- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17922
- Tổng truy cập: 3,369,720
Tổng quan về hội thảo “NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC”
- 256 lượt xem
Tổng quan về hội thảo
“NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC”
Mạc Văn Trang
Công cuộc đổi mới mở ra từ 1986 mà khởi đầu là theo “khoán hộ” trong nông nghiệp, gắn liền với tên tuổi Bí thư Kim Ngọc của Vĩnh Phúc, đã đem lại những đổi thay toàn diện cho đất nước. Theo xu hướng đổi mới tư duy, hơn hai thập kỷ qua, các nhà sử học đã có nhiều nghiên cứu mới về nhà Mạc, không chỉ gỡ bỏ bớt đi những “oan khuất khôn nguôi”, đem lại sự “công minh lịch sử” cho vương triều Mạc[1], mà còn góp phần nhận thức lại, nhận thức mới, tiếp tục nhận thức về một thời đại trong lịch sử nước nhà.[2] Những cuộc nghiên cứu và hội thảo về nhà Mạc tại Hải Phòng (1985, 1994, 2000), tại TP. Hồ Chí Minh (1991), tại Hà Nội (9/2010), Cao Bằng (6/2011), Hải Dương (10/2011)… đã có nhiều đóng góp vào kho tàng lịch sử chung và của mỗi địa phương. Tiếp nối theo hướng đó, cuộc hội thảo lần này “NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC” họp tại phủ Vĩnh Tường nổi tiếng từ xưa, thật lắm cơ duyên, nhiều suy cảm và ý nghĩa!
Báo cáo tổng quan về hội thảo đề cập ba vấn đề chính:
v Vĩnh Phúc với nhà Mạc
v Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc
v Thay lời kết
1. Vĩnh Phúc với nhà Mạc
1.1.Về mặt địa lý, Vĩnh Phúc là vùng đất chuyển tiếp giữa miền núi, trung du và đồng bằng. Phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía tây giáp Phú Thọ, phía nam giáp Thăng Long – Hà Nội. Vĩnh phúc rất thuận lợi giao thông đường thủy với những dòng sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ… Dân cư sớm hình thành những cộng đồng ở ven đồi và dọc theo các triền sông.
Bản đồ Vĩnh Phúc 2005. (theo báo cáo của Phan Đăng THuận)
Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy nên khi trị vì ở Thăng Long, nhà Mạc luôn coi Vĩnh Phúc là hậu phương vững chắc; khi thất thủ rút lên Cao Bằng, nhà Mạc vẫn coi Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược quan trọng, tiến có thể đánh về Thăng Long, lui có thể rút về thành lũy ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng sơn, Cao Bằng… Vì vậy Vĩnh Phúc chắc hẳn là vùng đất chứa đựng nhiều dấu tích của nhà Mạc và hậu duệ.
1. 2. Về lịch sử – văn hóa, Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Thời tiền sử, sơ sử có các di chỉ khảo cổ học điển hình là: Gò Đồn, gò Hội, gò Sỏi, gò Đặng, đồng Ba Bậc, gò Trâm Dài, Đồng Xuân... Đặc biệt, Khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu (Đồng Đậu) thuộc Yên Lạc, được phát hiện vào năm 1962, cho biết người Việt cổ đã cư trú trên đất này từ 1.500 năm TCN. Thời đại các vua Hùng dựng nước Văn Lang, thì Vĩnh Phúc là một phần trọng yếu[3].
Vĩnh Phúc gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 – 43 sau CN. “Bà Trưng quê ở Châu Phong”… Cái tên Châu Phong theo nhà sử học Đào Duy Anh chính là thuộc Vĩnh Phúc, và Vĩnh Tường là vùng trung tâm của Châu Phong.[4] …
Riêng về thời Mạc, theo báo cáo của Đinh Khắc Thuân (viện Hán Nôm) và báo cáo của Lê Kim Thuyên (Hội Khoa học Lịch sử Vĩnh Phúc), cả hai đều cho biết ở Vĩnh Phúc đã có 16 người đỗ Tiến sĩ, giữ nhiều quyền cao, chức trọng trong triều Mạc[5] (Huyện Yên Lãng 5 người, huyện Yên Lạc có 6 người, huyện Lập Thạch 5 người).
Như vậy Vĩnh Phúc có những gắn bó chặt chẽ với nhà Mạc.
2. Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc.
Đây là chủ đề chính của hội thảo này. Tuy nhiên với gần 40 báo cáo tham gia hội thảo, vấn đề và khung cảnh được đề cập rộng hơn, có thể chia thành ba cụm vấn đề chính:
v Tiếp tục nghiên cứu về nhà Mạc và họ Mạc
v Những dấu tích về nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc
v Truyền ngôn và dấu tích về vua Mạc Kính Vũ
2.1. Tiếp tục nghiên cứu về nhà Mạc và họ Mạc
Trần Thị Vinh (Viện Sử học) với báo cáo “Một phần tư thế kỷ nhận thức về nhà Mạc và thời đại Mạc” đã phân tích những chuyển biến của giới sử học qua ba giai đoạn: nhận thức cũ trước thập kỷ 80; nhận thức lại, nhận thức mới từ 1985 – 2000; tiếp tục nhận thức về nhà Mạc và thời đại Mạc, từ 2000 đến nay…
Ngưu Quân Khải (Đại học Trung Sơn, Trung Quốc) với báo cáo “Bước đầu nghiên cứu về nhà Mạc ở Cao Bằng và hậu Cao Bằng” cho biết: “Sau khi chính quyền ở Cao Bằng bị đổ, vẫn còn có hậu duệ và thế lực nhà Mạc không ngừng nổi dậy đấu tranh phục quốc, sức ảnh hưởng được duy trì cho đến nửa sau thế kỉ XVIII”…
Dương Liễm (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) trong báo cáo “Đồn thú ở Tân Cương thời Thanh và người Việt Nam” cho biết “qua khảo sát sử liệu kết hợp với điều tra thực địa, phác họa một cách đại cương về quá trình lưu lạc đến Tân Cương vào thời nhà Thanh của hai đoàn người Việt Nam với hai người đại diện: sớm hơn là Hoàng Công Toản (con trai của Hoàng Công Chất)”. “Sử liệu nhà Thanh xác nhận Hoàng Công Toản – Hoàng Công Chất là hậu duệ của vương triều Mạc ở Cao Bằng, mà cụ thể là của Mạc Nguyên Thanh” (tức Mạc Kính Vũ).
Mạc Ích Đế (nhà nghiên cứu Cao Bằng) có báo cáo điều tra “Một số dấu tích về nhà Mạc ở Cao Bằng (vùng Bằng Ca, huyện Hạ Lang), cho thấy còn nhiều dấu tích của nhà Mạc và hậu duệ ở Cao Bằng cũng như mối liên quan giữa Cao Bằng với con cháu Mạc tộc ở mọi nơi, vẫn chưa được nghiên cứu…
Chu Xuân Giao (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) có hai báo cáo chuyên sâu “Đi tìm dấu ấn cha con Mạc Kính Diệu ở Quảng Châu” và “Ba vua Mạc cuối cùng qua sử liệu Trung Quốc (1638-1683)”, với hơn 150 trang. Đây là tiểu luận nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về ba vị vua Mạc cuối cùng thuộc nửa sau của vương triều Mạc thời kì Cao Bằng (Mạc Kính Hoàn/Mạc Kính Diệu, Mạc Kính Vũ/Mạc Nguyên Thanh và Mạc Kính Quang), trong khoảng một nửa thế kỉ (1638-1683)…
Tóm lại, hơn một phần tư thế kỷ qua đã có nhiều công trình nghiên cứu mới, vượt ra ngoài những sử sách đã viết về nhà Mạc, đưa đến những nhận thức mới, tuy nhiên việc này cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, mà cuộc hội thảo này là một minh chứng.
2.2. Những dấu tích về nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc.
Nguyễn Thị Thuý Hằng trong báo cáo “Một số hiện vật tiêu biểu của thời Mạc ở Bảo tàng Vĩnh Phúc” cho thấy chỉ có một ít đồng tiền “Đại chính thông bảo”, “Thái bình thánh bảo”, “An Pháp nguyên bảo”, một chân đèn và mấy viên gạch trang trí, tưởng như các dấu tích về thời Mạc đã bị xóa hết! May mắn thay đã có thêm những phát hiện mới.
Phan Đăng Nhật trong bài “Tìm đến đền thờ và khu vực lăng mộ thứ hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung” đã mô tả rõ di tích này được dân gọi là Đền bà chúa Lối thuộc thôn Cây Phấn, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Qua bài văn bia, được biết Bà tục danh là Nguyễn Thị Ngọc Lãng, được tặng hiệu Thái chiếu viên, xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc tại Vĩnh Phúc. Chính kỵ của Bà ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm…
Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm) trong báo cáo “Tài liệu Hán Nôm về Vĩnh Phúc và nhà Mạc ở Vĩnh Phúc”, cụ thể là các tài liệu địa phương chí và văn bia của Vĩnh Phúc hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội chứa nhiều nội dung phong phú về nhà Mạc với Vĩnh Phúc.
Nguyễn Hữu Mùi (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) “Giới thiệu văn bia mang niên hiệu nhà Mạc ở xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc” cho thấy, đây là văn bia khắc vào niên hiệu Quảng Hoà thứ 3, (1543), thuộc đời vua Mạc Phúc Hải (1541-1546). Văn bia cho biết ngôi chùa do cung phi hoàng hậu của nhà Mạc là bà Trần Thị Ngọc Quý hiệp cùng người em là tướng quân Trần Tử Sản đứng ra trùng tu…
Đinh Khắc Thuân và Phan Đăng Thuận trong bài “Chùa Sùng Khánh xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch và những pho tượng lạ” đã cho biết: “Hiện còn hai bia đá, cùng hệ thống tượng thờ vô cùng sinh động và quý giá, hàm chứa không ít sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng gắn với ngôi chùa này trong các thời kỳ lịch sử”. Hai bia đá của chùa đều được dựng vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê, năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708) và Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716). Nội dung ghi người hưng công xây dựng tường bao và tu sửa chùa là Tiểu tăng trụ trì chùa này Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái hiệu Huyền Ân. Tượng thờ có hai cụm tượng lạ. “Rõ ràng đây không phải là tượng Phật, cũng không phải là tượng Hậu mà là tượng ông và tượng bà, có thị tòng và thị nữ đứng chầu, tương tự tượng Vương (là người trong Hoàng tộc nhà Mạc) được thờ ở các ngôi chùa Hải Phòng. Tương truyền Nguyễn Hữu Pháp là con trai cả của Mạc Kính Vũ, nên rất có thể đã cho dựng tượng vua cha Mạc Kính Vũ và phu nhân để thờ ở chùa này”.
Chu Xuân Giao trong báo cáo “Dấu tích và hậu duệ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc qua khảo sát điền dã (trọng tâm là hai thôn Chùa và Diệm Xuân)” đã đi đến nhận định: “Những tư liệu thu được trong đợt điều tra tập trung và các đợt trước và sau đó, gồm tư liệu văn bản (gia phả cũ, gia phả mới, bi kí, tư liệu chứng thực, tư liệu dòng họ,…) và tư liệu phỏng vấn hồi cố kết hợp với tham dự quan sát (giỗ họ, khấn tổ tiên, chạp mộ, gặp gỡ anh em cùng họ,…) được chúng tôi tổng hợp để đối chiếu với các tư liệu ở phạm vi rộng hơn liên quan đến vương triều Mạc ở hai thời kì, đặc biệt là các sử liệu và di tích mới được chúng tôi phát hiện tại Trung Quốc. Từ tổng quan tư liệu như vậy, chúng tôi đã tìm được những tiếp điểm quan trọng giữa sử liệu văn bản và sử liệu truyền khẩu.”.. và “Không phải đến những năm cuối cùng của thời kì Cao Bằng, Vĩnh Phúc – đặc biệt là khu vực hai huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch ngày nay – mới trở thành nơi mai danh ẩn tích của nhà Mạc” …
Nguyễn Quý Đôn (nhà nghiên cứu của Vĩnh Phúc) có hai báo cáo: “Cuộc di dời của cháu con nhà Mạc đến bãi sông Cà Lồ và “Đi tìm gia phả người gốc Mạc ở Vĩnh Phúc” cho biết có một số con cháu nhà Mạc đã về ẩn cư tại bãi sông Cà Lồ, xưa kia rất hoang vắng… “Mặc dầu đã thay tên đổi họ, nhưng họ vẫn tìm cách gặp gỡ gắn bó với nhau. Địa chỉ gốc của họ từ Xa Mạc, Bồng Mạc, được qui ước là Xã Liên Mạc để con cháu họ Mạc có chỗ liên hệ với nhau. Nay Liên Mạc đã thành tên xã, khi xưa thuộc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.”. Ông cũng đã tìm tòi phát hiện con cháu họ Mạc cải sang mấy họ khác như sang họ Đỗ Đăng….; sang họ Trần. Ở cánh đồng Chanh thuộc xóm 2 thôn Xa Mạc, xã Bồng Mạc có ngôi mộ Tổ của người họ Mạc chạy loạn về là cụ Trần Quý Công. Họ Trần có chữ đệm mang nhiều ý nghĩa như: Trần Đăng…, Trần Thành…, Trần Ngọc…, Trần Minh…, Trần Quốc…, Trần Văn …., “Một điều lạ, tuy danh tính các chi khác nhau, nhưng khi nhận ra cùng gốc họ Mạc, những người này ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, hàn huyên không dứt. Họ đạp xe hàng chục cây số, từ sáng đến trưa, không quản mệt nhọc, về tới Xa Mạc, chỉ cốt thắp được nén hương trên nhà thờ và trên mộ Tổ là đã thỏa lòng rồi.”. Ông đã tìm thấy gia phả của họ Nguyễn gốc Mạc “Niên hiệu Bảo Đại thứ hai 1927, cháu đời thứ 12 là Nguyễn Xuân Sinh (Cành Thu Quế) phụng sao tộc phả”. Năm 2000, 12 vị đại điện các chi hi họ Nguyễn gốc Mạc đã cùng nhau biện soạn “ Nguyễn tộc gia phả” cho đầy đủ hơn. Theo đó thì tại Vĩnh Phúc, họ Mạc gốc có:
– Cành 10 tại Đông Lỗ, Đạo đức, Bình Xuyên
– Cành 11 tại Can Bi, Phú Xuân, Bình Xuyên
– Cành 12 tại Thanh Vân, Tam Dương
– Cành 13 tại Lai Sơn, Thanh Vân, Tam Dương
– Cành 14 tại Yên Nội- Vạn Yên, Mê Linh, nay thuộc Hà Nội…
Phan Đăng Thuận trong báo cáo “Bước đầu tìm hiểu về một số chi họ ở Vĩnh Phúc” cho biết hiện nay ở vùng đất Vĩnh Phúc có 14 chi họ, trong đó có 2 phái hệ chính: Phái hệ Mạc Kính Vũ đổi sang họ Nguyễn; phái hệ Mạc Mậu Hợp đổi sang họ Lê Đăng, họ Ngô, họ Hoàng thế; ngoài ra còn có họ Trừ, họ Nguyễn Đăng, họ Nguyễn…
Hoàng Thế Hiển trưởng tộc họ Hoàng Thế gốc Mạc ở Mê Linh (Vĩnh Phúc xưa) trong bài viết về “Hậu duệ hoàng đế Mạc Mậu Hợp tại Mê Linh” cho biết: “Bà Tam phi của Hoàng đế Mạc Mậu Hợp là Lương Thị Nha Nĩ là cụ tổ bà của dòng họ Hoàng Thế chúng tôi”. Bà sinh hạ được 3 người con trai. Năm 1592 bà đã cùng người con cả chạy về vùng Mê linh, Vĩnh phúc đổi sang họ Hoàng Thế… Tính từ đời cụ Lương Thị Nha Nĩ đến nay chúng tôi có 13 đời. Họ Hoàng Thế chúng tôi hiện nay có 1096 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở khu vực xã Tiền phong, huyện Mê linh, Vĩnh phúc. (nay là Hà nội).
Những dẫn liệu trên đã cho thấy nhà Mạc và hậu duệ gắn bó sâu đậm với đất Vĩnh Phúc, đã gần 500 năm.
2.3. Truyền ngôn và dấu tích về hoàng đế Mạc Kính Vũ
Thái Kế Toại, trong báo cáo “Một giả thiết về Mạc Kính Vũ qua hành trình làm phim Tiếng kèn nhà Mạc” đã phân tích nhiều tư liệu trên sử sách và truyền thuyết cũng như “điền dã” suốt hành trình làm phim ở hầu khắp các vùng miền có dấu tích nhà Mạc, cho thấy hậu duệ Mạc Kính Vũ phân tán ở nhiều nơi. Tuy nhiên giả thiết Mạc Kính Vũ về ẩn cư tại Vĩnh Phúc là có nhiều cơ sở…
Trần Thị Thanh Vân và Phan Đăng Thuận trong bài “Sử liệu thành văn và truyền miệng về hoàng đế Mạc Kính Vũ” nhận định: “… năm 1677, Mạc Kính Vũ thua trận ở Cao Bằng, phải chạy sang Long Châu (Trung Quốc) và cũng không cho biết cụ thể số phận của ông về sau như thế nào”. Nhưng những truyền thuyết và tư liệu địa phương cho thấy nhiều dấu tích của Mạc Kính Vũ ở huyện Lập Thạch và huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc…
Phan Đăng Nhật trong bài: “Hoàng đế Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng – Trung Quốc và thời kỳ cuối đời” đã đưa ra luận điểm và nhiều luận chứng để “làm sáng tỏ vai trò của hoàng đế Mạc Kính Vũ là một nhà vua lỗi lạc về việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của các bậc tiên đế, trong hoàn cánh lịch sử của mình”…“ Tập hợp nhiều ý kiến thuộc nhiều góc độ, với phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, chúng tôi có thể đề xuất giải đáp ban đầu rằng: sau khi đột ngột không xuất hiện, hoàng đế Mạc Kính Vũ đã bí mật về Vĩnh Phúc để mưu tiếp tục sự nghiệp và viên tịch tại đây. Mong các vị tiếp tục sưu tầm nghiên cứu. Tuy nhiên, trong tình hình tư liệu hiện nay, nhận định trên là gần với chân lý nhất”.
Nguyễn Hữu Hạnh trưởng tộc của bốn chi họ Nguyễn gốc Mạc ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc trong bản báo cáo về dòng tộc, viết: “Tổ tiên còn truyền ngôn lại rằng: Khi Cao Bằng thất thủ vua Mạc Kính Vũ cắt 1 cái đĩa ra làm 4 mảnh chia cho 4 người con trai mỗi người đi một nơi khác nhau. Khi nào hết binh đao loạn lạc anh em gặp nhau lấy đó làm vật chứng. Người con trưởng là Nguyễn Hữu Pháp cầm 1 mảnh về Tiên Lữ, nhưng đến năm 1965 Bộ Văn hóa đã về xin lại (mảnh đĩa) để đưa vào bảo tàng lịch sử Việt Nam”…Bằng truyền ngôn và nhiều dấu tích, mồ mả, bia ký…ông tin rằng: cụ Nguyễn Hữu Pháp (con trưởng) đã ẩn cư tại xã Tiên Lữ, còn vua Mạc Kính Vũ (cha)
ẩn cư tại chùa Trống, thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường bên kia sông…. “Tổ tiên di huấn lại rằng: Chúng ta đây là con cháu của cụ Mạc Kính Vũ (chứ không dám nói là Vua như ngày nay), bên Chùa Trống có 3 ngôi mộ quý hàng năm các cụ vẫn sang đắp mộ (chứ không nói rõ là mộ cụ nào) phải chăng vì sợ bị lộ nên các cụ không nói rõ”… sau này đã xác định “Đó là mộ Vua Mạc Kính Vũ và công chúa Mạc Chính Lan”…
Cụ Nguyễn Quang Thiết sinh năm 1932, ở thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường có “Bản tường trình” cụ thể. Ngày 20/3/1965 đơn vị bộ đội pháo binh cùng dân công đào đất làm trận địa pháo tại gò đất sau chùa Trống, thì thấy một ngôi mộ có quan tài bằng đá xám nguyên khối rất lớn, rất đặc biệt… Chủ tịch UB xã (Nguyễn Quang Thiết) làm văn bản báo cáo lên huyện ngày 20/3/1965. Chiều ngày 22/3/1965 đoàn cán bộ của trên về làm việc tại Việt Xuân. Buổi làm việc có mặt 10 đại biểu đại diện các ban ngành liên quan ở tỉnh, huyện, xã và chỉ huy đơn vị bộ đội. Sau khi trao đổi, xem xét kỹ, ông Nguyễn Xuân Dự, chủ tịch huyện Vĩnh Tường lúc đó kết luận: “Đây là ngôi mộ cố có thể vài trăm năm trước; người trong mộ chức sắc không phải nhỏ, có thể thuộc về triều đại danh sử quốc gia”… Ông yêu cầu di chuyển ngôi mộ để làm chiến hào, nhưng địa phương phải bảo vệ để sau này các nhà sử học sẽ nghiên cứu. “Vào 19 giờ ngày 25/3/1965, ngôi mộ được di chuyển đến bãi tha ma chùa Xuân Sơn tự, cách chỗ cũ khoảng 100m, nay là đầu bếp nhà ông Quang”…
Ngôi mộ mà cụ Thiết mô tả ở trên, sau này con cháu Mạc tộc đã xác định đó là mộ Công chúa Mạc Chính Lan.
Ông Nguyễn Văn Sỹ (trưởng tộc các chi họ Nguyễn gốc Mạc, tại Diệm Xuân – Việt Xuân – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) cùng các ông Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Toàn có ba bản báo cáo nói về truyền ngôn “HUẤN CHỈ TUYỆT MẬT CỦA TỔ TIÊN” đối với ba ngôi mộ Tổ tại chùa Trống (Xuân Sơn tự). Mỗi đời chỉ chọn một đến hai người thật tin cậy để truyền lại bí mật về ba ngôi mộ Tổ. Họ tin rằng đó chính là mộ cụ Cao tổ Mạc Kính Vũ, mộ Tổ Cô Mạc Chính Lan và mộ Tổ chi họ Nguyễn tại Diệm Xuân. ..
Phạm Huy Khang trong bài “Những sự trùng hợp kỳ lạ trong quá trình đi tìm mộ vua Mạc Kính Vũ” kể về tháng 12 – 2011 Hội đồng Mạc tộc Việt nam đi Vĩnh Phúc để tìm hiểu về mộ vua Mạc Kính Vũ… và đã diễn ra nhiều việc trùng hợp kỳ lạ, chưa thể lý giải được bằng khoa học mà chỉ có thể xác tín bằng niềm tin tâm linh!
Tóm lại, qua nhiều nguồn sử liệu cho thấy vua Mạc Kính Vũ sau khi thất thủ Cao Bằng có xuất hiện ở Trung Quốc… Giả thiết Mạc Kính Vũ đã cùng gia quyến và thuộc hạ về ẩn cư tại Vĩnh Phúc và mất ở đây, ngày càng phát hiện nhiều bằng chứng từ dấu tích đền chùa, bia ký, mồ mả, truyền thuyết, di huấn truyền đời cho hậu duệ là có cơ sở để tin tưởng[6]…
3. Thay lời kết
Kết quả nghiên cứu đem đến cuộc hội thảo khoa học hôm nay là nhờ một phương thức phối hợp độc đáo giữa các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kĩ thuật truyền thống thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Mạc tộc Việt Nam với hậu duệ nhà Mạc ở địa phương; kết quả nghiên cứu này còn có sự đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài (Dương Liễm, Ngưu Quân Khải), đồng thời với sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường.
Kết quả này cũng phải nói đến cách tiếp cận liên ngành và phương pháp điền dã đã được vận dụng tốt. ,
Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu được giới thiệu trong Hội thảo này chắc hẳn còn những hạn chế khó tránh khỏi. Đó cũng là những vấn đề cần được thảo luận và tiếp tục nghiên cứu.
25/8/2012
[1] Lời của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam
[2] Xem bài “Một phần tư thế kỷ nhận thức về nhà Mạc và thời đại Mạc”, Trần Thị Vinh, Báo cáo tại hội thảo.
[3] Xem Wikipedia, Di chỉ khảo cổ học Vĩnh Phúc, 20/7/2012
[4] Đào Duy Anh (1964) Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Khoa học Xã hội, H.N.
[5] “Tài liệu Hán Nôm về Vĩnh Phúc và nhà Mạc ở Vĩnh Phúc” (Đinh Khắc Thuân, Báo cáo tại hội thảo)
[6] Theo GS Hà Văn Tấn, sử liệu có 6 loại, trong đó loại thứ 5 là “sử liệu truyền miệng”[6] (Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Nhà Văn, HN, tr.22). Cho nên những báo cáo của các chi họ về những truyền ngôn được ghi lại là có giá trị.
GSVS Phan Huy Lê tổng kết hội thảo
Từ trái qua 1. là YOSHIKAWA Kazuki, 3. là Ngưu Quân Khải, 4. là Hiroe NAKAMỦRA tham dự hội thảo .
TRao đổi sôi nổi ngoài hội trường
Ông Nguyễn Mạc Xuân Thú, Chủ tịch HĐMT Hải Dương(trái)
và Mạc Văn Trang dự hội thảo
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.