- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15933
- Tổng truy cập: 3,369,068
KINH TẾ ĐẠI VIỆT THỜI MẠC (1527 )
- 307 lượt xem
KINH TẾ ĐẠI VIỆT THỜI MẠC (1527 – 1592)
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH – 2011
(Tiếp theo kỳ 2)
Chương 2
TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẠI VIỆT THỜI MẠC
Việt Nam là một đất nước có nghề thủ công truyền thống quý báu lâu đời. Truyền thống đó gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nét riêng và độc đáo tới mức tên của sản phẩm luôn kèm theo tên của làng làm ra nó; sản phẩm nổi tiếng cũng làm cho làng nghề tạo ra các sản phẩm ấy nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, nghề thủ công luôn luôn được coi là nghề phụ nên nó không được coi trọng. Nhưng đến thế kỷ XV, làng nghề thủ công khá phát triển, cư dân đông đúc, một số nông dân đã tham gia làm thủ công trong lúc nông nhàn, một số thợ chuyên nghiệp cũng được tổ chức theo nghề nghiệp.
2.1. Khái quát tình hình tiểu thủ công nghiệp trước thời Mạc
Thủ công nghiệp thời Lê sơ gồm hai loại: thủ công nghiệp của nhân dân và thủ công nghiệp của nhà nước.
Thủ công nghiệp của nhân dân phát triển dưới hai hình thức: nghề phụ của nhân dân và những phường hội của thủ công chuyên nghiệp. Nghề phụ của nhân dân tuy không sản xuất thường xuyên nhưng nó cũng đáp ứng một một phần nhu cầu đời sống. Người nông dân thường tranh thủ sản xuất vào thời gian nông nhàn. Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp đã phản ánh nền kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế thời Lê sơ. Ngoài nghề phụ trong gia đình, thủ công nghiệp thời Lê sơ đã xuất hiện nhiều thợ thủ công chuyên nghiệp với nhiều làng nghề chuyên môn ở nông thôn cũng như các phường ở đô thị.
Ở nông thôn, mỗi làng quê tuỳ theo điều kiện địa lý, nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ mà chuyên sản xuất những mặt hàng nhất định. Theo Nguyễn Trãi, thời Lê sơ có các làng quê nổi tiếng về sản xuất thủ công nghiệp như sau:
“Vùng Sơn Tây, huyện Bất Bạt có nghề làm dầu, gai, đay; huyện Tam Nông có nghề làm chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng; làng Nguyên Thán dệt vải nhỏ; huyện Tiên Phong có nghề dệt lụa.
Vùng Sơn Nam thì huyện Thanh Oai có nghề làm lụa là; huyện Kim Bảng làm the; xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì, xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc làm rượu sen, rượu cúc; xã Đông Thái làm rượu nếp. Những làng làm rượu này rất nổi tiếng, hàng năm phải tiến cống lên triều đình” [56, 131].
Vùng Kinh Bắc có nghề làm gốm ở Bát Tràng, nhuộm thâm ở Huê Cầu… Vùng Nghệ An có nghề làm áo nhung phục, dệt vải thưa; riêng huyện Thạch Hà có nghề làm the mỏng. Vùng Quảng Nam có nghề làm tơ gai, lụa màu huyền. Vùng Lạng Sơn có châu Yên Bác nổi tiếng với nghề làm gấm thêu, lĩnh, là, các chất thơm…
Mạng lưới làng nghề thủ công cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI phân bố rộng khắp trên nhiều miền vùng nhưng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là những làng làm gốm và dệt.
Vào thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI có nhiều làng sản xuất gốm trong đó nổi lên hai trung tâm làm gốm nổi tiếng là Bát Tràng (Gia Lâm) và Chu Đậu (Hải Dương).
“Gần kinh thành, lại nằm bên bờ sông Nhị, Bát Tràng có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển công thương nghiệp. Đặc biệt vùng này có nhiều sét trắng, một nguyên liệu để sản xuất đồ gốm” [60, 14]. Sản phẩm của gốm Bát Tràng khá phong phú và đa dạng như: bát đĩa, chậu, ấm, nậm, bình vôi, bình hoa, gạch ngói… Sản phẩm gốm Bát Tràng rất được nhân dân ta ưa chuộng, đặc biệt là gạch Bát Tràng. Rất nhiều làng xã đã dùng gạch Bát Tràng để lát sân chùa, lát đường. Ca dao xưa đã từng ca ngợi về gạch Bát Tràng: “Ước gì anh lấy được nàng. Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”. Gốm Bát Tràng từng được dùng làm đồ cống phẩm cho Trung Quốc.
Bên cạnh Bát Tràng, Chu Đậu là một trong những trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp ở thế kỷ XV-XVI. Gốm Chu Đậu rất đa dạng về loại hình sản phẩm như chén, bát, đĩa, hộp sứ, lọ, bình… Sản phẩm gốm Chu Đậu được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men màu khác nhau, phổ biến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh màu rêu, vàng nhạt, vàng đậm… Một số hiện vật được tráng tới hai màu men: trong trắng, ngoài nâu. Hiện vật được vẽ bằng ba màu: đỏ, xanh lục và vàng. Hoa văn chủ đạo là sen, cúc dưới nhiều hình dạng khác nhau. Về hình động vật có các loại chim, cá, côn trùng và hình người. Đáy các hiện vật thường có một chữ như: Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Quỳ… Gốm Chu Đậu được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới với số lượng lớn. Chính gốm Bát Tràng và Chu Đậu từng được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Ngoài nghề làm gốm, chúng ta còn phải kể đến nghề dệt. Đây là một nghề thủ công có truyền thống lâu đời của nước ta. Sang thời Lê sơ đã hình thành nhiều trung tâm dệt nổi tiếng, sản xuất ra nhiều sản phẩm tinh xảo khó mà bắt chước được. Ở Thăng Long đã hình thành nhiều phường dệt nổi tiếng như: “Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa” [96, 217].
Đặc biệt ở Hải Dương có ba ấp nhỏ mà những người thợ quê ở đó có tài dệt ra một loại vải nhỏ mặt không kém gì lụa. Loại vải này “nhỏ đẹp hơn lụa, đựng vào trong hộp tre để tiến cống” [96, 219]. Đó là “ba ấp Mao Điền thuộc huyện Cẩm Giàng, ấp Hộ Am, ấp Bất Bế đều thuộc huyện Đồng Lại, nay là huyện Vĩnh Lại” [96, 219].
Cùng với sự phát triển của các làng nghề thủ công ở nông thôn, ở đô thị những thợ thủ công đã tổ chức lại thành các phường hội. Ngay tại kinh thành Thăng Long có các phường hội sau: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt… Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo diệp y. Đồ tiến cống có gấm vóc đồ thêu, các chất thơm, cùng ba loài kim (vàng, bạc và đồng -PĐT)” [96, 217]. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi cho chúng ta biết rằng Thăng Long thời Lê sơ đã có 36 phường. Việc hình thành các phường hội sản xuất thủ công nghiệp mặt nào đó đã phản ánh mầm mống của nền kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên, sang đầu thế kỷ XVI, chiến tranh giữa các phe phái phong kiến đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của thủ công nghiệp trong nhân dân.
Ngoài các nghề thủ công nghiệp trong nhân dân còn có thủ công nghiệp do nhà nước phong kiến Lê sơ quản lý. Đó là các “Cục Bách công”. Các cục này chuyên sản xuất những mặt hàng cung cấp cho nhu cầu của nhà nước như: tiền, vũ khí, đồ dùng của vua quan… Những sản phẩm này không được trao đổi buôn bán trên thị trường. Những người thợ sản xuất trong Cục Bách công được gọi là công tượng. Đây là những người thợ giỏi trong nhân dân được nhà nước trưng tập đưa về kinh thành, sung vào các cục sản xuất. Hàng năm, triều đình cho người về các địa phương giao cho các quan phủ huyện lựa chọn những người thợ giỏi đem nộp.
Chế độ công tượng là chế độ lao động cưỡng bức. Với chế độ này người thợ không phấn khởi sản xuất, không yên tâm phát triển tài năng. Sang đầu thế kỷ XVI, giai cấp thống trị ngày càng ăn chơi sa đoạ. Khi còn sống, vua Lê Hiến Tông đã cho xây dựng nhiều cung điện như: Điện Thượng Dương, Giám Trị, Đồ Trị, Trường Sinh để làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách và ăn chay. Đến đời vua Lê Tương Dực càng ngày càng đi sâu vào ăn chơi sa đoạ. Nghe theo lời Vũ Như Tô, năm 1512 vua Lê Tương Dực bắt đầu cho xây dựng Đại điện và Cửu trùng đài. Theo sử cũ thì những công trình xây dựng này khá quy mô. Đại điện gồm 100 gian, Cửu trùng đài rất to lớn và phía trước đào hồ, khơi sông thông với sông Tô Lịch, cho uốn khúc quanh co để bơi thuyền ngắm cảnh. Công việc xây dựng này đòi hỏi quá nhiều công sức và tiền của. Quân dân phục dịch vất vả, khổ sở. Thợ thủ công giỏi khắp nơi phải tập trung về kinh thành để xây dựng Đại điện, Cửu trùng đài. Tất cả những việc này đã phần nào hạn chế đến sự phát triển của thủ công nghiệp trong nhân dân.
Nhìn chung, sang đầu thế kỷ XVI, nền thủ công nghiệp thời Lê sơ đã có sự phát triển thêm một bước. Thủ công nghiệp trong nhân dân đã có tính chất tiến bộ, nhiều làng nghề đã được hình thành. Điều này chứng tỏ nền kinh tế hàng hoá bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, do chế độ lao dịch cưỡng bức và đời sống xa hoa hưởng lạc của giai cấp thống trị đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thủ công nghiệp.
Như vậy, đến đầu thế kỷ XVI, cùng với quá trình hình thành các làng nghề thủ công thì sản xuất thủ công nghiệp ngày càng tách ra khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến thời Mạc các ngành nghề thủ công nghiệp ngày càng được nhà nước khuyến khích phát triển.
2.2. Một số nghề thủ công tiêu biểu thời Mạc
Thời Mạc thợ thủ công ngày càng nhiều, thủ công nghiệp phát triển với nhiều ngành nghề như: nghề gốm, nghề dệt, nghề chạm khắc đá, nghề chạm khắc gỗ, nghề làm giấy, nghề đóng thuyền, nghề đan lưới, nghề đúc tiền, nghề làm muối, nghề chế biến thuỷ sản… Ở chương này chúng tôi tập trung nghiên cứu một số nghề thủ công tiêu biểu thời Mạc.
2.2.1. Nghề gốm
Vào thế kỷ XVI, có nhiều ngành nghề thủ công đặc sắc nhưng nổi tiếng hơn cả là nghề làm gốm. Đây là ngành nghề tiêu biểu và phát triển thịnh đạt dưới thời Mạc với sự xuất hiện của nhiều làng nghề như Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Hợp Lễ (Bình Giang – Hải Dương), đặc biệt là làng gốm Chu Đậu (Nam Sách – Hải Dương).
Xã Bát Tràng (社鉢場) là tên gọi cũ của làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội từ trước năm 1945. Trước đây hơn 700 năm, người dân thôn Bát Tràng di cư từ làng Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), theo vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đến vùng đất bồi trên bờ sông Hồng, lập phường làm nghề gốm (gạch xây dựng); lúc đầu thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, Xã Bát Tràng (tức làng Bát Tràng ngày nay) thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ, buôn bán và làm quan. Thời nhà Hậu Lê, xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí có ghi: “Bát Tràng làm nghề bát chén, trước đây mỗi lần cống nạp Trung Quốc, làng Bát Tràng phải cung cấp bảy mươi bộ chén…” [67, 96].
Thời Mạc, làng gốm Bát Tràng được coi là thời kỳ phát triển hưng thịnh. Với chính sách cởi mở hơn với công thương nghiệp và không chủ trương “trọng nông ức thương” đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hàng hoá phát triển. Sản phẩm gốm Bát Tràng đã có mặt trên thị trường rộng lớn từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sản phẩm gốm Bát Tràng khá đa dạng và phong phú như: đĩa, âu, thạp, bát, chén, ấm, hũ, khay trà, ấm, điếu, bình vôi, bình lọ, choé, hũ… Nói đến Bát Tràng, chúng ta cũng nghĩ ngay đến các loại chân đèn, chân nến, lư hương… được sản xuất theo yêu cầu của người đặt hàng để cúng tiến vào chùa, đình, đền… Mỗi loại sản phẩm của gốm Bát Tràng đều được phủ một lớp men khác nhau nhưng đặc trưng nhất vẫn là men hoa lam, men hoa nâu.
Trên sản phẩm gốm Bát Tràng còn xuất hiện cả tên người sản xuất, tên người đặt hàng. Trong một công trình nghiên cứu của mình, căn cứ vào các sản phẩm gốm có minh văn, tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến đã thống kê được tên 13 thợ sản xuất gốm Bát Tràng thời Mạc “Bùi Huệ, Bùi Nghĩa, Bùi Thị Đỗ, Đỗ Phủ, Đỗ Xuân Vi, Đỗ Thị Tuân, Họ Hoàng, Hoàng Thị Vệ, Lê Thị Ngọc, Nguyễn Thị Bản, Trần Nghĩa, Trần Thị Ngọ, Vũ Ngộ Tiên” [7, 6]. Có thể nói, trong số những gia đình nghệ nhân sản xuất gốm ở Bát Tràng, gia đình Đỗ Phủ là nổi tiếng nhất. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 12 sản phẩm gốm có tên họ của gia đình họ Đỗ này. “Trong đó có 2 lư hương cho biết rõ Đỗ Phủ và vợ Nguyễn Thị Bản, con trai Đỗ Xuân Vi, con gái Đỗ Thị Tuân. Phần dưới chân đèn gốm hoa lam chế tạo ngày 3 tháng 5, niên hiệu Đoan Thái 2 (1586) còn cho biết rõ Đỗ Phủ và Nguyễn Thị Bản, con trai Đỗ Xuân Vi và con dâu Lê Thị Ngọc. Nhiều tác phẩm có lưu họ tên Đỗ Xuân Vi, với các đặc điểm riêng về tạo dáng, hoa văn và men” [7, 6]. Mặc dù việc ghi tên người sản xuất đã xuất hiện trong bình gốm hoa lam trưng bày tại Bảo tàng Topcapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có dòng chữ Hán “Thái hoà bát niên tượng nhân Nam Sách châu, Bùi thi hý bút” (tức “Niên hiệu Thái Hoà năm thứ tám (triều vua Lê Nhân Tông 1450) người thợ thủ công họ Bùi, châu Nam Sách vẽ chơi) [63, 42].
Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII, trên địa bàn Hải Dương tồn tại nhiều trung tâm sản xuất gốm. Năm 1972, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại 2 lò gốm tại Kiếp Bạc (Hải Dương). Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được ở Hải Dương có 14 trung tâm sản xuất gốm lớn, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Chí Linh, Bình Giang và Nam Sách, trong đó trung tâm gốm Chu Đậu và Hợp Lễ được coi là tiêu biểu nhất.
Chu Đậu (單車泊車) là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo các cụ già của làng kể lại thì xưa kia Chu Đậu là vùng Trần triều Hải khấu (cảng nhà Trần). Theo nghĩa chữ Hán “Chu” là thuyền, “Đậu” là bến (bến thuyền đỗ). Nơi đây, thuyền bè ra vào tấp nập. Từ Chu Đậu, xuôi sông Thái Bình đến Nấu Khê, sang sông Kinh Thày ra cảng Vân Đồn – một cảng giao lưu với các nước của người Việt xưa. Cũng từ Chu Đậu xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến Phố Hiến về Thăng Long – cũng là một thương cảng lớn từ thế kỷ XVII.
Qua các đợt khai quật khảo cổ học, chúng ta đã tìm thấy bát, đĩa, chậu, bình, bình nhỏ, hộp được tráng men hoa lam, sứ xanh hoặc tráng men nâu và các dụng cụ làm gốm như bệ để gốm – con kê, lon sành. “Phía bên trong bát có ghi những chữ như “Phúc”, “Chính” hay “Sĩ”. Dưới đáy đĩa, bình có tráng men màu Sôcôla. Người ta cũng tìm thấy tranh mầu. Mặt khác, có bát phía bên trong mang dấu vết miết hình tròn hay dấu vết con kê. Phạm vi phân bổ di vật lên đến 40000m2, tập trung chủ yếu trong 3000m2” [48, 156]
Cũng giống gốm Bát Tràng, trên nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu có minh văn đã xuất hiện tên người đặt hàng, người sản xuất. Hiện nay ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ nhiều di vật gốm Chu Đậu trong đó có một bình gốm men xám gần giống phần dưới chân đèn gốm lam xám. Miệng đứng, vai phình, thân thuôn, đế nhỏ. Xung quanh gờ miệng có băng vạch đứng song song. Vai đúc nổi 1 hàng 17 chữ Hán, mỗi chữ trong một khung nhỏ hình chữ nhật. Thân trên chạm nổi 1 hình rồng, thân dưới chạm nổi hình cánh sen, bên trong cánh chạm nổi hình lá đề. Men lam xám phủ từ miệng tới chân đế. Trong lòng và dưới đế bình để mộc.
Minh văn đúc nổi và khắc chìm trên vai, thân trên và dưới gồm 22 dòng chữ như sau: “Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh nam nữ già trẻ cùng hưởng phúc lộc. Chùa Hồng Phúc xã Ninh Thuận, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Các sãi vãi: Trần thị Tửu, Phạm Thị Định, Vũ Thị Phương, Vũ Thị Chiêm, Đào Thị Huyền, Nguyễn Thị Bội, Nguyễn Thị Tửu, Phạm thị Thiết, Vũ Thị Đạt, Phạm Thị, Vũ Thị Thang, Vũ Thị Hoành.
Ngày 21 tháng 9, niên hiệu Diên Thành thứ 3 chế tạo.
Sinh đồ Đặng Mậu Nghiệp tự Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm chế tạo” [7, 62]. Cũng trong một chân đèn khác ghi: Đặng Huyền Thông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tạo vào tháng 2 năm Hưng Trị thứ 3 (1590). Tên của Đặng Huyền Thông, một sinh đồ, một thợ gốm chuyên nghiệp ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là xã Minh tân, huyện Nam sách, tỉnh Hải Dương) có trên 18 tiêu bản trong đó phần lớn là bát hương, chân đèn, những sản phẩm gốm phổ biến phục vụ cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Nghề gốm của Chu Đậu phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII, cùng chịu chung số phận với vương triều Mạc.
Ngoài Bát Tràng, Chu Đậu, thời Mạc còn có gốm Hợp Lễ (有效). Khu di tích lò gốm Hợp Lễ thuộc xã Long Xuyên huyện Bình Giang nằm trên bờ bên phải cửa sông Đáy và sông Kẻ Sặt. Theo cuộc điều tra tiến hành vào năm 1987, trong số các di tich lò gốm được tìm thấy, khu vực chứa sản phẩm lỗi cao tới 4,2m, hình thức và hoa văn của di vật ở tầng trên và tầng dưới có sự khác biệt. Cuộc điều tra năm 1990 do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Hải Dương (Hải Hưng cũ) phối hợp tiến hành đã tìm thấy đồ sứ men ngọc, sứ men hoa lam, hoa văn màu nâu, chân đèn. Niên đại của quần thể di tích này được xác định nằm trong khoảng từ thế kỷ XV – XVIII.
Sản phẩm gốm Hợp Lễ gồm nhiều loại, chủ yếu là đồ gia dụng và đồ thờ cúng như bát, đĩa, bình vôi, vò nhỏ, chân đèn, lư hương… với 3 dòng gốm chủ yếu là gốm men xanh ngọc, gốm men trắng và gốm hoa lam. Hoa văn trang trí trên các sản phẩm có 3 loại: vẽ lam, in hoa văn bằng khuôn trong và khắc chìm hoa văn. Gốm vẽ lam thời Mạc rất phát triển, song xu hướng đơn giản và mộc mạc. Nghề sản xuất gốm ở Hợp Lễ tồn tại đến thế kỷ XVIII thì bị tàn lụi dần.
Ngoài những trung tâm sản xuất gốm kể trên thời Mạc còn có các làng sản xuất gốm sau: làng gốm Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), làng gốm Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Làng Cậy (nay là Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương)…
Sản phẩm gốm thời Mạc khá phong phú và đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Từ gốm xây dựng, trang trí kiến trúc như gạch, ngói… đến đồ gốm gia dụng: đĩa, bát, ấm, chén…, gốm thờ như chân đèn, lư hương…đã thể hiện sự tài hoa của bàn tay người thợ thủ công truyền thống thời Mạc.
2.2.2. Chạm khắc đá
Nghề chạm khắc đá xuất hiện ở nước ta rất sớm. Nó có một quá trình phát triển liên tục. Dưới thời Mạc, nhà nước hầu như không tổ chức xây dựng những công trình có quy mô lớn, trừ việc xây dựng Dương Kinh ở giai đoạn đầu, nhưng nghề chạm khắc đá vẫn phát triển. Nghề này phát triển khá mạnh mẽ trong dân gian. Ngày nay còn có nhiều sản phẩm đá được bảo lưu đã chứng minh điều đó.
Tầng lớp thợ thủ công hoạt động trong nghề chạm khắc đá được chia làm nhiều loại khác nhau. Một bộ phận các công tượng làm việc trong các giám, cục thuộc Bách công cục do nhà nước quản lý; là thợ thủ công hoạt động trong các phường thợ, làng nghề tham gia vào các công trình công cộng do nhà nước đứng ra xây dựng hoặc tham gia vào chạm khắc bia đá ở các đình, chùa, quán ở địa phương. Ngoài ra, còn có một số người thợ thủ công ở địa phương hoạt động tự do lúc nông nhàn.
Hiện nay chúng ta không có một tư liệu nào nói rõ về các tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các giám, sở cũng như các bộ phận quản lý lao động cũng như các công tượng. Tuy nhiên dựa vào nguồn tư liệu văn bia do nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân sưu tập và biên dịch, chúng ta biết đến chức năng nhiệm vụ của các công tượng trong các giám sở, cục… Dựa vào nội dung một số văn bia thời Mạc, chúng tôi tổng hợp được bảng sau:
TT |
Tên bia |
Năm dựng bia |
Thợ khắc bia |
Nơi làm việc |
1 |
Cự linh tự bia |
Đại Chính thứ 5 (1534) |
Trần Kim Bảng, Đoàn Nhân Hạng |
Ngự dụng giám san thư cục |
2 |
Trùng cấu Đông Ngọ tự bi |
Đại Chính thứ 7 (1536) |
Hoàng Văn Thuý |
Bách đâu cục |
3 |
Cổ Linh tự bi ký |
Quảng Hoà thứ 5 (1545) |
Đặng Thế Khanh |
|
4 |
Tư Phúc tự tạo hồng chung |
Quảng Hoà thứ 4 (1545) |
Vũ Đạo |
Cục phó thư cục |
5 |
Hậu thần từ vũ bi ký |
Quang Bảo thứ 4 (1558) |
Tư Hữu Tài |
|
6 |
Triệu Hoàng thần từ bi ký |
Quang Bảo thứ 5(1559) |
Phạm Văn Tiên |
San thư cục |
7 |
Cối Sơn tự bi |
Quang Bảo thứ 9 (1563) |
Bùi công |
Ngọc thạch cục |
8 |
Thanh Quang tự bi |
Quang Bảo thứ 9 (1563) |
Vương Thọ Lộc, Vũ Nhân Chiêu |
Ngự dụng giám, Tú Lâm cục |
9 |
Kỳ Lân tự bi |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
Tạ Văn Kế |
Sở thừa Sở công bộ khí giới tạo |
10 |
Trùng tu Thụy Ứng quán ký |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
Nguyễn Văn Lan |
Ngự dụng giám san thư cục |
11 |
Trùng tu Kiến Linh tự tái tạo Phật tượng bi |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
|
Công bộ tiến công Quang Thọ điện khí cơ doanh |
12 |
Chân Thánh quán bi |
Sùng Khang thứ 2 (1567) |
Trần Đại Tiêu Đỗ Đình Khoa |
|
13 |
Nghiêm Quang tự bi |
Sùng Khang thứ 7 (1572) |
Nguyễn Văn Minh |
|
14 |
Hoa Nghiêm tự bi |
Diên Thành sơ niên (1578) |
Ngô Khu |
Cơ giới doanh tạo sở Ngọc thạch |
15 |
Trùng tu Linh sơn tự bi ký |
Diên Thành thứ 6 (1583) |
Nguyễn Ích Diệu |
|
16 |
Đông Phao tự tân tạo thiêu hương tiền đường bi |
Đoan Thái sơ niên (1586) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
17 |
Phượng Tường tự bi |
Đoan Thái thứ 2 (1587) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
18 |
Tư Phúc tự thạch tỉnh bi |
Đoan Thái thứ 3 (1588) |
Phạm Quang Định, Nguyễn Quý |
Tú Lâm cục |
19 |
An Dương tự bi |
Hưng Trị thứ 2 (1589) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
20 |
Hà Lâu tự bi chung |
Hưng Trị thứ 2 (1589) |
Nguyễn Tử Nghi, Đoàn Văn Lương, Đoàn Quý |
Ngự dụng giám san thư cục |
Qua bảng thống kê trên chúng ta thấy được danh xưng của một số cơ quan trong Bách công cục và bộ máy quản lý các giám, sở, cục ấy. Đó là các Thượng bảo giám, Lục thanh giám, Khí giới doanh tạo sở, Bách đâu cục, Ngọc thạch cục… Sự liệt kê này có thể là chưa đầy đủ nhưng cũng có thể giúp ta biết về chức danh nghề nghiệp của tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp trong nghề chạm khắc đá ở các giám, sở, cục như: Sở thừa, Tượng chánh, Tượng phó, Tượng nhân, Thường ban, Phó thường ban hay Cục phó… Những người này cũng được ban chức tước như Cẩn sự tá lang, Tướng sĩ lang. Đặc biệt có Tạ Văn Kế người khắc văn bia Kỳ Lân tự bi được vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, tước bá. Như vậy so với thời Lê sơ, những công tượng thời Mạc đã được nhà nước tôn trọng. Họ có một vị trí nhất định trong xã hội đương thời.
Bên cạnh thợ công tượng của nhà nước, thời Mạc ở các làng đã xuất hiện nhiều phường thợ chuyên nghiệp và thợ nghiệp dư. Dựa vào tư liệu văn bia thời Mạc, chúng ta biết được danh sách các hiệp thợ, nhóm thợ và cá nhân. Họ vốn xuất thân trong những làng nghề chạm khắc đá có truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ như: làng Hồng Lục, làng Đông Hồng Lục (Gia Lộc, Hải Dương), xã Tứ Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương), Kính Chủ (Chí Linh, Hải Dương), Lãng Đông (Chí Linh, Hải Dương), Tây Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Gia Đức (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Ngoài ra qua nội dung văn bia chúng ta biết thêm về các thợ đá ở các xã Thượng Trưng, Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc), xã Anh Nhuệ (Hưng Yên), xã Hồng Liễu (Hải Dương). Một điều thú vị là khá nhiều bia đá khắc ở vùng do nhà Mạc cai quản do thợ đá An Hoạch (Thanh Hoá) khắc. Chúng ta đều biết rằng Thanh Hoá là vùng đất phát tích của nhà Lê. Cư dân ở đây rất trung thành với nhà Lê mà hầu như họ không chấp nhận vương triều Mạc. Vậy tại sao thợ đá An Hoạch lại bỏ ra vùng nhà Mạc để hành nghề? Điều này chứng tỏ nhà Mạc rất coi trọng nghệ nhân, mọi chính kiến chính trị đã bị đặt ra ngoài lề lối đối với thợ truyền thống. Hơn nữa thời Mạc người thợ được tự do đi lại và tự do hành nghề. Qua đây chúng ta thấy sự cởi mở của vương triều Mạc.
Sản phẩm của chạm khắc đá thời Mạc khá phong phú và đa dạng. Ngoài bia chùa, bia đình, bia quán, bia chợ, bia cầu, sản phẩm chạm khắc đá thời Mạc còn có rồng đá, sấu đá, tượng chân dung, phù điêu… với những đường nét chạm trổ khá điêu liệu. Đặc biệt là một số tượng chân dung, phù điêu bằng đá về những thành viên trong hoành tộc nhà Mạc như quần thể tượng ở chùa Nhân Trai, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản ở chùa Trà Phương và Hoà Niểu, tượng Mạc Phúc Nguyên ở chùa Hưng Khánh, tượng Mạc Mậu Hợp ở chùa Bạch Đa… Những sản phẩm chạm khắc đá thời Mạc còn lại đến ngày nay khiến chúng ta không thể không thán phục những bàn tay tài hoa của cha ông.
Một số tượng đá thời Mạc cũng ghi rõ tên của người tạc tượng cũng như năm tạc tượng. Chính dưới chân pho tượng Tuyên Tông Anh Nghị hoàng đế Mạc Phúc Nguyên ở chùa Hưng Khánh (Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng) có dòng chữ Hán ghi: “Quý Mùi niên Trung Hành xã Phù Đông hầu tạo. Kính Chủ xã tượng nhân tạo”, tạm dịch: Phù Đông hầu xã Trung Hành làm năm Quý Mùi (1574). Thợ đá Kính Chủ tạc.
2.2.3. Nghề dệt
Nghề dệt là một trong những nghề thủ công truyền thống của nhân dân ta. Nghề dệt bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như dệt chiếu, dệt vải…
2.2.3.1. Nghề dệt lụa
Nghề dệt trên cơ sở các phường tại đô thị và những làng thủ công có từ đời trước đã phát triển mạnh hơn trong thời Mạc. Trên vùng đất Dương Kinh quê hương nhà Mạc có nhiều nơi nuôi tằm dệt tơ như: Đoàn Lâm, Đào Lâm, Phạm Lâm (Gia Lộc); Phù Ủng, Bạch Sam (Đường Hào); Hội Am, Đồng Lại, Bất Bế, Đan Bối, Đan Cầu (Vĩnh Lại)… Tại kinh thành Thăng Long có phường dệt, phường lụa; tại nông thôn có làng La (Hà Đông), làng Bưởi. Các làng này tuy chưa tách hẳn khỏi nông nghiệp nhưng nghề dệt đã có một vai trò rất quan trọng đối với thu nhập của nhân dân lao động. Nguyên liệu nghề dệt chủ yếu lấy từ tự nhiên, do đó xung quanh các làng dệt đã hình thành nhiều làng tơ tằm.
Sản phẩm ngành dệt rất đa dạng. Ngoài các sản phẩm bình dân phục vụ các tầng lớp bình dân còn có đồ cao cấp như gấm, the, lụa vàng, đũi, sa, là, nhung, lĩnh… dành cho vua chúa, quan lại và bán ra nước ngoài.
Trình độ nghệ dệt đã đạt tới kỹ thuật tinh xảo. Phương thức sản xuất chủ yếu là cá thể. Tuy đã hình thành các phường, hội nhưng chủ yếu là giúp đỡ nhau trong việc mua nguyên liệu và bán sản phẩm, chưa có thuê mướn nhân công và tổ chức cơ cấu thợ cả, thợ bạn… như sau này.
2.2.3.2. Nghề dệt chiếu
Nói đến nghề dệt chiếu ở đồng bằng Bắc Bộ chúng ta không thể không nói đến làng dệt chiếu Hới. Nghề dệt chiếu ở làng Hới có truyền thống từ lâu đời. Chiếu làng Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu sợi xe… với nhiều kích cỡ khác nhau nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là chiếu gon bền đẹp được ưa chuộng ở vùng như Thái Bình, Bắc Ninh, Thăng Long… Đây là loại chiếu rất bền. Không chỉ nổi tiếng bằng sự truyền miệng của người dân mà nó còn xuất hiện cả trong giai thoại văn học. Đó là cuộc gặp gỡ tài tử, giai nhân giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ với những câu thơ đối đáp trữ tình giữa một nhà thơ lớn với một cô gái bán chiếu tài sắc:
– “Nàng ở nơi đâu bán chiếu gon
Phải chăng chiếu bán hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con?”
– “Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có nói chi con?”
Làng Hới nằm ở vùng ngã ba sông Hồng và sông Luộc rất thuận lợi về giao thông đường thuỷ. Bởi vậy sản xuất buôn bán chiếu ở đây khá phát triển. Vào thế kỷ XVI, Thái tông Mạc Đăng Doanh mở chợ Hới, xây dựng một câu cầu bằng đá thay cho cầu gỗ bắc qua sông Luộc. Chính vì vậy mà vào thời Mạc, chiếu Hới theo các thương nhân có mặt khắp vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Ngoài làng dệt chiếu Hới ở Thái Bình, chúng ta còn phải kể đến làng dệt chiếu Lật Dương (xã Quang Phục, Tiên Lãng, Hải Phòng). Làng chiếu Lật Dương được hình thành và phát triển vào thế kỷ XVI. Nếu như ở làng Hới cói phải mua từ nơi khác đến thì ở Lật Dương cói được trồng và thu mua ở quanh vùng. Chiếu Lật Dương chủ yếu trơn, giá thành thường rẻ hơn chiếu Hới được tiêu thụ rộng rã trong tầng lớp bình dân.
2.2.4. Nghề đúc tiền
Đây là một nghề do nhà nước trực tiếp quản lý giám sát và điều hành. Nhà Mạc đã nhiều lần tổ chức đúc tiền, tuy nhiên chúng ta thấy có một lần sử cũ có ghi lại sự kiện đúc tiền của nhà Mạc: “Năm Mậu Tý (1528), mùa xuân, tháng giêng, Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới, bèn sai đúc loại tiền Thông bảo hình tròn theo kiểu niên hiệu trước, nhưng phần nhiều không thành, cho nên lại phải đúc loại tiền “gián” mới bằng kẽm, để ban bố cho các xứ tiêu dùng” [ 23, 267]. Chính Đại Việt sử ký toàn thư cũng xác nhận: “Mùa xuân, tháng giêng, bấy giờ Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới, bèn sai đúc tiền Thông Bảo theo kiểu cách đồng tiền cũ, nhưng phần nhiều không thành. Sau lại đúc các loại tiền gián pha kẽm và sắt ban hành các xứ trong nước để thông dụng” [18, 174 – 175]. Việc nhà Mạc tổ chức đúc tiền ngay sau khi vương triều được thành lập nhằm khẳng định vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế quốc gia, một phần cũng nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi trong nhân dân. Hơn nữa nó nhằm khẳng định vai trò, địa vị chính trị, chính thống của vương triều Mạc.
Trong thời gian tồn tại ở Thăng Long (1527 – 1592) nhà Mạc đã nhiều lần tổ chức đúc tiền. Hiện nay chúng ta đã xác định được 6 loại tiền thời Mạc. Đó là tiền Minh Đức thông bảo bằng đồng, tiền Minh Đức thông bảo bằng kẽm, tiền Minh Đức thông bảo bằng sắt, Minh Đức nguyên bảo của Thái tổ Mạc Đăng Dung; tiền Đại Chính thông bảo bằng đồng của Thái tông Mạc Đăng Doanh; tiền Quảng Hoà thông bảo của Hiến tông Mạc Phúc Hải; tiền Vĩnh Định thông bảo và tiền Vĩnh Định chi bảo của Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên. Đó là chưa kể đến tiền của nhà Mạc đúc khi rút về Cao Bằng là tiền Càn Thống nguyên bảo, tiền Thái Bình thánh bảo, Thái Bình thông bảo, An Pháp nguyên bảo…
2.2.5. Nghề làm muối
Nghề làm muối vốn là một nghề thủ công mang nặng tính thời vụ. Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa, khi mọi người lao động khác đang tranh thủ nghỉ ngơi dưới những bóng cây xum xuê mát rượi thì diêm dân, những người sản xuất muối, lại phải ra đồng thu cát, chở cát, lọc chạt, phơi ẻ… Sự đơn điệu và lam lũ của nghề sản xuất muối đã đi vào câu ca:
Đời ông cho chí đời cha,
Có một đống cát xe ra, xe vào…
Hàng ngày những người diêm dân làm muối phải xúc ẻ (cát chuyên dùng để sản xuất muối) lên xe cút-kít chở ra đổ thành từng đống trên sân phơi, sau đó dùng xẻng xúc văng cát rải đều khắp mặt sân. Nước biển thông qua các công trình thuỷ lợi, ngấm vào lòng sân cát và mao dẫn lên cát phơi. Nắng trời làm cho nước ngọt bay hơi, còn muối ăn kết tinh xung quanh các hạt cát. Diêm dân thu cát đó đưa vào chạt để lọc lấy nước chạt (còn gọi là nước cái). Chạt là một bể nhỏ, đáy có rãnh ra bể chứa; dưới đáy được gác những thang tre, trên để phên đan bằng nứa rồi đổ cát đã phơi lọc lấy nước chạt. Nước chạt được bảo quản và lắng gạn để hôm sau đưa lên ô phơi cho muối kết tinh. Sau khi thu nước chạt, phần cát trong chạt được xúc ra gọn thành đống để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất tiếp theo… Cứ như vậy, hầu như diêm dân gắn bó trọn đời mình với cát suốt ngày này qua tháng khác dưới trời nắng chang chang như thiêu như đốt.
Do chiến tranh, thời Mạc chủ yếu tập trung quản lý các vùng sản xuất muối ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Nơi đây thời Mạc có nhiều vùng sản xuất muối nổi tiếng như: Bàng La (Đồ Sơn), Văn Phong, Đôn Lương, Hoàng Châu, Gia Lộc, Đại Đồng, Phù Long (Cát Hải), Nội Hoàng, Vũ Yên… Ở Nam Định có các xã Hạ Lan, Cẩm Hà, Thương Điền thuộc huyện Giao Thuỷ và các xã ven biển huyện Thụy Anh. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã nhận xét: “Giao Thuỷ, Thụy Anh hải diêm duy cam” nghĩa là miền biển thuộc huyện Giao Thuỷ, Thụy Anh có muối tốt.
Muối là một sản phẩm do Nhà nước thống nhất quản lý bởi vì đây là một mặt hàng chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia. Dưới xã hội phong kiến, Nhà nước thường lấy muối để sử dụng trong các mục đích chính trị. Chúng ta còn nhớ sau này khi thực dân Pháp thống trị nước ta, chúng độc quyền sản xuất tiêu thụ về muối. Để đàn áp tiêu diệt phong trào cách mạng, chúng thường treo thưởng mỗi đầu chiến sĩ cách mạng là bao nhiêu cân muối. Đối với nhà Mạc, muối là một mặt hàng quan trọng hơn bao giờ hết bởi vì nhà Mạc dùng muối để không chế các từ trưởng miền núi khi mà ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” đang được các thế lực trung thành với nhà Lê giương cao ở vùng rừng núi Thanh Hoá. Hơn nữa muối cũng đưa lại cho nhà nước một nguồn lợi lớn về thuế sản xuất và tiêu thụ muối.
Ngoài những ngành nghề thủ công nói trên, thời Mạc còn có một số nghề như: nghề đánh bắt thuỷ sản, chế biến… cùng các nghề phục vụ đánh bắt thuỷ hải sản như đóng sửa thuyền bè, nghề đan lưới… Đã có nhiều phường lưới… Làng thuỷ cơ – vạn chài ra đời.
Tiểu kết chương 2
Dưới xã hội phong kiến, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp không được coi trọng, được xem là nghề phụ, nghề ngọn. Tuy nhiên, tiểu thủ công nghiệp cũng có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Đầu thế kỷ XVI, thủ công nghiệp có nhiều điều kiện để phát triển nhưng không được triều đình nhà Lê sơ khuyến khích phát triển. Với cái nhìn cởi mở, phóng khoáng của người dân chài ven biển, nhà Mạc không “trọng nông ức thương” mà luôn tạo mọi điều kiện cho tiểu thủ công nghiệp phát triển. Người thợ thủ công rất được coi trọng khi họ được ban chức tước, tự do ghi tên vào sản phẩm do mình làm ra. Hơn nữa, sau một thời gian kinh tế nông nghiệp lâm vào khủng hoảng thì đến thời Mạc nông nghiệp được phục hồi và phát triển cũng tác động tích cực đến thủ công nghiệp. Bởi vậy, thủ công nghiệp thời Mạc khá phát triển bao gồm các nghề: nghề gốm, nghề chạm khắc đá, nghề dệt chiếu, nghề làm muối… Hoạt động sản xuất thủ công nghiệp dần dần tách ra khỏi hoạt động của sản xuất nông nghiệp. Thủ công nghiệp phát triển cũng đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển bởi vì nó không những cung cấp nông cụ mà còn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Thủ công nghiệp phát triển cũng góp phần làm cho hoạt động thương mại phát triển.
(Còn tiếp)
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.