- Đang online: 1
- Hôm qua: 963
- Tuần nay: 22905
- Tổng truy cập: 3,460,741
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC (Tiếp theo và hết)
- 355 lượt xem
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Luận văn Thạc sĨ
Chuyên ngành Khoa học Lịch sử Việt Nam
PHỤ LỤC
Phụ lục 1
1. DANH SÁCH 11 TRẠNG NGUYÊN THỜI MẠC (1529 – 1592)
1. Đỗ Tông, người xã Lại Ốc, Văn Giang (Hải Dương), đỗ khoa Kỷ Sửu (1529), làm quan đến Hình bộ Tả thị lang, Đông các Đại học sĩ.
2. Nguyễn Thiến, người xã Canh Hoạch, Thanh Oai (Hà Nội), đỗ khoa Nhâm Thìn (1532), làm quan đến Lại bộ Thượng thư, Thư Quận công.
3. Nguyễn Bỉnh Khiêm, người xã Trung Am, Vĩnh Lại (Hải Phòng), đỗ khoa Ất Mùi (1535), làm quan đến Thượng thư, Thái phó, Trình Quốc công.
4. Giáp Hải, người Dĩnh Kế, Phượng Nhãn (Bắc Giang), đỗ khoa Mậu Tuất (1538), làm quan trải Lục bộ Thượng thư, Thái bảo, Sách Quốc công.
5. Nguyễn Kỳ, người xã Bình Dân, Đông Yên (Hưng Yên), đỗ khoa Tân Sửu (1541), làm quan đến Hàn Lâm viện thị thư.
6. Dương Phúc Tư, người xã Lạc Đạo, Gia Lâm (Hà Nội), đỗ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan đến Tham chính.
7. Trần Văn Bảo, người xã Cổ Chử, Giao Thuỷ (Nam Định), đỗ khoa Canh Tuất (1550), làm quan đến Thượng thư, Nghĩa Sơn bá.
8. Nguyễn Lượng Thái, người xã Bình Ngô, Gia Định (Bắc Ninh), đỗ khoa Quý Sửu (1553), làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang, Định Nham hầu.
9. Phạm Trấn, người xã Lam Cầu, Gia Phúc (Hải Dương), đỗ khoa Bính Thìn (1556), làm quan đến Thừa Chính sứ.
10. Phạm Duy Quyết, người Xác Khê, Chí Linh (Hải Dương), đỗ khoa Nhâm Tuất (1562), làm quan đến Tả thị lang, Xác Khê hầu.
11. Vũ Giới, người xã Lai Xá, Lang Tài (Bắc Ninh), đỗ khoa Đinh Sửu (1577), làm quan đến chức Thị lang.
2. NỘI DUNG HAI BÀI VĂN BIA TIẾN SĨ TRIỀU MẠC DỰNG Ở VĂN MIẾU, HÀ NỘI
Bia 1: MINH ĐỨC TAM NIÊN ĐỀ DANH KÝ
Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, Hà Nội, No.1305.
Bia 1 mặt, khổ 1,00 – 1,47, 43 dòng, khoảng 1000 chữ. Chạm mặt trời tua mây, dây leo.
Dịch nghĩa: Bài ký đề danh năm Minh Đức thứ 3 (1529)
Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức, Hoàng thượng lên ngôi được 3 năm. Đó là khởi thuỷ của nền văn minh trong trời đất. Năm ấy mở khoa thi lớn. Kẻ sĩ hát bài Lộc Minh mà đến đông tới hơn bốn nghìn người. Đua tài ở Xuân Vi, có 27 người được chọn vào hạng giỏi nhất.
Ngày 28 tháng 2, Vua ngự trước điện ra đề thi về đạo trị nước. Sai bề tôi Mạc Kim Bưu, Thái bảo Điện Quốc công làm Đề điệu, bề tôi Mạc Ninh Chính làm chức Binh bộ Thượng thư, tước Khánh Khê hầu và các quan khác cùng làm mọi việc.
Ngày hôm sau, các quan Độc quyển là Nguyễn Thanh chức Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, tước Văn Đoàn bá, Đinh Thận chức Lại bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tế tửu, tước Binh Lễ bá dâng bài văn đọc để nhà vua nghe. Vua xét định cao thấp, chọn bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Văn Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên sai truyền loa xướng tên những người đỗ. Bộ Lại vâng ban ấn lệnh, bộ Lễ đem bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Cùng ngày hôm đó lại ban cho tiền thưởng. Ngày 27 ban mũ đai, y phục nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 cho ăn yến ở bộ Lễ. Ngày 7 tháng 3, cho vinh quy. Lại ban cho tiền theo thứ bậc. Ân đức thật rộng khắp. Lại sai đông quan sắm sửa bia đá, sai tử thần soạn bài ký.
Vâng lệnh Hoàng đế, để chúc mừng nền Nho học, bề tôi xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà dâng lời rằng:
Đạo trời hoà hợp thì hào kiệt trong thiên hạ được sinh ra, vua hưng thịnh thì hào kiệt trong thiên hạ được thu dùng. Thời buổi vua hiền tôi giỏi, cơ hội trên dưới theo không phải là ngẫu nhiên vậy.
Những kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa cử mà ra. Ngày xưa nhà Ngu hỏi các quan mà dùng người thì cái nghĩa tốt của khoa mục đã bắt đầu, nhà Thành Chu tìm tài mà cất nhắc thì phép tắc hay của khoa mục đã hình thành. Về sau đến các đời Hán, Đường, Tống cùng nước Đại Việt ta vua hiền đức kế tiếp nhau trị vì đều lấy khoa mục làm bậc thang cho hào kiệt tiến lên.
Kính nghĩ:
Thánh triều ta, thánh thiên tử là người thông minh hơn đời, mở mang việc tốt cho nước. Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều.
Kẻ sĩ gặp gỡ thánh triều, được hấp thụ nền giáo hoá tốt đẹp mới, được thi đậu, tiến lên con đường vẻ vang, lại khắc tên vào bia đá, há không phải là vinh hạnh lắm ru! Vậy nên cảm phục đức lớn, gắng gỏi tiến lên, lấy trung thành làm nếp, lấy lễ nghĩa làm khuôn; tâm thuật phải ngay thẳng, làm nên sự nghiệp to lớn và lâu dài như Lã Văn Mục biết theo chính đạo mà giữ mình để giúp ích cho sự thịnh vượng thái bình, như Hàn Nguỵ công biết dùng khoa mục mà giúp nước để giữ gìn nền trị an cho thiên hạ. Được như vậy thì người đời mới khen là bậc trạng nguyên chân chính, là vị tiến sĩ nổi danh, trên không phụ sự cất nhắc của thánh thiên tử, dưới không phụ điều học hỏi của mình, công nghiệp to lớn rực rỡ của mình sẽ sáng chói trên tấm bia đá vậy.
Ví bằng ngoài vuông mà trong tròn, trước trong mà sau đục, mắt nhìn hẹp hơn nghe thấy, sở hành trái với sở học thì làm xấu cho khoa mục và chỉ làm nhọ cho bia đá. Đó là điều nên đề phòng vậy!
Lẽ trời trong nhân tâm thì hình tất rõ ràng, Thánh hoá tới được người sẽ phát huy lâu dài. Bia này lập ở nhà Thái học không phải chỉ để nêu rõ lòng thành khuyến khích Nho học của Thánh thượng mà còn để vun trồng thế giáo, để khích lệ lòng người, trau dồi sĩ khí, mãi mãi không cùng và giúp cho học sinh ngày sau có thể mắt nhìn thấy, miệng đọc thấy đều cảm kích, phấn khởi. Lấy việc thi đậu mà tự thẹn, lấy việc giúp nước mà tự gánh, cùng nối gót ra đời làm cho quốc gia mãi mãi thái bình, thịnh trị; xã tắc muôn thuở, cơ sở vững bền được như vậy thì việc dựng bia sẽ có công dụng không phải là nhỏ.
Bề tôi họ Nguyễn, chức Đồng đức công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, lễ bộ Thượng thư Thái tử Thái bảo, Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Thông Quận công Thượng trụ quốc vâng sắc lệnh soạn.
Bề tôi Nguyễn Cư Nhân, chức Phụng trực đại phu, Đông các hiệu thư, Tư chính Thượng khanh cùng vâng sắc nhuận.
Bề tôi …, chức Thông chương đại phu, Trung thư giám vâng sắc viết chữ chân.
Bề tôi Nguyễn Tân, chức … đại phu, Kim quang môn đãi chiểu, Tư chính khanh, vâng sắc viết chữ triện.
Bia lập tiết đông chí, thánh 11 năm Minh Đức thứ 3 (1529).
Cho đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ 3 người:
Đỗ Tông, xã Lại Ốc, huyện Văn Giang.
Nguyễn Hạng, xã Vũ Lăng, huyện Thượng Phúc.
Nguyễn Văn Huy xã Vĩnh Cầu, huyện Đông Ngàn.
Cho đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 8 người:
Nguyễn Vân Quang xã Bình Sơn, huyện Đông Ngàn.
Trần Thuỵ xã Ngọc Bộ, huyện Thái Bình.
Phạm Huy xã Mặc Khê, huyện Thanh Lâm.
Đặng Lương Tá xã Đặng Xá, huyện Thạch Thất.
Nguyễn Hoảng xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà.
Nguyễn Doãn Địch xã Hoàng Phi, huyện Hiệp Hoà.
Phí Thạc xã Hương Ngãi huyện Thạch Thất.
Nguyễn Chiêu Khánh xã Yên Sở, huyện Đan Phượng.
Cho đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân 16 người:
Nguyễn Hữu Hoán xã Xuân Áng, huyện Tiên Phúc.
Nguyễn Định Giáo xã Thượng Cốc, huyện Gia Lộc.
Lê Thực xã Ngọc Bộ, huyện Văn Giang.
Hoàng Khắc Thận xã Đại Lý, huyện Thuần Lộc.
Lê Tảo xã Phúc Khê, huyện Từ Liêm.
Nguyễn Quý Lương xã Địa Linh, huyện Phụ Dực.
Nguyễn Đức Ký xã Đan Nhiễm, huyện Văn Giang.
An Khí Sử xã Nhĩ Độ, huyện Nam Xương.
Vũ Ngung xã Đoàn Lâm, huyện Gia Lộc.
Chu Tam Dị xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn.
Phan Tế người huyện Duy Tiên, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Thạch Thất.
Đinh Thuỵ xã Tùng Quan, huyện Đông An.
Phạm Kinh Bang xã Thời Trung, huyện Thanh Oai.
Lương Nhượng xã Nội Trà, huyện Yên Phong.
Nguyễn Dương xã Trà Lâm, huyện Siêu Loại.
Nguyễn Quang Tán xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong.
(Nguồn: Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.32 – 36)
Bia 2: QUANG THIỆU TAM NIÊN TIẾN SĨ ĐỀ DANH KÝ
Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, Hà Nội. No 1308.
Bia 1 mặt, khổ 1, 10 x 2, 00, 33 dòng, khoảng 1000 chữ, chạm mặt trời tua mây, dây leo.
Dịch nghĩa: Bài ký đề tên tiến sĩ khoa Mậu Dần năm Quang Thiệu 3 (1518)
Mở khoa thi để kén tài, là nề nếp trị vì của vua chúa; dùng người hiền không kể loại, là đường lối nhất quán xưa nay. Thần từng nhận lời nói đó mà suy rộng ra rằng: Những người đảm nhiệm chính sự nhà Hạ đều là quan cũ nhà Chu; những người làm trong cung đình nhà Thương, đều là thân thuộc nhà Hạ. Kẻ giúp việc tế lễ triều nhà Chu, lại là sĩ phu triều nhà Ân; kẻ đứng hàng tể phụ triều Tống, cũng là tôi cũ thời Hậu Chu. Có lẽ cái phép chọn người để dùng, bắt đầu từ đời Ngu, đời Chu, đến đời Tống càng thịnh. Cách dùng người hiền không kể loại xưa đã có, nay há chẳng thấy sao?
Kính nghĩ: Thánh triều ta, ơn trời mở vận, thánh đế nối nhau. Trước ngày, Thái Thượng Hoàng nhận mệnh Trời, mở khoa thi để thu dùng kẻ sĩ. Nay Thánh Thiên tôn sùng đạo Nho, mở tiếp trường học để gây dựng nhân tài. Chế độ hoàn toàn đổi mới, quy mô rất mực lớn lao. Đặc biệt sai kiểm tra các bia đề tên tiến sĩ của triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vỡ lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì dựng bia mới. Lại sai bọn hiền thần chia nhau soạn các bài ký. Như thế là coi trọng những điều mà nền văn đáng trọng, làm đủ những việc mà đời trước chưa làm. Ý nghĩa thật là to lớn. Thần ở hàng Thị tòng, giữ việc bút nghiên kính cẩn nhận xét rằng: Trong triều Lê trước, bắt đầu từ năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) mở khoa thi đầu. Từ đó có khi sáu năm, có khi năm năm mở một khoa, không có lệ nhất định. Từ năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) trở đi, mới định ba năm một kỳ. Cũng theo hội điển nhà Minh, cứ các năm Tý, Ngọ, Mão, Dần thì thi Hương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì thi Hội. Duy có khoa Mậu Dần năm Quang Thiệu 3 (1518) thì lẽ ra là khoa thi thường lệ của năm Đinh Sửu, Quang Thiệu 2 (1517). Nhưng vì năm ấy nhiều việc mà lùi sang năm sau. Trong bảng hổ có 17 người, ban Đệ nhất giáp cho bọn Ngô Miễn Thiệu 3 người; Đệ nhị giáp, ban Tiến sĩ xuất thân cho bọn Lại Kim Bảng Đệ tam giáp; ban Đồng tiến sĩ xuất thân cho bọn Nguyễn Độ 8 người.
Những người này hiện vẫn giữ chức tước, nhiều người dần dần được dùng vào việc lớn: Người thì tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình trong nước; người thì gìn giữ kỷ cương tai mắt cho nhà vua; người kiêm các chức ở quán, các, giúp việc tiến cử hiền tài; người ở ngôi công, khanh, giữa các bộ, viện; người tham gia việc lớn ở địa phương, trông nom pháp lệnh ở đó. Các tiến sĩ trong khoa này, sau khi được đề tên vào bảng hổ, nay đã gần hai mươi năm mới được khắc lên bia đá. Nhờ ơn vua tô điểm, khích lệ, được vẻ vang long trọng như thế, vậy định báo đáp ra sao? Tất phải cùng nhau cố gắng, hết lòng trung trinh, cạo cho hết nhơ, mài cho thực sáng, danh tiết cho bền, đức hạnh cho tốt, khí khái cho lỗi lạc, tiếng tăm cho vang lừng. Làm viên ngọc quý, làm nén vàng mười, làm thuốc đan sa, làm của quý giá, làm cho đức vua thêm tôn quý, ngôi vua thêm vững vàng, thiên hạ được vững bền như Thái Sơn, bàn thạch. Như vậy thì bia ấy, tên ấy khắc vào vật nặng vạn cân, càng lâu càng không mòn được. Nếu không thì ngoài là ngọc, trong là đá; danh với thực không xứng nhau, người đời sau sẽ chỉ tận tên mà chê trách – Tại sao vậy? Vì danh là khách của thực, thực là chủ của danh. Có danh, lại có thực thì danh vì thế được coi trọng. Có danh mà không có thực thì danh vì thế bị coi khinh. Thần xin đem những điều ấy mà khuyên nhủ những người được đề tên và cũng tự khuyên nhủ mình. Còn như họ tên, chức tước của các quan Đề điệu, Độc quyển, Giám thí đã kê đầy đủ. Thần xin làm bài ký.
Bề tôi Nguyễn Trí Thái, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Đạo Xuyên bá, Trụ quốc vâng sắc soạn văn bia. Bề tôi là họ Vũ, Thông chương đại phu Kim quang môn đãi chiểu, Tư chính khanh vâng sắc viết chữ triện.
Lập bia ngày 5 tháng Giêng năm Đại Chính 7 (1536).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
– Ngô Miễn Thiệu: Xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn.
– Nguyễn Mẫn Đốc: Xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi.
– Lưu Khải Chuyên: Xã An Đê, huyện Đường An.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 6 người:
– Lại Kim Bảng: Xã Kim Lan, huyện Cẩm Giàng.
– Đặng Ất: Xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên.
– Nguyễn Chấn Chi: Xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi.
– Nguyễn Hồng Tiệm: Xã Đồng Xá, huyện Thanh Lâm.
– Nghiêm Văn Hậu: Xã Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn.
– Lê Vô Địch: Xã Thiên Biều, huyện An Lãng.
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, 8 người:
– Nguyễn Độ: Xã Phù Vệ, huyện Đường Hào.
– Nguyễn Cư Nhân: Xã Ông Lâu, huyện Lương Tài.
– Nguyễn Củng: Xã Hoàng Đôi, huyện Văn Giang.
– Đỗ Dương: Xã Quang Bị, huyện Gia Lộc.
– Vương Hoằng: Xã Ngô Đạo, huyện Tân Phong.
– Nguyễn Hòa Trung: Xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn.
– Ngọ Doãn Trù: Xã Bắc Lý, huyện Yên Việt.
– Nguyễn Tảo: Xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn.
(Nguồn: Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.46 – 49)
3. MỘT PHẦN TRONG BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI CỦA TRẠNG NGUYÊN DƯƠNG PHÚC TƯ, ĐỖ NĂM 1547
(Nguồn: Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2339)
Phụ lục 2
PHỤ LỤC ẢNH
Ảnh 1: Khuê Văn Các Hà Nội
Ảnh 2: Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức 3 (1529)
ở Văn Miếu, Hà Nội, ký hiệu No.1305
Ảnh 3: Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương)
Ảnh 4: Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy học
(Đền thờ Trạng Trình ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Ảnh 5: Chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm
Phụ lục 3
DANH MỤC CÁC BÀI BÁO ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN
CỦA TÁC GIẢ LUẬN VĂN
- Chính sách giáo dục của nhà Mạc trong Hồng Đức Thiện Chính thư. Tạp chí Xưa và Nay – cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 385 tháng 8 năm 2011, tr.43 – 45.
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC