- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15318
- Tổng truy cập: 3,368,876
TÔ NGỌC HẰNG: GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC (TIẾP THEO)
- 915 lượt xem
TÔ NGỌC HẰNG: GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
(TIẾP THEO)
2.3.2.3. Các khoa thi Tiến sĩ
Từ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên – 1529, đến khoa thi cuối cùng – 1592, triều Mạc đã tổ chức được 22 khoa, lấy đỗ 484 người. Phần này dựa vào sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919)” do Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1993; và kết quả nghiên cứu về niên đại triều Mạc của Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng trong bài “Tính lại niên hiệu các khoa thi Tiến sĩ triều Mạc trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam”, tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 5, 1999, chúng tôi đã tổng hợp thành bảng thống kê “Các khoa thi Tiến sĩ thời Mạc (1529 – 1592)” (bảng 2.1).
Bảng 2.1: Các khoa thi Tiến sĩ thời Mạc (1529 – 1592)
TT |
Triều vua |
Tên khoa thi |
Tổng |
Giáp đệ |
Bia |
||||
Đệ nhất giáp |
Đệ nhị giáp |
Đệ tam giáp |
|||||||
Trạng nguyên |
Bảng nhãn |
Thám hoa |
|||||||
1 |
Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) |
Kỷ Sửu Minh Đức 3 (1529) |
27 |
1 |
1 |
1 |
8 |
16 |
1529 |
2 |
Mạc Đăng Doanh (1530 – 1539) |
Nhâm Thìn Đại Chính 3 (1532) |
27 |
1 |
1 |
1 |
6 |
18 |
|
3 |
Ất Mùi Đại Chính 6 (1535) |
32 |
1 |
1 |
1 |
7 |
22 |
|
|
4 |
Mậu Tuất Đại Chính 9 (1538) |
36 |
1 |
1 |
1 |
8 |
25 |
|
|
5 |
Mạc Phúc Hải (1539 – 1547) |
Tân Sửu Quảng Hoà 1 (1541) |
30 |
1 |
1 |
1 |
4 |
23 |
|
6 |
Giáp Thìn Quảng Hoà 4 (1544) |
17 |
|
|
|
3 |
14 |
|
|
7 |
Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1562) |
Đinh Mùi Vĩnh Định 1 (1547) |
30 |
1 |
1 |
1 |
8 |
19 |
|
8 |
Canh Tuất Cảnh Lịch 3 (1550) |
26 |
1 |
1 |
1 |
4 |
19 |
|
|
9 |
Quý Sửu Cảnh Lịch 6 (1553) |
21 |
1 |
1 |
1 |
5 |
13 |
|
|
10 |
Bính Thìn Quang Bảo 2 (1556) |
24 |
1 |
1 |
1 |
4 |
17 |
|
|
11 |
Kỷ Mùi Quang Bảo 6 (1559) |
20 |
|
|
1 |
4 |
15 |
|
|
12 |
Nhâm Tuất Quang Bảo 8 (1562) |
18 |
1 |
1 |
1 |
5 |
10 |
|
|
13 |
Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) |
Ất Sửu Thuần Phúc 1 (1565) |
16 |
|
|
1 |
3 |
12 |
|
14 |
Mậu Thìn Thuần Phúc 7 (1568) |
17 |
|
|
1 |
4 |
12 |
|
|
15 |
Tân Mùi Sùng Khang 4 (1571) |
17 |
|
1 |
1 |
3 |
12 |
|
|
16 |
Giáp Tuất Sùng Khang 7 (1574) |
17 |
|
|
1 |
3 |
13 |
|
|
17 |
Đinh Sửu Sùng Khang 10 (1577) |
18 |
1 |
1 |
1 |
5 |
10 |
|
|
18 |
Canh Thìn Diên Thành 3 (1580) |
17 |
|
|
1 |
5 |
11 |
|
|
19 |
Quý Mùi Diên Thành 6 (1583) |
18 |
|
|
1 |
5 |
12 |
|
|
20 |
Bính Tuất Đoan Thái 2 (1586) |
22 |
|
|
1 |
3 |
18 |
|
|
21 |
Kỷ Sửu Hưng Trị 2 (1589) |
17 |
|
|
|
|
17 |
|
|
22 |
Nhâm Thìn Hồng Ninh 2 (1592) |
17 |
|
|
|
4 |
13 |
|
|
Tổng |
5 triều vua |
12 niên hiệu, 22 khoa thi |
484 |
11 |
12 |
19 |
101 |
341 |
1 bia |
Từ bảng 2.1 chúng ta có thể rút ra những nhận xét sau:
Về thể lệ thi cử: Trong 65 năm (1527 – 1592) trị vì ở Thăng Long, triều Mạc đã đều đặn 3 năm tổ chức một lần thi Hội theo thể thức được đặt ra từ thời Hồ.
Khoa thi đầu tiên dưới triều Mạc là khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung, sau khi nhà Mạc lên ngôi 2 năm và cách khoa thi cuối cùng của nhà Lê Sơ – khoa Bính Tuất Thống Nguyên 5 (1526) đời Lê Cung Hoàng, đúng 3 năm. Từ khoa thi đầu tiên đó cho đến khoa thi cuối cùng – khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) đời Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 484 Tiến sĩ. Nếu so sánh với triều Hồ và Lê Sơ, chúng ta mới thấy kết quả đó là một kỳ tích, một nỗ lực đáng khâm phục của Vương triều Mạc.
Năm 1396, Hồ Quý Ly ban hành thể lệ thi cử “năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, người nào trúng tuyển thì thi một bài văn sách để định thứ tự đỗ cao, đỗ thấp” [59, tr.318]. Tiếp đó, năm 1404 Hồ Hán Thương quy định rõ hơn: “Cứ ba năm mở một khoa thi, năm nay thi Hương, người nào trúng tuyển được miễn dao đài tạp dịch, đến năm sau thi ở bộ Lễ, người nào trúng tuyển được lựa chọn bổ dụng, lại được sung vào Thái học sinh” [60, tr.331]. Tiếc là triều Hồ mới đề ra định lệ chứ chưa thực hiện được, vì ngay năm sau (1405) phải dốc sức đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh.
Đến thời Lê Sơ, thời thịnh trị của xã hội Đại Việt, nhưng chỉ dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1496) mới lần đầu tiên thực hiện được quy chế 3 năm tổ chức thi một lần.
Hơn thế, nếu triều Hồ (1400 – 1407) vì tồn tại ngắn ngủi và phải bận chiến tranh không thể thi hành được định lệ đề ra, thời Lê Sơ (1427 – 1527) xây dựng và phát triển trong điều kiện đất nước hoà bình, ổn định; thì nhà Mạc thường xuyên phải đối diện với tình trạng bất ổn vì nội chiến. Vua Mạc và đình thần không ít lần phải bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long. Mặc dù vậy, triều Mạc không lúc nào sao nhãng việc thi cử. Cho đến năm 1592 khi quân Mạc thua to, nhà Mạc đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn kịp tổ chức khoa thi Tiến sĩ cuối cùng tại hành doanh Bồ Đề. Có thể nói, nhà Mạc đã làm được những việc mà nhà Hồ chưa làm được, đúng như khẳng định của nhà sử học người Mỹ John Whitmore trong cuốn “The Birth of Vietnam” (Sự sinh thành của Việt Nam) nổi tiếng: “Cái gì nhà cải cách Hồ Quý Ly thất bại thì Mạc Đăng Dung và con cháu đã làm được” (theo cố GS Trần Quốc Vượng) [101, tr.240].
Như vậy, nhà Mạc lên ngôi không những nối tiếp được nền nếp thi cử của các triều đại trước, mà quan trọng hơn nhà Mạc đã đưa chế độ khoa cử Đại Việt phát triển lên một tầm cao mới với việc trở thành “vương triều duy nhất đều đặn 3 năm mở một khoa thi” [22, tr.69] trong lịch sử giáo dục khoa cử Việt Nam.
Về số lượng lấy đỗ:
Dưới 5 đời vua với 12 niên hiệu khác nhau, triều Mạc đã lấy đỗ 484 Tiến sĩ. Trong khoảng 24 năm đầu, từ 1529 đến 1553, nhà Mạc đã tổ chức được 9 khoa, lấy đỗ 246 người (chiếm 50,8 %). Đặc biệt dưới thời vua Mạc Đăng Doanh (1530 – 1539), chỉ với 3 khoa triều Mạc đã tuyển chọn được 95 Tiến sĩ (chiếm 19,63 %), trong đó lấy đỗ 3 Trạng nguyên kỳ tài: Nguyễn Thiến (1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1535) và Giáp Hải (1538) – những trí thức kiệt xuất không những phục vụ đắc lực Vương triều Mạc, chi phối thời cuộc mà còn có ảnh hưởng lớn đến lịch sử văn hoá dân tộc.
Trong 22 khoa, khoa thi lấy đỗ nhiều người nhất là khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh với 36 tiến sĩ; khoa lấy ít nhất là năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 1 (1565) đời Mạc Mậu Hợp chỉ lấy đỗ 16 người. Tiếp đó là các khoa năm 1544, 1568, 1571, 1574, 1580, 1589, 1592, mỗi khoa chỉ lấy đỗ 17 người. Tính trung bình mỗi khoa thi triều Mạc lấy đỗ 22 người. Đây là số lượng khá lớn trong một kỳ thi đại khoa. Nếu so sánh số lượng các khoa thi cũng như số lượng những người đỗ Tiến sĩ trung bình trong một khoa, thì triều Mạc không thua kém gì các triều đại trước và sau đó. Chúng ta có thể thấy điều đó qua bảng “Số người đỗ bình quân trong một khoa thi từ đời Lê Sơ đến hết đời Lê Trung hưng” như sau:
Bảng 2.2: Số người đỗ bình quân trong một khoa thi từ đời Lê Sơ
đến hết đời Lê Trung hưng
(Tính các khoa biết rõ số người đỗ từ đời Lê Sơ đến hết đời Lê Trung hưng)
Đơn vị: Người/Khoa
STT |
Triều đại |
Số khoa thi |
Tổng số người đỗ |
BQ người đỗ trên một khoa |
1 |
Lê Sơ (1427 – 1527) |
26 |
990 |
38,08 |
2 |
Mạc (1527 – 1592) |
22 |
484 |
22,00 |
3 |
Lê Trung hưng (1554 – 1592) |
7 |
45 |
6,43 |
4 |
Mạc + Lê Trung hưng (1527 – 1592) |
29 |
529 |
18,28 |
5 |
Lê Trung hưng (1592 – 1778) |
66 |
727 |
11,02 |
6 |
Toàn bộ Lê Trung hưng (1554 – 1778) |
73 |
772 |
10,58 |
Nhìn vào bảng 2.2 chúng ta thấy: Số lượng các khoa thi cũng như bình quân số người lấy đỗ trong một khoa thi dưới triều Mạc khá cao, chỉ đứng thứ 2 sau triều Lê Sơ và vượt xa triều Lê Trung hưng.
Thời Lê Sơ, trải qua 100 năm, tổ chức được 26 khoa thi Tiến sĩ, lấy đỗ 990 người; tính trung bình một khoa thi lấy 38,08 người đỗ Tiến sĩ và học vị tương đương. Còn thời Mạc, trong 63 năm lấy đỗ 484 Tiến sĩ, trung bình một khoa lấy đỗ 22 người.
Trong khi đó thời Lê Trung hưng, tính từ khi tổ chức khoa thi đầu tiên (1554) đến khoa thi cuối cùng (1778) là 73 khoa, lấy đỗ 772 người. Trung bình một khoa lấy 10,58 người đỗ. Nếu chỉ tính riêng thời kỳ ở Thanh Hoá (1554 – 1592), thì triều Lê Trung hưng mở được 7 khoa thi, lấy đỗ 45 người với bình quân số lấy đỗ trong một khoa là 6,43 người – chiếm tỷ lệ thấp nhất. Đó là chưa kể trong 7 khoa thi đó, có 3 khoa là Chế khoa (1554, 1565, 1577), lấy đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân (ngang với Đệ nhị giáp tiến sĩ) và Đệ nhị giáp Đồng Chế khoa xuất thân (ngang với Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ). Còn lại 4 khoa là các khoa thi Hội (1580, 1583, 1589, 1592), lấy đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ và Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ, chưa lấy đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ với danh hiệu Tam khôi. Điều đó cũng có nghĩa là triều Lê Trung hưng Thanh Hoá chưa tổ chức được kỳ thi Đình. Danh hiệu cao nhất dành cho người đỗ đầu trong các khoa thi Hội triều Lê Trung hưng thời kỳ này mới chỉ dừng lại ở Đệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp. Nếu xét về mặt này, thì khoa cử triều Mạc tỏ ra hơn hẳn triều Lê Trung hưng.
Trong 22 khoa thi, có 11 khoa triều Mạc đều lấy đủ danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đáng chú ý, có 3 khoa thi (1544, 1589, 1592), nhà Mạc không lấy Tam khôi. Còn các khoa thi sau đó những người đỗ đầu chỉ là Bảng nhãn, hoặc Thám hoa, có khi chỉ là học vị Đồng Tiến sĩ xuất thân. Do vậy, trong số 22 người đỗ đầu dưới triều Mạc có 11 người đạt danh vị Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 7 Thám hoa, 2 Hoàng giáp và 1 Đồng Tiến sĩ xuất thân. (bảng 2.3)
Bảng 2.3: Danh sách người đỗ đầu các khoa thi từ đời Lê Sơ
đến hết đời Lê Trung hưng
STT |
Triều đại |
Số khoa |
Đệ nhất giáp |
Đệ nhị giáp |
Đệ tam giáp |
||
Trạng nguyên |
Bảng nhãn |
Thám hoa |
|||||
1 |
Lê Sơ (1427 – 1527) |
26 |
20 |
1 |
|
4 |
1 |
2 |
Mạc (1527 – 1592) |
22 |
11 |
1 |
7 |
2 |
1 |
3 |
Lê Trung hưng (1554 – 1592) |
7 |
|
|
|
7 |
|
4 |
Lê Trung hưng (1592 – 1778) |
66 |
6 |
|
13 |
28 |
15 |
Như vậy càng về sau, nhất là từ đời Mạc Mậu Hợp trở đi, số Tiến sĩ lấy đỗ giảm dần, số người đỗ đầu trong các khoa thi thất thường. Thời Mạc Mậu Hợp, trong 10 khoa chỉ có khoa Đinh Sửu niên hiệu Sùng Khang 10 (1577) là khoa lấy đủ Tam khôi – thịnh khoa cuối cùng của khoa cử thời Mạc.
Tóm lại, bất chấp tình trạng chiến tranh, chỉ trong 65 năm tồn tại nhà Mạc đã đạt được thành tích đáng tự hào: Liên tục tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 484 Tiến sĩ với 11 Trạng nguyên. Kết quả đó có thể sánh với khoa cử thời Hồng Đức – đỉnh cao của giáo dục khoa cử thời Lê Sơ. Đây là một kỳ tích của Vương triều Mạc. Vậy tại sao nhà Mạc có thể thu hút được một số lượng lớn các sĩ tử tham gia ứng thí?
Trước tiên cần khẳng định rằng, Vương triều Mạc đã được kế thừa bởi truyền thống cũng như những thành quả giáo dục được tạo dựng từ các vương triều trước đó mà trực tiếp là Vương triều Lê Sơ. Trong khoảng 24 năm đầu, từ 1529 đến 1553, triều Mạc độc quyền tổ chức thi tuyển tiến sĩ. Năm 1533, với sự giúp đỡ của Quốc vương Ai Lao (Sạ Đẩu), ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” được Nguyễn Kim kéo lên trên đất Sầm Nưa. Tuy nhiên, với sự trung hưng của một vương triều sau nhiều năm suy vi, cần phải có thời gian củng cố địa vị, chuẩn bị lực lượng nên triều Lê Trung hưng chưa có điều kiện tổ chức ngay kỳ thi tuyển Tiến sĩ được. Trên thực tế, đến năm 1554 triều Lê Trung hưng mới tổ chức được kỳ thi Chế khoa đầu tiên và phải đợi 26 năm sau – năm 1580, nhà Lê Trung hưng mới tổ chức được khoa thi Hội đầu tiên. Thế nên số người dự thi và đỗ đạt dưới triều Mạc vẫn cao là một thực tế hiển nhiên.
Hơn nữa, theo Nguyễn Quang Hà trong “Khoa cử và tâm thái của các nhà Nho thời Mạc” thì “mặc dù sự mặc cảm “Nguỵ triều” không phải hoàn toàn không có ở một số người. Tuy nhiên, vượt lên trên hết đó là tính thực dụng của nho sĩ trong một xã hội tiểu nông: Học để đi thi, để đỗ đạt, làm quan để được hưởng nhiều quyền lợi… nên con đường ứng thí không thể chối từ” [101, tr.281]. Nhưng quan trọng hơn cả là triều Mạc, đặc biệt dưới 3 đời vua đầu, đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đúng đắn, tiến bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là giáo dục – khoa cử… làm cho kinh tế khởi sắc, đời sống nhân dân được đảm bảo, xã hội Đại Việt ổn định. Chính Lê Quý Đôn, nhà viết sử danh tiếng triều Lê Trung hưng đã xác nhận: “Từ đấy, những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” [27, tr.342]. Tác giả bộ Việt sử diễn âm cũng ngợi ca cảnh thái bình, thịnh trị của xã hội Đại Việt dưới đời vua Mạc Đăng Doanh, có thể sánh ngang với các vương triều mẫu mực trong truyền thuyết cổ Trung Quốc:
Nhường cho con là Thái Tông
Đặt niên hiệu Đại Chính đẹp lòng dân
Trị vì trọng lấy đức văn
… Muôn năm khoẻ đặt âu vàng
Phong triều vũ thuận bốn phương được mùa
Khá phen đời trị Đường Ngu
Kích nhưỡng khang cù đệm chiếu dân yên.
[66, tr.183 – 184]
Nhìn chung đến thời Mạc, khoa cử tiếp tục phát triển và thu được nhiều thành tựu, đạt đến đỉnh cao dưới triều Mạc Đăng Doanh. Nhưng càng về sau, nhất là từ đời Mạc Mậu Hợp trở đi, khi những hạn chế triều chính bộc lộ, chiến tranh khốc liệt; cùng với đó là sự cạnh tranh của triều Lê Trung hưng khiến cho trí thức Mạc nói riêng và trí thức Đại Việt nói chung phân hoá, đứng trước nhiều ngả đường. Đây chính là lý do giải thích vì sao số người ra ứng thí cũng như đỗ đạt vào cuối triều Mạc suy giảm.
Về tuổi đỗ:
Căn cứ vào sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919)” do Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1993; chúng tôi đã thống kê được 342/484 (chiếm 70,66%) số người biết rõ tuổi đỗ. Mặc dù còn 142 người không biết tuổi đỗ, nhưng với 342 người cũng đủ lớn để phản ánh một giá trị chỉ báo nhất định. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lập “Đồ thị tuổi đỗ của các Tiến sĩ thời Mạc (1529 – 1592)” (bảng 2.4).
Bảng 2.4: Đồ thị tuổi đỗ của các Tiến sĩ thời Mạc (1529 – 1592)
|
Từ đồ thị trên chúng ta thấy tỷ lệ người đỗ đại khoa ở các lứa tuổi thời Mạc cơ bản như sau:
– 3/342 người (chiếm 0,88%) đỗ ở tuổi 20, tuổi thấp nhất trong số các Tiến sĩ triều Mạc. Đó là:
+ Phan Tế (1510 – ?), người xã Nhật Xá, Duy Tiên (Hà Nam). Đỗ Tiến sĩ 1529, làm quan đến chức Thừa chính sứ, tước Nam.
+ Nguyễn Trùng Quang (1516 – ? ), người xã Bình Ngô, Gia Định (Bắc Ninh). Đỗ Tiến sĩ 1535, làm quan đến chức Hàn lâm, sau được thăng đến chức Thượng Thư, tước Quốc công.
+ Nguyễn Nhân Kiền (1528 – ?), người xã Ông La, Phượng Nhãn (Bắc Ninh). Đỗ Tiến sĩ 1547, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, tước Phong Lĩnh hầu.
– 102/342 người đỗ ở độ tuổi từ 21 – 29, chiếm 29,82%.
– 234/342 người (chiếm 68,42%) đỗ ở độ tuổi từ 30 – 59, là lực lượng đông đảo nhất trong số các Tiến sĩ triều Mạc.
– 3/342 người đỗ ở độ tuổi từ 60 – 66, chiếm 0,88%, là số người đỗ Tiến sĩ ở độ tuổi cao nhất. Bao gồm:
+ Đoàn Khắc Thận (1530 – ?), người xã Phụ Vệ, Chí Linh (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ 1589, khi đã 60 tuổi. Theo về nhà Lê, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
+ Nguyễn Hữu Nho (1529 – ?), người xã Khải Mông, Lang Tài (Bắc Ninh); đỗ Tiến sĩ 1589, khi đã 61 tuổi. Theo về nhà Lê, làm quan đến chức Thừa chính sứ.
+ Nguyễn Đốc Bật (1518 – ?), người xã Chi Cát, Phù Khang (Phú Thọ). 66 tuổi đỗ Tiến sĩ (1583). Khi nhà Mạc mất, làm quan với nhà Lê đến chức Tham chính. Ông là người có số tuổi cao nhất trong số các Tiến sĩ thi đỗ dưới triều Mạc.
Tính trung bình tuổi đỗ đại khoa của các nhà khoa bảng dưới triều Mạc là 35,30 tuổi. Đây là độ tuổi đang sung sức về thể lực và trí tuệ để có thể thực hiện các trọng trách mà triều đình giao phó ngay sau khi đỗ đạt.
Về địa bàn phân bố:
Giống các đơn vị hành chính thời Lê Sơ sau cải cách hành chính (1471), thời Mạc cả nước được chia làm 1 phủ (Phụng Thiên) ở Kinh đô và 13 đạo Thừa tuyên ở địa phương (bảng 2.5). Phạm vi đó tương ứng với địa bàn các tỉnh đồng bằng và trung du, miền núi Bắc Bộ cho đến tỉnh Bình Định ngày nay.
Bảng 2.5: Các nhà khoa bảng thời Mạc theo địa bàn phân bố
STT |
Tên phủ, đạo thời Mạc |
Đệ nhất giáp |
Đệ nhị giáp |
Đệ tam giáp |
Tổng số |
||
Trạng nguyên |
Bảng nhãn |
Thám hoa |
|||||
1 |
Phủ Phụng Thiên |
|
|
|
3 |
10 |
13 |
2 |
Đạo Hải Dương |
3 |
4 |
5 |
35 |
98 |
145 |
3 |
Đạo Sơn Tây |
|
3 |
|
12 |
40 |
55 |
4 |
Đạo Kinh Bắc |
5 |
1 |
10 |
37 |
115 |
168 |
5 |
Đạo An Bang |
|
|
|
1 |
|
1 |
6 |
Đạo Sơn Nam |
3 |
4 |
3 |
11 |
63 |
84 |
7 |
Đạo Thanh Hoa |
|
|
|
1 |
6 |
7 |
8 |
Đạo Lạng Sơn |
|
|
|
|
|
0 |
9 |
Đạo Hưng Hoá |
|
|
|
|
1 |
1 |
10 |
Đạo Ninh Sóc |
|
|
|
|
3 |
3 |
11 |
ĐạoTuyên Quang |
|
|
|
|
|
0 |
12 |
Đạo Nghệ An |
|
|
|
2 |
3 |
5 |
13 |
Đạo Thuận Hoá |
|
|
|
|
2 |
2 |
14 |
Đạo Quảng Nam |
|
|
|
|
|
0 |
Tổng |
1 phủ, 13 đạo |
11 |
12 |
18 |
102 |
341 |
484 |
Nhìn vào bảng 2.5 chúng ta thấy:
Các nhà khoa bảng thời Mạc phân bố trên một địa bàn tương đối rộng. Trong phạm vi cả nước lúc đó, chỉ có 3 đạo là đạo Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn và một số huyện của tỉnh Bắc Giang), Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, và một số huyện thuộc tỉnh Hà Giang), và đạo Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) không có người đỗ Tiến sĩ. Các đạo còn lại, có địa bàn tương ứng với hầu khắp các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho đến phía Bắc miền Trung (đến huyện Lệ Thuỷ, phủ Tân Bình, đạo Thuận Hoá, nay là tỉnh Quảng Bình) đều có người đỗ Tiến sĩ. Trong đó, hầu hết các nhà khoa bảng đều tập trung ở khu vực Tứ trấn, gồm 4 đạo: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây và Sơn Nam. 4 đạo này có đến 452 Tiến sĩ với 11 Trạng nguyên, chiếm tới 93,4 % tổng số Tiến sĩ thời Mạc. Tiếp đó là phủ Phụng Thiên ở Thăng Long có 13 người đỗ (chiếm 2,7 %) và các đạo Thanh Hoa có 7 Tiến sĩ (chiếm 1,5 %); đạo Nghệ An có 5 Tiến sĩ (chiếm 1,0 %); đạo Ninh Sóc có 3 Tiến sĩ (chiếm 0,6 %); đạo Thuận Hoá có 2 Tiến sĩ (chiếm 0,4 %). Thấp nhất là 2 đạo An Bang và Hưng Hoá, mỗi đạo chỉ có 1 Tiến sĩ, chiếm 0,2 %.
Trong khu vực Tứ trấn, nổi lên 2 đạo có số người đỗ Tiến sĩ nhiều nhất, đó là Kinh Bắc và Hải Dương. Chỉ tính riêng 2 đạo này đã có 313 Tiến sĩ với 8 Trạng nguyên, chiếm 64,7 % tổng số Tiến sĩ triều Mạc. Sở dĩ khu vực Tứ trấn nói chung, 2 đạo Kinh Bắc và Hải Dương nói riêng có số người đỗ Tiến sĩ nhiều nhất trên phạm vi cả nước thời Mạc là vì:
Trước hết, khu vực Tứ trấn vốn là vùng có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Vùng này gần Kinh đô Thăng Long, lại tập trung nhiều thầy giỏi, nhiều gia đình, dòng họ khoa bảng. Theo lưu truyền dân gian và gia phả các dòng họ, những người đỗ đạt xuất thân từ những gia đình có truyền thống gia phong, từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học, quyết nối chí sự nghiệp vinh hiển của cha ông. Sự thành đạt khởi đầu của một người trong dòng họ đã tạo thế và đà cho con cháu trong họ cũng như người trong làng ganh đua nhau học hành, thi cử. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn khiến khu vực Tứ trấn, đặc biệt là 2 đạo Kinh Bắc, Hải Dương có số lượng người đỗ cao, vượt hơn hẳn so với cả nước là do đây là vùng hậu cứ vững chắc mà Mạc Đăng Dung và nhà Mạc quan tâm xây dựng.
Cho đến trước năm 1533, về cơ bản nhà Mạc nắm quyền cai trị và quản lý toàn bộ lãnh thổ Đại Việt. Trong đó, những đạo thuộc biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Ninh Sóc, Hưng Hoá, An Bang đều được nhà Mạc cai quản, kiểm soát đến tận biên giới giáp ranh với Trung Quốc và Lào. Năm 1538, Trần Phỉ vừa là Thượng Thư bộ Lễ vừa kiêm chức Thừa tuyên sứ Hưng Hoá. Còn những đạo phía Nam như Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hoá, Quảng Nam cũng do các vị quan lại thân tín trong Hoàng tộc đến trấn trị. Năm 1530, “Thái sư Lân Quốc công Mạc Quốc Trinh trấn giữ dinh Hoa Lâm” [19, tr.113] thuộc Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hoá). Năm 1532, Đăng Doanh “cho hoạn quan Trung Hậu hầu… làm đại tướng quân, sai đem quân coi chung ba phủ Thanh Hoa cùng các quan ba ty tổng trấn quân dân cả một phương” [19, tr.116], rồi “chia Thanh Hoa ra làm đôi… giao cho Lê Phi Thừa quản lĩnh, cùng với Trung Hậu hầu, thành thế khống chế lẫn nhau” [19, tr.116]. Kể cả những vùng biên viễn như Thuận Hoá cũng yên ổn như nhận xét của Lê Quý Đôn: “Nguỵ Mạc cướp ngôi, sai em là Nguỵ Tín Vương Mạc Quyết coi đạo Thuận Hoá. Bấy giờ địa phương rối loạn, thổ hào đều đem quân đánh nhau, nghe nói Mạc Đăng Dung cướp ngôi và sai quan đến vỗ về, họ cũng tạm yên” [26, tr.45].
Nhưng kể từ khi Nam triều thành lập (1533) và bắt đầu cục diện Nam – Bắc triều (1546), địa bàn quản lý của nhà Mạc bị thu hẹp. Trong khi vùng Thanh – Nghệ vốn là đất bản bộ của nhà Lê, từng bước nằm dưới quyền kiểm soát của Nam triều; thì vùng Thuận Quảng từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ (1558) thực sự đã thuộc quyền Nam triều như lời ghi của sử gia Lê Quý Đôn: “Từ đấy Mạc Phúc Nguyên không dám dòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng” [25, tr.379]. Cũng vậy, nhà Mạc đã mất dần khả năng kiểm soát vùng đất phía Tây Bắc Bộ, trong đó có những nơi như Đại Đồng (Tuyên Quang) trên thực tế do tù trưởng thần phục nhà Lê là Vũ Văn Mật chiếm giữ (con cháu Vũ Văn Mật trong thời Lê Trung hưng vẫn cát cứ, chiếm giữ Đại Đồng, xây thành Việt Tĩnh cho đến năm 1699). Do đó, địa phận cai quản chủ yếu của nhà Mạc bị thu hẹp, chỉ còn phần đất từ đạo Sơn Nam trở ra, trong đó vùng châu thổ sông Hồng mà hạt nhân là Dương Kinh, là căn cứ vững mạnh, gắn bó và trung thành với nhà Mạc. Trên thực tế, vùng đất này dưới thời Mạc khá ổn định và phồn vinh như thừa nhận của Lê Quý Đôn: Năm 1532, dưới đời vua Mạc Đăng Doanh “mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” [25, tr.342].
Đáng chú ý, trong 13 đạo có 3 đạo là Thanh Hoa, Nghệ An và Thuận Hoá chủ yếu thuộc vùng quản lý của nhà Lê Trung hưng, nhưng vẫn có 14 Tiến sĩ (chiếm 2,89 %). Điều đó cho thấy không khí, tinh thần học hành thi cử của người Việt cũng như tính hiệu quả trong chính sách trọng dụng, thu hút người tài của triều Mạc. Riêng đạo Sơn Nam, mặc dù số người đỗ Tiến sĩ là 84, nhưng chủ yếu tập trung xung quanh Thăng Long, Kinh Bắc, Hải Dương, còn vùng Nam Sơn Nam (Nam Định, Ninh Bình) rất ít người đỗ. Vùng thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay không hề có người đỗ Tiến sĩ, vì đây là vùng đệm, là chiến trường chủ yếu và giằng co lâu dài trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều.
Nhìn chung, giáo dục khoa cử thời Mạc có ảnh hưởng trong một phạm vi rộng lớn, trong đó hạt nhân phát triển là khu vực Tứ trấn Thăng Long và vùng đất căn bản – hậu phương của nhà Mạc. Điều đó chứng tỏ dưới thời Mạc, các địa phương vẫn tiếp nối được truyền thống khoa cử từ các triều đại trước.
Thời Mạc, có những làng có truyền thống học hành thi cử lâu đời tiếp tục được phát huy như làng Kim Đôi, làng Tam Sơn (Bắc Ninh), làng Định Công (Hà Nội),… Có những làng thật sự mới nổi lên từ thời Mạc như làng Lạc Đạo (Hưng Yên), làng Vịnh Kiều (Bắc Ninh), làng Tam Chế (Hà Tĩnh), làng Bát Tràng (Hà Nội), làng Đại Bái (Bắc Ninh)… Lại có những làng thời Lê nổi tiếng về truyền thống khoa bảng, nhưng đến thời Mạc chỉ có một vài người đỗ rồi dứt hẳn như làng Quan Tử. Đây là một làng Tiến sĩ nổi danh, xưa là xã Sơn Đông, Lập Thạch (Vĩnh Phú). Thời Lê chỉ trong 52 năm (1453 – 1505), làng này có tới 11 người đỗ, với 4 Hoàng giáp và 7 Tiến sĩ. Nhưng đến thời Mạc, làng này chỉ có 1 người đỗ Tiến sĩ. Đó là Vũ Doãn Tư (1478 – ?), đỗ năm 1541, làm quan đến Lại bộ Tả thị lang. “Ông là người duy nhất trong số các Tiến sĩ của làng thi đỗ trong các khoa thi do nhà Mạc tổ chức, và cũng là vị Tiến sĩ cuối cùng của làng Quan Tử” [45, tr.68]. Hiện nay đền thờ ông vẫn còn, con cháu dòng họ Vũ hàng năm không ngừng hương khói, tưởng nhớ công ơn Người đã làm rạng danh dòng họ, sánh ngang với các dòng họ khác trong làng.
Nhưng nói đến truyền thống khoa bảng một làng thực tế là nói đến truyền thống khoa cử một vài họ. Cũng vậy, nói đến truyền thống khoa cử một dòng họ, nhiều lúc chỉ tập trung vào một vài chi phái của họ, thậm chí chỉ tập trung vào một gia đình. Theo thống kê của Nguyễn Quang Hà “dưới thời Mạc có 83 gia đình đã từng có 2 người đỗ Tiến sĩ, 24 trường hợp gia đình có 3 người đỗ Tiến sĩ, 11 trường hợp gia đình có 4 người đỗ Tiến sĩ, 3 trường hợp gia đình có 5 người đỗ Tiến sĩ, 1 trường hợp gia đình từng có 9 người đỗ Tiến sĩ” [101, tr.279]. Dưới đây xin lược thiệu một số gia đình, dòng họ tiêu biểu:
Ở Kim Đôi, Võ Giàng (Bắc Ninh), có dòng họ Nguyễn nổi tiếng là một vọng tộc trâm anh thế phiệt. Thời Lê Sơ, dòng họ này có tới 11 Tiến sĩ, vua Lê Thánh Tông phải khen ngợi “Kim Đôi hồng tử mãn triều” (làng Kim Đôi có nhiều bậc tài danh mặc áo đại thần nhất phẩm). Đến thời Mạc, dòng họ này có 2 người là Nguyễn Lượng đỗ Tiến sĩ 1556; và Nguyễn Năng Nhượng đỗ Hoàng giáp 1562. Hai Ông đều làm quan đến Thượng thư, góp phần làm rạng rỡ truyền thống của một dòng họ khoa bảng cự phách chỉ trong 3 đời có đến 13 người đỗ đại khoa.
Hoặc gia đình họ Bùi ở Định Công, Thanh Trì (Hà Nội) có 4 đời đỗ Tiến sĩ, là một dòng họ có nhiều năng lực đa dạng đã “cống hiến đạt mức tối cao về chính trị, giáo dục, vũ bị, khoa học gần như liên tục nhất” [6, tr.86]. Thời Mạc dòng họ này có Bùi Vịnh đỗ Bảng nhãn 1532, làm quan đến Lại bộ Tả thị lang.
Hay gia đình Tiến sĩ Nguyễn Hoành Xước đỗ 1538, ở Lý Hải, Yên Lãng (Vĩnh Phú). Thời Mạc, ngoài Nguyễn Hoành Xước còn có Tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ đỗ 1586. Hai cha con cùng đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Mạc, một nhà vinh hiển.
Không chỉ tiếp nối những dòng họ khoa bảng, làng khoa bảng có từ thời Lê Sơ, khoa cử thời Mạc còn tạo nên những dòng họ khoa bảng, những làng khoa bảng. Tiêu biểu có:
Gia đình Trạng nguyên Dương Phúc Tư ở Lạc Đạo, Gia Lâm (Hưng Yên). Ông là người khai khoa cho một gia tộc danh tiếng có tới 9 người đỗ Tiến sĩ làm quan to trong triều, được người đời ngưỡng vọng. Hiện nay ở thôn Ngọc còn bảo lưu nhiều câu đối ca ngợi tài học của cụ Trạng cũng như khích lệ con cháu trong dòng họ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tiền nhân:
Tiên tổ Trạng nguyên thanh thế, công danh vang triều Mạc
Hậu sinh Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng, hiển Dương gia.
(Dịch nghĩa:
Tiên tổ Trạng nguyên, công nghiệp danh thơm, vang triều Mạc
Cháu con Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng, hiển tộc Dương) [106, tr.55]
Xã Thổ Hoàng, Kim Thi (Hưng Yên) có dòng họ Bảng nhãn Hoàng Tuân đỗ 1553. Ông là người khai khoa cho dòng họ có 5 đời liền đỗ Tiến sĩ. Hoàng Tuân còn có cháu nội là Hoàng Chân Nam, đỗ Tiến sĩ 1571. Hai ông cháu cùng thi đỗ, làm quan triều Mạc, đem lại vinh hiển cho gia đình, dòng họ.
Xã Đại Bái, Gia Định (Bắc Ninh), có dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Hoằng Diễn đỗ 1541. Ngoài Nguyễn Hoằng Diễn dòng họ này có 2 người nữa cũng đỗ và làm quan triều Mạc là Nguyễn Ngạn Hoành đỗ 1550 và Nguyễn Kỳ Phùng đỗ 1580. Đây là dòng họ 3 đời liên tục đỗ Hoàng giáp dưới triều Mạc, được chứng kiến cảnh đổi thay trong suốt triều đại này.
Xã Đỗ Xá, Đường Hào (Hưng Yên), có gia đình Tiến sĩ Đỗ Trác Dị đỗ 1547. Ông là người khai khoa cho dòng họ 3 đời đỗ Tiến sĩ, đồng thời là cha của Đình nguyên Thám hoa Đỗ Cung đỗ 1580.
Xã Triền Dương, Chí Linh (Hải Dương), có gia đình Hoàng giáp Đồng Hãng đỗ 1559. Ông là người hùng tuấn trong giới thư sinh bấy giờ, cũng là người mở đầu một dòng họ có 4 người đỗ Tiến sĩ với 2 danh sĩ nổi tiếng. Ông còn có em là Đồng Đắc, đỗ Tiến sĩ 1568. Hai anh em cùng đỗ và làm quan đồng triều đem lại vinh hiển cho gia đình, quê hương.
Nối đời đỗ đạt và là một trong những gia đình có nhiều người đỗ đại khoa nhất dưới triều Mạc phải kể đến gia đình khoa bảng Nguyễn Văn Huy, người Vịnh Kiều, Đông Ngàn (Bắc Ninh). Đỗ Thám hoa năm 1529, Ông đã mở đầu một dòng tộc uy danh khắp nước với 5 đời đỗ được 10 Tiến sĩ, trong đó “có đến hai đợt 3 anh em đều đỗ Tiến sĩ” [6, tr.59]. Đợt thứ nhất diễn ra dưới triều Mạc. Nguyễn Văn Huy có 3 người con đều thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Mạc, lần lượt là: Hoàng giáp Nguyễn Trọng Quýnh đỗ 1547, làm quan đến Thượng thư; Hoàng giáp Nguyễn Đạt Thiện đỗ 1559, làm quan đến Binh khoa Đô cấp sự trung và Nguyễn Hiển Tích đỗ Tiến sĩ 1565, làm quan đến Tả thị lang. Ngoài ra, còn có Nguyễn Giáo Phương, con của Nguyễn Trọng Quýnh, đỗ Hội nguyên, Đình nguyên Thám hoa 1586. Vậy là dưới thời Mạc, họ Nguyễn Vịnh Kiều có 5 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 2 Thám hoa, 2 Hoàng giáp và 1 Tiến sĩ. Một thành tích hiếm có trong lịch sử khoa cử thời Mạc cũng như khoa cử Việt Nam.
* Tiểu kết chương 2
Thời Mạc giáo dục khoa cử đã kế thừa, phát huy những thành quả giáo dục nhà Lê Sơ dày công xây dựng trong 100 năm trị vì, đồng thời làm cho nó có bước phát triển cao hơn với nhiều thành tựu xuất sắc.
Việc học hành và thi cử Nhà nước giao cho bộ Lễ quản lý. Hệ thống trường lớp tiếp tục được mở rộng. Quốc Tử Giám vẫn là trường Quốc học lớn nhất trong cả nước. Đặc biệt, thời Mạc có Dương Kinh nổi lên như là Kinh đô thứ hai, tại đây có ngôi trường lớn mang tầm cỡ quốc gia, có thể sánh ngang với Quốc Tử Giám Thăng Long. Hệ thống trường tư cũng có bước tiến, với nhiều thầy giáo tài năng đức độ, nổi bật nhất là trường Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm – “nhà giáo dục được truyền tụng sâu rộng nhất trong thế kỷ XVI” [6, tr.336].
Về nội dung giáo dục và thi cử, nhà Mạc tiếp tục kế thừa và củng cố nền giáo dục mang nội dung Nho giáo đã thành điển lệ từ thời Lê Sơ. Quy chế thi cử nghiêm túc, chọn được nhiều người thực tài. Giáo dục khoa cử nhà Mạc có ảnh hưởng trong một phạm vi rộng, trong đó mạnh nhất là khu vực Tứ Trấn Thăng Long, đã thực sự tiếp nối và làm giàu thêm truyền thống hiếu học của dân tộc.
Bất chấp tình trạng chiến tranh, nhà Mạc đều đặn 3 năm tổ chức một khoa thi Hội. Do đó chỉ trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 484 Tiến sĩ với 11 Trạng nguyên. Đây là một kỳ tích của Vương triều Mạc, bởi có đặt kết quả đó trong bối cảnh khủng hoảng của Đại Việt cuối thời Lê Sơ cũng như tình trạng hỗn chiến liên tục trong suốt thời gian tồn tại của nhà Mạc, chúng ta mới thấy hết nỗ lực và thành tích của vương triều này trong giáo dục khoa cử.
Như vậy, dưới thời Mạc giáo dục khoa cử phát triển cao, đã đào tạo được một đội ngũ trí thức tài giỏi, có nhiều đóng góp cho lịch sử Vương triều Mạc cũng như lịch sử văn hoá dân tộc.
(HẾT CHƯƠNG HAI, CÒN TIẾP CHƯƠNG BA)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.