- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15255
- Tổng truy cập: 3,368,855
KINH TẾ ĐẠI VIỆT THỜI MẠC (1527 )
- 603 lượt xem
PHAN ĐĂNG THUẬN
KINH TẾ ĐẠI VIỆT THỜI MẠC (1527 – 1592)
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH – 2011
PHAN ĐĂNG THUẬN
Lời cảm ơn
Dưới quan điểm của các sử gia phong kiến, nhà Mạc thường bị coi là “nguỵ triều”, công trạng của nhà Mạc với lịch sử dân tộc bị bụi thời gian che mờ. Dòng họ Mạc chịu sự oan khuất khôn nguôi. Tuy nhiên trong một phần tư thế kỷ nay, giới sử học Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu đánh giá về nhà Mạc. Luận văn thạc sĩ của tôi sẽ góp một phần nhỏ bé nhằm trả lại cho nhà Mạc những giá trị đích thực.
Để hoàn thành luận văn, tôi nhận được sự giúp đỡ động viên của Ban Chủ nhiệm khoa, Tổ bộ môn Lịch sử Việt Nam cũng như các thầy cô giáo khoa Lịch sử trường Đại học Vinh, từ người thân và bạn bè. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tất cả những người đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn thạc sĩ này từ thông tin tư liệu, góp ý cụ thể đến việc cổ vũ tinh thần.
Tôi xin cảm ơn PGS. Hoàng Văn Lân, giáo viên hướng dẫn, đã chỉ bảo, góp ý kiến và khích lệ tôi hoàn thành luận văn. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc.
Tôi chân thành cảm ơn Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đã động viên, giúp đỡ tôi thực hiện công trình này.
Đặc biệt với luận văn thạc sĩ này tôi xem như một nén tâm hương kính dâng lên anh linh các bậc tiên đế họ Mạc cũng như những người đã chiến đấu, hi sinh bảo vệ con cháu nhà Mạc.
Vinh, tháng 12 năm 2011
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU……………………………………………1
1.Lý do chọn đề tài………………………………..
2.Lịch sử vấn đề…………………………………… 2
3.Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu… 9
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu…..10
5. Đóng góp của luận văn………………………… 11
6. Bố cục đề tài…………………………………….. 12
NỘI DUNG…………………………………………. 1
Chương 1. Kinh tế nông nghiệp Đại Việt thời Mạc 30
1.1. Vài nét tình hình kinh tế nông nghiệp cuối thời Lê sơ……………….
1.1.1 Chính sách về ruộng đất
1.1.2 Tình hình sản xuất nông nghiệp..
1.2. Chính sách về ruộng đất………………..
1.3. Các hình thức sở hữu ruộng đất…………
1.3.1. Ruộng đất công hữu…………………….
1.3.2. Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân………
1.4. Tình hình sản xuất…………………………
Tiểu kết chương 1……………………………….
Chương 2.Tiểu thủ công nghiệp Đại Việt thời Mạc
2.1 Khái quát tình hình tiểu thủ công nghiệp trước thời Mạc….
2.2 Một số nghề thủ công tiêu biểu thời Mạc
2.2.1. Nghề gốm……………………………………
2.2.2.Chạm khắc đá………………………………
2.3.Nghề dệt………………………………………..
2.2.3.1.Nghề dệt lụa……………………………..
2.2.3.2. Nghề dệt chiếu…………………………..
2.2.4. Nghề đúc tiền ……………………………………
2.2.4. Nghề làm muối……………………………
Tiểu kết chương 2…………………………………
Chương 3. Kinh tế thương nghiệp, tài chính Đại Việt thời Mạc ………
3.1 Khái quát thương nghiệp đầu thế kỷ XVI……
3.1.1 Nội thương
3.1.2 Ngoại thương
4.1. Nội thương………………………………………
4.1.1. Mở chợ ……………………………………..
4.1.2. Thông thương hàng hóa……………………..
4.1.3. Tiền tệ, giá cả ……………………………….
4.2. Ngoại thương………………………………..
4.2.1. Bến cảng……………………………………..
4.2.2. Hàng hoá……………………………………….
Tiểu kết chương 3………………………………….
KẾT LUẬN………………………………………….
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………….
PHỤ LỤC…………………….
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ trước đến nay đã có nhiều công trình, chuyên luận, hội thảo khoa học nghiên cứu, đánh giá về sự ra đời cũng như đóng góp của vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc. Nhưng vẫn còn một số vấn đề như nhà Mạc tồn tại trên cơ sở nào? Triều Mạc đã có những biện pháp, chính sách gì để phát triển kinh tế xã hội nhằm duy trì sự tồn tại của mình?
Mỗi xã hội, mỗi triều đại phong kiến muốn tồn tại đều phải dựa trên một cơ sở kinh tế xã hội nhất định. Một chế độ xã hội muốn tồn tại và phát triển lâu dài thì cần phải đem lại cho người dân một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Một khi người dân có cuộc sống ấm no, yên ổn làm ăn thì nhân dân sẽ ủng hộ và đi theo triều đại đó. Hơn nữa triều đại đó phải có những chính sách thích hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển. Nếu như triều đại đó không mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không có chính sách để phát triển kinh tế xã hội thì triều đại này sớm muộn sẽ đi đến suy thoái và sụp đổ.
Luận văn của chúng tôi nhằm giải quyết vấn đề đó hay nói một cách khác, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu kinh tế nước ta thời Mạc nhằm lý giải cơ sở tồn tại của nhà Mạc.
Đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học liên quan đến vương triều Mạc như nghiên cứu về nhân vật lịch sử, chính sách ngoại giao, văn hoá, thành luỹ, tính chính đáng của vương triều Mạc, thành luỹ… tuy nhiên vấn đề kinh tế Đại Việt thời Mạc (1527 – 1592) vẫn còn là một khoảng trống chưa được giải quyết thoả đáng.
Từ năm 1985, giới sử học nước ta bắt đầu có một bước ngoặt trong việc nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá lại vương triều Mạc. Năm 1994, một cuộc Hội thảo khoa học về vương triều Mạc được tổ chức ngay trên quê hương nhà Mạc, Kiến Thụy – Hải Phòng. Như vậy, trải qua mấy trăm năm bị oan khuất, bị bụi thời gian che mờ… với quan điểm và phương pháp luận macxít tiến bộ, giới sử học macxít Việt Nam đã trả lại sự công bằng cho nhà Mạc. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên có một số nhà nghiên cứu vẫn lên án Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc… khi viện dẫn theo quan điểm cũ. Điều này khiến cho những đóng góp của vương triều Mạc đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc bị nhạt nhoà. Bởi vậy, khi thực hiện luận văn này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình nhằm trả lại cho nhà Mạc những giá trị đích thực.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập phát triển, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi chúng ta phải vận dụng những bài học của tổ tiên trong lịch sử. Nhà Mạc đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội, mở cửa hội nhập, giao lưu buôn bán với nước ngoài sẽ cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào thực tiễn.
Từ những lý do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài Kinh tế Đại Việt thời Mạc làm đề tài luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Có thể nói, đề tài nghiên cứu về vương triều Mạc đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở trong cũng như ngoài nước tham gia. Nhiều cuộc hội thảo khoa học như: Năm 1985 Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp với Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức: Hội thảo về Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông. Tại hội thảo này, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định được tầm vóc cũng như sự đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử dân tộc. Từ việc khẳng định vai trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nhà khoa học đã khẳng định được sự đóng góp của Vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc thế kỷ XVI. Năm 1991, Hội thảo: “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sự phát triển văn hoá dân tộc” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở hai cuộc Hội thảo về Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994 Hội thảo về “Vương triều Mạc” được tổ chức ngay trên quê hương Kiến Thụy, Hải Phòng – vùng đất phát tích của vương triều Mạc. Năm 2010, trước thềm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một cuộc hội thảo về “Vai trò của vương triều Mạc trong lịch sử” đã được tổ chức tại Trung tâm thành cổ Hà Nội, ngay trên nền điện Kính Thiên xưa kia. Tuy nhiên, vần đề Kinh tế Đại Việt thời Mạc (1527 – 1592) đã được một số nhà nghiên cứu đề cập nhưng đang còn là một khoảng trống chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây không chỉ là trách nhiệm của hậu thế đối với các bậc tiền nhân mà còn là trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử đã qua, khi mà những giá trị chân thực của vương triều Mạc đang bị bụi thời gian che mờ.
2.1. Tác giả trong nước
Dưới xã hội phong kiến, một số nhà sử học mặc dù chịu ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo nhưng đã khẳng định được sự đóng góp của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc. Các sử gia Lê – Trịnh trên quan điểm đối địch với nhà Mạc cũng phải thừa nhận: “Mạc Đăng Dung một mình giữ binh quyền, từng bình định được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh… lòng người ai cũng hướng về Đăng Dung” [23, 206] hoặc “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón y về kinh đô” [23, 264]. Hoặc chỉ qua một vài dòng ít ỏi về kinh tế thời Mạc: “Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liên tiếp được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” [23, 276] khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hoặc tác giả Phạm Đình Hổ sống sau thời Mạc hai thế kỷ cũng nhận xét: “Cái đức chính của đời Minh Đức, Đại Chính nhà Mạc (niên hiệu của Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh) vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên hết. Vậy nên vận trời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc chưa hết” [29, 157]. Thậm chí sau này dưới thời chúa Trịnh, năm 1701, Trịnh Du bị bãi chức bởi vì “khen ngợi nguỵ Mạc, gièm pha chê bai chính sự đương thời”. Năm 1925, trong cuốn Thuyết Mạc, Thi Nham Đinh Gia Thuyết từng khen ngợi Mạc Đăng Dung vị vua sáng lập nhà Mạc như sau: “Trong thì giúp triều đình, ngoài thì trừ quần đạo; gần vỗ yên con đỏ, xa ngăn chống giặc Tầu”… Thật vậy, công đức của nhà Mạc đối với trăm họ rất lớn bởi nên khi bị đánh đuổi khỏi kinh thành Thăng Long nhưng một tiếng hô của Mạc Kính Chỉ cũng được hàng vạn người hưởng ứng. Để có được điều này chắc chắn nhà Mạc phải đem lại cho nhân dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây chính là cơ sở để chúng ta có một cái nhìn khách quan hơn về những đóng góp của nhà Mạc trên các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng xã hội, đặc biệt là về kinh tế.
Sử liệu về vương triều Mạc so với các triều đại phong kiến không nhiều, hơn nữa nó còn bị các sử gia phong kiến xuyên tạc, bởi vậy để tiếp cận sự thật lịch sử gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ công lao của vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Chúng ta có thể kể tên một số công trình nghiên cứu tiêu biểu đánh giá khách quan và đổi mới về vương triều Mạc như:
Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân với cuốn Văn bia thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản vào năm 2010. Trong lần tái bản này, nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân đã chỉnh lý những phần sai sót trong lần xuất bản trước, bổ sung phần chữ Hán và giới thiệu thêm một số bài văn bia mới phát hiện. Cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta một phần tư liệu chân thực về hoạt động kinh tế thời Mạc. Cũng tác giả Đinh Khắc Thuân, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, xuất bản năm 2001 là một công trình có giá trị khoa học cao. Đây vốn là luận án tiến sĩ sử học của ông được bảo vệ với kết quả tối ưu (très Honorable) tại Trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp, vào tháng 3 năm 2000. Trong tác phẩm này, tác giả đã nghiên cứu khá kĩ về vương triều Mạc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội. Với nguồn tư liệu phong phú, chính xác, với cách xử lý thông tin linh hoạt, tác giả Đinh Khắc Thuân đã tái hiện khá chân thực lịch sử vương triều Mạc. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, tác giả đã nghiên cứu khái quát 65 năm tồn tại của vương triều Mạc nên vấn đề kinh tế Đại Việt thời Mạc mới chỉ được tác giả đề cập đến một cách khái lược. Mặc dù vậy, đây vẫn là một nguồn tư liệu quý báu cho chúng tôi sử dụng và khai thác để chứng minh những luận điểm trong đề tài của mình.
Nguyễn Văn Sơn với Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội – 1997. Vốn là Luận án Phó tiến sĩ Khảo cổ học của Nguyễn Văn Sơn, cuốn sách đã khắc hoạ được một phần diện mạo của vùng đất Dương Kinh xưa, qua đó chúng ta biết được phần nào hoạt động kinh tế, thương mại diễn ra ở vùng đất đế đô Dương Kinh. Đây cũng là một nguồn tư liệu quan trọng để chúng tôi khai thác và tham khảo.
Năm 1991, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã ra một chuyên đề về vương triều Mạc. Tạp chí có 7 chuyên luận phân tích một số mặt về đời sống chính trị, văn hoá – xã hội thời Mạc… Đặc biệt, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hùng đã có một chuyên luận Vài nét về ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Mạc phân tích một cách khái quát về chính sách ruộng đất của vương triều Mạc và tình hình sản xuất nông nghiệp thời Mạc.
Năm 1994, lần đầu tiên, một cuộc hội thảo khoa học riêng về vương triều Mạc được tổ chức ngay trên cố hương của vương triều Mạc, trên vùng đất Dương Kinh xưa. Tại Hội thảo này, các nhà khoa học đã khẳng định được những đóng góp của vương triều Mạc trên các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. Hội thảo đã nhận được một số tham luận phân tích một số mặt về hoạt động kinh tế thời Mạc. Tổng kết Hội thảo, giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: “Nhà Mạc đã có đóng góp nhất định về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế”.
Năm 1996, tập thể tác giả ở Viện Sử học cho xuất bản Vương triều Mạc. Trong cuốn sách này, vấn đề kinh tế thời Mạc được chú ý nghiên cứu có 4/15 chuyên luận. Các tác giả đã phân tích khái quát về nông nghiệp, tiền tệ đến công, thương nghiệp. Tuy nhiên, đây là những chuyên luận độc lập, lại tập trung phân tích khái quát nên chưa mô tả được một cách chân thực và đi sâu phân tích hoạt động kinh tế Đại Việt thời Mạc.
Từ năm 1985, những quan điểm đánh giá lại về vương triều Mạc đã mở đầu cho một khuynh hướng nghiên cứu mới về nhà Mạc, qua đó nhà Mạc đã bắt đầu khẳng định được sự tồn tại và đóng góp của triều đại mình đối với lịch sử dân tộc. Nhiều tác giả đã trình bày những quan điểm và ý tưởng rất thuyết phục khi nghiên cứu về nhà Mạc như GS. Phan Huy Lê, cố GS. Trần Quốc Vượng, cố GS. Trương Hữu Quýnh, Nhà Sử học Ngô Đăng Lợi, PGS.TS. Trần Thị Vinh, nhiều con cháu thuộc dòng họ Mạc như TS. Hoàng Lê, GS.TSKH. Phan Đăng Nhật, GS. Mạc Đường… Những bài nghiên cứu trên được tập hợp trong một số cuốn về nhà Mạc như: Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hội Sử học Hải Phòng – 2000; Vương triều Mạc 1527 – 1592, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1996; Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội – 1996; Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá vương triều Mạc của tác giả Mạc Đường, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 2005,… Mặc dù vậy, những tác phẩm trên mới chỉ là sự tập hợp những quan điểm nghiên cứu mà chưa thực sự đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, đặc biệt là vấn đề Kinh tế Đại Việt thời Mạc (1527-1592). Tuy vậy, đây là nguồn tư liệu hết sức phong phú mang lại cho tác giả nhiều cách tiếp cận và gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình nghiên cứu.
Trong nhiều tạp chí nghiên cứu, nhà Mạc được dành một sự ưu tiên đặc biệt và đã có những chuyên đề, chuyên khảo về nhà Mạc khá công phu. Tiêu biểu như Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử của Viện Sử học, Tạp chí Cửa biển của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,… nhiều bài viết đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến nhà Mạc. Tuy nhiên, trong những công trình đó, vấn đề Kinh tế Đại Việt thời Mạc (1527-1592) lại không được tập trung đi sâu nghiên cứu mà chỉ đề cập đến một cách khái quát. Trong khi vấn đề này đối với việc nghiên cứu vương triều Mạc có tầm quan trọng như một tiêu chí không thể thiếu trong việc khẳng định đóng góp của vương triều. Mặc dù vậy, đó là những tư liệu quý báu để tác giả tham khảo.
Từ những công trình nêu trên, có thể liệt kê một số nhận định tiêu biểu của các tác giả về Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trong lịch sử như sau:
GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, thay nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hóa, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế” [63, 513].
Nhà sử học Lê Văn Hòe: “… Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung – vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao” [30, 25].
Cố GS. Trần Quốc Vượng: “Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá công nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình. Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay một vị vua anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng như Lê Thánh Tông, mà là từ những vua Lợn, vua Quỷ. Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo” [5, 214].
TS. Hoàng Lê: “Mạc Đăng Dung đã tỏ ra là một chính khách khôn khéo hơn người ta tưởng. Đối với mọi luật lệ, thể chế của nhà Lê, đều tỏ ra tôn trọng, chỉ dùng một bàn tay hết sức nhẹ nhàng để sửa lại những chỗ quá lỏng lẻo, bê trễ từ mấy triều đại đổ nát vừa qua. Người còn sửa sang đền miếu của các vị vua Lê ở Lam Kinh và giữ đúng nền nếp xuân thu nhị kỳ cúng tế. Lại truy phong cho các bầy tôi tiết liệt của triều trước, sai tìm kiếm con cháu các công thần vọng tộc cũ để bổ dụng” [34, 27].
Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam – Dương Trung Quốc: “Nhà Mạc là một triều đại lịch sử tồn tại trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc…. chỉ có 65 năm nhưng một triều đại để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện của lịch sử dựng nước (giáo dục, kinh tế, an ninh xã hội, nghệ thuật kiến trúc…). Lịch sử cũng ghi nhận trong 65 năm trị vì của nhà Mạc những nhân tố của một thời kỳ phát triển (thịnh trị)” [34, 28].
2.2. Các tác giả nước ngoài
Lịch sử Việt Nam nói chung, vương triều Mạc nói riêng cũng nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà sử học nước ngoài. Hầu hết các nhà nghiên cứu quốc tế đều đánh giá một cách khách quan những đóng góp của vương triều Mạc đối với lịch sử.
Tác giả John K. Whitmore trong Essays into Vietnamese Pasts (SEAP Publications, 1995) đã nhận xét: “Cái gì mà cải cách Hồ Quý Ly thất bại thì Mạc Đăng Dung và con cháu đã làm được”.
Tác giả Dương Liễm, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, có bài viết: Đồn thú ở Tân Cương thời Thanh và người Việt in trong tạp chí Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu中国边疆史地研究 (China’s Borderland History and Geography Studies) số 3 năm 1993, trang 20-29. Trong bài viết của mình, Dương Liễm đã phân tích quá trình lưu lạc của Hoàng Công Toản, hậu duệ nhà Mạc, đến Tân Cương (Trung Quốc) thời Thanh và hình thành nên một làng của người Việt ở Tân Cương.
Nhà nghiên cứu Ngưu Khải Quân (Trung Quốc) cũng có nhiều chuyên luận nghiên cứu về nhà Mạc như: Triều Mạc nước An Nam và sự thay đổi trong cách thức quan hệ Trung Việt; Quan hệ giữa chính quyền nhà Mạc ở Cao Bằng với hai triều Minh và Thanh; Bước đầu tìm hiểu chính quyền nhà Mạc ở Cao Bằng…
Bên cạnh đó, chúng ta còn phải kể đến các nguồn sử liệu của Trung Quốc như: Minh thực lục, Thù vực chu tư lục, Minh sử, Đông Tây dương khảo… Đây cũng là nguồn tư liệu rất quan trọng để chúng ta tham khảo khi nghiên cứu đánh giá vương triều Mạc.
Hiện nay, Nhật Bản cũng đang có một chương trình quốc gia nghiên cứu về vương triều Mạc: Nghiên cứu chính quyền nhà Mạc ở Việt Nam dựa trên sưu tập tư liệu thực địa và tái khẳng định tư liệu hiên có…
Tuy nhiên, những nghiên cứu đánh giá của các học giả nước ngoài về vương triều Mạc vẫn chưa được giới thiệu một cách rộng rãi ở Việt Nam.
3. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung làm rõ vấn đề Kinh tế Đại Việt thời Mạc (1527 -1592). Từ đó chúng tôi sẽ làm rõ sự đóng góp của vương triều Mạc đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Trong luận văn, tác giả đi từ phân tích tình hình kinh tế Đại Việt đầu thế kỷ XVI trước khi nhà Mạc ra đời, những mặt của hoạt động kinh tế như nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… thời Mạc trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592). Trước nhu cầu của lịch sử, nhà Mạc đã có những chính sách nào để khôi phục và phát triển kinh tế xã hội?
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ khoa học của đề tài nhằm làm rõ vấn đề: Sự phát triển của kinh tế Đại Việt thời Mạc so với thời Lê sơ như thế nào? Sau khi vương triều Mạc được thiết lập, các vua Mạc từ Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh… đã có những chính sách biện pháp để khôi phục và phát triển kinh tế Đại Việt cũng như ổn định đời sống của nhân dân. Đề tài sẽ tập trung phân tích những điểm mới của nhà Mạc trong việc phát triển kinh tế so với thời Lê sơ trên các lĩnh vực: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Qua việc phân tích bức tranh kinh tế nước ta thời Mạc, chúng tôi muốn lý giải những đóng góp của Vương triều Mạc đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Mạc Đăng Dung và con cháu của ông đã toàn tâm toàn ý trong việc phục hồi lại sức sống của Đại Việt sau cơn khủng hoảng trầm trọng.
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
4.1 Nguồn tài liệu
Để thực hiện luận văn này, chúng tôi dựa trên những nguồn tài liệu chủ yếu sau:
– Tư liệu trong thư tịch cổ Việt Nam và Trung Hoa: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lê triều dã sử, Lịch triều hiến chương loại chí, Trường An Thượng xã quan điền, Thù vực chu tư lục…
– Tư liệu được hậu duệ đời sau con cháu họ Mạc lưu giữ: Hợp biên thế phả họ Mạc, Gia phả của các dòng họ Mạc và gốc Mạc…
– Nhiều ấn phẩm của các nhà nghiên cứu gồm: sách, tạp chí, báo… liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu.
– Tư liệu điền dã, tư liệu trên các website đã được xác minh, kiểm định.
– Các công trình nghiên cứu, các loại sách chuyên sâu về lịch sử Việt Nam, những kiến thức mang tính nền tảng của lịch sử dân tộc của nhiều tác giả trong và ngoài nước.
– Cuối cùng là những bộ phim tư liệu, băng ghi âm phỏng vấn một số nhà nghiên cứu chuyên sâu, có uy tín về vương triều Mạc như: GS. Phan Huy Lê, GS. Văn Tạo, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, TS. Hoàng Lê, Nhà sử học Ngô Đăng Lợi…
4.2 Về phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:
Về phương pháp luận: Để giải quyết những vấn đề khoa học được đặt ra, chúng tôi chủ yếu dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chúng tôi đã sử dụng triệt để quan điểm sử học Macxit nhằm đánh giá khách quan về những đóng góp của vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc trong thế kỷ XVI. Đồng thời, quan điểm sử học Macxit cũng là kim chỉ nam để chúng tôi xử lý nguồn tư liệu được các sử gia phong kiến biên soạn, trên tinh thần khoa học và đảm bảo tính lịch sử.
Về phương pháp cụ thể: trong luận văn, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp lịch sử, logic lịch sử, phương pháp đối chiếu, so sánh, phương pháp liên môn… Đặc biệt là phương pháp xác minh điền dã trên hiện trường lịch sử. Mục đích khôi phục một cách chân thực và khách quan về bức tranh kinh tế Đại Việt thời Mạc để giải quyết những vấn đề liên quan do đề tài đặt ra
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn cố gắng biểu đạt những đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc thế kỷ XVI trên các phương diện lý luận cũng như thực tiễn.
5.1. Về mặt khoa học
Thế kỷ XVI trong cách nhìn nhận của chúng ta từ trước đến nay là thời kỳ bất ổn định, xã hội phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng, chiến tranh loạn lạc triền miên. Vậy nên, nếu so sánh với thế kỷ XV – thời kỳ thịnh trị của chế độ phong kiến thì giai đoạn này mờ nhạt hơn rất nhiều. Hơn nữa, điểm giao thoa từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI là lúc nhà Lê Sơ vẫn nắm quyền thống trị nhưng đã bộc lộ những biểu hiện khủng hoảng suy yếu trầm trọng. Lên ngôi trong bối cảnh đó, việc giải quyết những khó khăn do triều đại trước để lại là điều không dễ dàng. Thực tế này đã làm phôi phai những đóng góp và vai trò của nhà Mạc đối với lịch sử trong giai đoạn đầy biến động sóng gió. Luận văn sẽ góp phần chỉ ra những nỗ lực của nhà Mạc trong việc ổn định phát triển kinh tế Đại Việt thế kỷ XVI và làm nổi bật những đóng góp của nhà Mạc trên lĩnh vực kinh tế mà nhà Mạc đạt được ngang bằng, thậm chí hơn hẳn những triều đại khác.
Qua đó, chúng tôi muốn chỉ ra sự thăng trầm của chế độ phong kiến và tính biện chứng, phát triển của lịch sử để lấy đó làm cơ sở thế giới quan trong quá trình nghiên cứu.
5.2. Về mặt thực tiễn
Cùng dự án xây dựng quần thể Khu tưởng niệm vương triều Mạc xứng tầm với vị thế một triều đại từng tồn tại 65 năm ở Thăng Long và gần 100 năm ở Cằng trong lịch sử Việt Nam; tác giả luận văn mong được góp sức mình trong việc tăng thêm sự hiểu biết về vương triều Mạc của mỗi du khách hành hương về Dương Kinh một thuở.
Luận văn cũng sẽ làm phong phú nguồn tư liệu khi nghiên cứu giảng dạy lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI cũng như lịch sử địa phương cũng như góp phần giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và phần Phụ lục, nội dung của luận văn gồm ba chương:
Chương 1. Kinh tế Nông nghiệp Đại Việt thời Mạc
Chương 2. Tiểu thủ công nghiệp Đại Việt thời Mạc
Chương 3. Kinh tế Thương nghiệp, Tài chính Đại Việt thời Mạc
(Còn tiếp)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.