- Đang online: 2
- Hôm qua: 656
- Tuần nay: 16046
- Tổng truy cập: 3,369,255
Góp phần bàn về Phục thủy dòng họ Mạc từ các họ gốc Mạc
- 246 lượt xem
Góp phần bàn về “Phục thủy”
dòng họ Mạc từ các họ gốc Mạc
———-&——
Nguyễn Quang Tuyến
Vừa qua GSTSKH Phan Đăng Nhật Chủ tịch HĐMT Việt Nam nêu vấn đề “phục thủy” dòng họ Mạc, từ các họ gốc Mạc để trở lại như ban đầu. Tôi thấy đây là ý tưởng rất hay, rất cần thiết cho họ ta. Vì cây có gốc, nước có nguồn, con người có tổ, có tông. Do hoàn cảnh lịch sử phải thay tên đổi họ, nên bây giờ từ các họ gốc Mạc quay về với tổ tông cội nguồn là điều tất yếu, như chân lý không bao giờ thay đổi :
“ Cây có gốc mới vươn cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Con người nguồn gốc tổ tiên
Có ông bà, cha mẹ rồi sau có mình ”.
Câu ca của ông cha ta để lại luôn luôn đúng với mọi dòng họ, mọi con người trong xã hội, đều có cội nguồn từ tiên tổ mà ra; trong đó có họ Mạc chúng ta.
Nhưng vì sao? họ Mạc ta lại phải đặt ra và nêu ra vấn đề phục thủy … Trong khi đó các dòng họ khác không bị xảy ra các biến cố chính trị do xã hội phong kiến gây nên, thì các họ khác không phải thay tên đổi họ, nên không phải làm như thế… Để hiểu được vấn đề này chúng ta hãy cùng nhau ôn lại cội nguồn qúa khứ hào hùng của dòng họ Mạc. Đồng thời cần hiểu biết về qúa trình phát triển của dòng họ có những bước thăng trầm do lịch sử xã hội phong kiến để lại. Như chúng ta đã biết lời tiên tri của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất linh nghiệm, đã khái quát đánh giá rất cao về nguồn gốc, quá trình phát triển và vinh hiển của dòng họ Mạc chúng ta đó là:
“ Long Động văn chương quang nhật Nguyệt
Cổ Trai Đế nghiệp tráng sơn hà ”.
– Như vậy cội nguồn tổ tiên họ Mạc ta là từ thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Nơi đây họ Mạc đã có từ hàng ngàn năm trước đây trên đất nước Đại Việt, đã được vinh danh trong sử sách nhà nước từ 926 năm nay ( 1086-2012). Khi đó Cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ ( khóa thi năm 1086 – tương đương Trạng nguyên ở các khóa thi sau ) từ thời Vua Lý Nhân Tông. Sau đó cụ được Triều đình Nhà Lý bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại ( tương đương hàm Bộ trưởng ngày nay). Khi Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua Nhà Mạc, đã truy phong cụ Mạc Hiển Tích là: Thủy Tổ Hồng Phúc Đại vương. Sau cụ Mạc Hiển Tích còn có cụ Mạc Kiến Quan là em cùng đỗ đệ nhất giáp Tiến sỹ ( khóa thi năm 1089- tương đương trạng nguyên ở các khóa thi sau), cụ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Công, huynh đệ đồng triều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc và của cả nước. Vì vậy ngay tại gốc tổ thôn Long Động đang thờ 3 vị trạng nguyên Họ Mạc là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi, mà vừa qua ngày 10/2 âm lịch năm Nhâm Thìn ( tức ngày 2/3/2012) chúng ta vừa kỷ niệm 666 năm ngày giỗ của Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi.
– Cụ Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) là cháu đời thứ 7 của cụ Mạc Hiển Tích đã thi đậu trạng nguyên ( năm 1304 ) đời vua Trần Anh Tông. Cụ được vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử. Sau đó đến năm 1308 cụ được vua Trần Minh Tông cử làm chánh sứ sang Tàu, do tài năng xuất chúng, ứng đối kỳ tài của cụ, vua Nguyên đã đặc cách phong cụ là Trạng Nguyên Trung quốc. Như vậy cụ được vinh danh cả 2 nước và vua Nguyên ban cho Cụ lá cờ: “ Lưỡng quốc Trạng nguyên ”. Cụ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua trao, làm rạng danh nước Đại Việt và mang về niềm tự hào vinh quang to lớn cho tổ quốc. Vì vậy đầu năm 2012 Bộ Ngoại giao đã truy phong và tôn vinh cụ Mạc Đĩnh Chi là ông tổ Ngành ngoại giao Việt Nam. Do cụ là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ, lại thẳng thắn, cương trực hết lòng phò 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông giúp nước, cứu dân. Vì có công lao rất to lớn, nên cụ được vua Trần Minh Tông bổ nhiệm làm chức quan cao nhất trong triều là: Đại Liêu Ban Tả Bộc xạ ( tương đương chức Tể tướng ). Khi Vua Mạc Thái Tổ lên ngôi đã truy phong cụ Mạc Đĩnh Chi là: Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
+ Như vậy về đối thứ nhất ( Long động ) về văn chương họ Mạc rất vinh hiển; sáng như mặt trời, mặt trăng ( quang nhật, nguyệt ), không thua kém các dòng họ mạnh khác…
+ Tiếp tục kế thừa truyền thống vinh hiển của tổ tiên là cụ Mạc Đăng Dung (1483-1541) đỗ Trạng nguyên về võ (1506), đời vua Lê Uy Mục, bằng tài năng xuất chúng của mình, đã phục vụ 4 đời vua Lê giúp nước, cứu dân ( Lê Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng) dẹp loạn các phe phái như: đánh được Lê Do, Trần Thăng, Cù Khắc xương, Lê Bá Hiến, Trịnh Tuy, dụ hàng Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, và các phe phái khác chống lại triều đình Nhà Lê trong 1 thời gian ( từ 1507-1526 ). Trong thời gian ngắn 20 năm bằng tài năng thao lược thực sự của mình, Cụ Mạc Đăng Dung lần lượt được thăng tiến rất nhanh như: Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ (1508), Vũ xuyên Bá, rồi thăng Đô đốc; Tiết chế doanh thủy, lục quân 13 đạo, Thái phó Nhân quốc công ( 1526) . Sau đó năm 1527 Cụ được vua Lê ban cho chức quan cao nhất trong triều là Thái sư An Hưng Vương. Trong thời kỳ này Nhà Lê khi ấy đã suy tàn: vua quỷ, vua lợn ăn chơi hoang dâm vô độ.v.v…làm cho dân chúng lầm than khổ cực. Vì vậy sự cần thiết tất yếu khách quan đất nước Đại Việt phải có một “ Minh Quân mới ” để gánh vác non sông xã tắc, lo cho muôn dân bách tính. Trong bối cảnh khủng hoảng cung đình đó (trong hơn 20 năm đầu từ 1506-1527 đã phải thay đến 5 vua) nếu không phải là cụ Mạc Đăng dung lên làm Vua thì tất yếu cũng sẽ có người khác làm Vua để thay thế các Vua quỷ, Vua lợn đó. …Nhưng cụ Mạc Đăng Dung là ngôi sao sáng nhất, hội tụ đầy đủ cả tâm, đức, tài, trí thời bấy giờ . Cụ được đa số quan, quân triều đình ủng hộ và thần dân tin yêu. Đồng thời vua Lê Cung Hoàng khi đó đức mỏng, tài hèn đã tuyên chiếu nhường ngôi vua cho cụ Mạc Đăng Dung ( tháng 6/1527). Việc thay thế một triều đại phong kiến đã suy tàn này, bằng một triều đại mới tích cực hơn, tiến bộ hơn là một tất yếu khách quan như : Nhà tiền Lê thay nhà Đinh; nhà Lý thay nhà tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý, cũng như nhà Hồ thay nhà Trần. Vì lẽ đất nước Đại Việt là của muôn dân, bách tính, chứ không phải là của riêng một dòng họ nào, khi triều đại đó vì dân, lấy dân làm gốc thì “ Quốc Thái, dân an, đất nước cường thịnh ”. Nhưng cuối triều đại Lê sơ, dân chúng lầm than khổ cực, không còn cảnh thái bình thịnh trị vua sáng, tôi hiền như thời Vua Lê Thánh Tông nữa. Vì vậy sự cần thiết phải đánh đổ triều đại cũ, thay thế bằng một triều đại mới tiến bộ hơn, là một tất yếu khách quan của lịch sử. Do đó cụ Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn và giao phó trọng trách nặng nề để gánh vác non sông xã tắc.. .
+ Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lấy niên hiệu là Minh Đức tức là lấy đức sáng để trị vì thiên hạ. Trong đó nhà Mạc đã trị vì 65 năm ( 1527-1592 ), ở kinh thành Thăng long với 6 đời vua: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn và 85 năm ( 1593-1677 ) ở Cao Bằng với 4 đời vua nữa là: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung; Mạc Kính Khoan; Mạc Kính Vũ. Tổng cộng Nhà Mạc có tất cả 10 đời vua là 150 năm ( theo tài liệu mới nghiên cứu của GSTSKH Phan Đăng Nhật là 12 đời vua và 158 năm 1527-1685), thời gian tuy không dài so với lịch sử dân tộc, nhưng cũng không phải quá ngắn như một số triều đại khác là: Nhà Đinh ( 12 năm), Tiền Lê ( 29 năm), nhà Hồ ( 7 năm), nhà Tây Sơn ( 24 Năm ). Trong thời gian Nhà Mạc trị vì tình hình an ninh chính trị được ổn định, đất nước không có giặc ngoại xâm, về trật tự xã hội được bảo đảm, “ra đường không phải đem theo binh khí, nhà đêm không phải đóng cửa, dân không nhặt của rơi, trâu bò chăn thả ngoài đồng không phải lùa về”… Đồng thời nhà Mạc đã tích cực phát triển kinh tế, nhiều năm liền được mùa, chú trọng mở mang công, thương nghiệp và khuyến khích giao thương với các nước, chứ không khép kín ( tự cung tự cấp, trọng nông ức thương) như chế độ phong kiến trước đây. Điển hình là nhà Mạc đã cho xây dựng Dương kinh thành kinh đô thứ 2 vùng ven biển rất phồn thịnh, có nhiều thương cảng lớn như: Minh Thị, Đò Mè ( Đô Mây)…để mở rộng giao thương với các nước, và sản xuất hàng hóa đã phát triển mạnh mẽ ( qua con tàu cổ vật đắm tìm thấy ở Hội an đã tìm được rất nhiều gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng có thương hiệu hàng hóa được sản xuất trong thời Mạc ). Điều đó đã chứng tỏ Nhà Mạc đã chú trọng phát triển kinh tế mở, kinh tế hàng hóa từ rất sớm như cố GS Trần Quốc Vượng ĐHQG Hà Nội đã nhận xét thời kỳ đầu của Nhà Mạc đã có những yếu tố phát triển sản xuất hàng hóa thị trường như thời Minh Trị của nước Nhật.
Mặt khác Nhà Mạc còn chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, đã tổ chức được 22 khoa thi đình, lấy đỗ 485 tiến sỹ. Trong đó Nhà Mạc đã chọn ra được 13 trạng nguyên và có nhiều trạng nguyên rất nổi tiếng, có tài năng xuất chúng ra phò vua Mạc, giúp nước, giúp dân như: Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Thiến…Đặc biệt là Nhà Mạc đã tuyển dụng nữ tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử xã hội phong kiến là bà: Nguyễn Thị Duệ về sau được bổ nhiệm làm Lễ nghi học sỹ, chuyên dạy phi tần, mỹ nữ trong cung. Điều đó thể hiện chính sách khuyến học, khuyến tài rất tiến bộ và tư tưởng cởi mở của nhà Mạc, không trọng nam, khinh nữ, như các triều đại phong kiến trước đây.
Như vậy Cụ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, lấy võ công mà định đoạt thiên hạ, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới để phát triển nông, công, thương, tín, xây dựng một xã hội giàu mạnh ấm no cho muôn dân xã tắc.
Như vậy với thời kỳ trị vì của nhà Mạc:
“ Đất nước thịnh nhờ tâm Minh Đức
Quốc Pháp minh bởi Thiện Chính Thư ”
+Vì vậy về vế đối thứ 2 “ Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà ” đã lý giải rất sâu sắc công lao to lớn của nhà Mạc, một thời dày công với nước, nặng đức với dân… Do đó là hậu duệ của “ Các Cụ Tiên Tổ ” chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về truyền thống vinh hiển anh hùng, đã làm vinh danh dòng họ Mạc cả trong nước và quốc tế như cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khái quát đánh giá rất cao.
+ Nhưng vì sao chúng ta lại phải thay tên, đổi họ?… Sau khi giành được Thăng Long, quân Lê – Trịnh đã thắng tay đàn áp, truy sát con cháu nhà Mạc ở khắp nơi, “chu di hết mầm mống”… Chính vì vậy để bảo toàn dòng giống, từ một họ Mạc ban đầu, đến nay họ ta đã phải đổi sang hơn 50 họ gốc Mạc, trên 500 chi họ, sinh sống ở 28 tỉnh thành trên cả nước. Nhờ có thay tên, đổi họ: Khử túc, bất khử thủ mà giữ lại bộ thảo đầu để có tín hiệu nhận nhau, hay tên đệm chữ Đăng, chữ Phúc, hoặc theo họ mẹ, họ cha nuôi, hoặc cải sang các họ khác tại địa phương, mới bảo toàn được nòi giống và phát triển cho đến ngày nay với số nhân khẩu hàng triệu người (chưa thông kê chính xác được mấy triệu!)
Từ khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đến nay, qua nhiều cuộc hội thảo về nhà Mạc, và Vương triều Mạc từ tháng 7 năm 1994 ở Kiến Thụy, Hải Phòng, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Thăng long Hà Nội ( 2010), ở Cao Bằng ( 6/2011), ở Kinh Môn, Hải Dương ( 10/2011) Vương triều Mạc đã được đánh gía đúng và trả lại sự công minh của lịch sử, sự công bằng xã hội sau bao năm oan trái, đắng cay tủi, hận.
Vì vậy vấn đề phục thủy các dòng họ gốc Mạc trở về họ Mạc như ban đầu là rất cần thiết như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên tri hơn 400 năm trước đây là:
“ Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng ”.
+ Nhưng do những vấn đề lịch sử đã để lại hơn 400 năm không dễ dàng có thể làm một sớm một chiều thay đổi được ngay, mà có thể phải từ 1-2 thế hệ, nếu quyết tâm làm, tạo được sự đồng thuận, có cách làm hay, và có các giải pháp, lộ trình bước đi phù hợp ta sẽ thành công.
Để làm được điều đó tôi mạn phép đề xuất một số ý kiến như sau:
– Trước tiên cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất về mặt chủ trương và nhận thức, tạo được sự đồng thuận từ HĐMT Việt Nam, đến HĐMT các tỉnh và đến HĐGT các chi họ gốc Mạc. Khi đã tạo được sự thống nhất cao về chủ trương và nhận thức, thì xây dựng kế hoạch tiến hành làm từng bước theo lộ trình….
+ Về giải pháp, biện pháp có thể làm như sau:
1/ Với những người đã trưởng thành đang học tập, công tác do các yếu tố pháp lý như: Hồ sơ lý lịch, bằng cấp chứng chỉ, các giấy tờ sở hữu nhà đất, chứng nhận sở hữu phương tiện, các giấy tờ pháp lý về đăng ký sản xuất kinh doanh, các quyết định bổ nhiệm cấp chức, điều động cán bộ mà không thể thay đổi được ( Vì nếu thay đổi phải cải chính tư pháp, sẽ rất rắc rối, gây ra nhiều khó khăn phức tạp khi học tập, công tác..) thì vận dụng “ Phục thủy ” khi sống, đang học tập, công tác giữ nguyên họ gốc Mạc như họ: Phan, Phạm, Hoàng, Nguyễn, Đào, Bùi, Lều.v.v….Còn khi về với tiên tổ thì đổi về họ gốc là họ Mạc trong các bài văn khấn khi thờ cúng, hoặc trong văn bia nhà thờ, họ tên trong các mộ chí khi mất (như chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương của chúng tôi khi sống vẫn mang họ Nguyễn, khi về cõi vĩnh hằng với tiên tổ mang họ Mạc – còn gọi là sinh Nguyễn, tử Mạc). Đồng thời cũng có thể ngay khi còn sống các tên bí danh, bút danh mà không ảnh hưởng đến hồ sơ lý lịch giấy tờ pháp lý thì có thể lấy tên họ Mạc để giao dịch được…
2/ Đối với các cháu đã có giấy khai sinh, nhưng còn nhỏ tuổi chưa đi học có thể đề nghị cải chính tư pháp (nếu có thể làm được, nên tham vấn các chuyên gia pháp Luật trước khi tiến hành ) sửa lại Họ, tên đệm lót trước, Tên trong giấy khai sinh trước khi các cháu đi học, để tránh rắc rối sau nay. Trong đó từ các họ gốc Mạc, đổi về họ Mạc, nhưng vẫn giữ tên đệm là họ gốc Mạc cũ (để tri ân họ mượn đã cưu mang, đùm bọc giúp ta tránh được sự truy sát) để phân biệt các chi, phái họ gốc Mạc khác nhau khi trở về cội nguồn họ Mạc như: Nguyễn Văn An, thành Mạc Nguyễn An; hoặc Hoàng Văn An thành Mạc Hoàng An; Thái Văn An thành Mạc Thái An, Phạm Văn An thành Mạc Phạm An, Thạch Văn An thành Mạc Thạch An..v.v…
3/ Còn đối với các cháu nhỏ vừa mới sinh ra thì có thể ngay từ khi làm khai sinh cho các cháu thành họ Mạc ngay cũng có thể được (tất nhiên vấn đề này HĐMT Việt Nam và HĐMT các địa phương và HĐGT các chi họ cũng phải tham vấn các chuyên gia pháp lý để tránh rắc rối sau này cho các cháu. Ví như bố họ Nguyễn (gốc Mạc), con lại khai sinh là họ Mạc phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cải chính họ mới được).
4/ Về lộ trình thực hiện việc phục thủy dòng họ có thể tiến hành như sau:
– Có thể từ nay đến hết nhiệm kỳ ĐHMT Việt Nam lần thứ nhất ( 2014) làm xong bước tuyên truyền vận động, để tạo sự đồng thuận nhất trí cao về chủ trương và nhận thức từ HĐMT Việt nam, HĐMT ( Ban liên lạc họ Mạc ) các tỉnh, HĐGT các chi họ gốc Mạc ( nhưng hết sức tránh gò ép, gượng ép, chủ quan duy ý chí, đơn giản một chiều). Sang nhiệm kỳ ĐHMT Việt Nam lần thứ 2, ta nên đưa vấn đề phục thủy (trở lại họ Mạc từ các họ gốc Mạc) vào nghị quyết của ĐHMT Việt Nam để tổ chức thực hiện, lấy đó làm kim chỉ nam, làm định hướng phương châm hành động, để thống nhất chỉ đạo chung và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó HĐMT Việt nam và HĐMT các tỉnh thành, HĐGT các chi họ gốc Mạc có thể lấy mục tiêu 500 năm ( 1527-2027) một mốc son lịch sử như lời hùng ca trong “tiếng kèn âm vang ” của nhạc sĩ Thanh Bằng là một lời hiệu triệu, là mục tiêu hoàn thành “ phục thủy ” giai đoạn 1 (vì từ nay đến đó cũng là 15 năm- chia ra làm 3 nhiệm kỳ ĐHMTVN và các địa phương ). Sau đó hết giai đoạn1, tổ chức rút kinh nghiệm những mặt thuận lợi, khó khăn, cả về mặt các yếu tố pháp lý của Nhà nước, lẫn lĩnh vực tình cảm và tâm linh. Đồng thời cần rút ra những mặt đã đạt được, và cả những mặt chưa làm được, nguyên nhân của các mặt được và chưa được, biện pháp khắc phục để tiến hành làm tiếp giai đoạn 2 (có thể từ 2027-2035…).
Trên đây là một số ý kiến tôi tham gia góp ý, đề xuất biện pháp cách làm để HĐMT Việt Nam, HĐMT các tỉnh thành và HĐGT các chi họ gốc Mạc nghiên cứu, có thể vận dụng. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn vấn đề “ Phục thủy ” cần được bàn kỹ và càng nhiều người có tâm huyết trong dòng họ tham gia góp ý hơn nữa, để tạo được sự thống nhất cao trong cộng đồng họ Mạc, gốc Mạc và sớm thành công tốt đẹp.
15/4/2012
Nguyễn Quang Tuyến
(chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương )
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.