- Đang online: 3
- Hôm qua: 809
- Tuần nay: 17256
- Tổng truy cập: 3,369,408
MỘT SỐ DI TÍCH THỜI MẠC TRÊN ĐẤT HẢI PHÒNG.
- 629 lượt xem
MỘT SỐ DI TÍCH THỜI MẠC TRÊN ĐẤT HẢI PHÒNG.
Mạc Thị Thu Hà – Đoan Nhân
I. Năm Đinh Hợi(1527), Mạc Đăng Dung phế truất vua. Lê Cung Hoàng lên làm vua, ngoài kinh đô Thăng Long, Mạc Thái Tổ Đăng Dung còn dựng kinh đô thứ hai gồm toàn bộ xứ Hải Dương, 4 phủ, 18 huyện, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Thái Bình xứ Sơn Nam mà trung tâm là huyện Nghi Dương (địa bàn quận Dương Kinh, quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thuỵ và 2 phường Đồng Hoà, Quán Trữ của quận Kiến An ngày nay). Kinh đô thứ 2 mang tên Dương Kinh vì ấp thang mộc ở làng Cổ Trai huyện Nghi Dương, một trong bảy huyện của phủ Kinh Môn xứ Đông nổi tiếng dũng hãn, chuộng nghĩa. Như vậy, địa bàn Dương Kinh Triều Mạc gồm toàn bộ châu thổ sông Hồng đông dân, giàu có, nhân vật phồn thịnh, nổi tiếng nhất trong “Tứ Tuyên” thời Lê (Năm1469), Lê Thánh Tông chia nước thánh 12 thừa tuyên, bốn thừa tuyên Đông,Nam, Bắc là phụ quách của kinh đô (Thăng Long). Địa bàn Dương Kinh vừa là quê hương nhà Mạc gồm Lũng Động huyện Chí Linh và Cổ Trai huyện Nghi Dương. Hai xứ Đông và Nam lại là nơi Mạc Đăng Dung từng giữ chức trấn thủ dưới triều Lê Uy Mục, Lê Chiêu Tông được sĩ thứ vùng mến mộ.
Như vậy, Dương Kinh triều Mạc khác với Kinh Đô thứ 2 Cổ Pháp Đình Bảng triều Hậu Lý, Long Hưng tức Mặc triều Trần, Lam Sơn triều Hầu lê. Triều Mạc coi Dương Kinh là nơi căn bản là chỗ dựa những việc quân quốc trọng sự bàn ở đây, để tránh tai mắt của quan lại, sĩ phu nhà cố Lê còn lưu luyến triều đại cũ. Do đó, nhà Mạc dựa vào thế sông núi hiểm trở tự nhiên và lòng dân để bảo vệ Dương Kinh. Dấu vết thành trì chỉ thấy khu hang núi Tượng Sơn, Đẩu Sơn (An Lão), Thiểm Khê ( Thuỷ Nguyên), còn chỗ ở của Hoàng đế Mạc Đăng Dung, theo Trịnh Nhược Tăng, tác giả sách An Nam đồ thuyết “Không có thành quách mà chỉ dựng các cột gỗ làm thành ba lớp bảo vệ”. Chỗ ở của Mạc hoàng đế mà Trịnh Nhược Tăng mô tả chắc là điện Trường Quang do Mạc Đăng Doanh dựng để Thái Thượng Hoàng ở.
Ở ấp thang mộc Cổ Trai những cung điện, phủ đệ trường học như sử chép cũng như dấu vết hiện còn không nhiều, quy mô không lớn, qua các cuộc khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Hải Phòng, Viện Khảo cổ, Khoa sử Trường Đại học Tổng hợp thấy móng điện Trường Quang, Phủ Từ(Phủ đề của Từ Vương Mạc Đốc) phủ Tín (phủ đệ của Tín Vương Mạc Quyết) là hai anh em trai Mạc Thái Tổ cũng không to lớn lắm. Còn ở làng Nhân Trai bên cạnh có phủ đệ của Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng cũng như thế. Theo ký ức hồi cố của già làng ở Nhân Trai còn có phủ của các chúa Tấn, chúa Tần, chúa Thao nữa, nhưng qua thám sát, qua san lấp ruộng, làm kênh mương thuỷ lợi đều không phát hiện nền móng, di vật của các phủ đệ này. Đặc biệt, phủ đệ của phụ chính đại thần Khiêm Thái Vương Kính Điển qua các văn bia thấy mô tả khá lớn có chỗ ở, chỗ làm việc, chỗ quan lại giúp việc dưới quyền, thư phòng, trường học chỗ ở của thê thiếp khá đông nhưng đến nay cũng chưa thấy dấu tích. PGS.TS Đinh Khắc Thuân trong sách Văn bia thời Mạc nhận xét trung tâm Dương Kinh “là đất căn bản, thực sự là trung tâm các hoạt động kinh tế, tín ngưỡng của cả vùng châu thổ sông Hồng mà ngày nay còn để lại dấu tích đậm đặc khá đặc trưng của nhà Mạc đồng thời là một hậu cứ hết sức lợi hại với nhà Mạc…”
II. Một số di tích thời Mạc ở trung tâm Dương Kinh.
Tất cả các bộ chính sử nước ta cũng như kết quả nghiên cứu thực địa đều khẳng định, năm 1592 sau khi đánh bại nhà Mạc, nhà Lê Trịnh đã triệt hạ ấp thang mộc Cổ Trai cùng những vùng phụ cận thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng ngày nay, kể cả khu trại lăng nơi chôn cất của hoàng tộc triều Mạc; cây cối bị chặt phá, bia mộ bị đạp đổ?
Mặc dù bị tàn phá khốc liệt nhưng không thể nào xoá bỏ hết dấu tích một Vương triều tồn tại 65 năm đã có một thời thịnh đạt, nhất là dưới thời trị vì của hai vị anh quân Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông.
1. Những di tích về nông nghiệp.
Cánh đồng ở Trà Phương còn hình Gương – lược
từ thời Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ?
– Đê cổ Chân Kim. Sử chép “tháng 8 năm Bính Tuất(1526) truyền lệnh cho các phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn, Nam Sách, Thái Bình đắp đê Chân Kim ở Hải Dương”. Đê này bắt nguồn từ chùa Đại Minh thôn Phú Xá xã Đoàn Xá huyện Kiến Thuỵ qua các xã Tân Phong, Minh Tân, Tú Sơn đến chợ Quý Kim,phường Hợp Đức, quận Dương Kinh ngày nay. Địa danh Chân Kim đến đời Thành Thái nhà Nguyễn kiêng tên huý vua Dụ Đức là Ứng Chân mới đổi là Quý Kim. Đê cổ này vừa dài, lớn, mặt đê khá rộng, có chỗ bộ đội được đặt tên lửa pháo và trạm ra đa. Năm 2010, ở đoạn đê cổ thuộc thôn Nãi Sơn xã Tú Sơn đã phát hiện một cột mốc đá cổ. Đê cổ Chân Kim được sách Đại Nam Nhất thống chí triều Tự Đức xếp vào danh mục cổ tích tỉnh Hải Dương. Dân trong vùng này gọi là đê nhà Mạc vì nó án ngữ, che chắn cho ấp thang mộc Cổ Trai.
– Đường Thiên Lôi: Tương truyền do Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi tổ chức đắp dọc sông Lạch Tray từ lòng An Dương đến làng Vĩnh Niệm nay thuộc quận Lê Chân, rồi tiếp từ làng Rào (An Khê) làng Hầu (Hào Khê) nay thuộc quận Ngô Quyền đến Phương Lưu, Lương Xâm, Xâm Bồ, Đồng Xá… nay thuộc quận Hải An có những khúc đê ngăn mặn dân đều gọi là đê nhà Mạc.
– Dải yếm bà chúa: Tên thường gọi dải ruộng từ làng Tiên Cầm xã An Thái huyện An Lão đến tận làng Kỳ Sơn xã Tân Trào huyện Kiến Thuỵ (thượng Tự Tiên Cầm hạ chí Ký Sơn). Đây là ruộng bà Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn khai khẩn bãi bồi sông Mai Giang cấp cho dân sở tại cày cấy. Khi đắp đê ngăn mặn đã tạo nên hai đầm nước ngọt lớn; đầm cửa Phủ và đầm lá tạo cho mấy xã này có nước cấy vụ chiêm. Phương dao huyện Nghi Dương có câu:
“Chiêm Nại Sơn, Đoạn Xá, mùa Đầm Lá Kỳ Sơn”.
Làng Nại (Nãi Sơn) nay thuộc xã Tú Sơn, Đoan Xá nay thuộc xã Đoàn Xá có diện tích vụ lúa mùa rất rộng, rất tốt.
– Kinh nhà Mạc: Từ sông Văn Úc qua khu căn cứ núi Voi huyện an Lão thông với sông Đa Độ đổ ra cửa sông Cổ Trai – Đa Ngư vừa lấy nước tưới vừa làm đường giao thông thuỷ,đến chỗ đập Tắc Giang, thị trấn Đối, nhà Mạc lại đào thẳng bãi bồi làng Thù Du xã Minh Tân, để thông dòng nước, thành ra làng Thù Du hiện có khu ruộng lớn sát làng Cẩm La, làng Cổ Trai. Đập Tắc Giang mới đắp đầu thế kỷ XX. Thơ ca địa phương có câu”…gập ghình đỉnh thấp đỉnh cao, bàn cờ hang đá, Kênh triều Mạc xưa…”
– Bát Trang : Gồm 8 trang trại do nhà Mạc khai khẩn ở bãi bồi sông Lạch Tray thuộc địa phận An Lão. “Trang” cũng giống như “sở đồn điền” đời Lê, nhà Mạc giao cho binh lính bảo vệ căn cứ núi Voi trồng lúa, rau mầu cung cấp cho quan quân đóng vùng phụ cận. Bát Trang nay hợp thành một xã lớn, giàu có của huyện An Lão.
– Kênh Cái Giếc: Ở vùng thượng huyện Vĩnh Bảo đào từ thời Mạc để tưới tiêu và vận tải. Nay vẫn còn.
– Bãi nhà Mạc: Ở chỗ giáp ranh huyện Thuỷ Nguyên Hải Phòng và huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh do Ninh Vương Mạc Phúc Tư khoanh vùng trồng cây ngập mặn, vừa bảo vệ đất đai, vừa làm nơi dấu quân. Vương còn dựng vườn Thiên Long Uyển ở làng Yên Khánh tả ngạn sông Giá thuộc huyện Đông Triều, đối ngạn làng Quỳ Khê huyện Thuỷ Nguyên. Vườn hoa Thiên Long nay vẫn còn.
Qua một số di tích trên giúp ta hình dung phần nào chủ trương, chính sách nông nghiệp để ổn định đời sống nhân dân.
2. Những di tích về nghề thủ công.
Địa bàn Hải Phòng thời Mạc vố là vùng có ngành nghề thủ công nổi tiếng như dệt vải lụa, đóng tàu thuyền, đan lưới đánh bắt cá sông biển, làm đồ gốm, khắc đá, tạc tượng, làm nhà cửa, đình chùa… nhưng qua thời gian chiến tranh, biến đổi xã hội những di tích nghề thủ công thời Mạc hiện không còn lại bao nhiêu hay chỉ có thể tìm thấy trong văn bia, thư tịch cổ.
– Nghề gốm: Nghề nổi tiếng thời Mạc với các làng nghề Chu Đậu, Cậy Hải Dương, Bát Tràng huyện Gia Lâm Hà Nội được bảo tàng cổ vật trong nước, ngoài nước sưu tầm bảo quản giới thiệu. Ở huyện Vĩnh Bảo thời Mạc cũng có lò gốm, sản phẩm tìm được chỉ là đồ gia dụng nồi, niêu, ấm, chậu, vại nhỏ, hoa văn trang trí thô sơ. Đây là mặt hàng phục vụ bình dân. Ở đền Tiên Đôi xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng chúng tôi thấy có một bình hương ghi tên Tiến sĩ Khoa Bính Tuất, Đoan Thái(1586) Nguyễn Khắc Cần người làng này cung tiến.
– Nghề khắc đá tượng: Trang trí hoa văn bia, khánh đá, bàn thờ, lư hương…còn khá nhiều. Thợ đá nổi tiếng là vùng Gia Đước nay thuộc xã Gia Đức huyện Thuỷ Nguyên đã lưu tên trên nhiều sản phẩm mỹ thuật đá.Ngoài ra cũng có vài sản phẩn thời này ghi tên thợ làng Tây Am nay thuộc xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo.
– Nghề sản xuất ngư cụ như đóng thuyền đánh cá trong lồng ngoài khơi nổi tiếng ở 8 vạn chài Đồ Sơn làng Quần Mục xã Đại Hợp, Kiến Thuỵ, làng Bàng Động, Tiểu Bang này thuộc quận Đồ Sơn đều rất nổi tiếng. Những làng này xưa đều thuộc huyện Nghi Dương, đế hương triều Mạc. Các làng Cổ Trai, Đa Ngư đều thạo nghề cá, có phường lưới (thâm vống). Tổng Đại Trà huyện Nghi Dương, quê công thần khai quốc triều Mạc Nguyễn Như Quế (được ban họ vua, làm đến chức Phụ Chính đại thần đời vua Mạc Mậu Hợp) có nghề ra vùng bể Cát Bà bắt đồi mồi lấy vẩy làm đồ mỹ nghệ, vùng này cũng có nghề rèn nổi tiếng.
Như vậy trung tâm Dương Kinh tuy không có những phường phố chuyên sản xuất tàn lọng, hia hài… phục vụ đồ ngư dụng của triều đình, nhưng lại có những nghề sản xuất binh khí, tàu thuyền phục vụ chiến đấu và phục vụ tâm linh tín ngưỡng của nhân dân và cả quý tộc .
3. Những di tích về nghề buôn.
Các sứ giả phong kiến và đương đại đều thống nhất thời Mạc nghề trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ đều khá phát triển, triều đình không nặng tư tưởng trọng nông ức thương nên nghề buôn, cả nội thương, ngoại thương đều phát triển Với binh lực mạnh, xã hội ổn định nên triều đình chi mở cảng giao thương ở ven biển hoặc vào sâu nội địa.ở địa bàn Hải Phòng cũng thấy những chợ vùng lớn như chợ Đầm (Tiên Lãng) chợ Hàn mà bia quán Trung Tân Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến, chợ Bát xà gọi tắt là chợ xã chợ hương, huyện Kiến Thụy, chợ tổng huyện Thuỷ Nguyên, chợ Ruồn, chợ Thái, huyện An Lão, chợ Rế huyện An Dương… Những phố cho người hoa đến ở buôn bán như phố Khách Long Mã bên sông Bạch Đằng, phố khách ở Quang Phục, phố khách ở Cát Bà, phố Nhộn ở sông Họng Đồ Sơn còn các biển Hạ Hôm – Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, biển Đồng Minh huyện Tiên Lãng, bến Đổng Sông (có tài liệu viết là Đông Lũng) huyện An Lão… là nơi khách buôn nước ngoài nhất là Hoa thương và cả Công ty Đông Ấn đã đến đây mua tơ sống, hàng mỹ nghệ, rau tươi và xin nước ngọt.
Những chợ lớn, bến cảng, phố buôn kể trên phản ánh thực trạng thương nghiệp thời Mạc. Hiện còn tương đối nhiều, đa dạng.
4. Những di tích lịch sử văn hoá
4.1. Văn từ.
– Đền thờ triên hiền huyện Tiên Minh đặt ở xã Ninh Duy nay thuộc xã Khởi Nghĩa huyện Tiên Lãng tạo sùng khang 9(1576) được bộ hộ chuẩn y thỉnh cầu của thôn sĩ huyện. Nền văn từ còn một phần bia đá tìm lại được.
– Văn từ thờ Nhữ Văn Lan đồ Đồng tiến sĩ khoa Lê Quang Thuật 4(1463) làm quan đến chức Hồ bộ Thượng Thư, chết được phong phúc thần bản xã An Tử Hạ nay thuộc xã Kiến Thiết huyện Tiên Lãng. Ở nhà thờ họ Nhữ còn lưu tấm bia tiên hiền do học trò dựng thờ thầy.
4.2. Đền, Miếu:
Những đền miếu thờ công thần thời Mạc ở Hải Phòng hầu hết bị phát huỷ như đền thờ Tình quốc công Vũ Hộ ở xã Cung Hiệp nay là thôn Thù Du xã Minh Tân, đền thờ Thái Sư Hải quốc công Phạm Gia Mô ở Lê Xá xã Kì Sơn đều thuộc huyện Kiến Thuỵ, đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn ở xã Nguyệt Ánh xã Thái Sơn huyện An Lão… con cháu dòng họ phải bỏ làng, đổi họ. Qua kiểm kê của Bảo tàng Hải Phòng chỉ còn đình An Bồ xã Dũng Tiến thờ vợ chồng kỳ quận công Phạm Đức Kỳ và vợ ông bà mua hậu chùa nên còn tượng. Sau phạm Đức Kỳ theo Lê.
– Từ đường Tam tiến sĩ ở xã Thạch Lưu nay thuộc xã An Thái, thờ Nguyễn Kim, đỗ Đồng tiến sĩ kho Lê Cảnh Thống 5(1502) và hai con: Nguyễn Chuyên Mỹ đỗ đồng Tiến sĩ, Nguyễn Đốc Tín đồ hoàng giáp cùng khoa Lê Hồng Thuận 6 (1514).Hai anh em đều làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư. Nguyễn Chuyên Mỹ mở trường dạy học, nhiều người thành đạt. ở từ đường có đôi câu đối cổ:
Đồng thế đồng chiều tam tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng sinh quy.
Nghĩa là: Cùng một đời cùng một triều đại có 3 người đỗ tiến sĩ. Cùng một nhà, cùng một ngày có 2 người được vinh quy bái tổ. Sau khi mất Nguyễn Chuyên Mỹ được phong phúc thần bản xá, nhưng đến triều đại sau dân làng muốn xin sắc phong lại khai ông chống Mạc Đăng Dung.
– Đình thôn Tràng xã Đông Quất nay thuộc xã Tam Đa huyện Vĩnh Bảo thờ Nguyễn Sư Khanh, người làng này đỗ đồng tiến sĩ khoa Mạc Hồng Ninh thứ 2 (1592) làm quan cho nhà Mạc sau theo nhà Lê, đi sứ sang nhà Minh trên đường về bị đắm thuyền chết. ở quê có bài ca:
Hiệu Hồng Ninh thứ hai năm ấy
Khoa nhâm thìn tiến sĩ ràng rành
Văn nhân tài tử đau tranh,
Thứ 3 ông Nguyễn Sư Khanh bảng đầu.
4.3 Chùa
Sau kháng chiến chống Minh, chùa chiền được tu tạo nhưng không nhiều. Triều Hậu Lê đặc biệt vua Lê Thánh Tông độc tôn nho giáo, tăng lữ, đạo sĩ bị khinh rẻ. Đến triều Mạc với tư tưởng cởi mở, các tôn giáo được tự do nên đạo phật, đạo giáo đều phát triển, mặc dù nhà Mạc vốn sùng nho, dòng dõi các danh sĩ Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi. Năm 1533 cha cố Irhêkha (Igneto) đến vùng Quần Anh, Ninh Cường, Nam Định truyền giáo nên đạo phật phát triển chùa chiền được tu tạo, tượng pháp, chuông khánh được tô đúc mà bia ký thời Mạc, hiện còn lưu được khá nhiều. Mặc dù, dưới thời pháp thuộc,đạo thiên chúa phát triển những làng công giáo toàn tòng, chùa chiền xoá bỏ, bia đá chuông đồng không được lưu giữ, làng Tỉnh Lạc Huyện Tiên Lãng là một minh chứng. Sau CMT8 năm 1945 qua hai cuộc chiến tranh lâu dài, khốc liệt, lại do nhận thức lệch lạc một thời nên nhiều di tích bị đổ nát, mất mát, trong đó có di tích văn hóa thời Mạc.
Căn cứ kết quả kiểm kê di tích và hồ sơ xếp hạng di tích hiện lưu tại Bảo Tàng Hải Phòng kết hợp với thư tịch cũ,ở Hải Phòng dưới kthời Mạc có 3 chùa được dựng mới là:
– Chùa Minh Phúc xã Cẩm khê nay thuộc xã Toàn Thắng huyện Tiên Lãng dựng năm Sùng Khang 7 (1574) do Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là hội chủ hưng xây.Ngoài chùa bà còn làm cầu, làm quán và mở chợ, mua ruộng tự điền. Chùa đổ trong kháng chiến, chỉ giữ được vài pho tượng, bia và đang được trùng tu.
– Chùa Cối Sơn ở Thôn Côí xã Thiên Lộc nay thuộc xã Đại Hợp huyện Kiến Thuỵ, dựng năm quang Bảo 9 (1563). Chùa đổ nát trong chiến tranh, hiện đã làm lại. Bia Cối Sơn tự bi kí và nhiều bia, tháp đá khác còn giữ được.
– Chùa Song Mai dân còn gọi là chùa Ngàn Mai do phu nhân thứ 3 của Trạng Trình, người Đồ Sơn vì không có con nên xin Trạng dựng chùa ở làng Trung Am để tu phật. Trong chùa có nhà hậu thờ Bà. Chùa có trồng vườn cây mai, nay không còn, chùa đã được sửa chữa nhiều lần.
Trùng tạo, sửa chữa lớn 11 chùa gồm:
– Chùa Bà Đanh làng Trà Phương nay thuộc xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thuỵ chữa năm đầu Thuần Phúc (1565).Chùa ở phía đường sang Tú Đôi, Dư Lễ. Lần chữa này được ghi ở bia Tu tạo Bà Đanh tự chi bi. Nhưng do chùa đổ nên bia này chuyển về bảo quản tại chùa Thiên Phúc cùng thôn, do đó nhiều người lầm chùa Bà Đanh là chùa Thiên Phúc, vì 2 chùa cùng ở làng đều do Thái hoàng thái hậu Vũ Ngọc Toàn hưng công.
– Chùa Dương Tân xã Tân Dương huyện Thuỷ Nguyên sửa năm đầu Diên Thành (1578). Chùa hiện còn dấu vết cũ, hiện đã được tu bổ.
– Chùa Kiến Linh xã Phục Lễ huyên Thuỷ Nguyên sửa năm Thuần Phúc 2 (1566) được ghi ở bia Trùng tu Kiến Linh tự bi. Đây là một ngôi chùa lớn quy mô to tát, hội chùa có hát đúm, hội mở mặt. Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét cổ kính. Rất tiếc, nhiều bia đá cổ bị hư hỏng.
– Chùa Thọ Linh xã Đoan Lễ huyện Thuỷ Nguyên, sửa năm Thuần Phúc 3 ( 1567), được ghi ở bia Trùng tu Thọ Linh tự bi kỷ. Chùa Sùng Ân xã Phú Kê nay thuộc thị trấn Tiên Lãng, sửa năm Diên Thành 3 (1587).
– Chùa Linh Khánh xã Bàng Động vốn là xã Đại Bàng đời Trần, nay thuộc xã Bàng La quận Đồ Sơn. Việc sửa chùa được phản ánh ở bia: Vĩnh Khánh tự bi tạo năm Diễn Thành 6 (1583), Diễn Thành 7(1584).
– Chùa Trúc Am xã Du Lễ huyện Kiến Thuỵ. Việc chữa được ghi trong bia Trúc Am tự bi tạo năm Đoan Thái 4(1588). Chùa cổ được tu tạo nhiều lần, hiện vẫn giữ nét kiến trúc cổ, có tượng Tam Thế đời Mạc (mất một pho).
– Chùa Bảo Khánh xã Yên Tử Hạ nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Đợt sửa này ghi ở bia Tu tạo Bảo Khánh tự bi tạo năm Hưng Trị 2(1589). Chùa hiện còn giữ một di vật đời Mạc.
– Chùa Hoa Tân xã Bách Phượng nay thuộc xã An Luận huyện An Lão, sửa năm Diên Thành 5(1582), được ghi ở bia Hoa Tân tự bi. Chùa đã được sửa chữa nhiều lần, bia tượng thời Mạc hiện còn giữ được.
– Chùa Linh Sơn xã Áng Sơn nay thuộc xã Thái Sơn huyện An Lão, sửa năm Diên Thành 6 (1583), ghi ở bia Trùng tu Linh Sơn tự bị. Trong chiến tranh chùa đổ nát, nay đang được phục dựng gần đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn.
– Chùa Hà Lân xã Đông Minh nay thuộc xã Tiên Thắng huyện Tiên Lãng, việc tu tạo ghi ở bia Hà Lân tự bi ký tạo năm Hưng Trị 2(1589).
Hầu hết các chùa xây mới, trùng tu đều do hoàng tộc đứng ra làm hội chủ hưng công và đóng góp công của rất lớn, chưa kể một số chùa họ cho cúng ruộng, cúng tiền, chắc các chùa này hồi ấy còn tốt. Ngoài giá trị kiến trúc, các chùa Mạc còn có nhiều pho tượng phật, tượng người như các tượng Vương ở chùa Nhân Trai, chùa Trung Hành, chùa Trà Phương, tượng Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ở chùa Hoa Liễu, các tượng hậu các lư hương, bàn thờ, diềm bia, rồng, phượng, nghê… tất cả đều mang sắc thái, tư tưởng thời đại được các nhà mỹ học đánh giá cao.
Đặc biệt, các chùa hầu hết được làm mới tu tạo đều thuộc triều các vua Mạc Phúc Nguyễn, Mạc Mậu Hợp, riêng triều vua Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh rất ít. Ta biết Mạc Đăng Dung, năm 1517 có tờ tấu vua Lê Chiêu Tống vạch tội bọn quân nhân Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ giả xưng là Thiên Bồng Thiên Vũ lừa dối ngu dân. Chùa Phật Phù Kinh là trưởng bán gian miếu thần Bồ Bái là ổ giấu nguỵ… cũng như di chúc lúc ốm nặng “Không làm đàn chay cúng phật” chứng tỏ ông có nhận thức hành xử đúng đắn về tín ngưỡng.
Những năm gần đây, chính quyền đoàn thể các cấp cùng nhân dân thành phố Hải Phòng đã phục dựng trùng tu nhiều di tích lịch sử văn hoá, nhất là di tích thời Mạc. Những di tích này đã phát huy tác dụng tốt, song vịêc tôn tạo bảo tồn cũng còn có sai sót làm biến dạng một số di vật, một số bộ phận công trình.
Tài liệu tham khảo:
1 Đê cổ Chân Kim. Ngô Đăng Lợi. Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng
2 Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh- Nguyễn Văn Sơn, nxb KHXH. 1997
3 Đề cương quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Dương Kinh. Việc bảo tồn di tích – HN- 1996.
4 Hợp biên thế phả họ Mạc. nxb Văn hoá dân tộc 2001
5 Kiến Thuỵ xưa và nay, nxb lao động 2001
6 Văn bia thời Mạc. Đinh Khắc Thuần – nxb Hải Phòng 2010
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.