- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18682
- Tổng truy cập: 3,369,948
GIA PHẢ BỔ SUNG LÀM MINH XÁC CHÍNH SỬ 582
- 393 lượt xem
GIA PHẢ BỔ SUNG LÀM MINH XÁC CHÍNH SỬ
TS. ĐINH CÔNG VĨ
I. Gia phả, tư cách của sự bổ sung:
Phải thừa nhận rằng không ít những cuốn gia phả có nhược điểm chủ quan, phiến diện, sửa chữa, thêm vào những cái tốt của dòng họ, tổ tiên mình, giấu bớt những mặt xấu… Bên cạnh thuần phong mỹ tục, gia phả cũng có khi truyền bá những hủ tục, những tư tưởng địa phương cục bộ, bảo thủ, những thứ mà ở một nước Đông phương thời phong kiến như Việt Nam khó tránh khỏi. Song nếu so với chính sử thì vẫn nổi bật tính ưu việt của gia phả. Chính sử số lượng ít hơn. Nếu chính sử là tiếng nói quan phương, có vẻ đơn nhất, cố định hơn thì gia phả số lượng nhiều hơn(1). Tiếng nói của gia phả là tiếng nói đa diện, sinh động hơn, đi đến công bằng hơn. Không phải ngẫu nhiên, nhiều cuốn phả họ Nguyễn như “Nguyễn Phúc tộc phả” ở Huế, hoặc cuốn phả dòng họ nhà thơ Ôn Như hầu ở miền Bắc… xa nhau mà trùng hợp nhau, công nhận Nguyễn Kim là con Nguyễn Văn Lưu chứ không phải là con Nguyễn Hoằng Dụ như chính sử đã viết(2). Ý kiên số đông, tự nhiên trùng hợp ấy đem lại cho ta những thông tin hợp lý, đính chính sai sót của chính sử.
Gia phả là văn bản thể hiện sự tự do, tự nhiên hơn so với chính sử vì nó không đến nỗi “gần lửa rát mặt” không phụ thuộc vào ý chí vương triều. Nó có thể viết những điều chính sử kiêng kỵ, không dám viết. Bởi vì xưa kia “phép vua thua lệ làng”, đại bộ phận gia phả nằm ở làng quê, động vào đấy triều đình trung ương sẽ phải đối phó với hàng loạt tục lệ phức tạp. Gia phả số đông nằm ở làng, những làng Việt trong hoàn cảnh Đông phương lại là cái kho vĩ đại chứa tích và bảo lưu vững chắc nhất nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Vậy gia phả thành tấm gương phản chiếu khá đầy đủ nền văn minh, văn hóa Việt cổ, với tất cả những lệ tục, những bí mật sau lũy tre xanh có quan hệ thiết yếu đến cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang rất cần khai thác. Chẳng hạn, nước ta có rất nhiều ngành nghề gắn với những bí truyền được lưu hành trên gia phả. Như ba phái võ Tây Sơn ở miền Trung của các họ Trần (Trần Quang Diệu), Bùi (Bùi Thị Xuân), Hồ (môn phái chính của ba anh em Nguyễn Huệ) từng bí truyền trên gia phả, trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam thời nay.
Còn có nhiều nghề khác gắn với gia phả dòng họ như nghề làm lược gắn với gia phả họ Nhữ, nghề làm giấy gắn với gia phả họ Nguyễn Cảnh, nghề làm thuốc gắn với gia phả họ Trịnh, họ Lê Hữu…
Nước ta từng có những nhà tiên tri kiệt xuất như mẹ con Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan… Năng lực dự báo tuyệt vời và những sấm truyền của các vị còn được thể hiện trên “Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký” và những cuốn gia phả khác. Song đến nay, việc xác định văn bản gốc ở đấy, thật giả thế nào, còn là vấn đề huyền bí. Gia phả còn là một kho tàng mênh mông, chứa đựng tiềm tàng những tri thức nhiều mặt về hôn nhân gia đình, phong thổ, về kinh tế, về thiên văn, địa lý, phương thuật, đạo đức học, thậm chí cả những vấn đề liên quan đến quốc phòng, đến tài nguyên đất nước. Chẳng hạn như cuốn “Dương tộc thế phả” của họ Dương ở làng Lạt Sơn thuộc tổng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng (tên cũ) thuộc tỉnh Hà Nam Ninh chỉ với 20 trang (từ trang 161 đến 181) đã chứa đựng bao nhiêu tri thức, phản ánh bao nhiêu vấn đề quan trọng về vị trí địa lý, về hình thể đất đai, diện tích, về nông sản hàng năm thu hoạch với những số liệu rất cụ thể, về tài nguyên, lâm, khoáng sản (như đá vôi, xi măng, mỏ vàng, mỏ than, các loại gạch), về ngư sản, về săn bắn, về chăn nuôi, về dân cư, về hội hè đình đám, về tôn giáo (như Phật, Thiên chúa)… thật là bách khoa nhiều mặt mà chính sử không thể chứa đựng hết. Chứng tỏ gia phả xứng đáng để sung cho chính sử.
II. Còn chính sử thế nào, có cần bổ sung không?
Ở Việt Nam, chính sử (sử nhà nước) càng phải bổ sung cấp thiết. Bởi vì không gì mà không cần cẩn thận. Một bộ sử hiện còn, có nhiều mặt đạt đến mức tín sử của vương triều như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, từng qua tay các sử bút già dặn, trang nghiêm của nhiều đời như Ngô Sỹ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức… mà nay vẫn để lại những sai lầm cơ bản chưa được tiền nhân sửa chữa.
Chẳng hạn như lầm cho những thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân Trần Hưng Đạo đánh đắm ở sông Bạch Đằng “gác lên cọc nghiêng đắm gần hết” mà thật ra những thuyền ấy đã bị tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt ở Vân Đồn – Cửa Lục… Bởi vì khác với Trung Quốc, ở Việt Nam thời phong kiến chưa có một khoa khảo chứng học xứng đáng để khảo chứng các tác phẩm sử học. Cũng bởi vì bốn nguyên nhân sau (xét về bản thân chính sử):
1. Ở Việt Nam những nhà sử học có tư cách như Nam Sử Thị, như Đổng Hồ, dám hy sinh vì chân lý khó tìm. Các sử thần thuở ấy phụ thuộc vào kẻ cầm quyền, có nhiều khi “ăn cây nào rào cây ấy” thêm người này, bớt người kia, nên đánh giá nhân vật lịch sử không phải lúc nào cũng công minh. Có những vua chúa phong kiến lại can thiệp quá sâu vào sử sách, bắt sử gia chép theo ý mình, làm sự thực bị méo mó: Như trường hợp Lê Thánh Tông bắt Lê Nghĩa phải dâng “Nhật Lịch”. Chính sử nhà Lê bị khống chế không thể nào nêu rõ các vụ án công thần khai quốc thời đầu Lê. Ngay Lê Thánh Tông có xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi cũng chưa triệt để đi đến tận cùng để phơi bầy ra những thủ phạm thật sự của thảm án Lệ Chi Viên gắn bó thiết thân với bọn tai to mặt lớn thời ấy. Chính sử nhà Nguyễn cũng bị khống chế, phải bóp méo về nhà Tây Sơn, không thực sự làm rõ các vụ án công thần Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường, Lê Chất… có quan hệ sâu sắc với những kẻ cầm quyền đầu sỏ thời ấy như Gia Long, Minh Mạng. Chính sử các triều đại nhìn chung không nói đủ, nói đúng về các cuộc vùng dậy của nhân dân chống cường quyền.
2. Ở Việt Nam sử sách bị tam sao thất bản, vì chiến tranh vì chính sách đồng hóa, thu thập, huỷ hoại sách vở của các vương triều phương Bắc (nhất là nhà Minh). Vì dâu bể thời gian, thiên nhiên nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt – Chính sử vì thế phải chung số phận.
3. Về cách ghi chép: Chính sử phần lớn viết theo thể “biên niên” hoặc “cương mục”, tức là biên chép theo niên đại, đi vào đại cương nên các sự kiện lịch sử ghi chép sơ lược. Trong khi đó, thể “kỷ truyện” ghi chép có đầu cuối đầy đủ hơn lại chỉ tập trung vào một số tác giả như Lê Trắc, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… thôi.
4. Về nội dung: Chính sử chỉ thiên về ghi chép sự hưng vong tan hợp của các triều đại vua quan chính thống, đi vào những mặt chung nhiều hơn mặt riêng. Nhưng đời sống nhân dân và nhiều mặt quan trọng khác quan hệ đến quốc kế dân sinh, bí mật quốc gia bị bỏ trống…
Chính sử cần bổ sung còn vì quan hệ thể loại giữa chính sử với gia phả (xét mối tương tác nội bộ các ngành khoa học với nhau): ở Tây phương, trong cuốn “Lịch sử là gì”, N.A.E.Rêpheep cho rằng: “Gia hệ (cách gọi khác của gia phả) là một trong những bộ phận của chuyên ngành lịch sử. Ở Đông phương như ở Trung Hoa, trong các phần “Kinh tịch chí”, “Nghệ văn chí”, “Thư mục” ở các sách nổi tiếng thời xưa như “Tùy thư”, “Đường thư”, “Tống sử”, “Minh sử”… đều thống nhất xếp gia phả (còn gọi là “Ngọc phả”, “Phả hệ”, “Phả điệp”) vào bộ sử (thuộc một trong bốn bộ “Kinh, Sử, Tử, Tập”). Ở Việt Nam có các ngọc phả hoàng tộc (như “Hoàng triều ngọc điệp” đời Lý, “Hoàng tông ngọc điệp” đời Trần), Lê Quý Đôn đều xếp cả vào “Hiến chương loại” một trong những loại sách quan trọng của sử tịch Đông phương. Vậy quan hệ giữa gia phả với chính sử là quan hệ giữa những thể loại khác nhau thuộc bộ môn sử: Đó là quan hệ nội bộ, tất yếu phải bổ sung cho nhau.
III. Khi nào có quan hệ bổ sung ấy?
Hẳn là phải có mặt cả hai thể loại chính sử – gia phả tương ứng với nhau. Ở Trung Hoa từ các đời Hạ, Thương, Chu đã có sử quan, tức là manh nha đã có chính sử. Gia phả của Trung Hoa bắt nguồn từ chế độ tông pháp của Chu Công Đán (em Võ Vương nhà Chu) với cuốn sách đầu tiên gọi là “Thế bản”. Cuốn “Tả thị xuân thu” của Tả Khâu Minh ghi chép từng thế hệ dòng họ đế vương là sử, mà thực chất là gia phả hoàng tộc. Thời Tấn với việc thực hành chế độ “Cửu phẩm trung chính”, với sự phát đạt của chế độ môn phiệt, bọn hào lý đều muốn phát huy huyết thống nên chú ý khuyến khích người viết về truyền thống các dòng họ. Đời Đường còn giữ “Tùy chí” ghi chép các thế hệ gia phả các thị tộc tất cả 40 loại 360 quyển, gộp cả những sách bấy giờ đã thất lạc là 1280 quyển phần lớn được soạn vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều. Nhưng phải mãi đến đời Tống, thuật ngữ “gia phả” mới thật xuất hiện lần đầu với cuốn “Thần liêu gia phả” của nhà sử học Tư Mã Quang, tương đương với thời đầu nhà Lý ở Việt Nam. Trước thời Lý khó tra khảo nhưng rõ ràng thời Lý ở nước ta, sách vở đã nhắc tới “Sử ký” của Đỗ Thiện. Trong “Đại Việt thông sử”, phần đầu “Nghệ văn chí”, Lê Quý Đôn đã cho biết: Đời Lý Thái Tổ năm thứ 17 (1026) ở nước ta đã xuất hiện cuốn gia phả hoàng tộc: “Hoàng triều ngọc điệp”. Cho nên, ở Việt Nam từ đời Lý trở đi, trong chiều hướng pháp triển của sử học và gia phả học Đông phương (tiêu biểu là Trung Hoa), việc bổ sung cho chính sử của gia phả đã chính thức ra đời.
IV. Các nhà khoa học nước ta đã làm được những gì trong việc bổ sung ấy?
Theo chúng tôi, trước khó tra cứu, tạm xem xét từ thời Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) trở lại đây thì thấy các vị đã làm được một số việc như sau:
1. Bổ sung về kinh tế: Thời xưa, Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”. “Chế độ bổng lộc” đã căn cứ vào gia phả nhà Nguyễn Công Duẩn do người chắt xa đời ông nay cho xem mà biết để đưa ra một thông tin không có ở chính sử là: triều đình Lê sơ ngay cả khi cấp lộc điền cho công thần vẫn bảo vệ ruộng công, chỉ cấp ruộng tuyệt tự và ruộng hoang. Chế độ lộc điền đời Lê sơ do vậy chỉ có tên mà không có thực…
Thời nay, Nguyễn Hồng Mao trong bài viết “Bước đầu tìm hiểu thương nghiệp thế kỷ 10″ đã căn cứ vào “Ngọc phả” đền Đinh với truyền thuyết vùng Bảo Thái (nay thuộc xã Liêm Cần huyện Thanh Liêm) để bổ sung cho vấn đề tài chính tiền tệ triều Đinh mà chính sử không nhắc tới. Ngọc phả cho biết: Khi lên làm vua, Đinh Tiên Hoàng về thăm vùng này truyền xây đền thờ, khi làm xong ban cho 6 hốt vàng để mua ruộng làm hương hỏa phụng thờ… Thần phả vùng Bảo Thái kể Đinh Điền và Đinh Bang về thăm nhà được vua Đinh ban cho 50 lạng vàng. Nguyễn Hồng Mao từ đó cho thấy: vàng bạc thế kỷ 10 đã qui định thành những đơn vị như lạng, hốt, nên có giá trị như một loại tiền, góp phần lưu thông hàng hóa…
2. Bổ sung về văn hóa gồm: Về thi cử: trong “Kiến văn tiểu lục” “chế độ khoa cử”, Lê Quý Đôn căn cứ vào gia phả nhà quan Tư không Nguyễn Danh Thế mà đưa ra được những nét không có trong chính sử: “Khoa Giáp Ngọ” (1594) thi hương trường Sơn Nam, lấy đỗ 84 người và tên ông đứng thứ 19″… Về luật pháp: Trong tác phẩm: “Nguyễn Huệ – Phú Xuân”, Lê Văn Hảo căn cứ vào gia phả họ Lê mà biết được cuốn “Hình Thư” đời Tây Sơn do Thượng thư bộ Hình Lê Công Miến soạn. Trong lúc chính sử phong kiến còn mờ mịt về luật Tây Sơn, thì đây là một thông tin quý. Về y học: Y học các triều đại, đặc biệt là triều Tây Sơn đến nay vẫn còn là một chấm hỏi mà chính sử chưa minh giải rõ ràng. Lê Trần Đức đã căn cứ vào cuốn gia phả họ Nguyễn do cụ Nguyễn Minh Cau, cháu 8 đời của Nguyễn Hoành cất giữ mà cho người đọc sử thấy: Dưới thời Tây Sơn, người lãnh đạo Y tế là Nguyễn Hoành, người Thanh Hóa. Ông Hoành cùng hai con tham gia phong trào Tây Sơn được Quang Trung giao cho tổ chức cục Nam dược, tập hợp các nhà y học nghiên cứu thuốc Nam, biên soạn quyển Nam dược, trình bầy 500 vị thuốc. Ba cha con ông bị quân Nguyễn Ánh ở Thanh Hóa bắt giết…
3. Bổ sung về đời tư nhân vật lịch sử: Chính sử nhất là sử Cương mục, Biên niên khi ghi chép nhân vật thường chỉ đi vào những nét lớn, ở giai đoạn nhân vật còn có vai trò lịch sử với triều đại, nhưng đời tư nhân vật, cuộc sống bình dị lại không được rõ ràng chi tiết. Gia phả dòng họ đã có những bổ sung cần thiết. Như chính sử thường nói tới một nhân vật gọi là Dương Thái hậu, người dâng áo long cổn cho Lê Hoàn trong chiến tranh xâm lược Tống, còn đời tư, thậm chí đến cái tên thật của bà cũng chưa nêu rõ ràng. Đó là cái kẽ hở để cho thời hiện đại có những người cầm bút lợi dụng quyền hư cấu văn học đề cao quá đáng về bà trên tiểu thuyết, sân khấu, điện ảnh… Thêm cho bà, bớt của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, thậm chí vu khống cho hai vị anh hùng có công lớn thống nhất đất nước này là gian thần, tư thông với ngoại bang. Qua tài liệu gia phả họ Ngô, cuốn “Lịch sử họ Ngô Việt Nam” của Ngô Đức Thắng, qua những cuốn gia phả khác như gia phả họ Đinh Danh ở Bình Lăng, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, ta rõ hơn về đời tư của bà Dương Thái hậu (người sau theo văn nghệ hay gọi là Dương Vân Nga) có thể là con gái Dương Tam Kha, lấy Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn (con trai thứ hai của Ngô Quyền và bà Dương thị Như Ngọc), sinh ra Ngô Nhật Khánh, sứ quân Đường Lâm. Đinh Tiên Hoàng bức hàng Nhật Khánh lấy Dương Thái hậu, mẹ Nhật Khánh? Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc, bà mẹ này lại lấy Lê Hoàn… Hoặc như với Nguyễn Trãi, chính sử cũng chỉ cho ta biết một vị khai quốc công thần, bình Ngô khai quốc, người viết thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại Cáo”, người chịu mối hàm oan tru di ba họ… nhưng còn đời tư của ông mịt mờ khó tỏ. Rất may, năm 1977, qua cuốn “Ngô gia thế phả” mới tìm thấy ở Thái Bình công bố trên “Nghiên cứu lịch sử”, Nguyễn Tiến Đoàn, Thanh Vân cho ta thấy một số nét đời tư quan trọng của Nguyễn Trãi qua mối quan hệ giữa ông với Ngô Kính – Ngô Từ, hai nhân vật quan trọng của Lam Sơn khởi nghĩa. Căn cứ vào quyển “Tích khánh đường phả ký” của chi họ Nguyễn Nhữ Soạn ở Thanh Hóa (ông Soạn là em cùng bố khác mẹ với Nguyễn Trãi), Bùi Văn Nguyên trong tác phẩm “Nguyễn Trãi” cho ta biết thiên ái tình Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ… về mối liên quan với phương bắc, cùng lắm chính sử chỉ nói vài nét sơ lược: “Nguyễn Trãi tiễn cha lên ải bắc”, còn cụ thể thế nào thì khó biết. Tháng 8 năm 1963 trên “Nghiên cứu Lịch sử”, giáo sư Văn Tân công bố bài “Nguyễn Trãi có đi sứ Trung Quốc không”. Đây là vấn đề hấp dẫn gây nhiều suy nghĩ, tranh luận. Tác phẩm “Nguyễn Trãi” của Bùi Văn Nguyên cũng hướng về chủ đề ấy. Căn cứ vào gia phả nhà Phạm Anh Võ, ông cho ta biết Nguyễn Trãi đã cùng cha là Nguyễn Phi Khanh và em là Nguyễn Phi Hùng bị giặc Minh giải đi Vạn Sơn Điếm (Hồ Bắc) ở Trung Hoa rồi được chúng thả về. Nguyễn Phi Khanh sống ở Côn Sơn đến chết, chứ không chết ở Trung Quốc… Vài tư liệu này có thể tham khảo rất tốt.
4. Bổ sung về các nhân vật phía nam Việt Nam: Chính sử các vương triều nước ta nói chung chú ý cung cấp cho chúng ta lai lịch các nhân vật Bắc Hà rõ hơn các nhân vật Nam Hà. Đến triều Nguyễn có chú ý các nhân vật Nam Hà hơn nhưng chưa phải đã thoả đáng. Tác phẩm “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt” của Lê Đình Chân đã căn cứ vào gia phả dòng họ Lê Văn để không những cho ta biết lại lịch gốc tích dòng họ Lê Văn Duyệt từ Vĩnh Phú (Bắc Hà) chuyển vào Quảng Ngãi rồi vào Nam Bộ thế nào, còn cho ta biết những bí ẩn trên con người ông, căn nguyên của căn bệnh “ẩn cung”, phong cách, chí khí… của ông…
5. Bổ sung về quan hệ dòng họ, huyết tộc của nhân vật lịch sử: Chính sử thường chỉ nhắc tới bản thân nhân vật lịch sử nhưng lại chưa thể làm rõ tại sao có nhân vật ấy, chất gien truyền nối, tinh hoa của huyết tộc. Thì đây: bài viết của Nguyễn Lương Bích: “Giới thiệu mấy nét về dòng họ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Cừ” ở “Nghiên cứu Lịch sử” số 2/1969… đã căn cứ vào cuốn gia phả dòng họ để góp phần bổ sung cho những thiếu sót ấy vốn có ở chính sử…
6. Bổ sung về các triều đại bị gọi là “ngụy”, là “nhuận triều”‘: Để phục vụ cho chính thống, chính sử thường cố ý không làm rõ, thậm chí có khi xuyên tạc các triều đại đối lập, như các triều đại Hồ, Mạc, Tây Sơn. Ở thời hiện đại đã có những tác phẩm nghiên cứu, thậm chí chiêu tuyết cho các triều đại này dựa trên gia phả. Trong tác phẩm “Nghiên cứu Lịch sử Hải Phòng” số 4 (12) năm 1987, “Chuyên đề vương triều Mạc” hay các kỷ yếu về Vương triều, dòng họ Mạc sau đấy, kể cả tác phẩm Lịch sử vương triều Mạc viết khá công phu của Đinh Khắc Thuân thời gần đây đã thể hiện điều đó. Trước kia nghiên cứu về Tây Sơn nhiều, hiện nay nghiên cứu về nhà Mạc nhiều. Với nhà Hồ, đã có những cuốn gia phả như “Hồ gia hợp tộc phả ký”… đầy giá trị nói về dòng họ Hồ Quý Ly từ tổ tiên Hồ Hưng Dật trở xuống và nhiều cuốn phả khác xứng đáng bổ sung chính sử…
7. Bổ sung cho các nhân vật lịch sử ở giai đoạn vương triều minh bị đánh đổ phải lưu lạc, địa chỉ khó dò: Khi một vương triều bị lật đổ, thì dòng dõi của vương triều đó phải tìm cách ẩn mình vì sợ tân triều trả thù. Thông tin của họ khó dò nên chính sử không ghi được hoặc ghi không đầy đủ, phải nhờ đến gia phả. Như gia phả họ Đinh Danh ở Bình Lăng (Thái Bình) sau sự biến Lê Hoàn – Dương hậu đã cho biết dòng dõi còn lại của Đinh Liễn (con trưởng Đinh Tiên Hoàng) truyền tới Đinh Liệt triều Lê về sau. Hay sau vụ vua Lê Anh Tông Duy Bang bị Trịnh Tùng sai người ám hại, các con mỗi người mỗi nẻo. Năm 1994, chúng tôi về xã Xuân Khánh huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá được xem quyến gia phả nhà cụ Lê Đình Hoan mà biết được một hậu duệ của Thái tử Lê Duy Bách, con Lê Anh Tông chạy về đây sinh ra…
Vấn đề Ngọc Hân công chúa, Bắc cung Hoàng hậu của Nguyễn Huệ, sau khi Tây Sơn đổ từng gây ra suy nghĩ và bàn bạc của nhiều nhà khoa học mà chính sử nhà Nguyễn một vương triều thù địch khó làm ta tin. Về điểm này thì cuốn gia phả họ Nguyễn Đình, chi ngoại của Ngọc Hân công chúa ở làng Phù Ninh (Nành) xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm (Hà Nội) có những chi tiết bổ sung về Ngọc Hân công chúa, về cái chết của bà và hai con (Hoàng tử Văn Đức thọ 11 tuổi, công chúa Ngọc Bảo thọ 13 tuổi) mà “Đại Nam thực lục chính biên” của nhà Nguyễn cũng không ghi cụ thể bằng. Các nhà khoa học như Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phó giáo sư Chu Quang Trứ đã căn cứ vào đấy đưa ra những ý kiến xác đáng…
8. Bổ sung về quân sự: Vấn đề này được chính sử ghi chép khá công phu, phong phú hơn các vấn đề khác. Song vẫn chưa hẳn là thoả đáng. Chẳng hạn ở trận đánh sông Bạch Đằng đời Trần, một trong những trận nổi tiếng nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam cho đến nay vấn đề sông nước, địa hình vẫn là một dấu hỏi mà chính sử chưa làm ta hết thắc mắc. Song nếu tìm vào tộc phả các dòng họ ở đấy, ta sẽ thêm những thông tin đáng kể. Như qua tộc phả họ Vũ ở xứ Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên hay ở Hàng Kênh (khu phố Lê Chân) – Hải Phòng, ta được biết có những người như Vũ Chi Thắng đã theo Trần Quốc Tuấn nghiên cứu địa hình sông nước vùng sông Bạch Đằng và vẽ bản đồ chiến trận cho chủ suý. Tư liệu này đã thể hiện trong bài viết ở tác phẩm “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc” của NXB Quân đội nhân dân 1976.
Vấn đề quân sự học cũng như nhiều vấn đề khác trong sử học đều cần chính xác nên vấn đề định lượng học, số liệu học không thể thiếu được. Gia phả đã góp phần đính chính những năm sai sót về vấn đề ấy cho chính sử. Chính sử triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam chính biên liệt truyện” (và cả một số tác phẩm đầu Nguyễn như “Gia Định thành thống chí” của Trịnh Hoài Đức) đều chép số quân xâm lược Xiêm sang Việt Nam dùng trong trận Xoài Mút – Rạch Gầm là 2 vạn. Tác phẩm “Một số trận quyết chiến chiến lược…” trên đã căn cứ vào “Mạc thị gia phả để đính chính sai sót ấy. Bởi theo “Mạc thị gia phả” của Vũ Thế Định thì tổng số quân xâm lược Xiêm lên tới 5 vạn người vì ngoài đạo quân thuỷ do Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy đã có 2 vạn người, còn có đạo quân bộ do Sa Uyên và Chiêu Thuỳ Biên chỉ huy từ Chân Lạp kéo xuống.
Với các cuộc nội chiến, chính sử càng giải quyết không thoả đáng. Chính sử chưa phân rõ chiến tranh Hùng – Thục với chiến tranh Thục – Triệu, không thấy cuộc đấu tranh Hùng – Thục là nội bộ, thể hiện sự vươn lên tất yếu trong quá trình trưởng thành của dân tộc. Trong “Nghiên cứu Lịch sử” tháng 3, 4 năm 1971 với bài “Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ Hùng Vương, Thục Vương”, Nguyễn Lộc đã trích đoạn cuốn “Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền” viết năm Hồng Đức thứ 1 (1470) để bổ sung vào những thiếu sót đó của chính sử, khẳng định bước tiến từ Hùng Vương đến Thục Vương đánh dấu sự tập hợp ngày càng lớn những cộng đồng người nhỏ, để đáp ứng nhu cầu chống ngoại xâm phát triển sản xuất, khác hẳn quan hệ với Triệu Đà là kẻ xâm lược từ bên ngoài.
Với các cuộc khởi nghĩa của nông dân nhằm lật đổ chính quyền, chính sử thường phủ nhận. Nguyễn Lệ Thi trong bài viết “Tìm hiểu dấu vết Nguyễn Hữu Cầu và cuộc khởi nghĩa của ông” ở Nghiên cứu Lịch sử tháng 7 và 8 năm 1973 đã căn cứ vào cuốn gia phả họ Phạm mà cho ta biết nhiều tư liệu về quê hương thời trẻ của Nguyễn Hữu Cầu, về căn cứ Đồ Sơn của ông mà chính sử không ghi cụ thể.
Với những cuộc nổi dậy chống triều đình ở miền biên viễn thông tin càng khó khăn thì tư liệu càng hiếm, chính sử càng dễ biến báo làm lợi cho bọn cầm quyền. Như cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật, nhà nghiên cứu phải đi xa tìm tòi công phu tại những vùng đất gắn với nước Lào mới rõ, chứ không thể như một số sử thần cầm bút ngồi ở kinh đô. Trần Thanh Tâm trong “Nghiên cứu lịch sử” số 6 năm 1969 với bài “Một số tài liệu bằng chữ viết vừa mới tìm được về mấy cuộc khởi nghĩa miền núi Nghệ Tĩnh” cho thấy gia phả nhiều gia đình ở vùng Trấn Ninh, Trình Quang còn ghi rõ sự kiện: “Khi Hoàng Mật (tức Hoàng tử Lê Duy Mật) vào thành này dân làng cũng đi theo, đến khi thành bị vây, dân đều cùng chịu chết với chúa chứ không chịu phục”… Sự kiện ấy cho ta rõ thêm uy tín lãnh tụ cần vương Lê Duy Mật và nhiều vấn đề khác mà chính sử, nhất là chính sử viết dưới quyền uy của các chúa Trịnh thuở ấy khó ghi chép công bằng.
9. Bổ sung về lịch sử dân tộc học: Các sử gia trước ta viết chính sử phong kiến, với tư tưởng “Nội Hạ ngoại di” chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nên không chú ý ghi chép lịch sử các dân tộc ít người bằng dân tộc Kinh, ở “Nghiên cứu Lịch sử” 8/1963, với bài “Tìm hiểu nguồn gốc lịch sử người Cao Lan”, Lã Văn Lô cho biết ông đã về xã Tân Hương huyện Yên Bình, Yên Bái, căn cứ vào gia phả các dòng họ di cư vào Việt Nam để xác minh quê hương cũ của người Cao Lan là Quảng Đông, Quảng Tây, chủ yếu là vùng Thập Vạn đại sơn gần biên giới Việt – Trung. Việc ông Đặng Nghiêm Vạn trong “Nghiên cứu Lịch sử” 1 – 2/1987 nghiên cứu các họ người Thái trong tổ chức bản Mường cổ truyền cũng có ý nghĩa như việc làm của Lã Văn Lô.
10. Bổ sung để xác minh những vấn đề địa lý học lịch sử: Để tìm hiểu về “Quê hương và căn cứ ban đầu” của Đinh Bộ Lĩnh, nhà Nghiên cứu sử học Nguyễn Văn Trò đã tìm được quyển gia phả của chi họ Nguyễn Bặc ở thôn Vĩnh Ninh để xác định sau khi nhà Đinh thất thế, họ Nguyễn chuyển vào thôn Gia Miếu, huyện Tống Sơn (sau là huyện Hà Trung) tỉnh Thanh Hoá. Đến thế kỷ 17, con cháu mới lại chuyển ra làng Đại Hữu để giữ mộ tổ Nguyễn Bặc. Nó ăn khớp với đôi câu đối ở từ đường họ Nguyễn Bặc:
“Hoa lư kết nghĩa anh hùng chúa
Đại hữu ân khâm tướng quốc công”
Vậy quê hương ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Thúc Dự, Nguyễn Bặc, Đinh Điền chính là Sách Bông thời Đinh và là làng Đại Hữu, xã Gia Phương, tỉnh Ninh Bình…
11. Bổ sung để làm minh xác niên đại: Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, cuốn chính sử nòng cốt của nhà Hậu Lê thì 18 đời họ Hồng Bàng tính từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN gồm 2621 năm, nếu chia cho 18 đời vua thì mỗi ông vua sống được 145 năm, có thể tin được không? Theo “Đại Việt sử lược” thì 18 đời vua chỉ gồm 400 năm, nếu chia 400 năm cho 18 đời vua thì mỗi người chỉ sống 22 năm, hẳn cũng khó chấp nhận? Rất may, cuốn “Ngọc phả” dòng họ các vua Hùng ở đền Hùng (Vĩnh Phú) của Nguyễn Cố cho chúng ta biết một con số đáng tin cậy hơn: Dòng Hùng gồm 18 ngành 50 đời tồn tại 2500 năm nên trung bình mỗi vua sống được: 2500 : 50 = 50 năm dễ tin hơn. Cùng với việc xác định niên đại của thời đại ứng với dòng vua, còn có những xác định thời gian cụ thể khác trong sử sách. Chẳng hạn: xác định thời gian của các cuộc nội chiến chống ngoại xâm. Trong bài viết “Bước đầu hoạt động đấu tranh chống phong kiến của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu” ở “Nghiên cứu Lịch sử” số ” 160 tháng 1, 2 năm 1975, Trương Hữu Quỳnh, Nguyễn Cảnh Minh qua bộ gia phả họ Trần Cảnh, Tham tụng thời Trịnh Doanh và họ Đặng để chứng minh rằng Nguyễn Hữu Cầu từng hoạt động trước năm 1739. Qua gia phả họ Đặng (do Đặng Tiến Đông viết), các vị thấy nông dân Hải Dương nổi dậy đấu tranh từ rất sớm, ít nhất từ đầu đời Vĩnh Hựu, tức là từ năm 1735, chứ không phải bắt đầu đến thời gian Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ khởi nghĩa. Trong bài viết “Chung quanh cái chết của Phan Đình Phùng” ở “Nghiên cứu Lịch sử” số 85 tháng 4 năm 1966, Vũ Văn Tỉnh đã chú thích: Cụ Phan Đình Phùng mất ngày 28 tháng 12 năm 1895 (tức ngày 13 tháng 11 năm Ất Mùi) chứ không phải là ngày 21 tháng 11 năm 1896 như đã chép trong các tác phẩm: “Phan Đình Phùng” (NXB Quân đội nhân dân năm 1960) và “Lịch sử Việt Nam sơ giản” của Văn Tân (NXB sử học 1963). Bài “Về giai đoạn chiến đấu cuối cùng của nghĩa quân Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo” của Mai Hạnh cùng trong số 85 cho thấy theo “Gia phả tập biên” trong đó có “Thế phả họ Phan” ở Thư viện KHXH bản chữ Hán chép tay A. 3075, thì cụ Phan mất đúng vào ngày 13 tháng 11 năm Ất Mùi tức ngày 28 tháng 12 năm 1895 dương lịch.
12. Bổ sung về các vụ án lịch sử bí ẩn, phác tạp: ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện bàn về rất nhiều vụ án chưa được các nhà khoa học dùng gia phả tìm hiểu, dù đã từng chấn động một thời như các vụ án Dương Nhật Lễ, Lê Tư Tề, Lê Nghi Dân… Chính sử từng nói tới vụ Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn chỉ bằng chuyện hão huyền “đêm nằm trên cầu, thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết Vua”. Như vậy còn đơn giản quá, dễ làm ta nghi ngờ: Đỗ Thích thế lực mỏng manh giết vua chỉ đem lại cái chết, còn thì kẻ khác toạ hưởng. Dù là tri thức nông cạn hẳn Đỗ cũng có thể biết như thế. Vậy đằng sau Đỗ Thích là ai? Bản thân chính sử (như “Đại Việt sử ký toàn thư”) cho ta biết vào năm Thái Bình thứ 5 (974) có câu sấm văn: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh”. Như vậy câu này ra đời trước cái năm có sự cố “Đỗ Thích giết vua” (năm 979). Tại sao sấm văn không ra đời sau năm 979 mà lại ra đời trước đó? Phải chăng phe cánh của cái vị gọi là “thánh” này đã chuẩn bị dư luận trước để dọn đường cho việc tiếm đoạt? Tại sao tên sát nhân giết Đinh Tiên Hoàng phải kèm theo giết Đinh Liễn chứ không phải người nào khác? Nó không giết con Dương Thái hậu mà giết Đinh Liễn? Ai cũng biết Đinh Liễn văn võ song toàn, từng giúp vua cha đánh đông dẹp bắc, thống nhất đất nước, Liễn lại là nhà ngoại giao tài ba, có uy tín ở nước ra lẫn Trung Hoa. Vậy có thể nêu ông không bị mưu sát thì khó có chuyện Trung Hoa động binh để cho Lê Hoàn… lập công thêm quyền thêm chức, trăm họ phải chịu đau khổ vì chiến tranh. Dù Đinh Tiên Hoàng có mất nhưng có thể nếu Liễn còn thì với tài ba, uy tín của ông, (người được thử thách trên thực tế chiến trận đối nội đối ngoại đã tỏ rõ) hỏi kẻ nào có thể dễ bề biến ông thành kẻ bù nhìn như Đinh Toàn để dễ bề thoát đoạt? Với Lê Hoàn, một người từng làm thuộc hạ của ông, được ông lựa chọn nâng đỡ thì cái “dễ” đó hẳn không phải là “dễ”: “Tống sử” quyển 438 và “Tục Tư trị thông giám” quyển 10 và 11B cho biết: “Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn đã chết, Lê Hoàn nhiếp chính, dời Đinh Toàn ra nhà khác, cấm cố cả nhà họ Đinh, lên thay thống lĩnh”(3). Nếu là cao cả, nhận áo long cổn, thực lòng vì dân vì nước, làm sao lại có việc làm thiếu nhân tình, thiếu đàng hoàng như vậy? Theo dân gian, trước đây ở đền thờ vua Đinh có tượng Đỗ Thích chịu tội để cho người ra vào đánh. Nhưng sau đó, người ta đem chôn đi. Hẳn dân ở đấy cũng thấy rằng kẻ đáng đánh phải là kẻ chủ mưu thâm độc. Còn Đỗ Thích là kẻ trực tiếp thực hiện, là a tòng hay là người oan, phải xem xét lại? Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm) có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi. Người cứu vua đó hay lại biến thành kẻ giết vua thì quả là khó hiểu, đáng ngờ? Lại có truyền thuyết dân gian vùng quê vua Đinh cho rằng: Đỗ Thích là cận vệ gần gũi vua đến với vua thì thấy vua đã bị giết. Thích giật mình hoảng hốt, đang định kêu lên thì quân phục đổ ra bắt. Thích sợ quá trèo lên máng nước trong cung thì bị bắt giết. Phải chăng có kẻ lừa hoặc xúi dục người khác giết ông hay tham gia vào vụ giết đó dùng ông ta làm vật hy sinh để che giấu tội ác, hay để bịt đầu mối? (Về sự kiện này sẽ có dẫn chứng bằng thơ trình bày ở bài khác…). Với vụ án này vì lương tâm của người cầm bút, tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu bằng mọi tư liệu và suy luận cần tiếp tục tìm ra kẻ thủ phạm dù nó là ai, giải những nỗi hàm oan, không kiêng kỵ để cho lịch sử được công bằng, minh xác. Nếu không giải oan là có tội với tiền nhân với người có công thống nhất non sông.
Còn đời Lê sơ, nổi bật là ba vụ án Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi. Trong đó, vụ Nguyễn Trãi được nhiều người bàn luận nhất, mang cái tên day dứt muôn đời: “Thảm án Lệ Chi Viên”. Để minh oan cho Nguyễn Trãi, từ trước đến giờ, người ta đưa ra nhiều giả thuyết nhưng nổi bật hơn cả là nối suy luận tư biện như: Tưởng tượng ra truyền thuyết rắn báo oán hoặc biện luận đơn giản: Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, có cuộc đời cao cả, trong sạch tất không có việc giết vua… Người ta đã nghĩ đến quan hệ giữa vua Lê Thái Tông hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ với đám vợ vua hay với bọn quan thị, nhất là với Thái hậu Nguyễn Thị Anh, đặt nhiều câu hỏi về bà nhưng xem ra không đủ sức thuyết phục còn hạn chế. Gần đây, tôi được đọc cuốn gia phả họ Đinh ở Đông Cao, Nông Cống, Thanh Hoá do Đinh Công Đột biên soạn. Những dòng hồi ký trong đó của Thái sư Lân Quốc Công Đinh Liệt đã chỉ ra thủ phạm chính của vụ án với những căn cứ đáng kể. Đinh Liệt là người được trực tiếp xử vụ Nguyễn Trãi thì hẳn rằng tư liệu mật ông đưa ra dễ thuyết phục hơn? Những tư liệu ấy, chúng tôi đã công bố trên tuần báo “Đại đoàn kết” số 10 tháng 5 năm 1994 cũng là một hướng góp một phần bổ sung chính sử.
13. Bổ sung về các huyền bí lăng mộ: (Bửu Kế gọi là các vụ “Đào mả lịch sử”): Với lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, chính sử không ghi chi tiết cụ thể. “Ai tự vãn” của Ngọc Hân công chúa có vài nét nói tới mộ giả của ngài:
“Cồn tiên khói toả đỉnh non
Xe rồng thăm thẳm bóng loan dầu dầu”.
“Đại Nam liệt truyện” chỉ cho vài nét: Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (13 tháng 10 năm 1792), quàn 6 tháng sau thì chôn tại phía Nam sông Hương. Sách ấy không xác định rõ vị trí cụ thể của lăng Quang Trung. Gia Long hèn hạ đã sai đào mả Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, giã nát hài cốt vứt đi, đem đầu lâu giam vào ngục tối, ấy thế, nhưng nó vẫn bí mật, gây nhiều suy nghĩ, gợi tò mò khác nào mộ Tào Tháo, mộ Khổng Minh ở Trung Hoa. Trong thời gian làm chủ bút tập san “Đô thành hiếu cổ” (Khoảng năm 1914 — 1944), nhà Việt Nam học người Pháp Cadière đã tìm hiểu lăng Ba Vành ở Huế, nghĩ rằng đây là lăng mộ Quang Trung. Nhưng gia phả họ Lê Xuân lại ghi đó là lăng của “Chánh dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá lý công thần Đặc tiến Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu chính trị Thượng khanh ý Đức hầu Lê Quý Công”. Với những vụ “đào mả” ấy, căn cứ chủ yếu trên gia phả, Bửu Kê đã đi đến kết luận: “Người táng ở ngôi mộ Ba Vành là Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu đời thứ 3 trong gia phả họ Lê Xuân, chứ không phải vua Quang Trung như nhiều người lầm tưởng”.
Chứng tỏ, gia phả xứng đáng là chìa khoá cẩn mật và tuyệt vời nhất, góp phần mở ra, xua tan đám mây sương mờ huyền ảo còn bao phủ quá khứ, lởn vởn rải rác trên mặt chính sử. Từ đấy, bao nhiêu nỗi hàm oan được sáng tỏ, bao nhiêu đời tư thâm cung bí sử được rõ ràng, bao nhiêu mắc mớ khoa học từ đại thể đến chi tiết được giải quyết, làm minh xác… Song chưa phải đã hết. Hẳn vẫn còn những trang, những dòng… trong chính sử khác nào những tấm màn cần tiếp tục vén lên, những ẩn số cần giải mã, và gia phả trong tay con người vẫn là một trong những công cụ cần thiết để tiến hành việc đó, gia phả góp phần mở tuệ nhãn sử học…
(1). Không kể Viện nghiên cứu Hán Nôm có trên 300 cuốn phả, trong dân còn mênh mông có biết bao nhà thờ, bao dòng họ và cả cá nhân có phả, chỉ đơn cử một người trong ban liên lạc họ Nguyễn Bặc như cụ Nguyễn Văn Thành mà đã có trên 50 cuốn phả, ông Lê Duy Chữ ở họ Lê Duy có trên 30 cuốn phả. Vậy trong dân số lượng vạn cuốn hoặc hơn không có gì là lạ cả.
(2). Để làm rõ vấn đề: Nguyễn Kim là con Nguyễn Văn Lưu, tác giả đề nghị cụ Nguyễn Văn Thành, người họ Nguyễn Bặc, chuyên nghiên cứu Nguyễn Tộc có ý kiến. Bài đăng ở trang 93 trong sách Cội nguồn tập II, mời độc giả tìm đọc).
(3). Những sử liệu này trong “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam của Trần Quốc vượng và Hà Văn Tấn NXB Giáo dục in lần thứ 2 năm 1963 trang 181 có trích dẫn.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.