- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21159
- Tổng truy cập: 3,371,303
DƯƠNG KINH CỦA NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG KINH ĐÔ “HƯỚNG NGOẠI” ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
- 480 lượt xem
(GS Trần Quốc Vượng trả lời phỏng vấn nhà báo Hiền Thảo, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 6-11-2004, tr. 2)
Phóng viên (PV): Thưa GS, sau khi lên ngôi vào năm 1527, Mạc Đăng Dung vẫn tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Vậy thành Dương Kinh được xây dựng có ý nghĩa ra sao?
GS Trần Quốc Vượng(TQV): Dương Kinh được nhà Mạc xây dựng sau năm 1527. Đây là quê hương của Mạc Đăng Dung. Theo thông lệ, mỗi vị vua lên ngôi đều đóng đô ở vùng đất “thế rồng bay”. Tuy nhiên ai cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mạc Đăng Dung không nằm ngoài qui luật tình cảm đó. Ngay sau khi lên ngôi, ông tiến hành ngay việc xây dựng Dương Kinh. Và thế là từ một làng đánh cá, khu vực này đã thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc với mô hình giống như kinh đô Thăng Long. Dương Kinh được xây dựng rất đàng hoàng, có điện Hưng Quốc, điện Tướng Quang, điện Phúc Huy… Tất nhiên là không thể lớn và đồ sộ bằng Thăng Long được. Dương Kinh gần biển và được bao bọc giữa hai dòng sông Đa Độ (phía đông) và Văn Uc (phía tây Nam). Mỗi lần vua về Dương Kinh cũng có Bộ Lễ đi theo và các hoạt động cũng diễn ra như ở Thăng Long… Năm 1533, Mạc Đăng Dung nhường ngôi vua rồi làm thượng hoàng, rút về Dương Kinh.
PV: Dương Kinh đã tồn tại được bao lâu? Phải chăng, sau khi đánh bại nhà Mạc, nhà Lê-Trịnh đã san phẳng khu thành quách này?
TQV: năm 1592, khi Trịnh Tùng đuổi được Mạc Mậu Hợp ra khỏi Thăng Long, liền dẫn quân thẳng tới Dương Kinh. Và ngay sau đó, toàn bộ thành quách, kiến trúc của Dương Kinh bị san phẳng. Đó cũng là mặt hạn chế của các triều đại phong kiến Việt Nam. Triều đại sau luôn tàn phá những gì triều đại trước dựng lên. Tuy nhiên, công việc khai quật khảo cổ đã chứng minh sự tồn tại của Dương Kinh. Đó là dấu tích của các khu cung điện, tường thành rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những công trình hoặc hiện vật giá trị nhất của Dương Kinh chính là hệ thống tượng, bia đá của hoàng tộc nhà Mạc được lưu giữ tại những ngôi chùa, đền miếu trong vùng.
PV: Qui mô lớn, gần sát và hướng ra biển là một hiện tượng lạ so với những kiến trúc truyền thống của người Việt. Giáo sư có thể lý giải vấn đề này của Dương Kinh như thế nào?
TQV: Theo sử sách vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI dưới thời cai trị của Lê sơ, chính quyền mục nát, nhân dân cơ cực và đòi hỏi cần phải có người thay thế ổn định tình thế đất nước. Trong tình thế đất nước rối ren như vậy, Mạc Đăng Dung “cướp ngôi”, thiết lập triều Mạc. Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoài. Ông đề cao hoạt động thương mại, và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ. Minh chứng cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…và con tàu đắm ở Cù lao Chàm mới được tìm thấy có nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng nói là các sản phẩm gốm sứ thời mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản xuất và nơi cung tiến.
Tôi cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển, Việt Nam đã có một cuộc cải cách giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm! Dương Kinh chính là sự thể hiện tư tưởng “hướng ngoại” của nhà Mạc.
PV: Những bí mật về Dương Kinh vẫn đang nằm sâu dưới lòng đất.Với con mắt của nhà nghiên cứu, giáo sư có thể cho biết những giá trị đã tìm thấy trong đợt khai quật vừa rồi?
TQV: Có thể nói, nghiên cứu kiến trúc của Dương Kinh là một khó khăn đầy thách thức với các nhà nghiên cứu. Nguyên nhân là khi nhà Trịnh lên thống trị thì những giá trị vật thể của nhà Mạc hầu như bị phá bỏ. Song vẫn còn nhiều kỳ vọng để chúng ta có một kết luận đầy đủ về giai đoạn lịch sử này. Ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, giới khảo cổ và mỹ thuật đã nhìn nhận khách quan về nhà Mạc. Công việc khảo cổ, khai quật được tiến hành vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhìn chung, nền và quy mô các cung điện, thành luỹ đã được các nhà khảo cổ xác định. Hiện nay, công tác nghiên cứu khu vực này vẫn đang được triển khai. Đến Dương Kinh hôm nay, chúng ta vẫn thấy nguyên vẹ tượng chân dung Mạc Đăng Dung và Hoàng Hậu, các chân cột đá có khắc hình cánh sen đặc trưng hoa văn thời Mạc….
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.