- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21376
- Tổng truy cập: 3,371,354
Họ Mạc ở Việt Nam: Gần 500 Năm Li Tán và Nỗi Oan Khiên
- 213 lượt xem
Thái Tổ
Mạc Đăng Dung
Họ Mạc ở Việt Nam:
Gần 500 Năm Li Tán và Nỗi Oan KhiênHOÀNG LINH
Sau gần 500 năm li tán, lần đầu tiên con cháu, hậu duệ nhà Mạc mới có cuộc gặp mặt quy mô toàn quốc, đó là “Đại hội đại biểu Mạc Tộc Việt Nam lần thứ nhất” diễn ra tại hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, Hà Nội. Gần 500 năm, một hành trình các chi họ Mạc trải khắp mọi miền đất nước, với sáng kiến có một không hai trong lịch sử, đó là đổi ra nhiều họ khác nhau để bảo tồn tông tộc. Bằng những quy ước bất thành văn, con cháu họ Mạc hôm nay vẫn nhận ra nhau, cùng tụ họp với biết bao tâm tư, mong muốn lịch sử phải nhìn nhận lại cho công bằng những đóng góp của Mạc tộc cho Tổ quốc…
Theo các ghi chép lịch sử, họ Mạc Việt Nam xuất hiện ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh, xứ Hải Dương (nay là Long Động, Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương). Trong lịch sử, dòng họ Mạc ở Việt Nam được ghi nhận đóng góp nhiều hiền tài cho đất nước, trong đó có “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng thần đồng. Con cháu cụ Mạc Đĩnh Chi người nào cũng có tài, học hành hiển đạt. Đến đời cụ Mạc Đĩnh Quý (còn gọi là Mạc Bình) dời đến Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Cụ Mạc Đĩnh Quý sinh ra cụ Mạc Đĩnh Phú (còn gọi là Mạc Hịch). Cụ Mạc Đĩnh Phú sinh ra cụ Mạc Đăng Dung. (Theo tác giả Hoàng Lê, Viện Nghiên cứu Hán Nôm “Tìm hiểu về họ Mạc ở Việt Nam” – cuốn Cội nguồn tập 4 – NXB Văn Hóa dân tộc năm 2001).
Thưở nhỏ, Mạc Đăng Dung nổi tiếng có sức khỏe, lớn lên đỗ lực sĩ, được sung vào quân túc vệ, đời Lê Uy Mục. Năm Đoan Khánh thứ 4 (1508), ông được vua Lê Uy Mục giao cho làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ, Ty đô chỉ huy sứ. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) vua Lê Tương Dực thăng cho ông chức Đô chỉ huy sứ, tước Vũ xuyên bá. Từ đời Lê Uy Mục, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau; nhiều lực lượng nông dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại triều đình. Bằng tài năng, Mạc Đăng Dung đã giúp triều đình dẹp được nhiều cuộc nổi loạn. Năm 1518, vua Lê Chiêu Tông nghe lời dèm pha, sai người giết Trần Chân. Thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Vua bèn cho triệu Mạc Đăng Dung đang trấn thủ ở Hải Dương, cùng Nguyễn Hoằng Dụ về cứu giá. Nguyễn Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Mạc Đăng Dung một mình cầm quân dẹp loạn. Năm 1521, Mạc Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con của Trần Cảo), quyền thế lẫy lừng. Vua Chiêu Tông cả sợ, chạy ra ngoài nương tựa quân Cần Vương. Mạc Đăng Dung lập em vua Chiêu Tông tên là Xuân lên ngôi, lấy vương hiệu là Lê Cung Hoàng.
Năm 1523, Mạc Đăng Dung điều quân dẹp loạn ở Thanh Hóa. Năm 1524 dẹp được quân của Trịnh Tuy, vua Lê Cung Hoàng phong ông làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó, Nhân quốc công. Năm 1527, ông được phong làm An hưng vương. Cùng năm đó, vua Lê Cung Hoàng ban chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung, có đoạn: “… Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An hưng vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho…”. Ngày 15 tháng 6 (âm lịch) năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Đức, chính thức lập nên triều đại nhà Mạc. Đến hết năm 1529, Thái tổ Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai cả là Mạc Đăng Doanh, lui về làm Thái thượng hoàng. Mạc Đăng Doanh lên ngôi, lấy vương hiệu là Mạc Thái Tông, tại ngôi đến năm 1540 thì băng hà. Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi, lấy vương hiệu là Mạc Hiến Tông. Năm 1541, Thái tổ Mạc Đăng Dung băng hà. Trước khi mất, Ngài để lại di chúc, khuyên Mạc Hiến Tông phải nhanh chóng về kinh sư để trấn an nhân tâm và lấy xã tắc làm trọng.
Hàng trăm đại biểu các chi họ Mạc cùng về dự Đại hội
Như vậy, việc Mạc Đăng Dung lên ngôi là tất yếu của lịch sử và được nhường ngôi, chứ không phải là thoán nghịch đối với triều Lê như nhiều tư tưởng hủ nho bịa đặt ra. Lịch sử dù có bị chép sai lệch, thì cũng không thể phủ nhận việc Mạc Đăng Dung từng ra sức dẹp loạn, bảo vệ nhà Lê, mong dựng lại triều chính nhưng không được. Từ Lê Uy Mục trở đi, triều đình khủng hoảng trầm trọng. Các vua nhà Lê sống xa hoa, trụy lạc, không để tâm đến việc nước. Chỉ trong thời gian ngắn, mà 4 vua nhà Lê: Uy Mục, Tương Dực, Quang Trị, Chiêu Tông bị giết; hai lần thế lực chống đối lập ra vua mới. Trong tình hình đó, gánh nặng lịch sử đặt lên vai Mạc Đăng Dung, bởi nếu không phải ông thì cũng là người khác. Việc này chẳng khác gì nhà Tiền Lê thay nhà Đinh, nhà Lý thay nhà Tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý… Vậy thì không thể coi đó là có tội được, điều đáng bàn là triều đại nhà Mạc có cống hiến gì cho đất nước mà thôi.
Trên thực tế, nhà Mạc định đô ở Thăng Long 65 năm (từ 1527 – 1592) với 5 đời vua: Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Mạc Hiến Tông, Mạc Tuyên Tông, Mạc Mục Tông. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, trong 65 năm đó, nhà Mạc có những cống hiến không nhỏ cho đất nước. Nhiều chính sách tiến bộ, cởi mở được áp dụng, làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện. Thời gian này, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rực rỡ; giáo dục, kinh tế, an ninh, xã hội, nghệ thuật, kiến trúc đều để lại những dấu ấn đậm nét. Ngay cả các sử gia đời Lê – Trịnh, có những thành kiến nặng nề với nhà Mạc cũng không thể phủ nhận hết. Khi soạn cuốn Đại Việt sử kí toàn thư, họ vẫn phải ghi nhận: “Đêm ngủ không phải đóng cửa, ra đường không ai nhặt của rơi”. Nhà Mạc vẫn giữ tư tưởng “trọng nông”, nhưng không “ức thương”. Nhiều chợ, trung tâm thương mại được mở mang, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, người dân được thỏa sức đem những sản vật mình làm ra bán lấy tiền, đổi lấy hàng hóa. Không chỉ phát triển thương nghiệp trong nước, hàng hóa thủ công nghiệp còn theo các thuyền buôn nước ngoài ra 28 nước trên thế giới. Cũng trong thời kì này, đánh dấu sự hình thành và phát triển rực rỡ của gốm Chu Đậu (Hải Dương), nổi tiếng trong và ngoài nước. Chế độ khoa cử không những không bị sao nhãng, mà còn phát triển mạnh mẽ, với việc mở 22 khoa thi, lấy đỗ 485 Tiến sĩ và 13 Trạng nguyên. Văn học, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng cũng được khôi phục và phát triển…
Tuy nhiên, do xã hội bấy giờ nặng nề tư tưởng Nho giáo, với thái độ ngu trung của Tống Nho, nên tạo điều kiện cho phong trào “phù Lê, diệt Mạc” phát triển. Mặt khác, nhà Lê vì quyền lợi ích kỉ của vương triều, ra sức van nài nhà Minh bên Trung Quốc ra tay tiêu diệt nhà Mạc. Lịch sử vẫn ghi nhận, nhiều lần phái đoàn vua Lê, hoặc bề tôi của nhà Lê sang Bắc Quốc để tố cáo nhà Mạc đoạt ngôi, phát động chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi để nhà Minh kéo quân sang xâm lược nước ta. Từ tháng 11 năm 1536 đến tháng 10 năm 1540, có 10 lần quân Minh kéo sang “chinh phạt An Nam”. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bên trong phải đối phó với các thế lực mưu đồ khôi phục nhà Lê đã mục ruỗng, bên ngoài 22 vạn quân Minh do Mao Bá Ôn chỉ huy ngấp nghé bờ cõi, Thái tổ Mạc Đăng Dung đã có chiến lược tránh cho đất nước khỏi họa binh đao. Một mặt ông cho chuẩn bị kĩ lưỡng về quân sự, mặt khác khôn khéo dâng khống đất cho nhà Minh để cầu hòa. Thực chất của việc này là Thái tổ Mạc Đăng Dung dâng cho nhà Minh 4 động biên giới: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát đã bị nhà Minh lấy từ trước khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, chứ không hề mắc tội phản quốc, dâng đất như các sử gia thời Lê trung hưng xuyên tạc. Do hành động rất khôn khéo này, không những nhà Mạc tránh được chiến tranh, mà còn tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh.
Năm 1592 nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, phải rút lên Cao Bằng, đặt vương phủ ở Cao Bình – Nà Lữ và tiếp tục thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Tại đây, vương triều Mạc tồn tại thêm 85 năm, với các đời vua: Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn, Đường An vương Mạc Kính Chỉ, Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung, Khánh vương Mạc Kính Khoan, Thuận Đức vương Mạc Kính Vũ, Mạc Nguyên Thanh, Mạc Kính Quang. Trong 85 năm đó, nhà Mạc tổ chức nhiều khoa thi, tuyển chọn được nhiều nhân tài, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, nữ Tiến sĩ đầu tiên của nước ta.
Sau khi thất thủ ở Cao Bằng, nhà Mạc phải di tản đi nhiều nơi, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích thậm chí gia phả phải ghi chép mập mờ… để tránh những cuộc truy sát kéo dài hàng trăm năm, bảo toàn tông tộc. Để con cháu sau này dễ nhận ra nhau, các vị tiên hiền nhà Mạc đặt ra những quy ước, mật hiệu bất thành văn: Khi đổi sang họ khác thì phải giữ bộ thảo đầu (trong chữ Mạc có bộ thảo) như các họ Hoàng, Phạm, Lều, Tô, Phan, Thái, Bùi… Đệm thì lấy chữ Đăng (theo đệm của Thái tổ Mặc Đăng Dung), ngoài đệm Đăng cũng có thể lấy các đệm khác như Đình, Mậu, Phúc… Nhờ đó, con cháu hậu duệ nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhiều người nổi danh, đóng góp cho đất nước, cho dân tộc như Thủ lĩnh Hoàng Công Chất, Tổng đốc Hoàng Diệu, Mạc Đăng Tiết, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu…
Sự ra đời của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử, tạo điều kiện cho các chi họ Mạc và gốc Mạc trong cả nước tìm đến với nhau. Nhưng, nỗi oan trong lịch sử chưa được gột rửa hết, tới đây đòi hỏi phải có những cuộc khảo cứu sâu hơn nữa, để trả lại công bằng cho các cống hiến của nhà Mạc đối với đất nước.
__________________________________________
HOÀNG LINH
Mạc Tộc Quảng Nam Đà Nẵng
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 29.02.2012.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.