- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17299
- Tổng truy cập: 3,369,429
LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ VÀ “KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC”
- 189 lượt xem
LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ
VÀ “KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC”
LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ
Lễ hội “Hoa Phượng Đỏ lần thứ nhất” vừa khai mạc ngày 9-6-2012 tại Hải Phòng – thành phố nằm trong Tam giác du lịch Hà Nội – Hạ Long – Hải Phòng cùa miền Bắc, nhằm để chuẩn bị cho Năm Du lịch Đồng bằng Sông Hồng năm 2013. Lễ hội giới thiệu cho du khách các tiềm năng du lịch của Hải Phòng, với hai màn hoạt cảnh diễn lại “Người mở cõi: Nữ tướng Lê Chân sáng lập vùng đất An Biên” tức là Hải Phòng ngày nay.
Năm 2010, Hà Nội đã tổ chức Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vang dội cả nước, (nhưng tiếc là không lưu lại hậu thế một công trình thế kỷ nào cả). Sau đó, với việc Vịnh Hạ Long được bình bầu là một trong 7 Tân kỳ quan Thiên nhiên cùng với hai sư kiện rầm rộ: – ngày 27-4-2012 Lễ đón nhận danh hiệu và công bố “Tân Kỳ quan thế giới” ở Hà Nội và – ngày 1-5-2012 Lễ hội Carnaval ờ Hạ Long chào mừng Vịnh Hạ Long – rạng danh dòng giống Tiên Rồng. Và bây giờ là góc thứ ba của Tam giác du lịch là Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ này.
Khắp mọi nơi, khi nghe bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” thơ của Hải Như, nhạc của Lương Vĩnh, thì ai cũng nhớ tới một thành phố biển, lớn thứ hai ngoài Bắc:
– Tháng Năm rợp trời hoa Phượng Đỏ
– Ôi! Hải Phòng thành phố quê hương…
Quả thật, khi người viết ghé thăm Hải Phòng, thì thấy khắp các con đường phố, trong nội thành cũng như ngoại thành, đều rực màu hoa phượng đỏ, du khách nín thở để càm thấy không gian đầy cây phượng với hoa phượng đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho màu quốc kỳ . Màu đỏ là màu môi cùa cô thiếu nữ trong tà áo dài cổ truyền dân tộc. Màu đỏ còn là màu nối tiếp một thời trai trẻ, một thời yêu đương.. Phượng có lá nhỏ, chỉ lớn hơn lá me, lá phượng chằng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng Phượng có hoa màu đỏ (người ta còn thấy hoa phượng màu hồng , tím, trắng, có lẽ do chiết cành), một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, “tuồi ô mai”. Khi phượng “già” đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở thành mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả. Phượng lại còn có trái, trái phượng có cánh hình cung, dài chừng 2,3 tấc, khi trái già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt. Phượng cũng còn có một nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, đó là báo hiệu mùa Hè đã về. Ai từng đi học mà chẳng mong…Hè về! Vì thế hoa phượng còn được gời thân thương là “Hoa Học trò”. Cây phượng vĩ có gốc từ đảo Madagascar, thuộc địa cũ của Pháp, nên dân Hải Phòng phải nhớ ơn đảo quốc này.
– Ta yêu Thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất
– Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
– Những con đường tấp nập áo Thợ ngày đêm
– Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…
Hải Phòng có tiềm năng về du lịch rất lớn, dù hơi kém hơn hai góc kia của Tam giác du lich, là Hà Nội và Hạ Long một chút ít, Hải Phòng có:
Khu du lịch Đồ Sơn
Đây là một trung tâm du lịch lớn, có khu nghỉ mát với những bãi biển lượn quanh bán đảo Đồ Sơn, vươn ra biển đông tới 5km. Từ nhiều năm nay, Đồ Sơn, Cát Bà đã trở thành những khu nghỉ mát và giải trí nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Tại quận Đồ Sơn, cách nội thành Hải Phòng trên 20km người viết được tham dự Lễ Khai trương Tuyến xe Điện chạy trong Khu du lịch vào chiều ngày 24-5-2012 để mở màn cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ vào ngày 9-6-2012. Đồ Sơn là nơi có Casino đầu tiên của Việt Nam, có Biệt thự Bảo Đại nằm trên một ngọn đồi nhỏ.
Đồ Sơn còn nổi tiếng với lễ hội Chọi Trâu, diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch, phần nghi lễ rất trang trọng với lễ thần trên kiệu rồng, có tán và lọng che, phường bát âm.
Đền Nghè
Đền nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, cách Nhà Hát thành phố chừng 600m về phía tây nam. Đền thờ bà Lê Chân, một nữ tướng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-43. chính bà Lê Chân là người lập ra làng An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng sau này. Lúc đầu, đền là một miếu nhỏ, năm 1919 tòa hậu cung của đền được xây dựng, năm 1926 tòa nhà tiền bái được xây dựng, đây là một kiến trúc văn hóa quý với voi đá, ngựa đá, sập đá, bia đá. Nồi tiếng nhất là với bức tượng nữ tướng Lê Chân oai phong trong bộ áo giáp đứng cao ngất ngưởng trên tượng đài, nhìn ngắm Hải Phòng, đây là bức tượng to lớn nhất tại thành phố này.
Lễ hội Đền Trạng
Lễ hội tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức nhân ngày mất (28-11 AL), đây là sự kiện văn hóa lớn, cư dân nhiều địa phương trong vùng thôn Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo, rất nhiều du khách cũng đến dâng hương tưởng niệm cụ Trạng Trình dịp này và thăm khu du tích Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt
– Ôi thân thiết tự hào quê hương
– Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt
– Chưa trọn nghĩa Sài Gòn – Đà Nẵng
– Ta tạm biệt xa nhau chào Phố biển thân yêu…
Hải Phòng với hải cảng sầm uất, nhộn nhịp ngày đêm, luôn nhớ tới các hải cảng anh em: Sài Gòn và Đà Nẵng thân thương…
Cát Bà – Khu dự trữ sinh quyển Thế giới
Cát Bà là một quần đảo có 366 đảo lớn nhỏ. Đảo chính là Cát Bà, có nhiều cảnh quan đẹp, tài nguyên rừng và biển phong phú, hang động trên biển làm mê hồn du khách. Năm 2004, Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.
Bằng tàu thường hay cao tốc, du khách có thể tới thăm đảo và vườn quốc gia Cát Bà, vịnh Hạ Long hay Bái Tử Long. Nằm kề bên vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà – đúng ra là Các Bà, nữ sĩ Vân Đài với bài “Bốn năm trên đảo Các Bà” tháng 7-1944 viết:”Các Bà xưa kia vẫn có một tên mà người Khách gọi là Appovan và người Nam gọi là Các Bà, do lấy tên một ngôi mộ của hai nữ thần không tên, chết ở đâu, trôi về và hiển linh tại đấy. Ngôi mộ ấy gọi là ngôi mộ của Các Bà, người ta lập miếu thờ và người ta muốn biểu dương cái uy linh của các bà, nên lấy tên Các Bà đặt cho hòn đảo”…Trước đây, quần đảo này thuộc tỉnh Quảng Ninh, đến năm 1956 mới tách về Hải Phòng và gọi là Cát Bà , có lẽ vì nằm trong huyện đảo Cát Hải ? (Vì vịnh Hạ Long có vô số đảo nên nhường bớt lại cho thành phố này).
Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, có diện tích 15.200ha, trong đó có 9.800ha rừng và 5.400ha biển. Địa hình rất đa dạng, chủ yếu là núi đá vôi, nhiều hang động kỳ thú và xen kẽ là những bãi cát trắng phau, với hệ động vật có 32 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư. Đặc biệt là loài Voọc đầu trắng trên vách núi đá cheo leo ven biển Cát Bà, đây là loài thú quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt và trở thành biểu tượng của Vườn quốc gia Cát Bà. Tại đây còn có khỉ vàng, sơn dương và nhiều loài chim đẹp như: cao cát, bói cá, hút mật, đầu rìu…những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới lớn với 620 loài thực vật bậc cao gồm có 438 chi và 123 họ, trong đó có 350 cây thuốc.
– Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu
– Trăm trận đánh quê ta kiên cường
– Hải Phòng ơi, năm xưa bé nhỏ
– Nay ta đã thấy rộng dài rực sáng
– Sánh vai cùng Sài Gòn – Đà Nẵng quê hương
– Ta mang người trong giữa trái tim ta.
Sông Bạch Đằng
Con sông lịch sử ở phía đông bắc Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 20km. Bạch Đằng là con sông nổi tiếng với những chiến công vang dội trong l;ịch sử chốn ngoại xâm của dân tộc Việt Nam:
– Năm 938, Ngô Quyền đã đánh tan các đạo thủy binh lớn của quân Nam Hán.
– Năm 981, tướng Lê Hoàn cũng đã tiêu diệt các đạo thủy binh của quân Tống trên sông Bạch Đằng (sau là vua Lê Đại Hành).
– Năm 1288, quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trần Hưng Đạo đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền của quân Mông Nguyên (nhà Nguyên của Mông Cổ chiếm đóng Trung Hoa), bắt sống tướng Ô Mã Nhi, chấm dứt âm mưu thôn tính nước ta – như chúng đã xâm chiếm gần hết Châu Âu.
Hàng năm trên dòng sông lịch sử này thường tổ chức Hội thi bơi thuyền Vượt sông Bạch Đằng.
Hội đền An Lư
Đền An Lư thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và An Sinh vương Trần Liễu (thân phụ Trần Hưng Đạo). Hàng năm vào ngày 10 – 11/11 ÂL, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Trần Hưng Đạo đã có công đánh tan giặc Nguyên cứu nước và tôn vinh Trần Liễu. Lễ dâng hương được tổ chức rất trang nghiêm, sau phần nghi lễ là phần hội với những trò vui như: chơi đu, đánh đúm nam nữ, chọi gà, cờ tướng…
Từ Đồ Sơn về trung tâm thành phố Hải Phòng, ngay đoạn giữa lộ trình, chúng ta bắt gặp khu đền đài uy nghi, rạng rỡ, đó là:
KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC
Tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với Di sản Thế giới “Thành nhà Hồ” – là bức tường thành duy nhất trên đất Việt xây bằng đá – được UNESCO công nhận ngày 27-6-2011 và vừa mới tổ chức Lễ Đón nhận Bằng công nhận vào ngày 16-6-2012. Lễ Đón nhận này được tổ chức ngay tại khu vực Thành nhà Hồ với nhiều hoạt cảnh ngay trên bức tường thành cao ngất ngưởng, diễn lại cảnh dân phu cả nước vất vả mang tường tảng đá to lớn, về ráp lại, dù không có xi măng mà bức tường thành vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trên 3 thế kỷ nay, làm quan khách bàng hoàng, xúc động – vì các kỳ quan thế giới như Kim tự tháp Ai Cập, Đền Taj Mahal Ấn Độ, Vạn lý Trường thành Trung Hoa… cũng đều trộn lẫn mồ hôi lẫn xương máu của biết bao dân phu mới tạo dưng nên.
Chúng ta nhớ lại Lịch sử với 15 Vương triều đất Việt:
Hùng Vương – Thục – Trưng – Tiền (Hậu) Lý – Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – HỒ – Lê Sơ – MẠC – Lê (Trung hưng) – Tây Sơn – Nguyễn.
Lịch sử Tiên Rồng!
(Lời mới bài “London Bridge”)
Chính Thành nhà HỒ ờ Tây Đô này – về sau đã là nhân chứng lịch sử cho cuộc khởi nghĩa kháng Minh của Lê Lợi, thiết lập triều Lê Sơ, và rồi đến triều MẠC với thời Nam – Bắc Triều: nhà Mạc định đô ở Đông Kinh (Thăng Long) và nhà Lê Trung hưng đóng đô ở Tây Kinh (Tây Đô cũ ở Thanh Hóa). Và sau khi nhà Mạc thất thủ phải di dời lên đất Cao Bằng thì nhà Lê trờ về lại Thăng Long, nhưng Khủng hoảng Cung đình vẫn tiếp diễn với việc tướng nhà Lê là Nguyễn Kim đã bị một hàng tướng nhà Mạc giết chết, rồi Trịnh Kiểm lên thay chủ tướng và có thái độ lộng hành, nên vua Lê chỉ còn hư danh dẫn đến thời kỳ “Vua Lê – chúa Trinh”, rồi “Trịnh – Nguyễn phân tranh” kéo dài cho đến cuộc khởi nghĩa của Tam kiệt Tây Sơn, chính Nguyễn Huệ tài ba đã dẹp tan vua Lê, chúa Trịnh – Nguyễn, thống nhất sơn hà.
Triều nhà Hồ của Hồ Quý Ly (dù chỉ tồn tại 7 năm) cũng bị ngộ nhận và tai tiếng như triều nhà Mạc của Mạc Đăng Dung, ngày nay cả hai vương triều đó được Lịch sử nhìn nhận lại những công lao đã đóng góp cho đất nước, hy vọng theo thời gian, hai từ “ngụy triều” sẽ thay đổi, từ từ mọi người sẽ hiểu rõ hơn, thông cảm hơn…
Chính vì lý do đó, thành phố Hải Phòng đã đặc biệt xin Nhà Nước cho xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại đất Dương Kinh xưa, quê hương của Thái tổ Mạc Đăng Dung – do ông Hoàng Văn Kế, Phó chủ tịch UBND thành phố và nay là Chủ tịch Hội đồng Mạc Tộc Hải Phòng (ông Kế thuộc họ Hoàng gốc Mạc) phụ trách và kêu gọi các con cháu họ Mạc và gốc Mạc (họ Phạm, Phan, Vũ, Hoàng, họ Nguyễn, họ Thái, họ Bùi, họ Trần … ) cùng nhân dân đóng góp thêm để xây dựng.
Trong cộng đồng trăm họ ở Việt Nam, họ Mạc là một trong số ít dòng họ phát tích, có nhiều đóng góp trong lịch sử phát triển của dân tộc. Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, họ Mạc đã sản sinh ra nhiều danh thần trí dũng song toàn, có nhiều công lao với dân với nước, như: – Mạc Hiển Tích năm 1086 đỗ Trạng nguyên triều Lý, thời vua Lý Nhân Tông (1066-1127) – Mạc Đĩnh Chi sáng danh “Lưỡng quốc Trạng nguyên” thời vua Trần Anh Tông (1272-1346).
Gần 200 năm sau, vào năm 1527, đất Dương Kinh phát tích, Mạc Đăng Dung đăng quang ngôi Hoàng đế, mở đầu một Triều đại tồn tại 150 năm trong lịch sử hào hùng của nước Đại Việt, có nhiều cải cách tiến bộ…
Để ghi nhớ công đức các vị Vua triều Mạc, năm 2009, Nhà Nước đã cho xây dựng “Khu tưởng niệm Vương triều Mạc” trên đất Dương Kinh xưa ( thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) thành phố Hải Phòng nay. Công trình được gắn biển chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vào dịp khánh thành giai đoạn 1, ngày 25-12-2010.
Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra Khủng hoảng Cung đình như khủng hoảng cuối triều Tiền Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay như “Loạn ba vương thời Lý”, việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần…nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này. Lịch sử đang cần có một nhân vật đứng ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử chọn Mạc Đăng Dung. Ông là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi. Ngày trước vốn ở Hải Dương sau dời sang thôn Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng). Mạc đăng Dung thuở trẻ nhà nghèo làm nghề đánh cá nhưng có sức khỏe phi thường, thi đỗ Đô Lực sĩ, làm Đô Chỉ huy sứ triều Lê Uy Mục, đến triều Tương Dực được phong Vũ Xuyên Bá, sau vua Chiêu Tông lại phong Vũ Xuyên Hầu.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông làm vua được 3 năm rồi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lui về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng. Nhà Mạc truyền ngôi được 5 đời (65 năm) ở Thăng Long:
– Thái tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529)
– Thái tông Mạc Đăng Doanh (1530-1540)
– Hiển tông Mạc Phúc Hải (1541-1546)
– Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)
– Mục tông Mạc Mậu Hợp (1562-1592)
Ngoại giao:
Nhà Mạc đã thi hành chính sách mềm dèo, khôn khéo, linh hoạt. Riêng việc “Cắt đất dâng cho nhà Minh” thì lịch sử vẫn còn để lại rất nhiều nghi vấn. Việc “Xin hàng” này, Minh sử có chép, nhưng không hề chép việc cắt đất mà chỉ chép “Mạc ĐăngDung đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội vụ xưng thần.” Như vậy, nhà Mạc trả lại cho nhà Minh là trả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót. Thần Siêu trong “Phương Đình dư địa chí” đã soi tỏ vấn đề lịch sử để soi tỏ sự vô tội của nhà Mạc. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng sử nhà Minh chép hệt như Thần Siêu: Đấy chẳng qua là đường lối “thần phục giả vờ” của triều Mạc.
Sau khi thất thế, nhà Mạc tiếp tục dựa vào ảnh hưởng của nhà Minh để tồn tại ở Cao Bằng, nhưng tuyệt nhiên không mượn quân nhà Minh. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đại thần Mạc Ngọc Liễn trước khi mất, đã dặn lại vua tôi họ Mạc rằng: “Nay khi vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng…Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế!…Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than, đau khổ, đó cũng là Tội lớn không gì nặng bằng…” Các đời sau họ Mạc đã làm đúng như vậy. Thua trận phải dời khỏi ngôi cai trị nhưng không cố giành giật lại bằng mọi giá.
Kinh tế:
Mạc Đăng Dung đưa ra một số quy chế về ruộng đất gồm: binh điền, lộc điền, quân điền và cho đúc tiền Thông Bảo.
Nội trị:
Thời thịnh trị của triều Mạc đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định. Theo sách Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn phải thừa nhận Mạc Đăng Dung “được lòng người hướng về”. Sau đó, thua chúa Trịnh Tùng, nhà Mạc lên cát cứ tại Cao Bằng, nếu không được lòng người thì không thể tồn tại tới 85 năm.
Thi cử:
Nhà Mạc rất chú trọng tới nhân tài, tuy chinh chiến triền miên nhưng nhà Mạc vẫn tổ chức các khoa thi Hội, lấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên…Trong 65 năm định đô ở Thăng Long, nhà Mạc mở 22 kỳ thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ, trong đó có 13/49 Trạng nguyên trong suốt 800 năm thi cử Nho học thời phong kiến Việt Nam. Khi rút lên Cao Bằng, họ Mạc vẫn tổ chức thi cử để lấy người hiền tài. Có một kỳ thi người đỗ đầu là một phụ nữ giả trai đi thi tên là Nguyễn Thị Duệ.
Di tích Mạc Triều
- Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn: hiện nằm trong khu vực phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, đã dược xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan.
- Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang: được xây vào năm 1592, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.
- Thành nhà Mạc ở Cao Bằng: là thành Trà Lữ, khi nhà Mạc rút lên Cao Bằng (1592 – 1677), trong 85 năm, bốn đời Thân vương triều Mạc đóng đô ở Cao Bằng đã cho tu sửa, xây thành cao lên để phòng thủ.
- Thành nhà Mạc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng: thành ở bờ tây sông Bạch Đằng, trong thung lũng núi Dền, địa thế hiểm trở, thành xây dựng dựa vào thế núi, tạo lợi thế cho phòng thủ.
- Khu tưởng niệm Vương triều Mạc: ở đất Dương Kinh xưa, Hải Phòng nay, mới khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 25-12-2010, còn được gọi là Thế Miếu:
Người viết có dịp thăm viếng Thế Miếu này với với khuôn viên to lớn, gần bằng khu Văn miếu – Quốc Tử giám Hà Nội. Khu này thờ tượng 5 vị Hoàng đế triều Mạc định đô tại Thăng Long. Du khách chú ý đến một “Thanh đại long đao của Thái tổ Mạc Đăng Dung” – đã được bảo quản và lưu thờ nhiều thế kỷ tại Từ đường chi họ Phạm gốc Mạc, thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, Nam Định. Thanh đại long đao này được Mạc Đăng Dung , thời làm võ tướng, sử dụng để xông pha trận mạc với nhiều trận bách chiến bách thắng – Từ đất Dương Kinh 418 năm về trước, Thanh đại long đao đã ra đi lánh nạn sau ngày Thăng Long thất thủ. Trải qua hành trình lịch sử đằng đẵng, 418 năm sau từ đất Thiên Trường ( Từ đường họ Phạm gốc Mạc), Báu vật của Tiên đế được long trọng rước về Dương Kinh, trưng bày tại Thế Miếu, trước linh vị thần tượng vị “Hoàng đế Anh linh hộ quốc an dân, Sáng nghiệp Mạc triều thiêng liêng” trong ngày Lễ chính kỵ lần thứ 469 Đức Mạc Thái tổ (1541 – 2010), trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hiện nay, Châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo:
– Thứ nhất là Thanh đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống (Trung Hoa)
– Thứ hai là Thanh đại long đao của Mạc Thái Tổ đang được lưu thờ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, thành phố Hải Phòng.
TÓM LẠI
Với tiềm năng du lịch của một Thành phố biển, Hải Phòng với biết bao thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử, khu du lịch Cát Bà – Đồ Sơn, bức tượng Bà Lê Chân uy nghi, vĩ đại, nhưng nay, đặc biệt với việc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc xuất hiện tại đất Dương Kinh xưa – với Thanh đại long đao quý giá của Mạc Đăng Dung – thì tiềm năm du lịch của Thành phố Hoa Phượng Đỏ này chắc chắn sẽ được nâng lên một tầm cao mới!
(Tham khảo: Các tài liệu do Khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp và trên Internet).
PHẠM VŨ
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.