- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19663
- Tổng truy cập: 3,370,759
KINH TẾ HÀNG HÓA THỜI MẠC 811
- 270 lượt xem
KINH TẾ HÀNG HÓA THỜI MẠC – NHÌN TỪ CHỢ LÀNG
Ngô Vũ Hải Hằng*
Các ảnh chỉ có tính minh họa
1. Đặt vấn đề
Thế kỷ XV, cùng với sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất là sự tăng tiến của diện tích trồng trọt, sự phát triển của sức sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho số lượng lớn nông phẩm lưu thông trên thị trường, tạo khả năng cho thủ công nghiệp có thể một phần thoát ly khỏi nông nghiệp và phát triển mạnh. Mạng lưới chợ làng được mở rộng ở nông thôn, tiền tệ được lưu thông rộng rãi và hệ thống các đơn vị đo lường được thống nhất trong cả nước. Có thể thấy, các điều kiện cần thiết cho kinh tế hàng hóa phát triển đã xuất hiện đầy đủ ở thế kỷ XV. Tuy nhiên, vào thời Lê sơ, nhà nước thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ đối với ngoại thương, đặc biệt với các hoạt động buôn bán tư nhân. Nhà nước kiểm soát khắt khe việc buôn bán ở các cửa ải miền biên giới và các cửa biển dọc theo miền duyên hải. Người buôn bán ngoại quốc đến buôn bán phải ở các nơi quy định như Vân Đồn, Càn Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thông Lãnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa (1), không được tự ý vào nội trấn… Cho nên, về cơ bản hoạt động thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương đang có cơ hội phát triển ở thế kỷ trước thì bị kìm hãm.
Năm 1527, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lê, Mạc Đăng Dung lập ra vương triều Mạc, gọi là Bắc triều. Đến năm 1533, Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh – là con của vua Lê Chiêu Tông – lên làm vua, khôi phục lại triều Lê, gọi là Nam triều.
Thế kỷ XVI-XVII được gọi là “Kỷ nguyên thương mại”, nên có thể được coi là giai đoạn mở đầu của quá trình “toàn cầu hóa” nền thương mại thế giới (2). Đây chính là giai đoạn phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa Tây Âu, các tuyến hải thương đã được phát kiến từ trước đó của người La Mã, Trung Hoa, Ấn Độ, Arập mới thực sự mang tính chất quốc tế, toàn cầu. Ở khu vực Thái Bình Dương hình thành những trục hải thương giao nhau, đó là trục Tây – Đông nằm trên tuyến Âu – Á, từ Ấn Độ qua eo Malacca ngược lên Macao, ngang qua Manila, xuống dưới Batavia; và trục Bắc – Nam nối liền các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á, từ Nhật Bản qua vùng bờ biển Trung Quốc, đảo Đài Loan, Việt Nam tới Xiêm La, Mã Lai, Nam Dương quần đảo (3). Hơn nữa, chính sách “hải cấm” (cấm biển) của nhà Minh – nghiêm cấm các hoạt động buôn bán nằm ngoài phạm vi triều cống, hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Hoa vẫn thực hiện đến năm 1571, đã thúc đẩy thương nhân khu vực tìm kiếm và thay thế bằng hàng hóa của Đại Việt (hay trung gian qua Đại Việt). Việt Nam, lúc này là cục diện Nam – Bắc triều, Đàng Trong – Đàng Ngoài, là nơi gặp gỡ các tuyến trục giao thương vùng châu Á – Thái Bình Dương, đã không đứng ngoài cục diện chung và xu thế lịch sử đó.
Trong một chế độ phong kiến nhà nước quan liêu, sự gặp gỡ và triển khai những yếu tố nội sinh và ngoại sinh chỉ được thực hiện có kết quả và tạo ra những tiềm năng, chuyển biến khi có sự ủng hộ và tạo thuận lợi với những cơ chế, chính sách thoáng mở của nhà cầm quyền (4). Ở Bắc triều, hầu như phần lớn các quan hệ kinh tế thời Lê sơ đã bị phá vỡ, tạo nên một xu thế phát triển tự do trong nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… Với chính sách kinh tế cởi mở, nhà Mạc không chủ trương “ức thương”, “bế quan tỏa cảng” như dưới triều Lê sơ, đã tạo cho ngoại thương Đại Việt trong thế kỷ XVI có những chuyển biến tích cực, là tiền đề tạo nên sự hưng thịnh của kinh tế hàng hóa trong thế kỷ sau.
Bài viết này tìm hiểu về kinh tế hàng hóa thời Mạc ở thế kỷ XVI, thông qua việc xem xét mạng lưới chợ làng, sự mở rộng, xây mới hay chuyển mình, biến đổi, đô thị hóa của các chợ làng dưới tác động của các yếu tố nội sinh (sự phát triển của các làng nghề thủ công, các làng chuyên nghề, kết hợp với buôn bán nhỏ và chính sách “mở cửa” của nhà nước cầm quyền) và yếu tố ngoại sinh (kỷ nguyên thương mại của thế giới), từ đó, thấy được chiều cạnh phát triển của nội thương, là cơ sở tất yếu cho sự phát triển ngoại thương.
2. Mạng lưới chợ làng thời Mạc
Chợ làng là trung tâm kinh tế của vùng nông thôn, là nơi trao đổi hàng hóa của một xã hay một làng. Chợ làng là loại chợ do các tổ chức trong làng xã lập ra và quản lý. Tại đây người nông dân và thợ thủ công mang sản phẩm mình sản xuất được như lương thực, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dùng gia đình… ra chợ để mua bán, trao đổi.
Sự xuất hiện những chợ, ở những địa điểm trao đổi cố định, thường kỳ, là sự đột phá quan trọng của kinh tế hàng hóa vào nền kinh tế khép kín phong kiến, có tác dụng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, sự chuyên môn hóa trong sản xuất (5). Và “sự phát triển mạng lưới chợ là bằng chứng, là dấu hiệu của sự phát triển sản xuất và trao đổi hàng hóa trong xã hội phong kiến” (6).
Mạng lưới chợ trước thời Mạc
Trước khi nhà Mạc nắm quyền điều hành đất nước, đã có một mạng lưới chợ làng được hình thành và phát triển. Đến thế kỷ XVI, các chợ đó tiếp tục được mở rộng và phát triển hơn nữa.
Ở Thăng Long – Hà Nội, do những nhu cầu nhiều mặt phục vụ cho cuộc chiến và đời sống của những tầng lớp xã hội khác nhau gia tăng, hàng hóa, tiền tệ lưu thông, trao đổi, nên đã thu hút một khối lượng khổng lồ các thợ thủ công, thương nhân từ các vùng nông thôn phụ cận và ngoại vi đổ về đô thị, lập nên các phường chuyên nghề và chuyên mặt hàng, như các phường Đông Các đúc bạc và bán đồ kim hoàn, phường Thái Cực nhuộm điều, thôn Hài Tượng đóng giầy hài, thôn Tả Khánh tiện đồ gỗ, thôn Ngũ Xã đúc đồng… Vào các phiên chợ chính, một số lượng khổng lồ dân quê đã tràn vào chiếm lĩnh đô thị, trao đổi, buôn bán (chủ yếu là cung cấp hàng hóa, vật phẩm) với đô thị. Chợ xưa nhất ở cửa thành Thăng Long là chợ cửa Tây, còn gọi là chợ Tây Nhai, thành lập từ thời Lý, đến thế kỷ XVI được biết đến với tên là Hoàng Hoa thị (chợ Hoa vàng)…
Theo Đông Ngạc xã thị bi [Bia chợ xã Đông Ngạc] thì cho đến năm 1575, huyện Từ Liêm, thuộc trấn Sơn Tây, có 10 chợ thuộc ngạch chợ thu thuế, từ “triều trước trải đến bản triều hằng năm thường họp”. Riêng chợ Đông Ngạc là “nơi phồn thịnh đệ nhất Sơn Tây. Của cải đến ùn ùn, thuyền bè san sát. Người ta được vui với cái vui ấy, lợi với cái lợi ấy” (7).
Hầu hết các làng ở vùng đồng bằng đều có chợ, những chợ vùng (lớn) có phiên kế tiếp nhau vào những ngày lẻ, chẵn quanh năm, vì thế người dân một vùng có thể đi hết chợ này đến chợ khác. Chẳng hạn như (8):
Ở Bắc Ninh có các chợ: chợ Giầu, chợ Cầu, chợ Dâu, chợ Keo, chợ Lớn, chợ Sủi, chợ Văn Giang, chợ Vân… Theo gia phả của họ Ngô làng Trang Liệt, vào ngày 9 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 22 (1491), người làng Đinh Vi và Phù Ninh đi chơi chợ Giầu (làng Phù Lưu), vì có tư thù với nhau từ lâu nên đã đuổi đánh nhau chạy đến cạnh chùa Đồng Lai. Điều này chứng tỏ, vào cuối thế kỷ XV, chợ Giầu đã trở thành một chợ lớn của cả vùng. Đình làng chợ Giầu nằm ngay ở chợ, được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, là một ngôi đình lớn, nổi tiếng về nghệ thuật chạm khắc, nhưng cũng là nơi buôn bán, trú ngụ của các thương nhân (9). Chùa Phù Lưu nằm ngay cạnh đình, cũng như đình, chùa có quan hệ mật thiết với chợ. Điều đáng chú ý hơn là ở làng chợ Giầu, hội chùa ngày 9 tháng Giêng lại trùng vào phiên chợ. Người đi hội chùa cũng là người đi chợ và người đi buôn bán cũng đồng thời đi hội chùa. Hiện tượng này muộn nhất đã có từ thế kỷ XV, nên mới có việc đánh nhau ở chợ Giầu trong ngày hội chùa mùng 9 tháng Giêng năm 1491.
Ở Hà Đông có chợ Bằng, chợ Bến, chợ Canh, chợ Cao, chợ Chuông, chợ Cống Văn Tự, chợ Dực, chợ Đầm, chợ Đình, chợ Đợ, chợ Ga, chợ Kẻ, chợ La Cả, chợ Lũ, chợ Mai Lĩnh, chợ Mỗ, chợ Mỹ Lâm, chợ Phủ, chợ Quang, chợ Thá trên, chợ Thá dưới, chợ Tía…;
Ở Hưng Yên có các chợ Bạc, chợ Bầu, chợ Bông, chợ Dốc Lã, chợ Đọ, chợ Mễ, chợ Như Quỳnh, chợ Ôn Xá, chợ Như, chợ Thứa, chợ Trung, chợ Trương, chợ Xuôi…
Ngoài các chợ địa phương, còn có những làng chuyên về “buôn bán” như làng Đa Ngưu ở Hưng Yên chuyên nghề buôn thuốc bắc; làng Báo Đáp chuyên nghề buôn lượt….
Mạng lưới chợ được mở dưới thời Mạc
Bên cạnh những chợ cũ hoạt động sầm uất hơn thì nhiều chợ mới cũng được thành lập như: Chợ Nghĩa Trụ (Hưng Yên) mở năm 1570, Chợ La Phù (Hà Nội) mở năm 1575, Chợ Phúc Lâm (Hà Nội) mở năm 1589, Chợ Cẩm Viên (Vĩnh Phúc) mở năm 1590… Thường các chợ được lập ở những chỗ giao thông thuận tiện, có đường thủy (sông), có đường bộ (cầu)… Qua văn bia thời Mạc cho thấy, nhiều cầu được lập lên gắn với chợ.
Chợ Cầu Nguyễn (ở Hưng Hà, Thái Bình) mở lại năm 1530. Chợ được mở do sắc lệnh của vua Mạc Đăng Doanh. Qua bia Nguyễn kiều thị bi dựng năm Đại Chính thứ 2 (1531) [đây cũng được coi là văn bia lập chợ có niên đại sớm nhất (10)] ở Thái Bình, cho biết: chợ Cầu Nguyễn ở xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên, vốn đã có từ lâu… Xưa mở chợ bên sông Thần Nông. Trải qua nhiều triều đại, trước biến đổi [của khí hậu]… cầu hư hỏng. Các hương lão quan viên thôn trưởng già trẻ trong hương ta khởi công xây dựng lại từ ngày 27 tháng 2 năm Giáp Thân, niên hiệu Thống Nguyên thứ 3 (1524) triều trước, đến ngày 29 tháng 3 thì hoàn thành, đặt tên là Cầu Nguyễn. Đến ngày 15 tháng 3 năm Canh Dần, niên hiệu Đại Chính nguyên niên (1530), nhân có tên cầu là cầu Nguyễn mà sắc cho khôi phục lại chợ cũ.
Triều đình nhà Mạc không những không “ức thương” như một số vương triều khác mà còn có sự quan tâm nhất định đối với việc thông thương (11). Chủ trương khuyến thương này của nhà Mạc rất được các tôn thất ủng hộ, biểu hiện ở việc hưng công, quyên góp vào công việc xây dựng chợ mới, hay cầu đường mới của họ. Theo Bia ký chùa Minh Phúc, xã Cẩm Khê, huyện Tiên Lãng (Thành phố Hải Phòng), chợ Cẩm Khê được mở nhờ sự hưng công của bà Hoàng thái hậu họ Vũ.
Giao thông đi lại thuận tiện cũng là một trong những điều kiện để chợ làng phát triển. Qua văn bia, chúng ta được biết, dưới thời Mạc có rất nhiều cầu hoặc là được khôi phục lại, hoặc là được xây dựng mới. Bia Tu phục Mỗi Nhu kiều bi ký (Bia ghi việc tu sửa cầu Mỗi Nhu) cho biết địa thế cầu Mỗi Nhu như sau: “thế núi tụ về, đường sá chạy qua, nhân lực thông suốt (…). Cầu này: phía đông từ bến Bình Lương về độ 5 dặm, phía tây đến bến Thái Cảo 3 dặm, phía nam ra bến Tư Mại cũng 3 dặm, phía bắc đến bến Cổ Dũng, Nghiêm Bạch 2 dặm” (12). Cầu được dựng lại khiến cho “kẻ sĩ về triều, nông phu ra đồng, hành khách qua đường, thương nhân đến chợ, không ai không thấy hết đỗi sướng vui, tiện lợi”.
Hoạt động thương mại được hỗ trợ bằng mạng lưới giao thông thủy, bộ. Nhiều tài liệu văn bia cổ ghi lại việc sửa sang đường sá và làm cầu, tu sửa cầu của nhà Mạc. Theo thống kê của Nguyễn Du Chi, cho thấy có 21 cầu được dựng mới. Về chất liệu, phần lớn vẫn là cầu gỗ nhưng một số đã được thay thế bằng đá như cầu Thuần Đống (1522), cầu Thiên Đông (1585), cầu Trùng Nghiêm (1587). Đặc biệt là vùng Phù Minh (Phú Thọ), vào năm 1543, nhân dân đã làm 4 cầu đá để thay thế cho những cầu cũ (13). Một số cầu được làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều”, có mái phía trên, vừa là cầu đi lại, vừa là nơi trú chân tạm thời lúc mưa gió, cũng là nơi hóng mát, và kiêm luôn cả quán nhỏ bán hàng.
Bên cạnh việc dựng cầu, nhà Mạc còn chú ý đến việc làm đường, đào sông. Trên đường số 18 (Quảng Ninh) còn dấu vết những đoạn đường thời kỳ này từ Thảo Tân qua rừng Bãi Thảo chạy ven sông Lục Nam mà nhân dân địa phương vẫn gọi là “đường nhà Mạc, đầu voi, quán Sé”. Tại Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn dấu tích những bến đóng thuyền của nhà Mạc (14), kênh triều Mạc.
Chợ bến, chợ cảng
Vào thời Mạc, loại hình chợ bến, chợ cảng rất phát triển. Loại hình chợ này chủ yếu được dựng lên ở các triền sông, cảng biển và thường gắn với một hoặc nhiều làng nghề thủ công xung quanh đó. Đây là nơi buôn bán tập trung, thuyền bè đi lại tấp nập. Các thương cảng, cùng hệ thống mạng lưới chợ ven sông này đã trở thành các “điểm hẹn” thông lệ cho kẻ bán người mua, trở thành “vùng tiếp xúc mở” của các luồng giao lưu thương mại nội địa và quốc tế (15). Nguyễn Văn Kim cho rằng: “Sự phát triển của hệ thống cảng sông đã dẫn đến sự chuyển dịch một bộ phận của trung tâm mậu dịch Đàng Ngoài từ các cảng biển vào sâu trong đất liền, tức là về gần với Kinh đô Thăng Long, các vùng kinh tế và làng nghề” (16).
Bài ký trên bia am Vân Thủy, cho biết, vào ngày mồng 6 tháng 9 năm Sùng Khang thứ 9 (1574), “Hoàng thái hậu họ Vũ đã mua 5 mẫu ruộng ở xứ Ma Cả, xã Đốc Hành huyện Tân Minh để hưng tạo chùa Minh Phúc, cầu và chợ của xã Cẩm Khê”. Chợ của xã Cẩm Khê hay còn gọi là chợ tiểu cảng Minh Thị (nay thuộc xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng). Tại thôn Minh Thị có một dòng sông cổ nối Minh Thị với dòng sông Văn Úc – một con sông lớn tiện lợi cho giao thông đường thủy từ biển vào đất liền, từ đất liền đi ra biển. Qua phân tích về các dấu tích vật chất khu chợ Minh Thị, nhóm tác giả Phạm Quốc Quân và Trần Phương đã khẳng định “đây là khu chợ, không chỉ tiếp nhận sản phẩm trong nước, mà cả sản phẩm của nước ngoài” (17). Cơ sở để đưa ra luận cứ ấy là các chứng tích vật chất từ khai quật khảo cổ học kết hợp với điều tra hiện trường, khảo sát thực tế, dường như chỉ thấy đồ nguyên lành, ít thấy đồ vỡ, và không hề thấy những phế phẩm, chứng tỏ rằng nơi đây xưa kia không phải là khu lò sản xuất gốm.
Xung quanh di tích chợ và bến bãi Minh Thị, trong bán kính 3km, còn có nhiều phố chợ khác mà địa danh hiện nay vẫn còn lưu giữ như: chợ Điền, phố Nhỏ, bến Độ, phố Đỗ, phố Lỗ, phố Mè, phố Trang, phố Khách. Theo Nguyễn Văn Sơn “Toàn bộ khu vực này đã là một khu chợ kéo dài ít nhất từ cuối thế kỷ XV, phồn thịnh trong khoảng thế kỷ XVI và bị suy tàn vào khoảng thế kỷ XVII” (18).
Chợ Hạ Hôm thuộc xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) được biết đến với câu ca: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Hạ Hôm”. Hạ Hôm xưa là tên gọi của cả vùng đất mà nay là các thôn Hạ Am, Hà Dương và An Quý thuộc xã Cộng Hiền. Nó là mạch máu giao thông quan trọng nối giữa vùng đất mới ven biển phía đông với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị trong nước thời quốc gia Đại Việt như Phố Hiến, Thăng Long, Vạn Kiếp. Phía bắc Cộng Hiền là con sông đào Chanh Dương tiếp nước từ sông Luộc đổ ra biển Thái Bình. Sông đào Bạch Đà nối Hồng Hóa với sông Chanh Dương dài chừng 7km, chia đôi xã Cộng Hiền. Bên bờ hữu ngạn là các thôn Hà Dương và Hạ Am, tả ngạn là đất của các thôn An Quý – tiểu cảng cổ nằm trên sông đào Bạch Đà này. Qua kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy, hiện vật tại khu tiểu cảng này chủ yếu là các mảnh bát, đĩa gốm với nhiều loại hình, kiểu dáng, kích cỡ và loại men khác nhau. Những đồ gốm này không phải được sản xuất tại chỗ mà mang từ nơi khác đến, tương tự những đồ gốm đã phát hiện ở Chu Đậu, Hợp Lễ (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội)… Điều đó chứng tỏ nơi đây là một trong những địa điểm tập kết hàng hóa của các tầu thuyền trước khi đến các trung tâm buôn bán, đô thị quanh vùng (19).
Chợ Khả Lương (xã Vũ Lâm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình) được xây dựng lại ở gần bến sông do nhân dân thôn Khả Lương và Vũ Lâm đóng góp tiền của. Bia Tân thị mộc bi dựng năm Sùng Khang thứ 8 (1573) đã cho biết điều này.
Trên địa bàn Kinh đô thứ hai của nhà Mạc – Dương Kinh (nay thuộc Hải Phòng), hình thành một số chợ vùng lớn như chợ Đầm (Tiên Lãng), chợ Hàn (được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến trong bia quán Trung Tân), chợ Bát Xã (hay chợ Xã, là chợ của 8 xã vùng Đồ Sơn), chợ Hương thuộc huyện Kiến Thụy; chợ Tổng huyện Thủy Nguyên; chợ Ruồn, chợ Thái thuộc huyện An Lão; chợ Rế thuộc huyện An Dương… Bên cạnh đó, các phố buôn bán sầm uất cũng được mọc lên. Phố buôn bán của người Việt như Phố Nhỏ, Phố Đô, Phố Mè…; phố buôn bán của người Hoa như phố Khách Long Mã bên bờ sông Bạch Đằng, phố Khách Quang Phục (nay ở xã Quang Phục) bên bờ sông Văn Úc, về sau phát triển thành Phố Lồ hay phố Hoàng Lồ, một cảng thị thu hút khách buôn người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Ấn Độ… (20).
Chợ chùa
Đây là loại hình chợ phổ biến dưới thời Mạc. Chợ chùa hay còn gọi là chợ Tam bảo, họp tại các sân, bãi cạnh các chùa và thu nhập từ chợ được đưa lại cho chùa quản lý. Chợ chùa có một đặc ân là không phải đóng thuế, thế nên, có những nơi không chịu nổi thuế của nhà nước đã xin trở thành chợ chùa. Hình thức chợ Tam bảo này đặc biệt phát triển nở rộ vào thế kỷ XVII-XVIII (21).
Chợ Tam bảo được mở ở trước hoặc cạnh chùa, trước hết có lẽ là để phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng của chùa, hoặc cũng có thể do địa thế của những ngôi chùa thuận tiện cho việc mở chợ. Nhưng có một điều là, những hoạt động thương mại thường hay gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng. Những người buôn bán thường thành tâm lễ Thần, Phật và làm công đức để cầu phúc lộc, buôn bán hanh thông. Nhiều văn bia cho biết không ít người công đức tu bổ chùa Phật, cũng đồng thời công đức mở mang chợ.
Theo tư liệu văn bia do Đinh Khắc Thuân sưu tầm và dịch chú, chúng ta biết, vào thời Mạc, chợ Tam bảo được mở ở một số nơi như sau:
Chợ Đại Đồng (ở xã Cẩm Viên, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Yên) hay chợ chùa Đại Đồng được mở vào năm 1590, niên hiệu Hưng Trị thứ 3. Bia Trùng tu Đại Đồng am nhị tự thị đình khê kiều bi cho biết: Nhân dịp Đại sĩ Cầm Tuyên cùng các thiện tín trong làng thuộc các xã trong 8 phủ bỏ tiền sửa lại thượng điện, tỉnh am và cổng tam quan chùa Đại Đồng, còn làm đình, mở chợ, làm cầu trước cửa chùa (22).
Chợ Tam bảo chùa Rộc (23), hay còn gọi là chợ Đặng Xá, thôn Đặng Xá, xã Hoa Âm, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên (Hà Nội) được mở năm 1580. Chợ Tứ Kỳ (ở Tứ Kỳ, Hải Dương) mở năm 1542, bên cạnh chùa Huệ Vân. Chợ Cẩm Khê (Hải Phòng) mở năm 1572, bên cạnh chùa Minh Phúc. Chợ Hậu Bổng (Hải Dương) mở năm 1579, bên cạnh chùa Viên Quang. Chợ Đào Xá (Hà Nội) mở năm 1590, bên cạnh chùa Cam Lộ. Chợ Hoa Cầu (Mĩ Hào, Hưng Yên) mở bên cạnh chùa Hưng Phúc. Chợ Viên Dương mở cạnh quán Viên Dương. Bia chùa Viên Quang (Tu cầu Viên Quang khám bi ký) cho biết: Chùa được dựng lại “bên phải tiếp giáp chợ to” (24).
Ngoài các loại hình chợ kể trên, tại các vùng tiếp giáp giữa châu thổ sông Hồng với miền núi đều hình thành các chợ đầu mối như chợ Chũ, Bố Hạ (Bắc Giang), Đình Cả, Thạch Thất (Hà Tây cũ) hay chợ Bến (Hòa Bình)… Mạng lưới chợ này cung cấp các mặt hàng của núi rừng cho đồng bằng, và ngược lại thu mua những mặt hàng của đồng bằng đưa lên miền núi. Mặt khác, thông qua các chợ này, nhà Mạc đã thiết lập mối liên hệ thường xuyên với cư dân, hào tộc vùng biên viễn, với Ai Lao và vùng Vân Nam, Lưỡng Quảng (Trung Quốc) (25).
Từ chỗ là chợ làng, một số chợ trở thành chợ chung của nhiều làng, thậm chí cả vùng và thành những làng buôn, như chợ Phù Lưu trở thành làng chợ Giầu – là chợ của cả tổng và cả vùng Từ Sơn, chợ Hiến Nam (Hưng Yên) trở thành thị tứ Phố Hiến, chợ Mè (Hải Phòng) trở thành thị tứ Domea… Điều này phản ánh mạnh mẽ nhất hiện trạng phát triển của kinh tế hàng hóa vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII.
Thời gian họp chợ
Đối với những chợ địa phương tương đối lớn, họp thành từng phiên nhất định, thường một tháng họp 6 phiên vào ngày chẵn hay lẻ, cứ 4, 5, 6 ngày mới họp một phiên. Người bán hay mua hàng không ở tại chợ, chỉ đến ngày phiên chợ mới tụ họp lại để trao đổi mua bán hàng hóa, hết phiên thì lại giải tán. Ngày thường chợ chỉ là những lều tranh bỏ trống.
Mỗi chợ thường có một số phiên chính, trung bình cứ 6 phiên một tháng như quy định của chợ Phù Ninh: “Ngày thường hai buổi sáng tối, lúc có lúc không, tháng 6 phiên theo ngày 3 ngày 8 (tức các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28). Người trong thiên hạ đến đây đều thấy tiện lợi. Hàng hóa khắp nơi tấp nập đổ về, mọi thứ đều rất phù hợp” (26). Những quy định này vẫn còn gặp ở các chợ làng hiện nay.
Chợ Giầu (Bắc Ninh) một tháng có 6 phiên chính vào những ngày 4 và 9 các tuần trong tháng: “Chợ Giầu một tháng sáu phiên/ Ai ơi nên nhớ, đừng quên chợ Giầu”. Chợ Giầu họp với 5 chợ lớn khác trong vùng đồng bằng xứ Bắc tạo thành một chu kỳ buôn bán khép kín, theo âm lịch, ngày nào cũng có chợ:
– Chợ Núi (Gia Lương) họp vào các ngày 1, 6
– Chợ Chờ (Yên Phong) họp vào các ngày 2, 7
– Chợ Lim (Tiên Sơn) họp vào các ngày 3, 8
– Chợ Giầu (Tiên Sơn) họp vào các ngày 4, 9
– Chợ Vân (Quế Võ) họp vào các ngày 5, 10
Ở vùng Thuận Hóa trong thời nhà Mạc quản lý, hoạt động buôn bán cũng diễn ra khá sôi nổi. Dương Văn An trong sách Ô châu cận lục ghi lại: “Chợ Thế Lại (Thừa Thiên – Huế) bắt đầu họp từ gà gáy, đến giữa trưa vẫn đông. Lều hàng la liệt, quán xá dọc ngang… gồm đủ hàng Nam Bắc…” (27).
Hiện tượng “tranh đoạt ngày họp chợ”
Vào cuối thế kỷ XVI, nhu cầu trao đổi thông thương ngày càng phát triển mạnh, khiến cho chợ mọc lên khắp các làng, vì thế làng nọ họp chợ trùng ngày với làng kia, khiến hiện tượng “tranh đoạt ngày họp chợ” diễn ra phổ biến. Hiện tượng ấy, khiến cho Lệ lập chợ trong Hồng Đức thiện chính thư, bộ luật dân sự được thi hành dưới thời Lê – Mạc, phải quy định rõ: Nơi nào không có chợ thì có thể được lập thêm chợ, cũng quy định cả ngày họp chợ phải so le nhau, không được trùng với ngày họp phiên chợ cũ. “Trong dân gian, hễ có dân là có chợ, chợ là để giao lưu hàng hóa trong thiên hạ, phát triển việc giao dịch, làm cho thỏa mãn mong muốn của con người… Xã nào đã lập chợ từ trước không được cấm chợ để lập cái khác khiến cho đường thông thương bị ngăn chặn một cách vô lý. Nếu như xã nào sau này có nhu cầu buôn bán, mới bắt đầu mở chợ thì không được trùng với phiên chính của các làng khác, hoặc trước ngày phiên của làng khác để chặn mối của thương khách. Nếu muốn mở chợ thì phải cách 1 ngày sau ngày phiên chợ cũ thì được, nếu mở trước 1 ngày hoặc sau 1 ngày so với chợ cũ để tranh mối, không tuân theo lệ cổ mà muốn cấm đoán để chiếm lợi riêng thì tùy theo nặng nhẹ mà xử tội” (28).
Một trong những sự kiện “tranh đoạt ngày họp chợ” được ghi lại trong Bia chợ xã Đông Ngạc [1575] như sau (29): “Vào ngày 26 tháng ba niên hiệu Sùng Khang thứ 8 (1573), người xã Thụy Hương mở chợ họp riêng, đào hào đắp lũy, gây hấn tranh giành. Các viên nhân bản xã đem sự việc cáo lên hai ty Thừa Hiến xin cứu xét. Nguyên nhân của việc tranh giành ấy là việc hai xã Đông Ngạc và Thụy Hương kiện nhau về ngạch chợ.
Các quan quý nha là Tham chính Vũ Tịnh và Hiến sát Nguyễn Thanh Tĩnh đã làm đầy đủ văn bản nghị xử khám xét trả về. Niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574), ngày 12 tháng 5, các quan Thừa ty là Thừa Tuyên sứ Nguyễn Uyên và Hiến sát Vương Bạt Tụy lại khám xét, vẽ bản đồ, làm đầy đủ văn bản để tâu lên là đã vâng lệnh khám xét, trả lại ngạch cũ cho chợ xã. Văn bản này đã tiếp tục khám xét, tham chiếu nguyên do việc hai xã Đông Ngạc và Thụy Hương kiện nhau về ngạch chợ.
Trong Thiên Nam dư hạ cho biết, Đông Ngạc nguyên có ngạch chợ mà Thụy Hương không có. Quan huyện khai Đông Ngạc có họp chợ nộp thuế còn Thụy Hương không có họp chợ nộp thuế. Tuy sổ sách là cần nhưng cũng chưa thể tin tưởng hoàn toàn. Vả lại lời khai của xã Thụy Hương đã viết là chợ Cam, lại viết là chợ Trái và đến niên hiệu Sùng Khang thứ 8 mới báo việc họp chợ. Tuy Thiên Nam dư hạ có đề cập đến chợ Trái nhưng không biết là thuộc xã nào. Hơn nữa đã qua nhiều năm xã Thụy Hương chưa từng họp chợ, chỉ là khẩu thuyết mơ hồ, không có bằng cớ. Đồng thời, tra tiền lệ, hoặc một làng cho đặt một chợ, hoặc 3 làng đặt một chợ, không cho tự ý họp chợ, sợ dân có bụng tranh giành”.
Sau khi tra xét, các quan Tri huyện huyện Từ Liêm – Nguyễn Duy Doãn, Huyện thừa Nguyễn Bá Tể cho rằng, vì hai xã Đông Ngạc và Thụy Hương vốn liền nhau, nhưng xã Đông Ngạc vốn có ngạch chợ từ trước, nên cho xã Đông Ngạc trở lại họp chợ như thường để dân chợ được tiện mua bán, còn xã Thụy Hương không có ngạch chợ, nên phải dừng họp chợ.
Qua phản ánh của văn bia chợ xã Đông Ngạc cho thấy, vì sự giao lưu, trao đổi hàng hóa ở chợ ngày càng nhiều, nên mối lợi thu về từ chợ ngày càng lớn, khiến cho Đông Ngạc trở thành một làng giàu có nổi tiếng. Hai xã Thụy Hương (làng Chèm) và Đông Ngạc (làng Vẽ) lại ở cạnh nhau, nên đều muốn chiếm được mối lợi từ chợ đó là thu thuế chợ. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự “tranh đoạt ngày họp chợ” giữa hai xã.
Chợ xã Đông Ngạc, còn gọi là chợ Vẽ [gọi theo tên Nôm của làng]. Chợ nằm sát bến sông Hồng, với phương tiện giao thông thời xưa chủ yếu bằng đường thủy, mà bến Vẽ là một bến sông khá gần Thăng Long, là nơi rất thuận tiện cho hàng hóa tập trung về. Vào phiên chợ, các bè gỗ, mây song, tre nứa, nâu vỏ, trâu bò… từ miền ngược xuôi về. Mắm muối, cá tôm… từ miền biển ngược lên. Về sự sầm uất của chợ, sách Đông Ngạc xã tập biên (30) cho biết: chợ họp một tháng 6 phiên vào các ngày 2 và 7 (tức mùng 2, mùng 7, 12, 17, 22, 27). Thời cổ chợ họp ở khu đất bên ngoài xóm Hàng Quang ra mãi áp bờ sông nên thường gọi là “trên làng dưới chợ”. Còn xóm Hàng Quang thì như một con phố buôn bán, hai bên là 2 dãy cửa hàng chuyên bán quang gánh và vật liệu như mây song chẻ sẵn dùng làm quang gánh. Về sau do nước sông hằng năm làm xói lở bến, người ta phải họp từ dốc chợ Lụa qua Bến Ngự đến Hàng Quang và chợ cũ mới đủ chỗ để người đi lại mua bán. Rồi để thuận tiện hơn, người ta dời chợ lên đầu làng, trên một khu đất rộng, trước mặt giáp đường đê, đằng sau giáp chùa Cả. Trên bến dưới thuyền nên sự buôn bán rất sầm uất. Chợ khi mới mở có làm hai cái cầu gạch lợp ngói rất dài. Lại có cả cầu “quan cư” để các vị Hương hội đến xem tình hình buôn bán. Xung quanh chợ có trồng nhiều cây bàng cho bóng mát.
Như vậy, qua hiện tượng “tranh giành ngày họp chợ” này cho thấy sự phát triển lớn mạnh hơn của mạng lưới chợ, hay là nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nhân dân ngày càng cao. Nhưng mặt khác, chợ chính là một nguồn lợi thu nhập cho địa phương, làng xã nào có chợ là có quyền thu thuế và có quyền miễn thuế chợ, đồng thời, hằng năm làng xã có chợ cũng phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền thuế nhất định. Điều này liên quan đến một điểm quan trọng là quyền sở hữu chợ làng.
Khi nói đến quyền sở hữu đối với chợ, có nghĩa là nói đến quyền hưởng dụng những lợi lộc, thông thường là những món tiền thuế thu vào từ các loại hàng hóa đem ra chợ bán. Chợ càng lớn, càng nhiều hàng hóa trao đổi thì mối lợi càng lớn. Lệ cấm được đề ra năm 1660 đời vua Lê Thần Tông quy định rõ: “cấm không được lấy tiền thuế chợ, thuế đò quá lệ. Chợ ở các xứ thì có chợ đã có lệnh cấp cho viên nào được lấy tiền của người bán, trâu bò mỗi con là 10 đồng tiền quý, lợn mỗi con là 2 đồng tiền quý. Các món hàng khác nhau thì cứ mỗi tiền lấy 1 đồng (…). Các chợ không có lệ ngạch thì không được đòi tiền thuế. Cho huyện quan hằng năm sai thuộc lại đi kiểm soát, thấy ai trái lệnh bắt giải nộp để trị tội” (31).
Các loại hàng hóa trao đổi
Sự phát triển của thủ công nghiệp càng thúc đẩy thương mại phát triển. Vào thời Mạc, đã hình thành một mạng lưới liên kết giữa miền xuôi và miền ngược, giữa nông thôn và thành thị, giữa các làng nghề thủ công với các cảng thị (32). Tại các chợ làng, ngoài các mặt hàng nông nghiệp và đồ gia dụng chủ yếu phục vụ cho nhân dân tại chỗ, thì các mặt hàng như vải vóc, tơ lụa, gấm, bạc, thuốc bắc, gốm sứ, hàng dệt cói, dược liệu… lại chủ yếu phục vụ các khách buôn từ nơi khác đến, trong đó gồm cả những người nước ngoài. Khách buôn mang theo các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm để trao đổi lại. Chợ Bộc Động thường ngày là nơi “tụ hội tài vật trong thiên hạ”; chợ Phù Ninh (hay chợ Ninh Hiệp) “hàng hóa khắp nơi tấp nập đổ về”, trong đó chủ yếu là vải vóc và thuốc bắc; chợ Đặng Xá “là một khu hàng hóa sầm uất”, còn tại chợ Vẽ thì “Bán đủ thứ, thượng vàng hạ cám chả thiếu thứ gì. Suốt từ chợ đến cổng cái Ngõ Đông, bề dài ước một cây số, hai bên đường đê đều có các cửa hàng buôn bán. Lái trâu lái bò kéo đến đông đúc, những cánh bè về đậu đầy sông. Kẻ mua người bán tíu tít vui vẻ…” (33)…
Một sản phẩm mang tính thương mại cao và để lại dấu ấn đậm nét trong quan hệ giao thương thời kỳ này là gốm sứ. Kết quả khảo cổ học cho thấy, tại các di tích chợ làng, chợ bến thời Mạc đã tìm lại được nhiều hiện vật gốm sứ, đặc biệt là sản phẩm gốm sứ Chu Đậu và Bát Tràng. Khảo sát các trung tâm sản xuất gốm sứ, tìm hiểu hoạt động của các cảng, bến sông từ vùng Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng… cho đến Yên Hưng, Móng Cái, Vân Đồn (Quảng Ninh)… đâu đâu cũng thấy xuất lộ các bãi “sành Mạc”, “gốm Mạc” (34). Chợ Gốm làng Cũ trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) vốn là “một bến thuyền cổ, trong đó một mặt hàng quan trọng được trao đổi ở đây là gốm hoa lam” (35).
Người Hoa ở Phố Hiến – chợ Hiến, chủ yếu làm nghề y, bán thuốc bắc, vải vóc, mật, hương… Cũng có một vài cơ sở thu mua tơ lụa cho hai, ba phú thương chuyên dong thuyền sang buôn bán với Nhật Bản. Trong khi đó, hoạt động thủ công nghiệp chủ yếu nằm trong tay người Việt.
William Dampier đã mô tả kỹ lưỡng các sản vật hàng hóa bày bán trong các chợ xung quanh Phố Hiến và các chợ trên đường lên Thăng Long – Kẻ Chợ. Ông viết: “Các chợ này bán nhiều gạo (vốn là thức ăn chính của họ, nhất là với đám dân nghèo) hơn là thịt hoặc cá. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy ở các khu chợ này rất nhiều lợn sữa, vịt, gà và vô số trứng, các loại cá từ to đến bé, tươi hoặc muối mặn, balachaun (mắm tôm) và nuke-mum (nước mắm) và đủ mọi thứ rau cỏ, củ rễ và quả” (36). Dampier còn trực tiếp “đi chợ” ở một chợ cạnh cái tháp nhỏ, nhưng “đây là một chợ khá lớn”, mà ở đấy “phần lớn là đàn ông và các cậu bé”, “rất nhiều thịt bày trên giá cách không xa cái tháp là bao” “áng chừng khoảng 60 con”, “thịt và hoa quả được bày theo dãy riêng”, “những sọt cam quả chín đẹp – đẹp nhất tôi từng thấy – và số lượng thì nhiều đến nỗi còn nhiều hơn tổng số cam tôi từng nhìn thấy trong toàn bộ thời gian lưu lại Đàng Ngoài” (37). Mặc dù những ghi chép của Dampier là cuối thế kỷ XVII, nhưng tôi cho rằng, đây cũng chính là những mặt hàng luôn được trao đổi, mua bán tại các chợ làng ở thế kỷ XVI – thời kỳ nhà Mạc.
Tại vùng trung du và vùng núi, mật độ chợ thưa hơn. Hàng hóa chính ở đây là lâm thổ sản, mọi người mang đến bán hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm từ miền xuôi. Mới đây, khảo cổ học đã tìm được một kho lớn gốm men màu ở Lục Yên (Yên Bái), cho thấy từ các thế kỷ XIII – XVI, Lục Yên nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung là thị trường gốm nội địa tiêu thụ khá nhiều các sản phẩm gốm của các lò gốm ở vùng xuôi. Thị trường này đặc biệt phát triển mạnh vào các thế kỷ XV – XVI, thể hiện trên số lượng lớn gốm phát hiện thuộc giai đoạn này có xuất xứ từ các lò gốm vùng Hải Dương (38).
Hình thức trao đổi
Người ta trao đổi mua bán ở các chợ bằng tiền kim loại do nhà nước đúc, tiền đồng, kẽm, buộc vào từng xâu chuỗi. Vào thời kỳ này, cả Nam triều (nhà Lê) và Bắc triều (nhà Mạc) đều cho đúc tiền để lưu hành trong vùng mình quản lý, do vậy có hiện tượng nhiều loại tiền cùng lưu hành trong xã hội. Tuy nhiên, theo Đỗ Văn Ninh, việc tiêu tiền trong nhân dân, kể cả trong chính quyền thống trị, cũng có hiện tượng cực kỳ “dễ tính”. Người ta vui lòng coi bất cứ một đồng tiền tròn lỗ vuông nào có in chữ trên đó là đồng tiền hợp pháp. Khảo cổ học đã gặp không ít những đồng tiền mang niên hiệu vua Lê được cất giữ trong di chỉ thuộc thời Mạc (39).
Dưới thời Mạc, có những loại tiền sau:
Thời Mạc Đăng Dung đã cho đúc tiền đồng và tiền kẽm pha sắt, “ban hành các xứ trong nước để thông dụng”(40) vào năm 1528. Có 2 loại tiền Minh Đức thông bảo và Minh Đức nguyên bảo.
Thời Mạc Đăng Doanh có loại tiền Đại Chính thông bảo.
Thời Mạc Phúc Hải có tiền Quảng Hòa thông bảo.
Thời Mạc Phúc Nguyên có tiền: Vĩnh Định thông bảo và Quang Bảo thông bảo.
3. Sự chuyển mình từ một chợ làng thành một đô thị buôn bán lớn hay sự phát triển của kinh tế hàng hóa thời Mạc
Xem xét từ một chợ làng điển hình, qua đó có thể thấy sự phát triển của kinh tế hàng hóa thời nhà Mạc: Chợ Hiến (Hiến thị), hay còn được gọi với các tên khác như dinh Hiến (Hiến doanh), chợ dinh Hiến (Hiến doanh thị), phố Hiến, phố Thiên Triều, Hiên Nội, Vạn Lai triều.
Đô thị Phố Hiến của thế kỷ XVII-XVIII được phát triển trên cốt lõi của chợ Hiến. Trương Hữu Quýnh, trong bài Sự ra đời và phát triển của Phố Hiến đã khẳng định: “Ban đầu Phố Hiến chỉ là một ngôi chợ, nơi trao đổi các sản phẩm thủ công, nông nghiệp và một số hàng hóa Trung Quốc. Do vị trí giáp sông Hồng, thuận đường xuôi Vị Hoàng (Nam Định) và lên Kinh Kỳ (Thăng Long – Hà Nội), Hiến sớm trở thành chợ kiêm bến cảng, nơi tụ tập các thuyền buôn của người Hoa và người Việt. Và cho đến cuối thế kỷ XVI – đầu XVII, Hiến trở thành một thị trấn đông vui vì vừa là nơi đỗ thuyền của khách thương, có chợ, có phường, vừa là lị sở của trấn Sơn Nam” (41).
Bia chùa Thiên ứng dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) cho biết: “Nhân Dục, Hoa Dương, Hiến thị thập phường”, có nghĩa là: Nhân Dục, Hoa Dương và chợ Hiến có 10 phường. Thông tin này cho biết, trước khi người Hà Lan đến đặt thương điếm ở đây năm 1637, thì Phố Hiến đã có tổ chức phường và đã có đến 10 phường. Điều này cũng phù hợp với thông tin của G.Dumoutier, cho rằng: với việc thương nhân Hà Lan đặt thương điếm ở đây vào năm 1637, Phố Hiến đã ra đời (42).
Theo các bản đồ cổ của người Bồ Đào Nha (không rõ tên) in năm 1580, của Van langren in năm 1595, của Mercator in năm 1613 và của Jean Janson năm 1638, trên điểm Phố Hiến, bên bờ sông Hồng đều có tên một đô thị mang tên Quichenhu hay Quibenhu. Có thể dự đoán rằng đó là Kẻ Hiến (43). Như vậy, Phố Hiến đã nổi danh từ nửa sau thế kỷ XVI. Cũng cần nói thêm rằng ở các bản đồ trên, Thăng Long được gọi là Cochinchina và trên bản đồ Robert năm 1717, ở địa điểm Quibenhu xuất hiện tên Hean.
Như vậy, có nghĩa là Phố Hiến đã ra đời và phồn thịnh từ trước năm 1625. Vậy Phố Hiến ra đời từ khi nào?
Bắt đầu từ việc giải nghĩa từ Hiến trong từ Phố Hiến, hay Hiến Nam, chúng ta thấy, tên Phố Hiến này không bắt nguồn từ tên một người hay một địa danh nào ở địa phương, theo Trương Hữu Quýnh, thì nó phải liên quan đến một tổ chức hay một cơ quan hành chính nào đó đương thời. Theo bia chùa Chuông, dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) và các tác giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Phố Hiến tức là Hiến doanh, nơi đặt dinh thự của ty Hiến sát sứ, một cơ quan cấp tỉnh chuyên việc kiểm soát, thanh tra quan lại và thăm hỏi cuộc sống của nhân dân địa phương. Hiến doanh “vì là lị sở của ty Hiến sát sứ Sơn Nam đời Lê (sơ) nên có tên gọi như vậy”.
Ngược dòng thời gian về trước, vào cuối thế kỷ XIII, có một nhóm người Tống lánh nạn Nguyên xâm lược, đã chạy vào bờ biển nước ta, được vua Trần cho cư trú ở dải đất bồi rộng, bên bờ sông Hồng, một địa điểm ở phía đông nam Thành phố Hưng Yên bây giờ, chẳng bao lâu sau phát triển thành thôn Hoa Dương. Sự phát triển của sản xuất và trao đổi ngày càng tăng đã dẫn đến sự ra đời của ngôi chợ và một bến thuyền của khách Trung Quốc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đặt 12 ty Hiến sát ở 12 xứ Thừa tuyên. Có lẽ lị sở ở xứ Sơn Nam đã được đặt ở trên vùng đất Hoa Dương này. Rõ ràng là, sự thiết lập hai ty Dinh Thừa ty và Hiến ty, kéo theo một bộ máy quan lại cùng một đạo quân đông đảo vừa nâng cao vị trí của địa phương vừa tăng nhu cầu tiêu dùng. Chợ làng xưa được nâng cấp và có lẽ không ít lâu sau ngày ban lệnh lập chợ năm 1474, nó mang tên chợ Hiến, tương xứng với quy mô mới của nó.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cung cũ Hiến Nam: ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Động, là lị sở trấn Sơn Nam đời Lê, phàm người nước ngoài đến buôn bán thì tụ tập ở đây, gọi là Vạn Lai triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp. Đại đô hội ở Bắc Kỳ chỉ có Thăng Long và đây mà thôi, cho nên mới có câu “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” (44).
Vậy vị trí của Vạn Lai triều ở đâu? Hiện nay, trên đất Phố Hiến cũ không còn dấu vết nào của Vạn Lai triều. Nhưng cách đó khoảng 4km, trên địa phận xã Xích Đằng, có tên chợ Vạn. Theo nhân dân truyền lại, từ xa xưa, đây là phố chợ rất vui, nằm ngay bên sông. Dân gian có câu:
Trăm cảnh nghìn cảnh
Không bằng bến Lãnh, đò Mây (45).
Sự tồn tại của chợ Vạn được chứng thực bằng đền thờ bà hàng nước hiện còn ở thôn Xích Đằng. Theo nhân dân truyền lại, bà hàng nước chỉ bán nước cho khách hàng giàu đến ức, vạn. Khi chết, thì bà đem tiền mua hậu để được thờ cúng ở làng. Trương Hữu Quýnh và Đặng Chí Uyển sau khi phân tích từ các nguồn tài liệu trong sử sách cho đến các truyền ngôn, văn hóa dân gian, cũng như thực địa, đã đi đến kết luận: “đất Vạn Lai triều xưa chính là bến chợ Vạn này” (46).
Như vậy là, Phố Hiến hay chợ Hiến đã phát triển từ trước khi người phương Tây vào buôn bán, chứng tỏ nền kinh tế hàng hóa ở nước ta đã phát triển khá sớm và trong một chừng mực nào đó, có thể làm cơ sở để tiếp thu những yếu tố mới từ bên ngoài. Phố Hiến là một đô thị có cả hai chức năng vừa là trung tâm xuất khẩu, vừa là một đô thị thương mại nội địa, phục vụ nhu cầu trao đổi giữa nông thôn và thành thị trong nước (47). Bia Anh Linh vương đã cho biết sự có mặt của hơn 50 địa phương, gần như cả nước ở Phố Hiến, như: xã Lương Xá (huyện Chương Đức), xã Phù ủng (huyện Đường Hào), xã Hà Chỉ (huyện Thụy Nguyên), xã Niêm Chi (huyện Nông Cống), xã Cát Xuyên (huyện Hoằng Hóa), xã Thuần Chất (châu huyện Bố Chính), xã Gia Thái (huyện Thanh Trì), xã Nhật Tảo (huyện Từ Liêm)… Hai chức năng của Phố Hiến vừa nội thương, vừa ngoại thương có thể nhận thấy ở phần lớn những mặt hàng xuất khẩu của Phố Hiến là những hàng lâm thổ sản ở miền núi như: sa nhân, quế, xạ hương, lưu huỳnh, thiếc và các mặt hàng sản xuất chủ yếu tại vùng xung quanh Thăng Long như lụa, đũi, sa, nhung… Về mặt này, Phố Hiến là đô thị cảng xuất khẩu các mặt hàng cho Thăng Long và cho công nghiệp nông thôn miền Bắc. Còn những mặt hàng bán thường xuyên tại các phố phường Phố Hiến như các phường nhuộm, phường cá, phường thịt, rau, đồ gỗ, nồi đất, chiếu, nón, thuộc da… là phục vụ nhu cầu địa phương và trong nước.
4. Nhận xét
– Chợ làng là nơi “gom người, góp của trong thiên hạ để trao đổi, nhờ đó mà hưng thịnh”. Mạng lưới chợ được mở ra tạo điều kiện cho thủ công nghiệp có những bước chuyển mình, và chính nhờ các sản phẩm thủ công nghiệp mới tạo nên một nền thương nghiệp mang tính chất kinh tế hàng hóa – chức năng kinh tế nông nghiệp không đáp ứng được (48). Sản phẩm xuất khẩu nhiều, làm cho kinh tế hàng hóa phát triển, vì vậy nông nghiệp và thủ công nghiệp bớt đi tính tự cung tự cấp. Kinh tế hàng hóa qua sự vận động và phát triển của những chợ làng trong những thế kỷ XVI- XVIII, rõ ràng đã có những tác động nhiều mặt tới thể chế và sinh hoạt của làng xã.
– Nhà Mạc, điển hình là Mạc Đăng Dung đã từ bỏ thái độ trọng nông thái quá (49), cởi mở với kinh tế công thương và đã đem lại những khởi sắc nhất định cho nền kinh tế, tuy có bất ổn nhưng năng động hơn hẳn thời Lê sơ (50). Đồng thời, nhà Mạc “không quá cứng nhắc theo Nho” về mặt tư tưởng. Xuất thân ngư nghiệp ở Hải Đông, Mạc Đăng Dung và các vị vua Mạc khá “phóng khoáng” trong cách nhìn kinh tế – xã hội. “Cái nhìn về biển của người gốc dân chài xứ Đông nhà Mạc mạnh hơn hẳn cái nhìn về biển của người nông dân xứ Thanh “vua quan hóa” nhà Lê” (51).
Từ chính sách thoáng mở về kinh tế của nhà Mạc và các vua triều Mạc, trong những năm 70-80 của thế kỷ XVI, quá trình đô thị hóa của một số chợ làng đã diễn ra. Lúc này một số thị tứ đã được hình thành như Kỳ Lừa (Lạng Sơn), Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam),… Đối với Phố Hiến, bên cạnh các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản đã ở Phố Hiến từ trước, các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan đã chú ý đến Phố Hiến. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3 năm 1637, chiếc thuyền Grol của Hà Lan mới cập bến Đàng Ngoài và tháng 7 năm đó, thuyền trưởng Karel Hartsink được phép dựng thương điếm ở Phố Hiến. Như vậy là, từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII, các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã đến bờ biển Việt Nam ngày càng nhiều, mà nhà Lê – Trịnh thì chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều ở Kinh đô. Phố Hiến trở thành nơi trú chân quan trọng của thương nhân nước ngoài. Có thể hiểu được rằng các lái buôn phương Tây mong muốn được buôn bán chủ yếu ở Kẻ Chợ, do đó sự tồn tại của họ ở Phố Hiến không lâu, không thường xuyên, song sự có mặt của họ đã góp phần làm khởi sắc bộ mặt của Phố Hiến. Nơi kiểm soát và làm thủ tục thông hành cho các tàu thuyền ngoại quốc trước khi được phép lên Kẻ Chợ gọi là Vạn Lai triều (Bến sông từ đó đi vào triều đình). Cảng sông đó cũng là chợ bến buôn bán chính của đô thị.
– Thợ thủ công và thương nhân người Việt đổ về các thị tứ làm ăn, buôn bán ngày càng đông, làm cho nhu cầu phục vụ các cư dân ngày càng tăng. Chính vì thế, phố xá dần dần được quy hoạch theo hình mẫu Kinh kỳ. Trường hợp Phố Hiến, Hội An là điển hình. Sang thế kỷ XVII-XVIII, Phố Hiến đã có hơn 20 phường [theo văn bia chùa Hiến, niên đại 1709 và văn bia chùa Chuông, niên đại 1711], được phân loại theo các loại hình nghề nghiệp buôn bán hay thủ công, trong đó thấy xuất hiện một phường tên là phường chợ Hiến Doanh và một phường tên là phường Chợ cũ, điều này có thể hiểu, chợ Hiến cũ đã được phát triển và mở rộng hơn nữa. Sự xuất hiện của các phường, đặc biệt là các phường thủ công đã thể hiện tính chất hoàn chỉnh của một đô thị trung đại mà người dân Phố Hiến đã cố công tạo nên. Giáo sư Nguyễn Đức Nghinh khẳng định: “Phố Hiến là một thị trấn: đúng với nghĩa lỵ sở hành chính của một trấn lớn, và cũng là một thị (chợ), nơi tụ hội người tứ chiếng đến buôn bán, nơi có những ghe thuyền nước ngoài tới cập bến và có những người nước ngoài trú ngụ lâu dài” (52).
Như vậy, có thể nói “Phố Hiến xuất hiện và hưng thịnh là do những thúc đẩy kinh tế nội bộ mà nó có điều kiện thuận lợi để tập trung, thu hút” (53), chính vì thế, phải nhìn Phố Hiến “như một đô thị của người bản địa, ra đời với tư cách sản phẩm của một trình độ phát triển nhất định của kinh tế hàng hóa Việt Nam”.
– Sự phát triển hay chuyển mình từ một chợ làng – chợ Hiến, thành một đô thị sầm uất, là một trong hai trung tâm giao thương lớn của quốc gia Đại Việt thời Mạc – Phố Hiến vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, cho ta thấy bộ mặt của nền kinh tế hàng hóa thời Mạc đang chuyển mạnh từ một nền kinh tế còn mang nặng tính túc tự cấp, mặc dù nó đã tương đối phát triển vào thời Trần, và đầu thời Lê sơ, sang một nền kinh tế trao đổi, buôn bán, mà ở đó vấn đề lợi nhuận đã được đặt ra. Có thể thấy, sự phát triển bước đầu của kinh tế hàng hóa thời Mạc là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa, đặc biệt là ngoại thương vào các thế kỷ XVII- XVIII.
_______________________
CHÚ THÍCH
(1). Càn Hải hay Cửa Cờn, Hội Thống hay cửa Hội (Nghệ An); Hội Triều tức Cửa Lạch Trào, là cửa sông Mã (Thanh Hóa); Thông Lãnh thuộc Lạng Sơn; Tam Kỳ thuộc Tuyên Quang và Trúc Hoa thuộc Sơn Tây xưa (nay thuộc Phú Thọ).
(2). Nguyễn Thừa Hỷ: Về nền kinh tế đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVI-XVII, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.489.
(3), (4). Nguyễn Thừa Hỷ: Về nền kinh tế đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVI-XVII, sđd, tr. 489-490.
(5), (6). Nguyễn Đức Nghinh: Mấy nét phác thảo về chợ làng (Qua những tài liệu các thế kỷ XVII, XVIII), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5- 1980, tr. 50.
(7). Tham khảo bản dịch của Trần Thị Kim Anh: “Bia chợ xã Đông Ngạc – thêm một bài văn bia thời Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1- 2001.
(8). Dẫn theo Nguyễn Hồng Phong: “Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và vấn đề hình thành chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam dưới thời phong kiến” in trong Nguyễn Hồng Phong một số công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tập 1: Lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 577-578.
(9). Diệp Đình Hoa (chủ biên): Tìm hiểu làng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 168.
(10). Đỗ Thị Bích Tuyển: Nghiên cứu về hệ thống văn bia chợ ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Hán Nôm, Hà Nội, 2003, tr. 44.
(11). Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr. 219.
(12). Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. Hải Phòng, 2012, tr. 320-321.
(13). Nguyễn Du Chi: Nghệ thuật kiến trúc thời Mạc, in trong Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, 1993, tr. 49-50.
(14). Mạc Hữu Họa, Mạc Văn Viên: Chính sách kinh tế của nhà Mạc qua tư liệu điền dã, in trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội, 1996, tr. 356.
(15). Xem thêm Bùi Minh Trí: Tìm hiểu ngoại thương Việt Nam qua “con đường gốm sứ trên biển”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5-2003, tr. 70.
(16). Nguyễn Văn Kim: Vị trí của Phố Hiến và Domea trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVI-XVII (tư liệu lịch sử, điền dã và khảo cổ học), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4-2007, tr.20.
(17). Phạm Quốc Quân và Trần Phương: Dấu tích vật chất khu chợ Minh Thị, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học (viết tắt: NPHMVKCH) năm 1992, Viện Khảo cổ học, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, tr. 171.
(18). Nguyễn Văn Sơn: Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 176.
(19). Nguyễn Văn Sơn và Trần Phương: Cộng Hiền – Mt tiểu cảng cổ ở Hải Phòng thời trung đại, in trong NPHMVKCH năm 1991, tr. 139.
(20). Nguyễn Ngọc Thao, Trần Phương: Quang Phục một trung tâm buôn bán thời trung đại ở ven sông Văn úc (Hải Phòng), in trong NPHMVKCH năm 1994, Nxb. Khoa học xã hội, 1995, tr. 268.
(21). Xem các bài của Nguyễn Đức Nghinh: Chợ chùa ở thế kỷ XVII, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4-1979; Mấy nét phác thảo về chợ làng (qua những tài liệu các thế kỷ XVII, XVIII) trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5-1980.
(22). Nguyễn Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ Thuật, Hà Nội, 1993, tr. 173.
(23), (24). Đinh Khắc Thuân; Văn bia thời Mạc, sđd, tr. 317, 299.
(25). Nguyễn Văn Kim: Kinh tế công thương thời Mạc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12-2010, tr. 7.
(26). Theo Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr. 221.
(27). Dương Văn An: Ô châu cận lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 74.
(28). Hồng Đức thiện chính thư, bản dịch, in trong Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập I: Từ thế kỷ XV đến XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 492.
(29). Bản dịch Trần Thị Kim Anh: Bia chợ xã Đông Ngạc – thêm một bài văn bia thời Mạc, bđd.
(30), (33). Đông Ngạc xã tập biên, Dĩ thủy Phạm Văn Thuyết. Tác giả xuất bản và giữ bản quyền. Sài Gòn, 1963.
(31). Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 147.
(32), (34). Theo Nguyễn Văn Kim: Kinh tế công thương thời Mạc, bđd, tr. 8, 10.
(35). Tống Trung Tín và Trần Phương: Bến Gốm làng Cũ trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), in trong NPHMVKCH năm 1991, sđd, tr.138.
(36). William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr. 49.
(37). William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr. 110.
(38). Xem: Trần Anh Dũng: Một số sưu tập gốm men Việt Nam ở huyện Lục Yên (Yên Bái), in trong NPHMVKCH năm 2003, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, tr. 537-539.
(39). Đỗ Văn Ninh: Tiền cổ thời Mạc và thời Lê Trung hưng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5-
1981, tr. 50. Và Đỗ Văn Ninh: Thành Cẩm Phả (Quảng Ninh), Tạp chí Khảo cổ học, số 3-1980.
(40). Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, 1993, tr. 141
(41). Trương Hữu Quýnh: Sự ra đời và phát triển của Phố Hiến, in trong Phố Hiến – Kỷ yếu hội thảo khoa học, sđd, tr. 39.
(42). Les comptoirs hollandais de Phố Hiến ou Phố Khách, près Hưng Yên au XVllè siècle, BGHD, 1895. Dẫn theo Trương Hữu Quýnh: Sự ra đời và phát triển của Phố Hiến, in trong Phố Hiến – Kỷ yếu hội thảo khoa học, tổ chức tại Thị xã Hưng Yên, ngày 10-11/12/1992, Sở Văn hóa Thông tin – Thể thao Hải Hưng, 1994, tr.36.
(43). Theo Trương Hữu Quýnh: Sự ra đời và phát triển của Phố Hiến, sđd, tr. 38.
(44). Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 285.
(45). Đò Mây: tức chợ Vạn. Bến Lãnh: tức vùng đối diện chợ Vạn, thuộc địa phận Hà Nam.
(46). Trương Hữu Quýnh và Đặng Chí Uyển: Bước đầu tìm hiểu Phố Hiến, in trong Chế độ ruộng đất và một số vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 962.
(47). Xem Hồng Phong: Đô thị cổ và vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam, in trong Viện Sử học, Đô thị cổ Việt Nam, Hà Nội, 1989, tr. 41-42.
(48). Nguyễn Đức Nhuệ: Vài nét về công thương nghiệp thời Mạc, in trong Vương triều Mạc (1527 – 1592), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 164.
(49). Xem Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sđd, tr. 315-340.
(50), (51). Trần Thị Băng Thanh: Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.69-76, tr.87.
(52). Nguyễn Đức Nghinh: Phố Hiến – thế kỷ 17-18: Một số vấn đề kinh tế – xã hội, in trong Phố Hiến – Kỷ yếu hội thảo khoa học, Sđd, tr.106.
(53). Viện Sử học: Đô thị cổ Việt Nam, sđd, tr. 208-209.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.