- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 14493
- Tổng truy cập: 3,368,615
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592 (Tiếp theo)
- 350 lượt xem
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Tô Ngọc Hằng (tiếp theo)
3.3. Đóng góp về văn hóa
– Về Văn học
Khoa cử Nho học với đặc trưng trọng văn của nó, đã đào tạo ra một đội ngũ quan lại đông đảo; họ đồng thời cũng là nhà văn hóa, những tác gia văn học. Thời Mạc, những Nho sĩ thi đỗ ngay dưới nền giáo dục Mạc là lực lượng chính làm nên văn học triều Mạc.
Thời Mạc, trí thức đỗ đại khoa phân hóa làm hai. Một bộ phận ở lại triều làm quan và sáng tác, tức là những Nho sĩ quan liêu như Bùi Vịnh, Vũ Cẩn, Hoàng Sĩ Khải, Hà Nhậm Đại…; một bộ phận khác không ra làm quan, mà về ở ẩn, làm thành lớp Nho sĩ ẩn dật. Hàng ngũ Nho sĩ ẩn dật tuy không đông như Nho sĩ quan liêu, nhưng hầu hết đều là danh gia, có kiệt tác như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ… Chính hai bộ phận này là lực lượng chủ yếu làm nên Văn học thời Mạc có nhiều nét mới so với thời trước.
Thế nhưng có một thiệt thòi là do quan điểm phong kiến, nhà Mạc không được các sử gia coi là chính thống, nên những danh nhân văn hóa cũng như những cống hiến về văn học của họ còn lại trong sử sách không nhiều. Tuy nhiên sức sống của văn học có quy luật của nó, sự chèn ép, xuyên tạc chỉ có tác dụng nhất thời, chứ không thể xóa bỏ. Chính vì vậy mà mạch nguồn văn học nước ta từ thời Lý, Trần, Lê Sơ đến Mạc là dòng chảy liên tục với những văn nhân mà tên tuổi còn lưu lại như:
1. Bùi Vịnh (1498 – ?), hiệu Thanh Khê, người Định Công (Hà Nội); đỗ Bảng nhãn 1532, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Đông các Đại học sĩ, tước Mai Lĩnh hầu. Bùi Vịnh giỏi cả thơ chữ Hán và chữ Nôm. Ông viết khá nhiều, nhưng hiện còn rất ít. Tác phẩm viết bằng chữ Hán có Thơ ngũ ngôn trường thiên 49 vần và Đế đô hình thắng phú (hiện chưa tìm thấy); viết bằng chữ Nôm có Cung trung bảo huấn phú.
Cung trung bảo huấn phú (lời dạy bảo quý báu trong cung), là bài phú 8 vần, 24 liên do vua Mạc sai làm để dạy những phi tần thị nữ trong cung. Bài phú dùng nhiều điển cố Hán học uyên bác, cầu kỳ để ca tụng triều Mạc đang thời thịnh trị và đề cao lễ giáo phong kiến. Tuy còn dùng nhiều điển cố Hán học, nhưng bài phú được viết bằng tiếng Việt khá lưu loát, uyển chuyển; và “có thể coi là một trong những cứ liệu về sự phát triển ngôn ngữ văn học Nôm nửa đầu thế kỷ XVI” [83, tr.696]
2. Hoàng Sĩ Khải, tiểu sử xem mục 2.1.1, tr.33. Ông là một nhà văn lớn, nổi tiếng học vấn uyên bác, hay chữ và rất giỏi thơ Nôm. Chính Ông là “người mở đầu cho việc làm thơ Nôm khi đi sứ” [5, tr.51]. Tác phẩm có đến bốn tập thơ lớn, gồm Sứ Bắc quốc ngữ thi tập, Sứ trình khúc, Tiểu độc lạc phú và Tứ thời khúc vịnh. Trong đó Sứ Bắc quốc ngữ thi tập và Sứ trình khúc được sáng tác khi đi sứ nhà Minh. Tất cả đều được viết bằng chữ Nôm, nhưng đã thất truyền, nay chỉ còn Tứ thời khúc vịnh.
3. Hà Nhậm Đại, đậu Tiến sĩ 1574, tiểu sử xem mục 2.1.1, tr.31. Ông là tác giả tiêu biểu cho thể thơ vịnh sử thời Mạc với Khiếu vịnh thi tập (Lê triều Khiếu vịnh thi tập).
Khiếu vịnh thi tập hoàn thành vào cuối thế kỷ XVI, bài Tựa tác giả viết vào năm 1590, hai năm trước khi triều Mạc sụp đổ, nêu rõ ý muốn “nêu những sự tích triều Lê đáng để khuyên răn” nhằm mục đích giáo huấn người đời theo quan niệm chính thống. Theo Phan Huy Chú thì Khiếu Vịnh thi tập “theo thơ vịnh sử của Thoát Hiên mà làm” [84, tr.603]. Tác phẩm bắt đầu từ chỗ Việt giám vịnh sử tập của Đặng Minh Khiêm (Thoát Hiên) dừng lại. Về mặt thể tài và quy mô, Khiếu vịnh thi tập không khác Việt giám vịnh sử tập. Tác phẩm gồm 106 bài thơ thất ngôn tuyệt cú (nhưng nay đã mất vài chục bài, chưa kể những bài mất một phần); vịnh về các đế vương, công thần, võ tướng, danh nho, tiết nghĩa, sứ thần, gian thần của triều Lê Sơ từ Lê Thái Tổ (1427 – 1433) đến Lê Cung Đế (1522 – 1527). Mặc dù Lê Quý Đôn cho tập thơ này “khí phách, âm điệu không bằng thơ Đặng Thoát Hiên” [25, tr.276 ]; nhưng qua việc mạnh dạn bình giá các nhân vật và sự kiện lịch sử thời Lê Sơ, Hà Nhậm Đại đã thể hiện thái độ nhân sinh và phẩm chất đạo đức của mình. Sự khen chê của ông vẫn mang tính thời sự, vẫn là gián tiếp khen chê những người trong xã hội đương thời. Và với cảm hứng dân tộc sâu sắc, Khiếu vịnh thi tập là một tác phẩm hay, có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật; xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu cho thể thơ vịnh sử thời Mạc.
4. Vũ Cẩn (1527 – ?), Tự là Đôn Phu, người Lương Xá, Lương Tài (Bắc Ninh); đỗ Tiến sĩ 1556 đời Mạc Phúc Nguyên. Ông thích làm thơ, tác phẩm có Tinh thiều kỷ hành và 100 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Thơ Vũ Cẩn phần lớn là thơ đi sứ, được sáng tác trong không khí thù tặng. Tuy vậy, do tình cảm chân thành và tâm hồn nghệ sĩ nên thơ ông thuộc loại “lý thuận lời nhã” [83, tr.718].
Ngoài ra còn có Phạm Thiệu, đỗ Hoàng giáp 1553, với tác phẩm Thi Văn tập yếu, gồm nhiều bài thơ làm khi đi sứ nhà Minh. Hay Đặng Hiển, đỗ Tiến sĩ 1565, nổi tiếng học rộng, thơ hay, lời văn thanh nhã; tác phẩm có Tùng pha thi tập, gồm 4 quyển (hiện chưa tìm được) và 44 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.
Những tác giả nêu trên sử sách còn lưu lại khá nhiều, ngoài ra còn rất nhiều tác giả như Nguyễn Thiến, Lương Phùng Thìn, Nguyễn Năng Nhượng, Nguyễn Nhân An,… các thi tập đều không được ghi lại, chỉ có một số bài thơ chép trong các tuyển tập. Dẫu vậy, nhìn vào những gì còn sót lại cũng đủ cho thấy: Trí thức thời Mạc có những đóng góp đáng kể cho nền văn học dân tộc. Và từ cái nền chung ấy đã kết tinh được hai đỉnh kiệt xuất.
Đỉnh thứ nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông là một nhà văn hóa, một nhà thơ lớn. Ông viết đến một nghìn bài thơ chữ Hán và một nghìn bài thơ chữ Nôm, tập hợp trong hai bộ “Bạch Vân am thi tập” và “Bạch Vân Quốc ngữ thi tập”. Nhưng hiện nay chỉ tìm được khoảng 800 bài thơ chữ Hán và 180 bài thơ Nôm. Đây là con số mà từ thời Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có. Riêng về thơ Nôm, tuy có mặt không thể sánh với thơ Nôm Nguyễn Trãi, song lại có mặt đánh dấu một chặng phát triển mới so với thơ Nguyễn Trãi. Đây là một đỉnh cao chói lọi của văn học triều Mạc, là cây đại thụ của nền văn học thế kỷ XVI.
Đỉnh thứ hai là Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu (Hải Dương). Tuy chưa rõ năm sinh năm mất, nhưng Ông sống cùng thời và là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Dữ từng đỗ Hương cống, làm Tri huyện Thanh Tuyền (Vĩnh Phú), được một năm từ quan về ở ẩn. Trong thời kỳ ở ẩn, Ông đã viết được một tập truyện xuất sắc: Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm này được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhuận sắc, gồm 20 truyện ngắn, được viết theo lối tản văn, xen lẫn thơ ca, từ khúc, biền văn. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian và một số tích truyện truyền kỳ Trung Quốc. Truyền kỳ mạn lục là một thành tựu lớn của văn xuôi viết bằng chữ Hán, mở ra một thể loại văn xuôi nghệ thuật dân tộc là truyện ngắn truyền kỳ. Ở Việt Nam, văn xuôi, nhất là văn xuôi nghệ thuật, vốn định hình muộn hơn thơ, nhưng đến Nguyễn Dữ đã kết tinh được một tập truyện cổ điển – Truyền kỳ mạn lục – “về hình thức có thể so sánh với bất kỳ tập truyện truyền kỳ xuất sắc nào ở phương Đông” [5, tr.53]. Truyền kỳ mạn lục đã trở thành một sáng tác đích thực, sáng giá, một thành công có ý nghĩa thời đại của truyện ký nói riêng, văn xuôi nghệ thuật dân tộc nói chung. Chính vì thế, nó được đánh giá là thiên cổ kỳ bút – ngọn bút kỳ tài nghìn thu không có, tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.
Như vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ là hai nhà văn tầm cỡ của văn học thế kỷ XVI, của văn học Mạc, không thua kém bất kỳ đỉnh nào từ trước cho đến đấy và từ đấy về sau.
Về nghệ thuật, văn học triều Mạc có bước tiến mới với nhiều đóng góp đáng kể. Triều Mạc coi trọng chữ Nôm và khuyến khích sáng tác thơ văn Nôm, vì thế đã tạo ra một thời kỳ văn học Nôm rực rỡ trong tiến trình văn học dân tộc. Thơ Nôm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự thừa kế Nguyễn Trãi và còn được nâng lên. Phú Nôm cũng phát triển, “đánh dấu bước đặt nền móng khá căn bản của ngôn từ Tiếng Việt trong thể phú Việt Nam” [5, tr.53].
Quan trọng hơn cả là thể truyện được thể nghiệm từ thời Lý – Trần, bước đầu điều chỉnh dưới thời Lê Sơ, để phát triển hoàn chỉnh thành tập truyện cổ điển – Truyền kỳ mạn lục mà mãi nhiều thế kỷ sau cũng không theo kịp.
Với những thành tựu trên, Văn học triều Mạc là một thời đại văn học đáng kể cả về số lượng cũng như thành tựu nội dung và nghệ thuật mà “Điều rất có ý nghĩa là văn học dưới thời đại Mạc đã xuất lộ một số yếu tố đánh dấu sự chuyển biến đúng hướng của văn học dân tộc ngày càng tiến gần đến hai khuynh hướng bình dân và hiện thực” [5, tr.65]. Tóm lại, Văn học triều Mạc xứng đáng đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử văn học Việt Nam. Và người làm nên thành tựu đó không ai khác là những trí thức thời Mạc.
– Về tư tưởng
Hai nhân vật có đóng góp lớn về tư tưởng là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ.
Nho giáo với tư cách là học thuyết chính trị – xã hội được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng phải đến thế kỷ XVI với cây đại thụ về tư tưởng là Nguyễn Bỉnh Khiêm thì những phạm trù, những cách lập luận kiểu Tống Nho mới chính thức xuất hiện. Nhờ Tống Nho mà tính chất lý tính của tư duy đến Nguyễn Bỉnh Khiêm được nâng cao hơn các thế kỷ trước. Trong tác phẩm của mình, Ông bàn nhiều đến các cặp phạm trù có tính biện chứng như nhân – quả, ngẫu nhiên – tất nhiên… Mặc dù lập trường về cơ bản vẫn là duy tâm, nhưng tư duy đã thực sự bước vào lĩnh vực triết học. Do đó, đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm về mặt triết học là ở chỗ ông đã “xây dựng nền tảng của tư tưởng biện chứng trong Kinh Dịch, góp vào lịch sử tư tưởng Việt Nam một số kiến giải mới mẻ” [5, tr.51]. Vì thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm được mang danh họ Trình, được người Trung Quốc xem là nhà lý học của Việt Nam đương thời.
Về quan niệm chính trị, cả Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ đều muốn xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị lấy “Nhân Nghĩa” làm gốc. Ở đó quyền lợi của vua phải gắn với quyền lợi của nhân dân và phải lấy việc đảm bảo đời sống của nhân dân làm cơ sở. Đó là một đường lối tiến bộ, là sự kế tục tư tưởng “Nhân Nghĩa” của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV. Tuy nhiên, nhà Mạc nói riêng cũng như giai cấp phong kiến bấy giờ không thể tổ chức được một xã hội như lý tưởng của các ông. Bởi vậy, cuối thế kỷ XVI giới Nho sĩ triều Mạc lâm vào cuộc khủng hoảng về tư tưởng, về đường lối chính trị.
– Về Văn hoá dân gian
Thời Mạc, nhiều Nho sĩ đỗ đạt không ra làm quan mà trở về sống ở làng xã, hoà tan trong nhân dân. Họ có vai trò to lớn, thực sự là động lực cho cộng đồng về phương diện văn hoá và tư tưởng. Ở làng họ tham gia vào mọi hoạt động của địa phương như dạy học để truyền bá đạo thánh hiền; góp tiền của xây dựng, tu bổ các đình, đền, chùa…. Ngoài ra, họ còn là thành viên trong bộ máy quản lý làng xã, là “những người gân guốc của xóm làng, nhờ đó mà chính được phong tục… lấy lễ nghĩa liêm sỉ mà dạy dân; khiến cho dân đều xu hướng về chữ Nhân” [17, tr.53]. Họ cũng là người văn bản hoá các tập tục quy ước thành lệ làng, hay các bản thần tích về Thành Hoàng làng. Tóm lại, tầng lớp Nho sĩ sống gần gũi với nhân dân, đã tự phát hay tự giác đem vốn văn hoá Nho giáo truyền thụ trong cuộc sống làng xã, do đó đã góp phần nâng cao mặt bằng dân trí trong dân chúng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá Việt Nam ở các thế kỷ sau, đặc biệt là thế kỷ XVIII – “thế kỷ vàng” của Văn hoá dân gian Việt Nam.
* Tiểu kết chương 3
Giáo dục khoa cử đã đào tạo cho nhà Mạc một lực lượng trí thức đông đảo, tài giỏi. Họ đã đem tài năng, tâm huyết giúp nhà Mạc ổn định xã hội, phát triển đất nước, xây dựng diện mạo mới cho văn hoá Đại Việt: Văn hoá thời Mạc. Tóm lại, trí thức thời Mạc có nhiều đóng góp cho lịch sử Vương triều Mạc cũng như lịch sử văn hoá dân tộc.
KẾT LUẬN
1. Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, xã hội Đại Việt lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện. Nhà Lê Sơ sau một trăm năm trị vì đã không còn đáp ứng được yêu cầu lịch sử. Những nguyên tắc của Nho giáo trong thời kỳ này đã mất đi giá trị như khi nó thịnh trị, trong một xã hội thật sự “nhốn nháo” (cố GS Trần Quốc Vượng), nếu không phải là Mạc Đăng Dung thì cũng là một lực lượng khác tiến hành thay ngôi đổi vị; và “lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung hay nói một cách khác qua thực tiễn hoạt động của Mạc Đăng Dung đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn những người khác về uy tín và tài năng. Ông được lòng người ủng hộ và đáp ứng được yêu cầu của lịch sử” [40, tr.37].
2. Để tạo dựng cơ sở xã hội vững chắc cho sự tồn tại của vương triều, nhà Mạc đã thi hành chính sách đề cao giáo dục khoa cử mang nội dung Nho giáo. Khoa cử là sản phẩm của Nho học, nó phát triển gắn liền với sự thăng trầm của Nho giáo; đồng thời cũng tác động đến sự phổ biến và duy trì của Nho giáo. Thời Mạc, Nho giáo tuy không còn độc tôn, nhưng nó được triều Mạc đề cao: “Mạc thị sùng Nho” và với vị thế đó nó đã khiến cho chế độ giáo dục khoa cử thời Mạc tiếp tục phát triển với những thành tựu đáng kể. Chỉ trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã lập được một kỳ tích khiến lịch sử phải nể phục: Liên tục tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 484 Tiến sĩ với 11 Trạng nguyên. Lực lượng trí thức hùng hậu này đã trở thành đội ngũ quan liêu mới, trung thành, là nền tảng làm nên công cuộc ổn định, xây dựng và phát triển xã hội Đại Việt của Vương triều Mạc. Họ đồng thời cũng là những tác gia văn học, những nhà văn hoá – tư tưởng lớn, và bằng tài năng của mình họ đã đem lại cho nền văn hoá dân tộc ở thế kỷ XVI một diện mạo mới: Văn hoá thời Mạc. Đó chính là thành tựu lớn mà nhà Mạc đạt được. Điều này không phải triều đại nào cũng có thể làm được và làm tốt như triều Mạc.
3. Nếu đặt trong sự đối sánh nhà Mạc với nhà Lê Sơ trước đó và nhà Lê Trung hưng cùng thời, thì giáo dục khoa cử thời Mạc là sự tiếp nối những thành quả giáo dục khoa cử rực rỡ từ thời Lê Sơ, để rồi đưa nó lên một tầm phát triển cao hơn với nhiều thành tựu đáng tự hào. Và nếu đặt những thành tựu ấy trong khung cảnh chính trị vào những năm cuối thời Lê Sơ cũng như suốt thời trị vì của nhà Mạc, chúng ta mới thấy hết giá trị và vai trò to lớn của giáo dục khoa cử với lịch sử Vương triều Mạc nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. Về mặt này, giáo dục khoa cử thời Mạc vượt hơn hẳn so với nhà Lê Trung hưng, mặc dù thất bại cuối cùng thuộc về họ Mạc. Thất bại của nhà Mạc có nhiều nguyên nhân, trong đó những hạn chế và suy yếu của nhà Mạc, đặc biệt trong giai đoạn sau (từ đời vua Mạc Phúc Hải trở đi) đã khiến nhà Mạc không thể khai thác và sử dụng hiệu quả sức mạnh của đội ngũ trí thức. Phí phạm trí thức, nhà Mạc đã không thể thực hiện một cuộc cải cách, hay ít ra là một điều chỉnh để vực dậy vương triều. Trí thức không còn ủng hộ, lòng dân ly tán, đứng trước cuộc tấn công của các thế lực ủng hộ Lê, nhà Mạc thất bại là điều không tránh khỏi.
4. Mặc dù vậy, với những kết quả đạt được, giáo dục khoa cử thời Mạc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Vì thế, từ quá trình nghiên cứu trên, chúng tôi có một số đề xuất sau:
4.1. Nghiên cứu về giáo dục khoa cử, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài – nhân lực có trình độ cao luôn là vấn đề thiết thực, nên cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển đề tài này.
4.2. Lê Quý Đôn từng nói “phi trí, bất hưng”, nhất là trong thời đại ngày nay khi trí tuệ đang trở thành nhân tố quyết định, trong đó giáo dục được xem là lực lượng đi tiên phong. Do đó, cần có chính sách ưu đãi cao với trí thức; xây dựng một nền giáo dục toàn diện, hướng vào thực học và thực dụng để đào tạo được nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn lẫn sức khoẻ, phẩm chất đạo đức. Đồng thời phải có phương sách sử dụng nguồn nhân lực tốt nhất. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, việc tuyển chọn đúng đối tượng, đúng trình độ, phù hợp với năng lực và yêu cầu công việc cần tuyển sẽ tạo điều kiện khơi dậy, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có trong mỗi người.
4.3. Cần cập nhập, đưa những thành tựu nghiên cứu mới với quan điểm đánh giá khách quan, công bằng về giáo dục khoa cử thời Mạc vào việc biên soạn giáo trình, bài giảng, sách giáo khoa và giảng dạy lịch sử ở các cấp học. Đây là một yêu cầu cấp thiết đối với việc giảng dạy, học tập, nhận hiểu về môn Lịch sử; đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm góp phần đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ “biết sử”, mà còn tỏ “tường gốc tích” lịch sử dân tộc; kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
5. Năm 1592, sau khi thất thủ ở Thăng Long, nhà Mạc chạy lên biên giới phía Bắc xây dựng triều đình mới ở Cao Bằng theo mô hình như khi ở Thăng Long. Theo đó, giáo dục khoa cử thời Mạc ở Thăng Long khép lại, để bước sang một giai đoạn mới: Giáo dục, khoa cử thời Mạc ở Cao Bằng – nơi có Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ – nữ Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử giáo dục, khoa cử Việt Nam. Vấn đề này sẽ mở ra cho luận văn một hướng nghiên cứu mới trong tương lai không xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Việt Anh – Cao – Lê Thu Hương (2010), Chuyện kể các nhà khoa bảng trong lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội.
- Ban liên lạc họ Mạc (2007), Hợp biên thế phả họ Mạc, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Tống Thanh Bình (2009), Nhà Mạc với công cuộc ổn định xã hội Đại Việt từ 1527 đến 1546, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, Đại học Vinh.
- Bùi Hạnh Cẩn – Minh Nghĩa – Việt Anh (2002), Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Huệ Chi (2011), “Một số đặc điểm của Văn học thời Mạc”, Tạp chí Xưa và Nay, số 385.
- Đàm Văn Chí (1992), Lịch sử văn hóa Việt Nam sinh hoạt trí thức kỷ nguyên 1427 – 1802, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.
- Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.
- Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.
- Việt Chương (1996), Tôn sư trọng đạo, Nhà xuất bản Đồng Tháp.
- Quỳnh Cư (2006), Chuyện hay sử cũ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
- Quỳnh Cư (2007), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội.
- Nguyễn Mạnh Cường (2010), Nho giáo đạo học trên đất Kinh kỳ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội.
- Nguyễn Tiến Cường (1998), Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Tiến Cường (1999), “Trường công lập ở các địa phương từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XV”, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 3.
- Phan Đại Doãn (chủ biên) (1999), Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Phan Đại Doãn – Bùi Xuân Đính – Bùi Thị Thanh Nhàn (2002), “Tả Thanh Oai – làng khoa bảng”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.
- Đại học viện Sài Gòn – Trường luật khoa Đại học (1959), Hồng Đức Thiện Chính thư, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn.
- Đại Việt Sử ký toàn thư – tập 2 (1998), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đại Việt Sử ký toàn thư – tập 3 (1998), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đặc san Bắc Ninh (1973), Hội Bắc Ninh tương tế xuất bản.
- Vũ Phương Đề (2001), Công Dư tiệp ký, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
- Bùi Xuân Đính (2003), Tiến sĩ Nho học Thăng Long – Hà Nội (1075 – 1919), Nhà xuất bản Hà Nội.
- Bùi Xuân Đính (2008), Hành trình về làng Việt cổ truyền, tập 1, các làng quê xứ Đoài, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội.
- Hải Đoan (2004), “Sơ lược về Văn học đời Mạc”, Tạp chí Cửa Biển, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, số 75.
- Lê Quý Đôn toàn tập – tập 2 – Kiến văn tiểu lục (1977), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Lê Quý Đôn (2007), Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin.
- Mạc Đường (2005), Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Trẻ.
- Lâm Giang (2009), Trạng nguyên Giáp Hải, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Văn Giáp (1941), Lược khảo về Khoa cử Việt Nam (từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ 1918), Trích ở Khai Trí Tiến Đức tập san, Hà Nội.
- Cao Xuân Hạo (2001), “Về tính hiếu học của người Việt xưa và nay”, Tạp chí Xưa và Nay, số 86.
- Bùi Minh Hiền (2005), Lịch sử giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học sư phạm, Hà Nội.
- Lê Thị Thanh Hòa (1994), Lựa chọn và sử dụng nhân tài trong lịch sử, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Tăng Bá Hoành (chủ biên) (1999), Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 – 1919), Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương.
- Lê Văn Hòe (1952), Hồ Quý Ly Mạc Đăng Dung, Quốc học thư xã, Hà Nội.
- Họ Đỗ Việt Nam (2001), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Mai Hồng (1989), Các Trạng nguyên nước ta, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Phạm Đình Hổ (1972), Vũ Trung tùy bút, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
- Hội đồng Lịch sử Hải Phòng – Viện Văn học Việt Nam (2005), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Kỷ yếu Hội nghị khoa học nhân 400 năm mất, tái bản lần thứ hai, Hải Phòng.
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2000), Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, Hội Sử học Hải Phòng.
- Hồ Sỹ Hùy (2001), Giáo dục, khoa cử Nho học ở Nghệ Tĩnh từ 1802 đến 1919, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Đại học Vinh.
- Nguyễn Hải Kế (2005), “Hải Phòng vùng đất “bị lãng quên” thời Lê Sơ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1.
- Nguyễn Hải Kế (chủ biên) (2010), Giáo dục Thăng Long – Hà Nội quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển, Nhà xuất bản Hà Nội.
- Đinh Gia Khánh (chủ biên) (1998), Văn học Việt Nam (thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), tái bản lần thứ ba, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Văn Khánh (1997), “Quan Tử – một làng Nho học, một làng Tiến sĩ thời Lê Sơ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3.
- Nguyễn Văn Khánh – Nguyễn Quốc Bảo (2001), Một số vấn đề về trí thức Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội.
- Vũ Ngọc Khánh (1985), Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước 1945, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Vũ Ngọc Khánh (2000), Thầy giáo Việt Nam mười thế kỷ, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.
- Vũ Khiêu (1987), Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
- Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2000), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Lê Thành Lân – Trần Ngọc Dũng (1999), “Tính lại niên hiệu các khoa thi Tiến sĩ triều Mạc trong cuốn “các nhà khoa bảng Việt Nam””, Thông tin Khoa học Xã hội, số 5.
- Phan Huy Lê – Chu Thiên – Vương Hoàng Tuyên – Đinh Xuân Lâm (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
- Tạ Ngọc Liễn (chủ biên) (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, thế kỷ XV – XVI, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Ngô Đăng Lợi (1994), Những ông Nghè đất cảng (Hải Phòng – Đăng khoa lục), Nhà xuất bản Hải Phòng.
- Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (2010), tập 3, Nhà xuất bản Hà Nội.
- Lê Nguyễn Lưu (1999), Nguồn suối Nho học và thơ ca Bạch Vân cư sĩ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
- Trịnh Khắc Mạnh (2008), Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, tái bản lần thứ nhất, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), chính biên, quyển XI, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), chính biên, quyển XII, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
- Lê Trọng Ngoạn – Ngô Văn Ban – Nguyễn Công Lý (1997), Lược khảo và tra cứu về học chế quan chế ở Việt Nam từ 1945 về trước, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Đặng Kim Ngọc (1997), Chế độ đào tạo tuyển dụng quan chức thời Lê sơ (1428 – 1527), Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Lịch sử, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Nghiệp (1990), Trạng Trình, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội.
- Bùi Văn Nguyên (1978), Lịch sử Văn học Việt Nam, tập 2, Văn học Viết, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
- Bùi Văn Nguyên (1988), Văn chương Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà xuất bản Hải Phòng.
- Nguyễn Tá Nhí (1997), Việt sử diễn âm, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên) (2006), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ thế kỷ XV đến XVIII), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đỗ Văn Ninh (2001), Quốc Tử Giám và trí tuệ Việt, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
- Nguyễn Danh Phiệt (2004), “Việt Nam thời Mạc cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh và Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9.
- Vũ Huy Phú (1997), Mộ Trạch – làng Tiến sĩ, Bảo tàng Hải Dương.
- Nguyễn Tường Phượng (biên soạn) (1984), Trạng Nghè Cống, in lần thứ hai, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Bắc.
- Nguyễn Phan Quang – Trương Hữu Quýnh – Nguyễn Cảnh Minh (1971), Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858), quyển 2, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
- Trương Hữu Quýnh (1997), “Lê Thánh Tông con người và sự nghiệp rạng rỡ một thời”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.
- Trương Hữu Quýnh (2003), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2003), Khoa cử Việt Nam (tập thượng) Thi Hương, Nhà xuất bản Văn học.
- Trần Lê Sáng (1985), Phùng Khắc Khoan cuộc đời và thơ văn, Nhà xuất bản Hà Nội.
- Trần Lê Sáng (1990), Chu Văn An-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Thiếp ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Dương Văn Sáu (2000), Văn miếu Mao Điền – Hải Dương, giá trị lịch sử văn hóa, Luận văn Thạc sĩ khoa học Văn hóa, Đại học Văn hoá, Hà Nội.
- Dương Văn Sáu (2008), Các di tích Văn miếu Bắc Ninh – Hải Dương – Hưng Yên, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
- Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (2001), Người Hà Tây trong làng khoa bảng, Hà Tây.
- Nguyễn Văn Sơn (1997), Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Hữu Tâm (1991), “Tình hình giáo dục thi cử thời Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.
- Bùi Duy Tân (chủ biên) (1997), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Bùi Duy Tân tuyển tập (2007), Nhà xuất bản Giáo dục.
- Trần Thị Băng Thanh – Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) (2003), Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Thị Thảo – Phạm Văn Thắm – Nguyễn Kim Oanh (1996), Sứ thần Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Q. Thắng (1993), Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin.
- Đỗ Thỉnh (1998), “Một dòng họ có 60 người đỗ Tiến sĩ”, Tạp chí Hán Nôm, số 1.
- Nguyễn Văn Thịnh (1996), Bước đầu tìm hiểu văn chương khoa cử thời Lê Sơ, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Thịnh (chủ trì) (2010), Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội, tập 1, Nhà xuất bản Hà Nội.
- Trần Văn Thịnh (chủ biên) (1995), Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
- Ngô Đức Thọ (chủ biên) (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
- Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đinh Khắc Thuân (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đinh Khắc Thuân (2009), Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tài liệu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Khắc Thuần (1997), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 3, tái bản lần thứ bảy, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Khắc Thuần (2006), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 4, Nhà xuất bản Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Tiến (chủ biên) (1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước cách mạng tháng 8 – 1945, Nhà xuất bản Giáo dục.
- Lê Thánh Tông về tác gia và tác phẩm (2007), Nhà xuất bản Giáo dục.
- Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội – Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hội Sử học Hà Nội (2010), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ.
- Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia – Viện Sử học (1993), Vương triều Mạc (1527 – 1592), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Khoa học Xã hội (2000), Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
- Phạm Hồng Tung (chủ biên) (2005), Khảo lược về kinh nghiệm phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài trong lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Minh Tường (1991), “Quan hệ bang giao giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỷ XVI”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.
- Nguyễn Minh Tường (2006), “Quê hương và hậu duệ của Trạng nguyên Dương Phúc Tư triều Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2.
- Trần Thị Vinh – Ngô Đăng Lợi – Nguyễn Quang Ân (1996), Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội.
- Trần Thị Vinh (2011), “Mạc Đăng Doanh và văn hoá giáo dục”, Tạp chí Xưa và Nay, số 385.
- Website:www.mactoc.com; www.hoaphuongdo.vn
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.