- Đang online: 4
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17399
- Tổng truy cập: 3,369,485
Dinh Trấn biên trong lòng đất Phú Yên
- 686 lượt xem
Dinh Trấn biên trong lòng đất Phú Yên
1- Vài nét về lịch sử hình thành dinh Trấn biên
Dinh Trấn biên – thủ phủ đầu tiên của Phú Yên, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Phú Yên thế kỷ 17-18, một thành lũy quân sự bảo vệ an ninh chốn biên thùy trong những ngày đầu mở đất. Thế nhưng hiện nay, khi nói tới dinh Trấn biên nhiều người không biết đó là công trình gì, ở đâu? Thậm chí, một số người còn nhầm lẫn Thành Cũ (dinh Trấn biên) với thành An Thổ (tức Phủ Cũ – xây dựng năm 1829, dưới thời vua Minh Mạng). Điều đó cũng không có gì lạ, bởi hiện nay dinh Trấn biên đã nằm sâu trong lòng sông Cái, còn các bài nghiên cứu về dinh Trấn biên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cho đến thời điểm này, ngoài tấm bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ, bài viết của Phạm Đình Khiêm và Nguyễn Đình Tư, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào khác viết về dinh Trấn biên.
Dinh Trấn biên được xây dựng năm 1629. Đại Nam thực lục tiền biên chép: Năm 1629, “…Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn biên (khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là trấn biên. Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son…” (4, tr56).
Đại Nam nhất thống chí tỉnh Bình Định cũng ghi: “… Năm Kỷ Tỵ thứ 16 đời Hi Tông (Lê Long Đức thứ 1-1629) Văn Phong cấu kết với Chiêm thành làm phản, sai phó tướng Nguyễn Phúc Vinh dẹp được, lập dinh Trấn biên…” (5,tr7).
Đàng Trong khi ấy dưới quyền chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) chia ra 7 dinh: Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử – Quảng Trị), Quảng Bình, Vũ Xá, Bố Chính, Quảng Nam và Trấn biên (Phú Yên).
|
Vị trí xây dựng dinh Trấn Biên năm 1629 trên bờ sông Cái – Ảnh: Hiệp Ngọc |
Mỗi dinh có thể coi như một tỉnh bây giờ. Hành chính có chức quan lưu thủ đứng đầu, quân sự thì có chức quan tuần thủ chỉ huy. Năm 1629, Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ dinh Trấn biên (tức kiêm luôn cả hai chức lưu thủ và tuần thủ). Đại Nam thực lục tiền biên viết về ông: “… Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống, lấy công chúa Ngọc Liên, cho theo quốc tính, sau đổi làm (hệ tính) Nguyễn Hữu)…” (4,tr56). Ông người huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương, Nguyễn Phúc Vinh đã giữ chức trấn thủ ở dinh Trấn biên 15 năm (từ năm 1629 đến cuối năm 1643).
2- Vị trí dinh Trấn biên:
Trong “Bản đồ Vương Quốc Annam” của Linh mục Alexandre de Rhôdes (phiên âm là Alêxan Đắc Lộ, gọi tắt là Đắc Lộ) có vẽ một tỉnh mệnh danh là “Province de Ranran”. Bắc giáp Quy Nhơn (Qui Nhin), Nam giáp Chiêm thành, ngang mũi Varella. Đó chính là tỉnh Phú Yên. Tỉnh ấy được vẽ thành ba nét, ba con sông. Một con sông nhỏ ở phía bắc – đó là sông Cầu, một con sông lớn hơn ở giữa: sông Cái, một con sông lớn nhất ở phía nam – chính là sông Đà Rằng. Thủ phủ của tỉnh này được giáo sĩ vẽ trên bờ con sông ở giữa, tức sông Cái, ở chỗ gần đổ ra biển, giáo sĩ ghi là “Dinh Phoan”. Đây chính là Dinh Phú An, hay Dinh Trấn biên lập năm 1629. Theo các sử liệu truyền giáo, giáo sĩ Đắc Lộ đã từng có mặt tại dinh Trấn biên năm 1641-1642. Bản đồ của ông in tại La Mã năm 1653, chắc chắn là bản đồ vẽ trong thời gian ở Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định: Dinh Phoan chính là dinh Trấn biên, cũng chính là di tích Thành Cũ, được xây dựng trên bờ sông Cái (Tuy An) năm 1629.
Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều nhân tố, vị trí dinh Trấn biên hiện nay đã thay đổi so với bản vẽ của giáo sĩ Đắc Lộ năm 1653.
Năm 1959, khi đi khảo sát, Phạm Đình Khiêm nhận thấy”…địa điểm Dinh Phoan được vẽ bên tả ngạn sông Cái tức là ở bờ Bắc, mà khi quan sát tại chỗ, chúng tôi lại thấy vị trí ngược lại: con sông Cái chảy ở phía Bắc, còn xóm Thành Cũ lại ở phía nam…” (8,tr89). Vì sao có sự khác nhau đó? Điều này đã sớm được làm rõ: nguyên trước kia, nhánh chính của con sông Cái chảy ở phía nam thành, còn ở phía bắc chỉ có một nhánh rất nhỏ. Thời gian sau đó, nhân dân đắp đập trên nhánh sông Cái ở ngang núi Sơn Chà, ngăn nước làm ruộng, do đó nước chảy dồn cả về nhánh nhỏ ở phía bắc, khiến nhánh này lâu dần thành lớn, còn nhánh ở phía nam thì ngày càng thu hẹp lại, nay chỉ còn là một con sông cụt, hẹp lòng, nhưng rất sâu. Do sự biến chuyển của dòng sông, mà chỗ di tích dinh Trấn biên, lẽ ra ở phía bắc sông Cái nay hóa ra lại ở phía nam. Năm 2005, khi đi khảo sát dinh Trấn biên, chúng tôi thấy cách lý giải của Phạm Đình Khiêm là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên về tên gọi vị trí dinh Trấn biên, chúng tôi cho rằng Phạm Đình Khiêm đã có sự nhầm lẫn. Năm 1959, khi về Tuy An để khảo sát viết bài, Phạm Đình Khiêm cho rằng, thành được xây ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây. Vì thế, ông dùng cụm từ “Thành cổ Hội Phú”, vừa để chỉ di tích, vừa chỉ vị trí xây thành.
Việc định vị dinh Trấn biên khá phức tạp, bởi hiện nay toàn bộ di tích đã nằm dưới lòng sông Cái. Hiện chỉ có duy nhất bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ vẽ cách đây hơn 350 năm, thời gian đủ để cho một dòng sông đổi dòng, uốn khúc. Vùng đất xây dựng dinh Trấn biên xưa, nay chỉ còn trơ lại một dải cát ven sông. Chúng tôi tìm thấy một ít gạch đá xây thành do nhân dân đào hồ để nuôi tôm lấy lên. Sau khi cho rằng, đây có thể từng là nơi xây dựng dinh Trấn biên xưa, chúng tôi dùng máy định vị (của Sở khoa học và công nghệ Phú Yên) để xác định tọa độ. Nơi đó có tọa độ Y 130.35’78’’ và X 1090.23’35’’5, cách nhánh sông cụt khoảng 1.500m đường chim bay và cách Thành An Thổ (tức Phủ cũ) khoảng 1.300m về phía Đông Nam. Điều này hoàn toàn hợp lý. Bởi vị trí này cũng trùng với địa điểm xóm Thành Cũ (thuộc thôn Bình Thạnh. Nếu cho rằng, mỗi chiều của thành dài 300m thì Thành cũng không nằm ở thôn Hội Phú. Vì so với vị trí xác định được thì dinh Trấn biên cách xa thôn Hội Phú khoảng trên 1km đường chim bay.
Quan sát địa điểm xây thành, chúng tôi thấy, dinh Trấn biên được xây ở vùng tương đối đông dân, lại gần cửa biển (Tiên Châu). Vì thế, việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, vũ khí bằng đường thủy khá dễ dàng. Giáo sĩ Đắc Lộ và các quan đều theo cửa biển Tiên Châu để vào dinh Trấn biên.
Qua những điều đã khảo sát; có thể kết luận: dinh Trấn biên đã từng được xây dựng tại một địa điểm thuộc xóm Thành Cũ ở thôn Bình Thạnh. Nó không nằm ở thôn Hội Phú như Phạm Đình Khiêm đã từng viết và nhiều người vẫn lầm tưởng lâu nay.
Về vật liệu xây dựng thành, những vết tích còn lại cho thấy, thành được xây dựng bằng đá đen, gạch mỏng, nhồi với vôi và cát. Trong thời kỳ Cần Vương chống Pháp, các văn thân đã lấy đá, gạch ở Thành để xây nghĩa trang cho các chiến sĩ tử trận, nhân dân gọi là Nghĩa trũng. Vì thế, địa điểm dinh Trấn biên cũng chính là địa điểm Nghĩa trũng.
Trong quá trình tồn tại, dinh Trấn biên đã có những đóng góp nhất định.
3- Vai trò dinh Trấn biên với vùng đất Phú Yên xưa
Có thể nói, việc xây dựng Trấn biên dinh đã góp phần bảo vệ an ninh chốn biên thùy.
Về quân sự, dinh Trấn biên là một căn cứ quân sự quan trọng để trấn an biên thùy. Hiện nay, gần thôn Thành Cũ còn có xóm Thủy, rất có thể đây là căn cứ thủy quân của dinh Trấn biên dưới thời Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh và Tôn Thất An. Căn cứ này là điều có thực, bởi năm 1641, giáo sĩ Alexandre de Rhodes khi đến giảng đạo ở đây có ghi rằng: “…tại Phú An (Ranran) nhà vương có nhiều chiến thuyền, để phòng ngừa những cuộc xâm lấn của Chiêm thành, ở giáp giới tỉnh này..” (8,tr93).
Cuối năm 1643, Nguyễn Phúc Vinh (lúc này đã ngoài 80 tuổi), đã chuyển về ở Quảng Nam, người đến thay thế ông là Phó tướng Tôn Thất An. Trong thời gian trấn thủ dinh Trấn biên, Tôn Thất An đã lập chiến công xuất sắc.
Nếu như dưới thời Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, dinh Trấn biên được xây dựng và chủ yếu đóng vai trò phòng thủ, thì dưới thời Phó tướng Tôn Thất An, lực lượng dinh Trấn biên ngày càng tăng trưởng và không bao lâu sâu đã chuyển sang thế công. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục chép: năm 1653 “… vua nước Chiêm thành là Bà Tấm quấy rối đất Phú Yên, sai cai cơ Hùng lộc hầu làm tổng binh và xá sai Minh võ làm tham mưu đem 3.000 quân đi đánh. Đến phủ Phú Yên ngày 3 tháng 4, nhân đêm qua đèo Hố dương, núi Thạch bi, ruổi thẳng đến trại Ba Tấm, phóng lửa, đuổi gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang…” (2,tr56).
Đại Nam thực lực tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi: “…Bấy giờ (1653) có vua nước Chiêm thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, sai cai cơ Hùng Lộc (không rõ họ), làm thống binh, xá sai Minh Vũ (không rõ họ) làm tham mưu, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch…” (i4,tr38).
Năm năm sau, năm 1658, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “…Mậu Tuất, tháng 9, Phúc Tần lấy cớ vua Cao miên là Nặc Chân lấn bờ cõi, sai phó tướng dinh Trấn biên là Yên võ hầu cai đội là Xuân thắng hầu, tham mưu là Minh lộc hầu, câu kê là Văn lĩnh bá đem 3.000 quân đi đánh miền Nam…” (2,tr58).
Tôn Thất An làm phó tướng dinh Trấn biên khoảng trên 20 năm (1643-1664). Năm 1664 ông chuyển về Chính Dinh. Chúng ta biết được điều này nhờ một sự kiện xảy ra trong Phủ chúa mà Đại Nam thực lục tiền biên đã ghi lại: “Giáp Thìn, năm thứ 16 (1664), tháng 6, chưởng dinh tiết chế đạo Lưu đồn là Nguyễn Hữ Tiến ốm, dâng biểu xin về. Chúa không biết dùng ai thay được cùng các tướng bàn định, Tôn Thất Yên thưa xin dùng Nguyễn Hữu Dật…” (4,tr109).
Sau khi Tôn Thất An chuyển về Chính Dinh, không thấy sử sách nói ai thay ông nắm quyền ở dinh Trấn biên. Cả cái tên dinh Trấn biên thay bằng dinh Phú Yên năm nào cũng không ai rõ. Chỉ biết năm 1688, Phủ Biên tạp lục ghi: Chúa Nguyễn Phúc Trân “sai phó tướng dinh Trấn biên là Vạn long hầu làm thống binh… thủ hợp Chính dinh là Văn Vy làm tham mưu vào cửa biển Mỹ Tho… đánh phá lũy của Hoàng Tiến…” (2,tr63).
Như vậy, đến năm 1688 Phú Yên không còn làm nhiệm vụ trấn biên nữa, nhiệm vụ này đã được đẩy sâu vào cho các tỉnh ở đàng trong. Tuy nhiên, thời gian sau đó Phú Yên vẫn là địa bàn đứng chân vững chắc, tạo thế và lực cho các chúa Nguyễn tiếp tục nhiệm vụ mở đất về phía Nam.
Đại Nam thực lục tiền biên ghi: năm 1689, “…Chúa bèn sai Hữu Hào làm thống binh… Nguyễn Thắng Sơn làm tiên phong, kén thêm quân ở Phú Yên, Thái Khanh và Phan Rí để tiến đánh Chân Lạp…” (4,tr141).
Một điều hết sức đặc biệt là với việc xây dựng dinh Trấn biên, sự ra đời của tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện cho các chúa Nguyễn thực hiện Tây tiến. Do vị trí của mình, Phú Yên được triều đình ủy cho nhiệm vụ nhận các cống phẩm của vua Thủy (P’taoEa) và vua Lửa (P.taoPui). Đại Nam thực lục tiền biên chép: “…Thủy Xá và Hỏa Xá vào cống…. Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với Phú Yên, cứ năm năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến…” (4,tr21).
Phủ biên tạp lục cũng ghi: “…Năm năm một lần, chúa Nguyễn sai cai đội Phú Yên làm chánh phó sứ đem cho áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo gang, bát sứ các vật và thu thuế cống”. Vua nước ấy “soạn ngay các thứ kỳ nam, sáp ong, lộc nhung, tê giác, mật gấu, voi đực giao cho sứ giả đem về dâng (chúa)” (2,tr123).
Đại Nam thực lục tiền biên chép, năm Tân Mão (1711), đời chúa Nguyễn Phúc Chu: “…Đôn vương và Nga vương ở hai rợ Nam Bàn và Trà Lai (sau gọi là Jarai), (giáp với Phú Yên và Bình Định) sai sứ đến dâng vật phẩm địa phương… chúa cho Ký thuộc là Kiêm Đức đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho họ áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ…” (4,tr172).
Nghiêm Thẩm viết trong giáo trình về Bộ lạc Jarai: “…Từ năm 1558, hai vị thủ lĩnh của Thủy Xá và Hỏa Xá đã chịu thần phục các chúa Nguyễn ở Huế. Cứ 3 năm một lần hai vị thủ lĩnh này mang cống vật đến tỉnh Phú Yên, cho đến cuối thế kỷ XIX các vua Thủy Xá và Hỏa Xá vẫn gửi cống vật đến triều đình Huế…” (3,tr76).
Đào Duy Anh cũng viết: “Ở miền Tây Phú Yên và Khánh Hòa thì hai bộ lạc lớn Hỏa Xá và Thủy Xá đã triều cống chúa Nguyễn từ khi họ Nguyễn mới lập nghiệp ở miền Thuận Quảng… mỗi lần triều chống thì nhà Nguyễn lại thường cấp rất hậu để mong giữ những bộ lạc ấy làm phên dậu đối với nước Cao Miên ở phía Tây…” (1,tr212).
Có thể nói, mối quan hệ giữa Phú Yên với các đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã có từ lâu trong lịch sử.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên
Không chỉ làm nhiệm vụ Trấn biên, Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi đóng vai trò trung gian giữa các chúa Nguyễn với cùng cao Thủy Xá, Hỏa Xá, góp phần làm cho mối quan hệ này ngày càng trở nên thân thiện hơn.
Về phương diện tôn giáo, ngay trong dinh Trấn biên, một nhà nguyên công cộng đã được xây dựng, đó là xứ đao đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Công đầu này thuộc về vợ quan Trấn thủ Nguyễn Phúc vinh, công chúa Ngọc Liên. Bà là người sùng đạo, tên Thánh của bà là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na (Maria Madeileine). Bà là người sáng lập ngôi nhà thương đầu tiên để săn sóc, cứu chữa các bệnh nhân, đồng thời lo việc cứu giúp các linh hồn. Lịch sử Giáo đoàn miền Nam lưu danh một vị tử vì đạo đầu tiên là thầy giảng Andre Phú Yên. Chính tại dinh Trấn biên năm 1641, ông được nhập đạo do giáo sĩ Alexandre de Rhodes rửa tội, rồi ba năm sau, chính tại dinh Trấn Quảng Nam, ông được phúc tử đạo.
Chỉ mười tám năm sau khi thành lập (1611) phủ Phú Yên được nâng cấp thành dinh Trấn biên (1629). Với việc nâng cấp từ một phủ thông thường lên một dinh Trấn biên cho thấy vùng đất Phú Yên bắt đầu đảm nhiệm một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phòng thủ chốn biên thùy, đồng thời giữ vị trí trọng yếu trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng và cương vực của đất nước.
Như vậy, vùng đất Phú Yên đã làm nhiệm vụ Trấn biên gần 200 năm (tính từ sau 1471 đến năm 1658). Năm 1689, Định Tường trở thành dinh Trấn biên, Phú Yên không còn giữ vai trò tiền phong như trước nữa. Nhưng vị trí và vai trò của nó trong các thế kỷ XVII, XVIII cũng đã quá đủ để đáng có một trang riêng trong lịch sử đất nước, một trang quan trọng đặc biệt. Và chúng ta, thế hệ hậu sinh cần hiểu biết gìn giữ và trân trọng quá khứ, mặc dù hiện nay dinh Trấn biên không còn nữa.
Th.S NGUYỄN THỊ NGỌC HIỆP
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa, HN.
2. Lê Quý Đôn toàn tập, t.1 (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb KHXH, HN.
3- Nguyễn Thị Hiệp Ngọc (2005), Phú Yên dưới thời các chúa Nguyễn (1578-1773), Luận văn Thạch sĩ Khoa học, Khoa sử, ĐHKH Huế.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, HN.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, NXB KHXH, HN.
6. Nguyễn Đình Tư (1964), Giang sơn Việt Nam, đây non nước Phú Yên, Nxb Tiền Giang.
7. Phạm Đình Khiêm (1959), “Từ đèo Cả đến sông Gianh hay là theo dấu hai bà Ngọc…. Ngọc Đỉnh”. Văn hóa nguyệt san (4) tr882-902.
8. Phạm Đình Khiêm (1960), “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ 17”. Tạp chí Khảo cổ tập san (t1) tr71-96.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.