- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17285
- Tổng truy cập: 3,369,421
TƯỢNG ĐÁ QUÝ THỜI MẠC TẠI THÁI BÌNH.
- 512 lượt xem
TƯỢNG ĐÁ QUÝ THỜI MẠC TẠI THÁI BÌNH.
Vũ Tiến Thắng, Ban liên lạc họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình.
Cách khu Di tích lịch sử đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gần 3 Km là chùa Hội Linh Tự hay còn gọi là chùa Đào Xá, xã An Đồng. Trước năm 1970, nơi đây có một ngôi chùa lớn trong vùng được xây từ thời Mạc, cách nay khoảng 450 năm. Đây là ngôi chùa chung của 5 xã xưa thuộc tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Đó là: Đào Xá, Đồng Tâm (nay thuộc xã An Đồng), Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý (nay thuộc xã An Khê). Trong cuốn “Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”, giáo sư Trần Quốc Vượng có nói tới chùa Đào Xá và đánh giá 10 pho tượng đá thời Mạc ở đây được xếp vào hàng tuyệt đẹp khi ông về nghiên cứu và đọc được những dòng chữ yểm sau tượng.
Chùa Hội Linh Tự xưa nằm trên một gò đất cao, thế đất rất đẹp, được nhân dân gọi là đầu Rồng với 5 gian đại sảnh và 3 gian hậu cung. Phía sau chùa là dòng sông Hóa, mặt chùa quay về hướng Tây Nam. Bên phải chùa là sông Luộc mà ở bờ Nam con sông ấy có dải đất kéo dài từ thôn Canh Nông xã Điệp Nông, Hưng Hà đến thôn Đông Quynh xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phụ từng là thành luỹ phòng ngự “Nhất dạ thành”của nhà Mạc cùng hào sâu, dấu tích còn lại là con sông nối từ thôn Canh Nông đến thôn Hà Lý (Duyên Hà) vẫn được người đời sau gọi là sông Nhà Mạc. Phía bên trái chùa Hội Linh Tự là đền A Sào: Đệ nhị sinh từ thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vì chùa nằm trên khu đất cao nên mỗi khi trời mưa, nước từ sân chùa chảy mạnh ra hai phía, các cụ gọi đó là râu Rồng. Phía trước chùa là giếng lớn, bên phải và bên trái có hai giếng sâu, tương truyền là miệng và mắt rồng. Phía sau chùa có ba vòng cung đường đắp bao quanh. Phần đất giữa các vòng cung đó là ruộng của chùa. Tại vòng cung sau chùa, trước đây trồng nhiều cây tre dây. Tre dây là một loại cây tre thấp, mềm, nhiều lá, cành nhỏ, không có gai và thường được trồng để trang trí làm cảnh, đồng thời có thể tạo thành những bờ dậu bao. Trước năm 1960 nhiều gia đình khá giả ở Thái Bình thường trồng các dải tre dây kể trên và cắt tỉa chúng tạo thành những bờ dậu vuông vắn bao quanh nhà tuyệt đẹp. Rất tiếc là hiện nay các bờ dậu bằng loại tre dây ấy không còn. Sau năm 2000 các bờ tre dây kiểu như trên chỉ còn là ký ức. Có ý kiến cho rằng, nếu nhìn tổng thể toàn cảnh khu chùa xưa thì ba vòng cung đường đất đắp bao quanh sau chùa có trồng tre dây chính là bờm hay tán đầu Rồng. Ý kiến khác còn bổ sung thêm: Người xưa khi xây chùa đã có ý tứ rất sâu xa: Đó là ba vòng cung bằng đất phía sau chùa còn có thêm một lối đi nhỏ nối ba vòng cung đó tạo thành chữ 王 VƯƠNG. Vương tức là Vua, như vậy các bậc đế vương luôn được Thần Phật, tức chùa ở phía trước bảo vệ. Ngược lại, chùa lại có các bậc đế vương ở bên cạnh chăm lo, vì thế mà âm dương hoà hợp, điều đó đã mang lại cuộc sống bình an cho chúng sinh. Toàn bộ diện tích khu chùa xưa lên tới ba mẫu, tức là trên một vạn m².
Rất tiếc là trong những năm 60 của thế kỷ trước, chính quyền xã An Đồng đã cho đào con mương chạy qua khu gò đất trên, phá hỏng toàn bộ ngôi chùa. Dấu tích nền móng chùa xưa cùng con mương vẫn còn. Hiện nay người dân nơi đây đã lấp đoạn mương đi qua khu đất nền chùa cũ nhưng nơi ấy vẫn chỉ còn là một gò đất cao nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Chúng tôi cũng đã được xem những viên gạch mỏng nung bằng rơm thời Hậu Lê và các viên gạch cổ cỡ lớn có từ thời nhà Mạc kích thước 30 x 15 x 6 cm và một số bệ đá kê cột cái, đáy vuông kích thước 75 x 75 cao 23 cm với đường kính vòng tròn đỡ cột là 48 cm; bệ đá kê cột quân, đáy vuông kích thước 41 x 41 cao 13 cm với đường kính vòng tròn đỡ cột là 37 cm. Phần tròn này của bệ đá đỡ là điểm tỳ của cột gỗ. Tuy nhiên, đường kính cột gỗ của các cột trụ đình, chùa, miếu, đền xưa bao giờ cũng lớn hơn đường vòng tròn của bệ đá. Nét đặc trưng của các cột trụ đình, miếu xưa là to mập, phình ra ở giữa, tức cột được gia công múp lại ở đầu tỳ phía cuối, còn phần trên thì thon nhỏ dần lại. Theo các chuyên gia xây dựng, nếu đường kính cột là D thì phần cuối của cột thường là 8/10D, còn đỉnh đầu thường là 7/10D. Như vậy, nếu đường kính vòng tròn của bệ đá đỡ cột cái 48 cm thì đường kính thực của cột cái là 60 cm và đường kính vòng tròn bệ đá đỡ cột quân 37 cm thì đường kính thực của cột quân là 46 cm. Với những cây cột xưa như thế thì đây quả là một ngôi chùa rất lớn. Các cụ cao niên trong vùng còn cho biết thêm: Chùa xưa được chạm trổ rất đẹp và lộng lẫy.
Hội đồng họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình dâng hương chùa Đào Xá, nơi có những
pho tượng đá thời Mạc cùng ảnh gò đất nơi chùa xưa và những viên gạch cổ thời Mạc.
Tại khu vực nền chùa trước đây có một cây thị rất to nhưng đã bị chặt mất khi chùa bị dỡ. Hiện nay tại đây người dân trồng một cây sanh và cây cũng đã khá lớn, cành lá xum xuê và nơi đó luôn có một cột cờ rất cao. Lá cờ Tổ quốc và cờ Phật như có hồn, dù gió rất nhỏ nhưng lúc nào những lá cờ ấy cũng vẫn phần phật tung bay. Khi chùa bị dỡ, người dân nơi đây đã mượn đất đình của thôn Đào Xá dựng một ngôi chùa nhỏ để đặt tượng thờ. Gần như toàn bộ đồ thờ cúng khác như một số tượng gỗ, tượng đất, hoành phi, câu đối đều bị bỏ hết, chỉ còn 10 pho tượng đá và bộ Tam thế cùng phật Thích Ca. Hiện ở chùa mới, các pho tượng đá được đặt phía sau tượng phật Thích Ca và tượng Tam thế: Ngọc hoàng thượng đế trên ngai cùng tượng thờ Nam Tào, Bắc Đẩu.
Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng như một số sách báo khác đã viết thì 10 pho tượng đá ở chùa Đào Xá là các bức tượng thời Mạc. Tại đây có bức tượng đá người mặc áo long bào, đội vương miện là tượng vua Mạc Đăng Dung và vua Mạc Đăng Doanh, giống như ở một số chùa khác tại Dương Kinh, Hải Phòng. Tại chùa Đào Xá có hai bát hương thờ hoàn toàn giống kiểu bát hương thời Mạc. Điều khá đặc biệt nữa ở chùa Đào Xá là không có Sư mà chỉ có Từ. Rất nhiều cụ Từ họ Nguyễn đã từng trông coi chùa như cụ Miện, cụ Kha, cụ Tạc, cụ Lân, cụ Cư rồi gần đây nhất sau khi cụ từ Nguyễn Phú Cận và cụ từ Nguyễn Phú Luận nghỉ vì tuổi cao thì việc trong coi chùa Đào Xá hiện nay do cụ từ Nguyễn Duy Miệu đảm nhận. Trước đây người dân Đào Xá thấy các bức tượng chỉ với một màu đá xám nên đã cho sơn màu đỏ, vàng lên tượng. Sau này nhờ ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là các nhà sử học nên dân làng đã phục hồi lại vẻ đẹp nguyên thủy của tượng đá. Theo người dân nơi đây cho biết thì họ đã lau chùi, rửa mãi cũng không sạch màu sơn, thậm chí còn dùng lửa khò đốt thử nhưng không được vì đá nứt vỡ ra và phải dùng xi măng gắn lại. Cuối cùng phải dùng máy đánh ráp thì mới thành công. Người dân Đào Xá đang hy vọng và rất mong phục dựng lại được ngôi chùa nổi tiếng như xưa.
Trong chương trình nghị sự của Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam lần thứ nhất tổ chức vào tháng 11 năm 2011 tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh (Quận Ba Đình, Hà Nội) trong Báo cáo về tình hình phương hướng và nhiệm vụ ở mục Kết nối các nhánh họ và phát hiện các di tích lịch sử tâm linh cũng đã nhắc tới Di tích chùa Đào Xá, xã An Đồng của tỉnh Thái Bình. Trong phần phương hướng và nhiệm vụ, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam công bỗ sẽ huy động khả năng tiềm tàng to lớn của dòng họ, thực hiện hỗ trợ các địa phương trong nhiệm vụ trùng tu, tôn tạo, phục dựng các đền đài lăng tẩm, tri ân tưởng niệm những bậc tiền nhân có công vì đất nước. Chắc chắn Khu di tích chùa Đào Xá, nơi có các bức tượng đá cổ thời Mạc, trong đó có tượng đá vua Mạc Đăng Dung, vua Mạc Đăng Doanh sẽ là một trong số các công trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, nhân dân Thái Bình, các đơn vị thuộc ngành văn hoá truyền thông và bảo tàng Thái Bình cũng như Ban liên lạc, Hội đồng họ Mạc và gốc Mạc Thái Bình đã có những buổi thăm, khảo sát và làm việc cùng chính quyền địa phương thôn Đào Xá, xã An Đồng. Hội đồng họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình đã và đang tìm mối gắn kết, mối quan hệ dòng tộc tại địa phương nơi có các Di tích, tìm hiểu thêm ở những vị cao niên tại địa phương, tìm hiểu qua sách báo, qua thư tịch và nhiều luồng tư liệu khác nhằm sớm đưa khu Di tích chùa Đào Xá, nơi có các bức tượng đá thời Mạc tại xã An Đồng được phục dựng lại nổi tiếng như xưa.
Ban liên lạc Hội đồng họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình rất mong muốn Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, cộng đồng ruột thịt anh em các dân tộc Việt Nam trong cả nước, những người quan tâm khắp bốn phương nói chung cùng cộng tác, góp phần tôn vinh chia sẻ những giá trị Chân, thiện, Mỹ trong bản sắc văn hoá Việt để chúng ta có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp tôn vinh công lao to lớn các vị vua triều Mạc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Vũ Tiến Thắng.
426 Trần Thánh tông, Phường Quang Trung
Thành phố Thái Bình.
Tel: 01.686.324.703.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.