- Đang online: 2
- Hôm qua: 664
- Tuần nay: 16100
- Tổng truy cập: 3,369,263
Sự Chọn Đường Của Trí Thức Thời Mạc
- 236 lượt xem
Sự Chọn Đường Của Trí Thức Thời Mạc
TỐNG THANH BÌNH
“…H iền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…“. Bất cứ triều đại nào, thời đại nào, giáo dục là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sự hưng thịnh của đất nước. Thế kỷ XV dưới sự trị vì của nhà Lê Sơ đã chứng minh cụ thể cho chân lý nêu trên. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XVI đầy biến động, nhà Lê Sơ bị lật đổ sau một trăm năm thống trị, nhà Mạc lên thay, câu hỏi đặt ra đối với vương triều này là: giáo dục có ảnh hưởng như thế nào đối với sự thành bại của nhà Mạc trong quá trình tồn tại, và sự chọn đường của trí thức thời Mạc nói lên điều gì và ảnh hưởng như thế nào đến cơ đồ nhà Mạc?
1. Giáo dục khoa cử thời Mạc
Nhà Mạc tồn tại ở Thăng Long trong 65 năm (1527 – 1592), giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các vị vua Mạc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kết quả là nhà Mạc lập được một kì tích khiến lịch sử phải nể phục, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy nhà Mạc đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo: 22 khoa thi, lấy đậu 485 tiến sĩ, 13 trạng nguyên và tạo dựng được một nền giáo dục thịnh đạt thể hiện qua nền văn hóa Đại Việt thế kỉ XVI. Xét về vấn đề này, nhà Mạc chỉ đứng sau nhà Lê Sơ về số lượng các kì thi và tỉ lệ đậu đạt, song trên thực tế, có những điều nhà Mạc đạt được hơn hẳn so với những vương triều khác trong tiến trình lịch sử dân tộc. Những ý nghĩa tích cực của nền giáo dục khoa cử thời Mạc được đánh giá cao: nhà Mạc đã tạo dựng cho mình một chỗ dựa vững chắc, duy trì sự cai trị trong bối cảnh xã hội hết sức phức tạp, lôi kéo đội ngũ trí thức đang phân hóa mạnh mẽ, tranh giành ảnh hưởng với các thế lực phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn, và nền giáo dục ấy đã đóng góp không nhỏ cho văn hóa dân tộc đương thời. Những bậc đại trí thức được trưởng thành dưới thời Mạc càng nâng tầm triều đại này trong dòng chảy lịch sử, tiêu biểu như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Dữ,… những người đã góp phần phát triển văn hóa và tôn vinh lòng tự hào dân tộc.
Mỗi thời điểm, đứng ở lập trường khác nhau có thể đi đến những kết luận chưa thống nhất về triều đại này nhưng đối với vấn đề giáo dục thời Mạc, có lẽ hiếm thấy những quan điểm trái chiều, thậm chí, các sử gia đều đánh giá cao nền giáo dục thời Mạc, như lời nhận xét của Phạm Đình Hổ: “Khoảng đời Minh Đức (Mạc Đăng Dung), Đại Chính (Mạc Đăng Doanh), khí thế ngày càng kém…. Song thời Mạc còn chưa đến nỗi hủ lậu nên học vấn, văn chương, chính sự, công nghiệp cũng không kém cổ nhân mấy” [3,156-169]. Đến sử gia Phan Huy Chú dù không đồng tình với nhà Mạc cũng dành những dòng khen ngợi: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó” [1, 16]. Vấn đề đáng nói là: trong khi nhà Mạc hết sức chú ý giáo dục khoa cử, trân trọng người tài và sử dụng họ phục vụ cho bộ máy cai trị của mình thì vì nhiều lý do khác nhau, nhà Mạc chưa đạt được mục đích cuối cùng của mình. Nguyên nhân một phần từ nhà Mạc, một phần do sự tồn tại song song của các thế lực đối lập khác và phần nào do sự chọn đường của các trí thức khi thời thế thay đổi. Thế kỷ XVI đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của giới trí thức trong quan niệm về chữ “trung” – một nội dung cơ bản của đạo lý Nho giáo
2. Sự chọn đường của trí thức thời Mạc
Không phải ngẫu nhiên giai cấp thống trị đề cao Nho giáo và sử dụng Nho giáo như một công cụ đắc lực cho việc cai trị, Nho giáo không chỉ tạo nên một xã hội có tôn ti trật tự với tam cương, ngũ thường mà nó còn đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ cho sự cai trị của triều đại ấy. Có thể nói, đến thế kỉ XV, đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, giai cấp thống trị đã đạt được mục đích của mình – tạo nên một thời kì hoàng kim của chế độ phong kiến với những trung thần tận tâm vì hoàng đế. Tuy vậy, sau thời kì huy hoàng ấy, nền giáo dục Nho học rơi vào khủng hoảng không chỉ vì những nguyên nhân nội tại của triều đình nhà Lê mà còn do những tác động bên ngoài nữa. Thời thế thay đổi, sự chuyển biến trong thái độ và hành động của một số trí thức đã báo hiệu một sự phân hóa trong đội ngũ trí thức Đại Việt diễn ra ngay từ thế kỉ XV và điều này biểu hiện rõ nét hơn cả trong thế kỉ XVI, tính từ thời điểm Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế thay thế nhà Lê sơ năm 1527.
Ý thức rõ vai trò của đội ngũ trí thức, Mạc Đăng Dung và những người kế vị hiểu hơn ai hết trách nhiệm của triều đại mình trong việc khai thác đội ngũ này, “trưng cầu con cháu các vị công thần thế gia”, “Đăng Dung muốn thu nhân tâm, bèn phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần” [2, 267], “Tất cả có 56 người đều được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau” [2, 267] – một điều hiếm có trong cách hành xử của người đứng đầu một vương triều đối với đội ngũ trí thức của triều đại cũ, tính nhân văn trong vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Mạc được sử sách ghi nhận vì những lẽ đó.
Với thái độ của triều đình nhà Mạc đối với đội ngũ trí thức và những nỗ lực trong việc xây dựng nền giáo dục khoa cử, những trí thức dưới thời Mạc đã không phụ sự ưu ái của triều đình. Song, như chúng ta đã biết, nhà Mạc lên ngôi ngay lập tức đã vấp phải sự chống đối của các thế lực, trong đó, ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” đã chi phối không nhỏ đến sự trị vì của nhà Mạc cũng như chi phối lịch sử dân tộc thế kỉ XVI và các thế kỷ sau này. Trong bối cảnh đó, việc trí thức phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, phục vụ cho ai và cống hiến vì lý tưởng hành đạo như thế nào là điều không thể tránh khỏi. Không dễ để chỉ ra một cách rõ ràng từng con đường và lý do mà trí thức đương thời theo đuổi nhưng qua đó, chúng ta hiểu rằng: những giá trị của Nho giáo khi thấm nhuần vào mỗi kẻ sĩ đều bị khúc xạ bởi những nhân tố mang tính chủ quan trong mỗi con người và tùy từng thời điểm. Thái độ của kẻ sĩ dưới thời Mạc có thể chia thành các khuynh hướng như sau:
– Trung thành với nhà Lê sơ, theo nhà Lê Trung Hưng ngay từ đầu
– Bỏ nhà Lê theo nhà Mạc.
– Không theo Lê Trung Hưng, không theo Mạc mà vào với chúa Nguyễn (giai đoạn sau này, khi nhà Mạc đã bị đánh bại ở kinh thành, phải lên Cao Bằng) hay trở thành trí sĩ
2.1. Trung thành với nhà Lê sơ và theo nhà Lê Trung Hưng ngày từ đầu
Mạc Đăng Dung lên ngôi sau một cuộc đảo chính êm thấm, không có sự tàn sát đẫm máu như một số triều đại trước khi thay thế triều đại cũ, tuy vậy cũng không tránh khỏi sự chống đối của các thế lực khác trong đó có những người từng tham gia trong bộ máy chính quyền thời Lê Sơ. Sự chống đối ấy thể hiện qua nhiều cách khác nhau, có người chọn đến cái chết để thể hiện chữ “trung” của mình đối với nhà Lê sơ, như Vũ Duệ, Đàm Thận Huy, Ngô Hoãn – những người giữ chức vụ cao trong triều đình Lê sơ…, có người tập hợp lực lượng nổi dậy chống nhà Mạc công khai như Lê Ý, Trịnh Ngung, Trịnh Ngang và điển hình nhất là những người đã lấy danh nghĩa “Phù Lê diệt Mạc” để chống lại sự thiết lập vương quyền nhà Mạc. Vì thế, khi nhà Mạc bắt đầu gây dựng cơ đồ cũng là lúc nhà Lê Trung Hưng khởi nghiệp với vai trò của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, dẫn tới cục diện chia cắt Nam triều – Bắc triều.
Việc trí thức tận tụy với triều Lê sơ dẫu triều đại này đã bị lật đổ nói lên rằng: một thế kỷ độc tôn Nho giáo của nhà Lê sơ có ý nghĩa lâu bền. Hoàng quyền của nhà Lê Sơ không chỉ được tạo dựng từ chiến công hiển hách của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài ¼ thế kỷ cộng với chính sách quân điền mà còn là những giá trị do học thuyết Khổng Tử mang lại qua vai trò của kẻ sĩ. Người đứng đầu nhà nước phong kiến thời kì đỉnh cao – Lê Thánh Tông đã thành công trong việc xây dựng một ý niệm Nho giáo nhằm xây dựng một xã hội tôn ti, trật tự, ngai vàng được giữ vững. Song quan trọng hơn là ý niệm Nho giáo ấy đã thấm nhuần vào những bề tôi tiết nghĩa, họ chọn cách hi sinh để bảo vệ lý tưởng nhân của mình. Trước sự xoay vần của thời cuộc, những con người trung thành ấy vẫn làm trọn vẹn chữ “trung” với triều đại mình từng phụng sự. Đây chính là một sự chọn đường của trí thức .
Bên cạnh đó, một bộ phận trí thức chờ thời, ra làm quan cho nhà Lê Trung Hưng khi các cựu thần nhà Lê khôi phục được thế lực cũ, điển hình là 2 nhân vật Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh. Còn nhớ thời điểm hai kẻ sĩ tài ba này ra phò giúp nhà Lê Trung Hưng đều là lúc nhà Mạc bắt đầu có những biểu hiện suy yếu, những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình nhà Mạc ngày càng rõ nét (sau thời điểm Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ chém 18 kẻ lộng thần), điều này đã chi phối không nhỏ sự chọn đường của họ. Điều đáng nói là hai người bạn hữu ấy đều được trưởng thành từ vùng nhà Mạc quản lý, thậm chí được đào tạo bài bản dưới sự chỉ bảo của thầy dậy Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người tận tụy cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp của nhà Mạc. Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh sau này đều là những nhân vật trọng yếu trong triều đình nhà Lê Trung Hưng và có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phục hồi và phát triển của triều đình Lê – Trịnh. Không phải ngay từ đầu, Phùng Khắc Khoan đã theo nhà Lê Trung Hưng mà mãi tới sau này ông mới quyết định bỏ Mạc theo Lê. Nguyên nhân nào dẫn đến cách hành xử đó? Liệu cách giáo dục của thầy dậy có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của họ, họ thấy được những biểu hiện xuống dốc của nhà Mạc, họ thấy sự bất lực của thầy dạy mình dù đã dành hết tâm sức cho triều đại ấy, hay vì cách đối đãi của triều đình nhà Mạc có phần nào bất công với ông trong kì thi năm 1552? Từng ấy câu hỏi cho thấy Phùng Khắc Khoan hẳn đã bối rối trước việc chọn lựa, quyết định cuối cùng là ông dứt khoát theo nhà Lê Trung Hưng và dốc sức mình phục vụ cho Nam triều. Ông trở thành một nhà Nho xuất sắc, một nhà ngoại giao tài ba và một nhà thơ ưu tú với nhiều tác phẩm để đời. Vậy nên, có thể nhận ra một điều: nhà Mạc đã đánh mất cơ hội có những bậc hiền tài trong khi đó là nhân tố mà họ muốn khai thác một cách triệt để để giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh với nhà Lê – Trịnh.
2.2. Bỏ nhà Lê theo nhà Mạc
Năm 1527, sự kiện Mạc Đăng Dung lên ngôi là một bước ngoặt đối với lịch sử dân tộc ở thời điểm hiện tại và chi phối không nhỏ đến tiến trình lịch sử dân tộc sau này. Khác với một triều đại được xác lập thông qua những chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hay sự nhường ngôi diễn ra một cách quyết liệt, nhà Mạc lên nắm quyền với xuất phát điểm là một dòng họ sống ở miền biển, vốn sống bằng nghề chài lưới và người thiết lập nên vương triều ấy lại là một võ quan chứ không phải là một người được đào tạo bài bản từ nền khoa cử Nho học. Những cống hiến của Mạc Đăng Dung và sự khéo léo của ông đã đưa ông đến đỉnh cao danh vọng và có cơ hội lật đổ triều đình Lê sơ đã mục nát, góp phần ổn định lại xã hội Đại Việt sau một thời gian dài khủng hoảng dưới sự trị vì của các vị vua Quỷ, vua Lợn. Chính vì vậy, khác với những thế lực phong kiến từng lên ngôi thông qua những cuộc đảo chính giành quyền lực, Mạc Đăng Dung đã biết cách xác lập tính chính đáng của vương triều Mạc, ông đã khôn khéo sử dụng lại đội ngũ trí thức nhà Lê và vẫn giữ nguyên pháp độ triều Lê sơ để không tạo nên một sự xáo trộn lớn và ông đã thành công bước đầu. Vì vậy, dẫu từng bị sử cũ coi là ngụy triều thì nhà Mạc vẫn nhận được sự ủng hộ của một bộ phận lớn trí thức, trong đó có những người từng làm quan cho nhà Lê hoặc được đào tạo dưới thời Lê. Có thể kể tên một số nhân vật đại diện cho xu hướng này như: Phạm Gia Mô, Vũ Hộ, Lê Quang Bí…
Trong số những người bỏ Lê theo Mạc, xin nêu một ví dụ tiêu biểu cho sự tận trung với nhà Mạc, đó chính là Lê Quang Bí. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, bố của ông – Lê Nại, từng đậu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh trạng nguyên trong khoa thi Ất Sửu năm 1505 đời Lê Uy Mục và bản thân ông cũng là người từng đỗ Hoàng giáp đứng thứ 4 trong khoa thi Bính Tuất năm 1526. Vào thời điểm nhà Mạc thiết lập, ông đang làm quan cho nhà Lê sơ. Ông đã lựa chọn theo nhà Mạc ngay buổi đầu thành lập, có thể có nhiều cách kiến giải về điều này thậm chí cho rằng: tình thế buộc ông phải lựa chọn dưới sức ép của nhà Mạc, nhưng với những gì mà ông đã cống hiến cho nhà Mạc, chúng ta có thể khẳng định rằng: vương triều Mạc đã được ông chọn lựa và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp nhà Mạc. 18 năm đi xứ (1548 – 1566) “bị giữ lâu ở quán đợi mà vẫn kính cẩn giữ được mệnh của chúa” [2,314] và không làm hổ thẹn danh dự quốc gia, tấm lòng yêu nước và sự kiên trung của ông đã khiến kẻ thù nể phục và ví ông với Tô Vũ – một điển tích trong lịch sử Trung Hoa. Trở về, ông được nhà Mạc hết sức trân trọng và ban cho ông những phần thưởng xứng đáng. Có thể nói, Lê Quang Bí – một trung thần thời Mạc đã đảm đương trọn vẹn sứ mệnh của kẻ sĩ, như cách nói của Khổng Tử: “Giữ mình có liêm sỉ, đi sứ bốn phương không để nhục mệnh vua”.
Có được một bề tôi như Lê Quang Bí là điều mà không phải triều đại nào cũng có được và cũng làm được. Đứng ở khía cạnh này, chúng ta thừa nhận: nhà Mạc đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử cũng như trong tâm thức của nhân dân và trí thức Đại Việt, như sử sách từng thừa nhận: “lòng người hướng về nhà Mạc”. Lê Quang Bí, Giáp Hải và không ít những nhà Nho trung thành khác đã góp phần làm nên thành công của nhà Mạc trong 65 năm trị vì và tôn vinh niềm tự hào dân tộc.
Sẽ là thiếu sót nếu bàn về vấn đề giáo dục khoa cử nhà Mạc mà không nhắc đến bậc đại thành trí thức Nguyễn Bỉnh Khiêm, người thầy của mọi thế lực chính trị trong thế kỉ XVI và của mọi thời đại, mọi không gian và đối tượng khác nhau. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội có nhiều thăng trầm, gắn với sự thay đổi các triều đại, cuộc đời ông chứng kiến gần trọn thời kỳ hình thành, phát triển và suy vong của vương triều Mạc. Điều đáng trân trọng ở con người này là chỗ: là một người có học thức uyên bác nhưng ông đã cân nhắc kĩ trước khi ra thi thố tài năng của mình và quyết định làm quan cho nhà Mạc, phải mất đến gần một thập kỷ để ông quyết định cho vấn đề trọng đại ấy, thế mới thấy, nhà Mạc đã cho ông một niềm tin tưởng, hi vọng. Tuy vậy, đáng tiếc cho triều Mạc là sau một thời gian ra làm quan cho nhà Mạc (1535 – 1541), Nguyễn Bỉnh Khiêm xin từ quan về ở ẩn sau khi vua Mạc Phúc Hải từ chối đề nghị của ông chém 18 lộng thần. Thiếu sót và sai lầm của nhà Mạc đã khiến triều đại này mất đi một chỗ dựa vững chắc và quan trọng hơn: niềm tin trong đội ngũ trí thức dần mất đi. Theo đó, từ các triều vua Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp số trí thức bị phân hóa một lần nữa ngày càng tăng, họ tìm cách từ bỏ chốn quan trường hoặc chạy theo lực lượng khác.
Lý giải điều này khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân khiến nhà Mạc mất đi sự ủng hộ của đội ngũ trí thức: có thể trong số họ có nhiều người làm việc cho nhà Mạc chỉ vì họ chờ thời, khi triều Lê Trung Hưng được thiết lập thì họ từ bỏ nhà Mạc để đi theo mục đích chính của mình, có thể nhiều người trong số họ tận tâm và tin tưởng triều Mạc, ra sức cống hiến nhưng đổi lại, họ ngày càng mất dần niềm tin ở triều đại mới do sự suy yếu của bản thân triều đại ấy. Không phải ngẫu nhiên mà càng về cuối, số trí thức xin các vua Mạc về nghỉ càng trở nên phổ biến, sử cũ còn chép:“tháng 4 (1551), vua (Lê Trung Tông – tác giả) thấy Phúc Nguyên đang bị bầy tôi lìa bỏ, ngoài thì phản loạn, trong thì tan rã…thừa lúc địch (nhà Mạc – tác giả) suy yếu xuất quân tiến đánh” [2, 293], nhà Mạc gần như bất lực, kết cục Bắc triều bị Nam triều đánh bại với sự tham mưu của nhiều trí thức tài ba đã bỏ Mạc chạy về Lê Trung Hưng.
2.3. Không theo Lê, không theo Mạc mà theo Nguyễn hoặc trở thành các trí sĩ
Dẫu nhà Mạc đã bị nhà Lê – Trịnh đánh bại năm 1592 nhưng dư âm của nhà Mạc vẫn kéo dài, ít nhất đến nửa cuối thế kỷ XVII, bởi vậy, việc chọn đường của trí thức vẫn tiếp diễn. Đó là trường hợp của Đào Duy Từ (1572 – 1634), ông lớn lên trong vùng nhà Lê Trịnh quản lý nên đã vấp phải sự cấm đoán ngặt nghèo trong quy chế thi cử vì ông là con nhà hát, điều này cũng khiến nhà Lê mất đi một chỗ dựa lớn. Sau khi bị từ chối trong kì thi do Nam triều tổ chức, ông quyết định vào Đàng Trong để phục vụ chúa Nguyễn vốn đang có nhiều chính sách trọng dụng người tài mà ông không chọn nhà Mạc vì cuối thế kỷ XVI nhà Mạc đã lâm vào khủng hoảng thực sự. Trên thực tế, ông đã có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, với những gì ông đóng góp cho chúa Nguyễn, có thể khẳng định ông xứng đáng với tên gọi mà hậu thế dành tặng: đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.
Ngoài ra, một trường hợp điển hình cho việc từ bỏ công việc hiện tại, từ bỏ mọi chức tước, bổng lộc để trở về cuộc sống đời thường và dành thời gian, tâm trí cho những tâm huyết của mình, Nguyễn Dữ – tác giả của áng “Thiên cổ tùy bút” – Truyền kì mạn lục. Nguyễn Dữ từng đi thi kì thi Hương do nhà Mạc tổ chức và làm tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), được một năm ông xin về quê nuôi dưỡng mẹ già rồi xin về Thanh Hóa ở ẩn.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhân vật chọn lựa con đường này để giữ vững khí tiết của kẻ sĩ, họ trở về với cuộc sống đồng quê vốn gắn bó với họ và có chăng tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần ở các làng xã hoặc coi việc dạy học là thú vui. Đối với vương triều Mạc thì đây là một điều đáng tiếc: khi họ đang tìm mọi cách để tranh giành ảnh hưởng thì trí thức tự rút lui khỏi vũ đài chính trị để tránh mọi ô nhục mà thời thế mang lại.
Có thể thấy, trên đây là một số khuynh hướng tiêu biểu của trí thức thế kỷ XVI trong việc chọn lựa đấng minh quân để theo và phụng sự. Tất cả trong số họ đều được đào tạo những nội dung của học thuyết Nho giáo của Khổng Tử nên dẫu mỗi người chọn một con đường khác nhau song họ đều mang trong mình những tư chất của một kẻ sĩ. Hiện thực xã hội đã buộc họ phải lựa chọn, hoặc theo Lê, hoặc theo Mạc, theo chúa Nguyễn, hoặc là tránh xa cuộc đời ô trọc để giữ trọn khí tiết… điều này không chỉ là sự chọn đường mà còn phản ánh tình trạng phân liệt, cát cứ của đất nước trong thế kỷ XVI và kéo dài mãi tận sau này.
Kết luận
Từ việc tìm hiểu các khuynh hướng chọn đường của trí thức dưới thời Mạc, có thể đi đến những kết luận như sau:
Nhà Mạc là một triều đại hết sức chú ý đến giáo dục khoa cử và đã đào tạo được nhiều nhân tài, đóng góp cho sự ổn định của triều đại và sự phát triển của văn hóa dân tộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Bùi Vịnh, Nguyễn Dữ, Lê Quang Bí, …. Giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của nhà Mạc trong giai đoạn đầu, trí thức – những người có uy tín trong xã hội ủng hộ, nghĩa là nhà Mạc đạt được một tiêu chí quan trọng: được nhân dân theo về. Tiếc rằng: những biểu hiện suy yếu của triều đình nhà Mạc đã khiến triều đại này dần mất đi sự ủng hộ của đội ngũ trí thức, dù họ vẫn dành cho nhà Mạc những tình cảm tốt đẹp nhưng chưa đủ để nhà Mạc có sức mạnh chiến thắng nổi thế lực Lê – Trịnh với ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Sức mạnh tinh thần của ngọn cờ ấy đã hiệu triệu nhân dân và không ít kẻ sĩ đứng về phía Lê – Trịnh giúp họ giành được thắng lợi cuối cùng vào năm 1592.
Ngoài ra chúng ta không thể bỏ qua một nhân tố tác động không nhỏ đến quan niệm của kẻ sĩ trong thế kỷ XVI đó là do sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực thương nghiệp, thủ công nghiệp… sự giao lưu với các nước phương Tây… đã dần phá vỡ những nền tảng Nho giáo nặng nề từng chi phối xã hội Đại Việt và chi phối không nhỏ đến sự chọn đường của trí thức. Trí thức thời Mạc có nhiều chuyển biến so với các thời đại trước, khi một triều đại không còn đáp ứng được sứ mệnh lịch sử, họ không cứng nhắc với chữ trung trong quan niệm “trung thần bất sự nhị quân” mà dám đứng về những vị minh quân để được thi thố tài năng và hành đạo giúp đời, để cùng triều đại ấy đem lại cuộc sống thái bình cho nhân dân, và điều này trở thành một xu hướng. Tất nhiên, trong một xã hội thực sự nhốn nháo như cách gọi của Cố GS Trần Quốc Vượng, sự chọn đường ấy chịu sự chi phối nhiều nhân tố, thậm chí có những nguyên nhân từ chính người chọn lựa.
Có thể nói, giai đoạn đầu nhà Mạc đã giành được phần thắng trong cuộc cạnh tranh nhân tài với nhà Lê Trung Hưng, tiếc rằng những người kế vị sau này của vương triều Mạc đã không thể khai thác hết sức mạnh từ phía họ và phải chấp nhận thất bại cay đắng sau 65 năm trị vì. Song một điều không thể phủ nhận ở thế kỷ XVI, nhà Mạc đã tạo một thời kỳ huy hoàng trên lĩnh vực giáo dục khoa cử và văn hóa dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
. Phan Huy Chú, (1961), Lịch triều hiến chương loại chí – Tập III, Nxb Sử học, Hà Nội.
. Lê Quý Đôn, (1978), Đại Việt thông sử – tập III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
. Phạm Đình Hổ, (1972), Vũ trung tùy bút, Nxb Văn học, Hà Nội.
. Ngô Đăng Lợi, Trần Thị Vinh, Nguyễn Quang Ân, (1996), Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội.
. Đinh Khắc Thuân, (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.__________________________________________
TỐNG THANH BÌNH
. Giảng viên khoa Sử & Địa Trường Đại Học Tây Bắc .
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 26.03.2012.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.