- Đang online: 1
- Hôm qua: 1129
- Tuần nay: 22002
- Tổng truy cập: 3,372,027
CẦN “PHỤC THỦY” TÊN GỌI CỦA HỌ MẠC
- 930 lượt xem
CẦN “PHỤC THỦY” TÊN GỌI CỦ
(Sơ thảo III)
GS.TSKH. Phan Mạc Đăng Nhật
“Tứ bách niên tiền, chung “phục thủy”
Thập tam thế hậu, dị nhi đồng”[1]
(Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu
Mười ba đời sau, khác biệt mà vẫn cùng chung -Hoàng Lê dịch)
1.Vai trò, nhiệm vụ của tên gọi các dòng họ
Vào cuối thời kỳ thời kỳ nguyên thủy, bắt đầu xuất hiện những yếu tố của xã hội văn minh (chữ của Ăng ghen) như: xuất hiện quyền tư hữu, vai trò của cá nhân,…hơn nữa lại cần có những người giàu có và những cá nhân anh hùng xuất chúng. Vào thời kỳ đó con người bắt đầu có tên riêng. Và khi các thị tộc, bộ lạc mở rộng quan hệ, tiếp xúc với nhau; để phân biệt, tên họ xuất hiện. Đối vói người xưa, tên họ cần thiết trước hết để tránh loạn luân, để bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc chế độ hôn nhân ngoại tộc (không lấy nhau trong họ, mà phải kết hôn ngoài họ).
Nói chung, mỗi họ có một tên họ. Trong họ có nhiều chi, thường mỗi chi có một tên lót để phân biệt các chi khác. Trên đây là nguyên tắc, tuy nhiên trong thực tế nhiều khi lẫn lộn, trùng lặp.
Lại cũng có trường hợp đặt tên theo công thức “phụ tử liên danh”. Hoặc “ mẫu tử liên danh”. Ví dụ người Mơ nông (Tây Nguyên), dùng tên mẹ để phân biệt cá nhân. Có nhiều tên Ndu như Ndu Kon Puh (= chàng Ndu con của mẹ Puh), Ndu Kon Trook (=chàng Ndu con của mẹ Trook), Ndu Kon Rông, Ndu Kon Kong, Ndu Kon Bung…; Yang thì có Yang Kon Rung (=chàng Yang con của mẹ Rung ), Yang Kon Khir (=chàng Yang con của mẹ Khir), Yang Kon Puh, Yang Kon Trook, Yang Kon Koong, Yang Kon Sol, Yang Kon Phan,…Đây là cách đặt tên họ theo “mẫu tử liên danh”.
Tên họ là một hiện tượng phổ quát, là một tín hiệu ngôn ngữ (hoặc văn tự) rất cần thiết để phân biệt các dòng họ, qua đó tập hợp, đoàn kết các dòng họ, giáo dục ý thức cội nguồn, bồi dưỡng gia phong, động viên tham gia đóng góp xây dựng cộng đồng.
Tóm lại, tên họ là một biểu hiện riêng có của loài người , ra đời từ thời nguyên thủy, có vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt của các họ
2.Trường hợp không bình thường của họ Mạc-hiện không có tên gọi riêng
Theo TS Hoàng Lê, “cho đến 12-1995 Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội đã nhận được từ 22 tỉnh là 119 chi họ”[2]và cũng theo ông có những chi họ sau đây đã được xác minh là gốc Mạc:
-Họ Phạm ở 3 tỉnh: Hải Hưng, Hà Bắc và Nam Hà
-Họ Lều ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây
-Họ Bùi ở Thường Tín, Hà Tây
-Họ Nguyễn ở 3 tỉnh: Hải Hưng, Hà Tây, Thái Bình
-Họ Hà ở Thái Bình
-Họ Vũ ở Thái Bình
-Họ Lê Đăng ở Hà Bắc
-Họ Thạch ở Hà Nội
-Họ Hoa ở Hải Phòng
-Họ Hoàng ở 5 tỉnh: Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình
-Họ Phan ở Nghệ An
-Họ Thái ở Nghệ An
-Họ Mạc ở 2 tỉnh: Hải Hưng, Hảỉ Phòng
-Họ Bế ở Cao Bằng
-Họ Ma ở Cao Bằng
-Họ Đoàn ơ Hà Bắc[3]
Con số trên đây được tính từ 1995, đến nay số lượng nắm được có thể thay đổi, nhưng tình trạng chung là , trừ một vài trường hợp đặc biệt, con cháu họ Mạc không có một tên họ thống nhất mà phải che dấu dưới nhiều tên họ khác như : Phạm, Lều, Bùi , Nguyễn, Hà, Vũ, Lê, Thạch, Hoa, Hoàng , Phan, Thái, Bế, Ma, Đoàn,…Có thể gọi đây là họ mượn, phân biệt với họ gốc.
Đây là một trường hợp bất bình thường, hậu quả của một thời kỳ lịch sử bi ai mấy trăm năm trước.
Năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long, họ Trịnh thi hành chiến dịch truy sát nhà Mạc thảm khốc: Lê quý Đôn viết trong Đại Việt thông sử : “Bình An vương Trịnh Tùng giết hết bọn ngụy đảng, đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là sự truy phạt vậy.”
Trịnh Tùng đã thường xuyên giết hàng 100, hàng nghìn người họ Mạc, liên tuc, nhiều đợt, trong nhiều năm liền.
Xin cử hai trong những trường hợp tiêu biểu :
-Đánh phá giết 2000 người: “Ngày 23- 2 năm Quý Tỵ (1593),Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng chia quân đánh phá, chém được hơn vài nghìn thủ cấp, bọn đảng ngụy tan chạy, các châu huyện đều dẹp yên cả”[4]
-Cả làng bị giết sạch trong một đêm, đó là làng Hậu Tái, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Sở dĩ có tên gọi này vì trai làng đã giúp nhà Mạc đánh chiếm lại Thăng Long thắng trận. Đêm khuya, quân Trịnh kéo đến vây kín làng không cho một ai chạy thoát, giết sạch kể cả con trẻ, người già, đàn bà có thai. May mà có 18 người , có công việc ra khỏi làng đêm đó, sống thoát , cùng nhau lập lại làng (=hậu tái)
Trước tình trạng trên, để giữ lấy dòng tộc, tránh nguy cơ bị tuyệt diệt, họ Mạc chủ trương đổi họ thay tên, “mai danh ẩn tích”. Đây là một sáng tạo của tổ tiên, nhờ nó mà họ Mạc vẫn phát triển mạnh như ngày nay. Tuy “ẩn tích mai danh”, nhưng tổ tiên vẫn tìm mọi biện pháp để con cháu nhận ra nhau. Các Cụ quy định và truyền lại các quy ước đổi họ
Các quy ước thay đổi họ
Có mấy quy ước sau đây:
1.Khử túc bất khử thủ:
Lều, Hoàng , Vũ, Phạm, Bùi, Phan, Thái, Thạch, Hoa Hoàng, như trên…
Dầu có thay đổi vẫn giữ bộ thảo đầu ở phía trên chữ (chữ Hán)
2.Đệm chữ Đăng: Lê Đăng, Nguyễn Đăng, Phan Đăng, Trần Đăng,…
3.Mật hiệu trên chữ viết
-Câu đối đền thờ cụ Mạc Mậu Giang, Yên Thành: “Tổ ấm Đại đồng, thực lại nhất thành Chân Cảm. Gia đình Yên Lạc bằng tiên tổ Chí Linh”. Tương truyền đây là câu đối cụ tổ Mạc Mậu Giang để lại, trong đó có các mật danh để con cháu tìm ra những nơi phân ly và quê tổ: Đại Đồng, Chân Cảm, Yên Lạc, Chí Linh.
-Câu đối đền thờ họ Vũ, Thái Bình: “Phiệt duyệt gia thanh Trần triều Mạc trạng nguyên chi hậu. Nguyên lưu thế phả , Đông Hải, Thanh Hà huyện dĩ lai” ; dấu kín ở sau lớp vôi tường của từ đường họ Vũ –Mạc ở Thái Bình
-Hoành phi “Tiên tổ thị hoàng”, có ở họ Phan Đăng- Hà Tĩnh, họ Hoàng Văn ở Đại Yên (Hà Nội) ở họ Nguyễn Đăng (Thạch Thất) họ Hoàng Thế ở Mê Linh, (Hà Nội)…
4. Mật hiệu trên hiện vật
-Cái đĩa cưa 4 ở họ Nguyễn-Mạc, Tiên Lữ, Lập Thạch; được chia cho 4 chi anh em để sau khi thất tán, tìm lại nhau
5. Truyền khẩu
-“Cải Mạc vi Phương”, (họ Phương-Mạc ở Hà Tây)
-“Sinh Hoàng tử Mạc”, (họ Hoàng-Mạc ở Kinh Môn)
6.Lời văn trên gia phả:
-“Họ ta vốn gốc họ Mạc”(họ Ngô-Mạc ở Vĩnh Phúc)
-“Thủy tổ họ ta là Mạc quý công, húy Toàn”(họ Hoàng-Mạc ở Kinh Môn)
-….
Tóm lại, trong tình thế bất khả kháng, họ Mạc phải đổi họ , nhưng người xưa vẫn mong cho con cháu nhận ra nhau và tha thiết mong có ngày:
“Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu, dị nhi đồng”
“Phục thủy” và “biến dị nhi đồng” có nhiều nội dung phong phú . Đây xin nêu một nội dung là thống nhất tên họ, trở lại như xưa.
Ngày nay tình hình đã khác với mấy trăm năm trước, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, các nhà khoa học có công tâm đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu nhằm thực hiện “công minh lịch sử, công bằng xã hội”, đã nhận định, đánh giá lại đóng góp và công lao của nhà Mạc một cách vô tư , khách quan:
-“Nói tóm lại, với 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định vào lịch sử dân tộc. Công lao dựng nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy.” (GS Văn Tạo)
-“Nếu Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc được tồn tại lâu dài hơn nữa, thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô cảng, công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc chắn trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nẩy sinh được những nhân tố mới của một của một phương thức sản xuất mới, kinh doanh mới, quản lý mới,…” (GS Trần Quốc Vượng)
3. Kết luận và kiến nghị: trở lại như cũ và bình thường như trăm họ-“phục thủy”
1.Hiện nay họ Mạc không có một tên gọi chung, hay nói cách khác là kông có họ. Đây là một hiện tượng bất thường, so với trăm họ khác .
2.Việc “thay đổi họ” là một sáng kiến của các bậc tiên tổ, trong hoàn cảnh lịch bức bách thời bấy giờ. Nhưng tình trạng đó cũng gây ra nhiều bất tiện khó khăn và không hợp với lẽ thông thường của các dòng họ. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối đổi mới, quan niệm xã hội đã thay đổi nhiều, không có lý do để “mai danh ẩn tích” mãi, “giữ mãi trên mình thương tích” của thời kỳ lịch sử đau đớn,bi thương đã đi qua 6 thế kỷ .
Do đó , chúng tôi đồng ý với một số chi họ đã đề nghị dần dần phục hồi họ Mạc theo các mức độ sau đây:
-“Sinh (Hoàng, Phạm…) tử Mạc”, khi chết ghi rõ họ Mạc
-Đối với các cháu mới sinh: chuyển Mạc từ khi khai sinh
-Những người đã có họ mượn, không phải họ gốc, có hai trường hợp:
+Văn bản pháp lý: vẫn sử dụng họ mượn
+Văn bản ngoài pháp lý như bút danh, bí danh, tên hiệu, tên trong sổ họ,.., thì thêm tên lót Mạc , Ví dụ: Hoàng Mạc Thế Hợi, Hoàng Mạc Thế Dũng, Phan Mạc Đăng Nhật,….
3.Việc “phục thủy” thường găp những trở ngại chính sau đây:
-chưa thật rõ gốc Mạc,
-còn mặc cảm về tổ tiên do ảnh hưởng của giáo dục cũ,
-…
Do đó cần bảo đảm mấy nguyên tắc:
– hết sức tự nguyên và từ tốn,
-có thể tiến hành dần trong một số năm.
-bắt đầu từ chủ trương của các chi họ.
Trên đây mới là sơ thảo, chờ xin ý kiến các Cụ, các Cô Bác, các cháu.
Xin trân trọng cám ơn
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.