà Báo Lương thực, nay là tờ báo Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, ông công tác tại Thời báo Tài chính Việt Nam. Cùng với sự phấn đấu, học tập của bản thân, hiện nay ông là Tổng biên tập thời báo Tài chính Việt Nam, hội viên hội nhà văn Việt Nam, hội viên hội kế toán Việt Nam.
Hoàng Trần Cương đã có nhiều kí sự, truyện kí, truyện ngắn và đăng tải nhiều thơ trên các báo. Vì vậy Hoàng Trần Cương là một người lính, một nhà thơ. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã nhận các giải: giải A cuộc vận động viết về lực lượng vũ trang 1970-1972 của Tạp chí Văn nghệ quân đội; giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ, hội nhà văn Việt Nam 1989-1990, giải thưởng hội nhà văn Việt Nam 2000 và được uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng bằng khen đã đoạt giải đặc biệt giải văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương cho tác phẩm trường ca “Trầm Tích“. Cũng tác phẩm này ông lại vinh dự được nhận giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của Bộ Quốc phòng về: “Đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc” nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2007, với tác phẩm “Trầm Tích”, ông một lần nữa vinh dự được thế giới bình chọn là tác giả có một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỉ XX. Những giải thưởng đã ghi nhận sự đóng góp của ông cho văn học hôm nay. Thơ Hoàng Trần Cương là sự kết hợp những hình ảnh, ngôn ngữ của đời sống thực mà anh đã trải nghiệm, suy tư cùng năm tháng với bao khát vọng sống vì con người, về vùng quê anh, nơi anh đã cất tiếng chào đời mà anh mang nặng nghĩa sinh thành. Trong Trầm Tích I ông viết:
“Ôi ! Quê hương
Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước
Gió bão thù chi với mảnh đất này,
Nối nhau xếp hàng đen sì ngoài biển
Mưa giờ ngọ chưa qua, gió giờ mùi đã đến
Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh
Ngẩng mặt nhìn trời xanh ngút mắt
Dằng dặc dải làng quê thưa thắt
Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
Tảng đá cạy đi rồi
Còn hằn vết móng tay.
Cảy lên
Sưng cả đáy nồi” [9; 417].
Trầm Tích II có đoạn viết:
“Nơi nguyện ước tổ tiên tổ tiên hiện về trên mỗi trang gia phả
Nơi những vật thiêng liêng vùi mình trong đất đá
Nơi những câu ca không nhám bụi ngày
Giọt nước nào cũng háo hức biển khơi
Giọt nước nào cũng lao xao tiếng vọng
Tôi lớn lên giữa ngày trong tháng đục
Cùng dòng sông mắc nợ phù sa” [9; 419].
Ở thời chiến cũng như thời bình, thời nào phái hệ Mạc Đăng Lượng cũng đóng góp những người con ưu tú cho quê hương đất nước. Con cháu họ toả đi nhiều tỉnh thành trong cả nước và giữ những chức vụ quan trọng ở các cấp. Theo thống kê năm 2006, chúng tôi có con số như sau:
* Công tác ở cấp Trung ương:
– Hoàng Cao Quý: Chánh văn phòng Bộ Công an.
– Hoàng Trần Chữ: Cán bộ Bộ Thủy lợi
– Hoàng Trần Cương: Tổng biên tập thời báo Tài chính, Bộ Tài chính.
– Lê Đăng Hương: Chuyên viên Viện Địa lí
Các giáo sư, phó giáo sư, thạc sĩ (Lê Ngọc Xuân, Hoàng Trần Đồng, Hoàng Trần Củng, Hoàng Trung, Lê Ngọc Công, Lê Thị Phương….) nay là những cán bộ khoa học, đang công tác tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy ở mộ số trường đại học.
* Công tác ở cấp tỉnh, thành phố trong các cơ quan Dân chính Đảng, các ngành chuyên môn: Hoàng Trần Ky, Lê Đăng Lĩnh, Lê Văn Thái, Lê Văn Lý, Lê Đăng Trung,…
* Công tác ở huyện, xã có: Hoàng Trần Ký, Hoàng Trần Công, Lê Đăng Bình, Lê Đăng Quý…
Trong phái hệ Mạc Đăng Lượng con cháu có rất nhiều người tham gia quân đội nhân dân Việt Nam nay đã nghỉ hưu như: Lê Văn Quế, Hoàng Trần Kháng, Hoàng Trần Thứ,….
Như vậy, thế hệ con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng thời kì này đã có những sắc thái mới, xuất hiện những nhân tố mới. Nhiều người có học vấn cao, có trình độ khoa học kĩ thuật, có tư duy năng động sáng tạo. Họ hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội…. thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước hiện nay.
Phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An trong sự nghiệp xây dựng xóm làng và phát triển kinh tế đã có nhiều đóng góp quan trọng. Ngay từ buổi đầu khai cơ lập nghiệp ông tổ đã xây dựng xóm làng nơi đây thành khu vực dân cư sinh sống đông đúc. Ngoài ra, ông còn mở lớp dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người cho bà con nơi đây. Chính vì lẽ đó mà khi họ Mạc gặp nạn, dòng họ suy vi, ông và con cháu của mình vẫn được bà con nơi đây che chở, cưu mang, giúp đỡ. Khi mất, ông được nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Noi theo gương ông, nhiều người con cháu trong phái hệ đã từng bước xây dựng xóm làng mình ngày càng giàu mạnh hơn, họ đã tìm các giống cây, vật nuôi khắp các nơi về trồng và sản xuất. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng phát huy truyền thống dòng họ mình đã có nhiều cống hiến lớn cho nước nhà, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp như tham gia phong trào bình dân học vụ, sáng tác các bài thơ về đất nước. Một số con cháu của phái hệ tham gia công tác giữ những chức vụ quan trọng ở các cấp.
Do khả năng tư liệu biểu hiện ở lĩnh vực xây dựng xóm làng và phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hoá của phái hệ Mạc Đăng Lượng còn có hạn nên nội dung chỉ tập trung vào đặc điểm nổi bật nhất của phái hệ là sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và giải phóng dân tộc.
2.2. Đóng góp của phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An trong sự nghiệp chống ngoại xâm và giải phóng dân tộc.
Những biểu hiện của văn hoá Việt Nam, điều nổi bật nhất là tinh thần nông nàn yêu nước. Trong lịch sử Việt Nam có nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều biểu hiện của tinh thần bất khuất, lí tưởng vì nước, vì dân. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc cho thấy, tinh thần yêu nước của người Việt Nam được trao truyền qua nhiều thế hệ con cháu noi gương cha ông đi trước. Đời ông vì nước quên thân thì đời cha, đời con, đời cháu cũng vậy. Đời cha có thành tích với quê hương thì con cháu cũng phải làm thế nào để giữ được thanh danh ấy, truyền thống ấy.
Tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm có ở nhiều địa phương khác nhau nhưng riêng trên địa bàn Xứ Nghệ, từ lâu rồi, truyền thống đó đã ăn sâu vào máu thịt của từng con người nơi đây. Có nhiều dòng họ Xứ Nghệ đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú của dân tộc, họ có nhiều đóng góp cho lịch sử quê hương đất nước. Truyền thống yêu nước và cách mạng, như một dòng chảy liên tục, thắm đượm vào trái tim và khối óc của con người Xứ Nghệ qua bao thế hệ.
Từ thời sơ sử, Nghệ An luôn gắn chặt với lịch sử dân tộc, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc. Trên mỗi chặng đường đấu tranh cứu nước của dân tộc đều có người Xứ Nghệ tham gia và đã viết nên những trang sử đẹp, hào hùng trong bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó của con người Xứ Nghệ xuất phát từ những cá nhân kiệt xuất nằm trong các dòng họ, phái hệ, trong đó có phái hệ Mạc Đăng Lượng.
Trong thời kỳ trung đại: Con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng cũng có những đóng góp nhất định góp phần bảo vệ quê hương, đất nước.
Khi nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh tiến quân ra bắc để đánh nhà Thanh, ông Hoàng Sĩ Thiệu và ông Hoàng Tường đã tham gia nghĩa quân chiến đấu, được Nguyễn Huệ phong thị vệ nội hầu cho ông Hoàng Sĩ Thiệu và tước bá hiệu là chỉ huy sứ cho ông Hoàng Tường [7; 346].
Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, Nghệ Tĩnh luôn là mảnh đất sôi sục khí thế đấu tranh. Phong trào yêu nước của những quan lại, sĩ phu phong kiến, trí thức, của đông đảo các tầng lớp nhân dân liên tục diễn ra. Đây là thời kì mà con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng có những cống hiến đáng kể cho quê hương, đất nước trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm nhằm giải phóng dân tộc.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Vào năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Vua quan triều Nguyễn bối rối trước sức mạnh của đối phương. Trong triều đình phân thành hai phái chủ chiến và chủ hoà. Một số vị quan đề nghị giảng hoà với Pháp, một số thì không tán thành, làm sớ tâu lên vua quyết đánh Pháp. Những sĩ phu họ Hoàng, họ Lê Đăng đang đảm trách công việc ở triều đình hoặc ở tỉnh, ở huyện gần như tất cả đều đứng về phái chủ chiến, đứng lên đánh Pháp.
Hoàng Trần Ích, thi đậu cử nhân, bổ nhiệm tri phủ Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay). Hoàng Trần Ích sau này trở thành lãnh tụ phong trào Cần Vương, giữ chức Tham tán đại thần, Binh Nhung đại tướng, phất cờ khởi nghĩa phò tá vua Hàm Nghi đánh Pháp.
Hoàng Văn Hành thi đậu cử nhân, làm quan ở Thuận Hoá, tham gia phong trào Văn Thân, giữ chức đội trưởng tinh binh.
Ông Lê Đăng Kính là chắt nội 6 đời của ông Mạc Đăng Lượng, thường gọi là ông Lĩnh Kính, ông có sức khoẻ vô địch nên được nhà Nguyễn giao cho chức lãnh binh lo việc quân trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và được triều đình phong hàm ngũ phẩm. Trong phong trào Văn Thân, ông được lệnh chỉ huy các sĩ phu yêu nước của 2 xã Xuân Hồ và Xuân Liễu.
Hoàng Trần Đài (Đời 10 thuộc chi Hoàng Trần) tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, tích cực ủng hộ Phan Bội Châu. Ông là người có khí phách, ý chí độc lập dân tộc rất cao, căm thù giặc Pháp, rất muốn giải phóng dân tộc. Tuổi thanh niên ông rủ Hoàng Sĩ Viên đi tham gia nghĩa quân Yên Thế (Khoái Châu, Hưng Yên) do cụ Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh. Khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại ông trở về trợ thủ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, khi phong trào cộng sản lên cao những năm 25, ông đã tìm mối liên lạc với các tổ chức. Ông và con ông là Hoàng Trần Thâm, hai người đảng viên đầu tiên ở vùng này.
Trong dòng thác cách mạng vĩ đại của dân tộc, lớp lớp con cháu họ Hoàng, họ Lê Đăng kế tiếp nhau tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người bị giặc Pháp cầm tù hoặc xử bắn.
Lê Văn Phan tức Lê Hồng Sơn, sinh năm 1899 tại xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho có tinh thần chống Pháp. Lê Hồng Sơn tuổi nhỏ rất khoẻ, từng đi tham gia các hội vật trong vùng, thích chơi thả diều và đặc biệt chăm học. Lê Hồng Sơn được chứng kiến tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp của các sĩ phu yêu nước, nuôi chí căm thù giặc sẵn sàng lên đường làm việc lớn. Vì vậy năm 1919, Lê Hồng Sơn được ông Ngô Quảng – thủ lĩnh của nghĩa quân trong phái bạo động thuộc phong trào Phan Bội Châu là Việt Nam Quang phục hội đưa sang Xiêm xây dựng trại Cày ở bản Đông Phi Chịt, nhằm chuẩn bị lực lượng lâu dài cho sự nghiệp cứu nước.
Năm 1920, Lê Hồng Sơn được Phan Bội Châu cử sang Nhật gặp Cường Để, khi thì là đặc phái viên giao thiệp với các chính khách Nhật Bản để mua vũ khí, khi thì đi Thái Lan để quyên góp tiền bạc.
Quá trình hoạt động như vậy, Lê Hồng Sơn luôn đổi tên họ để tránh tai mắt của bọn mật thám, lúc thì Lê Tán Anh, lúc thì Lê Hưng Quốc. Khi vào học ở trường quân sự Hoàng Phố ông lấy tên là Võ Hồng Anh và nhiều tên khác nữa như: Võ Nguyên Trình, Hồ Thuận Đông, Lê Thiếu Tố….
Những năm tháng hoạt động lăn lộn với Phan Bội Châu, ông nhận thấy con đường của Phan Bội Châu đã bế tắc. Trong tổ chức của Phan Bội Châu mỗi người bắt đầu hoạt động theo một cách khác nhau. Lê Hồng Sơn rất căm ghét hành động phản bội đầu hàng của Phan Bá Ngọc và anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức giao, xử bắn tên Ngọc bằng bốn phát đạn súng lục để trừ hậu hoạ cho cách mạng. Trong đêm Nguyên tiêu (rằm tháng giêng âm lịch) ngày 11 tháng 2 năm 1922 tại Hàng Châu, Phan Bá Ngọc bị giết chết khiến bọn tay sai vô cùng hoảng sợ. Đến năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái chủ trương tách ra khỏi tổ chức của Phan Bội Châu và lập thành một tổ chức mới – lấy tên là Tâm Tâm xã với mục đích: “rút kinh nghiệm về những bài học thất bại xưa để lo toan tiến hành công việc sao cho thiết thực“. Tâm Tâm xã tự xác định mục tiêu cao nhất là “khôi phục quyền làm người của người Việt Nam” (trích điều lệ nguyên bản chữ Trung Hoa, theo tài liệu đã dẫn của Trung Chính) [26; 417].
Tuy mục tiêu cách mạng chưa rõ ràng, Tâm Tâm xã đã đánh dấu sự độc lập của Lê Hồng Sơn và các bạn chiến đấu của anh đối với Sào Nam, linh hồn của phong trào cách mạng Tâm Tâm xã chủ trương bắt liên lạc với cơ sở trong nước. Mùa hè năm 1923, Lê Hồng Sơn cầm thư của Phan Bội Châu và nhân danh phái viên của Cụ để về nước gặp các nhà cách mạng Bắc – Trung – Nam.
Để gây tiếng vang cho tổ chức mới, Tâm Tâm xã giao trách nhiệm cho Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn ám sát tên toàn quyền Merlin vào dịp y đi Nhật có ghé qua Hương Cảng nhằm cấu kết với chính quyền Trung Quốc khủng bố các nhà cách mạng Việt Nam. Tổ chức bố trí Lê Hồng Sơn bảo vệ ở phía ngoài, còn Phạm Hồng Thái đóng vai kí giả vào phòng tiệc mà chính quyền Hương Cảng chiêu đãi Merlin. Đúng 18 giờ 40 phút ngày 19 tháng 6 năm 1924, tiếng bom Sa Diệm phát nổ, một dấu hiệu để Tâm Tâm xã tự khẳng định mình và đồng thời báo hiệu một thời kì mới của cách mạng nước ta.
Cũng trong năm 1924, Lê Hồng Sơn cùng một số thanh niên trong Tâm Tâm xã xin vào học trường quân sự Hoàng Phố. Đầu năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập. Lê Hồng Sơn là thành viên tham gia ngay hội này và được đưa vào tổ chức bí mật (Cộng sản đoàn). Ông đã viết: “Từ khi tôi biết rằng hoạt động của tôi có thể hữu ích cho phong trào cộng sản, tôi quyết định toàn tâm cho nhiệm vụ này mà thôi….“[7;145].
Đây là thời kì hoạt động sôi nổi của Lê Hồng Sơn. Chứng kiến được cảnh mất nước của quê hương ông lại càng hoạt động kiên cường dũng cảm hơn.
Hồ Tùng Mậu sau khi làm xong nhiệm vụ tổ chức giao đã vội thu xếp chuẩn bị lên đường trở lại Quảng Châu. Trước lúc chia tay, Hồ Tùng Mậu đã họp các thanh niên hăng hái nhất như Trần Tố Chấn, Hoàng Trần Thâm… tại nhà thờ họ Hoàng Trần, trao đổi dặn dò kĩ với họ những việc làm sắp tới. Hoàng Trần Siêu đã trao cho Hồ Tùng Mậu một gói tiền lớn mà trong những ngày qua ông đã lăn lộn vất vả đi vận động bà con trong vùng để gửi cụ Phan Bội Châu chi phí hoạt động của tổ chức ở hải ngoại.
Hồ Tùng Mậu đi trước, số thanh niên ở Đặng Sơn đã thông báo cho nhau và khẩn trương chuẩn bị ngày lên đường. Các bậc cha chú cũng thấu hiểu được lòng con trẻ, họ cũng lặng lẽ hội kín với nhau và bí mật chuẩn bị cho lớp trẻ những thứ cần thiết để ngày lên đường được thuận lợi.
Cái tết đầu xuân năm 1925 đã đi vào kỉ niệm của tuổi trẻ Đặng Sơn và mọi người không ai có thể quên được công lao của Hoàng Trần Siêu. Những người thanh niên đã đi thăm bạn bè, bà con làng xóm và cũng là để thông báo cho nhau ngày lên đường, địa điểm tập trung. Những thanh niên đó đã cùng nhau đến nhà thờ họ Hoàng Trần để tạ lễ nơi đã đào tạo, dạy họ nên người, đồng thời để tạ ơn các cụ Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài đã hết lòng dìu dắt lớp trẻ.
Vào một đêm không trăng đầy sao, những người xuất dương đã tập trung tại đình Phú Nhuận, tiễn đưa họ hôm đó còn có các bậc cha, chú và anh em bạn bè thân thích. Đoàn đi xuất dương lần đó có 8 người đã lần lượt thắp hương làm lễ tuyên thệ tại bàn thờ chính ở đình Phú Nhuận. Đó là các đồng chí: Hồ Tróc, Trần Tố Chấn, Nguyễn Văn Luyên, …. Tám người đã đổi tên theo thứ tự từ người cao tuổi đến người thấp tuổi ghép lại thành một vần với đầy đủ ý nghĩa: “Việt – Nam – Cách – Mạng – Thành – Công – Vạn – Tuế“.
Trong buổi tiễn đưa đó, Hoàng Trần Siêu thay mặt cho các bậc cha, chú và bà con Đặng Sơn căn dặn anh em trong đoàn đôi điều trước lúc họ từ biệt quê hương, nơi chôn rau cắt rốn lên đường mong nối chí ông cha, mưu việc lớn cho nước nhà. Ông còn trao cho Trần Tố Chấn – trưởng đoàn một tay sải tiền mang sang giúp tổ chức cách mạng của cụ Đặng Thúc Hứa ở Trại Cày [22; 5].
Phát huy tinh thần chiến đấu kiên cường của Lê Hồng Sơn, lớp lớp anh em trong phái hệ Mạc Đăng Lượng (họ Hoàng và họ Lê Đăng) ở Nghệ An đã anh dũng chiến đấu, tham gia hoạt động cách mạng. Cũng như ở Đô Lương, ở Nam Đàn tiếng bom Sa Diệm của Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu cũng làm nức lòng mọi người trong họ nói riêng và Nam Đàn nói chung. Tại đền Tán Sơn, mọi người tập trung nghe các chiến sĩ cách mạng kể về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hồng Thái và kêu gọi những thanh niên yêu nước trong họ Lê Đăng làng Nho Phái và toàn xã Xuân Hồ (Xuân Hoà) tiếp bước lên đường xuất dương ra nước ngoài hoạt động.
Phát huy truyền thống của phái hệ, của dòng họ Mạc dù mang danh nghĩa dưới hình thức họ Hoàng Trần, Hoàng Văn, Hoàng Bá, Hoàng Sĩ, Lê Đăng, con cháu của các chi họ ở thời kì này đã có nhiều người cống hiến mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp độc lập nước nhà.
Ngày 14 tháng 7 năm 1925, một số trí thức yêu nước nhóm họp tại núi con Mèo (thành phố Vinh) thành lập Hội phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí, Việt Nam cách mạng Đảng, để tiến hành cuộc vận động phục quốc. Các đồng chí Nguyễn Hoàng, Nguyễn Tiềm, Bùi Hải Thiện, Hồ Sĩ Thiều là những người đầu tiên ở Nam Đàn gia nhập Đảng Tân Việt [56; 51].
Năm 1927, cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xây dựng ở Trung Kỳ. Tiểu tổ hội Kim Liên, huyện Nam Đàn là một trong những tiểu tổ được thành lập sớm của tỉnh bộ hội ở Nghệ An. Từ tiểu tổ này, cơ sở hội được phát triển rộng ra các xã trong huyện như Xuân Hồ (Xuân Hoà), Thanh Thuỷ (Nam Thanh)… Trong thời gian này, đền Tán Sơn được chọn làm địa điểm hội họp kín của cơ sở.
Đến giữa năm 1929 các tổ chức tiền thân “Thanh Niên” và “Tân Việt” không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của cách mạng nữa, yêu cầu thành lập Đảng cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Tháng 6 năm 1929, Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ ra đời, tiếp theo đó là An Nam cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ cũng được thành lập. Là tỉnh tiếp cận và có quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng trong xứ và trong nước, nên các cơ sở “hội Thanh Niên” và “Đảng Tân Việt” ở Nam Đàn tìm cách liên hệ với các tổ chức cộng sản.
Dựa vào cơ sở cũ của lớp học do người chú ruột là Võ Xuân Sướng trước đây dạy ở nhà thờ họ Hoàng Trần (Đặng Sơn), giữa năm 1929, đồng chí Võ Mai và Trần Văn Cung ban chấp hành xứ uỷ Trung Kỳ Đông Dương cộng sản Đảng đã về Anh Sơn để xây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí Võ Mai đã tìm cách bắt liên lạc với đồng chí Hoàng Trần Thâm, Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, vừa là cơ sở quen biết cũ, vừa là cùng chí hướng với nhau nên các đồng chí trong ban chấp hành xứ uỷ Đông Dương cộng sản Đảng được sự che chở, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để hoạt động. ít lâu sau, các đồng chí Võ Mai, Hoàng Trần Thâm đã đón đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Trung ương uỷ viên Đông Dương cộng sản Đảng bí thư xứ uỷ Trung Kỳ (quê ở Bạch Mai, Hà Nội) về nghỉ tại nhà cụ Hoàng Trần Đài để chỉ đạo phong trào và chọn nhà thờ họ Hoàng Trần làm nơi hội họp.
Tháng 9 năm 1929, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc thì cuộc họp thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng gồm 7 người do đồng chí Phan Thái Ất là bí thư [4; 33].
Dưới sự lãnh đạo của kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng, các đồng chí Hoàng Trần Thâm, Phan Thái Ất, …. đã đi các cơ sở vận động quần chúng đấu tranh ủng hộ cách mạng tháng 10 Nga. Tổ chức trao cờ, rải truyền đơn kêu gọi: ” Công nông binh đoàn kết lại theo gương cách mạng chính phủ Xô Viết, công nông binh Đông Dương giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày, thực hiện chuyên chính vô sản“. (có 206 tờ truyền đơn được rải và trao 8 cờ đỏ búa liềm ở các cây cao cổ thụ) [4; 34].
Trong thời kỳ 1930-1945: Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc và phong trào giải phóng đất nước.
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thì tỉnh Đảng bộ Nghệ An được thành lập. Tháng 3 năm 1930, một cuộc họp được triệu tập tại nhà thờ họ Hoàng Trần gồm các đồng chí lãnh đạo: Nguyễn Tiềm, Hoàng Trần Thâm… đồng chí Dụ được bầu làm bí thư Phủ uỷ. Sau đó, ban chấp hành Tổng uỷ cũng được ra đời, đã chỉ đạo phong trào.
Phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ làm hậu thuẫn cho sự ra đời của chi bộ Đảng ở Đặng Sơn vào tháng 5 năm 1930. Trong cuộc họp thành lập chi bộ, Hoàng Trần Thâm – tỉnh uỷ viên được cử về tham dự và công nhận sự ra đời của chi bộ.
Để thuận lợi cho việc lãnh đạo từng khu vực Tổng uỷ đã nhất trí tách chi bộ đảng ra làm 3 chi bộ. Đó là chi bộ Bạch Linh, Bạch Thược, Bạch Truật dưới sự chỉ đạo của tổng uỷ Đặng Sơn. Việc in ấn báo chí, truyền đơn tuyên truyền trong giai đoạn này rất cần thiết mà kinh phí hoạt động của Đảng hết sức khó khăn. Hoàng Trần Đài đã không do dự, đem bán đi 3 sào ruộng tốt nhất của mình để lấy tiền đưa cho con trai là Hoàng Trần Thâm hoạt động cho Đảng. Chi bộ Đảng đã họp tại nhà thờ họ Hoàng Trần để kiện toàn các tổ chức quần chúng. Chi bộ đã bầu ra người phụ trách từng tổ chức. Tổ chức tự vệ có gần 550 hội viên tham gia do đồng chí Hoàng Trần Tựu phụ trách. Tổ chức thanh niên do đồng chí Hoàng Trần Phô phụ trách. Tổ chức tán trợ do đồng chí Hoàng Trần Siêu phụ trách. Hoàng Trần Siêu đã quy định mỗi tháng nạp tiền vào 2 kỳ: vào tối ngày 14 và tối ngày 30 (âm lịch) tại nhà thờ họ Hoàng Trần (nguỵ trang là những người đi thắp hương tại nhà thờ), mức đóng góp tuỳ theo kinh tế gia đình khá, trung bình và nghèo. Với tấm lòng thiết tha làm cách mạng của dòng họ Hoàng Trần, nhân dân Đặng Sơn, với sự phân mức đóng góp theo khả năng của từng gia đình nên nhà nào cũng được tham gia góp phần vào tán trợ. Số tiền này Hoàng Trần Siêu thu được rất lớn, dùng chi phí cho mọi hoạt động của Đảng, của các đồng chí trong xứ uỷ và tỉnh uỷ trong những ngày về Đặng Sơn họp và chỉ huy phong trào.
Để bảo vệ cán bộ của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ khi về đây hội họp và chỉ đạo phong trào, lực lượng tự vệ ở Đặng Sơn hoạt động rất mạnh, trực tiếp bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng. Giúp đội tự vệ có thêm vũ khí hoạt động, anh Chất Nhiên (người ở Đức Thọ) ra Đặng Sơn mở lò rèn làm nghề sinh sống đã tích cực rèn nhiều vũ khí cho đội tự vệ mà không lấy tiền. Anh coi đó như là việc làm anh được góp phần đóng góp cho phong trào cách mạng ở Đặng Sơn (các loại vũ khí như gươm, giáo, dùi, gạch do anh Chắt Nhiên rèn nay đang trưng bày tại nhà bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và nhà truyền thống xã Đặng Sơn).
Những chủ trương của Đảng thông qua các cuộc họp tại nhà thờ họ Hoàng Trần đã được triển khai xuống tận người dân. Đây là giai đoạn Đảng đã chuẩn bị mọi điều kiện để phát động quần chúng vùng lên đấu tranh giành những thắng lợi mới có tính chất quyết định cho Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời. Phủ uỷ Anh Sơn quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh mãnh mẽ với quy mô trong toàn phủ để ủng hộ cuộc đấu tranh ngày 1 tháng 5 của nông dân Vinh – Bến Thuỷ và Thanh Chương.
Vào đêm 30 tháng 5, trước ngày nổ ra cuộc đấu tranh, tự vệ đã phân công cho các đồng chí Trần Đức Nhuệ, Nguyễn Văn Hoan và Phạm Hiền, là những người trong đội cảm tử trao cờ đỏ búa liềm trên các cây cao như cây bàng ở Trung Thịnh, cây gạo ở Bến phà Đô Lương, cây đa Lòi Chúng…. Ngoài ra tự vệ còn phân công nhau đi rải truyền đơn ở khắp nơi (nhất là những địa điểm đông người) với nội dung:
” – Bãi bỏ thuế chợ thuế đò.
– Trả những người bị bắt trong các cuộc đấu tranh.
– Bồi dưỡng cho những người bị bắn chết trong ngày 1 tháng 5 ở Vinh Bến Thuỷ.
– Yêu cầu hoãn thuế đến tháng 10…..” [22; 10].
Mới sáng tinh mơ ngày 1 tháng 6 năm 1930, khắp mọi làng đã rộn vang tiếng trống, mõ, chiêng và loa gọi làm náo động lòng người. Quần chúng từ các ngã đường làng kéo đến đình Phú Nhuận tập trung nghe các đồng chí Hoàng Trần Thâm tỉnh uỷ viên diễn thuyết: “Quần chúng hãy vùng lên đoàn kết nhau lại làm cách mạng để lật đổ để quốc Pháp và phong trào Nam Triều, thành lập chính phủ Xô Viết…” [22; 11]. Cuộc đấu tranh trong 2 ngày, mồng một và mồng hai tháng 6 thắng lợi làm nức lòng mọi người, chính kẻ địch cũng phải thừa nhận những thất bại thảm hại của chúng : “…. một bọn biểu tình chừng hơn 1000 tên tổ chức ra một cuộc biểu tình yên lặng…. bọn biểu tình đòi bỏ tất cả các thứ thuế….” [20].
Ngày 8 tháng 9, một cuộc đấu tranh mới được chuẩn bị rất chu đáo nổ ra trong toàn phủ dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ kết hợp với phủ uỷ do Hoàng Trần Thâm tỉnh uỷ viên trực tiếp chỉ đạo kết hợp chặt chẽ với ban chấp hành phủ uỷ Anh Sơn. Sáng 8 tháng 9 năm 1930 cả tổng Đặng Sơn trống rập cờ bay, người đi kín đường kéo về đình Phú Nhuận. Sau khi nghe Hoàng Trần Thâm, tỉnh uỷ viên diễn thuyết, đoàn người xếp hàng từ đình Phú Nhuận kéo về phủ Anh Sơn.
Trên đường đi, đoàn biểu tình đã gặp bọn lính lệ đi tuần tra ban đêm về, tự vệ đuổi theo bắt trói lại, giải đi luôn cùng đoàn người biểu tình. Tiếp đó dưới sự chỉ đạo của Hoàng Trần Thâm, một số tự vệ đã kéo vào phá nhà tên cai tổng Nguyễn Trọng Khoan vì tên này hay dựa vào quan thầy để nhũng nhiễu nhân dân. Với khí thế rầm rộ của lực lượng 8000 người tham gia, đoàn biểu tình đã kéo xuống bãi cát Đặng Lâm với ý định dùng thuyền vượt sông để phối hợp với các tổng khác bao vây chặt phủ lỵ. Nhìn thấy được nguy cơ có thể mất phủ lỵ, thực dân Pháp ở trong phủ hoảng hốt xin máy bay cầu viện, máy bay địch đã đến uy hiếp, giải tán cuộc biểu tình với 5 mũi tiến công. Chúng đã ném bom dữ dội vào đoàn người đi biểu tình ở Truông Cồn Đọi và cầu Hai quai là chết tại chỗ 9 người và hàng chục người bị thương nặng. Cũng thời điểm đó lính trong phủ và đồn Đô Lương có máy bay yểm trợ đã lấy lại được tinh thần, chúng tập trung ra phía đông bờ sông Lam để ngăn chặn đoàn người biểu tình của tổng Đặng Sơn đang vượt sông.
Để củng cố tinh thần cho nhân dân sau cuộc đấu tranh bị khủng bố, đồng chí Hoàng Trần Thâm đã kịp thời triệu tập một cuộc họp mở rộng các liên chi bộ gồm toàn thể ban chấp hành tại nhà thờ họ Hoàng Trần. Thực hiện chỉ thị của ban chấp hành phủ uỷ, đêm 10 tháng 9 năm 1930, tổng uỷ Đặng Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đình Phú Nhuận tiến hành các chương trình như hội nghị hôm trước đã bàn. Đảng đã chủ trương cho tổ chức tán trợ kết hợp với nông hội đỏ phát động toàn dân quyên góp giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ. Bài diễn thuyết của Hoàng Trần Thâm vừa rõ ràng và đi sâu vào lòng người, đồng chí phân tích tình hình trong tỉnh, các huyện và tình hình địa phương về mọi mặt thuận lợi và khó khăn. Sau cùng Hoàng Trần Thâm kết luận bằng một câu ngắn gọn: “Đấu tranh là vấn đề sống chết của toàn dân chúng ta“. Hoàng Trần Thâm kêu gọi mọi người hãy đoàn kết lại thành một khối tiếp tục đấu tranh, bắt kẻ thù phải thực hiện bằng được những yêu cầu mà chúng hứa trước đây. Có làm như thế, trước là để tự cứu lấy dân ta, sau là để không hổ thẹn, không phụ lòng những người đã hi sinh vừa qua trong cuộc đấu tranh.
Lời phát biểu của Hoàng Trần Thâm làm cho tinh thần mọi người phấn chấn hẳn lên. Để giữ bí mật hoạt động, Đảng đã chọn gia đình Hoàng Trần Đậu, là một đảng viên kiên cường có vợ là Lê Thị Lơng phụ trách phụ nữ, gần nhà thờ họ Hoàng Trần làm nơi liên lạc.
Nhờ biết vận dụng quần chúng, Đảng đã bám sát dân để chỉ đạo phong trào, nên trong suốt cả thời gian dài, mặc dù bị đàn áp khủng bố và cả mua chuộc về vật chất nữa, song bọn thực dân phong kiến cũng chưa một lần nào thu được kết quả. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con cháu dòng họ Mạc và nhân dân Đặng Sơn cũng luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng. Bên cạnh việc chọn thêm các cơ sở liên lạc thì Đảng lại chọn nhà đồng chí Trần Văn Phùng làm nơi in ấn tài liệu cho Đảng. Truyền đơn, chị thị của Đảng in ra được đồng chí Hoàng Trần Phô, Hoàng Trần Tựu và một số đồng chí khác mang chuyển đi các địa phương. Số chưa phân phát xong thì tạm thời phân tán, cất dấu tại nhà thờ họ Hoàng Trần, do cụ Hoàng Trần Siêu và Hoàng Trần Đài bảo quản. Kẻ thù vô cùng hoang mang khi chúng nhặt được các tờ truyền đơn cộng sản.
Trong công văn mật số 2608 ngày 18 tháng 11 năm 1931, chúng viết:
– Kính gửi ông giám đốc chính trị và liêm phóng Đông Dương, ở Hà Nội.
– Đồng kính gửi ông Thủ hiến liêm phóng cấp Kỳ ở Hà Nội và Sài Gòn.
Trong một cuộc tuần tra do viên chánh quản lính tuần sai tiến hành vào đầu tháng 10 năm 1931 trong địa hạt tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (Nghệ An), viên ấy đã tìm thấy tại làng Xuân – Trường – Hạ những tang vật sau đây:
a. Tại nhà tên Hoàng Văn Quê 8 tờ truyền đơn, 1 bản tiểu sử của Lê Nin.
b. Trong một ngôi đền gần làng có 7 gói truyền đơn, các loại tài liệu mà ngành liêm phóng đã từng thấy và một bộ đồ in có đầy đủ các dụng cụ cần thiết và một máy in li-tô.
Đính sau đây bản dịch những tờ truyền đơn tìm thấy tại nhà thờ Hoàng Văn Quế.
Thủ hiến Sở liêm phóng Trung Kỳ – Ký tên: Song -uy.
Từ tháng 9 năm 1930 trở đi, sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân Đặng Sơn đã làm cho bọn cường hào, lí trưởng, địa chủ bất lực, tê liệt, bọn chánh tổng phải co vòi và bị cách mạng khống chế. Các xã bộ nông, đoàn thể lên nắm quyền lãnh đạo điều hành xã hội.
Ngày 12 tháng 4 năm 1931, một sự kiện đau lòng đến với dòng họ, đó là việc đồng chí Hoàng Trần Thâm – người con ưu tú của dòng họ Hoàng Trần nói riêng và của cả tổng Đặng Sơn cũng như phủ Anh Sơn nói chung, người tỉnh uỷ viên kiên cường bất khuất đã hi sinh anh dũng khi anh đang làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trước hàng ngàn người ở Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Kẻ thù hèn nhát bắn lén anh khi anh mới tròn 23 tuổi xuân. Đồng bào, đồng chí, gia đình đã đưa anh về quê, tổ chức truy điệu cho anh. Buổi truy điệu do phủ uỷ, tổng uỷ tổ chức có hàng ngàn người tham dự. Biến đau thương thành hành động, con cháu họ Hoàng Trần và bà con Đặng Sơn quyết noi gương anh và trả thù cho anh.
Hoàng Trần Đài đã lấy cái khung ảnh do đồng chí Trần Hữu Doánh (tỉnh uỷ viên) và Đinh Xuân Giai tặng anh để nguỵ trang cất dấu tài liệu bí mật của Đảng ở phía sau làm bài vị cho Hoàng Trần Thâm. Sau khi Hoàng Trần Thâm mất, phủ uỷ vô cùng thương xót một người đảng viên cách mạng kiên cường bất khuất, cống hiến tuổi xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Do đó, phủ uỷ có đăng tin trên báo cờ giải phóng với nội dung:
“Đồng chí Hoàng Trần Thâm, tức Công, tức Hứa, tức Bá đã vì cách mạng mà hy sinh. Vĩnh biệt đồng chí, những người cách mạng sẽ noi gương đồng chí và trả thù cho đồng chí….” [77].
Phong trào đấu tranh của nhân dân Đặng Sơn trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh có sự đóng góp xứng đáng của những người con ưu tú của dòng họ Hoàng Trần, họ đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong cao trào 1930-1931, năm người con trai của cụ Hoàng Bá Tước là Hoàng Bá Biềng, Hoàng Bá Bèn, Hoàng Bá Thiên, Hoàng Bá ấp (bí thư thôn bộ Nông hội đỏ), Hoàng Bá Thiêm cùng 6 người thuộc làng Lương Sơn bị đế quốc Pháp bắt giam trong vụ nổi dậy giết tên phó lí căn. Tháng 3 năm 1931, chúng đưa 7 người về bắn ngay trước đình làng (trong đó có ông Biềng, ông Bèn). Bảy người được công nhận là liệt sĩ năm 1930-1931 và được nhân dân xã Bắc Sơn xây dựng đài tưởng niệm. Đình làng Lương Sơn được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử [8; 347].
Hoà chung không khí thời kì Xô viết Nghệ Tĩnh, ở Nam Đàn, phong trào Xô Viết rất mạnh mẽ. Ở đây con cháu họ Mạc dưới danh nghĩa họ Lê Đăng lại tiếp tục phát huy truyền thống của mình. Xã Xuân Hồ cùng với tổng Xuân Liễu là địa phương có phong trào mạnh và tiêu biểu của huyện Nam Đàn. Xã Xuân Hồ (Xuân Hoà) trở thành trung tâm của phong trào trong cách mạng và là cơ sở vững chắc của phong trào trong thời kỳ 1930-1931. Đền Tán Sơn chứa đựng nhiều sự kiện sôi động, ghi dấu một giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng ở quê hương góp phần tích cực vào phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được hình thành. Ban vận động Việt Minh Nam Đàn ra đời đã phát đi lời kêu gọi của Việt Minh liên tỉnh. Từ đó, các cơ sở Việt Minh trong các làng xã ở Nam Đàn và Xuân Hồ (Xuân Hoà) lần lượt được thành lập. Con cháu dòng họ Lê Đăng lại tiếp tục tham gia vào đội tự vệ Xuân Hồ (Xuân Hoà), ngày đêm luyện tập ở đền Tán Sơn.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ huy của Việt Minh, quần chúng nhân dân xã Xuân Hồ (Xuân Hoà) rầm rập kéo về đền Tán Sơn để tập trung. Trên hai cột nanh của đền, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước gió, được kéo đi cùng với 3 vạn quần chúng Nam Đàn, đến Sa Nam giành chính quyền ở huyện. Trước hàng vạn nhân dân được vũ trang bằng gậy, tày, tay thước có đội cứu quốc làm nòng cốt, Nguyễn Đức Hàn, tri huyện Nam Đàn đầu hàng, trao triện, sổ sách và súng đạn cho cách mạng [21; 20].
Sau đó uỷ ban khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Mọi người im phăng phắc trước giờ phút trọng đại của lịch sử, khai sinh ra chế độ mới. Trong khi đó, lá cờ quẻ li màu vàng quạch ủ rũ bị hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng tươi rói được từ từ kéo lên trong nắng vàng rực rỡ của mùa thu cách mạng năm 1945. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Đàn kết thúc. Dưới sự lãnh đạo của uỷ ban cách mạng lâm thời buộc tổng lí hương chức giao triện, sổ sách và các thứ công quỹ cho chính quyền.
Con cháu chi họ Lê Đăng và đền Tán Sơn đã có cống hiến hết mình không những trong cao trào cách mạng năm 1930-1931 mà còn là địa điểm hội họp để bàn việc phục hồi chi bộ đảng năm 1937, là nơi có người tham gia đông vào đội tự vệ và là địa điểm luyện tập của đội tự vệ chuẩn bị cướp chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945.
Phát huy truyền thống kiên cường anh dũng của dòng họ, các chi họ Mạc mang danh nghĩa họ Lê Đăng ở Thanh Chương và Nghi Lộc cũng hoà nhập vào phong trào Xô Viết và tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám ở địa phương.
Cách mạng tháng Tám và những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra với khí thế đấu tranh sôi nổi. Sự thắng lợi trong phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung có sự đóng góp và cống hiến rất lớn của con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An, trong đó có những chiến sĩ đã xả thân vì nghĩa lớn. Đây chính là giai đoạn cách mạng đã làm tôn vinh phái hệ Mạc Đăng Lượng. Một phái hệ có truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng.
Trong thời kỳ 1945-1975: Thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng đổ bộ vào Nam Bộ, chính thức trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Sau một thời gian hoà hoãn tạo khoảng thời gian quý giá để phát triển lực lượng đến ngày 19 tháng 12 năm 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không khí hoà bình chưa được bao lâu thì nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mỹ đầy khó khăn gian khổ với biết bao hi sinh mất mát nhưng đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Sau 30 năm trường kỳ chiến đấu giang sơn về một mối, lòng người quy về làm một và nhân dân ta, dân tộc ta lại viết nên bản hùng ca hoành tráng khẳng định sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Góp phần nhỏ vào chiến thắng lững lẫy đó có công sức và xương máu của các thế hệ con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng, noi gương liệt sĩ tiền bối Lê Hồng Sơn, Hoàng Trần Thâm,….. các thanh niên trai tráng phái hệ Mạc Đăng Lượng dù ở hậu phương hay ra tiền tuyến đều cố gắng hết mình để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 và đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con em phái hệ Mạc Đăng Lượng đã hiên ngang lên đường nhập ngũ. Có những người mãi mãi không trở về cùng gia đình, dòng tộc, nhưng chính họ đã góp phần làm nên lịch sử. Từ năm 1930 trở đi, con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng có 61 người được Chính phủ truy tặng liệt sĩ.
Trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, thời kì nào cũng có con em phái hệ Mạc Đăng Lượng tham gia giữ nước. Họ đã dốc sức mình cho tổ quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở lĩnh vực nào, mặt trận nào họ cũng chiến đấu anh dũng, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Chính truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của cha anh đã giúp họ có đủ tự tin khi đối mặt với kẻ thù. Sự cống hiến, sự hi sinh của con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng cho tổ quốc đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương và đất nước.
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, con cháu phái hệ Mạc Đăng Lượng đã cùng con cháu các dòng họ khác ở Nghệ An kế thừa phát huy truyền thống yêu nước, khát vọng tự do, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp chống ngoại xâm cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều thế hệ con cháu của phái hệ Mạc Đăng Lượng đã anh dũng hi sinh trên mọi miền đất nước. Nhiều người trong số họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Phái hệ Mạc Đăng Lượng đã sinh ra nhiều người con ưu tú mà phần lớn cuộc đời của họ đã dành cho quê hương đất nước.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.