- Đang online: 2
- Hôm qua: 665
- Tuần nay: 11926
- Tổng truy cập: 3,377,667
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592 (Tiếp theo)
- 540 lượt xem
Tô Ngọc Hằng
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử
Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam
Chương 2
TÌNH HÌNH GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC (1527 – 1592)
2.1. Hệ thống trường lớp
Năm 1527, nhà Mạc lên ngôi đã thừa hưởng những thành quả giáo dục nhà Lê Sơ gia công gây dựng, trước hết là hệ thống trường lớp từ trung ương đến địa phương. Trường học thời Mạc gồm hai hệ thống: Trường công do Nhà nước tổ chức và quản lý từ Kinh đô đến các phủ, huyện và trường tư ở làng xã.
2.1.1. Hệ thống trường công
Hệ thống trường công là hệ thống trường do Nhà nước tổ chức và đặt dưới sự quản lý của bộ Lễ. Thời Mạc, hệ thống trường công có hai cấp: Cấp trung ương và cấp địa phương. Cấp trung ương chính là Quốc Tử Giám; còn cấp địa phương là các trường đặt ở đạo, phủ, huyện.
Dưới thời Mạc, Quốc Tử Giám là trường học cấp cao nhất và lớn nhất ở Kinh đô, được gọi là Thái Học Viện (nhà Thái Học).
Đến thời Mạc, Quốc Tử Giám đã có một cơ sở vật chất khá đầy đủ được hoàn thiện từ thời Lê Sơ. Nhưng các cuộc xung đột cuối thời Lê đã khiến nhiều công trình ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám bị hư hỏng, nhà Mạc đã cho trùng tu, bổ sung nhiều hạng mục công trình làm thành quần thể kiến trúc quy mô. Năm 1536, Mạc Đăng Doanh “sai Đông quân Đô đốc phủ tả đô đốc Khiêm Quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc Tử Giám” [19, tr.120]. Năm 1537 công việc hoàn tất, Mạc Đăng Doanh đích thân đến dâng hương ở Văn Miếu và thăm nhà Thái học. Việc làm trên chứng tỏ nhà Mạc quan tâm đến trường Quốc học – ngôi trường lớn nhất cả nước lúc bấy giờ.
Cơ quan quản lý việc học thời Mạc là bộ Lễ. Bộ Lễ là một trong những bộ thiết yếu của Lục bộ, đảm trách nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc học hành thi cử. Chúng ta có thể hình dung một phần công việc bộ Lễ tiến hành trong tổ chức thi cử thời Mạc, qua bài văn bia đề danh Tiến sĩ đầu tiên của vương triều này (1529) như sau: “Bộ Lễ đem bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Cùng ngày hôm đó lại ban cho tiền thưởng. Ngày 27 ban mũ đai, y phục nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 cho ăn yến ở bộ Lễ.” [93, tr.32 – 33]. Đứng đầu bộ Lễ là một Thượng thư, sau đó là hai viên Tả, Hữu thị lang. Các chức này thời Mạc đều do những người đỗ đạt và là các đại thần rường cột đầy tài năng, tâm huyết, với phẩm tước từ bá đến công đảm nhận. Sau đây là tiểu sử tóm tắt các vị từng làm việc trong bộ Lễ:
– Chức Thượng thư bộ Lễ gồm:
1. Nguyễn Văn Huy (1486 – ?), người xã Vịnh Cầu, Đông Ngàn (Bắc Ninh). Năm 1529 đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ.
2. Ngô Diễn người xã Tam Sơn, Đông Ngàn (Bắc Ninh). Năm 1550 đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, tước Nhân Sơn bá.
3. Hà Nhậm Đại (1526 – ?), người xã Bình Sơn, Lập Thạch (Vĩnh Phú). Đỗ Tiến sĩ năm 1574, làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư.
– Chức Tả thị lang bộ Lễ gồm:
1. Mai Khuyến người xã Đào Tai, Quế Dương (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm 1535, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang.
2. Hoàng Sầm (1512 – ?), người xã Thù Sơn, Hiệp Hòa (Bắc Ninh). Năm 1538 đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Hoành Phúc bá.
3. Vũ Kính (1519 -?), người xã Lương Xá, Lang Tài (Bắc Ninh). Năm 1544 đỗ Hoàng giáp; làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, Tham chưởng Hàn lâm viện sự, tước Quân Xuyên hầu.
4. Nguyễn Lượng Thái (1525 – ?), người xã Bình Ngô, Gia Định (Bắc Ninh). Đỗ Trạng nguyên 1553, làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang, tước Định Nham hầu.
5. Vương Văn Hội người xã Uông Hạ, Thanh Lâm (Hải Dương). Năm 1568 đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang.
6. Phạm Điển (1531 – ?), người xã Ngọc Cục, Đường An (Hải Dương). Năm 1568 đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang.
7. Phạm Thọ Khảo (1543 – ?), người xã La Xá, Tứ Kỳ (Hải Dương). Đỗ Tiến sĩ năm 1571, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang.
8. Vũ Đăng (1542 – ?), người xã Đình Tổ, Đường An (Hải Dương). Năm 1577 đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước bá.
– Chức Hữu thị lang bộ Lễ gồm:
1. Hà Sĩ Vọng (1514 – ?), người xã Bình Sơn, Lập Thạch (Vĩnh Phú). Đỗ Tiến sĩ 1535, làm quan đến chức Lễ bộ Hữu thị lang, tước Tuy Lộc bá.
2. Trần Vĩnh Tuy (1533 – ?), người xã An Dật, Thanh Lâm (Hải Dương), đỗ Thám hoa 1553. Từng giữ chức Thừa chính sứ đạo An Bang, sau thăng đến chức Lễ bộ Hữu thị lang.
3. Vũ Đường (1528 – ?), người xã Mộ Trạch, Đường An (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ 1565, làm quan đến chức Lễ bộ Hữu thị lang.
Tại Kinh đô, Quốc Tử Giám vừa có nhiệm vụ dạy học, gây dựng nhân tài; vừa quản lý, tổ chức đào tạo. Có thể nói, Quốc Tử Giám vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất trong cả nước thời bấy giờ. Đứng đầu Quốc Tử Giám là một viên Tế Tửu, phụ trách chung và kiêm lý chủ tế Văn Miếu. Bên cạnh Tế Tửu có chức Tư nghiệp, đặc trách việc giảng dạy và học tập. Sau đó là chức Ngũ Kinh Bác Sĩ gồm năm vị; mỗi vị chuyên đi sâu sưu tầm, nghiên cứu giải thích một trong Ngũ Kinh để dạy học trò. Phụ trách giảng dạy còn có các chức Giáo thụ; giúp việc là các Trực giảng và Trợ giáo. Đội ngũ học quan này đều do Nhà nước tuyển chọn và bổ nhiệm. Họ là những người thầy tài giỏi, có đạo đức, mô phạm; nhất là những người giữ chức Tế Tửu và Tư nghiệp thường là danh Nho, đại thần nổi tiếng trong nước được triều đình kính trọng. Thời Mạc các vị sau từng giữ chức Tế Tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám:
1. Nguyễn Doãn Địch (1490 – ?), người xã Hoàng Phỉ, Hiệp Hòa (Bắc Ninh). Đỗ Hoàng giáp 1529, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Mỹ Trai bá.
2. Nguyễn Địch Khang (1492 – ?), người xã Vĩnh Thế, Siêu Loại (Bắc Ninh), đỗ Hoàng giáp 1532. Ông từng đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, tước Nam.
3. Hoàng Sĩ Khải người xã Lai Xá, Lang Tài (Bắc Ninh). Năm 1544 đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Vịnh Kiều hầu.
4. Nguyễn Hùng Đoán người xã Cổ Lâm, Lang Tài (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ 1556; làm quan đến Lại bộ Tả thị lang, sau bị giáng xuống Tư nghiệp.
5. Nguyễn Đức Nhuận (1522 – ?), người xã Khúc Phố, Thọ Xương (Hà Nội), đỗ Hoàng giáp 1565, làm quan đến chức Tư nghiệp.
Học trò trường Quốc Tử Giám được gọi là Giám sinh Quốc Tử Giám hay Xá sinh Quốc Tử Giám. Những chức danh này xuất hiện khá nhiều trong văn bia thời Mạc. Những người có chức danh này đều là những Nho sinh có học vấn cao, được mời soạn văn bia làng xã như “Giám sinh Quốc Tử Giám Tịnh Trai Phạm Như Sơn” [93, tr.135] soạn văn bia chùa Phật Sùng Ninh (1568); hay năm 1572 “Xá sinh Quốc Tử Giám họ Tạ hiệu Độn Phu soạn văn bia” [93, tr.154] ghi việc trùng tu chùa Bảo Phúc.
Đối tượng được chọn làm Giám sinh phải là những người đã đỗ kỳ thi Hương, hoặc đỗ thi Hội từ một đến ba kỳ. Giám sinh thời Mạc cũng được chia làm ba loại Thượng Xá sinh, Trung Xá sinh và Hạ Xá sinh như văn bia chùa An Đông (1590) do “Phạm Nhung… Thượng Xá sinh Quốc Tử Giám soạn” [93, tr.318]; hoặc “Quốc Tử Giám, Trung Xá sinh Nguyễn Trí Hòa” [93, tr.162] soạn văn bia chùa Đại Bi (1573). Các Giám sinh này đều được nội trú ở Quốc Tử Giám, được Nhà nước cấp học bổng để theo học.
Nội dung học tập cũng là chương trình chung chuẩn bị cho các kỳ thi, song đòi hỏi ở Giám sinh một mức độ cao hơn. Hình thức học tập chủ yếu là nghe giảng Kinh Sách, nghe bình văn và tập làm văn theo các thể loại trường thi. Thời gian học ở Quốc Tử Giám là ba năm để đi thi Hội. Sau ba năm nếu thi không đỗ, Giám sinh có thể ở lại học tiếp chờ thi khoa sau.
Bên cạnh Quốc Tử Giám là trường Quốc học đứng đầu cả nước, thời Mạc ở Kinh đô còn có những trường khác thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước. Đó là Tam quán, Trung thư giám và trường dành cho các vua Mạc cũng như con cháu trong Hoàng tộc.
Tam quán là ba trường học dành cho con cháu quan lại và hoàng thân quốc thích, gồm Sùng Văn quán (sau đổi là Chiêu Văn quán), Nho Lâm quán và Tú Lâm cục. Cả ba quán đều có chức Tri quán sự phụ trách chung; mỗi quán đều có một chức Tư huấn và Điển nghĩa trực tiếp giảng dạy.
Tam quán có từ thời Lê Sơ “vào quãng năm 1434 – 1435,… Tam quán đã được mở để thu hút con cái các quan vào học” [13, tr.121]. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, từ 1486 trở đi không còn thấy Tam quán nữa, mà chỉ còn Sùng Văn quán và Tú Lâm cục. Đến 1505, Sùng Văn quán đổi thành Chiêu Văn quán và tồn tại đến hết đời Lê Trung hưng.
Học sinh ở Chiêu Văn quán và Tú Lâm cục được gọi là Nho sinh. Đối tượng được vào học Chiêu Văn quán gồm con cháu các quan nhất, nhị phẩm và con trưởng quan tam phẩm; còn con các quan từ tam phẩm trở xuống đến bát phẩm thì được vào học ở Tú Lâm cục. Những người này nếu thông hiểu nghĩa sách, sát hạch đủ trình độ thì được vào học. Người nào có tài làm Lại điển thì khảo hạch, nếu thi đỗ thì được làm Lại điển ở các nha môn trong kinh hoặc ngoài các đạo. Nếu không thông hiểu kinh sách thì được chọn sung vào vệ Cẩm Y, vệ Vũ Lâm. Trong quá trình học tập, những người đủ điều kiện và trình độ có thể được trường kiểm tra, cho đi thi Hội.
Thời Mạc sử không ghi chép nhiều, song qua văn bia Mạc ta có thể khẳng định một điều chắc chắn là Chiêu Văn quán và Tú Lâm cục vẫn tồn tại và có học sinh theo học. Thí dụ văn bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ (Ba Vì, Hà Tây) năm 1578 cho biết “Nho sinh Chiêu Văn quán Lê Đức Trọng…viết chữ” [93, tr.180]; hay bia sửa chùa Đại Từ (Hải Dương) năm 1580 do “Nho sinh Tú Lâm cục Nguyễn Công Thưởng ghi” [93, tr.205].
Theo Lê Quý Đôn những người thi viết và toán trúng tuyển được vào Trung thư giám học. Do đó có thể coi Trung thư giám là một trường học bổ túc nghiệp vụ hai môn toán và viết, đào tạo những Lại điển thành thạo nghề để bổ dụng.
Những người học ở Trung thư giám được gọi là Hoa Văn học sinh. Thời Mạc, không thấy sử ghi nhiều, nhưng có rất nhiều Hoa Văn học sinh viết văn bia. Chẳng hạn bia đền thần Triệu Hoàng (Hà Nam) dựng năm 1558 do “Nguyễn Thái Thầm, Trung thư giám Hoa Văn học sinh viết bia” [93, tr.87]; hoặc “Trung thư giám Hoa Văn học sinh Lê Hiến” [93, tr.279] là người viết bia trùng tu chùa Linh Quắc (Hải Dương) năm 1588.
Rút kinh nghiệm từ thực tế quản lý đất nước của các triều đại, nhà Mạc hiểu rõ sự cần thiết phải tổ chức cho con em trong Hoàng tộc, trước hết là các Vua và Hoàng Thái tử phải học tập nghiêm chỉnh.
Thời Mạc, nơi Vua học gọi là Kinh Diên. Các Kinh Diên giảng quan được chọn vào dạy vua học thường là quan đại thần nhất phẩm ban văn hoặc quan Hàn lâm học rộng biết nhiều. Có thể kể một số nhân vật từng được vào tòa Kinh Diên giảng học cho các Vua và Thái tử nhà Mạc:
1. Nguyễn Thiến (1495 – 1557), người xã Canh Hoạch, Thanh Oai (Hà Nội), đỗ Trạng nguyên 1532. Ông làm quan nhà Mạc đến Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh Diên, tước Thư Quận công. Sau vì bất mãn với nhà Mạc, Ông quy thuận triều Lê Trung hưng, làm quan trong 8 năm thì mất.
2. Vũ Hữu Dụng, người xã Vĩ Vũ, Võ Giàng (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ 1532, làm quan đến Thượng thư, Nhập thị Kinh Diên, tước Từ Xuyên hầu.
3. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), người xã Trung Am, Vĩnh Lại (Hải Phòng), đỗ Trạng nguyên 1535. Ông từng cùng Trạng nguyên Nguyễn Thiến vào giảng bài cho Vua và Thái tử ở tòa Kinh Diên, làm quan đến chức Thượng thư, Thái phó, tước Trình Quốc công.
4. Giáp Hải (1507 – 1586), người xã Dĩnh Kế, Phượng Nhãn (Bắc Giang), đỗ Trạng nguyên 1538; làm quan trải Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị Kinh Diên, Thái bảo, tước Sách Quốc công.
5. Nguyễn Ngạn Hoành (1518 – ?), người xã Đại Bái, Gia Định (Bắc Ninh), đỗ Hoàng giáp 1550, làm quan đến chức Thượng thư, Nhập thị Kinh Diên, tước Cổn Dương bá.
6. Trần Phi Chiêu người xã Hoa Thiều, Đông Ngàn (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ 1589. Ông theo nhà Mạc lên Cao Bằng; làm quan đến chức Tán trị đồng đức công thần, Hộ bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh Diên, Thiếu bảo, tước Diên Quận công.
Cùng với hệ thống trường lớp ở trung ương, là hệ thống trường lớp ở đạo, phủ, huyện. Trường lớp được đặt ở Văn Chỉ của phủ, huyện hoặc ở ngay công đường do Huấn đạo phụ trách.
Phương thức học tập và nội dung giảng dạy trong các trường đạo, phủ, huyện cũng theo khuôn phép ở Quốc Tử Giám. Hàng tháng các học quan có nhiệm vụ tập hợp học trò vào những ngày đã định để giảng kinh sử, làm văn và bình văn. Trước khi có khoa thi, học trò có thể được tập trung vài tuần để ôn luyện. Ngoài ra, các học quan ở phủ, huyện còn phải tổ chức thi khảo hạch để tuyển chọn những người (kể cả học trò trường tư) đi thi Hương và lập danh sách gửi lên đạo, xứ.
Ở Hải Dương có Văn miếu Mao Điền là nơi thờ Tiên Nho cũng là trường thi Hương cấp đạo. Năm 1534, Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự và đỗ đầu kỳ thi Hương ở đây. Ngoài ra, Hải Dương cũng đã có Hội Tư Văn hàng huyện.
Hội Tư Văn là tổ chức của các Nho sĩ, đề cao nhà Nho và khuyến khích việc học hành thi cử ở địa phương. Hội này vừa có trách nhiệm thắp hương ở đền thờ Khổng Tử và các Tiên Hiền (Văn chỉ); vừa có nhiệm vụ tổ chức các đợt bình văn thơ, giảng kinh sách. Ở Hải Dương, chỉ riêng Hội Tư Văn huyện Tân Minh (Hải Phòng) tính đến năm 1574 đã có gần 200 thành viên của 11 tổng; trong đó bao gồm quan lại đương chức, người đỗ đạt và Nho sinh sống ở làng. Hội này cũng quy định tế lễ vào ngày 25 tháng 2 hàng năm. Sự hoạt động và phát triển của Hội Tư Văn hàng huyện cho thấy phần nào không khí học tập ở Hải Dương bấy giờ.
Đặc biệt, ở Hải Dương nhà Mạc còn xây dựng huyện Nghi Dương, trung tâm là làng Cổ Trai (quê gốc của Mạc Đăng Dung, nay thuộc xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng) thành Dương Kinh – Kinh đô thứ hai, sau kinh đô truyền thống ở Thăng Long. Tại đây, nhà Mạc đã cho xây dựng nhiều trường học. Ở Kiến Thuỵ ngày nay vẫn còn nhiều dấu vết của các văn chỉ, từ chỉ nhà Mạc đã xây dựng như Văn chỉ Hoà Liễu xã Thuận Thiên, Từ chỉ Xuân La xã Thuỵ Hương. Xung quanh các văn từ, từ chỉ ấy có nhiều địa danh trùng tên như Tràng Trong (trường trong), Tràng Ngoài (trường ngoài)… tương truyền là nơi nhà Mạc tổ chức các kỳ thi kén người tài.
Là Kinh đô thứ hai, Dương Kinh cũng được tổ chức theo khuôn mẫu ở Thăng Long. Nếu ở Thăng Long có một trường Quốc học dành cho con các quan và những học sinh xuất sắc, thì Dương Kinh cũng có trường học mang tầm cỡ quốc gia, trước hết dành cho con em trong Hoàng tộc. Đáng tiếc là sử cũ không ghi chép nhiều về Dương Kinh, nhưng rất nhiều văn bia thời Mạc ở Dương Kinh hiện còn giữ được có ghi người soạn là Hiệu sinh Dương Kinh. Chẳng hạn, bia trùng tu chùa Linh Sơn xã Áng Sơn, An Lão (1583) do “Đặng Nhân Chiêu,… Hiệu sinh Dương Kinh soạn văn bia” [93, tr.235]; hoặc là “Phạm Tá Khắc, Hiệu sinh Dương Kinh viết chữ” [93, tr.289] bia chùa Trúc Am, xã Du Lễ, Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Đáng chú ý, văn bia chùa Dương Tân xã Tân Dương, Thủy Nguyên (1578) cho biết vị trí của chùa rất thuận lợi vì “chùa phía Bắc gần nội thị, phía Nam gần Dương Kinh, đường thông mọi xứ” [93, tr.175]; cho nên “Kẻ hành khách, người buôn bán, đi nơi nào cũng tiện. Người làm ruộng ra đồng, người đọc sách vào Kinh đều qua chốn này” [93, tr.175].
Mặc dù còn hết sức tản mạn và ít ỏi, nhưng những điều trên cho thấy ở Dương Kinh thời Mạc đã có một ngôi trường quy mô. Những dòng chữ trên bia đá cho thấy Hiệu sinh Dương Kinh là cách gọi những học trò từ khắp nơi đến Dương Kinh học tập và việc viết những bài văn trên bia cũng là một cách để họ thể hiện tài năng của mình. Điều đó chứng tỏ thời Mạc, giáo dục ở Dương Kinh rất phát triển. Trên thực tế dưới thời Mạc số lượng người đỗ Tiến sĩ ở Dương Kinh, Hải Dương đứng thứ 2, chỉ sau đạo Kinh Bắc.
Ngoài hệ thống trường công do Nhà nước trực tiếp tổ chức và chỉ đạo, thời Mạc trường tư cũng đã phổ biến.
2.1.2. Hệ thống trường tư
Trường tư là trường do các thầy đồ đảm nhận hoặc do dân lập ra ở làng xã để dạy học cho con em nhân dân trong làng. Loại trường này Nhà nước không tổ chức và quản lý, mà người dân tự lo liệu nên thường được gọi là Hương học (trường làng).
Học sinh các trường này thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau. Tuy gọi là Hương học, nhưng ở đây học sinh cũng được học hành dạy dỗ đầy đủ, với các nội dung từ thấp đến cao đảm bảo đủ trình độ và điều kiện để đi thi. Thầy giáo trường tư gồm nhiều kiểu người khác nhau, từ các thầy đồ dạy trẻ con, cho đến bậc đại khoa xuất chính hay các quan trí sĩ. Thậm chí, có những người học vấn cao không thích khoa danh, không chịu đi thi hoặc đã đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Tất cả họ đều có thể mở trường dạy học với những mục đích và chí hướng khác nhau.
Hiện nay chúng ta không có mấy tư liệu về tình hình các trường học, các thầy đồ và học trò thời Mạc. Các trường học, lớp học hầu như không có hồ sơ để lại. Chưa có ai thống kê được thời Mạc có bao nhiêu trường tư, lớp tư. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn được là số trường tư và thầy đồ này rất đông, trong đó có nhiều thầy giỏi mà danh tiếng của họ được sử sách ca ngợi còn truyền đến ngày nay. Chính các thầy đồ đó đã đào tạo nên lớp trí thức đông đảo tài giỏi thời Mạc. Dưới đây xin giới thiệu kỹ một số thầy đồ tiêu biểu:
1. Nhà giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một tài năng xuất sắc nhiều mặt, nhưng lĩnh vực đóng góp nhiều nhất, cụ thể nhất của ông cho triều Mạc cũng như văn hóa dân tộc là phương diện giáo dục.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hanh Phủ, sinh năm 1491, trong một gia đình giàu truyền thống, tại làng Trung Am, Vĩnh Lại (Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng thông minh, tuổi ấu thơ được sự nuôi dạy cẩn thận và nghiêm khắc của người mẹ có học vấn uyên bác. Lớn lên theo học Thượng Thư Dương Đức Nhan, sau vào Thanh Hóa thọ giáo Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Tại đây Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cố gắng học và học rất giỏi, được bạn bè và cụ Bảng hết sức yêu quý. Năm 1510, Ông về quê, tiếp tục tự học và mở trường dạy học.
Sự nghiệp dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ đầu kéo dài hơn 20 năm, từ khi thôi học ở Thanh Hoá (1510) cho đến trước khi đỗ Trạng nguyên (1535); thời kỳ thứ hai kể từ sau khi Ông từ quan (1542) về quê mở trường Bạch Vân. Từ đây, trường Bạch Vân của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành một tên trường không thể thiếu trong lịch sử giáo dục nhà Mạc.
Nội dung giáo dục và phương pháp giảng dạy của thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm cơ bản như sau:
– Về nội dung giáo dục:
+ Đề cao giáo dục đạo đức:
Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy học trò lấy chữ Nhân làm đầu và hướng đến cái thiện. Chúng ta có thể thấy qua thơ văn của ông. Thực vậy, thiện – ác là một cặp phạm trù đạo đức, được Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập đến nhiều lần trong tác phẩm của mình. Nhà giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm hầu như khuyến thiện răn ác, nói về cái lẽ hơn thiệt ở đời, xây dựng đức tốt cho xã hội. Điều này cũng chính là tinh hoa của nền giáo dục cổ. Sách Đại học viết: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chi ư chí thiện” (cái học của bậc đại học giả là biết làm sáng thêm cái đức sáng, làm cho dân đổi mới và đạt đến mức chí thiện). Đó là phương châm giáo dục xưa, được Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa và mở rộng thêm. Trong bài thơ Ý xưa khi xem đánh cờ Ông viết:
Văn chương tuy mẫn tiệp
Bỏ nghĩa chỉ ba hoa
Rồi thành ra tủn mủn
Đâu thành văn đại gia.
[77, tr.37]
Đủ thấy trong dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi trọng đạo lý hơn văn chương. Đạo lý trước văn chương sau. Văn chương chỉ là nghệ thuật để truyền đạt đạo lý. Về việc này, thơ văn của ông có thể coi là mẫu mực. Ông viết giản dị, nhưng chữ nào cũng tinh luyện, mỗi chữ đều chở được một nội dung đạo lý lớn mà vẫn đủ sức, vẫn linh hoạt, trong văn còn văn, trong ý còn ý. Ngoài ra, bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là tấm gương sáng về tinh thần học tập và tu dưỡng đạo đức. Vì thế, Ông được tôn là bậc thầy lớn, là Tuyết Giang Phu tử. Tuyết Giang Phu tử đã trở thành người thầy của mọi người, cho mọi tầng lớp.
+ Giáo dục toàn diện:
Trên cơ sở giáo dục cái thiện, thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dạy kinh, truyện theo đúng chương trình thi cử bấy giờ. Và việc các học trò trường ông chiếm gần hết các thứ hạng cao ở các kỳ thi ngoài Bắc trong Thanh đã chứng tỏ việc dạy học của thầy quy củ, nghiêm túc.
Nhưng đó chỉ là một mặt, đóng góp chủ yếu nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm là ở chỗ Ông không chỉ dạy chữ nghĩa kinh điển, mà còn dạy cả binh thư, binh pháp và các môn học ứng dụng khác. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền đạt tri thức toàn diện cho học sinh bằng việc dạy môn Thái ất cho học trò.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà Lý học, am tường bộ Thái ất thần kinh “Sáu bộ Thi Thư suốt nghĩa,…Một kinh Thái ất thuộc lòng” [85, tr.621]. Điểm đáng lưu ý nhất của môn Thái ất là việc vận dụng môn này vào lĩnh vực quân sự. Thái ất và binh thư, binh pháp là những tri thức không thể thiếu đối với những người chỉ huy quân đội tài ba. Trong thơ văn, không ít lần Ông nói đến Đồ thư “ba cuốn đồ thư nặng túi” (thơ Nôm, 11) [83, tr.397], hay là “Đồ thư hội đắc cổ kim tình” [83, tr.452]. Đặc biệt trong bài “Ngụ hứng”, Ông còn nói rõ trường ông thường thảo luận về “Tam lược”, tức bàn về ba loại chiến lược của nhà binh. Ông viết “thư sinh tự điếu đàm Tam lược” (tự cười mình là thư sinh mà lại bàn việc Tam lược) [83, tr.454].
Nói chung qua thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta thấy được không khí học tập binh thư binh pháp ở trường Bạch Vân. Rõ ràng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo học trò theo hướng truyền đạt tri thức toàn diện, vừa uyên bác về kinh điển, vừa thông thạo những môn thực hành, kết hợp Nho, Y, Lý, Số. Trên thực tế những học trò do Nguyễn Bỉnh Khiêm đào tạo như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện… đều là những nhân tài xuất chúng văn võ song toàn. Đến như Nguyễn Dữ là người chuyên tâm về văn học, thế mà nhiều chuyện nổi tiếng trong Truyền Kỳ mạn lục cũng bàn luận sôi nổi về việc bày binh bố trận. Có thể nói “nếu như trong nền giáo dục nước ta, hai ngành học văn và học võ trước đây chưa được kết hợp một cách tự giác, thì đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ông đã thực hiện sự kết hợp ấy một cách tự giác” [77, tr.4]. Sự kết hợp ấy chính là nét đặc sắc trong nội dung giảng dạy và phương pháp dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm; đồng thời “nó cũng đánh dấu một sự đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào bước phát triển mới về việc giáo dục học sinh toàn diện trong nền giáo dục cổ nước ta” [77, tr.40].
– Về phương pháp dạy học:
Phương pháp dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng vào việc đào tạo học trò trở thành những người thực học, có tri thức toàn diện đem tài kinh bang tế thế. Trong bài thơ chữ Hán nhan đề “Tây hộ ký Thanh Oai Trạng nguyên Nguyễn Cảo Xuyên” (Hộ giá đi miền Tây gửi Trạng nguyên Nguyễn Cảo Xuyên ở Thanh Oai), Ông viết:
Hồ học tích niên tằng cộng giảng,
Đổng duy kim nhật hựu tương tham.
[83, tr.511]
Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc lại việc đã cùng Trạng nguyên Nguyễn Thiến (hiệu Cảo Xuyên) từng bàn về việc dạy học của họ Hồ, nay lại cùng bàn về việc học của họ Đổng. Họ Hồ là chỉ Hồ Viện đời Tống, ông rất nổi tiếng trong lịch sử giáo dục Trung Hoa. Ông có hàng nghìn học trò, dạy học trò lấy thực học làm chính, nhằm truyền đạt tri thức sâu rộng và có ích cho đời. Còn họ Đổng là chỉ Đổng Trọng Thư đời Hán, một trong những học giả nổi tiếng học tập chuyên chú “ba năm không nhòm ra vườn”. Qua đó chúng ta hình dung được phương pháp dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “coi trọng truyền đạt tri thức, yêu cầu học trò phải chuyên chú” [77, tr.36].
Nhìn chung, với nội dung và phương pháp dạy học trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm không những đã kế tục sự nghiệp giáo dục lớn lao của các thế hệ nhà giáo lớp trước, mà còn tiếp sức đẩy thêm một bước sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Nhà giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hướng lấy thực học làm chính. Ông trở thành người thầy mẫu mực về cả hai phương diện đức và trí cho toàn xã hội lúc bấy giờ.
2. Thầy giáo Trần Bảo
Trần Bảo sinh năm 1512, năm mất chưa rõ; người xã Quan Sơn, Thanh Lâm (Hải Dương). Ông từ nhỏ mồ côi cha, sau Thường Quốc công Nguyễn Quyện nhận làm con nuôi. Lớn lên nổi tiếng tài năng xuất chúng, đặc biệt có sở trường về văn học, địa lý. Năm 1541, Ông đỗ Tiến sĩ, rồi thi đỗ khoa Đông các; làm quan đến chức Tham chính, tước Văn Phạm bá.
Về việc dạy học, Ông thực sự “là bậc danh sư như Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm” [6, tr.316]. Học trò theo học rất đông, trong số đó có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan lớn được triều đình trọng vọng. Trạng nguyên Phạm Duy Quyết và Bảng nhãn Nguyễn Miễn đều là học trò của ông.
Thầy Trần Bảo là nhà giáo danh tiếng, làm quan nhiều năm, nhưng vẫn sống thanh bạch giản dị. Theo Vũ Phương Đề nhà ông rất nghèo, dù vẫn được cha nuôi chu cấp, nhưng cũng không đủ. Ông từng làm một bài “Vay thóc học trò” và một bài “Xin áo thụ nghiệp” bằng Quốc âm, nay còn truyền tụng.
3. Thầy giáo Dương Phúc Tư
Dương Phúc Tư, tự là Nhuận Phủ, sinh năm 1505 ở xã Lạc Đạo, Gia Lâm (Hưng Yên), mất năm 1564. Ông là bậc danh Nho có học vấn uyên bác, đỗ Trạng nguyên (1547). Theo Gia phả họ Dương “Trạng nguyên Dương Phúc Tư ban đầu giữ chức Đông các hiệu thư, sau thăng lên đến chức Thượng Thư bộ Binh” [106, tr.52].
Sau một thời gian làm quan, Dương Phúc Tư về quê mở trường dạy học. Lạc Đạo với địa thế thuận lợi là tọa lạc ở khoảng giáp ranh của ba vùng đất (Thăng Long – Hà Nội, Kinh Bắc – Bắc Ninh, xứ Đông – Hưng Yên bao gồm cả Hải Dương) giàu truyền thống văn hóa giáo dục, hơn nữa với danh tiếng “là một tay đại bút” [106, tr.57] nên trường học của cụ Trạng thu hút được đông đảo học trò và có “nhiều người thành đạt” [92, tr.408]. Trong số những học trò cụ dày công rèn cặp đó có “nhiều người làm nên như Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1556) và hàng mấy chục Tiến sĩ”. [106, tr.52].
Là một thầy giáo nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, trước tác của cụ Trạng không phải là ít. Nhưng đến nay di cảo văn chương của cụ để lại chỉ còn 1 bài Đối sách thi Đình và 182 bài Đường luật viết về đề tài lịch sử Trung Quốc. Dẫu vậy, thầy giáo – Trạng nguyên Dương Phúc Tư đã góp phần đào tạo nên nhiều nhà khoa bảng tài danh.
4. Thầy giáo Nguyễn Khắc Kính
Nguyễn Khắc Kính (1542 – ?), người xã Thanh Hoài, Siêu Loại (Bắc Ninh). Năm 1562, đỗ Hoàng giáp, từng đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Thượng Thư, tước Thanh Lãng hầu.
Tài liệu về thầy giáo Nguyễn Khắc Kính không nhiều. Trước khi đỗ đạt, thầy giáo Nguyễn Khắc Kính đã đi nhiều nơi dạy học để sinh sống và chờ thi cử. Ông từng dạy học lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm, được đánh giá là “một bậc sư biểu lão luyện” [48, tr.178]. Học trò của ông rất đông và đỗ đạt nhiều, trong đó có nhiều người đỗ cao. Ông là thầy dạy của Trạng nguyên Phạm Duy Quyết (Phạm Duy Trĩ), ở Xác Khê, Chí Linh (Hải Dương). Phạm Duy Quyết nhà nghèo, mồ côi cha từ bé, nhưng rất thông minh, nên được mẹ cho theo học thầy Nguyễn Khắc Kính. Thầy dạy chu đáo, học trò chăm chỉ, cuối cùng cả hai thầy trò cùng đi thi và đỗ một khoa dưới đời Mạc Phúc Nguyên. Phạm Duy Quyết đỗ Trạng, thầy Nguyễn Khắc Kính đỗ thấp hơn. Thế nên dân gian bấy giờ lưu truyền câu ca “Trò Trạng nguyên, Thầy Tiến sĩ”. (Còn tiếp)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.