- Đang online: 4
- Hôm qua: 1111
- Tuần nay: 19026
- Tổng truy cập: 3,370,525
Lịch sử 777
- 256 lượt xem
Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Hải Phòng
từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI
Tác giả: Hoàng Thị Giang.
CHƯƠNG 2 : NGUỒN GỐC, LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÒNG HỌ HOÀNG (GỐC MẠC) Ở TRÂM KHÊ,
ĐẠI THẮNG, TIÊN LÃNG, HẢI PHÒNG
2.1. Nguồn gốc, lịch sử dòng họ Hoàng ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI
2.1.1. Vài nét về vương triều Mạc
Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần. Mạc Đăng Dung, xuất thân từ người dân chài ở Nghi Dương (Hải Phòng). Nhưng bằng tài năng và mưu trí của mình Mạc Đăng Dung dần dần thâu tóm quyền hành vào tay mình. Sau một thời gian dài hoạt động, Mạc Đăng Dung đã thăng tới chức Vương, nắm tiết chế các dinh thuỷ lục 13 đạo, uy thế bao trùm, thu phục được nhân tâm, và đến năm 1527 phế truất vua Lê Chiêu Tông lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Mạc.
Có thể nói, việc ra đời Vương triều Mạc trong bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ là một điều tất yếu. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. Thực tế, Mạc Đăng Dung là nhân vật – bằng nội lực của mình – đã được lịch sử trao cho chiếc tay chèo. Vương triều Mạc, với vai trò là một chính quyền cai trị thực sự, chỉ tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 – 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540), Mạc Phúc Hải (1541 – 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592).
Tuy thời gian trị vì ngắn ngủi như vậy, lại luôn luôn trong tình trạng không ổn định vì phải gắng sức chống thù trong, giặc ngoài. (Lúc này, một mặt nhà Mạc phải đánh nhau với các thế lực thù địch của nhiều phe phái dưới danh nghĩa phù Lê, mà tiêu biểu là lực lượng của Nguyễn Kim, sau là nhà Trịnh ở Thanh Hoá – cục diện đó đã đưa lịch sử dân tộc rơi vào cuộc nội chiến Nam – Bắc triều. Mặt khác, thời gian này, bọn phong kiến nhà Minh ở phương Bắc với chiêu bài hỏi tội nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cũng lăm le đánh chiếm nước ta một lần nữa). Song với những cải cách và một chính sách hợp lý để cố gắng xây dựng vương triều, xây dựng đất nước và khôn khéo trong ngoại giao, Mạc Đăng Dung và triều đình nhà Mạc đã đưa đất nước tránh được cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc cũng như bình ổn tình hình trong nước, thúc đẩy nền kinh tế ổn định và phát triển.
Về kinh tế, nhà Mạc có những chính sách ruộng đất và phát triển nông nghiệp, chú trọng tới khẩn hoang, lập làng, đắp đê phòng lụt. Trong công thương nghiệp, nhà Mạc đều không theo đuổi chính sách trọng nông, ức thương của nhà Lê sơ. Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã cho thấy rõ sự phát triển đó. Ví dụ như ở Hải Dương (vùng đất căn bản của nhà Mạc), các cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều đồ gốm thế kỷ XVI, hay như cuộc khai quật vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) từ năm 1999 – 2002 đã phát hiện con tàu cổ chở gốm sứ thời Mạc xuất khẩu ra nước ngoài bị đắm. Nghiên cứu những hiện vật phát hiện được ở hai địa điểm đó đã cho thấy thế kỷ XVI của nhà Mạc là thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam, đồng thời phản ánh sự phát triển trong giao thương buôn bán của người Việt thời bấy giờ. Đặc biệt, trong sản xuất, vai trò của người lao động rất được tôn trọng, nhiều đồ gốm, tượng đá đã được ghi rõ họ tên người sản xuất và người đặt hàng. Việc buôn bán trong nước được đẩy mạnh, trong các văn bia thời Mạc đã ghi rõ những hoạt động xây cầu, lập chợ của các chính quyền địa phương, đặc biệt là vùng triền sông, ven biển. Các đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến đi vào sự phồn vinh.
Như vậy, rõ ràng bất chấp nội chiến, xã hội Việt Nam thế kỷ XVI, dưới sự trị vì của nhà Mạc đã có những thành tựu đáng kể, phản ánh một thời kỳ phồn thịnh, đặc biệt là giai đoạn đầu triều Mạc. Mặc dù có những thiên kiến lớn về nhà Mạc, nhưng các sử gia phong kiến nhà Lê vẫn có những đánh giá tích cực về nhà Mạc: Từ đây, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên.
Riêng về văn hoá, có thể nói vào thời Mạc đã có những phát triển mới: thi cử được tổ chức đều 3 năm một lần và đã có nhiều trí thức lớn xuất hiện, giúp sức cho triều đình nhà Mạc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Dữ… Theo thống kê thì trong hơn 60 năm trị vì, nhà Mạc đã mở 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ các loại và 13/46 trạng nguyên của 800 năm thi cử Hán học của nước ta. Các khoa thi của triều Mạc, số thí sinh dự thi rất đông, khoa đầu tiên mở năm Minh Đức thứ 3 (1529) đã có hơn 4.000 thí sinh, trong đó nhiều người là con cháu các quan lại nhà Lê. Văn bia ghi tên tiến sĩ khoa thi này còn cho biết nhà Mạc đã ban ân điển rộng hơn đối với các tiến sĩ mới đỗ.
Bên cạnh đó, nghệ thuật thời Mạc cũng đã có những thành tựu phát triển mà tiêu biểu là những ngôi đình làng, mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc đình làng và nền văn hoá làng xã trong các thế kỷ tiếp theo. Cho đến nay, sự tồn tại của một số ngôi đình làng thời Mạc cũng là sự tồn tại gần như nguyên vẹn và đầy đủ nhất, duy nhất về bộ mặt kiến trúc thời Mạc… Bên cạnh đó, nguồn văn bia thời Mạc cũng cho thấy những nét đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc thời kỳ này.
Như vậy, với sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trên vũ đài chính trị, lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI đã có những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và đã để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn tiếp theo. Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc xứng đáng được lịch sử ghi nhận.
2.1.2. Làng Trâm Khê, quê hương của dòng họ Hoàng (Gốc Mạc)
Vài nét về làng Trâm Khê:
Làng Trâm Khê, thuộc xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông Văn Úc và Thái Bình. Chính phù sa của hai con sông đã bồi đắp nên mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện cho quá trình định cư thuở ban đầu. Chính vì vậy, nơi đây không chỉ là nơi định cư của một vài cá thể và dòng họ đơn lẻ, mà là nơi hội tụ của nhiều dòng họ lớn và nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng mảnh đất Trâm Khê trở nên trù phú. Làng Trâm Khê hiện nay có khoảng 14 dòng họ đang định cư và sinh sống.
Trong 14 dòng họ của làng Trâm Khê, ngoài dòng họ Hoàng (gốc Mạc) có truyền thống lâu đời thì phải kể đến công lao to lớn của dòng họ Lương. Dòng họ Lương có tất cả 450 suất đinh. Đây cũng là một dòng họ điển hình về tinh thần khuyến học, khuyến tài. Trưởng họ là ông Lương Văn Khoản chịu trách nhiệm về công tác vận động xây dựng Từ đường, hướng về tổ tiên. Cả dòng họ đều có tâm nguyện: xây dựng từ đường họ, để có nơi con cháu dâng hương phụng thờ anh linh tiên tổ. Ngoài ra còn phải kể đến các dòng họ khác như: dòng họ Nguyễn, họ Vũ, họ Trần…
Mảnh đất hiền thục này, từ xa xưa, đã từng sinh thành biết bao các chí sỹ tài trí, đức hạnh cho dân, cho nước. Vào thế kỷ thứ XVI, dưới triều đại nhà Mạc, cụ Tô Chí Cốc, người làng Trâm Khê, năm 41 tuổi, đã đèn sách lên kinh kỳ dự thi và đỗ Đệ tam giáp, Đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa thi năm Đinh Sửu (1577), niên hiệu Đoan Thái thứ nhất (năm 1586), được triều đình sắc phong: Quan Giám sát Ngự sử, thời Đức vua Mục Tông Hồng Ninh Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp, vị vua thứ 5 của Vương triều Mạc. Công đức của ông được ghi tạc cùng 485 tiến sỹ, trạng nguyên thời Vương triều Mạc, tại bia đá đang phụng thờ ở Văn miếu Mao Điền, tỉnh Hải Dương, văn miếu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Người đỗ Đại khoa thứ hai là cụ Hoàng Vụ Bản, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Kỷ Sửu (1589), cụ cũng là người làng Trâm Khê. Bên cạnh đó, làng Trâm Khê xã Đại Thắng còn có bia ghi lại công đức của một số người dân địa phương bỏ ra 80 quan tiền, 5 mẫu ruộng chi vào việc công là ngăn đê bị vỡ, không cho nước mặn tràn vào ven sông [5; 22]
Làng Trâm Khê, xã Đại Thắng còn có nhiều lễ hội truyền thống, điển hình là hội Đóng Đám, Hội Trống. Trước đây hằng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng là dân làng mở hội Đóng Đám, tháng 6 âm lịch tổ chức hội Tế long đình cầu đảo. Hội Đóng Đám ở nơi đây có tiếng trong làng ngoài tổng. Ngoài lễ vật ai có của chịu hậu thì đưa vào 5 sào ruộng để tế lễ thần. Mặt khác còn phải có giao hiếu xã này đến ăn cỗ xã kia thì ngược lại lần sau xã kia đến xã này ăn cỗ. Bên cạnh đó, làng Trâm Khê còn nổi tiếng với hội Trống. Hội Trống bao gồm một bộ 5 cái: một trống cái, hai trống con, một thanh ba, một mõ. Nhiều xã hàng tổng phải mời hội Trống làng Trâm Khê về mở hội. Tiếng trống lúc rộn rã, lúc dồn dập, lúc khoan thai như nhắc nhở luật lệ, trật tự kỉ cương của một làng xã vốn có phong tục tập quán lâu đời. Hội Đóng Đám – hội Trống không phải là một hủ tục, rượu chè, xôi thịt chốn cung đình mà thể hiện tình cảm cộng đồng làng xóm trong xã hội đương thời.
Qua đó ta thấy, dưới tác động của nền kinh tế nông nghiệp, thủ công và đánh cá đã tạo ra sự gắn kết mạnh nhất giữa những cá nhân trong một gia đình. Mạnh mẽ và cao hơn nữa là sự gắn kết giữa các gia đình trong một dòng họ với nhau. Đó chính là truyền thống dòng họ được nảy sinh trong quá trình chung sống trên cùng một mảnh đất. Sự kết hợp giữa các lễ hội truyền thống càng tạo ra sự gắn bó vững chắc cộng đồng làng xóm. Văn hóa làng hay văn hóa dòng họ chính là đặc trưng của lối sống trong cộng đồng cư dân Bắc bộ.
Các chi họ Hoàng trên cả nước:
Họ Hoàng có gốc từ họ Mạc là một họ lớn nên rất nhiều các chi đã được lập ra trên mọi miền quê mảnh đất Việt. Thủy tổ của họ Hoàng gốc Mạc là Thái tổ Nhân Minh cao Hoàng đế húy Mạc Đăng Dung. Năm 1592, Vương triều Mạc thất thế, Thăng Long thất thủ, một bộ phận con cháu họ Mạc chạy lên Cao Bằng, Lạng Sơn tiếp tục chống cự. Trên bước đường thất bại, trước nguy cơ bị tiêu diệt, người họ Mạc phải trốn chạy phân tán khắp nơi, đổi họ thay tên ẩn hình lánh nạn. Vận Mạc đổi đời, con cháu họ Mạc đổi họ thành Hoàng, Phạm, Thái, Lê…hoặc đổi họ thay tên ẩn mình theo họ mẹ. Trong quá trình phải đổi họ thay tên, một trong những qui ước là ” Khử túc bất khử thủ” (bỏ chân không bỏ đầu). Chính vì lý do đó, có một bộ phận đổi Mạc thành Hoàng, (chữ Hoàng (黄) -> chữ Mạc (莫)) cùng có đầu giống nhau. Ngoài ra con cháu nhà Mạc còn đổi sang những họ khác cũng có “thảo đầu” như: Lê (黎), Phạm (范)… Hoặc một số bộ phận khác thì giữ lấy chữ “Đăng” làm tên lót, hoặc ẩn mình theo họ mẹ…
Ngày nay con cháu họ Mạc sơ bộ cũng có đến 50 tên họ khác nhau với khoảng gần 500 chi họ trong hơn 32 tỉnh thành. Riêng các chi họ Hoàng gốc Mạc mới sơ bộ nắm được là hơn 80 chi trong 17 tỉnh thành. Như vậy họ Hoàng, Huỳnh (gốc Mạc) mới có từ sau năm 1592, cho đến nay đã trải qua 400 năm, con cháu kế tiếp đã có tới 15,16 đời. Có thể kể tới các chi họ Hoàng trong cả nước: Chi họ Hoàng gốc Mạc ở Bắc Giang, Bình Thuận, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tây (cũ), Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Con cháu các dòng họ Hoàng – Huỳnh gốc Mạc vô cùng tự hào là hậu duệ của Mạc Hiển Tích (Trạng nguyên thời Lý), Mạc Đĩnh Chi (Trạng nguyên thời Trần), tự hào có Vương triều Mạc đã có vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc, đã và đang được đánh giá đúng đắn hơn. Cũng vô cùng tự hào là con cháu họ Hoàng , Huỳnh gốc Mạc đã có bao người con ưu tú nổi danh của dân tộc qua các thời kỳ như Hoàng Diệu, Hoàng Hanh, Hoàng Trọng Trì…
2.1.3. Nguồn gốc dòng họ Hoàng
Nghiên cứu về dòng họ, vấn đề nguồn gốc của dòng họ bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu. Có nghiên cứu về nguồn gốc mới thấy được hết quá trình hình thành và phát triển của một dòng họ. Ông cha ta từ xưa đến nay rất có ý thức về cội nguồn. Vì vậy, nhiều cuốn gia phả đã được ra đời. Để tìm hiểu về nguồn gốc dòng họ, người ta thường tìm đến trong các cuốn gia phả. Phần mở đầu này bao gồm các nội dung như: từ đâu đến hay từ họ nào chuyển tên; tên tuổi và công tích của ông Tổ; người khai cơ lập nghiệp nên dòng họ…
Dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Tiên Lãng rất quan tâm đến việc ghi chép về dòng họ. Việc ghi chép gia phả không chỉ cho con cháu biết được cội nguồn của mình mà qua đó thấy được bề dày lịch sử của dòng họ. Bên cạnh đó, ghi chép gia phả còn thể hiện được niềm tự hào đối với Tổ tiên bởi dòng họ là con cháu của bậc Đế Vương.
Vào cuối thế kỷ XVI (năm 1592), sau khi Thăng Long thất thủ, con cháu họ Mạc phải mai danh ẩn tích khắp nơi để bảo toàn dòng họ, trong đó có Đệ nhất cao thượng tổ Mạc Phúc Độ cùng với hai con trai là Mạc Công Tính và Mạc Công Tự Đoan Dương đã dời đất Dương Kinh về đất Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng, sống ẩn dật và thay tên đổi họ cho con cháu từ đó (Mạc cải vi Hoàng). Theo gia phả họ Hoàng ghi lại, cụ Mạc Phúc Độ là cháu 7 đời của vua Mạc Đăng Dung. Khi cụ Mạc Phúc Độ qua đời, con cháu khiêng quan tài của cụ ra an táng tại gò Đống Bút, đến nơi trời bỗng nổi cơn giông bão mịt mù, mưa gió quất vào người như muốn văng đi. Không còn cách nào khác, con cháu đành đặt tạm quan tài của cụ xuống đất, quay trở về, định khi trời ngớt cơn giông sẽ ra an táng cụ. Nhưng không ngờ, khi tan cơn mưa giông, con cháu ra đến gò thấy một cảnh tượng lạ lùng: Một đống mối khổng lồ xuất hiện phủ kín cả chiếc quan tài cụ Mạc Phúc Độ. Con cháu cho rằng đó là điềm trời nên để nguyên, không ai dám di chuyển đến chỗ khác nữa ( Phần văn khấn, tế có ghi chép trong Gia phả họ Hoàng).
Ngày nay, họ Hoàng ở làng Trâm Khê ngày càng phồn thịnh. Dòng họ đã trở thành một chi họ lớn trong 14 dòng họ của làng. Chi họ Hoàng đã thành lập Hội đồng gia tộc, lập Quỹ Khuyến tài – Khuyến học, Quỹ Bảo trợ; thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần và hỗ trợ nhiều mặt trong cuộc sống của các thành viên trong họ, tích cực bang giao với các dòng họ khác cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa dòng họ, góp phần làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước.
Trải qua mấy trăm năm dài, con cháu dòng họ ngày càng phát triển, tính đến cuối năm 2011 theo điều tra sơ bộ, dòng họ có 448 hộ nam và 254 hộ nữ với 565 suất đinh, sống phân tán ở nhiều nơi như ở thôn Đông – xã Cổ Dũng – Kim Thành – Hải Dương có một chi, ở thôn Quang Khải – xã Quang Hưng – An Lão có một chi, còn chủ yếu sống tập trung ở thôn Trâm Khê và An Thung ( xã Tiên Cường, Tiên Lãng, Hải Phòng).
2.1.4. Lịch sử phát triển của dòng họ Hoàng ở Trâm Khê
Dòng họ Mạc là một dòng họ lâu đời và có bề dày lịch sử. Bên cạnh đó, đây còn là một dòng họ quyền quý và có vị thế lớn trong tiến trình phát triển của dân tộc. Dòng họ đã sinh ra nhiều thế hệ con cháu có nhiều đóng góp trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, dòng họ Mạc phải mai danh ẩn tích và thay đổi tên họ. Họ Mạc đến đất Trâm Khê, Tiên Lãng được đổi thành họ Hoàng với cụ Cao Thượng tổ là cụ Mạc Phúc Độ. Tính từ đời cụ Mạc Phúc Độ đến nay đã trải qua 13 đời sinh sống và lập nghiệp trên mảnh đất Tiên Lãng.
Đời thứ 01: có 02 đinh
Cụ Mạc Công Tính tự Phúc Quang. Cụ là con trai trưởng của Mạc Phúc Độ. Cụ làm quan tới chức Tri phủ. Cụ bà là Lũ Thị Mân hiệu Từ Nhân. Trong gia phả ghi chép lại ngày giỗ cụ ông là 18 – 8 hàng năm và cụ bà là 21 – 1 hàng năm. Hai cụ vô tự nên công việc thờ cúng được chuyển cho con trai thứ là cụ Mạc Công tự Đoan Dương.
Cụ Mạc Công là một người thông minh, trí tuệ uyên bác. Cụ đỗ khoa thi năm Tân Hợi, đỗ Thư toán và làm quan đến chức Tri Phủ. Về sau cụ được thăng lên chức Lang trung binh bộ đoàn nghĩa tử. Cụ hưởng thọ 71 tuổi và giỗ kỵ ngày 21 – 6.
Đời thứ 02: có 04 đinh
Con trai trưởng là Mạc Công Nghi tự Trực Uyên. Cụ đỗ Tam trường trong khoa thi năm Đinh Mão và được ra làm quan. Đến khoa thi Mậu Thìn đỗ thi Toán hạng nhất. Cụ giữ nhiều chức vụ quan trọng như: làm chức Thi nội hoa văn thư tả; làm Phó Câu kề tướng thần lại hải triều.
Con trai thứ hai và thứ tư là cụ Mạc Công Pháp và Mạc Công Chỉnh cũng đỗ đạt và được ra làm quan. Tuy nhiên, cả hai cụ đều vô tự.
Con trai thứ ba là cụ Mạc Công Gia (đổi thành Hoàng Công Dong). Cụ làm quan tới chức Thượng Tướng quân Tổng binh bộ sứ đất An Quảng (thời Lê Trung hưng). Cụ lấy 5 bà và sinh ra 4 trai và hai gái. Bốn người con trai đó là Hoàng Công Phụ, Hoàng Công Toản, Hoàng Công Chước và Hoàng Công Thẩm. Cúng giỗ cụ vào ngày 2 – 2 âm lịch. Từ đường của cụ ở xứ Bắc thổ. Nơi đây có ao vườn xung quanh. Vùng đất hương hỏa rộng một mẫu 6 sào, lại có 500 quan tiền. Tiền cúng cho hàng năm để mua 3 mẫu ruộng, phát cho các gia đình nghèo để cày cấy. Đồng thời cúng tiến tiền của để xây dựng, sửa chữa đình chùa. Khi ông qua đời được làng tôn làm hậu thần. Hàng năm vào ngày cúng thì mỗi nhà trong làng làm một mâm cỗ cùng hoa nghi đem vào Từ đường để cúng.
Cụ bà là Nguyễn Thị Quý hiệu Từ Ý giỗ ngày 11 – 12 âm lịch. Bốn bà còn lại là Từ Lãnh, Từ Mỹ, Từ Tâm và Từ Kiến không rõ ngày cúng giỗ. Hai cụ thân sinh ra được bốn người con trai.
Đời thứ 03: có 07 đinh
Bốn người con trai của cụ Mạc Công Nghi không được gia phả dòng họ ghi chép lại nên còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, những người con của cụ Hoàng Công Dong tức Mạc Công Gia lại được ghi chép một cách chi tiết hơn cả. Người con trưởng là Hoàng Công Phụ đương thời làm quan tiền hiểu quan đại phu An Quảng xứ tán trị thừa chánh sứ ty bản triều tham hiệp thăng thụ hữu tham nghị đồng tri duyên quý. Giỗ ngày 1 – 10 âm lịch hàng năm. Cụ có bảy bà vợ và sinh hạ được 6 trai, 4 gái: Hoàng Trực Trung ( vô tự); Hoàng Đôn Đức; Hoàng Trọng Tương; Hoàng Trọng Giai; Hoàng Trọng Đăng; Hoàng Công Thiều.
Con trai thứ hai là cụ Hoàng Công Toản
Con trai thứ ba là Hoàng Công Chước và thứ tư là Hoàng Công Thẩm đều vô tự.
Đời thứ 04: 09 đinh
Cụ Mạc Công Nghi cũng hạ sinh được 7 trai đinh. Cụ Mạc Công Gia hạ sinh được bốn người con trai. Trong đó hai cụ vô tự, dòng họ chỉ có những ghi chép cụ thể về hai cụ: Hoàng Công Phụ và Hoàng Công Toản. Dòng họ Hoàng từ đây bắt đầu khởi phát với số lượng đinh nam lớn. Dòng họ có nhiều người đỗ đạt ra làm quan.
Đời thứ 05: 15 đinh
Dòng họ Hoàng phân chia thành 3 chi.
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi, đời thứ 05 có: Hoàng Văn Tốn, Hoàng Văn Ri, Hoàng Văn Bân, Hoàng Văn Găng, Hoàng Văn Tuệ, Hoàng Văn Bột, Hoàng Văn Đã, Hoàng Văn Trịnh.
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 05 hạ sinh được các đinh: Hoàng Đôn Đức, Hoàng Trọng Tương, Hoàng Công Thiều.
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 05 hạ sinh được các đinh: Hoàng Quý Công, Hoàng Quốc Cơ, Hoàng Công Kiểm và một đinh không rõ tên tuổi.
Đời thứ 06: có 24 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 06 hạ sinh được các đinh: Hoàng Văn Hoát, Hoàng Văn Bát, Hoàng Văn Tựa, Hoàng Văn Binh, Hoàng Văn Tôn, Hoàng Văn Ty, Hoàng Văn Thứ, Hoàng Văn Bổn, Hoàng Văn Vọng, Hoàng Văn Rụy.
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 06 hạ sinh được các đinh: Hoàng Trọng Khuê, Hoàng Văn Quy, Hoàng Văn Toản, Hoàng Công Kỳ, Hoàng Xuân Hòa
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 06 hạ sinh được các đinh: Hoàng Công Quát, Hoàng Văn Khuy, Hoàng Công Chẳng, Hoàng Văn Lõi, Hoàng Công Hãng, Hoàng Công Trà, Hoàng Công Bạng và hai trai đinh không rõ tên tuổi.
Đời thứ 07: có 33 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 07 hạ sinh được các đinh: Hoàng Văn Hoan, Hoàng Văn Vạn, Hoàng Văn Bảy, Hoàng Văn Tri, Hoàng Văn Đĩnh, Hoàng Văn Kịp, Hoàng Văn Túc, Hoàng Văn Hỏi, Hoàng Văn Nhời, Hoàng Văn Lước, Hoàng Văn Phóng, Hoàng Văn Phiến, Hoàng Văn Khao, Hoàng Văn Nhậng.
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 07 hạ sinh được các đinh: Hoàng Văn Bình, Hoàng Công Văn, Hoàng Xuân Quỳ.
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 07 hạ sinh được các đinh: Hoàng Công Mây, Hoàng Văn Tý, Hoàng Văn Đám, Hoàng Văn Thêu, Hoàng Văn Mót, Hoàng Công Thiết, Hoàng Văn Đá, Hoàng Văn Úy, Hoàng Văn Đát, Hoàng Văn Huynh, Hoàng Công Kiểm, Hoàng Công Đãi, Hoàng Công Đăng, Hoàng Công Mễ, Hoàng Công Kim.
Đời thứ 08: có 46 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 08 hạ sinh được các đinh: Hoàng Văn Sự, Hoàng Văn Đỉnh, Hoàng Văn Thủy,Hoàng Văn Thểnh, Hoàng Văn Phùng, Hoàng Văn Số, Hoàng Văn Dũng, Hoàng Văn Vược, Hoàng Văn Long, Hoàng Văn Thao, Hoàng Văn Ư, Hoàng Văn Hữ, Hoàng Văn Nhiên, Hoàng Văn Cường, Hoàng Sơn Lâm, Hoàng Văn Ỏn.
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 08 hạ sinh được các đinh: Hoàng Văn Thịnh, Hoàng Văn Cục, Hoàng Văn Giang, Hoàng Văn Sọc, Hoàng Văn Khích, Hoàng Văn Nguyên, Hoàng Đình Phổ, Hoàng Trọng Thân, Hoàng Văn Khuệ.
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 08 hạ sinh được các đinh: Hoàng Công Vuốt, Hoàng Công Tạo, Hoàng Công Tiêm, Hoàng Văn Kỷ, Hoàng Văn Nhưỡng, Hoàng Văn Vỷ, Hoàng Văn Thậm, Hoàng Văn Bộ, Hoàng Văn Thụt, Hoàng Văn Bôn, Hoàng Văn Hoàn, Hoàng Văn Bốc, Hoàng Văn Bắc, Hoàng Văn Huých, Hoàng Văn Huỵch, Hoàng Văn Kề, Hoàng Văn Thoa, Hoàng Công Lý, Hoàng Công Văn, Hoàng Công Tóc, Hoàng Công Hiệu, Hoàng Công Đện, Hoàng Công Sỏi, Hoàng Công Tuyền, Hoàng Công Bạch, Hoàng Công Se.
Đời thứ 09: có 84 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 09 hạ sinh được 26 đinh
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 09 hạ sinh được 35 đinh
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 09 hạ sinh được 23 các đinh
Đời thứ 10: có 101`đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 10 hạ sinh được 32 đinh
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 10 hạ sinh được 41 đinh
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 10 hạ sinh được 28 đinh
Đời thứ 11: có 126
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 11 hạ sinh được 49 đinh
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 11 hạ sinh 53 đinh
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 11 hạ sinh được 24 đinh
Đời thứ 12: có 133 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 12 hạ sinh được 46 đinh
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 12 hạ sinh được 52 đinh
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 12 hạ sinh được 35 đinh
Đời thứ 13: có 147 đinh
Chi thứ nhất: chi của cụ Mạc Công Nghi ở đời thứ 13 hạ sinh được 51 đinh
Chi thứ hai: chi của cụ Hoàng Công Phụ, đời thứ 13 hạ sinh được 67 đinh
Chi thứ ba: chi của cụ Hoàng Công Toản, đời thứ 13 hạ sinh được 29 đinh
Hiện nay, con cháu họ Hoàng gốc Mạc sống quây quần trên mảnh đất Trâm Khê. Hàng năm, vào ngày giỗ Tổ thì con cháu lại hội tụ đông đủ và cùng nhau sinh hoạt họ. Từ đó tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng dòng họ.
2.2. Văn hóa dòng họ Hoàng ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng
2.2.1. Truyền thống hiếu học của dòng họ
Thấm nhuần đạo lý “dân dĩ học vi tiên, dĩ canh điền vi hậu” trong tâm khảm của dòng họ luôn canh cánh lời dạy của hiền nhân xưa “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thế nước mới thịnh, nguyên khí yếu thế nước suy”, “khuyến đức thì đại phúc, khuyến học thì đại thịnh”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Phát huy truyền thống khoa bảng của các bậc tiền bối trong dòng họ, các thế hệ hôm nay cũng phấn đấu rèn đức luyện tài, vì ngày mai lập nghiệp, vì truyền thống đáng tự hào của dòng họ. Chính vì vậy, dòng họ luôn chăm lo đến học tập của con cháu. Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường, hàng năm đảm bảo tỷ lệ phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và nghề. Mỗi năm có từ 15 – 25 học sinh giỏi cấp thành phố, có năm có em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, được chủ tịch nước khen thưởng. Số lượng con cháu đỗ vào Đại học mỗi năm một tăng thêm.
Truyền thống hiếu học được các cá nhân và các thành viên trong họ phát huy và đã tạo được sức mạnh to lớn. Nhờ hoạt động khuyến tài, khuyến học mà trong họ đã có nhiều người giữ các chức cụ cao trong xã hội. Điển hình được nhắc đến nhiều nhất là bác Hoàng Văn Thế, hiện tại đang giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty chuyên sản xuất thảm len. Vợ ông là Phạm Thị Xanh hiện đang giữ chức phó giảm đốc Sở Y tế Hải Phòng. Con gái là Hoàng Thị Mai Anh đạt học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh và hiện đang du học ở nước ngoài. Gia đình ông là một tấm gương sáng về tinh thần học tập. Để thúc đẩy hơn nữa công tác hiếu học trong dòng họ, gia đình ông đã đóng góp rất nhiều cho quỹ khuyến học dòng họ để động viên, khuyến khích con cháu trong họ học tập và vươn ra ngoài xã hội.
Ngoài ra còn phải kể đến nhiều tấm gương gia đình kiểu mẫu, vươn lên làm giàu nhờ vào con đường học tập. Điển hình như ông Hoàng Văn Kể, hiện là Tiến sỹ, Nguyên Thành ủy viên, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Thành phố. Ông Kể sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, nhà nghèo ở Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng nhưng từ nhỏ ông đã chăm chỉ học hành, có chí hơn người. Ông quyết tâm theo học, lập nghiệp bằng con đường khoa cử. Ngoài 40 tuổi, ông đã có bằng Tiến sĩ Khoa học, giữ nhiều cương vị chủ chốt ở Thành phố và đặc biệt, với năng lực và uy tín của mình, ông đã được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng (2007 – 2012). Bản thân ông là người rất có tâm huyết với dòng tộc. Ông luôn là tấm gương sinh động cho các thế hệ sau về nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”. Với cương vị là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, ông đã có nhiều đóng góp cho Thành phố, cho quê hương và nhất là dòng tộc. Ông và gia đình đã cung tiến hàng mấy trăm triệu đồng cho việc xây dựng khu tưởng niệm vương triều Mạc ở Ngũ Đoan – Cổ Trai – Kiến Thuỵ – Hải Phòng và xây dựng Từ đường họ Hoàng ở Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng. Ông còn có nhiều công lao đóng góp cùng hậu duệ họ Hoàng (gốc Mạc) để xây dựng nên khu lăng mộ bề thế, uy nghi của Cao Thượng tổ Mạc Phúc Độ cũng tại Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng.
Năm 2010, ông cùng với một số doanh nhân trong dòng họ đã tổ chức Lễ tuyên dương và tặng quà cho các cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập ở quê hương Trâm Khê với phần quà là mỗi cháu một chiếc xe đạp trị giá 500.000 đồng. Đó là món quà vật chất hữu ích đồng thời là sự động viên tinh thần kịp thời cho con cháu dòng họ tiếp tục phấn đấu trên con đường học tập của mình, tiếp thêm sức mạnh và lòng tự hào về dòng họ. Ông có vợ là bà Lương Thị Nga hiện đang là Giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn. Con trai lớn trong gia đình là anh Hoàng Lương Anh hiện đang làm Giám đốc công ty Trách ty trách nhiệm hữu hạn Mạc Trà.
Ông Hoàng Sơn Hiền cũng là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, tâm huyết với dòng họ. Ông Hoàng Sơn Hiền, là thương binh hạng 2/4, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng, Ủy viên Ban Kiểm tra, Ủy viên Ban Nghiên cứu lịch sử dòng họ, Chánh Văn phòng Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng. Mặc dù mang thương tật trên mình nhưng ông luôn vượt lên khó khăn về sức khỏe, phấn đấu hết mình và đóng góp nhiều công lao to lớn cho dòng tộc.
Cháu Hoàng Tôn Quyền sinh năm 1994, hậu duệ đời thứ 13 của Cao Thượng tổ Mạc Phúc Độ. Cháu luôn là người con chăm ngoan, học giỏi, thi đại học đã đạt điểm cao, vượt chuẩn nhiều trường. Hiện nay, cháu đang theo học tại Đại học FPT Hà Nội và được hưởng chế độ học bổng của trường. Ý thức được công đức của tổ tiên và được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo, cháu đã bớt chi tiêu từ phần học bổng của mình, góp cùng gia đình, cung tiến bức Đại tự cho Từ đường họ, nơi “quê hương là chùm khế ngọt” của mình, tuy chưa nhiều, nhưng ý nghĩa thật lớn lao, nhất là với tuổi trẻ, đã sớm biết làm việc họ, một nghĩa cử cao đẹp trong việc hiếu nghĩa với tổ tiên.
Các thành viên khác trong họ như: ông Hoàng Văn Sánh, Hoàng Văn Đính, Hoàng Văn Bảo, Hoàng Văn Dinh…đều là những người thành đạt và có vai trò trong xã hội, có nhiều đóng góp quý báu cho dòng tộc.
Để có được những thành quả trên, ngoài việc bản thân mỗi cá nhân nỗ lực và phấn đấu còn phải kể đến đóng góp của Quỹ khuyến học dòng họ. Quỹ khuyến học dòng họ đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy tinh thần của các thành viên trong họ. Kế thừa kinh nghiệm từ cha ông, ngoài nguồn quỹ chung cố định, mỗi năm các thành viên trong họ đều đóng vào quỹ 100.000/gia đình để lấy nguồn quỹ hoạt động.
Hàng năm, họ xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài và quỹ bảo trợ hàng chục triệu đồng để giúp đỡ các cháu học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng các cháu học sinh giỏi các cấp và những gia đình ốm đau, gặp khó khăn.
2.2.2. Gia phong của dòng họ
Dòng họ không chỉ là nơi gắn kết các cá thể mà còn là nơi hội tụ và bảo lưu những giá trị văn hóa độc đáo, không chỉ để lại những dấu ấn trong lịch sử mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hôm nay. Giá trị văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa sâu nặng giữa những người cùng huyết thống, gắn bó với nhau theo quan niệm đơn giản “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “trên kính dưới nhường”, “chị ngã em nâng”, “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, “anh em vì tổ vì tiên, không ai anh em vì tiền vì gạo”, tạo thành một sức mạnh truyền thống góp phần xây dựng nên “thuần phong mỹ tục”, “trên thuận dưới hòa”, “trong ấm ngoài êm”. Đó là cơ sở cho tình yêu quê hương đất nước. Bởi vậy trong suy nghĩ của mỗi người đều thấy tự hào khi trong họ mình có nhiều người có công với cách mạng. Rõ ràng, dòng họ không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi người dân mà còn là cơ sở cho truyền thống yêu nước. Trong đó, niềm tự hào về dòng họ có nhiều người có công với đất nước là một minh chứng cụ thể.
Trải qua hơn 400 năm tồn tại của dòng họ Hoàng (gốc Mạc), trải qua nhiều thời kỳ đất nước chìm đắm dưới ách áp bức, nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta đứng lên giành thắng lợi trên toàn quốc và từng bước nắm chủ quyền dân tộc.
Mỗi làng quê, mỗi dòng họ, mỗi gia đình cũng đều hòa nhập chung dòng thác cách mạng, kháng chiến giải phóng dân tộc, đánh đổ đế quốc, tiêu diệt phong kiến. Tất cả đều nhằm mục đích mang lại cơm no áo ấm và các quyền bình đẳng về mọi mặt như kinh tế, chính trị, xã hội.
Cuộc cách mạng ruộng đất được phát động vào năm 1953 làm cho người cày có ruộng, động viên lớn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở miền Bắc. Hòa chung trong cuộc chuyển mình của đất nước, của làng xã thì dòng họ cũng có những bước phát triển lớn. Các dòng họ luôn ý thức được vai trò của mình đối với công cuộc đổi mới của đất nước. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy hòa nhập với nền văn minh nhân loại nhưng mỗi gia đình, dòng tộc đều phải giữ gìn bản sắc truyền thống của dòng họ. Muốn vậy, mỗi dòng họ phải hệ thống hóa lại những việc xưa nay vẫn làm trên cơ sở tiếp thu những nguồn tri thức tiến bộ để đặt ra những qui ước chung của dòng họ.
Gia phong trong dòng họ cũng giống như hương ước của làng xã, nó không nằm trong phạm trù pháp luật của Nhà nước nhưng lại thuộc phạm trù đạo đức xã hội. Biết ơn tổ tiên và kính trên nhường dưới là những giá trị đạo đức vốn có của người Việt Nam, quy định của dòng họ cũng không nằm ngoài những quy tắc ứng xử truyền thống ấy. Đã từ lâu họ Hoàng ở Trâm Khê coi trọng việc thiết lập và thực hiện quy định của dòng họ, do vậy nó được giao cho những người có uy tín trong dòng họ đặt ra và mang tính bắt buộc đối với cả dòng họ. Những quy định của dòng họ Hoàng từ xưa đến nay được xem là khá phù hợp với quan điểm đạo đức truyền thống và cũng không khó để thực hiện, chỉ nhằm một mục tiêu là giáo dục cho con cháu những phẩm chất cần thiết và truyền thống gia đình.
Từ thời xưa, dòng họ Hoàng đã rất chú ý đến việc giáo dục con cháu, dòng họ có nhiều quy định, có thể thành văn hoặc cũng có thể không. Trải qua thời gian và năm tháng, tuy những giá trị truyền thống vẫn phải giữ vững nhưng có đôi chút điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh sống ngày nay. Vì thế các bản quy ước đã lược đi những điều luật quy định khắt khe, không phù hợp.
Qua nhiều nghiên cứu điền dã tại Trâm Khê, tác giả đã thu thập được một số tư liệu liên quan đến việc ghi chép các quy định của dòng họ, các bản quy ước được lưu giữ trong các gia đình họ Hoàng hiện nay. Nội dung chính của các bản quy ước đó bao gồm:
a. Những quy định hoạt động và sinh hoạt của dòng họ
Vị trí và vai trò của trưởng họ
Trưởng họ là người đứng đầu một dòng họ, trực tiếp chăm lo hương hỏa, phụng thờ Từ đường, nên người trưởng họ cần phải là người biết đối nhân xử thế, có tư cách đạo đức tốt, chuẩn mực, làm gương trước nhất mọi việc. Đồng thời phải năng động, tháo vát, có sự hiểu biết rộng rãi, có bản lĩnh lãnh đạo mọi người và công việc chung.
Vị trí, trách nhiệm của các thành viên
Trong họ mang phương châm chung là “Đoàn kết bền vững”, giữ nghiêm nề nếp gia phong.
+ Qui định chung:
Mọi người phải giữ trọn lễ nghĩa, biết tôn trọng lẫn nhau trên tình huynh đệ, tình dòng tộc. Trong nội bộ không nên lấy giàu sang phú quý mà khinh miệt lẫn nhau, không nên cho mình là có trí, có tài mà khinh người khác là dốt nát. Tất cả mọi người phải trên tinh thần: “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, hay “Anh em như chân như tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Sống phải yêu thương, bảo vệ, che chở lẫn nhau. Khi có việc gì lớn nên cùng nhau chia sẻ.
Mỗi người, mỗi nhà phải luôn nhắc nhở, giáo dục lẫn nhau tránh sự lười biếng. Mỗi người nên có lối sống cần cù, giản dị, không chơi bời và vi phạm pháp luật. Không vi phạm vào các tệ nạn như: rượu chè, cờ bạc, trộm cướp, ma túy… Mỗi người cần nhắc nhở nhau và cấm đoán lẫn nhau tránh xa con đường tội lỗi và không phải để tổ tông trừng phạt.
+ Đối với phụ nữ trong họ nói chung (cả nàng dâu và con gái) đều phải thấm nhuần câu châm ngôn chỉ giáo này: “Công, dung, ngôn, hạnh”. Các nàng dâu dù ở địa phương nào, môi trường nào cũng phải luôn luôn nhớ câu “Thuyền theo lái, gái thao chồng”. Lấy chồng về làm dâu là để sinh con sinh cháu “nối dõi tông đường”cho nhà chồng nên phải gắn mình và góp phần vào giữ gìn nề nếp gia phong nhà chồng. Mỗi con gái trong họ“xuất giá tòng phu” khi về làm dâu nhà người hãy mang theo kỷ cương phép tắc của nhà mình mà cha mẹ, họ hàng đã rèn dũa, dạy dỗ để góp phần vào việc“nhập gia tùy tục”, xây dựng tổ ấm cho chính bản thân mình và làm rạng rỡ, danh giá cho cha mẹ, họ hàng.
+ Quy định về quan hệ của con cháu với tổ tiên đã khuất: quy định trong phần này thì từ xưa đến nay vẫn thế, hầu như không có gì thay đổi. Con cháu một lòng thành kính ghi nhớ công ơn tiên tổ, cắt cử người trông coi nhà thờ cũng như chăm sóc phần mộ tổ tiên, luân phiên đảm nhận việc tu bổ, sửa chữa nhà thờ họ sạch sẽ làm nơi hương khói, hàng năm phải cúng giỗ đầy đủ. Ngày lễ tết, ngày rằm, mùng một hương khói cẩn thận và tùy theo hoàn cảnh, con cháu gần xa có mặt đầy đủ trong ngày giỗ Tổ. Các ngày phải tổ chức tế lễ là ngày giỗ Cao thượng tổ Mạc Phúc Độ, ngày giỗ cụ Hoàng Công Dong là hậu thần của làng.
+ Quy định về công việc chung liên quan đến cả họ: dòng họ có người đứng trên đứng dưới nhưng vẫn cần có sự bàn bạc, nhất trí trong cả dòng họ, cử một ban đại diện gồm những người có uy tín và tinh thần trách nhiệm để cùng nhau bàn bạc và giải quyết, khi đã được thông qua thì nhất trí thực hiện.
+ Quy định về mối quan hệ với láng giềng: con cháu họ Hoàng là con nước Việt Nam, phải giữ đúng phép tắc người Việt, tuân thủ pháp luật, hương ước của làng xã, sống hòa thuận, không làm mất lòng, không chia rẽ nội bộ.
+ Quy định về mối quan hệ trong gia đình: Con cháu phải giữ đúng phép tắc với ông bà cha mẹ,“kính trên nhường dưới”, quan tâm giúp đỡ nhau.
+ Quy định về những ngày giỗ chính trong năm :
– Ba ngày Tết Nguyên đán.
– Ngày mùng 10 tháng Giêng viếng mộ Đệ nhất Cao Thượng Tổ Mạc Phúc Độ.
– Ngày 1 tháng 2: giỗ cụ Hoàng Công Dong – hậu thần của làng. Cụ làm quan triều đình.
– Ngày mùng 8 tháng 3: giỗ Đệ nhất Cao Thượng tổ Mạc Phúc Độ.
Tục giỗ đã được thực hiện từ lâu đời, được thực hiện một cách đầy đủ và tôn kính. Đối với ngày viếng mộ và ngày giỗ Tổ, các cụ đầu chi, đầu ngành, các vị trưởng thượng, các vị trong hội đồng gia tộc cần có mặt đông đủ, đồng thời động viên con cháu trong họ tham gia đầy đủ. Có như vậy mới thể hiện được tính đoàn kết, lòng ngưỡng mộ hướng về tổ tiên và cũng chính là góp phần nâng cao vị thế của dòng họ ở trong làng xã.
Lễ vật trong ngày giỗ kỵ đã được thống nhất cụ thể.
– Mồng một, ngày rằm hàng tháng có hương, nến, hoa quả, chén nước trong, thắp hương tỏ lòng thành kính.
+ Dòng họ có sự huy động đóng góp của các thành viên để có nguồn kinh phí hoạt động, ví dụ: khi con cháu là học sinh giỏi toàn diện, đạt giải nhất, nhì các cấp I, cấp II, cấp III, thi đỗ đại học, cao đẳng…đại diện họ tộc sẽ động viên kịp thời và có quà tặng như sách, báo hoặc phần thưởng khoảng 100.000đ; Khi đau yếu, điều trị tại bệnh viện hoặc tại gia đình…trưởng của cả 5 ngành tổ chức tới thăm, động viên và có quà tặng bằng bánh kẹo, đường sữa trị giá 35.000 – 40.000đ; Khi qua đời, trưởng của ba ngành tổ chức tới viếng có lời chia buồn với gia đình tang hiếu, có vòng hoa mang dòng chữ “Tộc họ Hoàng kính viếng” trị giá 50.000 – 60.000đ; Ba ngày Tết Nguyên đán cùng các ngày giỗ được chi biện lễ cho mời giỗ, Tết, có hương, nến, hoa quả, rượu trị giá 50.000đ. Đặc biệt, ngày giỗ quan hậu thần Hoàng Công Dong – người có nhiều công lao đóng góp cho dòng họ và dân làng được chi biện từ 500.000đ trở lên.
Họ tộc giao cho 5 vị trưởng ngành luân phiên trực, hàng năm thực hiện tốt các hình thức giao lưu của tộc họ như: động viên nhau khi có tin vui, thăm hỏi nhau lúc đau ốm, khó khăn hoạn nạn, tiễn đưa nhau khi qua đời…nhằm giữ vững nền nếp, truyền thống đoàn kết, thân ái, nghĩa tình thủy chung cha bác, cô chú, anh em, trên dưới một lòng hòa thuận.
Động viên mọi thành viên trong dòng tộc luôn luôn khiêm tốn trong ứng xử, gương mẫu thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định cụ thể của xã thôn, đồng thời hăng hái tham gia các cuộc vận động: ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu trung hiếu, thảo hiền, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, nói lời hay làm việc tốt, có lối sống trong sáng, làm tấm gương cho con cháu noi theo.
+ Tài sản vốn quỹ của họ là do công sức của cả họ bình đẳng đóng góp lại. Công việc đó cần đến một phần hảo tâm của bà con, anh em, con cháu, người có nhiệt huyết công đức cho công việc chung của dòng họ gom lại mà thành. Việc đóng góp của họ phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, nhưng chính nó cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm vì đây là lợi ích chung của cả một dòng họ cho đến nay và mãi mãi về sau. Mỗi khoản đóng góp phải được bàn bạc thống nhất và ấn định cụ thể. Bên cạnh đó phải có chế độ sổ sách thu chi rõ ràng, mỗi năm thông qua toàn thể một lần vào ngày giỗ Tổ mùng 8 tháng 3 âm lịch. Việc quản lý theo dõi thu chi giao trách nhiệm cho hội đồng Hoàng tộc.
Đối với những tài sản của họ như: nhà cửa, đồ thờ, vật dụng nói chung, các tài sản vật thể, phi vật thể đều phải công khai để mọi người biết được. Hội đồng Hoàng tộc có trách nhiệm cùng với ông trưởng họ theo dõi, quản lý, bổ sung hoặc thay đổi hợp lý, tu tạo kịp thời. Trưởng họ là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, quản lý. Ngoài ra không ai được phép tự tiện xê dịch làm mất cảnh quan, mỹ quan, xâm phạm cũng như chiếm độc quyền hưởng tài sản của họ.
Trong năm có sự tu bổ, sửa chữa, trưởng ngành trực năm đó có dự kiến kế hoạch trao đổi với các trưởng ngành thống nhất có sự huy động đóng góp thêm của mỗi thành viên trong dòng tộc, kể cả con gái của dòng họ có lòng hảo tâm công đức với tổ tiên.
Cuối năm quét vôi ve mộ tổ, bao sái trong Từ đường, nhà thờ họ. Có lễ đón giao thừa nhân dịp Tết Nguyên đán, sau đó bàn giao cho trưởng ngành họ năm sau đảm nhiệm, tổ chức thực hiện quy ước đề ra.
Vì tương lai con em của dòng họ, phát huy truyền thống ngàn năm của tổ tiên, họ Hoàng (gốc Mạc) đã lập một quỹ khuyến học của dòng họ từ phương châm nhỏ nhẹ ban đầu làm nền tảng cho mai sau.
Trong qui ước của dòng họ có đoạn: “Trước đây họ ta có ruộng “hậu thần”, ngày nay, ta phải dựa vào các nguồn nội lực, ngoại lực”. Hàng năm, động viên lòng hảo tâm của những người trong họ có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế hơn…để gây thành một quỹ khuyến học. Hàng năm vào đầu năm học, trích ra thưởng cho các cháu học sinh giỏi ở các cấp học bằng các vật phẩm nhỏ có giá trị về tinh thần, động viên phong trào chung. Hội đồng Hoàng tộc có trách nhiệm nghiên cứu, có biện pháp cụ thể phối hợp cá nhân để khuyến khích động viên đúng lúc.
b. Đối với Nhà nước và xã hội
Là một dòng họ xuất hiện và định cư sớm ở quê hương Tiên Lãng, phát huy truyền thống là dòng họ thuộc hậu duệ của Vương triều Mạc, ngày nay, những thế hệ hiện tại và mai sau của dòng họ Hoàng phải luôn nâng cao trách nhiệm duy trì và phát triển cái vốn quý đáng tự hào của dòng họ mình. Cho nên từ trưởng họ đến hội đồng gia tộc, các vị trưởng thượng trong họ cần phải gương mẫu, sáng suốt lựa chọn những tinh hoa mới của đất nước, của xã hội. Động viên, dạy bảo con cháu cũng như mọi người trong họ tự hào về truyền thống dòng tộc. Đồng thời tiến hành giữ gìn nề nếp gia phong, kỷ cương phép nước, sống – lao động và học tập theo hiến pháp và pháp luật.
Đối với cộng đồng, mọi người trong dòng họ phải làm tròn nghĩa vụ của công dân như: học tập, lao động, đóng góp, chấp hành đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Mọi người trong dòng họ đều là anh em nên phải luôn nhắc nhở lẫn nhau thực hiện đầy đủ mọi quy ước của làng xã, tránh xa vòng tội lỗi đã được pháp luật của Nhà nước qui định. Chống lối sống buông thả, sa đọa, càn quấy, làm mất thanh danh của dòng họ.
c. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng Hoàng tộc.
Hội đồng Hoàng tộc cũng như ông trưởng họ là trung tâm đoàn kết, xây dựng và duy trì phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ. Lấy câu đối được treo trang trọng trong Từ đường làm tư tưởng quán triệt trong dòng họ: “Cổ Trai Tiên Tổ Mạc Đế Vương, Trâm Khê hậu duệ Hoàng Tộc Mạc”. Qua đó ý muốn nhắc nhở con cháu rằng – dòng dõi ta là dòng dõi tiên đế, vậy ta phải sống sao cho xứng đáng với tầm vóc và công đức của tổ tiên.
Ông trưởng họ cùng Hội đồng Hoàng tộc thay mặt các thành viên trong họ thường trực giải quyết công việc đối nội, đối ngoại của cả họ, quản lý mọi sinh hoạt, tổ chức giỗ kỵ, quản lý tài sản vật thể, phi vật thể, vốn quỹ thu chi của cả họ.
Lãnh đạo, giáo dục các thành viên trong họ tránh để xảy ra những việc đáng tiếc. Tiến hành động viên mọi người giữ gìn nề nếp gia phong, giữ gìn vị thế của dòng họ trong làng xã, làm tròn nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc.
Hội đồng Hoàng tộc cùng trưởng họ có trách nhiệm nghiên cứu tổng hợp thông qua các vị trưởng thượng các đầu chi, đầu ngành, xét động viên khen thưởng; nhắc nhở giáo dục các thành viên có hành vi không lành mạnh, xúc phạm đến nề nếp, gia phong, thanh danh của dòng họ, gây ảnh hưởng xấu đối với Nhà nước và xã hội.
Những quy tắc này là quy phạm chung để đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống dưới; tính trách nhiệm của mỗi cá nhân trong dòng tộc. Để thực hiện được điều đó, người đứng đầu dòng tộc phải luôn làm gương sáng, sống đức độ và không được tư lợi, thiên vị. Qua đó, thấy được giá trị của những quy ước, quy định trong dòng tộc. Nó giống như một văn bản luật riêng bổ sung vào kho tàng quy tắc ứng xử của cha ông ta từ ngàn xưa.
2.2.3. Các công trình văn hóa của dòng họ Hoàng (gốc Mạc)
2.2.3.1. Từ đường dòng họ Hoàng (gốc Mạc)
Từ đường người Việt thường được xây dựng dựa trên nguyên tắc của thuyết âm dương ngũ hành – một trong những học thuyết được hình thành ở nền văn hóa Nam Á. Hướng của từ đường chủ yếu là hướng Nam – hướng cư trú phổ biến của người Việt cổ từ thời văn hóa Hòa Bình.
Từ đường của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng cũng được xây dựng có mặt tiền về hướng Nam. Từ đường ngày trước có quy mô nhỏ, gần đây do tâm nguyện và đóng góp của con cháu trong dòng họ, Từ đường được xây dựng lại ngay trên nền đất cũ, ngay tại mảnh đất của Trưởng họ là bác Hoàng Văn Toan.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương VIII, hoạt động văn hóa, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, vị trí, vai trò dòng họ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thành phố và đất nước ngày càng được khẳng định. Theo nguyện vọng của họ viên, ngày mùng 8 – 3 – 2008 (Âm lịch), họ chủ trương xây dựng lại Từ đường. Chủ trương đó như luồng gió mới tràn đầy sinh khí, nhanh chóng lan tỏa tới mọi gia đình họ viên, được sự đồng tình, nhất trí cao. Ngày 9 – 4 – 2008 Âm lịch, dòng họ Hoàng đã tiến hành khởi công xây dựng Từ đường. Với sự tập trung và quyết tâm cao, chỉ trong thời gian 6 tháng đã xây dựng hoàn thành Từ đường của dòng họ với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Ngày 1 – 2 – 2009 Âm lịch, dòng họ đã tổ chức khánh thành Từ đường. Trong lễ khánh thành, con cháu họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê cũng như ở khắp nơi thuộc thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận về dự lễ và dâng hương tổ tiên. Trong buổi lễ, gia tộc họ Hoàng đã tổ chức chương trình văn nghệ, múa hát để mừng lễ khánh thành, có sự tham gia nhiệt tình của con cháu họ Hoàng cũng như tất cả các họ trong thôn xóm, trong xã.
Từ đường họ Hoàng (gốc Mạc) là một ngôi nhà ngói ba gian, rộng rãi, khang trang và sạch sẽ. Cánh cửa gỗ lim còn thơm mùi gỗ mới. Với ba lớp gian tính từ cửa vào đã tạo vẻ thoáng rộng cho Từ đường. Khoảng không gian rộng phía ngoài dùng để làm lễ và là nơi tụ họp con cháu mỗi khi có giỗ tết. Phía sâu bên trong là không gian thờ tự. Bàn thờ chính ở gian giữa có một ngai thờ được đúc bằng đồng có mạ vàng. Bàn thờ ở đây là thờ Cao Thượng tổ Mạc Phúc Độ. Trên án thờ đặt nhiều đồ quý như: đỉnh đồng, cây đèn, lư hương, cây nến…
Phía trước bàn thờ có đôi rồng chầu được sơn son thiếp vàng rất đẹp và trang trọng. Phía dưới có đôi hạc đồng và hai lọ lộc bình để trang trí.
Hai bên ban thờ là đôi câu đối và trên cùng là bức hoành phi. Bên phải ban thờ là sơ đồ hệ thống các thế hệ nam đinh trong dòng họ Hoàng (gốc Mạc). Đó là bản phả hệ được in vào khổ lớn. Vì vậy, đông đảo con cháu trong dòng họ ai cũng biết được vai vế trong dòng họ để hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình.
Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật:
Từ đường họ Hoàng là một di tích lịch sử vô cùng quý báu mà cha ông đã xây dựng. Từ đường vừa trang nghiêm, hiện đại, nhưng cũng phảng phất vẻ cổ kính. Điều này tạo nên một di tích có giá trị tổng hợp. Từ đường là nơi để con cháu hướng về tổ tiên, hướng về những con người có thật trong dòng họ đã có công lớn trong việc phát triển dòng họ; đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nó có ý nghĩa là một tài liệu vật chất lớn phản ánh việc tuyên truyền, giáo dục của dòng họ, quê hương và đất nước nói chung. Vì vậy, Từ đường chính là nơi nuôi dưỡng lòng yêu dòng họ, yêu quê hương, yêu đất nước.
Giá trị truyền thống – hiện tại và tương lai có mối liên hệ móc xích với nhau. Hiểu về lịch sử sẽ thấu hiểu hiện tại và định hướng tốt cho tương lai. Vì vậy, việc lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần trong các Từ đường của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) là hiện vật sống để thế hệ con cháu ngày nay soi gương học tập.
Như vậy, với tâm huyết và sự đóng góp nhiệt tình về công sức, tiền của của các thành viên trong dòng họ, nhất là gia đình bác Kể, gia đình bác Lập, gia đình bác Hiền, gia đình bác Toan, gia đình ông Minh, gia đình ông Đó, ông Tiến, ông Thành, ông Thê, bác Hiển, bác Tuyên, bác Tươi…họ Hoàng đã xây dựng được Từ đường khang trang, đẹp đẽ để có nơi thờ cúng tổ tiên theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời cũng là nơi tụ họp của các thành viên trong họ nhằm giáo dục các thế hệ tiếp theo về tình cảm và nhân cách, hiểu biết về cội nguồn, lịch sử truyền thống tốt đẹp, những cống hiến cho quê hương, đất nước của các bậc tiền bối và không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, những gương sáng trong học tập, lao động và chiến đấu cho các thế hệ sau noi theo, để dòng họ không ngừng phát triển. Khu nhà thờ họ đã trở thành nơi tụ hội văn hóa tâm linh của dòng họ. Từ đây thường xuyên có con cháu dâng hương trong các ngày mùng một, ngày rằm và các ngày lễ tết trong năm. Con cháu xa quê mỗi khi về thăm nhà đều đến dâng hương bái yết. Từ đường đã trở thành nơi hội tụ ân tình dòng họ. Mỗi người con của dòng họ Hoàng đều ghi khắc trong lòng mình công ơn thâm đức:
Cổ Trai tiên tổ Mạc Đế Vương,
Trâm Khê hậu duệ Hoàng tộc Mạc.
2.2.3.2. Mộ tổ họ Hoàng
Đối với mỗi người dân Việt, mộ tổ là một trong những bảo vật có giá trị, quan trọng hàng đầu. Dù đó là dòng họ đơn đinh hay đa đinh, phú quý hay bần hàn, quan chức hay bình dân…thì phần mộ tổ đời nào cũng được chú ý, quan tâm chăm sóc nghiêm cẩn, quanh năm xanh cỏ, lễ tết đỏ đèn.
Trong những năm gần đây, không khí phục hưng dòng họ từ Bắc chí Nam diễn ra sôi nổi. Việc tôn tạo Từ đường, xây dựng mộ Tổ được quan tâm hơn cả. Mộ Tổ được khôi nguyên, phụng dựng với quy mô khang trang và bề thế.
Dòng họ Hoàng ở Trâm Khê cũng ý thức được trọng trách của mình. Các thế hệ con cháu dự trù xây dựng khu di tích lăng mộ cho Cao Thượng tổ Mạc Phúc Độ. Mặc dù thời gian có gấp, tết Nguyên đán sắp đến gần, nhưng thường trực hội đồng đã tổ chức được 4 cuộc họp hội đồng mở rộng để bàn bạc và phân công ban xây dựng, ban giám sát, ban vận động và quyết định khởi công xây dựng vào ngày 23 – 12 – 2011 (Tức 29/11 Âm lịch). Mặc dù biết bao nỗi gian truân vất vả, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa rét kéo dài, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng có sự thành tâm, đồng lòng hiệp lực của con cháu dòng họ, của các nhà hảo tâm đã phát tâm công đức, người góp công, người góp của, cùng chung lòng chung sức. Các cụ già 70 – 80 tuổi vẫn hàng ngày cùng con cháu chuyển đất, đá, gạch, cát, có những gia đình cả hai vợ chồng cùng con cái tham gia lao động suốt thời gian xây dựng lăng mộ. Đến ngày 29/3/2012 (Tức ngày 8/3 Âm lịch), khu di tích lăng mộ Đệ nhất Cao thượng tổ đã được khánh thành với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng [14;6].
Lăng mộ của Đệ nhất Cao thượng Tổ Mạc Phúc Độ được xây dựng ở gò Đống Bút thuộc địa phận làng Trâm Khê. Do câu chuyện có thật về sự kiện an táng cụ (tác giả đã giới thiệu ở phần trên), nên ngôi mộ cụ không giống các ngôi mộ khác, mộ của cụ cao hơn gần 2 mét so với mặt đất. Trước đây diện tích khu mộ hẹp hơn bây giờ, bởi vì gần đây các con cháu của dòng họ đã phát tâm hiến đất, hiến ruộng cho dòng họ để mở rộng khu lăng mộ của Đệ nhất Cao Thượng Tổ thành 200m2.
Ngôi mộ của Đệ nhất Cao Thượng Tổ nằm ở giữa gò Đống Bút, phía sau và hai bên là cánh đồng xanh mướt lúa ngô. Phía trước là con đường quốc lộ 10 luôn tấp nập xe cộ ngược xuôi hối hả. Con đường dẫn vào khu lăng mộ đã được bê tông hóa kiên cố luôn sạch sẽ. Lăng mộ của Đệ nhất Cao Thượng Tổ được bảo vệ bởi hàng rào gạch và cánh cửa sắt vững chắc, phía ngoài cùng còn có hai con sư tử đá đang chầu, tạo thêm vẻ uy nghiêm cho khu Lăng mộ. Trong khuôn viên của khu lăng mộ có hai hàng cây với đầy đủ các loại do con cháu trong họ tự trồng và chăm sóc. Mặc dù chưa lâu, nhưng cây cối đã bắt đầu xanh tốt và tỏa bóng mát. Những cây hoa đại, hoa mẫu đơn đã bắt đầu trổ hoa, hương thơm ngan ngát lan tỏa phảng phất càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm nhưng cũng thật yên bình.
Ngôi mộ Tổ được đặt cao hơn so với mặt đất khoảng gần 2m, với các bậc thang dẫn tới mộ. Ngôi mộ được xây dựng bề thế, uy nghiêm và hết sức vững chắc bởi kết cấu hoàn toàn bằng đá. Phía trước được in đậm dòng chữ: “Ngọc cốt Mạc Phúc Độ”.
Trên bậc thang dẫn lên mộ, hai bên ngự hai con rồng đá khá lớn với những nét trạm trổ tinh xảo, cầu kỳ. Phía trong cùng là điện thờ, được bài trí gọn gàng, trang nghiêm và rất đẹp. Ở đó có bức đại tự ghi lại gốc tích của Đệ nhất Cao Thượng Tổ Mạc Phúc Độ và có đôi câu đối cũng được khắc trên đá hết sức trang trọng:
Gia nghiệp cháu con thịnh muôn đời,
Ngọc cốt Tổ tiên linh khí tụ.
Giờ đây, khu lăng mộ Đệ nhất Cao thượng tổ đã được hoàn thành, ngang tầm với sự phát triển của dòng họ và là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh nhằm giáo dục truyền thống đạo đức cho con cháu mãi mãi về sau, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Quả là:
Mộ tổ nay đã khang trang
Kẻ gần người xa góp công góp sức
Trai gái, trẻ già tiền cúng của dâng
Mỗi viên gạch hồng nặng tình huyết thống
Một bông hoa tươi thắm nghĩa họ hàng
Kẻ ít người nhiều thượng tổ đều thương
Ở xa ở gần tổ tiên vẫn quý
Từ đường nay đã khang trang
Mộ tổ to đẹp đàng hoàng
Dựng xây từ những tấm lòng vàng son.
Nghiêng mình kính cẩn trước lăng mộ của tổ tiên, mỗi người con của dòng họ Hoàng đều lặng người xúc động, ơn sâu tiên tổ, tự hào gia phong, nguyện sẽ phấn đấu hết mình để đáp đền và tiếp nối.
Không chỉ xây dựng Từ đường họ Hoàng gốc Mạc ở địa phương mình, con cháu họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê còn tích cực tham gia xây dựng từ đường của tổ tiên ở Hải Phòng. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng về việc tổ chức lao động hiếu nghĩa xây dựng Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai – Kiến Thuỵ – Hải Phòng tiếp theo chi họ Mạc ở Thủy Nguyên – Hải Phòng, ngày 11 – 8 – 2013, chi họ Hoàng gốc Mạc thôn Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng đã tổ chức bà con cô bác tình nguyện tham gia lao động san lấp mặt bằng nhà thủ từ tại Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai. Cùng với trên 20 thành viên trong chi họ, đặc biệt có cụ Lương Thị Thanh (là dâu) và cụ Hoàng Văn Tiến (trưởng ngành 5 thuộc chi họ Hoàng gốc Mạc, thôn Trâm Khê) đã gần tuổi 90, nhưng vẫn hăng hái tham gia lao động cùng con cháu; những bước chân chậm chạm, những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt xạm đen của các cụ, dưới nắng hè oi ả, đã làm xao động lòng con trẻ.
Lăng mộ của Đệ nhất Cao Thượng Tổ họ Hoàng thực sự là một công trình kiến trúc đẹp, bề thế. Dòng họ không chỉ chú ý đến việc tôn tạo các giá trị truyền thống, mà còn phát huy những giá trị ấy đến với mọi nhà, mọi thành viên trong dòng họ. Đồng thời thấy được truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục thông qua di tích này. Đó thực sự là những tư liệu quý giá bổ sung vào kho tàng lịch sử dân tộc trên con đường hội nhập văn hóa.
2.2.4. Giữ gìn và phát huy truyền thống cao đẹp của tổ tiên
Xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo dựng cho thế hệ trẻ nhiều giá trị quan trọng để bước vào nền kinh tế thị trường. Đó là sự nhạy bén, tiếp thu cái mới rất nhanh, có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, điều đáng nói là lớp trẻ có xu hướng tỏ ra thờ ơ với truyền thống văn hóa của cha ông. Trong bối cảnh như vậy, sự phục hưng dòng họ với việc phát huy các giá trị văn hóa của dòng họ để giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn là điều rất cần thiết. Thực hiện chiến lược con người trong thế kỷ, trước hết phải giáo dục thế hệ trẻ sống xứng đáng với truyền thống văn hóa của cha ông. Trong đó, việc thờ cúng tổ tiên có tác dụng lớn nuôi dưỡng ý thức hướng về cội nguồn. Người Việt cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý cộng đồng.
Hơn 200 năm qua, trải qua mười mấy đời, họ Hoàng (gốc Mạc) vẫn luôn duy trì và là một dòng họ có nếp sống văn hóa. Nhìn chung dòng họ có lối sống hiền hậu, đoàn kết, tương thân tương ái, giữ vững vị thế của dòng họ trong cộng đồng làng xã.
Trong văn hóa ứng xử luôn khiêm tốn, học hỏi, biết người biết ta. Lớp người sống trong thời phong kiến thực dân, các cụ vẫn giữ lối sống hiền từ, mẫu mực theo dòng Nho giáo, được dân làng kính trọng và mến yêu.
Về mặt tâm linh: Hội đồng Hoàng tộc khuyến khích các gia đình, con cháu luôn phải có tâm nghĩ đến Tổ tiên và cầu mong sự che chở, phù hộ của Tổ tiên. Bởi vậy mà nơi đây mọi người trong họ đều phải coi trọng tâm linh tín ngưỡng, thờ cúng để tỏ lòng tri ân Tổ tiên. Cảnh quan môi trường phải luôn phong quang sạch đẹp.
Con cháu họ Hoàng (gốc Mạc) luôn tâm niệm câu khắc ghi công đức Tổ tiên: đoàn kết, cùng chung tay xây dựng họ Hoàng Việt Nam ngày càng vững mạnh; khuyến tài, khuyến học để động viên, thúc đẩy phát triển nhân tài phục vụ cho đất nước.
Hằng năm, họ Hoàng (gốc Mạc) Việt Nam vẫn tổ chức các cuộc gặp mặt để “tri ân công đức tổ tiên”; xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa các dòng họ Hoàng; giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả.
Hướng về tổ tiên nhưng tránh mọi hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, hành nghề mê tín dị đoan; giữ gìn đoàn kết, kỷ cương, nề nếp gia phong, dân chủ, công khai, công bằng là ý nguyện của mọi người trong họ.
Dòng họ Hoàng luôn nhớ công lao của tổ tiên trong việc sáng lập ra dòng họ Hoàng trên mảnh đất Tiên Lãng. Vì vậy, dòng họ luôn có những hoạt động thực tiễn để tưởng nhớ đến ơn đức trời biển của tổ tiên.
Một trong những hoạt động đáng nhắc đến ở dòng họ Hoàng trên mảnh đất Tiên Lãng là hoạt động giỗ họ.
Giỗ họ là một hiện tượng văn hóa khá đặc trưng không riêng gì của cư dân Đông Nam Á mà còn cả của châu Á. Điều đó thể hiện sự biết ơn tổ tiên, nhớ thương những người đã mất và là dịp để con cháu hội tụ đầy đủ. Người châu Á cho rằng một ai đó có mặt trên đời thì ngày mất của họ đáng ghi nhớ hơn là ngày sinh, đến ngày đó tất cả những người còn sống sẽ tưởng nhớ đến những người đã mất và như vậy, họ sẽ luôn sống mãi.
Giỗ họ không biết có từ bao giờ, chỉ biết có từ thời ông bà tổ tiên, nếu trong nhà có ai qua đời thì chiếu theo âm lịch, cứ đến ngày đó lại tổ chức giỗ để tưởng nhớ người đã đi xa. Nét văn hóa đặc trưng Á Đông ấy cũng ăn sâu vào tiềm thức những người con Hải Phòng. Khi đi xa nhớ về nguồn cội, về tổ tiên là nhớ đến ngày giỗ tổ.
Là một dòng họ khá lớn ở Hải Phòng lại mang trong mình niềm tự hào là lớp hậu duệ của vương triều Mạc, họ Hoàng luôn răn dạy con cháu phải nhớ ơn tổ tiên và hàng năm vẫn tổ chức giỗ họ vừa là một hoạt động tinh thần không thể thiếu, vừa để giáo dục con cháu.
Điển hình nhất là Lễ giỗ Tổ ở Từ đường họ Hoàng tại Trâm Khê – Đại Thắng – Tiên Lãng – Hải Phòng.
Ngày mùng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm, dòng họ Hoàng ở Trâm Khê tổ chức lễ giỗ Tổ họ Hoàng. Dòng họ đã xây dựng một đội tế gồm đầy đủ phục trang, cờ, nghi trượng, dàn bát âm… Trong buổi tế lễ rất trang nghiêm, có hầu hết tất cả con cháu trong dòng họ và đông đảo nhân dân trong làng ngoài xóm đến dự.
Có lẽ ở một miền quê thôn dã như ngoại thành Hải Phòng, hiếm có một dòng họ nào có những hoạt động đậm nét truyền thống văn hóa như dòng họ Hoàng ở đây. Qua đó càng tăng thêm lòng tự hào cho con cháu về dòng họ mình, đồng thời điều đó cũng như một lời nhắc nhở mọi người hãy cùng nhau giữ gìn gia phong, phải luôn thương yêu và đoàn kết.
Bên cạnh hoạt động giỗ Tổ còn có hoạt động giỗ tổ các chi họ:
Dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng gồm 5 chi, các chi họ Hoàng đều tổ chức giỗ tổ riêng, ngày giỗ tổ được lấy là ngày mất của cụ tổ ông. Mỗi chi họ tự tổ chức trong phạm vi gia đình mình. Trước khi tổ chức thì cử người lên từ đường cúng lễ Cao Thượng Tổ trước.
Quy định đóng góp trong dòng họ từ xưa đến nay vẫn theo đó là con cháu đóng góp theo suất đinh, mỗi suất đinh đóng bao nhiêu thì tùy theo từng năm người trưởng họ quy định. Con trai thì bắt buộc phải đóng còn con gái thì tùy tâm.
Hoạt động mừng thọ cũng là một hoạt động được tổ chức thường niên của dòng họ nhằm tỏ lòng hiếu kính, biết ơn với những người già trong họ.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống trọng những người già, đây là một nét đẹp văn hóa của cư dân Việt cổ, vì vậy các bậc cao niên luôn là những người có tiếng nói trong dòng họ. Cũng như các dòng họ khác, dòng họ Hoàng cũng luôn giữ vững nét đẹp truyền thống ấy. Nhà nào có người già là niềm hạnh phúc và tự hào của con cháu bởi ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương đạo đức cho thế hệ sau noi theo. Mừng thọ vừa có ý nghĩa chúc phúc cho ông bà, cha mẹ, vừa để con cháu biết lễ độ cư xử cho đúng mực.
Họ Hoàng ở Trâm Khê quy định dòng họ có người đến tuổi lên lão thì phải tổ chức mừng thọ để cả họ cùng chung vui. Tuổi lên lão của các cụ là 70 tuổi. Các cụ có “tuổi vàng” từ 75 trở nên còn được quan tâm hơn nữa.
Trước ngày mừng thọ, con cháu chuẩn bị các phần quà mừng, gửi đến nhà cho các cụ. Quà mừng thường chỉ là bánh kẹo, thư chúc thọ của các con cháu và một bộ quần áo mới. Nếu cụ nào lên lão ở tuổi 80 thì tặng thêm một bộ áo gấm (áo vàng, áo đỏ) để mặc trong ngày lễ. Lễ mừng thọ được tổ chức tại nhà thờ của chi họ đó, sau đó các cụ được con cháu đưa ra Từ đường để dâng lễ vật đội ơn tiên tổ. Trong buổi lễ, các cụ mặc áo gấm, đầu đội khăn xếp, ngồi trên ghế hoặc sập, con cháu bái lậy, chúc thọ và mừng tuổi cho các cụ.
Hàng năm họ luôn động viên con cháu phải siêng năng học hành, rèn đức luyện tài, nhắc nhở các thành viên trong họ phải đoàn kết, yêu thương nhau, vượt qua những khó khăn thách thức, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc, hòa thuận, no đủ. Nhờ vậy, số hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm, không còn hộ ở nhà tạm, nhà tranh vách đất.
Công tác từ thiện thăm hỏi, hiếu hỷ được thường xuyên chăm lo. Những người ốm đau nằm viện dài ngày, tai nạn rủi ro, bệnh hiểm nghèo… được chăm lo quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời, những thành viên của họ qua đời thì có lễ, vòng hoa kính viếng.
Vào những dịp lễ tết, họ cũng tổ chức thăm hỏi, có quà tặng động viên người cao tuổi và một số gia đình khó khăn đặc biệt.
Hàng năm vào ngày giỗ, họ trích kinh phí khen thưởng cho chi, cho gia đình và cá nhân tiêu biểu. Thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.
Mỗi khi có con em lên đường nhập ngũ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dòng họ đã tới nhà tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu tặng quà động viên.
Tiểu kết chương 2
Trải qua những biến cố lịch sử, dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với vùng đất giàu truyền thống này. Ban đầu, dòng họ là những cá nhân lưu tán nhưng dần dần đã thành lập nên một dòng họ đông đảo với nhiều hoạt động dòng họ phong phú. Dòng họ Hoàng ở Tiên Lãng luôn luôn hướng về tổ tiên dòng họ (họ Mạc). Những hoạt động thực tiễn như: xây dựng Từ đường, xây dựng mộ Tổ, xây dựng nên những quy ước chung để dòng họ hoạt động có nền nếp hơn…Tất cả những điều đó đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động của dòng họ. Dòng họ Hoàng trên mảnh đất Tiên Lãng đã bổ sung vào nguồn văn hóa dân tộc thêm những màu sắc mới. Hoạt động của dòng họ đã khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng họ trên mọi miền của tổ quốc.
Hơn hai trăm năm đã trôi qua, tuy không có nhiều công lao đặc biệt với tổ quốc, nhưng những gì mà thế hệ của dòng họ đã làm được là một tài sản vô giá, là bài học quý báu cho con cháu tiếp bước để làm rạng danh dòng họ hơn, để phục vụ quê hương đất nước được nhiều hơn.
Những đóng góp của dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng tuy nhỏ bé nhưng nó đã chứng minh sự đóng góp, sự trưởng thành của những người con trên mọi miền của tổ quốc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đã cùng chung sức, đồng lòng với đồng bào cả nước thực hiện cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, nhằm bảo vệ một “ Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.
Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước thời kỳ đổi mới, một lần nữa họ Hoàng (gốc Mạc) lại chứng minh sự đóng góp hết sức tích cực của họ. Thành quả không to lớn, nhưng những gì mà họ đã đóng góp là không thể phủ nhận.
(Còn tiếp)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.