- Đang online: 2
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 13469
- Tổng truy cập: 3,367,954
CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- 9197 lượt xem
PGS.TS. Trần Thị Vinh
Viện Sử học
Nhà Mạc tồn tại với tư cách là một vương triều từ năm 1527 đến 1592, gồm 65 năm. Trong 65 năm tồn tại, vương triều Mạc đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực và đã được giới nghiên cứu đánh giá, nhìn nhận từ hơn hai thập kỷ nay[1]. Vương triều Mạc cũng như những vương triều khác đóng đô ở Thăng Long, vừa góp công xây dựng kinh thành Thăng Long thành kinh đô của đất nước, vừa lấy Thăng Long là nơi đặt trụ sở cho chính quyền cai trị của mình.
Ngay từ khi thành lập, nhà Mạc đã phải đương đầu với nhiều thế lực xã hội khác nhau, đặc biệt là những thế lực chống đối của nhà Lê và nhất là lòng người khi đó vẫn còn “nhớ về vua cũ” nên nhà Mạc chưa có được một cơ sở xã hội thật vững chắc cho sự tồn tại, song trong hơn nửa thế kỷ tồn tại, nhà Mạc cũng đã xây dựng được một bộ máy nhà nước với các cấp chính quyền riêng biệt của một triều đại.
Buổi ban đầu, khi chính quyền hãy còn trong trứng nước, vì sợ lòng người “nhớ về vua cũ”, dễ sinh biến loạn, nên sách lược của nhà Mạc là mọi việc vẫn phải tuân theo pháp độ của triều Lê[2]. Tuy nhiên, chỉ sang năm sau (1528), Mạc Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới đã cho thay đổi một số qui định chiểu theo phép tắc của nhà Mạc. Tháng giêng năm Mậu Tý (1528), Mạc Đăng Dung đã cho đúc tiền, ban hành cho các xứ để thông dụng[3]. Tháng 10 năm đó, Mạc Đăng Dung lại ý muốn thay đổi thêm, mới sai bề tôi là Quốc Hiến bàn định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt ra bốn vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô ; năm phủ cùng các vệ sở trong ngoài với các ty sở thuộc[4]. Nhưng tên của các ty (Thừa ty, Đô ty, Hiến ty) và tên quan cùng số nhân viên binh lính các nha môn thì vẫn phỏng theo quan chế của triều Lê[5].
Hình thành trong hoàn cảnh đất nước phức tạp, luôn xảy ra chiến sự giữa các phe phái đối lập và chỉ quản lý được một nửa đất nước từ Thanh Hoá trở ra nên trước hết nhà Mạc phải chú ý tới việc củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng quân đội và sau đó chỉ cho thay đổi đôi chút về khu vực hành chính thuộc quyền quản lý của mình. Bốn vệ vừa đặt thì nhà Mạc đã cho binh lính của các xứ lệ thuộc vào, như binh trấn xứ Hải Dương thuộc vào vệ Hưng Quốc, binh trấn xứ Sơn Nam thuộc vào vệ Chiêu Vũ, binh trấn xứ Sơn Tây thuộc vào vệ Cẩm Y và binh trấn xứ Kinh Bắc thuộc vào vệ Kim Ngô[6]. Mỗi vệ cho đặt một viên thư ký, dùng hạng ký lục xuất thân trước kia vào làm, như là bổ các chức thủ lĩnh mục dân vậy. Nhà Mạc còn cho chia bổ các ty, mỗi ty đặt một viên Chỉ huy Sứ, một viên Chỉ huy Đồng tri và một viên Chỉ huy Thiêm sự[7].
1. Chính quyền trung ương
Về tổ chức bộ máy nhà nước ở triều đình, chắc chắn nhà Mạc vẫn phải tuân theo pháp độ của nhà Lê, chỉ có cơ cấu quan chức làm việc trong chính quyền nhà nước là có thay đổi đôi chút, vì ngoài số ít quí tộc dòng họ Mạc mới lên (nhà Mạc xuất thân từ tầng lớp bình dân) thì số trí thức cũ của nhà Lê theo nhà Mạc không nhiều, nên nhà Mạc phải mở nhiều khoa thi để tranh giành kẻ sĩ với nhà Lê và để có thêm nhân sĩ mới vào giúp việc triều đình.
Theo tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước thời Lê thì ở triều đình trung ương trên cùng là vua, dưới vua không có chức tể tướng như các triều Lý, Trần mà vua Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức này từ năm 1471. Dưới vua là sáu bộ. Sáu bộ này được đặt đầy đủ từ thời Lê Nghi Dân (năm 1460)[8]. Cùng với sáu bộ có sáu khoa, gồm: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Năm 1465, Lê Thánh Tông đổi sáu bộ làm sáu viện và đổi tên các khoa cho phù hợp với với tên các viện, lần lượt là: Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa và Công khoa. Năm sau (1466), sáu viện lại được đổi trở lại thành sáu bộ và đặt thêm sáu tự là Đại lý tự, Thái thường tư, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự[9]. Cùng với sáu bộ, sáu khoa, sáu tự còn có các cơ quan giúp việc nhà vua như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Đông các… Từ trước khi vua Lê Thánh Tông ban bố “Hiệu định quan chế” (năm 1471) thì ở trên hai ban văn võ trong triều còn có một số trọng chức như: Bình chương tướng quốc và các chức trong hàng Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo). Nhưng khi nhà Mạc lên, mọi việc tuân theo pháp độ của nhà Lê thì chắc là theo pháp độ của thời Lê Thánh Tông nên chức quan tương đương với chức Tể tướng thì không còn mà chỉ còn các chức trong hàng Tam thái. Theo danh sách thăng trật và ban tước của nhà Mạc vào tháng 2 năm 1428 thì những chức trong hàng Tam thái gồm có Nguyễn quốc Hiền làm Thái bảo Lâm quốc công, Mạc Quốc Trinh làm Thái sư, Lâm quốc công và một loạt người giữ chức Thiếu bảo như Nguyễn Thì Ung, Trần Phỉ, Khuất Quỳnh Cửu, Nguyễn Bỉnh Đức, Phạm Gia Mô, Phan Đình Tá, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Mậu, Hà Cảnh Đạo, Mạc Ích Trưng, Nguyễn Tuệ, Nguyễn Địch, Phạm Chính Nghị, Nguyễn Chuyên Mỹ, Nguyễn Độ, Lê Quang Bí, Nguyễn Điển Kính, Nguyễn Hậu Liêm[10]…
Như vậy, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước ở trung ương vào thời Mạc trên cùng cũng là vua và dưới vua là các chức quan trong hàng Tam thái rồi đến sáu bộ, bên cạnh sáu bộ có sáu khoa và sáu tự. Sáu bộ có nhiệm vụ chia nhau trông coi và thừa hành mọi công việc trong nước. Sáu khoa kiểm soát việc làm của sáu bộ. Còn sáu tự đặt ra là để trông coi những công việc phụ không thuộc quyền hạn của sáu bộ. Ngoài ra còn có các cơ quan giúp việc nhà vua như Ngự sử đài, Hàn Lâm viện, Đông các…
Dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến nhà Mạc bị coi là nhuận triều nên trong các bộ sử cũ không thấy ghi tên các bộ và các cơ quan khác của thời Mạc, nhưng theo nguồn tư liệu trên văn bia Mạc đương thời[11] có nhắc tới tên các bộ và chức quan đứng đầu bộ và các chức quan trong các cơ quan giúp việc triều đình, như bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Lại, bộ Công, bộ Hình, Thượng thư, Thị lang, Đông các… Ví dụ: Bia ký đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu tên chữ là Minh Đức Tam niên đề danh ký[12] lập vào tháng 11 năm Minh Đức 3 (1429) ghi việc vua Mạc khi ngự điện ra đề thi, có sai các bề tôi giúp việc trong đó có Mạc Ninh Chính làm chức Binh bộ thượng thư và các quan Độc quyển như Nguyễn Thanh làm chức Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ, Đinh Thận làm chức Lại bộ thượng thư, Quốc Tử giám tế tửu… Và người soạn bài văn trên tấm bia này là bề tôi của triều Mạc, người họ Nguyễn, chức Đồng đức công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Lễ bộ thượng thư, Thái tử Thái bảo, Đông các đại học sĩ. Nhiều bia khác cũng ghi tên người khắc bia giữ những chức đứng đầu các bộ, như: Bia chùa Dương Nham, động Kính Chủ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tên chữ là Trùng tu Dương Nham tự thạch bi[13] soạn vào ngày 15 tháng 4 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3 (1532) có ghi tên người soạn văn bia là Vũ Cán, tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ thượng thư. Hoặc bia chùa Cự Linh, xã Thanh Liêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, tên chữ là Cự Linh tự bi[14], soạn vào tháng trọng xuân, năm Giáp Ngọ, niên hiệu Đại Chính 5 (1534), có ghi người soạn văn bia là Nguyễn Văn Thái, Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất ( 1505), chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ thượng thư. Bia cầu Mỗi Nhu, tại chợ xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tên chữ là Tu phục Mỗi nhu kiều bi minh[15], dựng vào tháng trọng xuân, năm Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành 3 (1580), có ghi tên người soạn văn bia là Đỗ Uông, Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556), chức Công bộ Tả thị lang, kiêm Đông các đại học sĩ triều liệt đại phu Tu Thận doãn, Hồng phúc Tùng viện. Bia vách đá động Bối Am, xã Thụy Khê, huyện Quốc Oai (Hà Nội) tên chữ là Hiển động am bi ký[16], dựng vào ngày 25 tháng 7 năm Hồng Ninh 2 (1592), có ghi tên người soạn bia là Nguyễn Khắc Kiệm chức Hình bộ thị lang.
Các cơ quan giúp việc triều đình như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Đông các, Quốc Tử Giám… cũng được ghi trong văn bia thời Mạc. Đa phần những người soạn văn bia thời Mạc đều là những nho sinh đỗ tiến sĩ và nhiều người từng giữ những chức Thượng thư, Thị lang các bộ, kiêm Đông các đại học sĩ, Hàn lâm viện, Giám sinh Quốc tử Giám… Như bia chùa Hồng Phúc, xã Xuân Ổ, huyện Võ Giàng (nay thuộc Bắc Ninh) tên chữ là Hồng phúc tự hồng chung bi[17], dựng ngày 25 tháng 10 năm Đoan Thái sơ niên (1586) do Mai Công Cẩn chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư, Hàn lâm viện thị độc chưởng Hàn lâm viện sự, tước An Trương hầu soạn. Bia chùa Linh Quang, xã An Đạo, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, tên chữ là Linh Quang tự bi ký[18] dựng ngày 15, tháng giêng, năm Hưng Trị thứ 4 (1591), có ghi tên người soan văn bia là Phan Ngọc Tỉnh, Giám sinh Quốc Tử Giám. Hoặc bia chùa Đại Đồng, xã Cẩm Viên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, tên chữ là Đại Đồng linh am nhị tự thị đình khê kiều bi[19] có ghi tên người soạn văn bia là Chu Đức Chính, là Quốc Tử sinh Quốc Tử Giám. Bia chùa Thiên Phúc, xã Đa Phúc, huyện Quốc Oai (Hà Nội) tên chữ là Thuỷ các bổ kinh bi[20] có ghi tên người khắc bia là Nguyễn Bá Thuật, trong Xá sinh Quốc Tử Giám. Bia Sùng Ninh, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định, tên chữ là Sùng Ninh tự bi[21] dựng ngày lành tháng Quí xuân, năm Canh Dần (1530) có ghi người soạn văn bia là Vũ Đoan, tiến sĩ khoa Quí Mùi (1523) chức Mậu lâm lang Hàn lâm viện Kiểm thảo. Có người giữ chức Thượng thư bộ Binh đã soạn tới 5 văn bia thời Mạc đó là Tiến sĩ Đỗ Uông như vừa nêu trên.
Như vậy, mặc dù biên niên sử không ghi chép cụ thể về tổ chức chính quyền cũng như các cơ quan trong bộ máy nhà nước thời Mạc, song tư liệu trên văn bia đương thời đã cung cấp thêm những thông tin quan trọng về điều này. Dưới đây chúng ta có thể phác thảo được sơ đồ về tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước ở trung ương thời Mạc như sau:
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG THỜI MẠC
2. Chính quyền địa phương
Tổ chức chính quyền các cấp ở địa phương thời Mạc về cơ bản cũng vẫn giữ nguyên như thời Lê sơ. Vào năm 1541 (sau 14 năm nhà Mạc lên nắm quyền), lúc vua Minh phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty Đô thống sứ, có lưu ý tới đất 13 lộ được chiếu theo tên đất cũ[22].
Vào đầu thời Lê sơ, cả nước được chia làm 5 đạo (Đông đạo, Bắc đạo, Tây đạo, Nam đạo và Hải Tây đạo), mỗi đạo ấy được kiêm nhiếp nhiều lộ và trấn. Ví dụ: Đông đạo gồm các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách thượng, Nam Sách hạ và trấn An Bang.
Dưới lộ, trấn là cấp phủ, châu, huyện và xã. Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông đã cho chia 5 đạo được đặt từ thời Lê Thái Tổ làm 12 đạo (Thuận Hoá, Nghệ An, Thanh Hoá, Thiên Trường, Quốc Oai, Hưng Hoá, Nam Sách, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn). Khu vực đất kinh kỳ (huyện Quảng Đức và Thọ Xương) đặt là phủ Trung Đô trực thuộc triều đình. Đơn vị hành chính trung gian như trấn, lộ đến đây bị bãi bỏ. Dưới đạo chỉ còn cấp phủ, châu, huyện và xã.
Năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ trong nước thì vẫn chia nước làm 12 đạo Thừa tuyên nhưng đã cho gộp và đổi tên một số đạo thành những đạo sau: Thuận Hoá, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Lạng Sơn và Ninh Sóc. Còn phủ Trung đô ở kinh kỳ thì cho đổi thành phủ Phụng Thiên[23].
Năm 1471, sau khi có thêm được vùng đất phía nam, vua Lê Thánh Tông mới cho đặt thêm một đạo nữa là đạo Quảng Nam[24]. Như vậy, cả nước cho đến cuối thế kỷ XV có tất cả 13 đạo Thừa tuyên.
Vào thời Mạc, đất 13 lộ được chiếu theo tên cũ mà sách Đại việt sử ký toàn thư ghi ở trên chắc là tên của 13 đạo Thừa tuyên vừa được đặt từ thời Lê Thánh Tông, vì từ thời Lê Thánh Tông không còn đơn vị lộ nữa, nhà Mạc giữ nguyên những đơn vị hành chính của thời Lê chắc là giữ theo tên các đạo Thừa tuyên của thời Lê Thánh Tông chứ không thể theo tên đạo của đầu thời Lê trước kia được. Tư liệu trên bia thời Mạc cũng cho biết điều này. Ví dụ: Bia chùa Bảo quang, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tên chữ là Trùng tu Bảo quang tự bi ki[25] dựng vào tháng tư, năm Đoan Thái 2 (1587) có ghi người soạn văn bia là Lê Hạng, tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1438) giữ chức Gia hạnh đại phu, Tán trị Thừa tuyên sứ ty, Thừa tuyên sứ. Hoặc bia đình xã Lam Cẩu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tên chữ là Nghênh phúc bi ký[26] dựng năm Hưng Trị 4 (1591) có ghi tên quan viên cúng ruộng làm cầu đình là Nguyễn Văn Cự, tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1577) chức Gia hạnh đại phu, Thừa tuyên sứ Thừa tuyên sứ ty đạo Kinh Bắc.
Cũng theo tư liệu trên bia thời Mạc thì đúng là nhà Mạc đã dùng đơn vị hành chính đứng đầu cấp chính quyền địa phương là đạo và tên gọi cụ thể của một số đạo thời Mạc là: Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Hưng Hoá, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Ninh Sóc, Thanh Hoá, Quảng Nam… Những tên đạo thời Mạc như vậy vẫn giữ tên đạo cũ của thời Lê Thánh Tông.
Dưới đạo là phủ, huyện và xã. Trong văn bia cũng ghi nhiều về những đơn vị hành chính cấp huyện và xã. Đặc biệt văn bia còn ghi thêm một đơn vị hành chính mới là cấp tổng nối liền giữa cấp huyện vã xã. Như bia Thuỷ các bổ kinh bi[27] tại chùa Thiên Phúc, xã Đa Phúc, huyện Quốc Oai (Hà Nội) dựng vào tháng 3, năm Đại chính thứ 9 (1538) có ghi về địa danh tổng: “… dân xã Lật Sài, tổng… huyện Ninh Sơn kè đá ao sen, làm cho cảnh chùa mới đẹp”. Hoặc bia Tiên hiền từ bi[28] dựng ngày 25 tháng 2, năm Sùng Khang thứ 9 (1574) tại xã Ninh Duy, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có ghi về hội tư văn của huyện gồm các vị trong 11 tổng, đó là các tổng : Đông Cát, Động Hàm, Kim Đới, Văn Thị, Lật Khê, Kim Thanh, Yên Tử hạ, Tân Duy, Cẩm Khê, Tự Tân và Xuân Úc. Vào gần cuối triều Mạc, tên tổng vẫn còn thịnh hành và vẫn là đơn vị trung gian giữa huyện và xã, như bia Hồng Khánh tự điền bi kí[29] dựng năm Kỷ Sửu, Hưng Trị 2 (1589) tại chùa Hồng Khánh, xã Đốc Hành, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã ghi tên các tín vãi của xã có đề cập đến địa danh tổng thuộc huyện như : “Tín vãi hội chủ các xã, tổng, thuộc huyện Tân Minh gồm Vũ Mệnh, tự Huệ Chính, Đinh Tử Văn và thập phương tín thí cung cúng gia tài mua ruộng tư một sào tại xứ Cổ Chu, xã Kì Vĩ làm ruộng tam bảo chùa Hồng Khánh xã Đốc Hành”. Một số bia khác còn ghi cả chức “Trùm tổng”, “Tổng chính” chứng tỏ tổng đã trở thành đơn vị hành chính thực thụ ở cơ sở nối liền giữa huyện và xã.
Tư liệu trên bia thời Mạc còn cho biết thêm đơn vị nữa là giáp. Đơn vị giáp không phải đến thời Mạc mới có mà đã có từ các thời kỳ trước, nhưng ở thời Mạc văn bia đã ghi rất rõ về những tên giáp trong các xã, thôn thời Mạc mà ở các thời kỳ trước tài liệu chỉ thông tin một cách gián tiếp. Ví dụ: Chuông chùa Tư Phúc, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tên chữ là Tư Phúc tự tạo hồng chung[30] đúc vào năm Giáp Thìn, niên hiệu Quảng Hoà 4 (1545) có ghi các vị tín thí trong xã thuộc những giáp như sau: Giáp Tây Nam (29 vị), giáp Chính Đông (24 vị), giáp Tây Bắc (28 vị), giáp Đông Nam (20 vị) và giáp Đông Bắc (15 vị). Bia chùa Nghiêm Quang, xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tên chữ là Nghiêm Quang tự[31] dựng vào ngày 23 tháng 4 năm Sùng Khang 5 (1570) có ghi tên các giáp trong thôn Mỹ Long là giáp Đông, giáp Trung, giáp Nam có bao nhiêu vị góp công vào việc dựng lại hướng chùa. Tiếp đến bia chùa Ứng Xá, xã Thụy Ứng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay Hà Nội) tên chữ là Ứng Xá tự bi[32] dựng vào năm Sùng Khang 7 (1572) có ghi tên các giáp có các vị làm thôn trưởng, xã trưởng là: giáp Ứng Tự, giáp Ứng Tây, giáp Ngoại Đông, giáp Ngoại Tây, giáp Trung Đông, giáp Trung Tây, giáp Áng Đông, Áng Tây và giáp Áng Bắc. Bia đình xã Trừng Hoài, huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình tên chữ là Câu tác tân đình bi ký[33] dựng năm Diên Thành 8 (1585) đã ghi tên 142 quan viên của ba giáp trong thôn Thượng Liên Đông, xã Trừng Hoài tham gia dựng đình mới là: giáp Nhất, giáp Nhị và giáp Tam. Có xã, văn bia còn ghi cụ thể tên của từng giáp có các sãi vãi làm hội chủ hưng công tu bổ xây dựng chùa, như bia chùa An Dưỡng, xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên tên chữ là An Dưỡng tự bi[34] dựng vào ngày 1 tháng 3 năm Hưng Trị 2 (1589) ghi tất cả tám giáp có người hưng công trong xã là: giáp Chính Đông, giáp Đông Trung, giáp Chính Tây, giáp Tây trung, giáp Chính Nam, giáp Nam Trung, giáp Chính Bắc và giáp Bắc Trung.
Từ nguồn tư liệu ghi trên bia Mạc chúng ta cũng có thể biết được trong một tổng của thời Mạc bao gồm nhiều xã và mỗi xã trung bình có khoảng 3 đến 4 thôn, mỗi thôn trung bình có khoảng từ 3 đến 4 giáp, mỗi giáp trung bình có khoảng từ 30-40 hộ và mỗi xã trung bình có khoảng từ 80 đến 100 hộ[35]. Với số lượng người và hộ trong xã như vậy ở thời Mạc chứng tỏ số dân cư trong các làng xã mà nhà Mạc quản lý không nhiều bằng thời Lê Thánh Tông trước đó, chỉ tương đương với cấp tiểu xã của thời Lê Thánh Tông[36].
Tại mỗi đơn vị hành chính của cấp chính quyền cơ sở từ đạo trở xuống, nhà Mạc đều cho đặt các quan đến trấn trị. Vào thời Lê Thánh Tông, quyền hành ở các đạo được phân chia và cho thống thuộc vào ba ty: Thừa ty phụ trách về hành chính, tài chính và tư pháp; Đô ty coi việc quân; Hiến ty coi việc xét xử kiện tụng và giám sát công việc trong đạo. Nhà Mạc cũng vẫn đặt 3 ty ở các đạo như thời Lê sơ. Quan chức làm việc ở Đạo thì có chức Giám sát Ngự sử, Tham chính; ở phủ có chức Phủ sĩ; ở huyện có Huyện thừa, Tri huyện; ở tổng có Tổng chính, Trùm tổng, ở xã có Xã trưởng, Xã sử, Xã chính và ở thôn có Thôn trưởng[37]. Tại những vùng xa xôi, nhà Mạc còn cử những quan lại tin cẩn của triều đình đến cai quản như Nguyễn Khắc Cần, tiến sĩ khoa Bính Tuất (1586) làm Giám sát ngự sử đạo Thanh Hoa[38], Đồng Dần Tiến, tiến sĩ khoa Nhâm Tuất(1562) làm Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam…[39]
Tuy nhiên, trong thực tế nhà Mạc mới chỉ quản lý được vùng đất từ Thanh Hoá trở ra, từ Thanh Hoá trở vào (bao gồm cả vùng Thuận Hoá – Quảng Nam) địa phận nhà Lê và con cháu Nguyễn Kim đang hoạt động, muốn hay không nhà Mạc không có thực quyền và việc quản lý tại đây tỏ ra còn lỏng lẻo. Tại vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Mạc, uy thế của nhà Mạc có sức nặng hơn cả là vùng đất phát tích của dòng họ Mạc ở Kiến An (Hải Phòng) và Dương Kinh. Vùng đất này nhà Mạc cho kiểm soát nghiêm ngặt hơn những địa phương khác. Mặc dù vậy, chính quyền cấp địa phương thời Mạc cũng đã được tổ chức theo một hệ thống từ trên xuống dưới như sau :
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG THỜI MẠC
Như vậy, về đại thể, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước thời Mạc nhà Mạc vẫn phỏng theo tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước của thời Lê sơ, cụ thể là thời Lê Thánh Tông, vì lúc đó nhà Mạc đang bận rộn nhiều về chiến sự chưa thể thay đổi được nhiều mà chỉ thay đổi đôi chút cho phù hợp với tình hình mới. Mặc dù còn phỏng theo cách thức của nhà Lê, song công việc quản lý đất nước cũng như việc kiểm soát giữa các cấp chính quyền của thời Mạc không ngặt nghèo như thời Lê Thánh Tông. Vào thời Lê Thánh Tông, năm 1471 khi nhà vua sửa định “Hoàng triều quan chế” có ban chỉ dụ cho quan viên văn võ và nhân dân rằng: “Đất đai bờ cõi ngày nay so với trước khác nhau nhiều lắm, không thể không thi quyền chế tác, hết đạo biến thông. Ở trong quân vệ đông đúc thì 5 phủ chia nhau để giữ… Ở ngoài thì 13 đạo Thừa tuyên cùng tổng binh coi giữ địa phương… Công việc liên lạc, ràng buộc lẫn nhau”[40]. Còn dưới thời Mạc, hệ thống chính quyền từ trung ương tới địa phương không có sự ràng buộc chặt chẽ như thời Lê sơ, một phần do sự thông thoáng cởi mở từ phía nhà nước về mặt tư tưởng và một phần quan trọng hơn là do tình hình chiến sự xảy ra liên miên ở thời kỳ này, nhà Mạc chỉ đủ sức quản lý vùng đất thuộc quyền kiểm soát của mình với những đơn vị hành chính có sẵn từ trước chứ nhà Mạc không thể kiểm soát chặt chẽ và cai quản toàn bộ đất nước từ trên xuống dưới như thời Lê được. Đó cũng là nét riêng biệt của nhà Mạc.
CHÚ THÍCH
[1] Bắt đầu từ năm 1985 với “Hội thảo khoa học nhân kỷ niêm 400 năm ngày mất của Nguyễn BỉnhKhiêm” tại Hải Phòng… Năm 1991 “Hội thảo Khoa học kỷ niệm 500 sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm” tại Tp Hồ Chí Minh… Từ năm 1991, Viện Sử học tiến hành nghiên cứu về nhà Mạc, kết quả đăng một chuyên san trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 1991 và công bố cuốn Vương triều Mạc (1527 – 1592) năm 1996. Sau đó, lần lượt nhiều cuốn sách khác về nhà Mạc, tư liệu dịch bia thời Mạc được công bố, đều đánh giá nhà Mạc theo nhận thức mới.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, (Bản dịch), Nxb KHXH, 1973, Tập IV, tr. 120.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 121.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 122.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 122.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 122.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 122.
[8] Đầu thời Lê, Lê Thái Tổ khi lên ngôi mới đặt 2 bộ: bộ Lại và bộ Lễ.
[9] Việt sử thông giám cương mục, q. 20, tập I, Bản dịch, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 988.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 120-121.
[11] Những tư liệu quí đương thời trên bia Mạc được tác giả Đinh Khắc Thuân sưu tập, khảo cứu và dịch chú in thành tập sách với tiêu đề Văn bia thời Mạc, Nxb KHXH, năm 1996.
[12] Xem Đinh Khắc Thuân (sưu tập, khảo cứu và dịch chú), Văn bia thời Mạc, Nxb KHXH, Hà Nội, 1996, tr. 32.
[13] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 42.
[14] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 45.
[15] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 210.
[16] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 343
[17] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 251.
[18] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 329.
[19] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 327.
[20] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 57.
[21] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 39.
[22] Đại việt sử ký toàn thư, Tập IV, Sđd, tr. 133.
[23] Việt sử thông giám cương mục, q. 21, tập I, Sđd, tr. 1035-1036.
[24] Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tr. 1065.
[25] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 266-268.
[26] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 330-331.
[27] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 55-57.
[28] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 166-168.
[29] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 289-230.
[30] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 343- 349.
[31] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 340- 345.
[32] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 157-159.
[33] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 240-241.
[34] Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 292-294.
[35] Theo thống kê của Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 25.
[36] Năm 1490, Lê Thánh Tông định Đại xã gồm 500 hộ trở lên, Trung xã 300 hộ và Tiểu xã 100 hộ trở lên.
[37] Những chức quan này đều được ghi trong Văn bia thời Mạc.
[38] Bia chùa Bảo Khánh, xã Yên Tử hạ, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 330-331.
[39] Bia chùa Đồng Quất, xã An Từ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Đinh Khắc Thuân, Sđd, tr. 107-109.
[40] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Sđd, 1972, tr. 210.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.