- Đang online: 1
- Hôm qua: 1027
- Tuần nay: 24341
- Tổng truy cập: 3,460,108
BÁO CÁO TỔNG KẾT HỘI THẢO
- 898 lượt xem
BÁO CÁO TỔNG KẾT HỘI THẢO
NHÀ MẠC TRONG LỊCH SỬ- VĂN HOÁ VIỆT NAM
( Thành tựu nghiên cứu và những nhận thức mới )
PGS.TSKH NGUYỄN HẢI KẾ
Do thời gian hạn chế của hội thảo, từ sáng đến giờ chúng ta mới chỉ được nghe trình bày 10 báo cáo- tức là chỉ chiếm 1/5 tổng số bài viết mà các nhà nghiên cứu đã gủi về cho BTC Hội thảo. ( Các vị có thể theo dõi những báo cáo còn lại trong tập tài liệu ). Vì thế, trước khi kết thúc hội nghị, cho phép tôi có đôi lời thưa với các vị :
1. Các vị đều biết rõ rồi, nhưng tôi vẫn muốn thưa lại :
Đây không phải là Hội thảo khoa học lần đầu tiên về Vương triều Mạc cũng như những vấn đề có liên quan đến nhà Mạc!
Cho đến thềm của Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tại Vịệt Nam, chỉ tính những hội thảo có liên quan trực tiếp đến nhà Mạc, từ hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1985 đã có ít nhất ¼ thế kỷ với 4 hội thảo chính thức quy mô toàn quốc [1] .
Cũng trong thời gian đó, bên cạnh những hội thảo liên quan trực tiếp đến chủ đề này, nhiều vấn đề của lịch sử văn hóa Việt Nam và thời nhà Mạc cũng đã được tiến hành ở nhiều góc độ trong những công trình nghiên cứu, khảo sát khác trong và ngoài nước.[2]
Nhưng,.. đây là Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc lần đầu tiên tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, tại kinh thành Thăng Long, nơi mà tháng 6, mùa hạ năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai (Hải Phòng ) về Kinh sư, ngự nơi chính điện . trong không khí “ “Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều đón Đăng Dung vào Kinh”.“Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón y về Kinh đô “ [3]
Và, cũng vì thế, xin nhắc lại là cho đến Hội thảo năm 1994 tại Hải Phòng Những nhận thức mới về nhà Mạc 1527-1592 của giới nghiên cứu Lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được khẳng định :
Thứ nhất : Hoàn toàn nhất trí cần phải nghiên cứu đánh giá lại nhà Mạc. Xóa bỏ thành kiến, định kiến về nhà Mạc đối xử công băn khách quan với nhà Mạc như với mọi triều đại khác. Trước hết việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc thay nhà Lê là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ.
Thứ hai : Trả lại nhà Mạc những đóng góp khách quạn : .
+ Khẳng định những đóng góp tích cực của nhà Mạc trên các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và kinh tế : Nhà Mạc vẫn sử dụng Nho học nhưng có thái độ cởi mở, không độc tôn Nho học như thời Lê.Chú trọng khoa cử, đào tạo nhiều trí thức Nho học cho đất nước, lần đầu tiên xuất hiện phụ nữ trong khoa cử ; ngôi đình đầu tiên trong lịch sử văn hoá Việt Nam xuất hiện ; nhà Mạc đã tạo được nền văn hóa dân tộc, nhất là về mỹ thuật, văn hóa dân gian..không bị ràng buộc bởi kinh tế tiểu nông và Nho học. Đó là chính sách rất tiến bộ của Nhà Mạc trong lĩnh vực tư tưởng .
+ Tuy chính sách nông nghiệp của thời Lê vẫn được áp dụng chính sách nhưng chú trọng nhiều đến khai hoang, lập làng; không theo đuổi chính sách ức thương năng nề như thời Lê sơ, cởi mở trong sản xuất gốm…
+ Còn có ý kiến khác nhau về chính sách đối ngoại với nhà Minh, triều đình Mạc có hạn chế ở góc độ nào đó, nhưng đó cũng là sự tính toán trong sách lược ứng phó trước tình thế cụ thể của tình thế Đại Việt giữa thế kỷ XVI.[4]:
2 .16 năm –xuyên qua hai thế kỷ ( thậm chí là hai thiên niên kỷ XX và XXI !) các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến lịch sử thời nhà Mạc lại có dịp hội tụ tại diễn đàn này với 50 báo cáo của 43 tác giả
Theo thời gian và nội dung đề cập, có thể tạm chia các báo cáo thành/ vào các vần đề sau:
I. Triều Mạc (1527-1592 )
I.1.Về Mạc Đăng Dung, sự thành lập nhà Mạc;
I.2.Về tổ chức chính quyền, quân đội, ngoại giao, kinh tế ;
I.3.Về văn hóa, giáo dục, nghệ thuật..:
II. Về nhà Mạc và hậu duệ sau 1592 .
I.Về vương triều Mạc (1527-1592) :.
Về Mạc Đăng Dung , sự thành lập triều Mạc, quá trình, chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao của vương triều Mạc vẫn là chủ đề, quan tâm lớn của nhiều tác giả với 17 báo cáo ( bằng những bài viết cùng chủ đề này của hội thảo năm 1994) [5].
Về vai trò của Mạc Đăng Dung và sự ra đời của vương triều Mạc tiếp tục là chủ đề chiếm đến không chỉ các nhà nghiên cứu Lão thành như Vũ Khiêu, Văn Tạo, mà cả những người nghiên cứu trẻ ( như Trần thị Thanh Bình, Phan Đăng Thuận ) .
Giáo sư Vũ Khiêu khi nhận xét về Nghi Dương – đất phát tích nhà Mạc, nhắc lại : Từ 25 năm trước, với Hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1985 ) đã là dịp khẳng đinh tính chính thống của Nhà Mạc – một triều đại đã mở ra một định hướng phát triển mới của dân tộc .
Phân tích cuộc khủng hoảng cung đình trầm trọng cuối triều Lê sơ để thấy lich sử đòi hỏi có một nhân vât giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Giáo sư Văn Tạo đã đi đến nhận định: Lịch sử chọn Mạc Đăng Dung. Cũng theo hướng tiếp cận này, nhà nghiên cứu Hoàng Lê cũng đi đến kết luận: Việc thay thế triều Lê là một tất yếu lịch sử .
Tống Thanh Bình tiếp tục bàn về “Tính chính danh của nhà Mạc”, hai tác giả Trần Thị Thanh Vân- Phan Đăng Thuận tìm sự tương đồng hội ngộ giữa Lý Thái Tổ và Mạc Thái tổ .
Những đánh giá về Mạc Đăng Dung, về sự ra đời và cách giải quyết những vấn đề nội trị – ngoại giao, kinh tế- xã hội, quân sự, giáo dục ..của đất nước được đặt ra trong bối cảnh cụ thể của Đại Việt và thời đại thế kỷ XVI, và trong đối sánh với triều đình mà nó thay thế.
Cách nhìn biện chứng này, đòi hỏi phải có cái nhìn cụ thể, khách quan. Triều Mạc không phải so sánh với triều đại Lê sơ thời Lê Hồng Đức ( 1460-1497 ) mà là đặt ra trước đòi hỏi của giai đọan lịch sử đầu thế kỷ XVI, khi mà triều đình nhà Lê của những Lê Tương Dực, Lê Uy Mục mà chính Biên niên sử thời Lê- Trịnh cũng phải hạ bút là những “vua chó”, “vua lợn”, không đảm nhận được trách nhiệm quản lý đất nước, khi mà triều chính đã “chia năm xé bảy” vì quyền lợi phe nhóm . Mạc Đăng Dung thiết lập triều đình Mạc, và trong giai đoạn Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh đã tiến hành nhiều công việc mang lại những ổn định, phát triển nhất định cho xã hội Đại Việt trong khu vực quản lý của mình.. Điều này cũng đã được chính các sử gia trí thức Nho học thời Lê – Trịnh ( từ các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư đến Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử ) thừa nhận một thực tế khách quan.
Dẫu đã quen nhắc nhiều đến Dương Kinh và Thăng Long – hai trung tâm không thể bỏ qua – vừa là vật thể hóa, vừa tạo lên cốt, hồn của Nhà Mạc nhưng đến hội thảo lần này lần đầu tiên xuất hiện 4 báo cáo có liên quan trực tiếp.
Những phác họa về Thành Thăng Long của Nguyễn Doãn Tuân, Nguyễn Tuyết Anh ( Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội ), Phạm Đức Anh ( Khoa Lich sử – Trường ĐHKHXH&NVHà Nội) cho thấy giai đoạn đầu tiên ồn định của triều Mạc, kinh thành nói chung, hoàng thành Thăng Long nói riêng tiếp tục như thời Lê. Vua Mạc Đăng Dung quan tâm đến hưng thịnh Văn Miếu, Nam Giao, .. Chỉ từ những năm 80 thế kỷ XVI do nội chiến Lê-Trịnh với Mạc lan đến thành Thăng Long nên thành Thăng Long liên tục phải mở rộng việc đắp lũy, đề phòng .
Hai báo cáo chuyên về Dương Kinh, quê hương nhà Mạc của TS Nguyễn Văn Sơn, TS Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Chất. Những kết quả khảo sát trên mặt đất ( các di tích) và trong lòng đất tại gò Gạo, gò chữ Công, Gò Quan Thiệu ở Kiến Thụy đã khúc triết không chỉ về dấu ấn các công trình kiến trúc của Dương Kinh như Phuc Ý, Tường Quang, Hưng Quốc (được nhắc đến trong Biên niên sử ) mà còn gợi ra những so sánh và mối liên hệ giữa Dương Kinh với các vùng xung quanh, với Thăng Long.
Qua gần hai thập niên, tiếp cận từ nguồn 165 văn bia, 3 minh chuông, 10 minh văn trên đồ gốm PGS,TS Đinh Khắc Thuân đã không chỉ nhận diện đặc điểm về niên đại, phân bố, nghệ thuật trang trí, người soạn, khắc văn bia thời Mạc, mà còn góp cải chính niên đại – cùng hướng với nhà nghiên cứu – chuyên gia lịch học PGS, TS Lê Thành Lân, đi đến những nhận xét về lịch sử thời Mạc nổi bật là những dựng xây, tu bổ, công đức chùa, quán của các thành viên hoàng tộc Mạc từ vùng Kiến Thụy đến một số địa phương khác; về sự khôi phục và pha trộn các hoạt động Phật giáo trong Đạo quán thời Mạc; về hiện tượng ngôi đình trở thành trung tâm của làng xã..
I.2.Về thể chế chính quyền nhà nước, kinh tế, quân sự, ngoại giao .
Có 5 báo cáo liên quan đến nội dung này. Nếu so với hội thảo 1994, thấy :
– Hội thảo lần trước có đến 6 báo cáo về ngoại giao và kinh tế nhà Mạc thì lần nay mỗi lĩnh vực chỉ còn 2/2 = 1 báo cáo
Báo cáo duy nhất về tình hình kinh tế thời Mạc tại hội thảo này, PGS.TS Nguyễn Văn Kim ( Khoa Lich Sử – Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội ) đã đặt thời Mạc trong khung cảnh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lớn và đối diện với thế giới phương Tây. Trong bối cảnh ấy nhận diện việc tìm chọn một con đường phát trển mới của nhà Mạc trên các hoạt động nội thương, ngoại thương, nhận ra sinh động cụ thể hơn một xã hội Mạc, cởi mở, năng động hơn. Bản thân Dương Kinh – quê hương nhà nhà Mạc là hiện hình hóa một cách nhìn ra biển/ hướng biển đầu tiên của Đại Việt đến thế kỷ đầu XVI .
. Nhà nghiên cứu Ngô Đăng Lợi (Hội Sử học Hải Phòng ) tiếp tục mạch tìm hiểu về chính sách ngoại giao triều Mạc/
– Đến hội thảo này các vấn đề về tổ chức chính quyển, tổ chức quân đội, Dương Kinh, Thăng Long ..đã được đề cập thành những báo cáo riêng (của Trần Thị Vinh, Nguyễn Văn Thục, Hoàng Thị Thảo, Hà Duy Biển,Vũ Quốc Hiến & Nguyễn Ngọc Chất, Nguyễn Doãn Tuân & Nguyễn Tuyết Anh ).
Do biên niên thời Lê-Trịnh không ghi chép cụ thể về chính quyền cũng như các cơ quan trong bộ máy nhà nước thời Mạc, nên trên cơ sở tập hợp, phân tich nguồn tài liệu văn bia, PGS.TS Trần Thị Vinh ( Viện Sử học ) đã phác thảo tô chức chính quyền từ trung ương đến địa phương và rút ra: Bộ máy chính quyền thời Mạc vẫn phỏng theo thời Lê sơ, nhưng sự kiểm soát giữa giữa các cấp không ngặt nghèo như thời Lê sơ.
Các tác giả thuộc Viện Lịch sử Quân sự tập trung vào tổ chức quân đội nhà Mạc.
Cùng nhất trí cách nhìn về tổ chức quân đội triều Mạc là mô hình thời Lê Thánh Tông, Đại tá,TS Nguyễn Huy Thục, cho đó là “khúc xạ” của quân đội triều Lê không chỉ về tổ chức, mà phần lớn võ quan cao cấp triều Mạc từng phục vụ trong quân đội triều Lê. Thượng úy Hà Duy Biển từ tìm hiểu 4 vệ quân triều Mạc gọi đó “ Tái cấu trúc” tổ chức quân sự thời Lê.
Thạc sĩ, Thượng tá Hoàng Thị Thảo nhận xét : thời Mạc không còn điều kiện thực tế để thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” như thời Lê trở về trước, quân số triều Mạc không vượt quá xa 10 vạn người; chế độ lộc điền cho binh lính vẫn được thực hiện.
I. 3.Về văn hóa ( tư tưởng, tôn giáo, giáo dục, văn học, nghệ thuật… )
Nếu hội thảo năm 1994 có 12 bài liên quan đến các vấn đề này [6], thì tại hội thảo lần này, những vấn đế văn hóa như giáo dục & khoa cử, tôn giáo, nghệ thuật … của thời Mạc vẫn tiếp tục chiếm một tỷ lệ lớn với 13 báo cáo.
Điều đáng chú ý là :
+ Những báo cáo về mỹ thuật thời Mạc được chú trọng nhiều hơn trên cơ sở những tư liệu mới được cập nhật qua gốm, sứ, hệ thống các di tích kiến trúc của các tác giả Trần Lâm Biền, Tống Trung Tín, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Đình Chiến… Khi đặt kiến trúc, mỹ thuật với đời sống kinh tế và sinh hoạt tinh thần của cư dân thời Mạc, trong đó những mẫn cảm hay phác họa ban đầu từ cuối thế kỷ trước “về một nền mỹ thuật sống động thâm đẫm chất dân gian , bộ lộ “ các tính sáng tạo của người nghệ sĩ” đã được khằng định ngày càng vững chắc hơn qua những nghiên cứu cụ thể hơn về “Gốm Mạc có minh văn” (TS Nguyễn Đình Chiến- Bảo tàng Lich Sử ), những nhận định, hay cách định danh rõ ràng về mỹ thuật, văn hóa thời Mạc
+ Sự bùng nổ của nghệ thuật tạo hình dân dã (PGS.TS Trần Lâm- Cục Di sản Bộ VH- TT-DL )
+ “ Giai đoạn bản lề” ( Họa sĩ Phan Cẩm Thượng,)
+ “Xuất hiện loại chùa Tam giáo, sự xuất hiện của ngôi đình làng “ một bước đi mới trong lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam ( PGS.TS Tống Trung Tín. TS Lê Thị Chiêng ) hay có một “Phong cách mỹ thuật Mạc khác nhiều so với với các triều đại và sau nó”, “ Ẩn chứa thông điệp về sư hưng suy của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng mà Đạo giáo tỏ ra hưng thịnh hơn ( TS Phạm Quốc Quân ),
Cũng lần đầu tiên văn hóa dân gian thời Mạc đươc đề cập đến trong việc phân tich hình tượng Mạc Đăng Dung qua truyền thuyết ở vùng Kiến Thụy ( NCS Phạm Thị Phương Anh- ĐH Sư phạm Hà Nội ) qua phân tich khúc nhôi về đăc điểm cơ bản của Văn hoá Dân gian thời Mạc của GS.TSKH Phan Đăng Nhật . .
Tiếp tục đề cập đến một số vấn đề về trí thức Nho học đã đặt ra từ hội thảo trước, những vấn đề về giáo dục & khoa cử đời Mạc như được tập trung hơn với loạt bài của PGS.TS Đỗ Thị Hảo,Tống Thanh Bình, Minh Thuận, Nguyễn Quang Hà, TS Đăng Kim Ngọc, Mạnh Hùng, PGS Mạc Văn Trang đã khằng định một lẫn nữa:Nhà Mạc chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhiều trí thức Nho học,có thái độ cởi mở lần đàu tiên quan tâm đến phụ nữ ..[7] gợi mở những kinh nghịệm lịch sử.
II. Về nhà Mạc và hậu duệ sau 1592
Tiếp tục là chủ để lôi cuốn đến 14 báo cáo, nhiều hơn số báo cáo cùng chủ đề tại hội thảo 1994. [8]
Chính ở những nội dung này, tập trung phản ảnh những tìm tòi phát hiện mới rất thú vị, hấp dẫn về nhà Mạc từ sau 1592.
Bên cạnh TS Nguyễn Minh Đức thông báo ngắn về phát hiện di tích Vũ An Hoàng đế, phần lớn các báo cáo tập trung vào hai mảng sau :
Thứ nhất đó là : 5 nghiên cứu trực tiếp liên quan đến Vùng kinh đô nhà Mạc ở Cao Bằng được phác họa sinh động, cụ thể với nghiên cứu điền dã của Th.s Nguyến Thị Hải ( Đại học Sư phạm Thái Nguyên) hay tham khảo các nguồn tư liệu Trung Quốc của Chu Xuân Giao (Viện nghiên cứu Văn hóa ) và của Cụ Nguyễn Xuân Toàn về Mạc Kính Vũ và thành Phục Hòa,
Những nghiên cứu này làm rõ:Trên nền tảng một trung tâm kinh tế văn hóa có từ lâu trong lich sử, nhà Mạc đã mang đến cho vùng đất này một gương sắc mới, làm thành đợt giao thoa văn hóa sâu đậm, rõ nét với sắc thái riêng ở vùng Na Lữ, Cao Bằng.
Điều thú vị là chính những tìm tòi này cộng hưởng và được minh chứng sâu sắc với những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại chỗ về hát Then của Nguyễn Thiện Tứ, Vương Hùng (Hội Văn nghệ dân gian Cao Bằng ). Thứ hai là : 7 báo cáo liên quan đến hậu duệ họ Mạc . Những ký ức về nhà Mạc, dòng ho Mạc được lưu giữ và ngày càng được chú ý bằng nỗ lực mạnh mẽ nhưng âm thầm xuyên thời gian không chỉ riêng của những hậu duệ họ Mạc .
Đại tá Thái Kế Toại cho biết di tích nhà Mạc và dòng họ Mạc có ở nhiều địa Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An,..
Những con số ấy được hiện lên cụ thể hơn qua những tìm hiểu, lý giải tình hình nhà Mạc thời kỷ ở Nà Lữ, Phục Hòa, chỉ ra các trường hợp không phải mai danh ẩn tích và phải mai danh ẩn tich của vương triều Mạc và hâu duệ Mạc thông qua các trương hợp cụ thể ở Bạch Hạc, Xuân Sơn (Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc), Tiên Lữ ( Lập Thạch- Vĩnh Phúc); qua tập hợp các gia phả đặc biệt phong phú, cho biết học Mạc đổi ra hơn 50 họ, rải trên 25 tình thành ở Việt Nam ( TS Hoàng Lê và TS Nguyễn Minh Đức); về Hoàng hậu Mạc Thị Giai, Mạc Cảnh Huống (Nguyễn Phước Tương- Hội sử học Việt Nam ); Từ đường ho Phạm ở Xuân Kiên- Xuân trường Nam Định ( Th.s Vũ Đại An- Ban quản lý di tích, danh thắng Nam Đinh ) ; Pho tượng chùa Hưng Khánh và họ Khoa ở Đằng Lâm – Hải An; họ Mạc ở Nghệ An ( Phan Đăng Thuận- Đại học Vinh )
Qua nội dung nghiên cứu nhiều tác giả tiếp tục đặt ra những vấn đề, đề xuất những kiến nghị cụ thể :
Về khu di tích Dương Kinh, TS Vũ Quốc Hiền và Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Chất cho rằng lòng đất Cổ Trai chắc chắn còn mang trong mình những bí ẩn của một Dương Kinh tráng lệ. Nếu tiếp tục được đầu tư nghiên cứu một cách quy mô, hệ thống sẽ làm sáng tỏ và toàn diện hơn về Dương Kinh,về nhà Mạc trên nhiều góc độ.
Qua tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc về các vị vua Mạc sau 1677 của Chu Xuân Diên hay về Kinh đô nhà Mạc ở Cao Bằng, Th,s Nguyễn Thị Hải đều nhận thấy việc nghiên cứu diền dã ở vùng Cao Bằng – dù đã được triển khai, nhưng mới chỉ ban đầu và cơ bản vẫn còn bị bỏ ngỏ, cần được triển khai liên ngành, sâu sắc hơn.
Khi nghiên cứu về các di sản, di tích nhà Mạc, Đại tá Thái Kế Toại đề xuất với Hội đồng Mạc tộc cần có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu hoàn thành hệ thống công trình này, có biện pháp giữ gìn, tu bổ v các di tích quan trọng đang bị xuống cấp, phát huy giá trị của hệ thống các di tich này.
Về biên soạn và giảng dạy giai đoạn lich sư nhà Mạc ở bâc trung học hiện này, hai báo cáo mới và đầy trách nhiệm của hai nhà giáo Phan Đăng Thuận và Th.s Nguyễn thị Bình Minh( Khoa Lich sử – Đại học Vinh ) đã kiến nghị cụ thể :
Cần có sự cập nhật những thành tựu nghiên cứu và khách quan về nhà Mạc, Chẳng hạn sách giáo khoa lớp 7 ( Nxb Giáo dục H.2007) vẫn viết “Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê” hay sách hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lich sử lớp 10 ( Nxb ĐHQG- Tp Hồ Chí Minh .2006) vẫn viết :”Mạc Đăng Dung và 40 quan lại cởi trần, quỳ gối cửa ải Nam Quan dâng sổ sách cắt đất 5 động phía đông cho nhà Minh.
3. Bước phát triển mới trong Hội thảo lần này là :
3.1. Nhiều báo cáo được xây dựng trên những nguồn tại liệu thực tế, khảo sát tại chỗ.
Bằng tất cả những sốt ruột của mỗi nhà nghiên cứu, thì đến năm 1994, chúng ta cũng không thể nào có được những tài liệu khảo cổ cụ thể về Dương Kinh, về thành Thăng Long đời Mạc !
Cũng như vậy, ai cũng biết từ rất lâu là nhà Mạc sau 1592 đã lên Cao Bằng,… nhưng. chỉ đến hội thảo này [9] chúng ta mới có dịp được biết cụ thể và sinh động về qua những báo cáo Nguyễn Thị Hải, của các nhà sưu tầm văn hóa dân Cao Bằng…
Nếu chúng ta biết rằng, trong biên niên sử của chính quyền phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVI đến hết thế kỷ XIX đều là những trí thức Nho học, những ghi chép về Nhà Mạc đã ít ỏi ( Trong bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư, do các sử thần triều Lê viết, thì giai đọan này,chủ yếu là ghi chép những sự kiện xung quanh tập đoàn Lê-Trịnh ở Thanh Hoá, từ điễn biến thời tiết đến những lần ra quân…) thì mới càng thấy trân trọng những cố gắng của các nghiên cứu đến nhường nào !
3.2. Nhận thức về Vương triều Mạc không chỉ được khẳng định một lần nữa những nhận thức đã được xác định từ hội thảo quốc gia trước mà đã được mở rộng hơn, sâu sắc hơn, rõ ràng, sinh động hơn. ,
Mở rộng hơn về không gian nghiên cứu : nhận thức của chúng ta về triều Mạc, không chỉ quanh vùng Dương Kinh, Thăng Long – hai trung tâm chính trị của thời Mạc ở châu thổ Bắc Bộ, mà được mở đến vùng Cao Bằng, mà ngay cả khu vực Dương Kinh, Thăng Long cũng đã trở nên cụ thể hơn.
Mở rộng hơn về khía cạnh tìm hiểu của đối tượng nghiên cứu (tổ chức chính quyền, quân đội, giáo dục, khoa cử..)
Sâu hơn về cách tiếp cận, rông hơn về biên độ liên ngành, giữa sử học với khảo cổ học, với văn hoá học, văn học dân gian,..
3.3. Quy tụ đội ngũ đông đảo các nhà quan tâm và nghiên cứu có thành tựu về lich sử văn hóa Việt Nam: có những chuyên gia đến từ nhiều trường Đại học,Viện nghiên cứu, nhiều Hội nghề nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Tây Bắc, Cao Bằng, Nam Định,Nghệ An, Huế,..
Có những cán bộ tiếp tục nghiên cứu của mình như Ngô Đăng Lợi,Đỗ Thị Haỏ, Hoàng Lê, Đinh Khắc Thuân, Trần Thị Vinh, Nguyễn Văn Sơn,
Có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các bậc lão thành:Vũ Khiêu,Văn Tạo, Nguyễn Xuân Toàn…
Điều đặc biệt trân trọng với chúng tôi /chúng ta là trong đội ngũ những người quan tâm đến lịch sử văn hóa đó có nhiều hơn những nhà nghiên cứu cán bộ “Trẻ” (dưới 40 tuổi): Vũ Đại An, Nguyễn Quang Hà, Hà Duy Biển, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Ngọc Chất, Phạm Đức Anh, Phan Đăng Thuận, Trần Thị Thanh Vân.
Tôi nhớ lại phát biểu tổng kết của GS Phan Huy Lê trong hội thảo về Vương triều Mạc năm 1994 “Qua hội thảo, mỗi chung ta đều có nhận hức mới về nhà Mạc .. Những chúng ta không đóng cửa nghiên cứu, còn tiếp tục tìm hiểu để đánh giá về nhà Mạc ngày càng công minh hơn, càng sự thật hơn..”
Và hôm nay, khi đồng hồ chỉ ngày khai mạc Đại lễ Ngàn năm Thăng Long còn tròn tuần trăng thu nữa, hội thảo về Vương triều Mạc long trọng diễn ra tại Hà Nội- Thăng Long – mà hạt nhân của suốt ngàn năm lịch sử của mảnh đất hội tụ lắng hồn sông núi ấy là Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được công nhận là di sản văn hóa nhân loại … tự nó đã là minh chứng bằng hành động cho tinh thần khoa học, thái độ công tâm, công minh, khách quan đó .
Hà Nội 21.09.2010
—
[1] Năm 1985 : Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm ngày Nguyễn Bỉnh Khiêm mất. ( Tp.Hải Phòng )
Năm 1991. Hội thảo 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm ( tp Hồ Chí Minh)
Năm 1994 : Hội thảo Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lich sử ( Tp.Hải Phòng )
[2] Trong nước :
2.1 Các chuyên khảo của một tác giả xuất phát tử các luận án Tiến si như :
Nguyễn Văn Sơn . Di tich thời Mạc vùng Dương Kinh ( Hải Phòng ) , Nxb KHXH, H.1997:
Đinh Khắc Thuân. Văn bia thời Mạc . Nxb KHXH,H 1996 ; Lich sử vương triều Mạc qua thư tịch và văn bia ,Nxb KHXH, H, 2001.
2.2. Các chuyên khảo của nhiều tác giả :
Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi,Trần Lâm. Nguyễn Bá Vân : Mỹ thuật thời Mạc. Viên Mỹ thuật,H,1987
Trung tâm KHXH & NV.Viện Sử học, Vương triều Mạc 1527-1592, Nxb KHXH, H.1996
Vương triều Mạc và lich sử Việt Nam . Nxb Hải Phòng 1996
Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá vương triều Mạc , Nxb Trẻ tp Hồ Chí Minh, 2003
2.3 Các bài đăng trên các tạp chí, các thông báo hàng năm như :
Nguyễn Du Chi .Mỹ thuật thời Mạc, mấy nét khái quát.Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, 1987. tr23-28
Chu Quang Trứ : Qua một số tượng mới phát hiện, hiểu thêm về mỹ thuật thời Mạc. Tc Khảo cổ học , 1993, số 4. tr 69-78
+ Những pho tượng đá thời Mạc ở chùa Thiên Phúc ( Hải Phòng ). Những phát hiện khảo cổ học 1993. Nxb KHXH, 1994. tr 198-199
Lê Thành Lân : Niên biểu nhà Mạc . Tạp chí Hán Nôm . số 1/1997
2.4 Trong các nghiên cứu về tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, địa chí các địa phương ; chẳng hạn :
Lich sử Việt Nam. Chương thế kỷ XVI
Lich sử Hà Nội . Chương Thăng Long thời Mạc ( Phan Huy Lê chủ biên. H2010)
Bùi Xuân Đính Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long- Hà Nôi. Nxb Hà Nội 2010
Đia chí Cao Bằng ( 2000), Địa chí Quảng Ninh, Địa chí Vĩnh Phúc,…..
Hợp biên thế phả họ Mạc .Nxb KHXH. H.2006.
Ngoài nước như : Trung Quốc :
Viên Vân Phúc. Lược bàn bàn về triều Mạc trong lịch sử Việt Nam . Luận án Thạc sĩ 1998. Đại học Trịnh Châu ( Hà Nam- Trung Quốc )
+ Bàn về chiến tranh Lê Mạc và sự diệt vong của triểu Mạc ( 2004 )
+ Trần văn Nguyên, Lý Ninh Diễm. Sự kiện Mạc Đăng Dung và mô thức mới trong quan hệ Việt Trung thời Minh. ( 2010 )…
[3] Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long, hiệu đính của Hà Văn Tấn. Nxb KHXH, H.1993., tập III. Tr.110. Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử ( Bản dịch của Ngô Thế long. Hiệu đính của Văn Tân , Nxb KHXH. H. 1978, cũng viết “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón Đăng Dung về Kinh đô “ tr .264
[4] Xem Bài phát biểu Tổng kết hội thảo năm 1994 của GS Phan Huy Lê. trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lich sử. Sđd H.1996. tr 508-514.
[5] Chủ đề này, trong hội thảo 1994 có :
Bài viết | Tác giả | |
1 | Mấy vấn đề nhà Mạc | Trần Quốc Vượng |
2 | Nhà Mạc và vấn đề Ngụy triều trong lịch sử | Văn Tạo |
3 | Suy nghĩ về sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung trên chính trường Đại Việt nửa đầu XVI | Nguyễn Danh Phiệt |
4 | Thế kỷ XVI và vai trò lich sử của Mạc Đăng Dung | Hải Đoan |
5 | Suy nghĩ về nhà Mạc | Nguyễn Duy Hinh |
6 | Nhìn lại một số việc làm của nhà Mạc | Trương Hữu Quýnh |
7 | Nhà Mạc qua lăng kính của sử thần Lê Quý Đôn | Đinh Công Vỹ |
8 | Một hiện tượng lich sử, hai quan điểm đánh giá nhà Mạc: “Ngụy” triều và phúc thần. | Phan Đăng Nhât |
9 | Suy nghĩ về nhà Mạc | Đỗ Văn Ninh |
10 | Phả hệ nhà Mạc | Trần Thị Mai |
11 | Chính sách dùng người của nhà Mạc | Ngô Đăng Lợi |
12 | Về quan hệ bang giao của triều Mạc và triều Minh thế kỷ XVI | Phạm Ái Phương |
13 | Thử tìm hiểu việc bang giao của vương triểu Mạc | Hoàng Lê |
14 | Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh ( qua cuốn sách cổ Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản đời Minh | Ngô Đăng Lợi |
15 | Vài nét về tình hình ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Mạc | Đỗ Đức Hùng |
16 | Nhà Mạc với nền kinh tế công thương nghiệp XVI-XVII | Trần Thị Vinh |
17 | Chính sách kinh tế của nhà Mạc qua tài liệu điền dã | Mạc Hữu Hoa,
Mạc Văn Viên |
[6] Tại hội thảo năm 1994 có :
Các bài viết | Tác giả | |
1 | Suy nghĩ về đời sống tư tưởng triều Mạc | Nguyễn Minh Tường |
2 | Suy nghĩ về trí thức nhà Mạc | Lê Văn Lan |
3 | Vài suy nghĩ về thế ứng xử của trí thức thời Mạc qua một số tư liệu mới | Nguyễn Đức Nhuệ |
4 | Vương triều Mạc với văn chương thế kỷ XVI | Nguyễn Hữu Sơn |
5 | Bài văn thi đình đối khoa Tiến sĩ Quý Mùi 1583 | Nguyễn Tuấn Thịnh |
6 | Thư tịch Hán Nôm viết về Nguyễn Thị Ngọc Toàn,bà tiến sĩ triều Mạc | Đỗ Thị Hảo |
7 | Hiểu về xã hội Mạc qua mấy phát hiện về Mỹ thuẩt Mạc ở xứ Đông | Chu Quang Trứ |
8 | Vài suy nghĩ về pho tượng Phật thời Mạc ở Hà Nội | |
9 | Nghệ thuật tạo hình Việt ở thế kỷ XVI | Trần Lâm- Nguyễn Quang Trung |
10 | Chùa Sổ – Một kiến trúc độc đáo thời Mạc | Nhã Long |
11 | Trạng Trình với tên nước Việt Nam | Phong văn Tư |
12 | Nguyễn Bỉnh Khiêm và những tấm bia đời Mạc qua hai chữ Việt Nam | Nguyễn Phúc Giác Hải |
[7] Xem phát biểu tổng kết hội thảo Nhà Mạc và vương triều Mạc năm 1994 .. sdd tr 511 .
[8] So với chủ đề này tại hội thảo năm 1994.;
Bài viết | Tác giả | |
1 | Về gia phả dòng họ Mạc | Nguyến Hữu Tâm |
2 | Việc cải đổi tính danh họ Mạc | Hoàng Lê |
3 | Từ đường Nguyễn Như Quế | Lê Thế Loan |
4 | Một số công thấn Vương triều Mạc ở huyện Nghi Dương xưa | Hải Doan |
5 | Từ một pho tương Hoàng đế đến lai lich một dòng họ có liên quan đến triều Mạc | Nguyễn Hồng Hải- Ngô Thị Loan |
6 | Mối quan hệ giữa Tư Dương hầu Phạm Tử Nghi với vương triều Mãc | Trinh Minh Hiên |
7 | Vài tư liệu về dòng họ Mạc ở Hùng Khê trang | Mạc Văn Viên |
8 | Nguồn gốc họ Vũ Tiến – một chi họ Mạc | Vũ Tiến Liễu |
[9] Lưu ý là Hội thảo 1994 hoàn toàn không có một báo cáo nào về vấn đề có liên quan đến nhà Mạc và di ảnh nhà Mạc ở miền Cao bằng
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC