- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17341
- Tổng truy cập: 3,369,455
VỀ ĐẠO SẮC “TỬ DƯƠNG THẦN TỪ” SỚM NHẤT HIỆN CÒN
- 370 lượt xem
VỀ ĐẠO SẮC “TỬ DƯƠNG THẦN TỪ” SỚM NHẤT HIỆN CÒN
CUNG KHẮC LƯỢC,
CHU QUANG TRỨ
Làng Tử Dương, tên Nôm gọi làng Tía thuộc xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Làng ấy theo Hương phả (1) có rất nhiều vị làm Thầy: Thầy đồ dạy chữ và Thầy lang chữa bệnh, có nhiều người đỗ đạt cao, có nhiều người làm quan trong Viện Thái y các triều Lê-Nguyễn. Từ thời Lê, nhiều người làng ra Kinh thành Thăng Long, đã tụ lại lập hẳn một phường gọi là: “Đông Hoa Thị” có đền thờ riêng, nay ở số 8 Hàng Buồm, Hà Nội, và hiện vẫn còn bia đá với lòng văn, dựng từ năm Cảnh Hưng 28 (1767)(2).
Đình ở quê mới được trùng tu, còn đền ở Hàng Buồm thì đã trở thành nhà dân. Thần phả gôc không còn. Dân làng nhớ hội lệ, nhưng không hiểu thật rõ sự tích Thành hoàng. Tuy nhiên một loạt câu đối, hoành phi còn lại đều tập trung ca ngợi công đức của vua Lê Đại Hành (ở Đình quê) và của đức Hưng Đạo Đại Vương (ở Đền Hàng Buồm). Hai vị anh hùng dân tộc này đã thành các Phúc thần của người Tử Dương; song biết đâu đó chả thuộc vào lớp văn hoá (tín ngưỡng) muộn? Chúng tôi muốn hiểu tận nguồn một cách chính thức, bằng con đường tư liệu Hán – Nôm, nên đã ra sức lục tìm ở địa phương sở tại và cả ở Hà Nội qua những người quê gốc Tử Dương. Kết quả bước đầu phát hiện ra nhiều bia đá (chỉ riêng trong 1 ngôi chùa làng đã có hơn 30 tấm bi ký), chuông đồng, hương ước, hương phả… được viết trong các thế kỷ 17-18-19 và đầu thế kỷ 20. Song tất cả chưa hé một tia sáng mới nào. Thế rồi nhớ ra rằng, trước đây Vụ Bảo tồn-Bảo tàng Bộ Văn hoá Thông tin vào những năm của thập kỷ 60 đã tiến hành thu thập và bảo quản được một số sắc phong Thần. Có thể trong số đó có sắc của Tử Dương? Theo hướng tìm này, đến cơ quan nói trên, được ông A.Vụ Trưởng cho phép, được bà Thời và ông Nhất là các cán bộ nghiệp vụ ở đây tận tình giúp đỡ, chúng tôi đã tìm thấy đạo sắc góc trên mặt sau ghi 4 chữ Hán viết bằng son theo hàng dọc, đọc theo âm Hán Việt là “Tử Dương Thần tự”. Văn bản này mang số đăng ký là 01, vốn gốc ở đền thôn Tử Dương (Tía) tỉnh Hà Đông (cũ).
Sắc rộng chừng 1m40 cao 45cm, cùng khuôn khổ với nhiều đạo sắc thuộc các đời vua trong ba triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn, làm bằng loại giấy dó chuyên để viết sắc, có màu vàng đậm, khá dày. Nền nổi hiện hình rồng mây vẽ tay thuộc phong cách trang trí thời Mạc. Cuối sắc, trên dòng niên hiệu vua có đóng tỉ ấn hình vuông to màu son với 4 chữ Triện: Sắc Mệnh Chi Bảo”, khẳng định đây là bản chính của triều đình phong tặng. Mép Sắc một số đoạn giấy bị sờn, nhưng không ảnh hưởng đến chữ nào cả.
Toàn văn đạo Sắc được viết thành 12 cột chữ Hán, nói chung mỗi cột 7 chữ, riêng cột đầu có thêm chữ “Sắc” viết nhô dài lên, cột 11 cuối nội dung Sắc chỉ cơ 2 chữ “Cố Sắc”, sau đó cách một khoảng xa thì đến cột niên đại gồm 10 chữ với dấu son.
Xin phiên âm Hán-Việt toàn văn với sự ngắt câu của chúng tôi, như sau:
“Sắc
Dực tĩnh phù tế, phổ thí hồng trạch, uyên hựu đại long vương. Thiên địa chi linh, nhạc đọc chi tú. Biến hoá vô phương, Thần vận bất trắc, Nhị Ngũ Khí chi tinh anh; Cảm thông phất viễn, mặc tướng khổng hoằng, vạn ức niên chi hiển ứng. Giải tác phổ thí ư hồng trạch; Hoán bao tặng diệu ư Long ân. Khả thăng THƯỢNG ĐẲNG THẦN TỪ.
Cố sắc!
Sùng Khang cửu niên thập nhất nguyệt sơ lục nhật.
“Sắc Mệnh Chi Bảo”
Biết rằng câu chữ trên Sắc rất cô đọng, mỗi từ hàm nhiều ý, nên chúng tôi đã gắng tra cứu từ điển, tạm dịch có ken thêm đôi chữ của chúng tôi viết trong ngoặc đơn để cho câu văn tiếng Việt lọn nghĩa:
“Sắc (phong): Dực tĩnh Phù tế Phổ thí Hồng trạch uyên hựu Đại Long Vương: Sự linh thiêng của trời đất, vẻ tươi đẹp của núi sông; Biến hoá muôn phương, Thần thông khó đoán, gộp tinh anh của khí ngũ hành; cảm thông gần gũi, phù hộ khắp nơi, hiển linh ứng suốt, muôn vạn năm; Cởi dữ làm lành, rộng ban ân trạch; Tặng khen rạng rỡ, long trọng ơn trên. Khá thăng (là) Đền Thần Thượng Đẳng.
Nay Sắc (phong)!
Ngày mùng 6 tháng 11 niên hiệu Sùng Khang năm thứ 9 (tức năm 1574) Con dấu) Sắc Mệnh chi bảo.
Với niên đại 1574, chúng tôi được biết đây là đạo sắc sớm nhất ở nước ta còn giữ được đến nay. Chỉ điều này thôi cũng khẳng định đạo sắc này là một di vật lịch sử – văn hoá – nghệ thuật quí báu. Niên hiệu Sùng Khang là của Mạc Mậu Hợp. Ông vua này lên ngai vàng từ khi còn 2 tuổi, rồi trị vì những 30 năm (1562-1592), là vua cuối cùng của triều nhà Mạc ở Thăng Long, từng thay đổi niên hiệu tới 6 làn với ý mỗi khi gặp phải “vận đen”, thì thay tên đổi hiệu, để tìm cầu vận hội mới tốt đẹp hơn. Chính đời Mạc Mậu Hợp chiến tranh với Lê – Trịnh diễn ra liên miên, song thủ công nghiệp và kinh tế hàng hoá lại phát triển, nhiều di tích văn hoá – nghệ thuật được xây dựng và rất được lòng dân, nhất là với xứ Đông quê hương của nhà Mạc.
Đạo Sắc đền Thần ở Tử Dương (Tía) cũng tương ứng với loạt Thần Phả sớm nhất, hiện được biết, do Hàn lâm Viện Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn, với niên đại Hồng Phúc nguyên niên (1572), theo niên hiệu của vua Lê Anh Tông thuộc Nam triều. Như vậy có lẽ vào nửa thế kỷ 16, trong lúc chiến tranh Nam-Bắc triều gia tăng, các triều đinh Lê-Trịnh và Mạc đều tìm đến sức mạnh Thần Linh, tranh thủ phong Thần và nâng cấp đến thờ Thần. Và nhờ đó, về văn hoá và lịch sử, chúng ta có thêm một nguồn tài liệu thành văn nữa là Thần phả và sắc phong, văn tự hoá được nhiều tư liệu truyền miệng đương thời.
Trở lại nội dung đạo sắc, chúng ta nhận diện được một tầng văn hoá cổ nhất ở Tử Dương (Tía) (chí ít với tư liệu mà hôm nay có được): Thành hoàng là NHIÊN THẦN; nhân cách hoá một sức mạnh siêu nhân của NƯỚC với hình tượng ĐẠI LONG VƯƠNG, còn dư vang bóng dáng RỒNG RẮN. Thần là sự kết hợp nhuần nhuyễn của 2 khí ÂM – DUƠNG, của 5 tố chất NGŨ HÀNH tạo nên VŨ TRỤ và điều hành sự phát triển của vũ trụ.
Với người dân Tử Dương (Tía) đang phụng thờ Thần, thì Thần vừa cao xa với vợi “sâu xa khôn dò”, “biến hoá muôn phương”, con người “không thể đoán được Thần vận”… cũng lại vừa như luôn luôn ở bên, để lúc nào cũng “cảm thông gần gũi, giúp đỡ âm thầm”. Thần là vị Phúc thần gắn chặt với “Trời đất thiêng liêng” và “núi sông tươi đẹp”, tồn tại bất diệt “muôn vạn năm hiển ứng”. Và sự hiển ứng của Thần là để “chở che rộng khắp, phù việc trị an, vớt kẻ hoạn nạn, gia ơn cho mọi người”. Chính vì thế Thần là chỗ dựa tin cậy nhất của dân làng với sự kỳ vọng “cởi dũ làm lành”, “rộng ban ân trạch nhuần hoà cho muôn vật”. Nhà nước trung ương với quyền lực bao trùm xã hội phải thừa nhận công đức của Thần, tặng ban Sắc phong và khẳng định nơi thờ là “Đền Thần Thượng Đẳng”!
Lớp văn hoá này gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước, thuộc cơ tầng văn hoá xóm làng Việt trong thời dựng nước lâu dài, nó phù hợp với hội lễ Xuân – thu ở miền đồng bằng nổi trội các trò chơi đua thuyền, đá cầu, thả diều, đánh đu… để cầu mưa và cầu phồn thực.
Nhưng với gây cấn của một xă hội nhiễu nhương và nhất là những gay cấn của thời giữ nước, lớp văn hoá trên bị mờ dần, để rồi phủ lên một lớp văn hoá mới thờ các vị anh hùng dân tộc nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống chống ngoại xâm.
Giới thiệu đạo sắc “Tử Dương Thần Từ” với niên đại 1574, mà bao nhiêu năm nay được cất kỹ trong kho tư liệu của ngành văn hoá, chúng tôi muốn đưa của báu từ trong rương trong hòm ra tủ kính để chúng ta cùng chiêm ngưỡng và suy ngẫm. Đạo sắc sớm này có thể xem là mẫu chuẩn cho Sắc của các thời sau ở cả chất liệu, khuôn khổ, trang trí nền, nghệ thuật trình bày và chữ viết; là chứng chỉ công nhận di tích và liệt hạng cao nhất của triều đình nhà Mạc. Đặt nó vào hoàn cảnh xã hội phong đương thời, chúng ta có thể nhận ra một lối ứng xử văn hoá-chính trị khôn khéo của xã hội quân chủ xưa, đồng thời cũng bóc tách rõ các tầng văn hoá ở địa phương để nhận diện một tầng văn hoá cơ sở nhất.
Cuối cùng, dù sao những suy nghĩ trên đây cũng vẫn chỉ là một giả thiết – một giả thiết để nghiên cứu – mong được đồng nghiệp trao đổi và các quí vị cao minh chỉ giáo, đó là hạnh phúc mà chúng tôi không dám mong hơn.
Phan Đăng Thuận St
CHÚ THÍCH
(1), (2) Xem: Di sản Hán Nôm làng Tử Dương, Nxb.Văn hoá, H.1994./.
Tạp chí Hán Nôm số 1-1995.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.