- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19687
- Tổng truy cập: 3,370,769
Lịch sử 782
- 201 lượt xem
Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Hải Phòng
từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI
(Luận Văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử)
Tác giả: Hoàng Thị Giang.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta hiện nay theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – để đi tới hạnh phúc, văn minh, theo kịp bước tiến của thời đại; thì bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại được xem là nền tảng, là nhân tố điều tiết đích thực của sự phát triển. Vì thế, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh phải được dựa trên cơ sở trân trọng, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, mà trước hết là phải phát huy được truyền thống của gia đình, của dòng họ. Bởi vì, các chế độ chính trị xã hội thay đổi theo tiến trình phát triển của lịch sử, song tổ chức gia đình và dòng họ thì luôn trường tồn cùng non sông đất nước. Mỗi dòng tộc, nhất là các dòng tộc lớn, đều có truyền thống văn hóa, bản sắc riêng của mình. Những nét riêng đó góp lại hình thành nên nền văn hóa dân tộc. Nói cách khác, văn hóa của dòng họ chính là cơ sở nền tảng của truyền thống và bản sắc văn hóa quốc gia. Vì vậy việc nghiên cứu về dòng họ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nhận thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hơn nữa, làng xã, gia đình và dòng tộc là tế bào của xã hội, họ hàng có thành đạt thì làng xã mới phồn vinh. Theo thống kê của UNESCO, Việt Nam có 694 dòng họ, trong đó có hơn 300 dòng họ lớn tạo nên một sức mạnh đoàn kết không gì phá nổi. Chính sự đoàn kết giữa các dòng họ là nền tảng cho mọi sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, trong xã hội đang hình thành một xu hướng, một trào lưu là trùng tu nhà từ đường, chắp nối gia phả… Đây là biểu hiện của ý thức “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên cùng với ý nghĩa nhân văn của xu hướng này, đã thấy những mặt trái của nó. Đó chính là việc xây dựng nhà thờ một cách bừa bãi, học hỏi văn hóa lai căng…Vì vậy việc tìm hiểu đầy đủ và nghiêm túc về lịch sử – văn hóa của một dòng họ trên một địa phương cụ thể không chỉ góp phần làm phong phú hơn lịch sử địa phương mà còn góp phần thiết thực vào việc nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, vì lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc. Ngoài ra chúng ta còn nhận thức đúng đắn hơn về mối quan hệ giữa các dòng họ, đặc biệt là quan hệ tác động qua lại giữa gia đình, dòng họ với các danh nhân. Trên cơ sở đó rút ra những bài học, phát huy những mặt tích cực của dòng họ, xóa những mặt hạn chế, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Với tất cả những lý do trên, tôi mạnh dạn chọn vấn đề nghiên cứu: “Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI ” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
Đây là một đề tài mới, ít được chú ý. Nghiên cứu về dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng cũng là một phần của lịch sử địa phương, qua đó giáo dục ý thức đối với cội nguồn dân tộc. Bởi sách xưa có câu “vật bản hồ thiên, nhân sinh do tổ”, nghĩa là muôn vật sẵn có tự nhiên, con người sinh ra do tổ. Tục ngữ lại có câu “Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông”, với ý nghĩa thiêng liêng như vậy, phàm là người có tai mặt trong thiên hạ biết trọng chữ hiếu, chữ tình đều phải am hiểu trọn vẹn lịch sử dòng họ của mình. Bởi đó là lịch sử của sự sinh sôi nảy nở từ gốc đến thân, từ thân tới cành, càng phát triển nhiều thì sự phân chia càng lớn.
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, hơn nữa, còn được mang trong mình dòng máu họ Hoàng (gốc Mạc), tôi rất tự hào và mong ước được viết nên những trang sử truyền thống của dòng họ mình để giới thiệu cùng bạn đọc, cũng là góp phần nhỏ bé của mình vào việc giáo dục ý thức truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Trong mấy thập kỷ vừa qua, việc nghiên cứu về dòng họ và đóng góp của dòng họ đối với lịch sử dân tộc đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Nhiều hội thảo khoa học dòng họ với truyền thống văn hóa của dân tộc đã được tổ chức với quy mô từ Trung ương đến địa phương… Các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định vai trò to lớn của dòng họ: “Trong quá khứ, một cách tự phát, các dòng họ đã có đóng góp ở mức độ khác nhau cho sự hình thành và phát triển của dân tộc và Quốc gia, cho công cuộc chinh phục thiên nhiên và kháng cự ngoại xâm, xây dựng xã hội và phát triển đất nước, thúc đẩy cuộc sống đi lên” (GS. Phan Văn Các). GS.TSKH Phan Đăng Nhật cũng đã nhận xét: “Dòng họ là một nguồn lực, là một sức mạnh toàn diện. Trong đó có văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế, nhân lực. Dòng họ là một cơ cấu tổ chức bắt nguồn từ thời xa xưa của loài người, được liên tục củng cố và phát triển mà xã hội ta còn duy trì được và vẫn là một nguồn lực của dân tộc”.
GS.Vũ Khiêu cũng nhấn mạnh: “Không biết trên thế giới có nước nào cũng thực sự quan tâm khai thác tiềm năng của các dòng họ như ở Việt Nam hay không? Còn ở Việt Nam, sự phát triển của mỗi dòng họ và mối quan hệ đồng tâm, đồng chí, đồng hành giữa các dòng họ lại có một ý nghĩa quan trọng nhất trong mọi diễn biến lịch sử. Mọi thành công của đất nước dù nhiều hay ít, nhanh hay chậm đều gắn với mức độ tham gia của các dòng họ. Lịch sử lâu đời luôn luôn chứng tỏ điều này. Tình hình đất nước hôm nay lại càng khiến chúng ta thấy rõ hơn nữa vai trò của dòng họ. Sự tồn tại và phát triển của đất nước, thành quả to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước đều nói lên rằng sự đoàn kết trong dòng họ và giữa các dòng họ với nhau luôn luôn là nhân tố hàng đầu trong mọi thắng lợi”.
Trong lịch sử dân tộc dòng họ Mạc cũng có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong một thời gian dài Vương triều Mạc cùng với Thái tổ Mạc Đăng Dung thường bị các sử gia lên án. Con cháu họ Mạc phải chịu những nỗi đau khôn nguôi. Ngày nay với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” các sử gia đã đánh giá một cách công bằng khách quan hơn về Vương triều Mạc, Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng như của dòng họ Mạc. Năm 1994, Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc được tổ chức ngay trên Kiến Thụy – Hải Phòng, quê hương của Vương triều Mạc. Từ cuộc Hội thảo giới sử học đã khẳng định những đóng góp của Vương triều Mạc, dòng họ Mạc đối với lịch sử dân tộc. Cũng từ nhiều công trình nghiên cứu mới về Vương triều Mạc đã được xuất bản như: Đinh Khắc Thuân với cuốn “Văn bia thời Mạc” Nxb Khoa học xã Hội, Hà Nội, 1996; “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” Nxb Khoa học xã Hội, Hà Nội, 2001.
Ngoài ra còn kể đến một số tác phẩm khác như: “Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc”, Hội Sử học Hải Phòng 1996; “Vương triều Mạc 1527 – 1592”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1993; “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Hà Nội 1996; “Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá vương triều Mạc” của tác giả Mạc Đường, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 2005,
Về dòng họ Mạc cũng có một số công trình đã được công bố như:
Ban liên lạc họ Mạc: Hợp biên thế phả họ Mạc, nxb Văn hóa dộc tộc, Hà Nội – 2007.
Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 1, nxb Lao động, Hà Nội – 2002.
Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 2, nxb Lao động, Hà Nội – 2004.
Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 3, nxb Lao động, Hà Nội – 2007.
Phan Đăng Nhật: Nhà Mạc và họ Mạc: Ý chí và mục tiêu chiến lược, Nxb Dân Trí, Hà Nội – 2011.
Phan Đăng Thuận: Họ Mạc ở Nghệ An, Tạp chí Thông tin khoa học – công nghệ Nghệ An số 5/2007
Phan Đăng Thuận: Bác Hồ với họ Mạc ở xã Minh Tâm (Cao Bằng), Tạp chí Thông tin khoa học – công nghệ Nghệ An số 4/2010
Đặc biệt, năm 2007 tại Đại học Vinh, tác giả Lê Thị Kim Chung đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử với đề tài: “Lịch sử – văn hóa phái hệ Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An”. Trong luận văn của mình, tác giả Lê Thị Kim Chung đã làm rõ quá trình ra đời cũng như sự đóng góp của dòng họ Hoàng Trần; Hoàng Sỹ (gốc Mạc) ở Đô Lương – Nghệ An.
Hoặc trên một số tạp chí cũng xuất hiện những bài viết giới thiệu về một số người con ưu tú của các chi họ Hoàng (gốc Mạc) như: Hoàng Diệu; Hoàng Trần Thâm; Hoàng Trần Siêu; Hoàng Trọng Trì; Anh hùng lao động Hoàng Hanh…
Các bài viết trên đã đề cập đến một số khía cạnh của dòng họ Hoàng, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu hoặc bài viết nào tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển của dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Mặc dù vậy, các bài viết trên đã giúp cho chúng tôi có thêm những gợi ý quan trọng khi tìm hiểu về dòng họ Hoàng. Chúng tôi hy vọng góp thêm tiếng nói, và mong rằng, cùng với những công trình khác, chúng ta sẽ tìm ra được những đóng góp của các dòng họ, các cá nhân trong lịch sử – trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng quê hương, Tổ quốc; thấy được sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu nguồn gốc và lịch sử phát triển của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng, từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI; những đóng góp với lịch sử dân tộc và văn hóa truyền thống của dòng họ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI, chủ yếu tập trung ở làng Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
3.3. Nhiệm vụ khoa học của đề tài
Với đề tài: “ Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI”, người nghiên cứu nhằm giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu về cội nguồn và quá trình phát triển của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI.
- Luận văn đi sâu tìm hiểu về truyền thống văn hóa của dòng họ Hoàng ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng qua những di sản văn hóa của dòng họ.
- Luận văn còn trình bày về những đóng góp của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) trong lịch sử.
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tài liệu
4.1.1. Tài liệu gốc
– Gia phả dòng họ Hoàng ở Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng và gia phả của các chi nhánh của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) như: Trần ở Đặng Sơn – Đô Lương – Nghệ An; Hoàng Văn ở Đông Sơn – Đô Lương – Nghệ An; Họ Hoàng ở Hiệp An – Kinh Môn – Hải Dương…
– Các bộ chính sử như:
+ Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê.
+ Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú.
+ Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán triều Nguyễn.
+ Đại Nam nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn.
4.1.2. Tài liệu nghiên cứu
– Các tài liệu về lịch sử, văn hóa như:
+ Việt Nam văn hóa sử cương – Đào Duy Anh.
+ Đất nước Việt nam qua các đời – Đào Duy Anh.
+ Tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm.
+ Hải Phòng dư địa chí…
+ Lịch sử Hải Phòng – Hội đồng lịch sử Hải Phòng.
– Các tài liệu về những nhân vật nổi tiếng của dòng họ Hoàng, như:
+ Kỷ yếu: Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội sử học, HN, 1996.
+ Ban liên lạc họ Mạc: Hợp biên thế phả họ Mạc, nxb Văn hóa dộc tộc, Hà Nội – 2007.
+ Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 1, nxb Lao động, Hà Nội – 2002.
+ Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 2, nxb Lao động, Hà Nội – 2004.
+ Hoàng Lê (chủ biên), Gương sáng dòng họ, tập 3, nxb Lao động, Hà Nội – 2007.
+ Phan Đăng Nhật: Nhà Mạc và họ Mạc: Ý chí và mục tiêu chiến lược, Nxb Dân Trí, Hà Nội – 2011.
+ Phan Đăng Thuận: Họ Mạc ở Nghệ An, Tạp chí Thông tin khoa học -công nghệ Nghệ An số 5/2007
+ Phan Đăng Thuận: Bác Hồ với họ Mạc ở xã Minh Tâm (Cao Bằng), Tạp chí Thông tin khoa học – công nghệ Nghệ An số 4/2010
+ Vương triều Mạc – Ban Quản lý di tích khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
4.1.3. Tài liệu điền dã
Để tìm tư liệu phục vụ cho đề tài, chúng tôi nhiều lần đến Từ đường Vương triều Mạc, khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Từ đường họ Hoàng, Lăng mộ Cao Thượng tổ họ Hoàng ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng…để nghiên cứu thực địa, chụp ảnh thu thập tư liệu. Đồng thời chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người đại diện của dòng họ Hoàng, một số dòng họ khác ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng, các bậc cao lão trong địa phương nhằm tìm hiểu về dòng họ Hoàng và văn hóa địa phương.
4.1.4. Các tài liệu khác
Ngoài các nguồn tài liệu trên, chúng tôi còn tham khảo những bài viết ở các Tạp chí viết về các nhân vật nổi tiếng của dòng họ Hoàng, như: Hoàng (gốc Mạc), như: Hoàng Diệu, Hoàng Công Chất, Hoàng Hanh, Hoàng Trần Thâm; Hoàng Trần Siêu; Hoàng Trọng Trì, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải…
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham khảo các cuốn sách nghiên cứu về các dòng họ, như:
- Việt Nam và cội nguồn trăm họ – Bùi Văn Nguyên.
- Dòng họ – Thái Hồng Thịnh.
- Gia phả, khảo luận và thực hành – Dã Lan, Nguyễn Đức Dụ.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Khi tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic để tìm hiểu một cách có hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) theo thời gian diễn biến của lịch sử. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh giữa các tài liệu đã sưu tầm, như những nhân vật, sự kiện được chép trong gia phả với thông tin trong các bộ chính sử : Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều tạp kỷ, Đại Nam nhất thống chí…để từ đó phân tích, rút ra những kết luận, những đánh giá tổng hợp, tìm ra những mối liên hệ và sự tác động qua lại giữa dòng họ Hoàng với địa phương, dân tộc.
Ngoài ra tác giả còn sử dụng phương pháp giám định tư liệu để đảm bảo tính khoa học và xác thực của tài liệu.
5. Đóng góp khoa học của đề tài
Luận văn “Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI” là một công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc, cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh về nguồn gốc, lịch sử phát triển của dòng họ Hoàng trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là văn hóa truyền thống của dòng họ với nề nếp gia phong tốt đẹp, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Vì thế người viết mong muốn luận văn này có những đóng góp như sau:
- Thứ nhất, những người trong dòng họ hiểu rõ cội nguồn gia tộc mình với những truyền thống nhân văn cao quý, sẽ noi theo gương sáng của người xưa mà nhận biết trách nhiệm, xây dựng lý tưởng cho mình. Đó là truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của dân tộc ta.
- Thứ hai, những người ngoại tộc biết đến dòng họ Hoàng cũng cảm nhận được sức lan tỏa của văn hóa dòng họ Hoàng mà hăng hái xây dựng gia phong riêng cho mình.
- Thứ ba, luận văn làm sống lại văn hóa các gia tộc trong di sản văn hóa Việt, góp phần thực hiện chiến lược con người trong thế kỷ XXI, làm nền tảng cơ sở để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Thứ tư, luận văn còn là một nguồn tư liệu về lịch sử địa phương để giáo dục thế hệ trẻ những truyền thống gia phong tốt đẹp của dân tộc mình. Qua đó thế hệ trẻ ý thức gìn giữ, phát triển truyền thống đó và coi nó là một hành trang trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung chính của luận văn được chia làm 3 chương:
Chương 1: Tiên Lãng – Vùng đất, con người và truyền thống lịch sử.
Chương 2: Nguồn gốc, lịch sử và truyền thống văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng.
Chương 3: Những đóng góp của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) đối với lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI.
(Còn tiếp)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.