- Đang online: 4
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15457
- Tổng truy cập: 3,368,914
GIÁO DỤC, KHOA CỬTHỜI MẠC TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592 (tiếp theo)
- 344 lượt xem
GIÁO DỤC, KHOA CỬTHỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Tô Ngọc Hằng (tiếp theo)
Chương 3
ĐÓNG GÓP CỦA NHO SĨ THỜI MẠC (1527 – 1592)
3.1. Đóng góp về chính trị
Qua khoa cử, hàng loạt Nho sĩ tài giỏi đã tham chính, phục vụ đắc lực triều Mạc. Người đầu tiên phải nhắc đến là Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh trưởng trong bối cảnh xã hội có nhiều thăng trầm, cuộc đời ông chứng kiến gần trọn thời kỳ hình thành, phát triển và suy vong của Vương triều Mạc. Điều đặc biệt và đáng trân trọng ở con người này là ở chỗ: là một người có học thức uyên bác, nhưng Ông đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định ra thi và làm quan cho nhà Mạc, để cuối cùng trở thành “danh sĩ lớn nhất đã đi theo nhà Mạc đến phút cuối cùng” [101, tr.14].
Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng là người học giỏi, song gặp lúc nhà Lê suy đồi, Ông không tham dự một kỳ thi nào. Khi nhà Mạc giành ngôi, thi hành chính sách trọng dụng hiền tài, mở hai khoa thi liên tiếp, Ông cũng chưa vội ứng thí. Mãi đến năm 1535, sau 8 năm triều Mạc trị vì, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới dự thi khoa Ất Mùi dưới đời vua Mạc Đăng Doanh và đỗ Trạng nguyên khi đã 44 tuổi. Nguyễn Bỉnh Khiêm bước vào con đường công danh khá muộn, lại bắt đầu bằng sự cộng tác với “Nguỵ Mạc”. Điều đó có vẻ không thuận nếu đối chiếu với những chuẩn mực đạo lý Nho gia. Vậy vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm suốt đời cho đến lúc 44 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, để rồi cuối cùng lại quyết định ra thi và cống hiến một nửa sau của đời mình phụng sự nhà Mạc vốn bị coi là “Nguỵ triều”?
Lý giải vấn đề này, trước đây nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan với nhà Mạc là bất đắc dĩ, bị động và rơi vào tình thế bó buộc. Khởi đầu cho ý kiến này là tác giả viết Phả ký cho Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Khi bốn phương đã trở lại yên tĩnh, bạn hữu đều khuyên ông ra làm quan, đến năm 44 tuổi Ông mới chịu ra ứng thí” [85, tr.627]. Tiếp theo Vũ Khâm Lân, Phan Huy Chú cũng nhắc lại gần như nguyên vẹn ý kiến đó: “Khi họ Mạc lấy được nước rồi, bốn phương tạm yên, các thân thích bạn bè đều khuyên ông ra làm quan” [85, tr.640].
Tuy nhiên, qua nhiều hội thảo giới nghiên cứu cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm thực tâm đến với nhà Mạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải mất một thời gian dài suy xét, trăn trở, chiêm nghiệm để lựa chọn. Trước tình hình chính sự rối ren, nhà Lê không còn đủ bản lĩnh nắm ngọn cờ trị nước nữa. Trong khi đó, giữa các thế lực nổi lên giành quyền bấy giờ không thế lực nào hơn họ Mạc. Và ngay với nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thận trọng quan sát, chờ đợi. Trước những thành công và tiến bộ nhất định mà vương triều mới đem lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự vui mừng, tin tưởng:
Mừng thấy thời vần đời mở trị
Thái bình thiên tử, thái bình dân.
[101, tr.15]
Từ đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định ra thi phục vụ Vương triều Mạc, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử:
Quân tử mới hay nơi xuất xứ
Trượng phu cũng có chí anh hùng.
[101, tr.15]
Là một nhà nho nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không bị câu nệ vào quan điểm “chính thống” khi ra với nhà Mạc. Ông là một bậc tài năng, phải lựa chọn thời thế và phải chọn minh chúa để thi thố tài năng. Học thuyết Nho giáo cho phép kẻ sĩ không cộng tác với những vị vua vô đạo. Lịch sử và giới Nho sĩ Việt Nam ủng hộ việc thay đổi các dòng họ cầm quyền khi người đứng đầu không còn đủ tài đức lãnh đạo đất nước. Đinh Thì Trung cũng từng nói một cách phóng khoáng về con đường hành đạo của Thầy ông:
Bởi chúa Kiệt một tay tàn bạo, nên gác xe năm lượt không theo;
Bởi nhà Lương chính đạo khó hành, nên cuốn áo ba lần lìa bỏ.
Thờ ai chả là vua, vui gì chả là đạo, một mình vừa nhậm, vừa thanh;
Đã có ích cho mình, lại có lợi cho người, đôi bề được danh, được thọ
[85, tr.622]
Tóm lại, lý do Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định đi thi và làm quan cho nhà Mạc không chỉ nói lên sự tinh tường trong nhãn quan của một bậc đại thành trí thức, mà còn thể hiện một niềm tin vào vương triều mới đang thành công trong công cuộc ổn định xã hội đồng thời cũng nói lên sự chọn đường của trí thức thời bấy giờ. Và trong đời mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đem hết tâm lực cống hiến, phục vụ Vương triều Mạc. Ông làm quan trải 4 triều, được thăng đến Thượng thư bộ Lại, hàm Thái phó, tước Trình Quốc công.
Sau khi đỗ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ Đông các Hiệu thư, sửa chữa giấy tờ, từ lệnh được soạn thảo từ Hàn Lâm Viện chuyển sang. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, mở ra cơ hội để ông đem tài năng thực hiện lý tưởng phò vua giúp nước. Trong suốt thời gian tại chức, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đem sở học giúp vua giúp nước, làm tròn hai chữ hiếu trung của nhà Nho. Nhưng năm 1540, vua Mạc Đăng Doanh đột ngột qua đời; tiếp đó năm 1541, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung cũng mất. Vua Mạc Phúc Hải trẻ tuổi kế vị, kém tài năng và đức độ để gian thần chuyên quyền làm loạn, trong đó có cả thông gia của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước thực trạng đó, năm 1542, Ông đã dâng sớ xin chém 18 nịnh thần, Mạc Phúc Hải không dám làm theo đề nghị đó. Mùa thu năm 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm xin cáo quan khi đã làm đến Lại bộ Tả thị lang, tước Trình Tuyền hầu.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tuỳ thời mà xuất xử như cái lẽ xuất xử cần phải có ở người chính nhân quân tử. Ông đã ra thi, làm quan đúng vào lúc nhà Mạc đang có cơ xoay chuyển lại vận nước, để góp phần mình vào công cuộc chung chuyển loạn thành trị. Nhưng khi vua Mạc tỏ ra bất lực trước tình thế, để cho quyền thần hoành hành, hại nước hại dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ bỏ. Từ đó cho đến năm 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có ra làm việc với nhà Mạc, nhưng tham gia với tư cách là cố vấn trên từng việc cụ thể, xong việc lại xin về.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một văn thần, Ông còn là một nhà quân sự tài ba. Ông đã nhiều lần cố vấn cho nhà Mạc trong các trận chiến với Nam triều cũng như đã khuyên nhủ, dụ hàng được nhiều tướng giỏi từng bỏ Mạc theo Lê.
Tháng 5 năm 1551, chỉ 2 tháng sau khi Lê Bá Ly đem 1 vạn 4 nghìn quân cùng một loạt văn thần võ tướng vào hàng trụ cột của triều Mạc, quy thuận nhà Lê; Trịnh Kiểm cho mở cuộc tấn công lớn ra Bắc triều. Kinh thành bị uy hiếp, Mạc Phúc Nguyên phải chạy về Kim Thành. Từ đó cho đến năm 1557, quân Lê – Trịnh thường xuyên thắng lớn. Trước tình thế đó, năm 1557, Mạc Phúc Nguyên cử Nguyễn Bỉnh Khiêm dụ hàng Nguyễn Quyện. Ông đã gửi cho Nguyễn Quyện – học trò cũ một bài thơ:
Đạo ở mình ta có khó gì,
Phương chi chí khí đã tường kỳ.
Nghìn năm quân phụ cương thường đó,
Trung hiếu một lòng chớ đổi đi.
[39, tr.161]
Kết quả, tháng 8.1557, cả hai anh em Nguyễn Quyện cùng các thuộc tướng đã trở về với nhà Mạc. Mạc Phúc Nguyên khôi phục chức tước cho Quyện, Miễn; cho giữ binh quyền như cũ. Chính Nguyễn Quyện đã lập công đầu đánh tan 5 vạn quân Lê – Trịnh ở Sơn Nam giữa lúc quân Mạc bị rơi vào thế yếu, để sau này trở thành danh tướng triều Mạc. Kêu gọi được Nguyễn Quyện trở về, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hoàn thành nhiệm vụ vua Mạc giao phó. Từ đây, cục diện chiến tranh Lê – Mạc trở về thế cân bằng, nghiêng về hướng có lợi cho quân Mạc. Với thành công này, Nguyễn Bỉnh Khiêm được vua Mạc gia phong chức tước.
Không chỉ vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn hiến kế “thực hư” giúp quân Mạc lật ngược thế cờ. Tháng 10 năm 1559, Trịnh Kiểm thống suất 6 vạn quân, phao lên 12 vạn, mở cuộc tấn công lớn ra Bắc. Cuộc hành quân kéo dài 3 năm, quân Lê – Trịnh gần áp đảo quân Mạc. Đến tháng 3 năm 1561, quân Lê – Trịnh đã làm chủ phần lớn vùng đất phía Bắc sông Hồng, quân Mạc co cụm ở Kinh Bắc và Hải Dương. Tình thế nguy cấp, Nguyễn Bỉnh Khiêm liền hiến kế “đánh nước Nguỵ để cứu nước Hàn” với Mạc Phúc Nguyên, rằng: “Quân nhà Lê xâm lấn ta rất gắt…, họ hoành hành đã hai năm nay, thanh thế rất mạnh… Chi bằng dùng cách xuất kỳ bất ý, ngầm dẫn quân tiến thẳng vào Thanh Hoa đánh ngay vào nơi tâm phúc, thì đạo quân đang vây ở Kinh Bắc và Hải Dương, ta không cần đánh cũng sẽ tự giải” [27, tr.384 – 385]. Theo kế trên, tướng Mạc Kính Điển thống lĩnh thuỷ quân đánh thẳng vào Thanh Hoa, uy hiếp Vĩnh Lại, quân Lê – Trịnh buộc phải rút về. Kinh thành được thu hồi, vua Mạc trở về kinh. Kế sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cứu nguy quân Mạc, giúp vua Mạc chuyển bại thành thắng, thay đổi cục diện trên chiến trường. Từ đây, quân Mạc mở những cuộc phản công quy mô trên cả hai mặt trận: Mặt trận phía Nam đánh thẳng vào Thanh Hoá và mặt trận phía Tây nhằm vào sào huyệt Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang. Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được sung vào đạo quân Tây chinh cùng các văn thần khác.
Mặc dù sử sách không ghi rõ về cuộc Tây chinh đánh Vũ Văn Mật, nhưng trong khoảng 1554 – 1561, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hai lần cùng quân Mạc đánh dẹp Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang với cương vị là Tham tán quân cơ. Sau lần Tây chinh thứ hai trở về, khi đã 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới nghỉ hưu thật sự.
Như vậy, những việc làm của Nguyễn Bỉnh Khiêm dù xuất hay xử đều chứng tỏ Ông gắn bó thuỷ chung với Vương triều Mạc. Trước khi mất, Ông còn có kế sách bảo toàn cho dòng họ Mạc. Ông đã đem hết tâm lực phục vụ vương triều này. Có điều, nhà Mạc trong thực tế không đáp ứng được hoàn toàn mong ước của ông về một xã hội lý tưởng thời đại Đường Ngu. Đinh Thì Trung trong Văn tế đã khẳng định Thầy ông không gặp thời, hơn thế cũng không thoả chí:
Hay đâu sinh chẳng gặp thời, đời nào phải Đường Ngu vũ trụ,
… Việc không thành đạt, Tiên sinh chẳng được tòng quyền
[85, tr.621 – 622]
Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, Mạc Mậu Hợp cử Khiêm Vương Mạc Kính Điển về tế; đồng thời tự tay viết bản ngạch “Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ”. Người học trò, đồng liêu – Giáp Hải đã ngợi ca Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cột chống trời”, là nhân vật kiệt xuất của 4 đời vua Mạc:
Tên Ông đứng đầu khoa thi nhà Nho chấn động như tiếng sấm,
Sức phò tá nhà vua như cột chống trời.
Sự nghiệp vẻ vang qua bốn đời vua, là bậc anh kiệt trong cõi người,
Nghi dung rạng ngời như cửu lão, là bậc tiên trên trần thế.
[85, tr.615 – 616]
Cùng với bậc đại thành trí thức Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải cũng toả sáng với những đóng góp của ông cho Vương triều Mạc.
Năm 1538, Giáp Hải đỗ Trạng nguyên và bắt đầu sự nghiệp khi mới 31 tuổi. Mặc dù không phải mất một thời gian dài quan sát, chiêm nghiệm rồi mới quyết định như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng hẳn rằng Ông cũng đứng trước sự lựa chọn như bao trí thức khác; và có lẽ Ông đã nhận thức được sự suy yếu không thể vãn hồi của nhà Lê Sơ cũng như cảm nhận được những thay đổi mà vương triều mới đem lại, để giành hết tâm huyết cho Vương triều Mạc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những biến cố chính trị của Vương triều này. Ông làm quan cho nhà Mạc trải 4 đời vua, giữ nhiều trọng trách trong triều đình, làm quan đến chức Thượng thư lục bộ kiêm Đông các, Nhập thị kinh diên, Thái bảo, Sách Quốc công.
Giáp Hải nhiều lần được vua Mạc giao làm cố vấn theo quân đánh Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang. Đại Việt thông sử cho biết: “tháng 12, Phúc Nguyên sai… Lại bộ Tả thị lang Giáp Trưng (Giáp Hải – TG chú thích) dẫn quân đánh xứ Lạng Sơn” [27, tr.386]. Trận này, quân Mạc đại thắng, quân Lê – Trịnh bị đánh tan, thành Lạng Sơn thuộc về quyền quản lý của nhà Mạc. Không chỉ dừng lại ở chiến thắng quân sự, trận tiến công lên phía Tây lần này của nhà Mạc còn một ý nghĩa quan trọng khác. Mặc dù đem quân đánh Lê – Trịnh, nhưng đằng sau đó là lực lượng của Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang. Do đó, trong chuyến đi này trước hết nhà Mạc phải nêu cao được danh nghĩa điếu dân phạt tội, cắt đặt quan lại để nhanh chóng ban hành giáo hoá, khiến lòng dân ở những vùng miền núi xa xôi này từ bỏ thế lực cát cứ Vũ Văn Mật trở về với triều đình. Điều đó càng trở nên khó khăn hơn vì nhân dân vùng này đã có một thời gian dài được sống khá yên ổn, no đủ dưới sự cai quản của anh em họ Vũ. Quan trọng hơn là đánh lên Lạng Sơn, nhà Mạc còn phải dè chừng một cuộc đụng độ có thể xảy ra với “Thiên triều” ở ngay cạnh biên giới vốn có liên hệ mật thiết với họ Vũ. Vì vậy, vua Mạc – dù còn nhỏ tuổi cũng thân chinh ra trận và đây là trận đánh “đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của nhà Mạc, nhà vua cùng Khiêm Vương phụ chính đã cử nhiều văn thần vào hàng cao cấp đến thế cùng đi theo việc quân” [39, tr.152]. Trong thực tế, sau chiến thắng nhà Minh cho người hỏi “Quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi, là quân họ Mạc hay quân họ Lê” [27, tr.386]; khi đó Giáp Hải đã trả lời “Quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi là quân giặc” [27, tr.386]. Điều đó đủ thấy tầm quan trọng của Giáp Hải trong chuyến Tây chinh lần này. Giáp Hải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Vừa dẹp được quân Lê – Trịnh, thu hồi thành Lạng Sơn; đồng thời duy trì mối quan hệ hữu hảo với nhà Minh. Với công lao đó, tháng 3 năm sau (1562) “Phúc Nguyên cho Giáp Trưng (Giáp Hải – TG chú thích) giữ chức Thượng thư bộ Lại, phong tước Tô Khê hầu” [27, tr.386].
Từ năm 1577 trở đi, trước tình trạng xuống cấp của triều đình, Giáp Hải đã 3 lần (1577, 1581, 1586) dâng sớ đề nghị vua Mạc cải cách để lay chuyển hiện trạng Bắc triều. Trong đó, với lời lẽ dung hoà nhưng không kém phần quyết liệt, sâu sắc, Ông đã phân tích, chỉ ra những nguyên nhân làm triều Mạc suy yếu. Tờ sớ năm 1577 cho biết trong khi “giặc giã chưa yên” thì vua ham chơi, không quyết đoán, không gần người hiền mà thân với “những kẻ… chỉ toàn nịnh hót, bày sự chơi bời, mong thoả chí vua” [27, tr.404]; các quan trong triều ngoài nội chỉ biết chạy theo lợi “quan tước nhũng lạm,… phiên trấn trưng cầu, những sự buôn quan bán tước, không việc gì là không làm” [27, tr.404], khiến nhân dân thêm khốn khổ. Đến thời Mạc Mậu Hợp chiến tranh ngày càng khốc liệt, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, người dân phải chạy loạn khắp nơi, mất mùa thường xuyên xảy ra, dân bị thiếu đói. Không những thế, cuộc sống người dân càng trở nên cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng. Tờ sớ năm 1581 nói rõ: “… trong khoảng 9 năm, các xứ thu vét sưu thuế để chi dùng chỉ đòi hỏi ở dân nghèo; đến chi dùng trong điện cũng đòi hỏi đám dân ấy” [27, tr.413]; thậm chí “có khi tăng gấp đôi số thuế đã định làm cho dân phải khánh kiệt phá sản” [27, tr.414]. Chiến tranh loạn lạc, bị phá sản người dân ngao ngán, không còn niềm tin vào chính quyền nhà Mạc.
Cũng từ năm 1577 trở đi, quân Mạc bắt đầu bại trận trên chiến trường; nhất là sau năm 1580 – khi vị tướng tài danh Mạc Kính Điển chết, làm cho “lòng người trong cõi đều dao động” [27, tr.407], tinh thần quân Mạc giảm sút nhanh chóng. Năm 1581, Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng nắm toàn binh quyền, không lo củng cố mà bỏ bê khiến việc quân càng trễ nải như lời tâu của Giáp Hải “khí giới chưa tinh nhuệ, kỹ thuật chiến đấu chưa tinh, thuyền bè chưa chỉnh đốn” [27, tr.415].
Như vậy, với sự am tường trên nhiều lĩnh vực, hơn ai hết Giáp Hải đã nhìn thấy và chỉ ra những nguy cơ, tệ hại làm cho nhà Mạc suy yếu. Trên cơ sở đó, Ông đề nghị Mạc Mậu Hợp phải tiến hành cải cách toàn diện, phải “thay đổi hết chính sự thối nát” [27, tr.405] với những giải pháp cụ thể. Ông đề nghị vua phải “tính việc trị an,… chuyên về chính học, thân cận người tốt,… phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không mưu lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc” [27, tr.432]; đồng thời “dạy bảo trăm quan, chấn hưng trăm việc” [27, tr.414]. Lại cần “bồi dưỡng gốc nước, cố kết nhân tâm” [27, tr.415], bởi “lòng dân xu hướng vào đâu, tức đấy là lẽ trời” [27, tr.414]. Về quân sự, Ông yêu cầu “Ứng Vương phải nghiêm lệnh,… tướng tá…phải chọn bậc anh dũng; quân sĩ phải tuyển hạng tinh nhuệ; sắm thuyền bè, duyệt thuỷ quân, luyện voi ngựa, chuẩn bị khí giới, súng ống và cung nỏ, để làm kế sách đánh địch” [27, tr.433]. Điều độc đáo là Giáp Hải đã đề nghị Mạc Mậu Hợp cho đắp luỹ đào hào để chống với quân Lê – Trịnh. Trong sớ năm 1586, Ông nói: “Về phương Tây Nam, những chỗ xung yếu giáp giới bên địch, thì nên đắp cao, đào hào sâu, đặt bẫy nỏ, nghiêm phòng bị, và đặt thêm đồn trại, chia quân giữ nơi hiểm yếu” [27, tr.433]; đặc biệt phải đắp thành tăng cường phòng thủ cho Kinh sư “Thành Đại La,… nên đắp cao thêm, và khai sâu thêm những con hào… nên tu sửa những bức tường thấp… cho thật cao, để bảo hiểm trong thành” [27, tr.433].
Với lập luận chặt chẽ, đầy sức thuyết phục, Giáp Hải đã đưa ra một cải cách toàn diện với những giải pháp cụ thể, sát hợp “liên kết hành chính và quân sự, giữa tư kiến và học thuyết, kinh điển phong phú và quan sát thực nghiệm” [6, tr.435] để vực dậy Vương triều Mạc. Mạc Mậu Hợp khen những kiến nghị của Giáp Hải, nhưng không cho thực thi. Những đề đạt của Giáp Hải được đưa ra khi nhà Mạc đã ở buổi xế chiều. Lúc này, nhà Mạc đang phải tập trung tâm lực đối phó với Nam triều. Vị vua cuối cùng của triều Mạc đã không thể làm gì khác thông lệ cũ trước khi chấm dứt sự tồn tại của triều đại mình. Mặc dù hai năm sau khi Giáp Hải mất (1587), Mạc Mậu Hợp có “sai tu sửa… thành Thăng Long” [27, tr.434] và trưng tập dân “đắp bức luỹ bằng đất, trồng tre gai lên trên,… dài chừng vài dặm, để phòng ngoại binh” [27, tr.434]; nhưng “phần cốt yếu là tinh thần, phần tinh anh là tư tưởng văn hoá đã không thể nhất thời cải thiện được” [6, tr.436], và “cái làm cho suy yếu buổi cuối là do vua tầm thường nhu nhược, nhiệt tình ở chỗ không tốt là hưởng thụ, không đủ trình độ để nghe theo điều hay cho nên hiền hoà không bắt tội ai lại trở thành vô dụng” [6, tr.436].
Năm 1586, Giáp Hải về nghỉ khi đã 79 tuổi, cùng năm đó Ông mất. Giáp Hải là một danh thần triều Mạc, Ông đã đem hết tài năng, tâm huyết phục vụ Vương triều này cho đến những năm tháng cuối cuộc đời. Sự tin tưởng, tận tuỵ với triều Mạc của người trí thức ấy đã khẳng định việc nhà Mạc được nhân dân theo về. Thế nhưng, những nỗ lực của ông chưa đủ để vực dậy vương triều, xoay vần thời cuộc. Triều đại mà ông suốt đời trung thành đến đời các vị vua cuối đã không thực hiện được sứ mệnh của mình. Dẫu vậy, những cống hiến của ông đã được các vua Mạc khẳng định:
Trạng đầu, Tể tướng, Đẩu Nam tuấn,
Quốc lão, đế sư, thiên hạ tôn.
(Nghĩa là:
Đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng danh cao như ngôi sao Đẩu trời Nam.
Đã là Quốc lão, lại làm thầy của vua được cả nước trọng vọng)
[7, tr.211]
Và được sử sách đánh giá cao như cách nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông ngang hàng với nhiều danh thần triều đại trước: “Còn thời Mạc có Trạng nguyên (Giáp Hải) công danh rõ rệt, cũng phụ chép vào đây” [7, tr.211].
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải có nhiều điểm giống nhau: Học vấn uyên thâm, cùng đỗ Trạng nguyên và đều là những trọng thần trụ cột của Vương triều Mạc. Cả hai đều tận tâm phục vụ vương triều này tuy phương thức có khác nhau. Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải “là hai vị Trạng nguyên sáng giá nhất của triều Mạc và của mọi thời đại Việt Nam” [2, tr.8].
Có thể kể thêm hàng loạt trí thức đã kề vai sát cánh hết lòng phục vụ Vương triều Mạc. Họ là những nhân tài toàn diện, vừa là văn thần làm chức năng quản lý xã hội, vừa là võ tướng, mưu thần cố vấn về quân sự cho vua. Lúc có chiến tranh họ không nề hà gian khổ tham gia chiến trận, lúc đất nước thanh bình họ lại tham gia triều chính, bàn mưu tính kế để xây dựng và củng cố vương nghiệp, phát triển đất nước. Với đội ngũ trí thức tài năng đó, nhà Mạc đã tạo dựng cho mình một chỗ dựa vững chắc, duy trì sự cai trị của vương triều trong bối cảnh xã hội hết sức phức tạp. Có thể nói, giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của Vương triều Mạc trong giai đoạn đầu như lời bình luận của nhà sử học Phan Huy Chú: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài đến hơn sáu mươi năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó” [8, tr.16]. Trí thức – những người có uy tín trong xã hội ủng hộ, có nghĩa là nhà Mạc đạt được một tiêu chí quan trọng: Được nhân dân theo về. Tiếc rằng những biểu hiện suy yếu của nhà Mạc đã khiến triều đại này dần mất đi sự ủng hộ của đội ngũ trí thức.
Năm 1546 Mạc Phúc Hải qua đời, mâu thuẫn từ việc lập ngôi kế vị trong Hoàng tộc bùng nổ, đã “làm cho cơ đồ nhà Mạc một phen nghiêng ngửa. Uy tín của họ Mạc được xây dựng chủ yếu trên công cuộc phục hồi an ninh trật tự đã gần hai chục năm trời, bỗng nhiên như bị sạt lở đi từng mảng lớn” [63, tr.117]. Tiếp đó, sự hiềm khích giữa các thế lực trong triều cùng những cuộc đàn áp chống đối lẫn nhau đã đưa đến sự phân liệt và chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhà Mạc. Từ đây, nội chính triều Mạc rơi vào “một tình thế khủng hoảng triền miên, không thể nào gỡ ra được nữa” [63, tr.125].
Hàng loạt tấu sớ của các đình thần trung thành dâng lên các vua Mạc trong những năm 1577 – 1581 cho biết tình trạng “giặc mạnh xâm lấn; lòng người nao núng, thế nước lung lay” [27, tr.410]; trong khi đó bộ máy Nhà nước cả “vua tôi trên dưới, cứ vui chơi ngạo nghễ, vẫn hơn hớn tự cho là thái bình vô sự” [27, tr.409]; Vua thì nhỏ tuổi chưa tự nắm chính sự, hết thảy đều uỷ cho phụ chính Mạc Đôn Nhượng quyết đoán, còn Ứng Vương lại về Dương Kinh chỉ lo “yên vui ngạo nghễ, nhu nhược, trễ nải, không cứu sửa chính sự sai lệch, không chỉnh đốn quân sự phân tán, không sửa chữa sai lầm của mình” [27, tr.411]. Các trọng thần quan văn né tránh không bàn việc chính sự “có viên về thăm quê hương đến hàng tuần, hoặc có cuộc bàn luận mà chỉ có một viên họp, hoặc có viên hiện có mặt ở Kinh mà không tới họp, hoặc có viên dự họp mà không phát biểu ý kiến” [27, tr.409 – 410]; các quan võ kẻ thì “thoái thác không tới công đường”, người thì “né tránh không chịu bàn việc” [27, tr.409 – 410]. Bởi thế, các công việc trong triều đều bê bối khiến cho “ở các điện, phủ, giám, ty, bộ, tự,…hết thảy các tệ lậu chưa cải cách hết. Ngoài ra còn nhiều việc trái lẽ hại đạo, khác thường loạn tục, không thể kể xiết” [27, tr.411].
Từ 1582 trở đi, văn thần võ tướng cao cấp bỏ nhà Mạc quy thuận nhà Lê mỗi ngày một nhiều và trở thành một trào lưu. Riêng triều Mạc Mậu Hợp có ít nhất 73 người rời bỏ nhà Mạc về hàng nhà Lê. Những triều thần trụ cột của nhà Mạc cũng càng ngày càng bất lực, nhiều người chán nản xin từ chức như Giáp Hải, Trần Văn Nghi, Đặng Vô Cạnh, Trần Thì Thầm… Năm 1586, Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng cũng xin từ chức. Ông dâng sớ tự thú nhận: “Hạ thần vâng mệnh phụ chính đã lâu ngày, mà không có công hiệu gì. Vậy xin giải nhiệm chính sự trong triều” [27, tr.430]. Tất cả những sự việc trên, chứng tỏ tình trạng suy yếu của nhà Mạc đúng như nhận xét của Lê Quý Đôn: “Chính trị của triều đình Mạc Mậu Hợp nát bét, binh lực thì suy yếu… lòng người xao xuyến sợ hãi” [27, tr.439]. Sự bất lực của triều đình nhà Mạc đã tạo ra cơ hội để Nam triều đẩy mạnh tấn công, cuối cùng đánh bại Bắc triều.
Lý giải điều này khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân khiến nhà Mạc thất bại. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do nhà Mạc đã không sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức, không đưa ra được một giải pháp hữu hiệu trước những đề nghị cải cách của các quần thần. Chính Thượng thư bộ Lại Trần Văn Nghi đã phải lên tiếng “trong nước không có chính trị hay” [27, tr.418]; còn nhà nghiên cứu Nguyễn Danh Phiệt đánh giá “khách quan mà nói, Vương triều Mạc không làm được gì mới”; và “Vấn đề không phải là cai trị, quản lý chặt chẽ hay rộng rãi, ở đức độ của nhà vua, mà ở tài năng, sáng suốt của tập đoàn cầm quyền để có một cải cách, ít ra là một điều chỉnh, thay đổi các mặt” [69, tr.7].
Triều Mạc không thiếu nhân tài, cũng không thiếu những người trung thành, tâm huyết thực lòng chăm lo cơ nghiệp nhà Mạc. Trước tình trạng suy yếu của vương triều, từ năm 1549 đến năm 1585, rất nhiều đại văn thần như Tạ Đình Quang, Nguyễn Quý Liêm, Nguyễn Ngạn Hoằng, Giáp Trừng, Nguyễn Phong, Ngô Vĩ, Mạc Đình Dự, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảng, Nguyễn Quang Lượng, Lại Mẫn, Trần Văn Nghi, Nguyễn Năng Nhuận, Trần Văn Tuyên, Trần Thì Thầm… liên tiếp dâng tấu sớ đề nghị vua Mạc sửa đổi tệ chính, cứu vãn tình hình. Thiêm Đô ngự sử Lại Mẫn đề nghị vua “chăm lo chính trị” [27, tr.412] và kêu gọi các đại thần cùng đồng tâm. Thượng thư Đặng Vô Cạnh còn thẳng thắn yêu cầu “Ứng Vương, phải hằng ngày tới triều, để cùng các đại thần và công khanh đại phu cùng bàn chính trị, tu chỉnh việc quân” [27, tr.416 – 417]. Đặc biệt, Sách Quốc công Giáp Hải còn một mình tâu ba sớ, đề nghị vua tiến hành cải cách toàn diện. Có thể nói, những đề nghị cải tổ của các đình thần “như những liều thuốc hay”, nếu được thực hiện sẽ có thể đem đến một sự đổi mới. Nhưng vua Mạc chỉ ban khen lấy lệ, trên thực tế các đề nghị đó không được thực thi. Điều đó cho thấy nhà Mạc “đã không thể giữ thế cân bằng giữa sinh hoạt xã hội và quân sự, oan uổng phí phạm giới trí thức mà họ tạo được đều đặn và thành công giáo dục chỉ ở đoạn đầu là đào tạo còn thực hành bị khống chế” [6, tr.440]; bởi “giới quyết định cơ mưu là trí thức hùng hậu của Mạc trở thành vô hiệu, ý kiến họ không thành nguyên lý hành động mà giới quân phiệt đã giữ” [6, tr.439]. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà Mạc không thể đứng vững trước ngọn cờ Lê Trung hưng.
Tóm lại, nhờ giáo dục khoa cử nhà Mạc đã thu hút được một đội ngũ trí thức tài năng. Chính lực lượng đó đã làm nên thành công và nâng tầm triều đại này trong dòng chảy lịch sử dân tộc: Vương triều Mạc đã giành được phần thắng trong cuộc cạnh tranh ban đầu với nhà Lê Trung hưng, có một vị trí xứng đáng trong lịch sử cũng như trong tâm thức của nhân dân và trí thức Đại Việt, như sử sách từng thừa nhận “lòng người hướng về nhà Mạc”. Thế nhưng, những người kế vị sau này của Vương triều Mạc đã không thể khai thác hết sức mạnh từ phía họ và phải chấp nhận thất bại cay đắng sau 65 năm trị vì ở Thăng Long.
3.2. Đóng góp về ngoại giao
Phan Huy Chú khi bàn về bang giao đã nói rất đúng: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường” [44, tr.498]; bởi sứ mệnh của sứ thần là phải duy trì và phát triển quan hệ bang giao hữu nghị; đồng thời phải đảm bảo độc lập và chủ quyền dân tộc. Cho nên họ phải là những người có bản lĩnh, thông minh, ứng đối linh hoạt mới đạt được mục đích ngoại giao.
Trong 65 năm trị vì ở Thăng Long, triều Mạc không có chiến tranh xâm lược, hay nói như cố G.S Trần Quốc Vượng là “ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không.” [39, tr.37]. Điều ý nghĩa hơn cả là nhà Mạc đã đẩy lùi tham vọng xâm lược của nhà Minh, giữ vững độc lập hòa bình để tập trung vào công cuộc khôi phục, ổn định đất nước. Nhưng trước tiên, cần hiểu đúng vấn đề ngoại giao nhà Mạc qua hoạt động đối ngoại của triều đại này với “Thiên triều” Trung Hoa.
Trong mối quan hệ giữa nhà Mạc và nhà Minh từ 1527 đến 1592, giai đoạn phức tạp nhất chủ yếu diễn ra trong khoảng thời gian từ 1527 đến 1541. Đây là thời kỳ nhà Minh, đứng đầu là Minh Thế Tông (1521 – 1566) quyết tâm “động binh chinh phạt nước Nam” [53, tr.431] để hỏi tội Mạc Đăng Dung. Lịch sử đã đặt ra cho ông vua đầu triều Mạc một bài toán hết sức hóc búa. Chúng ta đều biết lên ngôi sau một cuộc đảo chính, tiếp quản một xã hội mang trong mình sự khủng hoảng; trong khi đó trước sự đe dọa của nhà Minh, nhà Mạc rơi vào tình thế “lửa cháy hai đầu”: Phía Nam thế lực Lê – Trịnh đang mạnh lên, có thể đưa quân từ Thanh Hóa ra Thăng Long bất cứ lúc nào; còn phía Bắc anh em họ Vũ ở Tuyên Quang sẵn sàng đưa đường cho đạo quân xâm lược đã tiến sát biên giới. Mạc Đăng Dung phải bằng mọi cách thoát ra khỏi tình trạng bế tắc đó. Cuối cùng, Mạc Đăng Dung buộc phải chọn tình thế “hòa” với nhà Minh. Phân tích bối cảnh lịch sử, đối chiếu với những triều đại trước đó không lâu thì chính sách ngoại giao nhà Mạc là sự kế thừa chính sách ngoại giao của các triều đại trước đó, nhất là trong bối cảnh nhà Mạc không có nhiều ưu thế như các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ. Lúc bấy giờ nhà Mạc lâm vào tình cảnh khốn khó như và hơn triều Hồ. Thiết nghĩ nếu chiến tranh xảy ra thời điểm đó, nếu nhà Mạc quyết chiến thì tổn thất cho đất nước và nhân dân là vô cùng lớn trong điều kiện đất nước vừa vực dậy sau khủng hoảng mà chưa biết thành bại như thế nào. Vì thế, để giữ được độc lập, có điều kiện xây dựng tiềm lực quốc gia, nhà Mạc đã linh hoạt, khéo léo trong việc đối phó với kẻ thù để tránh chiến tranh, tổn thất. Sự mềm dẻo ấy là có nguyên tắc, chứ không đồng nghĩa với việc nhà Mạc hèn nhát đầu hàng, dâng đất; bởi trên thực tế, sử sách vẫn thừa nhận dưới thời Mạc Đăng Doanh, việc dồn sức chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đã diễn ra hết sức khẩn trương, sôi nổi. Có thể coi những việc làm của nhà Mạc là sách lược ngoại giao khôn khéo, cần thiết trong bối cảnh lịch sử bấy giờ bởi “tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ với Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle)” [39, tr.37] mà thôi.
Theo đó, từ sau năm 1541, triều Minh đã chính thức thừa nhận vai trò thống trị của nhà Mạc ở Đại Việt thay nhà Lê Sơ; hay nói cách khác tính chính thống của Vương triều Mạc đã được xác lập. Đây là một thắng lợi ngoại giao đặc biệt của nhà Mạc, vì cùng đứng trước một tình huống mà nhà Minh đã quyết định đánh nhà Hồ; trái lại đã chấp nhận lui quân và chịu thông hiếu với nhà Mạc. Từ đây trở đi, quan hệ giữa hai triều Mạc – Minh bước vào một thời kỳ mới, khá ổn định: Thời kỳ hai nước thông hiếu, tuế cống và thăm hỏi lẫn nhau.
Tuế cống là một việc hết sức quan trọng trong quan hệ bang giao Việt – Trung dưới thời quân chủ, bởi nếu việc tuế cống bị ngừng tuyệt thì mối giao thiệp giữa hai nước sẽ bị cắt đứt và có thể dẫn đến chiến tranh. Theo Minh Thực lục, chỉ tính từ năm 1540, phái đoàn Mạc Đăng Dung lên ải Nam Quan cho đến khi Vương triều Mạc kết thúc vào năm 1592, nhà Mạc đã 17 lần sai sứ sang cống triều đình nhà Minh. Tuy nhiên, con số trên đây có thể chưa đủ vì có những lần cống bù vào những lần cống còn thiếu, hơn nữa từ năm 1527 đến năm 1540 quan hệ Mạc – Minh căng thẳng nên không thấy sử sách ghi chép các lần cống sứ của nhà Mạc. Dẫu vậy, có thể kể ra đây một số lần tuế cống mà sử ta và Minh sử đều ghi rõ:
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi năm 1540 “Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan… Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh” [19, tr.121].
Minh Thực lục ghi: “Ngày 24/04 năm Gia Tĩnh 22 [ngày 24/05/1543] …Mạc Phúc Hải sai… Nguyễn Điển Kính, Nguyễn Chiếu Huấn phân chia làm hai nhóm dâng biểu làm lễ tạ ân và triều cống” [56, tr.222].
Tiếp đó “Ngày 17/08 năm Gia Tĩnh thứ 24 [ngày 22/09/1545]… Mạc Phúc Hải sai bọn Tuyên phủ sứ đồng tri Nguyễn Thuyên (Nguyễn Thiến – TG chú thích) mang biểu sản vật địa phương” [56, tr.224].
Năm Mậu Thân (1548), “Mạc Phúc Nguyên sai Tuyên phủ phó sứ Lê Quang Bí dẫn sứ bộ sang nhà Minh nộp cống hàng năm” [53, tr.444].
Riêng năm 1575, nhà Mạc bốn lần cử sứ bộ sang triều Minh cống và nộp sản vật địa phương. Tuy nhiên sử cũ của ta kể cả Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt Thông sử đến Lịch triều hiến chương loại chí đều không ghi chép lần tuế cống này, nhưng Minh Thực lục chép rằng: “Ngày 10 tháng Giêng năm Vạn Lịch thứ 4 [9/2/1576]… Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên uỷ Đồng tri Lê Như Hổ cùng 73 người đến triều cống” [56, tr.237].
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi năm 1580, Mạc Mậu Hợp “sai bọn Lương Phùng Thìn, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Kính, Đỗ Uông, Vũ Cận, Nhữ Tông, Lê Đình Tú, Vũ Cẩn, Vũ Tĩnh” [19, tr.157] sang cống nhà Minh và nộp bù số lễ cống còn thiếu những năm trước và đề nghị nhà Minh cho 6 năm cống một lần. Về sự kiện này Minh Thực lục ghi: “Ngày 19 tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 9 [19/7/1581]… Mạc Mậu Hợp sai… Lương Phùng Thìn dâng biểu văn và sản vật địa phương cống bù vào các năm Gia Tĩnh thứ 36, Gia Tĩnh thứ 39, và các cống chính vào năm Vạn Lịch thứ 3, thứ 6” [56, tr.238].
Đến tháng 10 năm 1584, Mạc Mậu Hợp lại sai “Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Vĩnh Kỳ, Đặng Hiển, Nguyễn Năng Nhuận, Vũ Sư Tích, Nguyễn Lễ sang tuế cống nhà Minh” [19, tr.160].
Lần tuế cống cuối cùng của nhà Mạc được ghi trong Minh Thực lục là: “Ngày 11 tháng 8 năm Vạn Lịch thứ 18 [9/9/1590]… Mạc Mậu Hợp sai bọn Tuyên phủ Phó sứ Lại Mẫn tiến cống” [56, tr.243].
Mặc dù còn ít ỏi, nhưng qua những ghi chép trên chúng ta thấy: Thời Mạc sứ thần đều là những người đã đỗ Tiến sĩ, trong đó giữ chức Chánh, Phó sứ đều là những người có bản lĩnh, thông minh, giỏi tài ứng biến. Trong thời gian đầu, nhà Mạc đã sử dụng một số trí thức thời Lê Sơ, tiêu biểu nhất là sứ thần danh tiếng Lê Quang Bí; nhưng càng về sau nhà Mạc chủ yếu sử dụng đội ngũ Nho sĩ được đào tạo dưới triều Mạc. Có thể nói, hầu hết sứ thần thời Mạc đều là những Tiến sĩ xuất thân từ nền giáo dục, khoa cử Mạc. Theo thống kê bước đầu, thời Mạc có 61 Tiến sĩ từng đi sứ nhà Minh, trong đó có: 3 Trạng nguyên, 2 Bảng nhãn, 2 Thám hoa, 14 Hoàng giáp, 40 Tiến sĩ. Ở đây xin giới thiệu một số sứ thần tiêu biểu:
1. Trạng nguyên Giáp Hải
Ông “đã 5 lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, 3 lần nắm ấn quan to” [29, tr.99], nhưng tài năng và đóng góp của ông được thể hiện nổi bật nhất trong thời kỳ đấu tranh chống âm mưu xâm lược của nhà Minh.
Năm 1536, Minh Thế Tông cử hai danh thần là Đô đốc Cừu Loan và Tán lý Mao Bá Ôn đem quân chinh phục Đại Việt. Năm 1540, quân của Mao tiến sát Nam Quan thì dừng lại. Mao Bá Ôn đã gửi cho triều Mạc một bài thơ “Vịnh bèo” để thăm dò thái độ và thực lực:
Cao sâu theo nước mọc im lìm
Nông nổi xưa nay vốn khó dìm;
Ngọn gốc đã trơ không lá lảu,
Cỗi cành sào lại cả gan tim
Coi thường tản mát khi thường tụ,
Biết lúc lênh đênh chẳng biết chìm;
Vì gặp lung trời cơn gió táp,
Cuốn theo về biển khó đâu tìm.
[71, tr.57]
Giáp Hải được chọn lựa để ứng phó với kẻ thù hùng mạnh đầy nham hiểm. Trong bối cảnh đầy kịch tính ấy, Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình – hóa giải được xung đột giữa hai nước và tạo thanh thế cho Vương triều Mạc. Những câu thơ Giáp Hải đáp lại bài thơ Vịnh bèo của tướng Mao Bá Ôn đã nói lên khí phách của vị sứ giả nhà Mạc và đó cũng là ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Vương triều Mạc:
Sin sít hoa thêu cản mũi khâu,
Mấy tầng gốc rễ vẫn xen nhau;
Ganh cùng mây bạc trên làn sóng,
Đâu để vầng hồng lọt đáy sâu;
Nước vỗ, vỗ sao cho vỡ được,
Gió to, to mấy có chìm đâu?
Biết bao rồng cá nằm trong đó,
Cụ Lã đừng hòng thả lưỡi câu ! [71, tr.57]
Với những lý lẽ sắc bén, bài thơ họa của Giáp Hải đáp lại nguyên xướng của Mao Bá Ôn trên từng điểm là sự trả lời đích đáng của nhà Mạc trước tham vọng bành trướng của nhà Minh. Nó như một thông điệp khẳng định sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết chặt chẽ của dân tộc, tỏ rõ thái độ cương quyết không run sợ trước sự xâm lược của bên ngoài dù kẻ thù có hùng mạnh và có nhiều người tài kiệt đi nữa. Phải là một vương triều mạnh và tất nhiên phải dựa trên cơ sở nhà Mạc đã có sự chuẩn bị đối phó trước khi nhà Minh tiến đến biên giới nước ta, thì Giáp Hải mới có thể tung ra những lời lẽ hùng hồn, sắt đá như vậy. Kết quả là sau một cuộc đấu trí kiên trì, bền bỉ nhà Mạc đã tránh được một cuộc chiến tranh với phương Bắc, được nhà Minh công nhận là một đơn vị hành chính tồn tại độc lập, vua Mạc được phong “An Nam Đô thống sứ,…được cai quản, điều khiển và phải triều cống” [7, tr.180]. Có thể nói hoạt động ngoại giao của Giáp Hải không chỉ thể hiện tài năng kiệt xuất của cá nhân, mà quan trọng hơn đó còn là sự cụ thể hóa chính sách ngoại giao của Vương triều Mạc. Ông đã có công không nhỏ trong việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; bảo vệ cuộc sống yên bình, ổn định cho nhân dân, cho đất nước. Với tài ngoại giao, ứng đáp tinh nhanh Giáp Hải được người Minh kính nể gọi là Giáp Tuyên phủ, được vua Mạc khen ngợi:
Từ bút văn tôn danh lưỡng quốc,
Hoa triền thọ diệu huyễn tam thai.
Nghĩa là: Văn chương tài giỏi tiếng vang hai nước; tuổi như sao thọ sáng chiếu trong hàng tam công [7, tr.211].
2. Lê Như Hổ (1511 – 1581) người Tiên Châu, Tiên Lữ (Hải Dương); thông minh từ nhỏ và nổi tiếng ăn khỏe có sức hơn người nên được gọi là Như Hổ. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1541, đời Mạc Phúc Hải. Năm 1575, Lê Như Hổ dẫn đầu đoàn sứ bộ 73 người sang tuế cống nhà Minh. Ở đây, Ông có nhiều dịp bộc lộ tài năng được vua Minh khen và rất coi trọng.
Theo Vũ Phương Đề trong Công Dư Tiệp ký người Minh nghe nói ông ăn khỏe, bèn làm một mâm cỗ mười tám tầng trên đó đặt một cái “đầu cá người” rất giống đầu người để thử thách ông. Khi ăn đến tầng cuối cùng thấy một cái đầu người, Lê Như Hổ thản nhiên lấy ngay hai chiếc đũa xâu vào hai mắt giơ lên cao và gọi một người tùy tòng bảo: “Ta là thư sinh, không được ăn của ngon bao giờ. Nay Hoàng đế cho ta ăn đầu người Bắc. Mày đi lấy giấm đem đến đây cho ta ăn” [21, tr.107]. Thái độ và cách ứng đối của Lê Như Hổ khiến người Minh rất kính nể.
Bấy giờ Trung Quốc đại hạn, vua Minh sai bồi thần các nước làm văn tế đảo vũ. Lê Như Hổ xin vua Minh lập đàn cho người tùy tòng tên là lái Trà cầu đảo. Tế xong trời mưa như trút, vua Minh rất mừng liền ban khen và phong cho Trà làm Lưỡng quốc Quốc sư, còn Ông làm Thượng thư hai nước. Lê Như Hổ cũng rất giỏi về từ mệnh và ứng đối, nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông còn được vua Minh mời dạy Hoàng tử.
Đi sứ Trung Quốc Lê Như Hổ còn “học được nghề làm dù và sau này người Việt xem Ông là Tổ sư của nghề làm dù nước ta” [86, tr.73]. Ông làm quan đến chức Thượng Thư, hàm Thiếu bảo, tước Lữ Quận công, về trí sĩ. Khi mất Ông được tặng chức Quốc công, được vua “ban cho một cái quan tài bằng đồng và vua Minh cũng sai quan sang phúng viếng” [21, tr.108 – 109]. Lê Như Hổ là một trong những trí thức triều Mạc đi sứ Trung Quốc làm rạng danh giới trí thức nước nhà.
3. Lương Phùng Thìn (Thời) (1522 – ?), người Lương Xá, Lang Tài (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ 1553. Năm 1580, Ông được cử đi sứ Trung Quốc, làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu Bảo, tước Lương Khê hầu.
4. Nguyễn Nhân An (? – ?), người Vĩnh Kỳ, Từ Liêm (Hà Nội), đỗ Tiến sĩ 1556, đời Mạc Phúc Nguyên. Năm 1580, Ông đi sứ, làm quan đến Thị lang, tước Phúc Diễn hầu. Khi mất, được tặng chức Thượng Thư.
5. Nguyễn Doãn Khâm (1530 – 1592), người Kiệt Đặc, Chí Linh (Hải Dương); có sức khỏe hơn người và rất giỏi nghề đánh vật. Ông đỗ Hoàng giáp 1559, đời Mạc Phúc Nguyên. Năm 1584, Ông đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Thượng Thư kiêm Đô Ngự sử, tước Nghiêm Sơn hầu.
6. Nguyễn Năng Nhượng (1536 – ?), người Kim Đôi, Võ Giàng (Bắc Ninh), đỗ Hoàng giáp 1562. Năm 1584, Ông làm Chánh sứ sang nhà Minh, làm quan đến Thượng Thư, tước Đạo Phái hầu.
7. Đặng Hiển (1526 – ?), người Uông Thượng, Thanh Lâm (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ 1565. Năm 1584, Ông được cử đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Thượng Thư, tước Tùng Lĩnh bá.
8. Nguyễn Sư Khanh (1566 – ?), người Đông Quất, Tứ Kỳ (Hải Phòng). Năm 1592, Ông đỗ Tiến sĩ, đời Mạc Mậu Hợp. Được cử đi sứ nhà Minh, chết trên đường đi sứ. Hiện nay Đình thôn Tràng thờ ông còn lưu đôi câu đối:
Lưỡng quốc bá phương danh, tiến sĩ xuất thân, Bắc triều phụng sứ
Thiên thu long tự điển, dực ngôn dựng tú, Đông nhạc chung linh
[55, tr.75]
Qua những câu chuyện đi sứ đã chứng tỏ các thế hệ Nho học Mạc luôn luôn được bồi dưỡng và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc với tinh thần “bất tốn Hoa Hạ” (không kém gì người Trung Hoa). Tóm lại, thời Mạc thành công về ngoại giao gắn liền với vai trò của các sứ thần – những bậc đại khoa tài giỏi.
(Còn tiếp “Đóng góp về văn hóa”)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.