- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19687
- Tổng truy cập: 3,370,769
CHÙA TRÀ PHƯƠNG, NƠI PHỤNG THỜ TƯỢNG THÁI HOÀNG THÁI HẬU VŨ THỊ NGỌC TOÀN 800
- 621 lượt xem
CHÙA TRÀ PHƯƠNG, NƠI PHỤNG THỜ TƯỢNG THÁI HOÀNG THÁI HẬU VŨ THỊ NGỌC TOÀN
Chùa Trà Phương được xây dựng tại thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Chùa Trà Phương cách trung tâm huyện lỵ Kiến Thụy khoảng 6 km về hướng Tây. Chùa Trà Phương là tên gọi địa phương nơi có ngôi chùa tọa lạc, thuộc làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy ngoại thành Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Theo nhiều tài liệu, văn bia, cùng truyền sử địa phương, chùa còn có tên nôm là chùa Bà Đanh, vốn có tự lâu đời. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử – mỹ thuật đoán định, ngôi chùa làng Trà Phương lúc ban đầu mang tên Bà Đanh có thể được khởi dựng vào thời Lý (1010-1225), qua dấu tích một số di vật đá còn sót lại trong khuôn viên hiện nay của chùa, đặc biệt có 3 chiếc chân tảng bằng đá xanh, chạm hình cánh sen chưa bị huỷ hoại.
Chùa Trà Phương thực sự nổi tiếng ở vùng Duyên Hải từ khi Mạc Đăng Dung xuất thân từ dân chài xứ Đông (Hải Dương cũ), từng bước làm quan to trong chiều, rồi lên ngôi vua năm Đinh Hợi (1527), bà Vũ Thị Ngọc Tòan được phong làm Hoàng Hậu. Ngạn ngữ địa phương lưu truyền câu: “Cổ Trai đế vương – Trà Phương công chúa” để chỉ về mối quan hệ giữa Mạc Đăng Dung và bà Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà Phương. Khi lên ngôi vua Mạc Thái Tổ đã cho di chuyển ngôi chùa Bà Đanh cũ về địa điểm hiện nay, ven đầm cổng phủ cũ.
Đến thời Mạc, thế kỷ 16, chùa Trà Phương trải qua một đợt trùng tu lớn. Truyền ngôn tại địa phương kể rằng, khi Mạc Đăng Dung còn thủa hàn vi, trong một lần bị truy sát, nhờ ẩn nấp trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn. Khi dựng lên đế nghiệp, nhớ ơn cứu mạng che chở của chùa, Mạc Đăng Dung đã ban chiếu cho trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự.
Qua tư liệu ghi chép trên tấm bia đá “Tu tạo Bà Đanh tự” khắc vào năm Thuần Phúc sơ niên (1562), đời vua Mạc Mẫu Hợp cho biết, người đứng chủ hưng công lại chùa Bà Đanh là Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, người làng Trà Phương đã cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa tại vị trí hiện nay.
Người được giao nhiệm vụ xây cất là viên Thái giám Mạc Chúc Hiên, khi xây cất xong, chùa có qui mô rộng lớn với nhiều tòa ngang dãy dọc và đã trở thành một sơn môn lớn của xứ Đông, tiếng chuông chùa vang xa trăm dặm, tín đồ muôn phương tấp nập tìm về. Nhiều lần, vị quốc sư của triều Mạc đã về đây giảng kinh thuyết pháp.
Sau năm 1592, nhà Lê Trung hưng trở lại, chùa Trà Phương cùng nhiều công trình kiến trúc vang bóng một thời trên vùng đất Dương Kinh nhà Mạc đã bị phá hủy nặng nề. Sang thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20, chùa Trà Phương đã được trùng tu lại. Do vậy, chùa hiện nay mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với nhiều mảng chạm khắc rất điển hình.
Chùa Trà Phương có mặt chính quay hướng Tây Nam, có con đường giao thông liên xã chạy từ huyện lỵ Núi Đối đi qua. Toàn bộ công trình kiến trúc trong khuôn viên rộng rãi của ngôi chùa bao gồm: Tòa điện phật, tòa thờ các vị sư tổ, nhà khách, nhà bia, sân vườn và kiến trúc cổng chùa. Kiến trúc cổng chùa được làm theo kiểu nhất môn phỏng dáng dấp một ngôi lầu nhỏ có 2 tầng đao nóc, chính giữa tầng lầu đề tên chữ của ngôi chùa Thiên Phúc Tự. Qua lối sân nhỏ lát gạch cổ tạo thành lối đi, dẫn chân quý khách đến một vườn cây xanh bóng mát, nhà văn bia ở mé trái con đường dẫn từ cổng chùa vào. Nhà bia được xây cất theo kiểu ngọc lộ, chứa 2 tấm bia nội dung đều liên quan đến việc tu tạo, công đức tiền, rộng vào ngôi chùa Bà Đanh tức Thiên phúc tự sau này. Đặc biệt hai bên thành bậc nhà bia có trang trí đôi sấu đá được tạo dáng theo lối tượng tròn, một trong những sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Mạc thế kỷ 16 còn lại hiện nay ở Hải Phòng.
Tòa điện phật trước đây là một kiến trúc gỗ hoàn chỉnh kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian bái đường, 3 gian chuôi vồ, nay chỉ còn 3 gian bái đường, 3 gian chuôi vồ. Kết cấu vì nóc kiểu “kẻ chồng giá chiêng”. Cột cái liên kết với cột quân trong mỗi vì bằng 5 thanh kẻ lớn đặt so le nhau qua những đấu kệ gỗ. Thân đấu kệ tạo gò cách điệu hình lá guột mềm mại, chòm trên bề mặt đấu kệ 5 thanh hoành mái được nâng đỡ bởi hệ thống đầu kệ này. Phần cung chuôi vồ: thay vì cho kết cấu nóc mái kiểu cột trốn ngồi trên hoành gian như vẫn thường gặp ở nhiều kiến trúc quen thuộc là một kết cấu vì nóc mái kiểu biến thể mái nóc kiểu vỏ cua Hội An.
Trong chùa hiện nay còn gìn giữ được nhiều di vật quí, đặc biệt là các di vật mang phong cách nghệ thuật thời Mạc thế kỷ 16 như tượng vua Mạc Đăng Dung, tượng Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá và các bia ký. Thông qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã xếp những di vật này vào một giai đoạn riêng của nền mỹ thuật Việt Nam mang ý nghĩa là những cột mốc đánh dấu một sự thay đổi to lớn trên bình diện xã hội, phản ánh tài năng sáng tạo của những người thợ thủ công, những nghệ sỹ dân gian hồi thế kỷ 16, thời kỳ vương triều Mạc còn trị vì đất nước.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa Trà Phương là một cơ sở tôn giáo giúp đỡ rất tích cực như đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm thuốc chữa bệnh, hưởng ứng Tuần lễ vàng, nơi hội họp của các tổ chức yêu nước.
Năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Sưu tầm: Hoàng Sơn Hiền
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.