- Đang online: 3
- Hôm qua: 675
- Tuần nay: 16212
- Tổng truy cập: 3,369,274
BIÊN SOẠN VÀ GIẢNG DẠY VỀ NHÀ MẠC – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA.
- 453 lượt xem
BIÊN SOẠN VÀ GIẢNG DẠY VỀ NHÀ MẠC –
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA.
Th.S Nguyễn Thị Bình Minh – Khoa Lịch sử – ĐH Vinh
1. Trong xu thế đổi mới, trước yêu cầu xem xét, đánh giá một cách công bằng, khách quan các sự kiện lịch sử, những nhân vật, những triều đại lịch sử với những đóng góp của họ đối với dân tộc, nhưng lâu nay lại tồn tại nhiều quan điểm đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, giới sử học Việt Nam đã tổ chức một số hội thảo khoa học về Nhà Hồ, Nhà Nguyễn, Nhà Mạc…Qua đó đã góp phần làm sáng rõ một số nhận thức, quan điểm lịch sử về vị trí, vai trò, những đóng góp, hạn chế của các triều đại ấy đối với lịch sử dân tộc. Trên tinh thần đó, những công trình nghiên cứu, những hội thảo khoa học về Nhà Mạc trong những thập kỷ gần đây cũng đã đi đến nhận định rằng: Việc nhà Mạc thành lập là phù hợp với quy luật lịch sử khi mà nhà Lê đã suy yếu và yêu cầu lịch sử đặt ra là phải có một triều đại mới, tiến bộ hơn để thay thế. Chính vì vậy “Trong 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có những cống hiến nhất định cho lịch sử dân tộc, làm được nhiều việc hợp lòng dân như dẹp tất cả các cuộc nổi loạn cát cứ ở các địa phương, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế thương mại, phát triển ngành nghề thủ công; mở rông quan hệ kinh tế, văn hóa với nhiều nước châu Á, châu Âu, chăm lo thi cử để tuyển nhân tài. Xã hội Đại Việt thời Mạc đi dần vào thế ổn định”[5]. Với sự đánh giá khách quan về công lao cũng như hạn chế của nhà Mạc đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã đồng ý đưa công trình đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại Cổ Trai – Kiến Thuỵ vào danh mục các công trình quốc gia hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
2. Những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử dân tộc nói chung và về nhà Mạc nói riêng đã từng bước được đề cập đến trong việc xây dựng chương trình giảng dạy và biên soạn giáo trình, bài giảng ở các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường sư phạm. Giáo trình Lịch sử Việt Nam, tập III, Từ đầu thế kỷ XVI đến năm 1858, do PGS, TS Nguyễn Cảnh Minh chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2008 đã có những đổi mới khi viết về nhà Mạc thành lập và những chính sách của nhà Mạc. Qua đó, các tác giả đã làm rõ hoàn cảnh ra đời của nhà Mạc, những chính sách của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội…Đặc biệt, những chính sách nổi bật về công thương nghiệp và văn hóa của Nhà Mạc được đánh giá là cởi mở, phóng khoáng, có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển. Tuy nhiên, những nội dung trình bày về nhà Mạc nằm trong mục 2 của phần I – Sự sụp đổ của nhà Lê Sơ và các cuộc chiến tranh phong kiến; về vị trí, vai trò của Nhà Mạc, với tư cách là một vương triều mới, tiến bộ hơn thay thế cho vương triều cũ là nhà Lê sơ đã suy tàn, chưa thực sự nổi rõ.
Trong quá trình biên soạn chương trình, giáo trình, bài giảng lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử, trường Đại học Vinh cũng đã cố gắng cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới vào nội dung giảng dạy và học tập cho sinh viên, đặc biệt là các lớp sư phạm lịch sử. Trong chương trình đào tạo chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, chúng tôi đã đưa vào giảng dạy chuyên đề về Nhà Mạc trong lịch sử. Qua đó góp phần cho người học tiếp cận những thành tựu nghiên cứu mới về nhà Mạc, về những đóng góp, những hạn chế, về vai trò, vị trí của nhà Mạc trong lịch sử… Từ những kiến thức đó, người học, đặc biệt là sinh viên sư phạm không chỉ bổ sung, củng cố kiến thức của mình, mà còn nắm vững phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, nhất là trong việc nhìn nhận, đánh giá một sự kiện lịch sử, một nhân vật, một triều đại …trong điều kiện lịch sử cụ thể.
3. Trên thực tế, các công trình nghiên cứu, các bộ giáo trình, bài giảng của các nhà khoa học, các giảng viên đại học đã có những cố gắng nhất định trong việc cập nhật những thành quả nghiên cứu mới về Nhà Mạc, làm cho người học có những nhìn nhận mới mẻ hơn, khách quan và công bằng hơn đối với triều đại này. Tuy nhiên, việc biên soạn chương trình sách giáo khoa và giảng dạy về nhà Mạc ở các trường phổ thông thì còn nhiều điều bất cập cần phải được xem xét lại.
Trước hết, trong chương trình lịch sử Trung học cơ sở, sách giáo khoa Lịch sử 7, bài 22: Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỷ XVI – XVIII), mục II – các cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn – sự thành lập nhà Mạc được trình bày vắn tắt với 3 dòng trong mục 1[1; 107]. Nhìn chung nội dung của bài học chủ yếu tập trung vào việc trình bày về các cuộc chiến tranh phong kiến: chiến tranh Nam – Bắc triều, chiến tranh Trịnh – Nguyễn với những hậu quả nặng nề của nó đối với lịch sử dân tộc.
Ở bài 23: Kinh tế, văn hóa thế kỷ XVI – XVIII, trình bày một cách khái quát tình hình kinh tế nước ta trong thời gian này, không đi sâu vào những chính sách và tình hình kinh tế – văn hóa trong từng thời kỳ tồn tại của các chính quyền thời Mạc, thời Lê – Trịnh – Nguyễn…Tuy nhiên, trong phần kinh tế nông nghiệp, các tác giả cũng đã đưa vào được một nhận xét: “Ở Đàng Ngoài, khi chưa diến ra chiến tranh Nam – Bắc triều, Thời Mạc Đăng Dung được mùa, nhà nhà no đủ”[1; 109]. Ở đây, cần phải lưu ý rằng thời Mạc, cục diện nước ta lúc này là cục diện Nam – Bắc triều chứ chưa phân liệt Đàng Trong – Đàng Ngoài, nên diễn đạt như trên là chưa chính xác. Điều cần lưu ý nữa là trong SGK7 đã trình bày về những thành quả kinh tế – văn hóa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nhưng chủ yếu là dưới thời Lê – Trịnh – Nguyễn, còn thời Mạc thì không được đề cập đến hoặc chỉ có một dòng như đã nêu ở trên. Trên thực tế, những kết quả nghiên cứu về nhà Mạc đã cho thấy rằng dưới thời Mạc kinh tế công thương nghiệp, văn hóa (nhất là khoa cử) có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, điều đó chưa được thể hiện trong nội dung bài học.
Trong chương trình lịch sử Trung học phổ thông, sách giáo khoa Lịch sử 10, bài 21, mục 1 trình bày về sự sụp đổ của triều Lê sơ. Nhà Mạc được thành lập. Trong phần này, các tác giả đã trình bày về hoàn cảnh ra đời của nhà Mạc để làm nổi bật tính tất yếu của sự hình thành triều đại phong kiến mới này khi mà triều đại cũ đã suy yếu, hết vai trò lịch sử. Tuy nhiên, phần trình bày về các chính sách của nhà Mạc lại được viết chung chung, chưa làm nổi bật những nét mới, tích cực trong những chính sách kinh tế – văn hóa của nhà Mạc. Phần trình bày về chính sách đối ngoại của nhà Mạc còn sơ sài, nên kết luận rằng “vương triều Mạc không còn được sự tin tưởng của nhân dân” ở cuối mục 1 còn thiếu sức thuyết phục, chưa thực sự khách quan. Điều lưu ý ở đây là phần trình bày về nhà Mạc chỉ là 1 trong 4 mục của bài 21: Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỷ XVI – XVIII, nên nội dung bài học cũng chưa làm nổi bật được vai trò và những đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc, nhất là trong thời kỳ lịch sử đầy biến động từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII.
4. Từ việc tìm hiểu tình hình biên soạn và giảng dạy về nhà Mạc như thực tế đã nêu trên, một số vấn đề được đặt ra là:
– Sự cần thiết phải đổi mới nội dung biên soạn và giảng dạy những vấn đề lịch sử về nhà Mạc trên tinh thần cập nhật những thành quả nghiên cứu mới với những đánh giá, nhìn nhận khách quan, công bằng về sự thành lập nhà Mạc, về những chính sách của nhà Mạc và những đóng góp, những hạn chế của triều đại này đối với lịch sử dân tộc. Đây là một yêu cầu cấp thiết đối với việc giảng dạy lịch sử ở đại học, cao đẳng, đặc biệt ở các trường phổ thông nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, xây dựng tinh thần yêu quê hương đất nước đối với thế hệ trẻ.
– Trong việc biên soạn, giảng dạy lịch sử, nhất là về sự thăng trầm của các triều đại phong kiến Việt Nam, cần có sự thống nhất về cách viết, cách dùng từ để tránh đi theo lối mòn, giúp người học có những nhìn nhận khách quan hơn. Ví dụ, khi trình bày về sự thành lập nhà Hồ, nhà Mạc, rõ ràng đây là một tất yếu lịch sử khi triều đại cũ đã suy yếu, bất lực trước những nhiệm vụ lịch sử, thì việc thành lập triều đại mới với những chính sách tiến bộ sẽ góp phần thúc đẩy lịch sử phát triển. Tuy nhiên, khi trình bày về những sự kiện này, nhìn chung nhiều người viết còn chịu ảnh hưởng của quan điểm của các sử gia phong kiến trước đây, hoặc trình bày còn chưa thực sự khách quan: SGK Lịch sử 7 viết: “Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc”[1; 107]. Trong khi đó, khi nói về sự thành lập nhà Hồ lại được viết thành: “năm 1400, ông phế truất vua Trần và lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Ngu – nhà Hồ được thành lập”[1; 77]…Rõ ràng, cùng một hiện tượng của nhà Hồ, nhà Mạc mà sử cũ chép là “cướp ngôi”, nhưng trong SGK Lịch sử 7 lại trình bày về sự thành lập hai triều đại này với hai cách khác nhau như vậy là thiếu khách quan. Hoặc trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, cũng có đoạn viết rằng: “thời gian Mạc Đăng Dung chuẩn bị cướp ngôi nhà Lê, nhiều cựu thần nhà Lê đã tỏ thái độ phản kháng kịch liệt”[4; 210]…Nên chăng trình bày về sự thành lập nhà Mạc như SGK Lịch sử 10 viết là tương đối khách quan : “Sau khi dẹp yên các thế lực phong kiến khác, nhận thấy sự bất lực và suy sụp của dòng họ Lê, Mặc Đăng Dung bắt vua Lê nhường ngôi và thành lập triều đại mới – triều Mạc”[2; 106].
– Cần phải biên soạn về nhà Mạc với những nội dung lịch sử tương xứng với vai trò, vị trí và những đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc trong sự tương quan với các vương triều trước và sau đó. Trên thực tế, phần biên soạn và giảng dạy về nhà Mạc ở trường phổ thông còn hạn chế, chủ yếu trình bày về các cuộc chiến tranh phong kiến. Vì vậy, cần thiết phải có những nội dung lịch sử về nhà Mạc: sự thành lập, những chính sách của nhà Mạc, tình hình kinh tế – xã hội nước ta dưới thời Mạc…nhằm làm sáng tỏ hơn những đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc.
– Về các cuộc chiến tranh phong kiến ở thế kỷ XVI, XVII, việc đưa những nội dung lịch sử này vào SGK là cần thiết nhằm làm nổi bật những biến động phức tạp trong tình hình chính trị đương thời và hậu quả nặng nề của những cuộc chiến tranh đó đối với dân tộc. Tuy nhiên, khi trình bày về những sự kiện này, cần nêu khái quát, không sa vào chi tiết các trận tấn công…Cần làm nổi bật nguyên nhân, các giai đoạn và hậu quả của các cuộc chiến tranh đó. Điều đáng lưu ý là trong SGK Lịch sử 7, 10 đều chưa làm rõ được mốc thời gian của cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều. SGK Lịch sử 7 viết: “Hai tập đoàn phong kiến đánh nhau liên miên, dai dẳng hơn 50 năm”[1; 107]; SGK Lịch sử 10 viết: “Chiến tranh Nam – Bắc triều bùng nổ, kéo dài cho đến cuối thế kỷ XVI”[2; 107]. Nên chăng cần có sự thống nhất về thời gian của cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều.
Tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc tại Kiến Thụy–Hải Phòng ngày 18-7-1994, Giáo sư sử học, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam kết luận và kiến nghị: Nên xóa bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác[5].Điều đó được đặt ra không chỉ trong giới nghiên cứu lịch sử, mà còn rất cần thiết trong việc biên soạn giáo trình, bài giảng, sách giáo khoa và giảng dạy lịch sử ở trường Đại học, cao đẳng và ở trường phổ thông. Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ đổi mới nội dung và phương pháp dạy học lịch sử, nhằm góp phần đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam không những “biết sử” mà còn tỏ “tường gốc tích” lịch sử dân tộc nhằm kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Vinh, tháng 8 năm 2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử 7, Nhà xuất bản Giáo dục 2007
- 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử 10, Nhà xuất bản Giáo dục 2006
- 3. Nguyễn Cảnh Minh (chủ biên), Đào Tố Uyên, Võ Xuân Đàn, Giáo trình Lịch sử Việt Nam, Tập III, Từ đầu thế kỉ XVI đến năm 1858, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2008.
- 4. Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
- 5. Một số trang bài trên web mactoc.com; hoaphuongdo.vn
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.